Đời sống văn nghệ
Trần Đình Hiến giản dị trong những đóng góp lớn
14:58 | 13/03/2009
TRẦN THỊ TRƯỜNGBước chân vào cái ngõ 45 Phan Bội Châu gặp mùi bánh trứng nướng thơm phức bao trùm, ngỡ ngàng: “Ông Trần Đình Hiến còn là một chủ lò bánh?”. Nhưng: - Không phải đâu. Khu nhà này hầu hết là mấy anh em ruột chúng tôi sinh sống. Lò bánh này của một chú, còn các người khác mỗi người một nghề. Các em tôi đều chịu khó. Vâng, bây giờ ai chẳng lấy chịu khó làm đầu...
Trần Đình Hiến giản dị trong những đóng góp lớn

Ông cười hiền và cởi mở. Nhà ông ở tầng trên cùng. Ông 69, vợ ông 57 nhưng chẳng ai đoán vợ chồng ông đã ở tuổi ấy. Nhà cửa sạch sẽ, vẻ nền nã nho phong phảng phất. Biết người đến vì mê mấy cuốn văn học dịch của mình, ông nói chuyện say sưa nhưng lại là nói về các tác giả văn học mà ông tâm đắc.

- Thưa ông, nghe nói ông từng là cán bộ Sứ quán, nghĩa là có thể sống đến hết đời mà không phải băn khoăn gì nữa sao ông lại đi vào cái con đường văn học... đầy gian khổ này?

-Tôi dạy Trung văn ở trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, làm nghiên cứu sinh ở Trung Quốc, chuyển sang vụ Á châu 1- Bộ Ngoại giao, công tác tại Sứ Quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc hay nói rộng hơn, văn hoá khiến cho con người ta biết băn khoăn. Tôi băn khoăn với mọi vấn đề của đời sống và tôi nghĩ văn học sẽ làm một phần trong việc thiện hoá con người. Làm ngoại giao hay đi dạy học rồi bây giờ là theo đuổi dịch thuật thực ra đều là làm văn hoá cả. Bản thân nhờ tiếp xúc cũng nâng lên, và quảng bá thì đem lại lợi ích ở diện rộng... Vâng, ý nghĩa như thế thì... gian khổ mấy cũng là vui!

- Không biết vì sao đọc một số cuốn văn học dịch Trung Quốc đôi chỗ thấy câu chữ một đằng ý nghĩa một nẻo, chẳng hiểu ra thế nào nữa, còn “Báu vật của đời” và “Đàn hương hình” thì đọc một mạch, cứ như Mạc Ngôn làm thơ văn xuôi vậy. Tôi đem chuyện này nói với nhà văn Lê Bầu (người cũng có nhiều cuốn sách dịch hay như: “Thị trấn phù dung” (Cổ hoa); “Trở về” (Tiếu Ngạch)...). Lê Bầu cười nhỏ nhẹ: “... Nói ra thì bảo chúng tôi kiêu ngạo, ngại lắm. Biết chữ mới là việc thứ nhất, còn phải biết văn, biết cả hai nền văn hoá và cẩn thận với từng con chữ mới dịch văn học được”. Thế còn ông, ông thấy thế nào? 

- Tôi thì có thói quen từ hồi đi dậy học, mình ẩu nghĩa là mình không tôn trọng mình, không tôn trọng các em học sinh. Thời chúng tôi coi học sinh sinh viên là những người như mình vậy.Từng mười năm làm phiên dịch ngoại giao, tôi hiểu chữ nghĩa có tầm quan trọng đến thế nào. Cũng vì băn khoăn đến mọi vấn đề của đời sống, nên tôi nắm bắt được tinh thần của tác giả, vì đằng sau văn phong của họ là cả một đời sống mà nếu không biết thì khó có thể làm nên một tác phẩm dịch hoàn hảo được.  Văn học cổ điển lấy chau chuốt, hoàn chỉnh làm mỹ  cảm, văn học đương đại lấy không khí tạo được từ văn bản làm trọng tâm. Sự chuyển động tất yếu nếu không nắm bắt được thì tác giả không thành công trong lòng bạn đọc ở thời của mình.  “Rừng thẳm tuyết dày” đã từng gây xôn xao, đã từng được gối đầu giường của triệu lượt người bây giờ vẫn được coi là kinh điển nhưng kinh điển của một thời, không còn là khuôn vàng thước ngọc cho phương pháp sáng tác tiểu thuyết hiện đại ở Trung Quốc.

- Thưa ông, ông có thể nói đôi điều về “hiện tượng” Mạc Ngôn?

- Sự khác biệt lớn nhất của Mạc Ngôn so với các nhà văn cùng thời là ở chỗ ông không lặp lại mình qua từng tác phẩm, ông luôn nâng tầm của mình lên, mỗi tác phẩm ra đời là một hóa thân nhuần nhuyễn vào các nhân vật mà ông phản ánh. Còn về ý chí vươn lên của ông thì khiến người ta tâm phục khẩu phục. Sinh 1952 tại Cao Mật, chỉ học hết lớp 5 đi chăn dê, 21 tuổi nhập ngũ mang lớp 5 của mình xoá mù cho người chưa đến lớp, xin làm thủ thư cho đơn vị để có được đọc sách, để rồi 1984 đỗ Học viện Nghệ thuật Quân giải phóng, 1988 lấy bằng cử nhân văn chương, cũng năm ấy đỗ vào học viện Văn học Lỗ Tấn, 1991 nhận bằng thạc sĩ. Đằng sau những cái mốc ấy là cả một nghị lực phi thường.

- Nghe nói anh ấy và những tác giả làm nên diện mạo văn học Trung Quốc hôm nay ban đầu cũng gặp không ít khó khăn?

- Bao giờ chẳng thế. Nhưng những người có quyết tâm lớn, hoài bão lớn và thực tài thì vượt lên, thoát ra sức trì ám của bản thân mình. Sau những biến cố, thời kỳ hậu Cách mạng văn hoá những nhà lãnh đạo văn nghệ Trung Quốc có tầm nhìn thật sự mới, họ nhận ra dấu hiệu bế tắc của sáng tác văn học nên làm cuộc vận động cách tân tiểu thuyết, hình thành “tủ sách tiểu thuyết thử nghiệm” (Văn nghệ thám sách thư hệ). Từ đó xuất hiện hàng trăm người và hơn. Mạc Ngôn không phải hiện tượng cá biệt, tuy nhiên anh là người trội hơn và đã nhận giải nhất về tiểu thuyết “dành cho nhà văn đại gia” khi tuổi đời mới 40. Cuộc cách tân này giúp các nhà văn trẻ đỡ bị ràng buộc, có thể đoạn tuyệt với những phong cách sáng tác quá khứ, mặt khác họ có tầm nhìn mới, cách cảm nhận mới tiếp cận trực tiếp với những vấn đề cốt tử bên trong với một xã hội biết làm giàu biết hưởng thụ, bên ngoài là dân tộc tính với kinh tế văn hoá toàn cầu. Họ biết lấy văn hoá và bản sắc riêng làm chỗ dựa, làm đối trọng v.v. Đồng cảm với họ, cuộc thử nghiệm về cách tân tiểu thuyết được tiến hành rất cẩn thận. Tuyển sách vào tủ sách thử nghiệm bao gồm những nhà văn có uy tín văn học và nhân cách. Mỗi truyện kèm một lời bình (cho thấy cả khả năng của người bình đó). NXB Văn nghệ Thượng Hải ấn hành, mỗi tập dày chừng 700 trang (khoảng 1000 trang của ta). Trong số 36 tác giả có trong tập xuất bản tháng 9/1996 (tháng 3/1997 tái bản 3 lần) đến nay đã thành danh hai mươi người, rất nổi tiếng có 9 người: Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Vương Mông... Những người có mặt ở tập sau như: Vương Sóc, Vệ Tuệ... mà ta đã biết. Đó là một thành tựu đáng kể và cũng đáng để văn học ở ta quan tâm...  

- Hai cuốn của Mạc Ngôn ông dịch có điển hình cho tủ sách thử nghiệm về phong cách không? 

- Cho đến nay Trung Quốc hình thành hai cung cách phát triển tiểu thuyết đương đại. Một, nói về những mảng khuất của lịch sử thế kỷ XX. Hai cuốn tôi vừa dịch của Mạc ngôn thuộc loại này. Hai, tiếp tục sáng tác thử nghiệm những vấn đề toàn cầu, vừa để hội nhập vừa chống đồng hoá trong hội nhập. Tiểu thuyết “Hoài niệm sói” của Giả Bình Ao Thuộc loại này.

- Còn những tác phẩm nào của các tác giả Trung Quốc ông sẽ chọn dịch?

- Tôi rất muốn giới thiệu một chùm tác phẩm của những nhà văn thành đạt trong phong trào cách tân phương pháp tiểu thuết ở Trung Quốc, nhưng trước mắt chỉ làm được Mạc Ngôn và cũng chỉ những tác phẩm có tính xác định “hiện tượng Mạc Ngôn”: “Dòng họ cao lương đỏ”; “Củ cải đỏ trong suốt”; “Rừng cây lá đỏ (Mạc Ngôn tam hồng) ; “Báu vật của đời”; “Đàn hương hình”; “Cây tỏi nổi giận” (sắp xuất bản) là giới thiệu một Mạc Ngôn không lặp lại bản thân.

- Nhuận bút văn học dịch có khá không, thưa ông? Thế sao mỗi lần gọi điện đến đều thấy nói ông đi dậy học? Phải chăng giáo viên giờ đây có thu nhập cũng cao?  

- Đã lâu tôi không đi dạy. Nhưng gần đây tôi dạy tiếng Trung Quốc cho một công ty thường xuyên đi Trung Quốc. Tôi dạy họ Trung văn, họ kiếm giúp tôi những cuốn sách mà tôi cần.

Được biết, trong những năm của thập kỷ 80, Trần Đình Hiến với những chân thành và vốn văn hoá của mình đã luôn giữ được cảm tình sâu sắc của người Hoa lẫn người Việt. Khi tôi vui miệng hỏi ông theo đạo nào, thờ ai. Trả lời vào câu hỏi, ông bảo chỉ xin thờ chữ “Nhân” mà theo ông, muốn giữ được chữ “Nhân” thì phải có “Trí” và “Dũng”. Ra khỏi 45 Phan Bội Châu lòng còn vương vất cái cười hiền, cái vẻ nhà nho mà không thâm căn, về gương mặt của người tuổi cận kề “ bẩy mươi xưa nay hiếm” mà cái nhìn đầy tính hiện đại, về một mối tình với văn học, nhớ vẻ mặt đầy xúc động của ông khi ông kể về những trang sách vừa dịch vừa khóc thấy một chân dung Trần Đình Hiến, người góp vào đội ngũ dịch giả của một nền văn học đồ sộ bằng sự giản dị và tên tuổi của mình.  

“Muốn giữ được chữ “Nhân” phải có “Trí” và “Dũng”...”. Câu nói ấy của ông gợi lên trong tôi cả một chiều dài đời sống. Trong đó ông bà, cha mẹ, con cái và tôi đã bao lần phải đem 3 chữ ấy lên mặt bàn cân nhắc. Đã bao lần trước một chữ mà tóc trên đầu dựng đứng, hoặc ngả mầu.

                   14/11/2002 
                        T.T.T
(167/01-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng