Đời sống văn nghệ
Ai là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam”?
10:06 | 16/01/2015

LGT: Thúc Tề và Trần Kim Xuyến là hai nhà báo có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Một vấn đề đặt ra là: trong hai nhà báo liệt sĩ nói trên, ai mới đúng là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam?”. Nhiều ý kiến công nhận nhà báo Trần Kim Xuyến là nhà báo liệt sĩ đầu tiên, trong khi các tư liệu lại cho chúng ta thấy Thúc Tề mới đúng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên.

Ai là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam”?
Nhà báo Thúc Tề và nhà báo Trần Kim Xuyến. Ảnh TL

NGUYỄN VĂN TOÀN

Trên trang điện tử TRT (Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế) có bài “Nhà thơ, nhà báo Thúc Tề” của tác giả Phi Tân với đoạn mở đầu viết: “Trong dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay (2012 -N.V.T), Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức đêm giới thiệu về nhà văn, nhà báo Thúc Tề, một người con xứ Huế, một nhà thơ, nhà báo tài hoa và cũng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam”. Lên trang Google tìm kiếm cụm từ “nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam”, người viết tìm được bài “Trần Kim Xuyến - Nhà báo liệt sĩ đầu tiên” (Báo Đại Đoàn Kết), bài “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên được gắn tên đường” (Sài Gòn Giải Phóng). Tìm tiếp về thân thế và sự nghiệp của nhà báo Trần Kim Xuyến trên các báo khác cũng có những thông tin như: “Nhà báo Trần Kim Xuyến - liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng” (Báo Tin Tức), “Gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến - Nhà báo liệt sỹ đầu tiên của nền Báo chí cách mạng Việt Nam” (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Bằng những luận cứ, chúng tôi sẽ chứng minh trong hai nhà báo liệt sĩ nói trên, Thúc Tề và Trần Kim Xuyến, ai mới đúng là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam”?

Về sự nghiệp và thời điểm hy sinh của nhà báo Thúc Tề

Thúc Tề tên thật là Nguyễn Thúc Nhuận, sinh ngày 17/10/1916 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ của ông là Nguyễn Thượng Ý, một nhà nho yêu nước tham gia phong trào Duy Tân và từng chịu tù đày. Thân mẫu của ông là Tôn Nữ Thị Tựu, con gái út của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, (vị đại thần đứng đầu phe chủ chiến, kiên quyết đánh thực dân Pháp chứ không chịu chủ hòa và đầu hàng ngoại bang).

Thuở nhỏ Thúc Tề học sơ học tại Huế, sau đó vào Quy Nhơn (Bình Định) học tiểu học, sau chuyển sang học trung học tại trường Quốc học Huế (lúc đó đã đổi tên là trường Lycée Khải Định). Tại trường Quốc Học Huế, ông là bạn thân của Hàn Mặc Tử và học trên nhà thơ cách mạng Huy Cận 2 lớp. Bài báo đầu tiên của ông viết tại Huế khi còn là học sinh được bạn bè đặc biệt hoan nghênh nhưng cũng vì nó mà ông bị đuổi học vì đả kích một giáo sư người Pháp.

Từ năm 1935, cùng với những người bạn là Trọng Miên, Trọng Quỵ, Hồ Việt Tự và Hàn Mặc Tử, Thúc Tề vào Sài Gòn, sống bằng nghề viết báo. Ông cộng tác cho nhiều tờ báo có uy tín bấy giờ, như Văn học tạp chí, Dân quyền, Công luận… với nhiều thể loại khác nhau nhưng mạnh nhất là thể loại phóng sự, điểm sách, điểm báo. Nhà văn Trần Thanh Địch, bạn của Thúc Tề thời đó nhận xét: “Thúc Tề là cây bút có giọng điệu hài hước, đả kích rất sắc sảo. Giới chính quyền, văn nghệ, sâu mọt hại dân đều rất ngán các bài ký tên Thúc Tề”. Bởi thế, Thúc Tề - Lãng Tử nổi tiếng đến mức làng báo Sài Gòn những năm đầu 40 của thế kỷ trước lưu truyền câu ca: “Hà Nội có chú Ta Lê (tức Thế Lữ)/ Sài Gòn có cậu Thúc Tề điểm văn”.

Thúc Tề - Lãng Tử cũng từng làm chủ báo Đông Dương và báo Mai, tích cực tham gia cuộc tranh luận nổi tiếng vị nghệ thuật và vị nhân sinh thời bấy giờ và luôn đứng về phía vị nhân sinh với đại diện cũng là một nhà báo người Huế, Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn - N.V.T). Năm 1940, sau khi tuần báo Mai bị thực dân Pháp đóng cửa, Thúc Tề phiêu dạt về Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho rồi trở lại Huế viết bài đăng báo, làm thơ cho đến năm 1945.

Cũng chính trong giai đoạn này, vào năm 1941, các tác phẩm báo chí của Thúc Tề được Nxb. Tân Việt tập hợp lại để ra tập phóng sự nổi tiếng có nhan đề Nợ văn. Đây là tác phẩm được viết trong những năm từ 1934 - 1940, lúc Thúc Tề bỏ học cùng bạn bè từ Huế vào Sài Gòn dấn thân làm báo. Bên cạnh đó, ông còn có tập “Phù Dung và nhan sắc” nhưng bản thảo đã bị thất lạc. Tập phóng sự Nợ văn liên tiếp được tái bản bởi các Nxb. Khoa Học Xã Hội (1980), Hội Nhà Văn (2000), Văn Học (2000), Lao Động (2012). GS. Đinh Xuân Lâm nhận xét: “Nợ Văn là một tác phẩm mang tính hiện thực sâu sắc về cuộc đời làm báo và thân phận người làm báo trước kia khi đất nước còn bị ngoại bang thống trị. Cuốn sách trở nên đầy đủ hơn khi được bổ sung thêm nhiều thông tin về cuộc đời và sự hy sinh thầm lặng của tác giả mà bấy lâu nay không ai biết”.

Tập phóng sự “Nợ văn” của nhà báo Thúc Tề.


Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tích cực tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Kháng chiến bùng nổ, Thúc Tề cùng với Hải Triều, Hà Thế Hạnh thành lập Sở Tuyên truyền Trung bộ và đầu năm 1946, ông còn được phân công cùng với ông Hoàng Thượng Khanh thành lập Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên.

Sự nghiệp cách mạng trong bước khởi đầu tràn đầy nhiệt huyết thì tháng 12/1946, Thúc Tề bị quân Pháp bắt cóc, giết chết và vứt xác ở ga Truồi, huyện Phú Lộc khi ông chỉ mới tròn 30 tuổi và chưa lập gia đình. Trong khi đó, người thân và đồng đội vẫn tin rằng ông chỉ bị mất tích. Gần 50 năm sau, qua tài liệu “Những chặng đường lịch sử của công an Thừa Thiên - Huế (1945 - 1954)” được công bố vào năm 1990 có đoạn xác nhận: Nguyễn Thúc Nhuận tức nhà thơ Thúc Tề cũng là nhà báo Lãng Tử trên đường đi công tác đã bị giặc Pháp bắt, thủ tiêu, và vứt xác gần ga Truồi thuộc huyện Phú Lộc vào tháng 12/1946.

“Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế” của nhiều soạn giả (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000) cũng ghi chép tiểu sử Nguyễn Thúc Nhuận: “Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông hăng hái thực hiện các nhiệm vụ do cách mạng giao phó. Bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng ông không đầu hàng. Ông hy sinh năm 1946. (...) Từ một nhà thơ, nhà báo yêu nước, Nguyễn Thúc Nhuận trở thành liệt sĩ cách mạng”.

Trên trang thông tin điện tử của Thừa Thiên Huế cũng giới thiệu về đường Nguyễn Thúc Nhuận (Thúc Tề) như sau: “Trên mảnh đất quê hương, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, công tác thông tin tuyên truyền Trung Bộ, rồi Thừa Thiên Huế. Nhưng sau đó, ông bị mất tích. Gần 50 năm sau, qua tài liệu tổng kết của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế mới được biết ông đã bị bọn mật thám Pháp bắt giết trên đường đi công tác vào năm 1946, rồi bị ném xác ở gần ga Truồi, thuộc huyện Phú Lộc”.

Về hoạt động báo chí của Thúc Tề, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương hiện nay) nhận xét rằng: “Thúc Tề thấy được tình cảnh đau khổ của đội ngũ nhà báo, nhà văn, nhà thơ đương thời. Ông khinh miệt bọn chủ bút và sự bóc lột của chúng. Đôi mắt của Thúc Tề cảm thấy mệt mỏi, thấy cả một buổi chiều tà. Nhưng cũng ngay sau đó, ông cảm thấy cần có sự liên hiệp. Và ông đã tìm đến với cách mạng”.

Năm 1995, Nhà nước đã truy tặng Thúc Tề danh hiệu Liệt sĩ với bằng Tổ quốc ghi công. Năm 1996, ông lại được truy tặng Huân chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. Đến nay, gia đình, bạn bè thống kê được trên 100 bài báo của Thúc Tề.

Về sự nghiệp và thời điểm hy sinh của nhà báo Trần Kim Xuyến

Trong bài “Trần Kim Xuyến - Nhà báo liệt sĩ đầu tiên” (Báo Đại Đoàn Kết), tác giả Phan Thu Hương viết rằng: “Nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến là người có công trực tiếp xây dựng cơ quan Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam, là đại biểu Quốc hội khóa I, là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp”.

Trong bài “Hà Nội có phố mang tên một nhà báo” (Báo Năng Lượng Mới) cũng có đoạn: “Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921 - 1947) là đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Bắc Giang, là Đại biểu Quốc hội đầu tiên hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra ông còn là nhà báo, liệt sĩ đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam”.

“Nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến là người có công trực tiếp xây dựng Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I, Ðổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam; là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước ta hy sinh vì Tổ quốc. Đã 67 năm hòa vào đất mẹ, nhưng tên tuổi của ông luôn được nhắc đến trong lịch sử dân tộc, lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam” - GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá.

Vậy sự nghiệp và thời điểm hy sinh của nhà báo cách mạng Trần Kim Xuyến như thế nào?

Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, trong một gia đình nông dân nghèo. Ông thi đậu trường Quốc học Vinh (Nghệ An). Từ 1936 - 1939, ngoài việc học, ông bí mật tham gia các hoạt động yêu nước, được phân công hoạt động ở Bắc Giang và Hà Nội trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Năm 1944, ông bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tháng 3/1945, lợi dụng lúc Nhật đảo chính Pháp, ông và một số đồng chí vượt ngục, tiếp tục hoạt động, tham gia cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội.

Ngày 22/8/1945, Trần Kim Xuyến được cử giữ chức vụ Đổng lý văn phòng của Bộ, kiêm chức Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam (tiền thân của VNTTX (TTXVN ngày nay). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giao ông tham gia thành lập Đài Phát thanh quốc gia cùng ông Trần Lâm, ông Chu Văn Tích. Sáng 3/3/1947, khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đạp xe đạp đến các nơi chỉ huy việc sơ tán di chuyển tài liệu, máy móc. Trong lúc máy bay và xe tăng Pháp ào ạt tấn công, ông tình nguyện ở lại chuyên chở tài liệu của Nha thông tin đến nơi an toàn. Ông bình tĩnh, can đảm đưa tài liệu đến chỗ cất giấu kín đáo. Vừa xong thì trúng đạn liên thanh của địch bắn, anh dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, nay là thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.

Ngày 19/3/1947, Bộ Nội vụ đã làm giấy truy tặng, ghi rõ công trạng “Lúc còn sống, Trần Kim Xuyến là một cán bộ mẫn cán, nhiều năng lực và sáng kiến, có công lớn trong tổ chức Nha thông tin Việt Nam. Trong trường hợp nguy hiểm, ông đã nêu gương can đảm, tận tâm mà hy sinh vì chức vụ. Trước khi chết lại dùng hơi thở cuối cùng để tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và Hồ Chủ tịch. Bộ Nội vụ nhiệt liệt khen ngợi đồng chí Trần Kim Xuyến đã nêu cao tinh thần hy sinh vì chức vụ, xứng đáng làm gương cho tất cả mọi người”. 2 năm sau, ngày 23/4/1949, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 32/SL truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến với công trạng: “Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội, mặc dù sự khủng bố và kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật. Sau đó đã có công lớn trong việc xây dựng Nha Thông tin và Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam”.

Một số ý kiến về vấn đề được nêu

Với những tư liệu trên đây, người viết xin đưa ra một số ý kiến như sau về vấn đề ai mới đúng là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam”?

Từ những tư liệu nói trên, cần chốt lại một số điểm như sau:

Một là, sau Cách mạng tháng Tám, cả Thúc Tề và Trần Kim Xuyến đều trở thành nhà báo cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hai là, hai ông đều hi sinh khi đang làm nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Bởi vậy, cả hai ông đều được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ.

Ba là, về thời điểm hy sinh của hai nhà báo cách mạng chứng tỏ nhà báo cách mạng Thúc Tề hy sinh sớm hơn nhà báo cách mạng Trần Kim Xuyến. Mặc dù lúc đó, nhà báo Thúc Tề đã 30 tuổi còn nhà báo Trần Kim Xuyến mới 26 tuổi.

Bốn là, về thời điểm truy tặng Liệt sĩ cho nhà báo Thúc Tề và nhà báo Trần Kim Xuyến xét về góc độ sự thật lịch sử là không có ảnh hưởng.  

Mặc dù nhà báo Trần Kim Xuyến được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ năm 1947 còn nhà báo Thúc Tề được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ năm 1995 song xét về góc độ sự thật lịch sử thì nhà báo Thúc Tề mới đúng là Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam.

Như vậy, bước đầu có thể khẳng định nhà báo Thúc Tề mới đúng là Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Còn nhà báo Trần Kim Xuyến là Đại biểu Quốc hội đầu tiên hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên toàn quốc đã có hơn 400 nhà báo nằm lại tại chiến trường. Trong số này, có khoảng gần 300 nhà báo là cán bộ của TTXVN. Từ năm 1995, Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định truy tặng Huy chương (sau này gọi là Kỷ niệm chương) “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” cho các nhà báo đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và giải phóng dân tộc. Năm 1996, Hội đã tập hợp, biên soạn và ấn hành cuốn “Chân dung nhà báo liệt sĩ” dày 600 trang về hơn 300 nhà báo - liệt sĩ.


N.V.T  
(SDB15/12-14)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng