Đời sống văn nghệ
Trò chuyện với nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha
16:56 | 15/05/2009
...Có 2 từ người Việt Nam hay dùng cho những người làm thuê các công việc cho người khác là: "Lê dương" và "Pắc chung hy". Chả biết từ bao giờ, bạn bè gọi tôi là "Kha lê dương" bên cạnh các biệt hiệu khác như "Kha điên", "Kha voi", "Kha xe bò miên". Là gì thì cũng vẫn là Kha. Thiếu em ư? Đúng ra là tôi không thể sống thiếu tình yêu như một câu thơ tôi đã viết: "Điều khốn nạn là không thể nào khác được - không thể không tình yêu, không tin ở con người"...
Trò chuyện với nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha
Nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha (Ảnh: TL)

 

*. Anh là nhà thơ, nhạc sỹ, nhà báo... nổi tiếng, bây giờ lại trở thành "nhà doanh nghiệp" thứ thiệt. Vậy nhà doanh nghiệp chỉ là "Thiếp" hay "Hoàng hậu" đây? Có chuyện "đánh ghen" không?
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (N.T.K) -
Với riêng tôi, làm báo để sống, làm nhạc để vui. Còn làm thơ thì để... chết. Để có thể làm được 3 thứ trên đến độ được phỏng vấn từ A đến Z thế này, ở thế kỷ trước, tôi đã từ nhà trường dấn thân vào chiến trường. Sang thế kỷ mới, tôi muốn có thực tế mới nên lại làm một cuộc từ chiến trường dấn thân vào thương trường. Tôi muốn xem lối đi của đồng tiền có nhọc nhằn như lối đi của người lính hay không. Bởi vậy, những "nàng" này chung sống hoà bình trong một nỗi đam mê.

*. Bóng đá có phải là môn thể thao anh ưa thích không? Anh đã là cầu thủ bao giờ chưa?
N.T.K - Thời thanh niên, tôi chơi tất cả các loại bóng. Sở trường là bóng chuyền. Đã từng là đội trưởng đội bóng chuyền tỉnh Gia Lai-Kom Tum 1976. Bóng đá thì ở cỡ "huyện" thôi. Nhưng chân sút của tôi cũng từng làm rung lưới nhiều khung thành đấy! (cười). Tôi mê bóng đá như mê thơ. Hai thứ này đều có sự giống nhau ở độ dướn. Ở thơ là độ dướn của chữ. Còn ở bóng đá là độ dướn của cầu thủ.

*. Cuốn sách anh đang ấp ủ lại là một tiểu thuyết phải không? Anh viết về cái gì thế? Sắp xong chưa?
N.T.K -
Vâng! Đương nhiên là một tiểu thuyết chiến tranh. Ở Việt Nam, chiến tranh vẫn là một đề tài lớn. Tôi định dùng tên cuốn tiểu thuyết là Lại lính. Người ta hay nói "lại gạo", "lại giống". Người Việt Nam liệu ai có thể dám chắc rằng mình không bị mắc bệnh... "lại lính". Đó là món quà tặng của tôi với Hà Nội ngàn tuổi, nó ít nhất cũng đáng kể như tập thơ Càn khôn ngàn tuổi mà tôi đã dành tặng Hà Nội hồi 990 tuổi.

*. "Dịch" là thứ kinh mà anh nghiên cứu và tỏ ra am tường, ngay trong thơ anh cũng có "dịch". Làm doanh nhân, anh có cần đến "dịch" không?
N.T.K - "Dịch" là một triết học vĩ đại của nhân loại. Mọi thứ khác đều có thể từ "dịch" mà suy ra. "Dịch" có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi thời gian. Năm ngoái, biết tôi quyết định lập công ty, anh bạn thơ Tạ Quốc Chương bốc cho một quẻ "Dịch". Trúng ngay quẻ "Sơn Phong Tiệm" là quẻ chim hồng bay qua vực. Đúng tính cách của tôi quá.

*. Điện ảnh cũng là nghệ thuật mà anh đam mê. Anh đã làm hàng chục phim tài liệu, nhất là thể loại phim "chân dung nghệ sỹ" và có nhiều phim rất thành công. Sao anh không tiếp tục? Tiếc quá.
N.T.K -
Tôi mê điện ảnh nhưng không phải là làm phim mà là làm thơ bằng hình ảnh. Một giải thưởng Việt-Nhật cho phim truyền hình Nguyễn Bỉnh Khiêm - cây đại thụ rợp bóng 500 năm năm 1992 và một giải nhất cuộc thi viết kịch bản phim hoạt hình năm 1994 chẳng đủ nói gì về một nhà điện ảnh Nguyễn Thụy Kha. Tôi chỉ ngẫu hứng mà thôi. Cuối năm ngoái, tự dưng khoái chí bèn làm cùng Vi Kiến Hoà phim Vết đạn 55 tuổi phát VTV1 chiều tất niên. Mà tôi vẫn chưa hết ngẫu hứng đâu.

*. Các em, đàn em và em yêu... hình như anh không thể sống được nếu thiếu... em? Bạn bè gọi anh là "Kha lê dương", anh có giận không?
N.T.K - Có 2 từ người Việt Nam hay dùng cho những người làm thuê các công việc cho người khác là: "Lê dương" và "Pắc chung hy". Chả biết từ bao giờ, bạn bè gọi tôi là "Kha lê dương" bên cạnh các biệt hiệu khác như "Kha điên", "Kha voi", "Kha xe bò miên". Là gì thì cũng vẫn là Kha. Thiếu em ư? Đúng ra là tôi không thể sống thiếu tình yêu như một câu thơ tôi đã viết: "Điều khốn nạn là không thể nào khác được - không thể không tình yêu, không tin ở con người" ("Không đề mùa hạ").

*. Ghen tỵ tài năng là thói xấu mà anh căm ghét nhất. Khi bị "ghen", anh làm gì?
N.T.K - Tôi không tin là có ai ghen với công việc của tôi cả. Riêng tôi thì tuyệt đối không có chữ "ghen tỵ" trong từ điển sống của mình. Mỗi người là một thế giới. Hãy tự toả sáng trong thế giới của mình bằng năng lực của chính mình. Càng nhiều ánh sáng khác nhau, cuộc sống càng muôn màu muôn vẻ, càng thú vị hơn.

*. Hải Phòng là thành phố quê hương anh, mặc dù xa quê đã lâu, anh vẫn gắn bó nhiều với thành phố Cảng? Kỷ niệm sâu sắc nhất của anh?
N.T.K - Tôi không thể thoát khỏi ám ảnh của Hải Phòng quê hương giống như không thể thoát khỏi ám ảnh của chiến tranh như đã từng viết:
 - Cũng là biển nhưng biển của Hải Phòng
và:
- Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với Hải Phòng là mối tình đầu với một người đẹp Hải Phòng. Một mối tình đầu tan vỡ.

*. Ít có một kỹ sư thiếu tá quân đội nào mà lại về "một cục" như anh. Tại sao dạo đó anh còn trẻ lại không xin chuyển ngành?
N.T.K - Tuổi trẻ của tôi đã dâng hiến cả cho chiến tranh. Đến tuổi "tứ thập bất hoặc", tôi muốn mình được tự do dâng hiến cho những gì mình thích. Mà giá của tự do thì có cơ quan nào trả nổi. Chỉ có thể là tự mình trả cho mình thôi.

*. Không bao giờ đi xe máy? Sao vậy? Không ăn thịt chó? sao vậy?
N.T.K - Tôi có tặng nhà thơ Hữu Loan một bài thơ có tựa đề Ngược chiều trong đó có đoạn:
Nếu là xe đạp, là ô tô, là xe máy sẽ bị tuýt còi ngay nhưng ngược chiều là hai người đi bộ
Những bước chân chẳng nói được gì về tốc độ
Trong đầu họ những tứ thơ vụt bay
Tôi hay lơ đãng. Đi xe máy thì chắc gặp tai nạn. Không gặp tai nạn thì mất xe. Phiền toái nhiều hơn là tiện lợi. Tiền đi xe ôm và tắc xi được tôi hạch toán vào tiền đầu tư sản xuất tác phẩm. Cũng góp phần "xoá đói, giảm nghèo cho một số các đồng chí xe ôm". Còn thịt chó. Có thời gian ngày nào tôi cũng ngồi cùng mắm tôm và giềng mẻ. Có lẽ đã ăn đủ lượng thịt chó cho một đời người nên thôi để ăn thứ khác. Lạ là thôi mà không thèm. Thôi mà vẫn còn bị gout. Còn phải giảm đạm nữa. Vì rượu thì có thể "hy sinh" nhiều thứ khác.

*. Làm quá nhiều việc một lúc có "tham" quá không? Liệu thơ còn có chỗ nào?
N.T.K - Tôi là người đa kênh. Kênh nào cũng là một thực tế của thơ. Càng đa kênh, thơ càng nhiều giọng điệu.

*. Mỗi sáng thức dậy viết một bài báo, có thật vậy không?
N.T.K: Nhiều người bảo tôi trẻ lâu. Bí quyết của tôi là không viết đêm. Tôi chẳng nghệ sĩ đến mức ngồi thức trắng để vớt vài mảnh thiên tài. Tài ít mà còn sức khoẻ thì vẫn có thể tích tài thêm. Còn viết vào buổi sáng thì là điều thích thú của tôi. Tôi đã có câu thơ:
Tôi vắt kiệt từng bình minh mình lên giấy...

*. Nước ngoài, hình như anh chưa đi bao giờ? sao Hội Nhà văn không mời anh nhỉ? Cả Hội nhạc sỹ nữa? Anh có buồn không?
N.T.K -
Tôi đã từng đi Lào và Campuchia trong trang phục lính. Với tôi hình như thế là quá đủ. Vì sao không được đi nước ngoài theo tiêu chuẩn "bố thí" của các Hội hè đình đám mà phải buồn nhỉ?

 *. Ông Nguyễn Trọng Tạo và ông Nguyễn Hoa là hai bạn thơ thân thiết của anh. Đã khi nào các anh cãi nhau và giận nhau chưa?
N.T.K -
Đối với tôi, Nguyễn Hoa là một chiếc gương. Cãi nhau mà đứng trước gương là cãi nhau với chính mình. Còn Nguyễn Trọng Tạo thì có một lần. Một lần duy nhất do chưa hiểu tận đáy lòng nhau, tận bi kịch của nhau. Nhưng chỉ một lần đó thôi.

*. Phải nói một lời về phim Việt Nam hôm nay, anh sẽ nói thế nào?
N.T.K -
Tôi chỉ thích vài phim và vài người bạn làm phim. Phim Việt Nam cũng như nhiều ngành nghệ thuật Việt Nam, còn khó lắm. May chăng, chỉ có thơ mà thôi. Thơ Việt Nam có truyền thống lâu dài. Đó là một chỗ cho ta hy vọng.

*. Quyền lực anh không sợ, vậy anh sợ cái gì?
N.T.K -
Tôi sợ sự thật.

*. Rỗi rãi anh thường đi đâu, làm gì? Anh đã đi câu (câu cá) bao giờ chưa? Anh có "sát cá" không?
N.T.K -
Với tôi làm việc và rong chơi là hai ranh giới không rõ ràng. Tôi đã từng câu cá để kiếm "đạm" cho các em thời đói khổ ngày xưa. Ngày ấy cần kiên nhẫn để tồn tại. Còn bây giờ để "nhẫn" mà sống thì tôi tự tu bằng việc khác chứ không có thứ đi câu.

*. Sân khấu ca nhạc là điều quan tâm của anh. Anh thấy ca nhạc của ta dạo này có gì mới? Cái gì cần phê phán?
N.T.K -
Sân khấu ca nhạc bây giờ là chỗ đẻ ra các ngôi sao. "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao" ấy mà. Có nghệ sĩ ca nhạc nào thích chê đâu mà chê họ cho khổ. Hãy biết chấp nhận và chẳng chờ đợi gì cả. Bao nhiêu tinh hoa, các cụ đã làm xong rồi.

*. Thời máu xanh là tập thơ mới nhất, rất ấn tượng của anh! Nghĩ thế nào mà anh viết những câu thơ xót xa và đau đớn đến như vậy?
N.T.K - Thời máu xanh là tập thơ tôi làm để thắp hương cho tất cả những người đã khuất trong chiến tranh. Thời ấy, mỗi người lính như một giọt máu xanh chảy trong cơ thể đất nước. Đấy là một thời đơn kênh cao quý. Tôi đã thanh thản hơn sau khi có Thời áo xanh.

*. Uống rượu Tây là sở thích của anh, có phải do anh quá nhiều tiền?
N.T.K:
Rượu Tây có công nghệ chưng cất khử được độc chất An-tê-hít. Bây giờ tôi lại uống "cuốc lủi" vì thấy không bị đau đầu như trước. Bao nhiêu tỷ phú có thích uống rượu Tây đâu. Uống rượu là vì thú chứ đâu vì tiền, đâu vì giàu nghèo.

*. Văn Cao là nhạc sỹ mà anh yêu quí và kính trọng. Cuốn Văn Cao - người đi dọc biển rất hay. Anh nghĩ gì khi bạn bè gọi đùa anh là nhà Văn Cao học?
N.T.K -
Tôi có may mắn được nhiều đàn anh cho chơi cùng trong đó có Văn Cao. Có thể vì thấy hợp nhau nên "bác quốc ca" hay "tiết lộ" với riêng tôi nhiều điều. Tôi chỉ làm đúng những gì tôi có. Còn gọi là gì thì có gì quan trọng. Vấn đề là tác phẩm của anh nói được gì.

*. Xưa anh từng là kỹ sư thông tin - Nghề ấy bây giờ rất được. Sao lại bỏ đi làm nghệ thuật?
N.T.K -
Bạn bè của tôi ở trường đại học thông tin bây giờ đều đã có chức quyền trong ngành. Cao nhất là Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá. Nếu không đi bộ đội, không vào chiến trường, chắc tôi sẽ là một công chức bưu điện mẫn cán. Nhưng đời lính đã hướng tôi tới nghệ thuật. Tôi muốn góp tiếng nói nhỏ bé của mình để nói về người lính cách mạng với vô vàn chịu đựng và hy sinh.

*. Yêu, yêu và yêu... người biết yêu sẽ được yêu. Anh nghĩ như thế chứ? Tình yêu cứu rỗi nhân loại phải không?
N.T.K -
Yêu, yêu và yêu... Tôn Thất Lập đã rất hay với một pop balade "Tình yêu mãi mãi". Tình yêu cứu rỗi nhân loại. Đó là chân lý.

*. "Zoom vào" anh sẽ làm doanh nghiệp lâu dài hay chỉ có thời hạn?
N.T.K -
Tôi sẽ làm đến khi cảm thấy hiểu được thương trường, phục vụ cho cuốn tiểu thuyết Lại lính thì sẽ bàn giao công ty cho lớp trẻ hiện đang giúp việc cho tôi.

TRỊNH THANH SƠN thực hiện
(171/05-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nếu như... (27/04/2009)