Đời sống văn nghệ
“Người xẩm của kháng chiến”
09:28 | 28/05/2009
NGUYỄN HUY THẮNGNhững ngày đầu tháng 12-1954, người dân Hà Nội và khắp các vùng xung quanh nô nức kéo đến Nhà hát Nhân dân xem “văn công”. Văn công là từ bấy giờ dùng để chỉ những buổi biểu diễn văn nghệ trên sân khấu nói chung. Nhưng đợt “văn công” cuối năm 54 ấy mang một tính chất đặc biệt, vì là một đại hội có quy mô lớn (Đại hội Văn công toàn quốc), từ kháng chiến về, lần đầu tiên ra mắt công chúng Thủ đô vừa thoát khỏi ách tạm chiếm.
“Người xẩm của kháng chiến”
Nhà thơ Thanh Tịnh

Nhà hát Nhân dân nằm ở chỗ nay là Cung văn hóa Hữu nghị, tuy không sang trọng như Nhà hát Lớn, nhưng cũng là một địa chỉ văn hóa nổi tiếng một thời. Khán giả dự Đại hội đều là khách mời, song nhiều người không có vé vẫn kéo đến đông nghịt, đứng ngóng quanh rạp như cố đoán xem bên trong đang diễn ra những gì. Thế rồi có hai người dìu nhau đến trình giấy của đại biểu, thoạt trông đã biết ngay là người khiếm thị. Họ tự xưng là “xẩm”, có giấy mời nên xin vào “nghe”. Nghi là họ ăn cắp giấy ra vào, một vị trong Ban tổ chức lập tức giao họ cho bên công an để xét hỏi. Việc đến tai Thanh Tịnh, nhà thơ tá hỏa đi hết các đồn công an tìm họ. Đến khi đưa được họ ra, họ tủi phận khóc và nhà thơ cũng khóc.

Sự thực, đó là những nghệ nhân được mời đến dự Đại hội Văn công toàn quốc, đại diện cho những người hành khất vẫn ngồi ở các góc chợ, bến bãi hát phục vụ người qua lại, đóng góp không ít vào việc tuyên truyền chủ trương chính sách. Thương họ mù lòa, mến mộ tài nghệ thực sự của nhiều người trong số đó, lại thêm “đồng cảm” với tình cảnh của những người bị xem thường, thậm chí hắt hủi, nhà thơ Thanh Tịnh trong Ban tổ chức Đại hội đã bàn với nhà thơ Hoàng Trung Thông mời hai đại biểu trong đoàn nghệ nhân. Ai ngờ sự thể lại diễn ra như thế, khiến nhà thơ xứ Huế đã tâm trạng lại càng thêm tâm trạng...

Nhà thơ Thanh Tịnh sinh năm 1911 ở một làng ven sông Hương. Cuối năm 1946, tác giả Quê mẹ, Rồi một hôm, Mòn mỏi... được mời ra Hà Nội dự Đại hội Văn hóa toàn quốc, một sự kiện lớn trong đời sống văn hóa nước nhà sau ngày độc lập. Xong đại hội, nhà thơ chưa kịp trở về quê thì Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông hăng hái cùng các văn nghệ sĩ đất Bắc ra đi kháng chiến. ở Việt Bắc, ông tham gia ban kịch Chiến thắng của ông Thế Lữ. Trong số các tài liệu của cha tôi - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để lại, có một tờ biên bản ghi buổi họp kịch giữa các ông Tố Hữu, Thế Lữ, Thanh Tịnh và cha tôi. Cuộc họp diễn ra vào 7 giờ tối ngày 7-6-1948 tại nhà ông Thế Lữ ở Bạch Giang, và theo như người viết biên bản là Thanh Tịnh ghi lại, chương trình nghị sự chủ yếu bàn về các tiết mục sẽ diễn trong Đại hội Văn hóa và Đại hội Văn nghệ toàn quốc dự kiến vào tháng 7 tới. Bên cạnh các vở kịch được chọn như Cụ đạo sư ông của Thế Lữ, Ba người thợ của Lưu Quang Thuận, Điên của Thanh Tịnh..., còn có các màn độc tấu Đọc trang lịch sử, Bắn cả hai, Sông Lô chiến thắng... cũng của Thanh Tịnh. Đến lúc này, “độc tấu” đã trở thành một “thương hiệu” của nhà thơ xứ Huế, khá có ảnh hưởng trong đời sống văn nghệ kháng chiến và còn chưa bị tiếng thị phi!

Nhà thơ Thanh Tịnh còn nhớ như in sự ra đời đứa con tinh thần này của mình, như ông đã kể lại trong số tạp chí Văn học tháng 5/1984. Đầu xuân năm 1947, ông về công tác ở một vùng gần chùa Trầm, Hà Đông. Tại đây ông được nghe bà con kể câu chuyện một anh du kích xã Tây Mỗ lập mẹo đến gần tên lính Pháp gác kho súng đạn, rồi bất thần xông vào vật hắn xuống đất. Nhưng tên giặc quá to và rất khỏe, hắn chống cự quyết liệt. Hai người cứ thế ôm ghì nhau lăn lộn trên mặt đất. Anh du kích thứ hai vội vàng chạy đến, súng lăm lăm trên tay. Nhưng sợ bắn phải bạn, anh không dám nổ súng. Anh du kích đang vật nhau với địch liền thét to, ra lệnh cho bạn: “Bắn! Bắn cả hai!” Thế là đoàng! đoàng! - tên giặc bị ăn đạn, nhưng anh du kích cũng bị thương nặng. Cùng lúc đó, du kích bố trí bên ngoài ào ào xông vào phá tan kho vũ khí của giặc...

Câu chuyện giản dị ấy đã làm nhà thơ vô cùng xúc động. Ông ao ước được kể lại cho nhiều người cùng nghe. Sau một thời gian mày mò, tìm kiếm hình thức cho phù hợp, ông làm thành một chuyện kể bằng văn vần và gọi là độc tấu. Tuy vậy, ban đầu ông phải nhờ người khác đọc hộ, vì ông sợ giọng Huế của mình khó hấp dẫn người nghe. Nhưng rồi ông cũng tự kể và không ngờ được mọi người ưa thích, hoan nghênh nhiệt liệt. Từ màn độc tấu đầu tiên, tiến đến bài thứ hai, thứ ba, rồi thành cả một chương trình độc tấu. Ông biểu diễn cho bà con ngay bên bờ sông Lô, giữa tiếng gió gào, sóng vỗ. Ông biểu diễn cho bộ đội Trung đoàn 174 ngay trên đường hành quân đêm chặn đánh giặc, không đèn không đuốc do phải giữ bí mật. Ông biểu diễn tiết mục Đọc trang lịch sử cho Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Léo Figuerre, ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội, sang thăm ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta... Nhớ lại lời mẹ dặn: “Nói ít hơn nói nhiều. Tốt hơn nữa là không nói”, nhà thơ càng cảm thấy tự hào. Ông quê xứ Huế, đất đế đô, chỉ một lời nói vô ý cũng có thể dẫn đến tội khi quân, phạm thượng. Ai ngờ giờ đây, ông không chỉ “độc tấu” cho bộ đội, nhân dân, mà còn có vinh dự phục vụ lãnh tụ cùng thượng khách quốc tế...

Nhưng cũng ai ngờ, chỉ ít lâu sau, đứa con tinh thần này đã gây cho ông không ít sóng gió. Độc tấu, niềm đam mê của nhà thơ xứ Huế, đã “được” một số người để mắt tới với không mấy thiện cảm. Chẳng hạn, Đoàn Phú Tứ, người có vai trò không nhỏ trong ngành sân khấu những năm này đã phê phán: “Điều không ngờ là một nhà thơ trữ tình như Thanh Tịnh lại đi làm trò hề, trò xẩm!”. Nói Thanh Tịnh làm “trò xẩm” - không sao, vì bản thân nhà thơ có lần ở khu 3 cũng tự nhận mình là “người xẩm của kháng chiến”, như trong bức thư ông viết cho cha tôi hồi đầu hòa bình lập lại (về chuyện này tôi xin được trở lại sau). Nhưng phản đối độc tấu, hạn chế độc tấu - điều này hẳn là một nỗi đau khó mà chịu nổi đối với nhà thơ. Tại Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc, diễn ra vào cuối tháng 9-1949, có một buổi dành riêng để tranh luận về “Độc tấu của Thanh Tịnh”. Ngay đầu phiên họp, nhà thơ đã tỏ ra “thành khẩn”: “Đứa con độc tấu trước đây tôi không hiểu rõ có được công nhận hay không, thì hôm nay nó đã được gọi đến tên. Độc tấu chính là một đứa con hoang. Sự hoài nghi của anh em làm tôi cũng hoài nghi”. Giữa những ý kiến khen chê khá là khác nhau, giữa những phân vân không rõ độc tấu là hay hay dở, nghệ thuật hay phi nghệ thuật, làm vui hay coi thường quần chúng..., nhà thơ chỉ biết thấp thỏm hỏi: “Hỡi anh em? Giữ hay bỏ độc tấu? Giữ thì xin chỉ vẽ cho”...

Sau kết luận mở của Tố Hữu, vấn đề độc tấu được gác lại để Thanh Tịnh tự rút kinh nghiệm, làm sao phát huy được tốt nhất thể tài này. Cuối năm 1950, khi tham gia phục vụ chiến dịch Biên giới, nhà thơ vẫn tiếp tục sáng tác và biểu diễn độc tấu (bài Lão dân quân Đông Bắc). Sau đó, ông được quân đội phân công về Bình Trị Thiên, gần quê nhà. Bấy giờ cũng là lúc bắt đầu phong trào chỉnh huấn. Ông sáng tác độc tấu ít dần, vì sau khi được học tập, ông cảm thấy khó viết hơn vì sợ sơ hở, mất lập trường. (Lời mẹ dặn có thể còn chưa vội, chứ chính trị học rồi, nhất định là phải quán triệt ngay.) Cũng may, nhà thơ, nhà tuyên truyền Thanh Tịnh đã sớm tìm được một hướng sáng tác mới, hợp với tạng mình. Ông chuyển sang viết ca dao.

Ban đầu, nhà thơ sáng tác những bài ngắn, phục vụ kịp thời những nhiệm vụ trước mắt của địa phương: Tăng gia sản xuất, Động viên đóng thuế nông nghiệp, Bài trừ hàng xa xỉ phẩm... Đến đầu năm 1953, ông theo Đoàn dân công trở ra Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, ông đi cải cách ruộng đất, liên miên hết đợt này đến đợt khác. ở đâu và bao giờ, ông cũng làm ca dao phục vụ bà con, phục vụ công tác được giao.

Hạnh phúc thay cho nhà thơ khi được nghe những vần điệu nôm na của mình cất lên thánh thót trong đêm trăng, theo điệu hò của bà con tát nước chống hạn:

Trông trời trông đất trông mây
Không bằng trông ở sức tay của mình...

Hay khi thấy nông dân quét vôi trắng tấm bia trước nhà địa chủ để viết lên trọn bài “Nghe lời Bác dạy”, trong đó có câu:

... Đừng để ao cá vắng tăm
Chuồng gà vắng trứng buồng tằm vắng tơ...

Nhà thơ lại càng tự hào phấn khởi khi chứng kiến một cán bộ, trong lúc nói chuyện với bà con dân công đắp đê chống lụt, đã vận dụng những vần thơ nôm na của ông như một câu tục ngữ tự ngàn đời:

... Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong...

Nhưng rồi, không rõ từ lúc nào, nhà thơ linh cảm thấy mình “được” đối xử có phần đặc biệt. Mấy tác phẩm ông gửi đến nhà xuất bản đều bị từ chối vì những lý do không đâu (tập kịch thì bản thảo bị để đâu mất, chưa tìm ra, tập truyện ngắn người bảo đề tài cũ - chuyện kháng chiến, người thì bảo khí mỏng (?). Một tập ca dao - Sức mồ hôi - ông gửi dự thi thì được một nhà thơ có tên tuổi báo là không xét, vì đã bị quên mất (!); nhà thơ này còn than giúp cho một câu bằng tiếng Pháp: “Những người vắng mặt thường hay lầm”.

Nhà thơ cả nghĩ bỗng đâm nghĩ ngợi. Phải chăng ở trên có “chủ trương” gì với mình? Phải chăng mình đã mắc khuyết điểm gì để bị xử lý? Ngẫm đi ngẫm lại, nhà thơ không tìm ra lý do. Tám năm mặc áo lính, một năm ba cùng với nông dân, xét lại, ông không làm gì sai trái cả. Thậm chí trong cải cách ruộng đất, ông còn được ba bằng khen và hai tặng phẩm của Khu. Mấy lần về Hà Nội, ông vẫn định bụng tìm gặp ai đó để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng rồi vẫn lần lữa, ngại ngần. Một buổi trưa nọ, ông đang đạp xe lòng vòng chưa biết dừng ở đâu, ăn vào đâu ở cái đất Hà Nội lạ nước lạ cái thì vừa may gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi, một người lãnh đạo văn nghệ. Không những thế, lại còn được ông Thi mời về nhà chơi, ăn cơm trưa. Ăn xong, nhà thơ đã định trình bày thắc mắc của mình, nhưng cảm thấy ông Thi có phần bận việc, lại thêm nỗi cảm động về sự tiếp đón niềm nở của chủ nhà nên lại thôi, không trình bày gì nữa. Rút cục, nỗi thắc mắc vẫn còn nguyên đấy.

Thế nào mà nhà thơ lại nghĩ đến cha tôi, người mà ông đã từng gắn bó tin cậy khi ở Việt Bắc. Hồi ấy, quãng năm 1950, cha tôi đến tìm gặp nhà thơ ở quán Lô Giang bên bến Ao Châu (Phú Thọ). Bấy giờ, ông đang bị mang tiếng “bê tha”, do trong nếp sống không thực hiện đúng khẩu hiệu “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt” như đã được đề ra cho văn nghệ sĩ. Nhà thơ tin chắc mình sẽ bị ông đại diện Hội Văn nghệ khiển trách nặng nề. Nhưng không, ông Tưởng chỉ động viên nhà thơ yên tâm kháng chiến, đồng thời cũng rất thông cảm với bạn về những gì đã xảy ra. Cùng cánh văn nghệ sĩ với nhau cả, xem ra ông quá hiểu, nếu bạn có hơi “vượt rào” một tí cũng là lẽ tự nhiên. Rồi đến cái lần nhà thơ được quân đội điều động về vùng quê hương. Ban đầu ông Tưởng chưa biết thực hư, lại tưởng nhà thơ rời bỏ kháng chiến. Đến khi rõ chuyện, ông mừng phát khóc. Thanh Tịnh nghe tin, cảm động quá, cũng rơm rớm nước mắt. Chưa có dịp hội ngộ, nhưng kết thúc có hậu của câu chuyện đã khiến nhà thơ coi ông Tưởng như một Châu Long đối với một Dương Lễ là mình, trong tích chèo cổ cảm động “Lưu Bình Dương Lễ”...

Không, ngay cả với một người bạn sẵn lòng thông cảm như ông Tưởng, ông cũng không muốn làm phiền về những chuyện riêng tư của mình. Hiềm nỗi, ông lại được các ông Tố Hữu, Hoài Thanh giao việc gây dựng cho các anh chị em nghệ nhân Thủ đô, tức là những người hát xẩm có thực tài. Công việc tuy nhỏ nhưng ông sốt sắng nhận, vì tình thương và lòng đồng cảm. Họ là những người sống lang thang, không nơi nương tựa, thậm chí có khi còn bị xua đuổi. Thế nhưng họ vẫn quyết tâm theo nghề. Với những thứ kèn lá đa, kèn ống đu đủ... họ vẫn làm vui được thiếu nhi và bộ đội; với tiếng đàn nhị và lời hát, họ không chỉ phục vụ văn nghệ mà còn làm công tác tuyên truyền nơi bến xe, trên tàu điện, tàu hỏa, dưới bờ sông, trong quán nước... Trang bị cho họ một bộ đàn, sáo, cấp tiền cho họ có được manh áo lành lặn để biểu diễn quả thực không phải là quá tốn kém, có khi chả bằng tiền cho một chiếc kèn hơi, thế mà đề nghị mãi vẫn chẳng được. Lại đến vụ vừa rồi, họ được mời hai đại biểu đến dự Đại hội Văn công toàn quốc, thì cũng bị bắt giữ. Như giọt nước tràn li, việc này nhất định ông không thể giữ mãi trong lòng...

Ngày 13-6-1956, từ nơi nhà thơ đang tham gia cải cách ruộng đất bước 4 ở xã Tiền Phong thuộc đoàn 11, Nam Hưng Yên, ông đã dành ra hai ngày liền viết cho cha tôi một lá thư hàng chục trang, kể hết sự tình. Đó cũng chính là một số nội dung tôi vừa thuật lại với bạn đọc ở những dòng trên. Xin được trích một đoạn để kết thúc bài viết này, bài viết không có tham vọng nói về sự nghiệp lớn lao, đa dạng của ông, mà chỉ xin được lẩy ra một trường đoạn trong cuộc đời của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà “độc tấu” và cả “người xẩm của kháng chiến” Thanh Tịnh, như ông từng tự nhận trong thư gửi cha tôi: “Một lần ở khu 3, Tịnh tự giới thiệu mình chỉ là người xẩm của kháng chiến, một đồng chí Tuyên huấn Khu cho Tịnh tự hạ mình quá. Tịnh lại thấy mình tự đề cao. Vì sự thật tìm người phụ trách một đoàn văn công lớn và đẹp vẫn dễ hơn tìm người phụ trách một đoàn nghệ nhân lúc “hành quân” họ phải đưa tay vịn vào vai nhau để lần mò tìm đường... Thương lấy họ anh ơi!”

N.H.T
(242/04-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ông Thi (21/05/2009)
Nếu như... (27/04/2009)