Ngoài công việc chung, trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều bề bộn những việc cần làm ngay. Tôi cũng vậy, nhân ngày được nắng, đem 500 cuốn sách và gần 100 băng nhạc cổ điển bị ngập nước lâu ngày đã bốc mùi chua mốc ra phơi mong vớt vát phần nào. Nếu tính theo cách kê khai biểu mẫu nhà nước thì riêng số thiệt hại này cũng lên tới hàng chục triệu đồng. Song, tôi cảm thấy xót hơn là tiếc. Trong đống giấy tờ lộn xộn, cái thẻ nhà báo bị nước thấm làm nhòe nhoẹt tấm ảnh. Duy có cái giấy chúng nhận "Người tốt việc tốt" là vẫn khô ráo. Chuyện tức cười, thì ra tên lũ hung dữ này cũng biết "lễ độ" với cái gọi là người tốt việc tốt đấy chứ. Thực tế cho thấy những gì còn lại sau lũ đều có thể qui về người tốt việc tốt. Đấy chính là những gì cao đẹp, là tình người, tình đồng bào, đồng loại. Đức từ tâm vốn có trong mỗi con người bấy nay bị khuất lấp trong công việc, trong cuộc sống xô bồ bỗng trỗi dậy. Khoảng cách vô hình nào đó cũng như cái mặc cảm đẳng cấp giữa cán bộ và nhân dân trong đời thường nay được hóa giải, chan hòa. Những gì và những ai có thực sự vì dân hay không đến lúc này mới thấy rõ.
Trong không khí ấm cúng cộng hưởng của cả cộng đồng, tôi cũng được chia sẻ từ phía bạn bè, đồng nghiệp. Ngay sau khi thông đường liên lạc, tôi liên tục nhận được điện thoại nhiều nơi gọi về. Nhà thơ Mai Văn Phấn từ Hải Phòng đã bồn chồn khi xem ti vi thấy Huế ngập chìm trong lũ. Anh gọi điện cho tôi đầy vẻ xúc động. Nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi, nơi cùng chung cơn hoạn nạn giữa miền Trung nhưng anh vẫn vận động anh em văn nghệ sĩ trong đó quyên góp ủng hộ Huế theo tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều". Lần đầu anh gửi nhanh 2,5 triệu đồng nhờ tôi chuyển cho Hội Văn nghệ TT.Huế mua gạo trực tiếp trao tận tay cho những người dân đang bị đói. Tiếp đó anh cùng đạo diễn Đoàn Huy Giao góp gửi thêm một triêụ đồng nữa nhờ Tạp chí Sông Hương chuyển đến thăm viếng gia đình anh Hoàng Đình Thạnh.
(TCSH đến viếng và chuyển tiền cứu trợ của nhà thơ Thanh Thảo, đạo diễn Đoàn Huy Giao cho gia đình anh Hoàng Đình Thạnh - Ảnh: Đỗ Bảo Châu)
Chừng ấy thôi cũng đủ thấy tấm lòng nghĩa cử của một nhà thơ nhưng nếu nhìn vào thực trạng hoàn cảnh của anh lúc này thì việc làm ấy còn cao quí và cảm động hơn nhiều. Tôi biết thời gian này, anh đang bị bệnh cao huyết áp hành hạ. Mỗi lần anh nói chuyện với tôi qua điện thoại giọng đều đứt quãng. Vợ anh là nhà báo Ý Nhi lại đang nằm viện. Anh quên mình đau, quên nhà bận để lo việc cứu nạn. Những đồng bạc mà anh kiếm được từ lao động nhà thơ thật không dễ chút nào. Nó đều phải vắt óc, tróc máu ra mà bán. Dù sức khỏe ọp ẹp nhưng trong những ngày này anh vẫn viết riêng cho Huế, cho Sông Hương 2 bài về cơn lũ ở đây. Ngoài ra, từ Hà Nội, từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Đà Lạt, Qui Nhơn, Đà Nẵng... anh em văn nghệ đều gọi điện hoặc Fax thư tới thăm hỏi, động viên, chia sẻ. Cũng có người vì thương Huế quá mà nấc lên trong điện thoại...
Trong 2 ngày đầu, anh em văn nghệ Huế không hề biết gì về nhau vì bị nước bao vây, cô lập. Hơn nữa, các phương tiện thông tin liên lạc từ điện thoại đến ti vi đều tắt ngấm. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Dương Phước Thu nhờ được ở nơi cao ráo đã sốt sắng tả xông hữu đột nhưng vẫn không tới được những nơi cần tới. Sáng mồng 2/11, tại trụ sở tòa soạn Sông Hương không ai đến được ngoài anh Châu Chấp xong ca trực đêm bị nước chận đường về. Tôi được phân công trực sáng hôm ấy đã cố đến cơ quan bằng các thao tác của một vận động viên thực tập bơi lội. Mọi công việc đối phó với nước lên đã được anh Châu Chấp thu xếp. Tôi có điện về gấp nhưng phải vật lộn với dòng nước hỗn đang dâng trên quãng đường 2 km mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tới nhà. Khi tôi đi nước còn ngoài đường nhưng khi tôi về thì mọi thứ trong nhà cũng đều ngập chìm. Sách vở, thư từ, bản thảo, băng nhạc là những thứ tôi quan tâm hơn cả đều đã chầu long vương. Không thể làm gì được nữa và đã thấm mệt lại bị giãn dây chằng cột sống, tôi leo lên cầu thang cứu hộ với bộ đồ ướt ngồi chờ. Không nhớ lúc về, tôi đã nói gì với anh Châu Chấp mà anh ấy lại nghe ra là tôi vào khoa sản bệnh viện Trung ương Huế. Từ nguồn thông tin đó, khi Dương Phước Thu đến gọi tôi không nghe tiếng người trong nhà liền lội vào bệnh viện tìm và thật khôi hài là tìm một người không có chức năng đẻ trong đám sản phụ!
Vài ngày sau, nước bờ Nam sông Hương rút, mọi người lại liên hệ được với nhau. Nhà thơ Ngô Minh vừa xuất viện với cái đầu nham nhở vết mổ, vết khâu đã ngồi dậy chỉ huy vợ con đi cứu tế. Trước hết là đón 2 cháu Bim, Bống con của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về nhà mình khi bố mẹ các cháu đang một ở Hà Nội, một ở thành phố Hồ Chí Minh. Rồi sau đó chị Tâm vợ anh lại kiếm gạo, thức ăn mang đến cho bạn bè bị nạn. Đấy cũng là khoản cứu trợ đầu tiên với gia đình tôi. Nhà văn Hồng Nhu cùng với cả nhà suốt mấy ngày liền nấu cơm vắt cứu đói nay lại chuyển qua giúp công tẩy lụt. Hai mẹ con chị Trâm và cháu Cương cũng đã bỏ ra một ngày giúp chúng tôi thu dọn, giặt giũ.
Chỉ một góc nhỏ thầm lặng trong làng văn nghệ qua cơn lũ mà đã thấy lai láng tình người. Còn bao nhiêu chuyện cảm động lớn lao khác dù báo chí đã nêu vẫn không thể hết những gương người tốt việc tốt trên mảnh đất ra ngõ gặp anh hùng này. Thế mới biết cơn lũ thiên nhiên dù to mấy cũng phải chảy dưới dòng chảy cơn lũ tình người của một dân tộc có bề dầy lịch sử thương yêu đùm bọc nhau trước mọi thiên tai địch họa.
N.K.T (130/12-1999)
|