Đời sống văn nghệ
Những số Sông Hương đầu tiên
15:37 | 17/07/2008
NGUYỄN KHOA ĐIỀM(TBT: 1983 - 1986)Bây giờ nhìn lại những số Sông Hương đầu tiên (số 1 ra mắt tháng 6-1983) không khỏi cảm thấy tờ tạp chí như một… cô gái quê, giản dị, khiêm nhường, có vẻ… tồi tội. Giấy đen. Bìa mỏng. Bát chữ typo chỗ đậm chỗ nhạt. Sông Hương làm sang cho in ảnh tác giả, khốn nỗi, ảnh loè nhoè, không rõ mặt. Giá bao cấp 7 đồng/số, vẫn bị chê đắt. Được cái lượng bản in ngay số đầu là 4.000 bản. Trông khí sắc cuốn tạp chí vẫn chưa xa cái thời tranh đấu chống Mỹ, in sách báo trong gác trọ sinh viên.

Ấy thế mà bao nhiêu anh chị em văn nghệ ngày ngày lui tới trụ sở Hội hỏi han chờ đợi, kể cả các bậc trí thức, anh đạp xích lô, chị nội trợ trong những ngôi nhà kín cổng cao tường xứ Huế: Bao giờ Sông Hương ra? Nó quả là đứa con của mang nặng đẻ đau, chứa đựng bao khát khao của một vùng đất văn hoá mong muốn mặc lại chiếc áo gấm hoa từ lâu phải xếp lại. Còn nhớ những ngày đó, anh Xuân Hoàng - người chủ trì công việc Hội hạ bút ký công văn xin ra tạp chí từ cuối năm 1980 mà mãi hai năm sau Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên, sau khi thăm dò, cân nhắc mới có văn bản chính thức đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cho ra tạp chí với định kỳ hai tháng một số. Ba tháng sau thì giấy phép chuyển về, kết thúc một thời chìm lắng của sinh hoạt văn nghệ tỉnh nhà.
Để đón giấy phép, một năm trước đó, những người chủ trì đã phải chuẩn bị không biết bao nhiêu việc. Thảo luận, tranh cãi về đường hướng tờ tạp chí, quan niệm biên tập, định hướng độc giả, phong cách trình bày, địa bàn lưu hành, cho đến hình thức thiết kế mỹ thuật, xây dựng chuyên mục… Cuối cùng là tên tạp chí, bộ máy biên tập. Nhất nhất việc gì cũng trao đổi, mổ xẻ, trong phòng họp, ngoài quán cà phê Liễu Quán, trong bàn nhậu tay ba, tay tư. Cứ sôi sùng sục, cứ như là một cuộc “đại cách mạng văn hoá” đến nơi.
Mong muốn của anh chị em là có một tờ tạp chí cho “ra môn ra khoai”. Tạp chí ra tạp chí. Đừng trở lại cái nội san “Văn nghệ Bình Trị Thiên” một thời, một thứ ấn phẩm cho thì không tiện, bán thì không ai mua, in ấn dễ dãi, chẳng khác gì một tài liệu tuyên truyền giải thích chính sách.
Ngoài trang bài văn chương nghệ thuật quen thuộc, anh chị em đều mong muốn tạp chí này phải chứa đựng sức nặng văn hoá vốn là kho gia bảo người xưa đã để lại cho con cháu trên mảnh đất này.
Muốn có một tờ tạp chí có “dáng vóc” nhất định lại phải mở rộng liên kết với bạn bè cả nước, phải thu hút bài vở từ phương xa. Lập tức phải tổ chức các đoàn ra Bắc vào Nam, gặp mặt, trình bày chủ trương ra tạp chí, xin sự cộng tác bài vở và phát hành từ các kho nhân tài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Riêng cái tên tạp chí cũng thảo luận vui đáo để. Phú Xuân chăng? Phú Xuân thì già quá! Đất Nước chăng? Đất Nước thì mông lung quá! Hay Miền Trung, Ngôi Sao, Sông Hương?... Cuối cùng thì Sông Hương được chọn.
Mọi người đều tâm niệm tạp chí lần này chất lượng phải đặt lên hàng đầu, bài vở phải hay, phải mới. Tạp chí có hay, có mới thì mới có ý nghĩa động viên sáng tác, thúc giục mọi người nâng cao nghề nghiệp. Nhưng hay, mới cũng lắm phong cách, giọng điệu, làm sao để có hay, mới mà trong ấm ngoài êm, đoàn kết một nhà văn nghệ, đó mới thật khó. Trong ngôi nhà văn nghệ Bình Trị Thiên có anh chị phía Bắc có sức sáng tạo bền chắc, tâm huyết, còn anh chị em ở phía Nam thì nhạy cảm, mới mẻ, làm sao phối hợp thật khéo để tạo nên một bức tranh phong phú, đa giọng điệu, sẽ làm cho Sông Hương đẹp lên, thay vì rối ren, vẩn đục. Những điều ấy khó có một nguyên tắc nào ấn định cả mà phải xuất phát từ sự công tâm, chân thành, yêu mến đồng nghiệp và phải được xem xét cẩn thận từng bản thảo một. May mắn là Sông Hương có một đội ngũ biên tập xứng đáng.
Hoạ sĩ Bửu Chỉ cố gắng hết sức cho tạp chí có được bộ mặt khả ái, không ít lần anh phải vò đầu bứt tai bới từng con chữ chì để tìm một “co” chữ thích hợp, để “can” lại từng khuôn hình, đường nét trên bàn in quá thô sơ. Anh đã thuyết phục được ban biên tập, kể cả độc giả về cách dàn dựng trang bìa, với khuôn hình đơn giản nhưng hiện đại, với hai chữ Sông Hương như lồng bóng vào nhau, một vi-nhét con chim phượng hoàng như dấu tích dĩ vãng được cách điệu hoá. Trên số ra mắt của tạp chí những cái tên quen thuộc của người đọc cả nước đã được giới thiệu: Tô Nhuận Vỹ, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Hữu Đính, Phan Thuận An, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Sông Hương giữ trọn sắc thái đó trong nhiều năm đầu.
Nhiều biên tập viên của tạp chí hẳn sẽ giữ mãi ấn tượng không bao giờ quên về ngày đầu ra mắt tạp chí. Chúng tôi bỏ tạp chí lên chiếc xe jeep và đi rao bán ngoài đường phố của Huế. Khi xe dừng trước chợ Đông Ba, chị em tiểu thương trong chợ đổ ra mua tạp chí vì nghe rao có bài thơ tình cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải lần đầu được in ra và phóng sự mới về chợ Đông Ba. Cuộc “xuống đường” lần đó đã tiêu thụ được 1.000 bản. Gần 2.000 bản tạp chí được cấp tốc đưa bằng xe lửa vào thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng những đại diện trong đó yêu cầu đưa thêm 1.000 bản nữa. Chúng tôi đành bấm bụng chịu. Nhà nước chỉ cấp giấy in để được in 3.000 bản, in lên 4.000 là quá liều rồi, lấy đâu ra giấy mà in?
Cứ nhớ lại ngày đó là không thể quên hình dáng tất bật của Nguyễn Khắc Phê, Phó Tổng biên tập vừa nội dung vừa tay hòm chìa khoá, vào ra liên tục trong căn phòng 20 mét vuông của toà soạn, tay cầm kính, tay cầm bản thảo, chẳng khác nào ông chủ nhiệm hợp tác xã kỹ lưỡng với từng con chữ. Nhớ Thái Ngọc San cao lều khều, thoắt ẩn thoắt hiện, giữ quan hệ rất khéo với giới trí thức thành phố, nghe được nhiều dư luận, chính anh là người đề xuất “Trang viết đầu tay” và thường xuyên giữ mục “Toà soạn và bạn đọc”, với cái giọng vui vui, chân tình của anh nhiều lúc đã cứu cho toà soạn những bàn thua trông thấy. Tôi còn nhớ cây bút mở màn cho “Trang viết đầu tay” là Trần Thị Huyền Trang, sinh viên Đại học Tổng hợp Huế, mà chỉ mấy năm sau đã trở thành một cây bút nữ được cả nước biết đến.
Để một tạp chí có thể lưu thông trên thị trường, thoát khỏi số phận tập san nội bộ, vai trò trị sự thật quan trọng. Tôi muốn nói đến Võ Mạnh Lập, người phụ trách trị sự của Sông Hương lúc đó. Anh có biệt tài đĩnh đạc, ung dung xử lý những chuyện nợ nần, dôi dư chung quanh việc in ấn, phát hành “đâu vào đấy” để cho chúng tôi có thể chuyên tâm theo đuổi chữ nghĩa.
Số ra mắt trình làng rồi thì niềm vui, nỗi lo cứ theo đó kéo về, thêm một số mới là thêm một thử thách, chẳng có số báo nào là trấn an cho số báo nào. Thường xuyên chờ đợi bài vở, chờ đợi dư luận, thường xuyên cố gắng. Niềm vui lớn nhất là dựng được tác giả mới, phong cách sáng tạo mới. Tôi muốn nói đến Nguyễn Quang Lập. Anh xuất hiện lần đầu trên Sông Hương là một bài thơ, liền đó là truyện ngắn “Người lính hay nói trạng”, rồi “Tiếng lục lạc”. Nhà văn trẻ lập tức già dặn ngay trên trang viết, với phong cách kể chuyện rất “lính”, mạnh mẽ và xúc cảm. Những ngày đó ở trụ sở Hội, ở toà soạn bừng lên một không khí rất lạ, tất cả chúng tôi như nhận được quà. Niềm vui cũng thật lớn khi từ Nghĩa Bình, Thanh Thảo ném về Sông Hương những trường ca mới của anh với sức nặng của ngọn Ấn sơn quê anh đó là “Đêm trên cát” viết về Cao Bá Quát, “Khối vuông ru-bích” và “Hà Nội nhìn từ mắt tôi”. Những trường ca đó đến bây giờ còn là niềm tự hào của người biên tập. Rồi từng bước, những nhà văn hoá cả nước, những cây bút lý luận phê bình đã chọn Sông Hương làm trường văn trận bút. Tôi nhớ ngày đầu khi tạp chí có được loạt bài của học giả Phan Ngọc “Suy nghĩ về thể loại thơ song thất lục bát”, “Nguyễn Du, nhà phân tích tâm lý” thì mỗi biên tập viên chúng tôi đều vui sướng như có khách quý đến chơi nhà…
Ngày nay nhiều người từng đến với Sông Hương ngày đầu không còn nữa. Làm sao quên được các bác, các anh: Nguyễn Hữu Đính, Xuân Hoàng, Thanh Hải, Trần Hoàn, Lê Xuân Việt, Bửu Chỉ, Văn Lang, Phạm Đăng Trí, Thái Ngọc San, Trịnh Xuân An, Hải Bằng, Lương An, Mai Văn Tấn… và biết bao bạn bè đồng nghiệp trong cả nước đã sống với Sông Hương, chia xẻ buồn vui với Sông Hương, cứ như hình bóng đó, ân tình đó in bóng mãi trên dòng sông xanh biếc qua năm tháng.

Ngày 13.6.2008

N.K.Đ
(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ và ghi (17/07/2008)