Đời sống văn nghệ
Thư ngỏ gửi giáo sư Cao Xuân Hạo
09:36 | 29/07/2008
PHẠM QUANG TRUNGAnh Cao Xuân Hạo kính mến!Trước tiên, xin thú nhận, tôi là người mê say tên tuổi anh đã từ lâu. Tuổi trẻ và sau đó là những năm tháng trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu, phê bình văn chương đã đưa tôi đến những trang dịch văn xuôi Nga – Xô viết đầy sức cuốn hút của anh, như Chuyện núi đồi và thảo nguyên, Chiến tranh và hòa bình, Truyện ngắn Gorki, Con đường đau khổ, Tội ác và trừng phạt…

Với tôi, và chắc không chỉ riêng tôi, Cao Xuân Hạo đồng nghĩa với sự thông thái, đồng nghĩa với vẻ tài hoa, những phẩm chất vốn là ước ao của bao người nhất là những người trẻ tuổi.
Vì “phải lòng” anh, nên gần đây tôi đã chăm chú theo dõi một loạt bài viết của anh gần như về cùng một vấn đề đăng trên “Văn nghệ”. Đó là các bài: Về tính hiếu học của người Việt xưa và nay, (Số 19, ngày 12/5/2001); Ngôn ngữ học với nghề văn (Số 27, ngày 7/7/2001); Phép màu của lãng quê (Số 39, ngày 29/9/2001). Thật ra những bài viết này là sự tiếp nối bài trao đổi của anh in trên “Văn nghệ”, Số 4, ngày 22/1/2000, có tên Sợ hơn bão táp. Từ nhiều góc độ khác nhau, anh lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo về tình trạng nói và viết sai tiếng Việt một cách trầm trọng mà nguyên do là từ việc giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt bấy lâu nay quá sai lạc, tạo ra hệ thống tri thức về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa hoàn toàn không phù hợp, nghĩa là không khoa học, khiến người đọc, người học - nói như anh – “ghê sợ” tiếng mẹ đẻ. Tôi hoàn toàn chia sẻ với nỗi lo lắng chứa đựng trách nhiệm công dân cao của một nhà khoa học như anh. Tôi cũng tán đồng nhiều ý kiến xác đáng về lý lẽ, phù hợp với thực tế của anh. Và cũng như anh, tôi cho rằng những ai còn lương tri khoa học, và ý thức xã hội không thể không nghiêm túc suy nghĩ các vấn đề khẩn thiết được anh nêu ra, cùng các kiến giải độc đáo của anh.
Tuy nhiên, đọc xong các bài báo của anh, tôi thấy nỗi lo ngại được anh thành thực bày tỏ cách đây gần hai năm trong bài Sợ hơn bão táp là có cơ sở: “Tôi biết rằng những điều tôi viết trên đây không có bao nhiêu sức thuyết phục, và sẽ không thiếu gì những bạn đọc không tin tôi nói thật, hay ít nhất cũng cho rằng tôi vẽ ra một bức tranh quá ảm đạm, và những nhận định của tôi là cực đoan và thiếu căn cứ” – những chỗ in nghiêng là do tôi nhấn mạnh. Tôi cứ tự hỏi, anh có quá đủ điều kiện để lôi cuốn người khác, sao lời nói của anh “không có bao nhiêu sức thuyết phục”, mà xem ra, anh càng viết, sức thuyết phục lại càng thuyên giảm? Vâng, quả thật anh có nhiều ưu thế. Anh bàn về một ngành chuyên sâu ngữ học, Việt ngữ học mà chính anh là một chuyên gia thâm niên như có lần anh tế nhị lưu ý người đọc:... “Tôi là một trong những người đã tham gia lâu năm nhất (từ năm 1956 là năm đầu tiên có giảng dạy ngữ âm và ngữ pháp tiếng Việt trong trường đại học)”. Mục“Viết nhịu” đăng nhiều kỳ trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, cuốn sách Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa do Nxb Giáo dục ấn hành 1998, cùng nhiều bài viết, báo cáo khoa học, và một vài cuốn sách khác của anh chứng tỏ tác giả của nó vừa có thực tiễn ngôn từ dồi dào vừa có lý thuyết ngôn ngữ phong phú. (Xin lỗi, tôi không dám đánh giá những đóng góp khoa học của anh, vì tôi không có thói quen bàn về những lãnh vực bản thân chưa thật sự am hiểu). Anh còn có lòng trung thực và quả cảm – vốn là ưu thế của kẻ mạnh: “Tôi chỉ nói lên những sự thật thuần túy – anh viết – mà đã mười mấy năm nay chưa từng lấy có một người nào dám nói hay viết dù chỉ một câu để bác bỏ”. Đặc biệt, anh mang tình yêu tiếng Việt hiếm có – thiếu nó sẽ không một ai có đủ nghị lực để kiên trì đi trên con đường tìm hiểu tiếng Việt vốn quá nhiều trở ngại và thách thức để có những đóng góp thật sự. Tôi cảm động khi đọc những dòng sau của anh: “Tiếng Việt… tuy khác với tiếng Pháp về nhiều phương diện, nhất là về ngữ pháp, nó vẫn là một thứ tiếng trong sáng, chính xác, tinh tế, đẹp đẽ hoàn toàn xứng đáng được dân ta quý trọng và nâng niu”.
Tóm lại, lẽ ra những ý kiến của một người có đủ uy tín như anh phải tỏ rõ sức mạnh trong thực tế, nhưng lại chưa, thậm chí không được như vậy, vì sao? Trước hết, tôi thấy ý kiến của anh có lẽ còn phiến diện và cực đoan. Chẳng hạn, việc anh lý giải hiện trạng sử dụng sai tiếng Việt tràn lan trên sách, tạp chí, và các phương tiện thông tin đại chúng. Anh gần như đổ tất cả lỗi lầm lên đầu những người viết sách giáo khoa, giáo trình tiếng Việt, theo tôi, vậy là vô lối. Anh quả quyết: “Nhiều giáo sư văn học đã phải thốt lên: Mong sao sau 12 năm học phổ thông con tôi vẫn còn nói và viết được tiếng Việt như trước khi đi học”. Tôi không rõ những người đó có sai sót hay không, và sai sót đến đâu, nhưng cả khi họ có sai sót, kể cả những sai sót trầm trọng, không thể tha thứ được như ý của anh là “ngày nay Việt Nam đang là cái pháo đài cuối cùng và cực kỳ kiên cố của chủ nghĩa dĩ Âu vi trung cực đoan trong ngôn ngữ học”, thì cũng không thể cho đó là nguyên nhân duy nhất, hoặc ở mức độ thấp hơn là nguyên nhân quan trọng nhất được. Sách viết ra, còn có vai trò của người đọc; sách dành cho việc học còn có vai trò của người dạy và người học. Không phải sách (kể cả sách công cụ như giáo khoa, giáo trình) viết gì người ta cũng buộc phải nghe cả đâu. Vả chăng, nói viết tiếng mẹ đẻ là vấn đề giao tiếp xã hội rộng rãi, nguyên do của cái hay và cái dở trong đó bao giờ cũng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố cực kỳ phức tạp, không thể chỉ quy lỗi cho một ai, một lãnh vực nào.
Nhưng thôi, cứ tạm chấp nhận với anh, sách viết về tiếng Việt còn nhiều sai sót và bất cập là một trong những nguyên do cơ bản của tình trạng sai phạm trong sử dụng tiếng Việt thì tôi cũng không thể đồng tình với anh về những lời giải thích một chiều, rằng do các nhà Việt ngữ học và rộng ra là các nhà ngữ văn học, các nhà khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta lạc hậu và kém cỏi xa với các nước khác, nhưng họ lại không có ý thức vươn lên vượt thoát khỏi tình trạng thê thảm ấy, thậm chí còn tự cao tự đại kiểu AQ chủ nghĩa. Anh viết: “Không ít người thấy mình vượt lên phía trước rất xa so với các nước khác… vì thế giới ngày nay đã lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về khoa học xã hội, duy có Việt làm thành một ốc đảo còn có được một nền khoa học ngữ văn lành mạnh”. Tôi xin lưu ý là anh đang nói về một tình trạng “ảm đạm” chung, không riêng Việt ngữ học: “Té ra tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn đều như vậy cả, và ai cũng tưởng chỉ riêng ngành mình biết mới tồi tệ như thế mà thôi”. Tôi cho rằng, có thể cũng có một ai đó nghĩ và làm vậy, nhưng chỉ là hiện tượng cá biệt, không phổ biến đâu. Phần đông các nhà khoa học xã hội tôi có dịp gặp gỡ và tìm hiểu đều khiêm nhường, thậm chí có người còn tự ti khi tiếp xúc với bên ngoài, tuyệt nhiên không dương dương tự đắc như anh nghĩ. Họ biết mình biết ta, cả mặt mạnh và mặt yếu. Khoảng cách giữa ta và người là có, nhưng chắc không quá lớn, đến mức không thể vượt qua như anh viết:“Một số lớn trong chúng tôi không hề thấy mình lạc hậu chính vì lạc hậu quá xa, nhìn về phía trước không còn trông thấy mô tê gì nữa”. Gần đây, trong tạp chí “Tia sáng”, nhân trao đổi về việc thành lập Viện Hàn lâm Việt Nam, anh vẫn nhất quán với đánh giá của mình:“Trong tình hình hiện nay tôi nghĩ rằng, các khoa học chính xác, các khoa học tự nhiên có lẽ có đủ người để làm thành Viện Hàn lâm. Chứ các khoa học xã hội nhất là ngôn ngữ học mà tôi biết rõ thì trong cả nước ta chỉ có bốn năm người có đủ trình độ đại học hay hơn một chút” (Số 8, ngày 5/9/2001,tr18). Tôi nghĩ nhận xét về chất lượng khoa học bao giờ cũng phải xuất phát từ mặt bằng chung, đồng thời lại cần có cái nhìn mang sức bao quát lớn. Hình như anh chưa có đủ cả hai. Lẽ nào các nhà khoa học tự nhiên đứng ở mảnh đất khác các nhà khoa học xã hội? Lẽ nào các chuyên gia đầu ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn, không ít tên tuổi trong số họ từng được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà trình độ lại thấp kém đến vậy? Nên người ta có lý do để đặt câu hỏi, vậy anh đứng ở đâu để đưa ra phán xét trên? Hay Cao Xuân Hạo với học hàm giáo sư được Nhà nước Việt phong tặng, đứng tách hẳn ra, ở một tầm cao khác?
Trong nhiều bài viết, anh còn cố công đi tìm nguyên nhân của tình trạng lạc hậu trong các ngành khoa học xã hội ở ta. Anh bảo ở Việt “có hai ngành mà nhiều người quan niệm là không cần học một chữ nào cũng có thể làm được: đó là Văn và Ngữ”. Để biện hộ cho anh, tôi cho đây là cách viết không thật phù hợp với văn phong báo chí, văn phong khoa học, như kiểu: “Một người bạn cũ lâu năm gặp lại, nay là hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở, khi biết tôi đang dạy và viết về tiếng Việt, liền tái mặt và van xin tôi tha thiết…” hay: “Hôm ấy, khi thấy tôi tỏ ý kinh ngạc và phẫn nộ vì cái nội dung của một cuốn sách được thẩm định… một Giáo sư Tiến sĩ khoa học có tiếng tăm đã nhìn tôi với đôi mắt tràn đầy lòng trắc ẩn” (Những chỗ in nghiêng là do tôi chủ ý nhấn mạnh). Nếu không phù hợp về văn phong, lẫn sang phong cách nghệ thuật thì bắt bẻ làm gì! Thế nhưng ở đoạn sau thì tôi đành bất lực vì anh viết quá nghiêm túc: “Trong các ngành khoa học xã hội, nhất là văn học và ngôn ngữ được coi như những ngành hoàn toàn không cần đến “chuyên”, chỉ cần “đỏ”, cần lập trường “tư tưởng” mà người đã có tư tưởng tốt thì dù không học giờ nào cũng có thể làm được”. Tôi nghĩ có thể có một lúc nào đó,ở một nơi nào đó, và một ai đó nghĩ vậy, nhưng cho tới giờ, xét trên toàn cục, thì chắc chẳng còn mấy người nghĩ như anh. Cũng phiến diện y như cái dẫn dụ anh đưa ra sau đây để xác minh cho “sự ngu dốt” của một giảng viên:“Bản thân tôi đã từng được triệu tập đến nghe bốn buổi (14 tiếng đồng hồ) giảng về ngôn ngữ học trong đó diễn giả chưa từng đọc một trang sách báo nào về ngôn ngữ và ngôn ngữ học…” “Phép ngoa dụ” được anh dùng không đúng chỗ, người đọc không tin anh cũng là phải thôi!.
Tôi cứ nghĩ mãi là tại sao một người có đầu óc sáng láng như anh lại rơi vào cực đoan trong cách lập luận và cách sử dụng từ ngữ đến mức ấy. Gần đây tôi mới phát hiện ra rằng, có lẽ là do cái “tâm” của người viết? Nghĩ như thế là bởi tôi thấy lời lẽ mạt sát người khác của anh quả có hơi quá đáng. Anh coi cuốn sách giáo khoa được Hội đồng thẩm định nọ thông qua là “sản phẩm của một người hoàn toàn mù chữ về ngôn ngữ học và tiếng Việt” viết ra. Một người bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ trước Hội đồng cấp Nhà nước bị anh gọi là “một gã vô học”. Anh ta sau đó giữ chức Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn của một trường Đại học sư phạm mà anh bảo là “dạy toàn những chuyện tầm bậy cho sinh viên!” Cái gì cũng có giới hạn, vượt quá giới hạn nhiều lần thì sẽ không thể không rơi vào tình thế bất lợi. Có lẽ anh quá giận thành ra mất khôn rồi. Nhưng thôi, những lời lẽ báng bổ đó của anh cũng chỉ liên quan đến một vài người. Sự mai mỉa của anh hướng về số đông thì xúc phạm hơn nhiều. Đây, giọng điệu của anh dành cho một trong những phẩm chất quý giá nhất của người Việt Nam:“Nếu bây giờ ai còn nói đến tính hiếu học của người Việt đều không khỏi cảm thấy ngượng nghịu”(!); hoặc: “Những điều mắt thấy tai nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy rõ cái tinh thần hiếu học trứ danh của dân ta ngày nay ra sao”(!). Chớ nên từ một vài hiện tượng lẻ tẻ mà nổi đóa lên như vậy. Không, chẳng gì có thể bôi nhọ tính hiếu học đang được phát huy có hiệu quả trong đa số người Việt , nhất là lớp trẻ. Và cũng chẳng gì có thể phủ nhận sự cố gắng của nhiều người để giữ gìn sự trong sáng và giàu có của tiếng Việt chúng ta. Một cái nhìn thái quá đi đôi với một thái độ thái quá sẽ không những không có sức mạnh cải biến, mà ngược lại, còn ngăn cản mọi cố gắng đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Tôi cứ đinh ninh lý do nói trên là cái sâu xa chi phối mọi lời bàn ít sức thuyết phục của anh. Đọc bài đăng trên “Văn nghệ” mới đây tôi mới vỡ nhẽ ra là không hoàn toàn phải thế. Anh dồn mọi bực dọc không kìm chế nổi trong những câu sau: “Những điều mà Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận có đúng sự thật không? Những đại diện của Hội cho chúng tôi biết rằng họ sẵn sàng chứng minh từng điểm một trong những nhận định mà có người coi là “cực đoan” của họ. Biết đâu họ chẳng chứng minh được điều gì có ích? Tại sao không chất vấn họ? Tại sao không điều tra xem họ có phải là một bọn vô lại hay là những nhà khoa học nghiêm túc? Tại sao không ai hé răng tranh luận với họ một lần xem sao?”( Phép màu của lãng quên).
Tôi nghĩ tới một câu chuyện ẩn chứa nhiều ý nghĩa trong bộ phim Mỹ “Đêm Ả Rập”. Chàng hoàng tử trong chuyện dùng tài bắn cung để chiếm quả táo “cải tử hoàn sinh” dành cho vua cha. Thật là điệu nghệ! Anh ta bắn tắt ngọn nến mà không làm cho nó suy xuyển. Thử thách cuối cùng đòi hỏi anh phải bắn trúng quả táo đặt trên đầu một đứa trẻ dĩnh ngộ. Giương cung lên, anh lại bỏ cung xuống nhiều lần - anh không chấp nhận được tính mệnh hiểm nguy của đứa bé. Nhưng chính vì thế mà chàng trai đã dành được quả táo thần. Kết luận được rút ra thật thấm thía, trong trường hợp này không nên giành giật chiến thắng bằng mọi cách.
Kính thư
P.Q.T

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ và ghi (17/07/2008)