Đời sống văn nghệ
Người dịch mật mã của Bác Hồ
17:04 | 28/01/2011
NGUYỄN THANH TUẤN           Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Người dịch mật mã của Bác Hồ
Bà Lê Hiền Đức - Ảnh: internet

Đ
ó là một ngày tháng 05 năm 2006, khi đang làm hướng dẫn viên tại biệt thự Hằng Nga (Crazy hause) Đà Lạt, tôi tình cờ được gặp bà Lê Hiền Đức (tên do Bác Hồ đặt cho). Bà là người dịch mật mã riêng cho Bác Hồ, tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1932. Là con út của tri phủ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Một nhà giáo hưu trí, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao tặng.

Chúng tôi, thế hệ 8x may mắn được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước hòa bình nhưng cũng vì thế mà chúng tôi không thể hiểu hết được một thời oanh liệt của thế hệ cha anh và nhất là tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi chỉ có thể hiểu biết thông qua những bài học lịch sử, những mẩu chuyện kể về cuộc đời cống hiến cho dân tộc và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người rất cụ thể, sinh động và gần gũi… Nhưng phải thú thực chỉ sau khi được gặp gỡ và tiếp xúc với bà Lê Hiền Đức, tôi như thực sự đang được nhìn thấy nghe thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc với con người bằng xương, bằng thịt. Người đã ra đi nhưng đạo đức và tác phong của người còn sống mãi trong tâm hồn người Việt và Người đang hiển hiện đây ngay trước mặt tôi thông qua người phụ nữ dịch mật mã, thư ký riêng của Người. Một phụ nữ cao tuổi thấp nhỏ nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn với đôi mắt âu yếm nhưng sáng ngời, một phong cách rất Hồ Chí Minh, bà nói “Nhờ được làm việc cho Bác Hồ trong một thời gian dài nên bây giờ bà vẫn giữ được phong cách làm việc và cách sống của Người”.

Quả đúng như vậy, con người ấy toát lên một vẻ đẹp thanh khiết, dung dị và dịu dàng như một đóa sen hồng. Ấn tượng đầu tiên đối với tôi là đức tính tiết kiệm, tiết kiệm không phải vì thiếu thốn mà tiết kiệm vì một giá trị cao cả mà cho mãi đến khi sắp chia tay với bà tôi mới hiểu hết. Hôm ấy là tối thứ bảy, tôi có nhã ý mời bà đi dạo một đoạn trên khu phố đi bộ để tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về những giá trị vĩnh hằng của một thời đã qua đi mà những người như bà là chứng nhân. Hai bà cháu cùng nhau bước chầm chậm, say mê ngắm nhìn đoàn người thanh thản đi lại trong sương mờ phố núi và ngào ngạt hương sắc muôn hoa. Bà mải miết nói về thời oanh liệt và những con người bất tử, đó là bao bạn bè cùng trang lứa với bà nhưng tuyệt nhiên không thấy bà tự nói về mình. Trong số những người ấy, bà nói nhiều về TS. KTS. Đặng Thị Việt Nga con gái của cố Chủ tịch nước Trường Chinh (Tên thật là Đặng Xuân Khu), hiện là chủ nhân của biệt thự Hằng Nga. Mải miết đi, mải miết nói chuyện cho đến khi giật mình nhớ ra rằng đã đến lúc phải quay trở về thì phát hiện chúng tôi đã đi ra khỏi trung tâm thành phố và hai chân mỏi nhừ. Tôi định gọi xe thồ để trở về thì bà ngăn lại một cách dịu dàng nhưng cương quyết: “Không cần đâu! Bà vẫn đi bộ rất tốt. Với cả đường Đà Lạt về khuya đẹp lắm, đi xe ôm thì uổng quá. Với lại biết bao giờ bà được thăm lại Đà Lạt”.

Sáng hôm sau, tôi cùng một nhân viên tạp vụ lên phòng bà thật sớm (bà chọn căn phòng nhỏ nhất và đơn giản nhất trong biệt thự) thì thấy bà đã dậy từ bao giờ và đang ngồi trước đèn chăm chú đọc sách. Cô tạp vụ ngạc nhiên vì thấy tất cả mọi thứ đã ngăn nắp gọn gàng như trước lúc bà tới. “Bà ơi! Những việc này là của cháu, lần sau xin bà để cháu làm”. Bà nở một nụ cười thật hiền với cô tạp vụ: “Những việc như thế này bà vẫn có thể làm được và bà thích tự làm những việc của mình”.

Mặc dù tuổi đã “thất thập cổ lai hi” nhưng không ngày nào bà lại không đọc sách và tìm hiểu về internet. Tay cầm cuốn sách Tự học Tiếng Anh bà nói: “Bác Hồ dạy: Học không bao giờ là muộn”… Trong xu thế ngày nay người như bà cũng cần phải học tập rất nhiều, nhất là vi tính và Anh Văn. Người như các cháu lại càng phải học nhiều hơn. Bà nghĩ thế, không biết các cháu thì sao”? Vẫn không quên nở một nụ cười hiền dịu và một ánh mắt mến thương, bà nói tiếp: “Đà Lạt thật trong lành, con người nơi đây nhẹ nhàng, lịch lãm và thân thiện. Bà thấy sau chuyến đi này bà cần phải đối xử thân thiện, nhẹ nhàng hơn với mọi người và đấu tranh quyết liệt hơn để chống lại cái ác”.

Trong suốt thời gian bà ở biệt thự Hằng Nga, tôi được nghe biết bao câu chuyện cảm động về những con người đã trở thành tinh hoa của dân tộc. Đặc biệt là vị cha già kính yêu Hồ Chí Minh nhưng hoàn toàn không nghe bà tự nói về mình trong suốt quá trình “làm giao liên, làm mật mã viên cho ngành công an, rồi hoạt động tình báo cho Sở Liêm phóng Hà Nội. Năm 1949, khi mới 17 tuổi bà đã được điều lên chiến khu Việt Bắc làm việc tại Nha Công an Trung Ương. Nhiệm vụ của bà là dịch các tài liệu bằng mật mã từ các nơi gửi về và làm liên lạc, đưa công văn, giấy tờ sang Văn phòng Chủ tịch”.

Sáng nay, như thường lệ tôi lại lên phòng bà thật sớm. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là bà không ngồi đọc sách như mọi khi mà đang cần mẫn gấp thật ngay ngắn những bộ quần áo đủ mọi kích cỡ, màu sắc dành cho cả nam và nữ. Bên cạnh là lỉnh kỉnh bao nhiêu sách vở và quà bánh, tôi hỏi: “Bà làm gì thế này?” Vẫn say sưa với những công việc của mình, bà trả lời tôi: “Sáng mai bà về Hà Nội rồi, chiều nay bà đến thăm các cháu ở làng trẻ SOS Đà Lạt, cháu có đi với bà không?” “Dạ có! Cháu đi với bà nhưng tiền đâu bà mua nhiều thứ vậy?” Vẫn nụ cười trên môi, bà nói chậm rãi: “Bà quyết định về Hà Nội trước thời hạn ba ngày nên tiền phòng dư ra sáu trăm ngàn cộng với tiền bà tiết kiệm được bằng việc không đi xe ôm và xe taxi từ hôm tới Đà Lạt đến giờ”. Cho tới bây giờ tôi mới thực sự hiểu tại sao lúc chân tôi đã mỏi nhừ và bà chắc chắn còn mỏi mệt hơn gấp mười lần tôi, nhưng bà vẫn quyết định đi bộ trên những con đường Đà Lạt đèo dốc quanh co.

Hôm ấy đến làng trẻ SOS bà đã dịu dàng phát quà, âu yếm căn dặn từng em, ôm chúng vào lòng mà khóc. Tôi ngây ngô đứng nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc bạc trắng và đôi mắt dịu dàng trước các em nhỏ tàn tật ngây thơ. Tôi không nói gì, không làm gì không muốn khóc nhưng sao nước mắt cứ ứa ra…

Thế là bà đã lên tàu về Hà Nội trước kế hoạch ba ngày. Chỉ vẻn vẹn chưa đầy năm ngày được tiếp xúc và nói chuyện với bà Hiền Đức nhưng tôi đã học được nhiều bài học rất đỗi bình thường, gần gũi nhưng quý giá biết bao. Đó là đức tính tiết kiệm, giản dị ngăn nắp tự lập, không ngừng học tập và tự học tập, điềm tĩnh dịu dàng và thương yêu con người... Thông qua con người nhỏ nhắn, giản dị này tôi như đã được gặp gỡ để cảm nhận sâu sắc hơn, toàn diện hơn, trực tiếp hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

N.T.T
(264/2-11)






Các bài mới
Các bài đã đăng