Tiếp bước các bậc thầy Sinclair Lewis, Pearl Buck, Thomas Stearns Eliot, William Faulkner, Eugene G.O’Neill và Ernest Hemingway để đứng vào hàng ngũ những “tượng đài” của văn học hiện thực Mỹ được cả thế giới xưng tụng, John Steinbeck đã khẳng định vinh quang ấy với những tác phẩm văn xuôi mang nội dung, tính triết lý sâu sắc và đặc biệt là những quan niệm nghệ thuật của ông khi “dấn thân” vào “mê hồn trận” của sự nghiệp ngôn từ. Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông đã khẳng định: “…Sứ mệnh từ xưa của nhà văn không thay đổi. Nhà văn được trao nhiệm vụ phô bày những lỗi lầm và thất bại xót xa của chúng ta, nhiệm vụ lôi ra ánh sáng những giấc mơ tăm tối và nguy hiểm của chúng ta nhằm nâng đỡ con người chúng ta”. Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông cho thấy chân dung của một nhà nghệ sĩ ngôn từ với bản trường ca cuộc đời: “…Văn chương cũng xưa như tiếng nói của con người, và nó chẳng thay đổi tí gì, trừ phi để được con người cần hơn đến nó”. Đối với John Steinbeck, nghệ thuật chân chính không bao giờ là một cuộc độc thoại mà đó là cuộc đối thoại lớn, liên tục giữa người cầm bút với người đọc và thời đại. Nhà văn phải viết về những gì mà mọi thời đại, mọi thế hệ đều trăn trở, đó là “cái thực tại của thực tế” mà con người mãi mãi là chứng nhân lịch sử. John Steinbeck ra đời vào ngày 22 tháng 2 năm 1902 tại miền thung lũng đẹp và trù phú Salinas thuộc tiểu bang
California . Cảm hứng dạt dào từ vùng quê tươi đẹp cùng với những ảnh hưởng sâu sắc từ văn học Hy Lạp cổ điển, Kinh Thánh và văn học Châu Âu là nguồn chất liệu cho các tác phẩm của ông. Ông đi nhiều, viết nhiều và trở thành nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch bản phim nổi tiếng của Hoa Kỳ. Trước năm 1935, tiếng tăm của ông chưa được biết đến nhưng bắt đầu từ mốc thời gian này với tác phẩm Khu phố Tortilla - được huy chương vàng của câu lạc bộ Commonwealth tại San Fransisco - ông dần dần khẳng định được tài năng của mình. Năm 1937, cuốn tiểu thuyết Của chuột và người ra đời đã được Câu Lạc Bộ Sách trong tháng bình chọn, được Hội Văn Học ca ngợi và đạt được giải thưởng phê bình kịch New York sau khi đã chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Những năm tháng tiếp theo của cuộc đời ông tiếp tục sáng tác và công bố những tác phẩm gây sóng gió tại Hoa Kỳ và thế giới như: Thung lũng dài, Máu của họ thì mạnh, Vùng biển của Cortez, Ngôi làng bị bỏ quên, Ngọc trai, Ngày thứ năm ngọt ngào, Mùa đông bất mãn của chúng ta... đặc biệt là thiên tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ công bố vào năm 1939. Vừa mới xuất hiện, Chùm nho phẫn nộ đã trở thành tiểu thuyết “bán chạy nhất”, đặc biệt hơn còn được trao tặng hai giải thưởng lớn là giải Pulitzer và giải thưởng sách Hoa Kỳ. Tất cả những thành công này đã mang lại cho ông giải Nobel văn học vào năm 1962. John Steinbeck tạ thế ngày 20 tháng 12 năm 1968, cho đến nay đã gần bốn mươi năm. Thế nhưng những tác phẩm của ông không bị chìm dần vào quên lãng mà ngược lại nó bắt đầu một hành trình mới với sức lan toả ngày càng rộng rãi hơn trong công chúng trên toàn thế giới. Có được sự trường tồn này không chỉ vì tác phẩm của ông chứa đựng những yếu tố nghệ thuật độc đáo mà còn ở giá trị hiện thực khúc xạ qua một tầm nhìn khái quát về lịch sử - xã hội một cách sâu sắc của tác giả. Nhiều thế hệ bạn đọc ở Mỹ cũng như ở các quốc gia khác tìm đến các tác phẩm văn xuôi của ông để tìm hiểu về một thời kỳ đau thương của Hoa Kỳ - đất nước có tầm ảnh hưởng to lớn với thế giới trên mọi lĩnh vực, mà còn để hiểu chính xã hội và thế giới con người mà mình đang sống. Tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ mở ra một bối cảnh rộng lớn và bi thương của nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 30 với những đoàn người di dân bị tước đoạt ruộng đất kéo dài trên con đường 66. Không phải qua sự “tường thuật” này mà cái nhìn sâu sắc về xã hội của ông đặc biệt thể hiện ở những suy tư và lựa chọn của nhân vật. Ông đã diễn tả một cách sống động những suy nghĩ dần dần hình thành trong Jim Casy, Tom Joad và sự lựa chọn cuối cùng của họ. Thế giới tư hữu cùng những bất công xã hội đã thúc đẩy quá trình con người vươn tới một ý thức xã hội cao hơn ý thức mà họ vốn có, từ “tôi” đến “chúng ta”, từ “cá thể” đến “tập thể” và biến họ thành những người hùng của thời đại. Cũng như bao gia đình khác, gia đình Joad dần dần tan rã nhưng họ vẫn “…giữ gìn cơ sở đạo đức trong bản tính của họ… Nghèo nàn và bất hạnh không huỷ hoại được trong tâm hồn họ tình hữu ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, sự thông cảm với đau khổ của người khác và khả năng giúp đỡ người khác”. Cuốn tiểu thuyết đã trở thành tiếng kêu chống lại những gì bất công với con người, lên án những tập đoàn chính trị bẩn thỉu đã phản bội lại lý tưởng cao đẹp ban đầu của dân tộc Mỹ. Có thể nói tiểu thuyết này như kết tinh của một quan niệm nghệ thuật của nhà văn nhằm cảnh tỉnh nhân loại trong thời đại công nghiệp hoá và kinh tế thị trường dưới sứ mạng nhân bản. Bên cạnh Chùm nho phẫn nộ, Của chuột và người còn cho thấy sự bi thống, thảm thiết của lớp người nông dân nô lệ, những con người đầy những đức tính bản chất tốt đẹp bị đẩy vào bước đường cùng. Làm sao họ có thể có được một trang trại nhỏ? Làm sao họ có thể chung sống với nhau, với sự yêu thương thật sự trong khi họ là kiếp làm thuê? Kiếp người trôi nổi theo sự nghèo khó?”. Những George, Lennie, Candy, Crooks, Slim… đều là nạn nhân của thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Họ không còn khả năng quyết định số phận của mình mà ngày ngày chìm trong một nỗi thấp thỏm về việc làm và miếng cơm. Phát súng George dành cho Lennie đã hoàn toàn phá tan mọi ước vọng vừa mới chớm. Nhưng thật ra, người đọc đã sớm thấy được sự “phá sản” ngay từ khi những con người đang hy vọng tràn trề bởi chính họ đã mơ một hạnh phúc không bao giờ vươn tới được. Phải nói rằng Steinbeck có tầm quan sát nhạy bén của một nhà văn hiện thực, không chỉ thể hiện ở tiểu thuyết mà còn ở những truyện ngắn với những vấn đề muôn đời của đời sống con người trong mối quan hệ với cộng đồng và xã hội. Những nỗi đau của nhân vật ông Ngoại (Người chỉ huy), ông lão Gitano (Những rặng núi lớn), ước mơ, khát vọng của em bé Jody, “hiện tượng” Johnny Gấu… đều là những vấn đề nóng bỏng của xã hội con người. Cùng với sự phát triển của xã hội tiêu dùng và những đổi thay nhanh chóng của nền văn minh cũng đồng nghĩa với “những tình cảm quý báu đang dần dần bị mai một” và quá khứ tươi đẹp của cha ông bị lãng quên. Họ trở nên lạc lõng trong xã hội đương thời. Sự lựa chọn quay về với những rặng núi lớn của Gitano, tiếng thở dài buồn thảm của ông Ngoại hay khát vọng của bé Jody như là những tiếng chuông thức tỉnh tâm hồn nhân loại về một xã hội của con người chứ không phải của đồng tiền và sự lãng quên. Người đọc nhận thấy sự lên án những con người cơ hội, trục lợi bằng cách bới móc đời tư của mọi người trong Johnny Gấu. Mỉa mai và sâu sắc hơn, ông còn vẽ ra một cộng đồng xã hội mà cái đẹp nhất trong cộng đồng ấy lại là giả tạo. Đó là mặt trái của xã hội tiêu dùng khi mà mọi cảm xúc và nhu cầu cá nhân đều khép lại để mở ra “tiếng thơm” cho tập thể… Qua tác phẩm của Steinbeck, những vấn đề xã hội nổi cộm thời bấy giờ là sự bạo ngược và đời sống vật chất khốn cùng của những người lao động nhập cư đã được thể hiện. Ông đề cập đến sự bất công và bóc lột người lao động một cách vô nhân đạo từ đó khẳng định sự đấu tranh của con người là một quá trình tự nhiên. Ông đề cao tự do của con người, cổ vũ cho một triết lý sống nhân bản và trình bày những suy tư về điều thiện, điều ác, giấc mơ, hiện thực… Chính con người mang bi kịch chứ không phải bất cứ cái gì khác trong văn xuôi của John Steinbeck đã sống trong tâm tưởng của người đọc ở mọi thế hệ và mọi thời đại. Chính những con người ấy đã nâng các thiên tác phẩm lên một bình diện khác: bình diện triết lý. Trong xã hội Mỹ thời bấy giờ, kinh tế thị trường tư bản rất phát triển nhưng đời sống tinh thần lại sa sút. Những giá trị tốt đẹp ngày càng bị đảo lộn và con người đánh mất niềm tin ở thiết chế dân chủ. Đâu đâu cũng tràn ngập sự xấu xa, lừa bịp của một xã hội chạy theo kim tiền. Trong bối cảnh đó, tiểu thuyết của Steinbeck xuất hiện. Từ tầng sâu của tác phẩm, một câu hỏi lớn đặt ra đó là rồi đây con người sẽ ra sao, sẽ sống như thế nào khi cứ mãi là nạn nhân của những xu thế thời đại chà đạp con người? Sự lạnh lùng của cách mạng công nghiệp khiến hàng ngàn con người phải phá sản, dãy dụa để sinh tồn và mất hết hy vọng thay đổi cuộc đời. May mắn lắm thì họ cũng chỉ cần thiết cho xã hội đó như là những nhân công dự trữ và nguồn lao động rẻ mạt. Đó là bi kịch lớn lao cả về vật chất và tinh thần mà xã hội kinh tế thị trường đang đè nặng lên những con người lao động khốn khổ. Thật đau xót thay khi trước đây mọi gia đình tá điền rất “vững chắc, gắn bó với nhau bằng truyền thống và lao động chung giờ đây tan rã như thế nào bởi vì nó không thể đứng vững trước sự thâm nhập huỷ hoại của những thế lực xã hội bên ngoài”. Gia đình Joad cũng không thoát khỏi sự thật nghiệt ngã đó. Trên nền rộng lớn của cuộc mưu sinh là nỗi đau sinh ly tử biệt, gia đình ly tán, cái đói cận kề… Đất Hứa đã trở thành nơi chôn cất người già, giết chết trẻ em và bóc lột xương tuỷ người lao động. Con người không phải đang sống mà đang tồn tại vật vờ… Tình trạng xã hội và trạng thái tồn tại của nhân vật đã trở thành “bàn đạp” nâng những bi kịch lên tầm triết lý. Nghệ thuật là nơi thăng hoa của mọi cảm xúc. Không chỉ có niềm vui, hạnh phúc, mà sự thất vọng, đổ vỡ, bi kịch cuộc đời, kể cả cái chết… cũng tạo nên những tuyệt tác cho văn học nhân loại. Tác phẩm của Steinbeck đã diễn tả chân thực những ước mơ tan vỡ, những nỗi đau khổ của con người và những niềm hy vọng treo trên sợi chỉ mành mong manh. Rồi sẽ ra sao khi con người lại tiếp tục trên những chiếc xe đời thổ tả ai oán và duy trì cuộc sống trong từng ngày? Rồi sẽ thế nào khi mọi mơ ước chính đáng của con người vẫn mãi mãi là ảo tưởng? Cuộc đời có còn tươi đẹp nếu con người không thoát ra khỏi những bi kịch cay đắng của tâm hồn?… Đó là những gì đọng lại từ triết lý của nhà văn. Chính ông đã đóng góp một phần vào việc diễn tả chân thực những nỗi bi thảm của con người ngay trên phần đất được mệnh danh là phồn thịnh nhất thế gian này. Nhưng cái hay trong triết lý về con người bi kịch của Steinbeck là một niềm tin không bao giờ tắt. Con người dù trở nên bi thảm bởi những tấn bi kịch cuộc đời nhưng không bao giờ tuyệt vọng, bế tắc mà vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cuộc sống, quyền sống và tìm lại chính mình. Steinbeck đã mô tả những con người tiếp tục bảo vệ những quyền sơ đẳng, chống lại hệ thống xã hội thèm khát tiền bạc đến độ độc ác, trâng tráo và dửng dưng với cuộc sống riêng tư của con người mà tiêu biểu là sự lựa chọn của Jim Casy và Tom Joad (Chùm nho phẫn nộ). Alex đứng lên quật ngã Johnny Gấu cũng là để đập tan chủ nghĩa cơ hội bới móc cuộc sống riêng tư của người khác để trục lợi cho chính mình. Nhân vật của John Steinbeck luôn hướng đến những con người mới, cuộc đời mới và lấp lánh niềm tin vào ngày mai, vào sự đổi thay dù là mơ hồ. Bà Joad luôn mang một tinh thần thép để củng cố mọi người tiếp tục cuộc hành trình. George đã vượt lên chính mình để “giải thoát” cho Lennie; bên cạnh một ông ngoại (Người chỉ huy) đang đau buồn và thất vọng vì một thời oanh liệt bị người bị lãng quên đã có một đứa cháu (Jody) với khát vọng vượt biển bằng thuyền để tiếp tục chiến công của cha ông trước đây;… Cùng với những tác phẩm thời kỳ sau của Hemingway, những sáng tác của John Steinbeck được đánh giá đã đặt nền móng cho quá trình “văn học lấy lại niềm tin ở con người và ở dân tộc Mỹ”. Chính ông đã thức tỉnh “ý thức mỗi cá nhân về triển vọng và khả năng của mỗi con người trong cuộc sống và xã hội”. Ông không xây dựng nhân vật với mục đích xác định vai trò của họ trong xã hội mà với niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Con người mất hẳn vai trò trong xã hội tiêu dùng nhưng không đánh mất niềm tin và hy vọng vào một cuộc đời mới. Tác phẩm của ông luôn tràn đầy tình cảm và lòng tin ở con người, trở thành tiếng chuông kết thúc cho khuynh hướng văn học tuyệt vọng. Quá trình “lấy lại” này thể hiện một cách “đặc biệt” trong việc đưa nhân vật trữ tình vào những nỗi đau đớn tột cùng làm toát lên cảm hứng của triết lý về niềm tin như một quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn trước thời đại. Triết lý ấy đã làm sống động ý nghĩa thế nào là làm một con người. “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sêđrin). Tiểu thuyết và truyện ngắn của John Steinbeck đã minh chứng cho chân lý ấy với tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo hữu hiệu gắn với một sứ mệnh văn chương đích thực đó là viết vì con người. Có thể trong giai đoạn đầu, những sáng tác của ông hơi nghiêng về cảm hứng lãng mạn, thần bí hoặc đề cao cá nhân chủ nghĩa như Khu phố Tortilla, Gởi Chúa Trời không quen biết, Chén vàng nhưng càng về sau, ông càng ý thức được trách nhiệm của một nhà văn đối với nhân quần xã hội. Bắt đầu từ đây, các tác phẩm đều mang tinh thần bác ái, tính triết lý và giá trị nhân văn sâu sắc. Hệ thống nhân vật phong phú trong văn xuôi của John Steinbeck chính là sự thể hiện cho chủ nghĩa nhân đạo cao cả của nhà văn. Đó là những con người bước vào từ cuộc đời thật với tất cả sự bi thảm mà thời đại đã mang lại cũng như những bi kịch nội tại từ sự xung đột với chính trái tim mình. Là người thầy của thiện chí và tình thương, John Steinbeck gắn bó máu thịt với những nhân vật mà mình sáng tạo. Ông luôn dành tình cảm cho những con người bị áp bức, không có khả năng thích nghi và cả những con người đang suy sụp, tuyệt vọng. Nhân vật dù có đần độn, khù khờ (Lennie), xấu xa, thời cơ (Johnny Gấu), độc mồm độc miệng (vợ Curley), ngang tàng cục súc (Curley),… cũng không hề hiện lên với màu sắc đen tối, khinh miệt mà lại lấp lánh một sự cảm thông thương xót sâu sắc. Bởi ở ông luôn có sự “thông cảm lạ lùng có lúc kỳ quặc đối với con người dù thiện hay ác”. Từng đoàn, từng đoàn người di cư về miền Tây, khốn khổ, đói khát, chết chóc, bệnh tật, bóc lột, tàn ác… nhưng tình người vẫn không bị rửa trôi bởi những cơn mưa ầm ào hay khô cứng dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Cuộc đời càng đau khổ, càng bế tắc thì ngọn đuốc tình người ấy càng rực sáng, càng cháy mạnh. Thánh Kinh và triết lý nhà Phật đều gặp nhau ở sự răn dạy về lòng yêu thương con người, tình bác ái, vị tha, sống từ bi và phúc âm trong lòng mọi người. Lý do gì mà một nhà văn lại không trở thành một nhà nhân đạo chủ nghĩa khi con người ngày càng đánh mất niềm tin vào một thiết chế xã hội mới thiếu công bằng và mọi giá trị thiêng liêng trong đời sống tình cảm ngày một phai nhạt. Văn chương không chỉ có nhu cầu giải trí mà đó còn là sự giáo dục, nhận thức và thanh lọc tâm hồn. Đối với một nhà văn chân chính, viết về con người, viết cho con người và viết vì con người không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một sứ mệnh cao cả. Chắc chắn không bao giờ John Steinbeck tự khẳng định mình đã hoàn thành sứ mệnh ấy nhưng những gì mà ông đã làm được cho một “tâm hồn chung của nhân loại” thật sự đáng kính phục. Từ những tác phẩm của ông dạt dào những dòng cảm động về con người, về nỗi đau, niềm tin, về cái thiện, cái ác, ước mơ, khát vọng, sự sống, cái chết... Ở đó, có bóng dáng của một nhà văn mang tinh thần nhân đạo cao cả. Với John Steinbeck, “Tối hậu là Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Con Người - và Ngôi Lời mãi mãi đi cùng con người” . Có thể nói, tiểu thuyết và truyện ngắn của John Steinbeck - với giá trị thẩm mỹ, giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc - là những minh chứng rất rõ nét về sự đổi mới của văn học Mỹ trong thế kỉ XX. Đặc biệt hơn, ông còn khẳng định được chỗ đứng của mình trong phong trào văn học Vô sản những năm 30 với những quan niệm nghệ thuật tiến bộ trong sáng tác. Hơn thế nữa, tiểu thuyết của ông còn giàu chất thơ và chất tạo hình tinh tế qua những “bức tranh” đầy màu sắc, âm thanh, hình ảnh về cảnh quan thiên nhiên của đất nước Hoa kỳ, hoà điệu cao độ giữa “vị nhân sinh” và “vị nghệ thuật”. Đối với ông, nghệ thuật còn là sự chưng cất và trải nghiệm thực tế. Ông chỉ viết khi đã hiểu rõ đề tài và nắm vững tình tiết. Văn chương của ông đến từ những chủ đề rất thật, rất gần gũi trong cuộc sống con người qua ngôn từ mộc mạc, giản dị và đôi lúc hài hước một cách nhẹ nhàng. Ông luôn cho rằng nghệ thuật là con đường đầy kiêu hãnh và những con người vĩ đại từng làm nghề đó qua bao thời đại luôn luôn gắn với trọng trách của người nghệ sĩ trước cuộc sống và vì cuộc sống. Người nghệ sĩ phải giúp con người trở về với những giá trị đích thật và một nhà văn lớn phải biết thấu cảm với nỗi đau khổ của nhân dân và con người.
LÊ NGUYỄN HẠNH PHƯỚC (nguồn TCSH số 230 - 04- 2008)
---------------- 1. Lê Đình Cúc (2007), Lịch sử văn học Mỹ, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 2. Nguyễn Thị Khánh chủ biên (1997), Văn học Mỹ quá khứ và hiện tại, Thông tin khoa hoc xã hội - chuyên đề, Hà Nội. 3. Bôrix Xuskov (1982), Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực (tập 2), Nxb Tác Phẩm Mới, Hội Nhà văn Việt
, Hà Nội. 4. http://www.vietbao.vn, Phạm Toàn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính, “Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thuỵ Điển”. 5. http://www.vietbao.vn, Phạm Toàn dịch, Trẫn Tiễn Cao Đăng hiệu đính, “John Steinbeck - Diễn từ nhận giải Nobel”. |