Tác giả-tác phẩm
Đọc văn của Võ Thị Xuân Hà
10:11 | 22/03/2013

VĂN GIÁ

NHÀ VĂN VÕ THỊ XUÂN HÀ - Sống và làm việc tại Hà Nội. Quê gốc: Vỹ Dạ, Huế. Hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 8). Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm (khoa Toán Lý). Tốt nghiệp thủ khoa khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du.

Đọc văn của Võ Thị Xuân Hà

1. Nhà văn của những Cõi sống chập chờn hư thực

Tôi đọc Võ Thị Xuân Hà cũng đã lâu lâu. Nhưng bảo nhớ gì nhất, không hiểu thế nào, tôi chỉ thấy hiện lên trong tôi một cách thật rõ ràng, trọn vẹn truyện Lúa hát. Vâng, còn những truyện khác cũng chỉ nhơ nhớ mông lung. Với ai không biết, có thể họ sẽ bị ám truyện này truyện nọ, nhưng riêng tôi, ký ức bướng bỉnh chỉ toan gắn cái tên Võ Thị Xuân Hà bằng Lúa hát. Vậy đấy. Tôi cố đi tìm cái nguyên do nào mà trong tôi kết đọng Lúa hát bền bỉ đến vậy?

Cho đến bây giờ, có dịp đọc Hà một cách có hệ thống, tôi mới ngờ ngợ hiểu. Thì ra, văn của Võ Thị Xuân Hà trong những biểu hiện ràng rịt và phức tạp khác nhau, tất cả đều hướng về những trạng thái chập chờn giữa cõi thực và cõi ảo. Rất thực. Nhưng bảo thực hoàn toàn không phải. Rất huyền hồ, hư ảo. Nhưng bảo neo đậu hoàn toàn trong cõi ảo cũng không. Cây bút nữ này ngay từ đầu và cho tới tận bây giờ vẫn chơi vơi, đi về, bay lượn trong khung trời hư thực. Văn của Hà nếu hướng vào hiện thực thuần túy, chắc sẽ khó có thể thành công. Và tương tự, nếu lại chỉ nghiêng hết về cõi ảo, cũng cơ chừng thất bại. Tôi cứ muốn xem Lúa hát được coi là dấu mốc thành công đầu tiên của Võ Thị Xuân Hà, làm nên một cái tên Võ Thị Xuân Hà, một cái tên vít chặt vào ký ức độc giả văn học Việt Nam hiện đại. Câu chuyện không có gì. Một người đàn bà ở làng quê đi chợ sớm mua muối, ngồi nhờ trên một chiếc xe tải ra thành phố, ngang đường xin xuống để rẽ vào chùa, rồi nhận lời cầm chiếc bật lửa của người lái xe cùng lời nhờ cậy khấn nguyện cho anh ta, chỉ có thế thôi rồi anh ta đánh xe đi tiếp, còn lại người phụ nữ vào chùa khấn nguyện; chợ xong, chị trở lại nhà với chiếc bật lửa mang về… Thế mà thật ám ảnh. Người đàn bà sống trong một thực tại gia đình với một anh chồng nông dân và một cậu con trai còn bé, anh chồng tuy sống tốt nhưng cũng nhiễm một vài thói xấu của cánh đàn ông nơi thôn xóm: nốc rượu, đánh vợ đập con; còn cậu bé trai cũng đã biết nhòm trộm xem con gái tắm. Đó là phía hiện thực đời thường. Và nếu chỉ có vậy, hẳn không có điều gì đáng nói. Võ Thị Xuân Hà đã để cho người phụ nữ trẻ này bước lên cao hơn so với tầng thực tại. Cô bước vào đời sống tâm linh. Cô khao khát một thứ cảm xúc khác với những trạng thái thông thường, thậm chí tầm thường của đời sống hàng ngày. Đời sống tâm linh thì uyển ảo mơ hồ, tin đấy mà cũng hoài nghi đấy. Cảm xúc nội tâm thì cũng mơ hồ mong manh không kém: cô nhớ về chàng trai của ngày xưa, về chiếc áo dài mà ngày cưới không được mặc, về hình bóng mơ hồ của người đàn ông lái xe với giọng nói cũng mơ hồ nốt. Anh ta, trong tâm hồn của người phụ nữ này, chỉ còn một hình ảnh duy nhất có vẻ là xác thực: trên tay chiếc bật lửa và ngọn lửa nhỏ. Nhưng ngay cái mùi xăng và ngọn lửa nhỏ xíu lóe sáng trong một trời chiều tím sẫm cũng có vẻ như là không xác thực vậy. Rồi phần kết truyện lại mơ hồ một mối tình tan vỡ của một ai đó trong hai người hay của cả hai với ai hay với nhau cũng không rõ nữa… Đó, cây bút Võ Thị Xuân Hà ngay từ đầu, ở tác phẩm sớm thành công nhất của mình đã có vẻ như xác quyết một con đường: nắm bắt và biểu đạt những cõi sống trong trạng thái chập chờn hư thực.

Sau này, Võ Thị Xuân Hà viết nhiều, hàng chục truyện ngắn, hai tiểu thuyết, trong đó có những truyện ngắn xuất sắc nhất, ấn tượng nhất đều nhất quán trong một chuyên tâm biểu đạt như vậy. Trước Lúa hát một chút là Đàn sẻ ri bay ngang rừng, và sau đó là Ván thế, Vàng son thạch thủy khí, Câu chuyện của nàng Thê được xem như những trường hợp tiêu biểu cho tinh thần đó.

Nhìn một cách tổng quát, cõi sống chập chờn hư thực trong văn Võ Thị Xuân Hà thường được phối kết một cách nhuần nhị và cứ chênh chao giữa hai cực tùy theo từng tác phẩm. Có tác phẩm xuất phát từ cõi thực, nhưng nhà văn lại cho nhân vật tìm đến những xúc cảm mơ màng, và hơn thế nữa, đẩy nhân vật vào cõi siêu linh Phật giáo. Lúa hát, Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Ván thế là những ví dụ thuyết phục cho cách làm này. Nhưng có những tác phẩm, nhà văn lại lấy xuất phát điểm từ cõi siêu linh Phật giáo và tín ngưỡng dân gian để phối thuộc với những tâm tình và sinh hoạt của cõi người trần thế. Hai truyện sau gồm Vàng son thạch thủy khí, Câu chuyện của nàng Thê là vậy. Do chọn điểm xuất phát từ hai cực như thế, đương nhiên phân lượng hư và thực ở mỗi truyện cũng có khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều chụm lại ở chỗ: nhà văn tỏ ra rất thích thú và chuyên tâm cho những vùng sống “sương mù”(1) hư hư thực thực đầy bí ẩn và biến hóa.

Có thể nói, hướng về những miền sống trong trạng thái chập chờn hư thực chính là một mỹ học mang tên Võ Thị Xuân Hà. Ngay từ những bước đi đầu tiên, và cho đến tận bây giờ, nhất quán mà đa thanh đa sắc, chị vẫn bền bỉ, thủy chung và ngày một lên hương trong vùng thẩm mỹ ấy, với một tinh thần mỹ học ấy.

2. Những nhân vật người nữ trần thế mà mộ đạo

Một cách nghĩ thông thường: nhà văn nữ thể hiện thế giới nhân vật người nữ là chuyện đương nhiên. Tuy không hẳn hoàn toàn như vậy (có khi họ vẫn thể hiện nhân vật người nam như thường), nhưng với Võ Thị Xuân Hà, thế giới nhân vật quen thuộc và nổi bật nhất của chị đều là nhân vật nữ. Trong cái vùng thẩm mỹ chập chờn hư thực ấy, nhân vật người nữ hiện lên dường như có vẻ hợp thức hơn cả. Họ thống lĩnh, ngự trị và biến hóa. Có một điểm chung: các nhân vật nữ của chị thường rất trần thế, đa đoan nhưng cũng rất mộ đạo và cao quý. Điều này thể hiện khá đa dạng.

Trước hết, các nhân vật người nữ của Võ Thị Xuân Hà đa phần là những người bình thường, bé nhỏ, vô danh trong cõi sống này. Chị không thích hướng đến những nhân vật mang tính sử thi, nghĩa là những người có công tích đặc biệt hoặc phi thường, hoặc có vị thế xã hội, có khả năng chi phối cộng đồng. Các nhân vật của nhà văn thường là một phụ nữ nông dân, một cô sinh viên, một cô giáo, một bà cụ già nơi thôn ổ, một người con gái hát rong, một người bán hàng… Họ sống trong những vị thế nhất định, với những vai nhất định. Nhưng thường là họ không có một đời sống bình yên. Họ đều là những người đàn bà nhiều đam mê trần thế, nhiều khi dám sống theo tiếng gọi của bản năng, ít bị ràng buộc hoặc sẵn sàng vượt qua những định kiến đạo đức khắt khe, thậm chí lắm khi dám khiêu khích những trật tự nền nếp tưởng như không thể khác. Người vợ trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng mặc kệ những lườm nguýt của bố mẹ chồng, đam mê theo đuổi những ham muốn dục tính đàn bà. Cô bé Miên (Đêm dài) ngay đêm đầu tiên cứ để mình trôi vào cơn mê dục tính đàn bà mà không cần toan tính. Người phụ nữ biệt động của tiểu thuyết Trong nước giá lạnh không hẳn ra bị cưỡng hiếp nhưng cũng không hẳn ra đồng lõa... Vì họ muốn/dám đi theo tiếng gọi của những đam mê đàn bà rất bản năng nên nhiều khi chính điều này là nguyên nhân đẩy họ bước vào một kiếp sống đa đoan, chìm nổi, lỡ làng. Hầu như các nhân vật nữ trong văn Võ Thị Xuân Hà cứ gánh chịu một kiếp phận đa đoan như thể định mệnh. Không đa đoan trong trường đời thì cũng đa đoan trong tâm tưởng. Người đàn bà trong Lúa hát đâu có được yên ổn. Trong đời thực, cô thường bị người chồng nghiện rượu, cờ bạc gây gổ, đánh đập. Tưởng cũng chỉ với một đời yên phận, đành vậy. Nhưng không, trong tâm hồn chị có một thứ lực sống hướng về những tiếng nói của sự sống âm thầm mà vĩnh cửu: tiếng của lúa hát, tiếng của những ký ức tình yêu, tiếng của những tình cảm luyến ái mơ hồ mà ngẫu nhiên bắt gặp… Ngay cả lúc niệm Phật cầu cho sự bình yên của tâm hồn, chị vẫn nhớ đến những trận đòn vũ phu của người cha giáng xuống tấm thân người mẹ, nhớ đến việc gã chồng vừa lấy hết những đồng tiền cuối cùng trong nhà đem đi gá bạc. Trong một số truyện ngắn đây đó, Võ Thị Xuân Hà thường trở đi trở lại hình mẫu người đàn bà trong vai nạn nhân sống trong một gia đình không ra gì: hoặc bố mẹ chồng ác nghiệt, hoặc chồng cờ bạc, rượu chè, vũ phu (Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Lúa và đất, Ván thế). Nhân vật nàng Thê (Câu chuyện của nàng Thê) được xây dựng trong không gian tâm linh Phật giáo, ấy thế mà do những nghiệp chướng luân hồi, nàng cũng phải chịu những kiếp nạn đa đoan cơ cực như người trần thế, vừa đam mê lầm lạc, lại vừa ham muốn bản năng. Trong trường hợp này, nhà văn đã tiến hành đảo chiều: trần thế hóa không gian tâm linh và nhân vật tâm linh.

Kiếp phận đa đoan là mẫu số chung của những nhân vật người nữ trong sáng tạo Võ Thị Xuân Hà.

Tuy các nhân vật nữ bé nhỏ, lặng thầm, đa đoan như vậy, nhưng thật thú vị: họ luôn có một thứ ánh sáng bao bọc, đó là đời sống tâm linh với một tấm lòng mộ đạo. Họ đến với những tín niệm đạo lý dân gian. Họ đến với lòng từ bi hỉ xả của Phật giáo. Nhìn những cách ứng xử bên ngoài của họ, người đọc rất dễ nghĩ nhà văn đã đồng lõa với tinh thần cam chịu, nhẫn nhục. Nhưng không, theo tôi, nhà văn nghĩ xa hơn thế: cao hơn cam chịu, đó là sự hy sinh. Cam chịu là biểu hiện của sự bất lực, thất bại, thường là tủi nhục, đau đớn. Hy sinh là biểu hiện của một tư thế chủ động, đem cho, che chở, an lòng. Đây là một phẩm tính đặc biệt từ tâm gần với vẻ đẹp Phật tính. Chính nhờ phẩm tính này, nên các nhân vật nữ tuy đa đoan khổ nạn như vậy, bé nhỏ lặng thầm như vậy mà bao giờ cũng mang dáng vẻ kiêu hãnh, cao quý. Nhân vật người vợ trong Ván thế có thể rồi không chịu đựng nổi cuộc sống với ông chồng, và có thể đang toan tính lánh đời bằng cách tìm nhà chùa làm nơi an ủi; ấy thế nhưng toan tính vẫn chỉ là toan tính, bởi đời sống của một con người còn nhiều hệ lụy, nhiều ràng buộc. Cuối cùng nhân vật người nữ xưng “tôi” trong truyện cũng đã tự nhiên tìm thấy tình yêu tưởng như không bao giờ có với người mẹ chồng vào đúng cái lúc người mẹ ấy lâm chung. Nhân vật người nữ trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng cũng vậy, sống trong một thế giới tâm linh và hiện thực đan trộn với nhiều hệ lụy, ấy thế mà vẫn có một ràng buộc vô hình với linh hồn người anh chồng là liệt sĩ, rồi từ đó thôi thúc cô ta cùng chồng đi tìm hài cốt... Tất cả các nhân vật này cho dù cuộc sống trần thế vướng vào nhiều nỗi đa đoan, nhiều bầm dập, nhưng cuối cùng thì họ vẫn có đủ nội lực để thu xếp cho mình một cuộc sống ổn thỏa, có tư thế; và rất sâu trong bản thể, vẫn hướng về giá trị nhân văn căn cốt nhất: lòng thương yêu con người. Mượn cách nói của Thạch Lam, họ biết “giữ cái vươn cao về đạo giáo của tâm hồn”(2). Nhờ thế mà họ trở nên kiêu hãnh và cao quý.

Có một điểm nữa góp phần làm nên vẻ đặc sắc riêng trong thế giới nhân vật người nữ của Võ Thị Xuân Hà: đó là những con người vừa rất Việt lại vừa rất Huế. Những điểm vừa phân tích ở trên, thực chất là những đặc điểm phổ quát của người phụ nữ Việt. Nhưng ở các nhân vật nữ này vẫn có điểm chung xuyên suốt: từ dáng nét cho đến phẩm cách mang đậm chất phụ nữ Huế. Thế nào là chất phụ nữ Huế trong văn Võ Thị Xuân Hà? Tôi cho rằng, đó là những nhân vật nữ sống nội tâm nhiều hơn là hành động, rất mực dịu dàng nhưng cũng rất can đảm, quyết liệt; rất nhẫn nại chịu đựng nhưng cũng rất tháo vát lo toan, vừa trần thế vừa mộ đạo. Chỉ qua nhân vật người bà nội trong Vàng son thạch thủy khí cũng đủ thấy khí chất người đàn bà Huế mà Võ Thị Xuân Hà đã gợi lên: bà mặc áo dài bằng lụa Hà Đông, thoa son môi, ngồi xe tay, tự mình đi giao dịch các mối hàng, bà điềm tĩnh tận tụy chăm sóc mẹ con người tình của chồng vốn là người ở của gia đình mình, bà xem chuyện này như là câu chuyện của số phận, tuy nhiên bà cũng định đoạt luôn thân phận của người đàn bà kia: không có chuyện ông chồng bà cưới thêm vợ. Đây chính thực là hình ảnh một người đàn bà của kinh thành Huế. Trong tiểu thuyết mang tên Trong nước giá lạnh, với một kích thước khác, Võ Thị Xuân Hà một lần nữa dựng lên hình ảnh những người đàn bà Huế với các vai khác nhau: vai người đẹp Tư Nam biệt động thành đa đoan khốc liệt, vai Niệm cũng đẹp đẽ và cũng đa đoan, tuy không dữ dội như thân phận người mẹ của mình. Cả hai nhân vật này, mỗi người một số phận trôi nổi khác nhau, nhưng đều là những người phụ nữ rất Việt mà cũng rất Huế. Để làm nên chất Huế, đương nhiên không chỉ nhờ vào dáng vẻ Huế và phẩm tính Huế, mà còn có thêm cả cái không khí bao bọc nhân vật được nhà văn rất dụng công. Tuy nhiên, đây lại là một câu chuyện khác thuộc về xử lý nghệ thuật, cần bàn ở một chủ đề khác.

Trần thế mà mộ đạo, Việt đấy mà rất Huế - đó chính là vẻ đẹp của những nhân vật người nữ trong văn Võ Thị Xuân Hà.

3. Một lối văn trữ tình nhịp chậm

Khi đã chọn cho mình một thế giới nghệ thuật của những cõi sống chập chờn hư thực, thì như một tất yếu, nhà văn đã tìm đến một lối viết lấy sắc thái trữ tình nội tâm làm căn bản và quán xuyến. Nó tạo thành bút pháp chủ đạo, chi phối từ cách lựa chọn tình huống nghệ thuật, cách sử dụng chất liệu trong xây dựng nhân vật và khung cảnh, đến tổ chức lời văn và giọng điệu tác phẩm.

Trước nhất, các truyện của Võ Thị Xuân Hà hầu hết đều không coi trọng cốt truyện, mà chỉ mượn một nguyên cớ thực tại nào đó để triển khai nhân vật với một thế giới nội tâm phức tạp, bí ẩn và tinh tế. Nhà văn đã tiến hành tối giản cốt truyện. Chị chú trọng vào nhân vật hơn sự kiện. Trong nhân vật lại dụng công vào biểu đạt thế giới nội tâm hơn là ngoại hiện. Vì thế, mới hiểu vì sao Võ Thị Xuân Hà còn có những truyện rất gần với tản văn trữ tình (Đường trần, Trần trụi dưới mặt trời, Hoa hải đường, Hai chín chữ cái buồn tẻ vô nghĩa). Cũng mới hiểu vì sao trong khá nhiều truyện ngắn, nhà văn đã sử dụng những trích đoạn thơ như là những dẫn liệu hoặc như một đề từ, trong đó không ít những câu, những đoạn khá hay, làm tăng cường chất hư thực bảng lảng khói sương của toàn truyện.

Lại nữa, khi biểu đạt nhân vật và khung cảnh mà nhân vật sống trong đó, nhà văn rất thích tìm kiếm chất thơ tinh tế của ngoại giới và nội giới. Đây là một trích đoạn: “Cô ngồi phệt xuống cỏ. Nhớ đến chiếc bật lửa, cô giở nải ra và cầm chiếc bật lửa lên ngắm nghía. Vỏ của nó còn bóng loáng. Đầu bấc thơm mùi xăng. Cô bật nhẹ. Một ngọn lửa nhỏ xíu lóe sáng. Sương bắt đầu rơi trên lối đi phủ dầy cỏ. Ngoài đồng từng nhánh lúa mới bén rễ cô đơn dưới bầu trời tím sẫm. Cô nhón vài hạt muối đưa lên đầu lưỡi. Vị mặn của muối giúp cô tỉnh táo. Cô đứng dậy và đi về nhà”. Đoạn văn mang một chất thơ thuần toàn, thanh khiết gần như hoàn hảo. Nó là kết quả của sự phối hợp, tương giao nhuần nhuyễn giữa những chuyển động li ti trong tâm hồn nhân vật và những chuyển động cũng thật tế vi ngoài cảnh vật. Đọc những đoạn văn như thế người đọc tưởng như có được cái chất mật ngọt thanh mát của cuộng hoa thơm tan nơi đầu lưỡi. Mỗi khi đọc những tác phẩm như Lúa hát, không chỉ được đón nhận một hương thơm tinh thần tỏa lên từ truyện mà còn được hân hưởng vẻ đẹp lạ thường của tiếng mẹ đẻ. Tôi nghĩ, một đời văn có được đôi ba cái như Lúa hát cũng bõ sống chết với nghề.

Văn Võ Thị Xuân Hà có nhiều ám ảnh từ những thứ tưởng như rất đỗi vu vơ. Cái bật lửa và ngọn lửa bé xíu trong Lúa hát là vậy. Hay hình ảnh màu máu trở đi trở lại như vô tình trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng cũng vậy: tay “rướm máu”, “máu loang đỏ lòm lòm trên những bông hoa gai màu trắng sữa”, “Mặt trời ngả màu đỏ bầm, màu máu chúng tôi trộn lẫn máu sẻ”, “cái cuống rau đỏ lòm”, “phù sa đỏ bầm”, “những vì sao trên trời không xanh mà đỏ bầm”. Một chuỗi hình ảnh màu máu đã kết lại thành biểu tượng về bạo lực, về chiến tranh, chết chóc, hủy diệt, gắn liền với dương tính, với đàn ông. Kết thúc câu chuyện: “Chỉ có bé Mai là đứng lặng lẽ ở một góc. Nó mặc tôi quơ lá nhóm lửa. Nó che mắt nhìn lên bầu trời xanh ngắt nhìn từng đàn sẻ ri bay ngang rừng, bay lên cao, cao mãi. Và nó cười” xứng đáng là biểu tượng hòa bình, thuộc về âm tính, về người nữ sinh sôi, dung dưỡng, chở che. Những chi tiết dung dị, tự nhiên, có vẻ thoáng qua, được cài đặt khéo léo bỗng bật lên nhiều tầng nghĩa, từ hiện thực cất cánh bay lên thành biểu tượng.

Điều cuối cùng tôi muốn nói: văn của Võ Thị Xuân Hà luôn được chảy trôi trong một tiết điệu thong thả, tha thiết, sâu lắng. Nó không thích hợp với sự nhanh gấp, chói gắt. Nếu ví với âm nhạc, văn Hà là dòng nhạc slow hoặc valse chứ không rock, rap. Phải vậy thôi, để nắm bắt và biểu đạt cho được những chuyển động xao xuyến tế vi đời sống nội tâm của những nhân vật nữ trong một thế giới chập chờn hư thực như thế, làm sao có thể bước những bước nhanh được. Nó chỉ có thể chậm bước lắng nghe. Đọc văn Hà bắt gặp nhiều câu văn giàu nhịp điệu, nhịp điệu của thơ, nhịp điệu của tâm hồn. Câu văn vừa dẫn ở trên là một tiêu biểu. Các từ điệp lại tạo chuyển động êm nhẹ: nó/nó/và nó, bay lên cao/ cao mãi. Sự điệp lại như thế làm cho câu văn duỗi ra mềm mại, chầm chậm, đầy nhạc tính. Về sau này, ở tập mới nhất gần đây, những tác phẩm được coi là thành công như Vàng son thạch thủy khí, Đêm dài, Ván thế, Khúc cầm nam vẫn nhất quán một giọng văn trữ tình nhịp chậm và đằm. Cũng cần nói thêm, không phải trong văn Võ Thị Xuân Hà vắng bóng những tiết điệu mạnh. Ở một đôi chỗ, nhất là những trường đoạn thể hiện cao trào trong xúc cảm dục tính, hoặc những khi nhân vật quyết liệt từ bỏ một điều gì đó để lựa chọn cho mình một tình thế mới… khi ấy, mạch văn cũng mạnh mẽ, thôi thúc. Tuy nhiên, nó chỉ là những tiết đoạn đan cài, tạo bè, phổ vào, càng làm tôn lên cái giọng chủ trữ tình nhịp chậm kia. Lại nói theo âm nhạc, văn của Hà thuộc giọng thứ (tha thiết, nồng nàn) chứ không quen giọng trưởng (mạnh mẽ, hùng tráng).

*

Võ Thị Xuân Hà là một cây bút trưởng thành thời hậu chiến, nghĩa là sau năm 1975. Chị có một nhóm các cây bút văn xuôi nữ cùng trang lứa: Y Ban, Thùy Dương, Bích Ngân; trước một chút là Võ Thị Hảo, sau một chút là Nguyễn Thị Thu Huệ. Mỗi người mỗi vẻ và đều đáng nể. Thí dụ, nếu văn của Hà xao xuyến trữ tình chập chờn hư thực thì văn Y Ban lại áp sát vào thực tại đời sống với những biểu đạt can đảm, sắc sảo pha lẫn u-mua. Nhìn rộng ra, còn thể kể đến một số nam nhà văn thuộc loại cùng trà, tất cả đã làm nên một vùng văn xuôi vạm vỡ và đa giọng điệu. Trong đội hình các cây bút văn xuôi đó, Võ Thị Xuân Hà đã xác lập cho mình một nhan sắc, một phong thái văn chương.

V.G
(SH289/03-13)




----------------------
(1) Tên một truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà: Trôi trong sương mù.
(2) Xem tiểu luận Tiểu thuyết để làm gì? của Thạch Lam, in trong Tuyển tập Thạch Lam, Nxb. Văn học, 1988, tr.297.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng