Tác giả-tác phẩm
"Đoản khúc" của Fan Tuấn Anh - khúc bi ca giữa nhân thế muộn sầu
10:06 | 23/05/2013

PHAN TRẦN THANH TÚ

“Chính anh là người đã nhẫn tâm với bản thân mình khi tôn thờ chỉ có một điều duy nhất” (Đoản khúc số 97)

"Đoản khúc" của Fan Tuấn Anh - khúc bi ca giữa nhân thế muộn sầu

Truyền thuyết kể rằng, có một loài chim đã dành trọn đời mình chỉ để cất lên một tiếng hót. Tiếng hót bay vút vào cõi mênh mông của vũ trụ vĩnh hằng khi cành gai nhọn xuyên vào trái tim đang phập phồng nhịp đập. Đó là âm thanh tuyệt mĩ bởi dung chứa trong lòng niềm khao khát vươn tới cái vô biên của ý nghĩa cuộc tại tồn; đồng thời cũng là tiếng hót bi thương tụng ca tình yêu với niềm khắc khoải về cái chết đang hiện hữu trong từng khoảnh khắc ngắn ngủi sau cùng của kiếp hư vô...

Cuộc sống bi ai này vốn dĩ cần những lời ca trong ngần như nước mắt thiên sứ để rửa sạch lỗi lầm và cứu chuộc những linh hồn lạc mất yêu thương. Lời ca bất tử vẫn luôn là lời tụng ca tình yêu trong niềm đau gây ra bởi vết thương của sự bất toàn; lời ca bất tử vẫn luôn thoát thai từ nỗi ám ảnh về cái chết và cảm thức về sự mong manh vô nghĩa lí của cuộc đời phù hoa.

Nhân gian vẫn lưu giữ những lời ca viên thành từ nỗi đau để cung hiến cho ý nghĩa tồn tại của kiếp người...

Đoản khúc (Nxb. Văn học, 2013) của Fan Tuấn Anh là lời bi ca như thế.

1. Khúc thánh ca giữa cõi đời phiền lụy

Nếu ai theo sát cuộc lãng du vườn địa đàng mộng tưởng của Fan trong thơ chàng, sẽ thấy Fan đã từng tụng ca chỉ một điều duy nhất trong cuộc đời vốn dĩ bất trắc và mong manh: Tình yêu. Với Fan, trong cuộc bể dâu vô thường đầy hữu hạn này, chỉ có tình yêu là điều cao cả, thánh thiện và thiêng liêng nhất. Do vậy, Fan đã từng dành trọn thơ ca của mình để tụng ca điều duy nhất ấy.

Với bông hoa đầu mùa thơ Fan - Người ngủ muộn (Nxb. Thuận Hóa, 2008) - ta không khó khăn gì để tìm thấy những lời thơ trong suốt như pha lê hướng đến một tình yêu - thiên sứ. Đó là những Vô tình, Màu hoang cổ, Mình một mình... Những vần thơ có thể làm thổn thức bất kì một trái tim đa cảm nào:

Giữa con đường gió lạnh thổi trong đêm
Tóc em bay bỗng dài thêm trong gió
Áo dài xưa em bỏ quên trong cỏ
Trong nỗi niềm những thương nhớ màu xanh
”.
                        (Màu hoang cổ)

Nhưng, hạnh phúc vừa ươm mầm thì bão tố đã nổi lên... dẫu còn ở phía xa chân trời... Càng về cuối tập thơ đầu tay, nỗi đau đã dần kết tụ và cứa nát trái tim trần. Bởi tình yêu, rốt cùng đâu phải là bến đỗ bình yên:

Chảy đi Nil! Qua những cánh đồng
Có lũ chuột đứng bù nhìn canh lũ người chui rúc
Con nhân sư cúi đầu đổ gục
Bởi tình yêu mỉm cười bước giữa chốn phù hoa

                        (Bài 32)

Đến tập Đoản khúc, cảm xúc chủ đạo là một nỗi đau triền miên bởi tình yêu bất toàn và dòng đời điên đảo cuồng say.

Tuy vậy, dẫu trong cơn đau đớn bởi vết thương tình yêu gây ra, ta vẫn thấy Fan hát khúc bi ca trong tuyệt vọng và đắng cay giữa vườn địa đàng đã vỡ nát tàn hoang. Tiếng thơ cất lên từ khát vọng lưu giữ một tình yêu thiện thánh, bây giờ chỉ còn là những mảnh đau cứa nát tâm hồn:

Anh chỉ còn...
Những giấc mơ về một thế giới mà ở đó em vẫn vẹn nguyên nụ cười, những con cá được chữa lành sau cuộc hành trình dấn thân và loài người đi tìm ý nghĩa nhân sinh từ những vết thương do chuột cắn trên thân xác

                        (Đoản khúc số 55)

Người nghệ sĩ cần nếm trải vị đắng của nhân sinh để kết hạt thành những vần thơ chắt ra từ tinh huyết đời mình. Nỗi đau và cô đơn dường như luôn là bạn đồng hành trên hành trình sáng tạo của bất kì nghệ sĩ lớn nào. Nhưng, người đọc dẫu từng trải đến đâu, cũng thấy rằng nỗi đau mà Fan đang chịu đựng dường như quá lớn, vượt quá ngưỡng chịu đựng của một trái tim con người. Trong cơn đau, Fan cố tìm về trong tuyệt vọng một bóng hình người yêu xa xăm để hằng mong dịu xoa cõi lòng buốt xót:

Mỗi ngày trôi qua tình yêu dành cho em lại càng lụi tàn nhưng lại càng kết tinh, hình bóng em càng trở nên hư vô nhưng cũng hóa thành bất tử
Anh không thể ngừng yêu em

(Bởi vì anh yêu em hơn cả sự tồn tại của chính bản thân mình)”
                        (Đoản khúc số 64)

Đoản khúc, do vậy, là tiếng hát đau đớn, bi quan nhưng là tiếng hát sáng trong và chân thành nhất về một tình yêu đã - từng - hiện - hữu giữa cõi người.

2. Ta bi thương bởi thiên sứ không còn

Trong thơ Fan, “em” là hình tượng có ý nghĩa xâu chuỗi các thi tứ, thi ảnh vốn phức tạp, ngổn ngang và đầy hỗn độn của giấc mơ bất toàn hướng đến một tình yêu thiên sứ. Với Đoản khúc, dường như Fan tự thú rằng, thơ Fan, đời Fan chỉ có một ý nghĩa duy nhất là để minh giải ẩn số về em trong tâm thức mình. Và, đó là một khát khao bất khả...

Bởi em đã từng hiện lên trên bề mặt của ý thức Fan với vẻ đẹp lung linh nhiệm màu mà chàng hát lời thán tụng:

Nơi em sẽ thấy anh trong những giấc mơ bão tố và lúc nào trái tim anh đau khổ
Anh sẽ ở nơi đó, vẫn mỉm cười ngợi ca về vẻ đẹp, ánh sáng và thế giới của em

                        (Đoản khúc số 88)

Nhưng, em cũng như tất cả những ảo ảnh hư vô tồn tại dưới ánh mặt trời. Em đã không còn là em nguyên sơ, thiện thánh. Em như một thiên thần giáng thế cho trái tim Fan có lí do để hát lời yêu thương. Nhưng em đã đổi thay nên tâm hồn Fan vỡ nát. Giờ đây, em như “Nàng tiên cá trở mình biến thái / Vây hóa chân trần đi giữa cát kiêu sa” (Đoản khúc số 36). Em thay đổi, nên tình yêu mà Fan hằng tôn thờ giờ đây chỉ còn là niềm đau; ảo ảnh về thiên thần giờ đây mang diện mạo của loài hoa ác:

Và tôi biết chỉ tại một lời nguyền...
Vì em chẳng quay về trong bão lốc
Nên gió sẽ gọi mưa về gieo thuốc độc
Làm nảy mầm loài cây ác nhiều chân

                        (Đoản khúc số 53)

Giữa trăm nghìn kí ức về em, Fan biết bám víu vào ảnh hình nào để tìm cho mình một niềm an ủi? Fan không biết, người đọc cũng không thể biết. Vậy nên, Fan nghi ngờ chính điều mình từng phụng thờ trong ngôi đền kì vĩ nhất cõi tâm mình mà chính chàng dựng xây:

Tình yêu cuối cùng trên viên ngọc trai màu tía
Khép chặt lòng trong chiếc vỏ cứng của sự hoài nghi

                        (Đoản khúc số 36)

Tâm thức hoài nghi đã chuyển di sang địa hạt của sự bất tín vào ý nghĩa cứu rỗi của tình yêu với những mảnh hồn vỡ nát như Fan. Mảnh vỡ của tình yêu cứa nát tâm hồn của người đã từng lấy tình yêu làm ý nghĩa sống của đời mình. Lời thơ chàng, đến đây chỉ còn là niềm đau khủng khiếp của con người đổ vỡ đức tin vào sự thực hữu của tình yêu trên thế gian:

Có những bàn tay đen đang cào nát khuôn mặt mình
Để khóc thét với hình hài đang hóa vảy thành tinh
Nơi tôi đã hành trình từ khổ đau về dị dạng

                        (Đoản khúc số 53)

Và, ngày tình yêu ra đi là ngày chàng đau đớn, nhưng, ngày chàng mất niềm tin vào tình yêu là ngày tận thế của đời Fan. Thế giới trở nên tàn hoang, tâm linh chỉ là miền tro lạnh và cuộc sống này chỉ còn là ác quỷ vây quanh:

Thế giới đã hoang tàn trong niềm cô tịch lẻ loi
Khi tình yêu lỡ tay đánh rơi khuôn mặt nạ nữ thần với hào quang thiện thánh
Để lộ đôi nanh dài sắc lạnh...
Sẽ cắm phập vào cổ người để hút cạn máu no say

                        (Đoản khúc số 53)

Nhưng, điều kì lạ mà cũng vô cùng mâu thuẫn trong thơ chàng, chính ở chỗ Fan đau khổ bởi tình yêu, hoài nghi tình yêu, rồi Fan chối bỏ sự thực hữu của tình yêu trên thế gian này, nhưng Fan, trong tầng sâu nhất của linh hồn mình, lại vẫn... hi vọng vào tình yêu dẫu biết đó là điều không tưởng. Giữa cuộc sống mà con người đôi khi dễ tin tưởng một cách cực đoan vào một điều gì đó, rồi cũng dễ dàng tung hê, đả phá tất cả, thì với Đoản khúc, Fan vẫn cho chúng ta thấy còn có thể có một cách ứng xử khác với sự bạc bẽo và nỗi đau mà cuộc đời mang đến cho ta. Niềm tin của Fan với tình yêu, suy cho cùng cũng chỉ như niềm tin của của tuổi thơ vào nàng tiên mang phép màu đến với cuộc sống. Nhưng, rốt cùng, cuộc sống vẫn cần có những niềm tin như thế về một điều cao đẹp, để tất cả con người không đến với tận thế điêu linh. Chính niềm tin đó đã cứu rỗi thi nhân, cứu rỗi chính kiếp đời đôi lúc nghiệt ngã của chúng ta, để thế gian vẫn tiếp tục được tại tồn như vốn có. Và, người đọc sẽ thấy những vần thơ khổ đau của Fan, cũng là lời bi thương cung hiến khắc khoải cho cuộc sống vĩnh hằng:

“Tôi bất toàn không bằng được một chú sâu
Không hóa thân bay về trong cánh phấn.
Tôi vẫn thế - sống để mà ân hận
Nhưng tin em - trong trọn một kiếp người
Để thánh hóa cuộc đời trong tình yêu xanh tươi

                        (Đoản khúc số 37)

3. Ta bên em nơi vĩnh hằng tro bụi...

Đời sống thơ Việt đương đại, nhất là trong sáng tác của những người làm thơ trẻ đã có nhiều sự đổi mới và nỗ lực cách tân. Nhưng, đôi lúc, người đọc vẫn thấy đa phần các cây bút thiếu một chiều sâu triết lí để có thể tạo ra những bứt phá lớn lao. Với Đoản khúc của Fan Tuấn Anh, người đọc có thể tìm thấy sự thỏa mãn cho mình với những lời thơ dung chứa những suy tư sâu lắng của một người trẻ tuổi làm thơ.

Cảm thức về tình yêu và cái chết vốn là những ám ảnh lớn lao của loài người từ thuở hồng hoang. Triết học và nghệ thuật của nhân loại vẫn chưa bao giờ thôi xoay quanh hai hạt nhân ấy. Đoản khúc của Fan Tuấn Anh cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng, Fan Tuấn Anh đã đẩy tình yêu và cái chết trở thành những phạm trù triết học đầy ám ảnh trong thế giới thi ca của mình.

Với Người ngủ muộn, Fan Tuấn Anh đã có lúc đến với cuộc đời và tình yêu bằng cảm thức Erós sáng trong và thiện thánh. Chàng tin vào tình yêu với niềm tin trong như pha lê, và, cũng khao khát dệt mộng yêu đương như tất cả những trái tim lần đầu đến với tình yêu:

Những tháng ngày rong ruổi giữa lông bông
Ta đi qua bao mùa hoa trụi lá
Có những lúc trước muôn trùng biển cả
Vẫn nhớ ngày em thả cánh hoa rơi

                        (Đợi chờ hoa giấy)

Nhưng, cuộc đời hữu hạn, mà lại lắm bi thương. Em thay đổi và tình yêu thay đổi. Fan đớn đau bởi chính tình yêu của chàng. Khó mà nói rằng, chàng đã không đổi thay khi tình yêu giã từ mà nỗi đau thì ở lại. Mãi mãi. Cõi lòng Fan, giờ đây, là một chốn tàn hoang mà chỉ còn cảm thức chết (Thanatos) thống ngự.

Thơ Fan nói nhiều đến cái chết và những hình ảnh gợi về cái chết. Với chàng, người đã rệu rã bước phong trần hái đóa tình yêu vô thường, và kết cùng chỉ nhận lại niềm đau, thì, cái chết đôi khi lại là niềm an ủi duy nhất, là giấc ngủ sau cùng của cuộc đời dài mệt mỏi:

Em sẽ không phải lo lắng về nỗi buồn của anh
Với anh, mỗi ngày trôi qua, cái chết là một niềm vui

                        (Đoản khúc số 33)

Thậm chí, chàng tự nhận về phần mình tất cả những lỗi lầm và bi kịch của thế giới, sẵn sàng đón nhận cái chết như một sự chuộc tội cho cả loài người, để nhân loại sẽ có một đời sống thanh cao.

Thế giới đã đón chào tôi bằng những cái chết và những cuộc chia tay
Tôi đã khóc cho họ, cho nền văn chương suy tàn của chúng ta, cho kiếp nguời của tôi và một thế giới mất mát.
...
(tôi xin thú nhận mình đã là nguyên nhân của tất cả mọi nỗi đau

                        (Đoản khúc số 91)

Thơ Fan Tuấn Anh rơi nhiều nước mắt và thấm đẫm sự ám ảnh về cái chết.

Nhưng, có ai cấm một chàng trai trẻ khóc trong thơ mình. Và, cái chết trong thơ Fan càng không phải là một sự lựa chọn đầy sắc màu yếm thế. Fan chủ động đối diện với cái chết, và có cả một quan điểm triết mỹ của riêng mình về cái chết.

Cái chết, với chàng, là sự hiến tặng cho cuộc đời sứ mệnh của sự sống, khi chàng đã sống trên cuộc đời chỉ để tôn thờ và khai minh những gì cao đẹp, bất chấp cuộc đời và tình yêu cứa nát trái tim đau:

Anh giờ chỉ còn cái chết là tác phẩm cuối cùng cần nâng niu như vật báu
Chờ một ngày đẹp trời để hoàn tất dâng hiến tặng cuộc đời

                        (Đoản khúc số 87)

Và, cái chết là nơi Fan sẽ có được tình yêu của mình trọn vẹn nhất, đủ đầy nhất, trinh nguyên nhất:

Nên anh đã muốn
Chuyến bay của anh đột nhiên gãy cánh
Để anh vĩnh viễn được ở lại, trong vòng tay và trái tim của em

                        (Đoản khúc số 88)

Nhưng, Fan Tuấn Anh đã thể hiện một tư tưởng nhân văn sâu sắc của mình khi luận bàn về cái chết. Với chàng, cái chết là sự kết cùng trọng đại, chàng khao khát hướng đến cái chết bằng cuộc đời tụng ca cái đẹp và tình yêu. Cách đối diện và đến với cái chết, do vậy, không thể nào dễ dàng như ai đó vẫn nghĩ. Chàng cảnh tỉnh tất cả những ai rao giảng và những ai tin theo quan niệm lấy cái chết để minh định cho một điều gì đó ở cuộc sống này. Bởi, đó là một luận thuyết, suy cho cùng chỉ hướng người ta đến hư vô:

Nhưng anh sợ rằng, cái chết sẽ làm khuôn mặt ánh sáng của em đau khổ
(Không phải lúc nào cũng có thể lấy cái chết nhằm minh định và thể nghiệm cho một tình yêu)

                        (Đoản khúc số 88)

Hỏi thế gian tình là gì mà khiến đôi lứa thề nguyền sống chết”; hỏi cuộc đời hạnh phúc là gì khi ta chỉ nhận khổ đau? Cuộc sống muộn phiền bi thương bởi chúng ta sinh ra ở đời chỉ là để đối diện với biển khổ như lời Phật dạy. Nhưng, trong khổ đau của kiếp đời ngắn ngủi, những khúc hát vang lên, dẫu là khúc bi ca cũng sẽ làm cho mỗi tâm hồn thành bất tử trong ảo ảnh phù hoa. Hiểu như thế, mới thấy được tầng sâu trong thi tứ Đoản khúc của Fan Tuấn Anh - người hát khúc bi ca bởi đã yêu quá cuộc đời này.

P.T.T.T
(SH291/5-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng