Tác giả-tác phẩm
LỆ KHÁNH: “Mà sao chưa cuối những lời thơ đau”
09:04 | 22/10/2013

Họ tên: Dương Thị Khánh
Năm sinh: 1944
Quê quán: Thừa Thiên Huế
Hiện ở: 71 đường 3 tháng 2, thành phố Đà Lạt

LỆ KHÁNH: “Mà sao chưa cuối những lời thơ đau”

Cũng đành

Bao giờ em hết làm thơ
Để mà đừng khóc duyên hờ chị ơi
Mấy lần… bài cuối đây rồi

Mà sao chưa cuối những lời thơ đau
Vẫn từng khuya vẫn nghẹn ngào

Xót thương nằm đếm từng sao để buồn
Bao giờ cho hết nhớ thương

Để đừng nước mắt trong hồn quanh năm
Em về… gặp chị mấy lần

Mấy lần… định sẽ phân trần lại thôi
Đời em… rứa đó chị ơi

Không bao giờ nhận những lời ấm êm
Gạt lừa dẫn tới cho em

Thôi thì… thơ viết chị xem đủ rồi
Phải chi em đẹp như người

Thơ tâm sự chẳng mang lời xót thương
Chị ơi cay đắng trong hồn

Trọn đời em chị vẫn buồn… hay sao?
Bao giờ mới hết thương đau

Để em đừng khóc nhạt màu mắt xanh
Nhiều lần chợt nghĩ: “Cũng đành

Mình vô phước quá nên thành dở dang”.



Cô gái Huế có bút hiệu rất là định mệnh - vì vậy mà cả đời chỉ khóc, nước mắt nhiều hơn nụ cười.

Lệ Khánh yêu rất sớm và đến với thơ sớm cũng vì yêu. Thơ đã nói hộ giùm cô một tình yêu không trọn vẹn, không pháo đỏ rượu hồng, không xe cưới kiêu sa.

Dạo đó, những năm thuộc thập niên 60 của thế kỷ XX thi đàn miền Nam Việt Nam xuất hiện một gương mặt nữ với giọng điệu thơ da diết sầu tình qua các tập thơ Em là gái trời bắt xấu, 5 tập thơ liên tiếp cùng một nhan đề như thế. Một số người đọc đón với niềm cảm thông… xã hội miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đang trong cảnh chiến tranh loạn lạc, sự chia lìa của đôi lứa yêu thương là nỗi đau chung của cả thế hệ con gái, con trai - tất cả đều chung cảnh ngộ chỉ khác cái là âm thầm chịu đựng hoặc to tiếng giải bày - Lệ Khánh là đại diện cho sự giải bày qua ngôn ngữ của thơ ca.

Toàn bộ tác phẩm của Lệ Khánh là một chuỗi diễn ca, trường ca khóc cho một tình yêu, tình yêu ngang trái bẽ bàng, tình yêu đợi chờ vô vọng, tình yêu đơn phương một cõi lẻ loi, bằng một giọng điệu thương thân trách phận qua 148 bài thơ đủ thể loại từ 8 chữ, 7 chữ, 5 chữ, và lục bát, tôi hụt hơi chạy theo chuỗi nam ai bất tận ấy qua 3 tập Em là gái trời bắt xấu Vòng tay nào cho em để tìm ý, tứ một ngôn ngữ nào khác ngỏ hầu bớt đơn điệu trong phần giới thiệu và cảm nhận, nhưng đành chào thua với sự chung thủy của một chủ đề sáng tác của nàng thơ Lệ Khánh. Yêu + chờ đợi + nhớ nhung + tuyệt vọng = đau khổ… phải chăng đó là một công thức? Bạn đọc có thể nêu thắc mắc “thơ mà cũng lập công thức như toán học hay sao?” Xin thưa, soạn giả đùa một tí cho bớt sầu thương theo những vần thơ ai oán bi phẫn của nàng thơ đó thôi.

Nguyên quán của nàng thơ Lệ Khánh là Thừa Thiên Huế nhưng để biết cụ thể là chôn nhau cắt rốn chỗ mô trên vùng đất ấy thì Lệ Khánh trả lời tỉnh rụi: “Em không nhớ, chỉ nhớ là có học trường Janne d’Arc mấy năm, rồi Mạ đưa em đi khỏi Huế.” Trời ơi! Câu trả lời hồn nhiên của Lệ Khánh làm tôi chợt nhớ hai câu thơ của Xuân Diệu: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì”.

Phải chăng khi chạm phải bùa yêu, chạm phải độc tình hoa là Lệ Khánh quên hết mọi việc, mọi sự trên đời mà tâm tưởng chỉ dồn hết vào một chữ yêu, bao nhiêu thời gian vàng ngọc nàng sẵn sàng dâng tặng cho tình yêu, cho thơ yêu; vào những năm thuộc thập niên 60 ở miền Nam, mảng thơ viết về tình ái của tác giả là một bước đột phá trong làng thơ nữ. Nói như vậy không có nghĩa là các nhà thơ nữ dạo đó không làm thơ tình nhưng làm kiểu như Lệ Khánh thì dễ có mấy ai (?). Vì thế mà hiện tượng thơ tình Lệ Khánh được giới mày râu là những vị đang “giã nhà đeo bức chiến bào” vui mừng đón nhận; xúc động trong niềm hạnh phúc bởi như thấy bóng dáng mình trong từng câu từng chữ của nhà thơ, không ít người đặt mình vào nhân vật, vào nguyên mẫu, vào đối tượng trong thơ Lệ Khánh, đã có những bài thơ đáp họa, những hồi âm tự nhận mình là người trong cuộc từ “nơi gió cát” gửi về làm tác giả liên tưởng đến ẩn số T.T.Kh., Nguyễn Bính, Thâm Tâm… Nói như vậy chúng tôi không có ý đánh đồng T.T.Kh. với Lệ Khánh, bởi hai sự kiện, hai hoàn cảnh lịch sử xã hội hoàn toàn khác nhau. Nhân vật của T.T.Kh. là nghệ sĩ, nhân vật của Lệ Khánh là chiến sĩ.

T.T.Kh có “Bài thơ thứ nhất”, “Hai sắc hoa ti gôn”, “Bài thơ đan áo”, “Bài thơ cuối cùng” và mai danh ẩn tích đã làm náo động cả thi đàn Việt Nam từ 1937 đến giờ vẫn còn âm ỉ. Còn Lệ Khánh có tên có tuổi, tài sản văn chương là 7 tác phẩm chính, bên tám lạng bên cả ký, bên hiện hữu, bên mơ hồ bóng chim tăm cá, chỉ giống nhau ở những chữ, những câu làm nao lòng người đọc. Thế thôi!

Sóng gió nào rồi cũng qua đi và trở lại bình yên, biển chỉ còn lăn tăn sóng gợn, người con gái trời bắt xấu thuở thanh xuân giờ đã sắp ở ngưỡng thất tuần chi tuế đang sống bình yên với con cháu ở thành phố ngàn hoa, người phụ nữ làm thơ tự đánh giá bản thân mình là cô gái trời bắt xấu chỉ là cách nói hờn dỗi với tình quân, với cuộc đời, hay nói theo cách nói của người Nam bộ là “Nói dzậy mà không phải dzậy”.

Ninh Giang Thu Cúc
(SDB10/09-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng