Tác giả-tác phẩm
Tin vào truyện ngắn
16:09 | 16/12/2013

BÙI VIỆT THẮNG

(Phác vẽ quang cảnh truyện ngắn năm 2013)

Tin vào truyện ngắn
Cuộc thi truyện ngắn 2013 - 2014 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức - Ảnh: VNQĐOnline

Dấu ấn một cuộc thi

Phải nói ngay rằng những cuộc thi và thậm chí các giải thưởng lớn không phải lúc nào cũng tạo nên các giá trị lâu bền của toàn bộ nền văn học. Nhưng chí ít, trong một chừng mực nào đó, các cuộc thi là những “sân chơi”, những “vũ đài” thi thố sức lực chữ nghĩa. Cuộc thi truyện ngắn 2011 - 2012 do báo Văn Nghệ tổ chức đã khép lại từ cuối tháng 2 năm 2013, nhưng dư âm của nó vẫn còn khá mạnh (một cuộc thi có đến gần 2000 tác phẩm dự thi, báo Văn Nghệ Văn Nghệ Trẻ đã in khoảng 400 truyện). Một ấn phẩm văn chương đầy đặn của cuộc thi là Đất tụ long (Nxb. Hội Nhà văn), gồm 33 truyện ngắn được giải, ra mắt độc giả như một bằng chứng về triển vọng của thể loại “nhỏ” trong bối cảnh văn hóa đọc đang có nhiều xáo trộn. Cuộc thi truyện ngắn 2011 - 2012 do báo Văn Nghệ tổ chức với thành công, như chúng ta thấy, đã truyền một cảm hứng sáng tác, một quyết tâm luyện bút của người viết đặng có thể làm cho thể loại “nhỏ” có địa vị xứng đáng trên văn đàn đương đại. Một cuộc thi để lại dấu ấn, tạo dư ba và kinh nghiệm nghệ thuật cho văn giới. Truyện ngắn trên báo Văn Nghệ Văn Nghệ Trẻ sau cuộc thi vẫn giữ được nhịp độ và phong độ cũng như phong vị riêng. Nói một cách lạc quan - tất nhiên phải có cơ sở - thì truyện ngắn là thể loại có sức sống trong văn học Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Người ta vẫn hô hào bây giờ là “thời của tiểu thuyết”, nhà văn phải viết tiểu thuyết mới xứng đáng, mới thực tài (hay quá phấn khích như tác giả Thuận, người vừa cho ra mắt tiểu thuyết thứ sáu Thang máy Sài Gòn, cho rằng mình đã may mắn đoạn tuyệt với truyện ngắn chỉ để viết tiểu thuyết, vì “tiểu thuyết là si mê dai dẳng”!?). Ít ai ưu ái và lạc quan nói bây giờ là “thời của truyện ngắn”. Nhưng mặc lòng, truyện ngắn cứ khi âm thầm, lúc sôi động khẳng định vị trí không thể thiếu trên văn đàn. Thêm nữa, báo Văn Nghệ vốn luôn luôn là một địa chỉ văn chương tin cậy, một tổ chức nghề nghiệp có uy tín và kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi truyện ngắn từ những năm 50 - 60 của thế kỉ trước cho đến tận hôm nay. Trong những cuộc thi truyện ngắn vài chục năm gần đây, có lúc báo Văn Nghệ đã tổ chức được một “bữa tiệc văn chương thịnh soạn” (Cuộc thi năm 1991 chẳng hạn). Những tên tuổi trưởng thành qua các cuộc thi truyện ngắn do báo Văn Nghệ tổ chức thật không hổ danh trước một công chúng nghệ thuật ngày càng thông minh, khó tính và đôi khi khá đỏng đảnh.

Ấn tượng mới

Cuộc thi truyện ngắn 2013 - 2014 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức được chính thức phát động vào tháng 5 năm 2013, nhưng đã thực sự được khởi động từ trước. Một trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức vào tháng 5 năm 2013 (tại Sa Pa, với lực lượng khá hùng hậu 25 trại viên) đã thu hút nhiều cây bút có triển vọng từ nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực công tác, nhiều lứa tuổi khác nhau tham dự. Tôi nghĩ đây như một cuộc “giao ban sáng tác” lí thú khi có những cây bút chững chạc, nhiều hứa hẹn tham gia như Nguyễn Đăng An, Nguyễn Thái Sơn, Doãn Dũng, Vũ Thanh Lịch, Chu Thị Minh Huệ, Tống Ngọc Hân, Đinh Phương, Võ Diệu Thanh… đã trở thành những tên tuổi quen thuộc với độc giả riêng thích truyện ngắn hôm nay. Tên tuổi quen thuộc có, tên tuổi mới có. Người mới viết có, người thạo nghề văn chương có. Nhưng gặp nhau ở một điểm - yêu thích, say mê truyện ngắn. Có người còn trẻ nhưng đã có kinh nghiệm viết truyện ngắn ngay từ khi còn là sinh viên như Đinh Phương (anh vừa tốt nghiệp khóa 11, Khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội) với Chiều ký ức phủ gai, Lau lách chiều trắng xóa (và một truyện không dự thi in sớm là Hoa gạo đỏ kinh thành). Có người làm thơ khá thành công, nay bỗng bén duyên truyện ngắn và chăm chút cho những đứa con tinh thần mới của mình như Nguyễn Thị Ngọc Hà với Ông thủ thừ làng Vẽ. Có người ồn ã chất lính như Trần Đức Tĩnh (tốt nghiệp Đại học VHNT Quân đội) với Lính cậu được viết theo lối “phá cách”. Chủ tịch hãng thời trang IVY Moda Doãn Dũng (đã in một tập truyện Bóng anh hùng, 2012) với Âm thanh của ký ức khá thâm thúy, dù cho anh viết truyện “như chơi”. Một Lục Mạnh Cường xuất hiện khá nhiều trên Văn nghệ Công an, nay trên sân chơi mới có Nàng Hương đậm chất rừng núi, nhiều cái lạ và kì thú. Vũ Thanh Lịch đang ở thế thượng phong, có Người đi tìm cánh tay, Mây vờn trên đỉnh Mã Yên. Có cô giáo đồng hương Hà Tĩnh chúng tôi - Tống Phú Sa - với truyện Cô Khang hết sức mộc mạc nhưng có dư ba, thấm vị chua xót về phận người. Dương Đức Khánh với Nửa ngày chiến tranh, Nguyễn Thái Sơn với Mất tích cho độc giả thêm những góc nhìn mới về chiến tranh. Có tác giả định cư ở CHLB Đức như Văn Tất Thắng với Cô Thủy - một truyện gọn ghẽ, xinh xắn đong đầy hoài niệm, có sức chứa và sức gợi khiến độc giả ám ảnh. Lê Mạnh Thường công tác trong lực lượng Cảnh sát biển có Hoài niệm U Đôm Xay với lối viết “ăn sóng nói gió” rất đặc trưng. Trên báo Văn Nghệ số 33 (năm 2013) đã có bài phê bình tập truyện ngắn Biển khóc của tác giả này. Khi chúng tôi thực hiện tiểu luận này thì cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức mới đi non nửa chặng đường dài hai năm. Có thể sẽ có bất ngờ ở phút 89, cuộc đấu nào chẳng gây cấn và hồi hộp theo cách đó (nhất là bóng đá và văn chương, dường như có một điểm tương đồng thú vị).

Thể loại nhỏ tung hoành

13 tập truyện ngắn xuất bản trong năm 2013 (cho đến thời điểm chúng tôi hoàn thành tiểu luận), là rất đáng đọc, chúng thuộc sở hữu của những cây bút có cá tính: Sẫm viôlet (Nxb. Văn học) của Nguyễn Văn Thọ, Người đàn bà nghịch cát (Nxb. Hội Nhà văn) của Nguyễn Đăng An, Bảy nàng Bạch Tuyết và Chú Lùn (Nxb. Văn học) của Nguyễn Hiếu, Ngủ giữa trùng sơn (Nxb. Văn học) của Lê Vũ Trường Giang, Đàn bà đẹp (Nxb. Văn học) của Đỗ Bích Thúy, Bông dẻ đẫm sương (Nxb. Quân đội Nhân dân) của Chu Thị Minh Huệ, Biển khóc (Nxb. Quân đội Nhân dân) của Lê Mạnh Thường, Tiếng hát liêu điêu (Nxb. Trẻ) của Nguyễn Mỹ Nữ, Khi chim đỗ quyên kêu (Nxb. Hội Nhà văn) của Nguyễn Tiến Lộc, Bước qua vườn địa đàng (Nxb. Văn học) của Vũ Thị Tuyết Mây, Cổ tích một bức tranh (Nxb. Văn học) của Lê Trung Tiết, Đêm không bóng tối (Nxb. Hà Nội) của Tống Ngọc Hân và Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình (Nxb. Hội Nhà văn) của Trịnh Minh Hiếu và (…). Riêng tôi nghĩ nếu tìm 13 tập thơ hoặc 13 tiểu thuyết đáng đọc, xuất bản trong năm 2013, thật không dễ dàng gì nếu so sánh với truyện ngắn.

Sẽ có người căn vặn - tại sao lại là 13? Có thể rất ngẫu hứng, chúng tôi chọn con số 13, vì năm nay là năm 2013! Thực ra trong một năm, tác phẩm văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng, là rất nhiều. Nhưng vì nhiều lẽ khác nhau: Một là “lực bất tòng tâm”, một người dù không làm gì ngoài đọc cũng không xuể. Hai là văn chương trọng cái “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Ba là, đây chỉ là một góc nhìn của một người yêu văn chương và có điều kiện theo dõi văn chương đương đại. Lẽ dĩ nhiên là còn một con số lớn hơn 13 đối với truyện ngắn trong một năm sôi động của thể loại “nhỏ”. Nhưng bất kì sự quan tâm và quan sát nào của một cá nhân cũng có giới hạn nhất định của nó. Xin được quý độc giả xa gần lượng thứ cho chúng tôi.

Hai mặt của truyện ngắn

Chúng tôi chia sẻ với quan niệm của nhà văn Nguyên Ngọc về truyện ngắn “Không nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn vốn nhiều vẻ. Có truyện viết về cả một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại một giây phút thoáng qua. Từ lâu tôi đã có ý nghĩ như vậy, nay đọc lại thực tế truyện ngắn mấy chục năm qua, càng thấy cần có cái nhìn cởi mở, mới ôm trùm hết phạm vi của truyện ngắn” (Dẫn theo Vương Trí Nhàn - Sổ tay truyện ngắn, Nxb. Tác phẩm mới, 1980, tr.26). Truyện của các tác giả có tuổi, nhiều trải nghiệm như Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nguyễn Đăng An, Lê Trung Tiết… bao giờ cũng hướng tới những “kiếp người”, mỗi truyện như là một bản lí lịch đầy đủ về một con người hơn là những “lát cắt” đời sống, soi dọi những “khoảnh khắc” đáng nhớ nào đó. Truyện của những người trẻ tuổi hơn như Đỗ Bích Thúy, Vũ Thanh Lịch, Chu Thị Minh Huệ, Tống Ngọc Hân, Võ Diệu Thanh… thường nghiêng về những “lát cắt”, “khoảnh khắc” đời sống độc sáng (như là lí lịch trích ngang của một người, nếu có thể ví von như thế). Lại có người rất trẻ như Lê Vũ Trường Giang trong tập truyện Ngủ giữa trùng sơn lại đắm đuối với lịch sử, lại muốn truy nguyên ngọn nguồn nhiều chuyện đời trong dòng chảy bất tận của nó. Viết truyện ngắn theo cách nào là thuộc “sở trường sở đoản” của mỗi nhà văn, cái đích cuối cùng vẫn là tác phẩm hay. Vì có người sống cả một đời bình thường, bình lặng với những phẩm tính và vẻ đẹp khuất lấp. Lại có những người sống mạnh mẽ, cuồn cuộn, chói sáng ở một “khoảnh khắc” nào đó (vì “có những phút làm nên lịch sử”).

Có thể nói truyện ngắn xứng đáng là thể loại xung kích của văn học, rất năng động và đang mở rộng, đào sâu hiện thực đời sống theo phương pháp “phát triển chiều sâu” (mượn một khái niệm của kinh tế học). Nhưng đọc truyện ngắn 2013, và truyện ngắn đương đại nói chung, tôi vẫn cứ thấy thiếu vắng cái mà Nguyễn Minh Châu đã nhấn mạnh “Chúng ta phấn đấu sao cho trong mỗi truyện ngắn của ta có một con ma trong đó, ẩn hiện, ẩn hiện. Nó chỉ hiện ra trước mắt người tinh đời” (Nguyễn Minh Châu - Di cảo, Nxb. Hà Nội, 2009, tr.361). Chúng tôi nhấn mạnh cụm từ “một con ma” trong ý kiến của nhà văn. Ý này về sau Nguyễn Quang Lập có nhắc lại trong bài Tôi bắt đầu viết truyện ngắn như thế nào: “Truyện ngắn như một con gì đó rất kì khôi ở trong rừng văn học, mày cứ liều mạng chịu vào rừng tìm kiếm, thế nào cũng có ngày thấy. Chỉ có mày thôi nhé, không thằng nào thấy đâu. Hoặc giả chúng có thấy cũng thấy khác mày”. Đây là lời nhà văn đàn anh Xuân Đức “giáo huấn” cho Nguyễn Quang Lập (Bạn Văn - Nxb. Trẻ, 2011, tr.191). Cũng không có gì khó hiểu theo cách diễn đạt của Nguyễn Minh Châu. Có thể hiểu “một con ma” là tính chất mới lạ, thậm chí kì lạ của người và việc trong câu chuyện được kể. Và cũng là cái tài biến hóa của nhà văn khi viết truyện ngắn, nhiều khi phải như ảo thuật gia, như nhà chiêm tinh, thậm chí có lúc có thể “lên đồng” bằng câu chữ.

Nếu mạnh dạn nhận xét thì truyện ngắn hôm nay nói chung của ta đúng là “lành” nhưng chưa “mạnh” nếu so với thời kì hoàng kim những năm 80 - 90 thế kỉ XX (kiểu như Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Gió dại của Bảo Ninh, Họ đã trở thành đàn ông của Phạm Ngọc Tiến, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, Bức thư gửi Mẹ Âu Cơ của Y Ban, Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo, Tiếng vạc sành của Phạm Trung Khâu…). Tôi và nhiều độc giả vẫn riêng thích lối viết “kỳ ảo” kiểu như Bến trần gian của Lưu Sơn Minh từng được giải thưởng (Giải Ba) Cuộc thi truyện ngắn 1992 -1994 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nói truyện ngắn của ta hiện chưa “mạnh” có lẽ một phần còn do nó quá “nệ thực” chăng?

Tin vào truyện ngắn

Có nhiều cơ sở để tin vào triển vọng của truyện ngắn. Vì sao? Trước hết là vì cái nền truyện ngắn dân tộc có bề dày truyền thống và nhiều thành tựu, xứng đáng là thể loại cùng với thơ tạo nên “hồn cốt” văn chương dân tộc. Trong quá khứ chúng ta đã có những tác gia truyện ngắn tài danh (riêng chúng tôi nghĩ không hề kém cạnh các nhà cổ điển thế giới) như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam. Trong văn chương đương đại chúng ta có các tác giả truyện ngắn nổi tiếng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê. Trong thế hệ trẻ có người thành danh nhờ truyện ngắn như Nguyễn Ngọc Tư. Trong tương lai truyện ngắn cũng có thể coi là “của để dành” của văn chương dân tộc.

Truyền thống văn hóa cũng giúp chúng ta cắt nghĩa được cái “gu” thẩm mĩ của người sáng tác cũng như công chúng nghệ thuật - hướng tới cái đẹp là cái xinh xắn, “vừa khoảng”. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí (cho đến nay cả nước có 812 báo chí in, 1084 ấn phẩm, trong đó có 80 cơ quan báo chí văn học nghệ thuật) cũng chính là môi trường văn hóa giúp truyện ngắn dễ dàng “sinh sôi nẩy nở” (chẳng hạn một tờ báo có vẻ rất xa lạ với văn chương như tờ Kinh tế & Đô thị của Hà Nội, thỉnh thoảng có đăng một truyện ngắn hay).

Quỹ thời gian nhàn rỗi của con người thời đại đang bị co rút dần. Họ buộc phải lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng phù hợp (kể cả sản phẩm văn hóa nghệ thuật). Truyện ngắn, vì thế có thể là một sự lựa chọn của độc giả thời nay. Phải chăng cái gì tồn tại là cái hợp lí!? Người Việt Nam vốn được coi là khéo tay trong chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, ở đó đòi hỏi sự tinh xảo. Nếu có một so sánh, tuy khập khiễng, thì truyện ngắn đòi hỏi sự tinh xảo khi viết cũng giống như nghệ nhân chế tác các tác phẩm nghệ thuật.

Không thể đo đếm sự phát triển của văn chương nói chung, truyện ngắn nói riêng, bằng đơn vị thời gian một năm. Vì ở đó có thể là nốt trầm hoặc thăng, có thể là ngẫu nhiên hay tất nhiên, có thể phản ánh quy luật nhưng cũng có thể là hiện tượng phong phú hơn quy luật. Một cái nhìn ngắn hạn có thể làm sai lệch các nhận định về hướng phát triển của sự vật. Nhưng trong một chừng mực nào đó, cái “lát cắt” của sự vật có thể giúp ta nhìn rõ xu thế của nó. Một năm chưa thể “tính sổ” đầy đủ và công bằng với cả nền văn chương nước nhà nói chung, với truyện ngắn nói riêng, nhưng nhìn gần là để giúp nhìn xa và ngược lại. Tin vào truyện ngắn là tin vào quá khứ, nội lực, hướng đi của nó. Từ đó nhìn thấy tương lai của thể loại “nhỏ”. Riêng chúng tôi, đã lạc quan nhìn thấy từ lâu chân trời của truyện ngắn.

Hà Nội, 10/2013
B.V.T
(SH298/12-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng