Tác giả-tác phẩm
Những cảm xúc bộc trực thời hậu chiến
10:04 | 22/04/2008
(Qua “Sau tách cà phê” của Nguyễn Trác, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.)1- Sau năm năm từ “Chiếc thuyền đêm” (năm 1995), hình như  “đến hẹn lại lên”, nhà thơ Nguyễn Trác lại ra mắt bạn đọc tập “Sau tách cà phê”.

Tập thơ này có 27 bài thơ là sự tiếp nối những suy nghĩ không nguôi ngoai của tác giả về thời hậu chiến, mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ.
Cách đây năm năm, đọc “Chiếc thuyền đêm”, những bài thơ của Nguyễn Trác vẫn còn ám ảnh tôi, cứ mỗi khi đi bộ trên các đô thị Việt Nam dù Sài Gòn, Đà Nẵng hay Hà Nội, khi ngước nhìn lên những tấm biển quảng cáo chi chít như mặt giặc và những dàn ăng ten ngạo nghễ che khuất bầu trời thì bất giác tôi lại nhớ đến nhà thơ Nguyễn Trác.
Thơ Nguyễn Trác chính là một tấm lòng nói thay bao tấm lòng, sao cứ day dứt nuối tiếc những gì đã mất đi trước lối sống - nhịp sống hối hả thực dụng của kinh tế mở - kinh tế thị trường, nó cứ ngậm nhấm dần những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp đẽ một thời của chúng ta.
Chính vì vậy, tôi đồng điệu với suy nghĩ của tác giả thời hậu chiến, thời kinh tế mở, thời kinh tế thị trường. Nhất là một tác giả như nhà thơ Nguyễn Trác đã từng sống qua chiến tranh khốc liệt.
2- Những vần thơ của Nguyễn Trác luôn bị xao động trước gió: Tập thơ này có nhiều câu thơ “đụng” đến gió, với những thang bậc khác nhau của gió đã lay động những cảm xúc của Nguyễn Trác. Đó là những cảm xúc thơ hay.
Hình như chi chít những khối nhà như bê tông - lô cốt, cảm giác thiếu không khí, nên tác giả mơ hồ cảm thấy “Đêm nay ngoài sông gió thổi còn rất mạnh” (Nỗi buồn đô thị);
Hạ Long là cảnh đẹp nổi tiếng thế giới, thế mà “Nhà em lên tầng cao/ Cũng không còn có gió” (Biển bị che khuất rồi).
Nhà thơ không ghìm được cảm xúc đã phải thốt lên: “Anh thèm ngọn gió trời/Giữa điều hoà nhiệt độ” (Giữa Sài Gòn ăn cơm với cá kho tộ) hoặc “Gió câm lặng nơi nóc nhà thủng lỗ/ Thăm thẳm là những ánh sao xa” “Không còn em/Bom đạn cũng tan rồi/ Nhưng một cuộc chiến tranh trong anh còn lại mãi /Trước nóc nhà gió vẫn đơn côi” (Và những bóng cây xưa)
Tác giả đã có nhiều câu thơ khác viết về gió khá đạt:
“Về vẻ đẹp ánh trăng / nét dịu dàng của gió” (Vào một tối mùa đông nào đó)
“Chí làm trai chí làm trai ngược gió” (Với bạn Đồng Nai)
“ Nhưng gió thì vẫn vậy / Cứ xôn xao...” (Trên bàn anh tập tranh Matiss).
“Em bảo em cũng vừa thả về sông ba con cá bạc / Ở nơi bắt đầu của gió ngày mai” (Viết trong chiều 23 tháng Chạp)
“Sáng sáng/ Người đàn bà dậy trước bình minh/ Chạy cùng những cơn gió trẻ” (Người đàn bà dậy sớm).
Gió là cái cớ làm thơ Nguyễn Trác cứ lay động trong lòng ta mãi.
3- Nguyễn Trác bức xúc với tầm nhìn thi sĩ bị che khuất: Đọc thơ Nguyễn Trác ta có thể xẻ chia với tác giả về nhịp độ đô thị hoá công nghiệp hoá làm cho ta tầm nhìn quen thuộc bị che khuất, môi trường, môi sinh sáng tác của các nhà thơ bị tàn phá, tác giả luôn bức xúc đối với tầm nhìn. Do vậy hiệu quả bài thơ được tăng lên rất nhiều.
“ Và nhà cao che khuất bớt chân trời” (Nỗi buồn đô thị)
“ Biển bị che khuất rồi / Nhà anh lên cao tầng / Nhà em lên cao tầng” (Biển bị che khuất rồi).
Và thấy “ghê ghê” khi đọc câu thơ của Nguyễn Trác “Những cao tầng che hết mùa thu” (Vào một tối mùa đông nào đó). Hoặc “Rồi bụi tre trong vườn bị chặt / Như hình ảnh một chân trời biến mất đi sau những công trình hiện đại / Linh hồn tre phiêu dạt cô đơn”. Đọc tập thơ này ta cứ lo ngại tới đây những cái gì còn bị che khuất nữa. Và có lẽ như Nguyễn Trác dự báo: “Cái vô tận của thế giới/ Được thay thế bằng cái vô tận của tâm hồn/ Nhưng tâm hồn yên tĩnh ít hơn” (Rồi bụi tre trong vườn bị chặt).
4- Nguyễn Trác viết về sự cô đơn mệt mỏi: Hình như nhà thơ nào cũng vậy luôn cô đơn trước thân phận làm người.
“Năm mươi tuổi chân như đã mỏi/ mà chùa Đồng chửa tới nơi”.
“ Và trái tim anh bắt đầu mỏi mệt/ Mũ áo thị dân dăm ước mơ quèn..
.” (Trong cái thời thừa công cụ để in); và thật là tâm hồn thi sĩ khi đau lịm viết lên “linh hồn tre phiêu dạt cô đơn” (Rồi bụi tre trong vườn bị chặt).
Im ắng quá chỉ mình anh với gió  (Biệt thự nhỏ nằm trên con dốc nhỏ)
5- Những câu thơ - Bài thơ hay trong tập thơ “Sau tách cà phê” :
Bài thơ tôi thích nhất đó là bài Quán tranh tre. Bài thơ này như một bức hoạ, như một ca khúc. Tôi đọc đi đọc lại vẫn thích thú. Tác giả viết bằng mắt, bằng tai và bằng cảm xúc thật. Do vậy có những câu thơ xuất thần: “Cô gái quê/ Bưng/ Những mẹt hàng / Như bưng cả mùa thu đậu phụ rán vàng” (Quán tranh tre)
Ngoài ra tập thơ này còn nhiều câu thơ hay ví dụ như: “Anh bảo - đôi khi chúng ta như loài chim lẩn thẩn / Cứ đùng đùng vỗ cánh thiên di” (Sau tách cà phê)
“Một người với chiếc ô hoa / Ngồi che cho một người xa cuối trời” (Bây giờ em đã về chưa)
Tập thơ còn có nhiều câu thơ lạ: “Doanh trại nhà binh như khách sạn / Đêm ếch nhái thường bất ngờ lên tiếng. (Phố mới).
Tập thơ “Sau tách cà phê” là sự tiếp nối lao động nghệ thuật có nhiều tìm tòi sáng tạo của Nguyễn Trác. Hiệu quả của tập thơ này là sự cảnh báo bạn đọc biết bao đổi thay trước thềm thiên niên kỷ mới. Chả nhẽ thi sĩ  Và trái tim anh bắt đầu mỏi mệt / Mũ áo thị dân dăm ước mơ quèn...


NGUYỄN VĂN HOA
(nguồn: TCSH số 143 - 01 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bay cao thì nắng (21/04/2008)