Tác giả-tác phẩm
Thơ Linh
16:54 | 16/05/2008
Trong bài viết điểm lại văn học năm 2000, sự kiện và bình luận, tôi có nêu hai tác giả trẻ, cùng là nữ, cùng có tác phẩm đáng chú ý trong năm, một người tập truyện, một người tập thơ. Người thơ là Vi Thùy Linh.
Thơ Linh

Tập thơ Linh là tác phẩm thứ hai của Vi Thùy Linh (sinh 1980), cô sinh viên đang học Phân viện báo chí và tuyên truyền (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Giống như tập đầu Khát, tập Linh cũng in khổ ngang, cũng một chữ tựa đề in to, và cũng một dòng thơ tự do cuộn chảy phăng phăng phát ra từ một nguồn cảm xúc dữ dội, cuồng nhiệt của bản năng, đam mê, ý chí, khát vọng. Vi Thùy Linh chia xẻ cảm giác người đọc, đôi khi khiến họ thấy hoảng” (1). Bây giờ khi thơ Linh đang bắt đầu có đời sống trong dư luận văn học, tôi muốn đọc chậm, đọc kỹ lại thơ cô để tìm nguyên nhân cái hoảng đó từ đâu.

MỘT TÌNH YÊU NHỤC THỂ
Thời Thơ Mới ( 1932- 1945), tình yêu được tháo cũi sổ lồng khỏi lễ giáo phong kiến, được đề cao, nhưng vẫn ở phạm trù tình cảm với những cung bậc trạng thái nhớ thương, buồn đau, biệt ly, phân cách, tan vỡ. Người yêu, tình yêu luôn được gắn cùng hương hoa, được đặt trong cùng bình diện những cái vốn coi là đẹp, ngay cả khi tuyệt vọng đau đớn nhất. Một kiểu so sánh như của Nguyên Sa về sau này: Hôm nay Nga buồn như con chó ốm, Như con mèo ngái ngủ trên tay anh, là không có trong thơ tình tiền chiến. Khía cạnh nhục thể trong tình yêu thời Thơ Mới chỉ duy nhất, có lẽ, biểu hiện ở thơ Xuân Diệu. Tình yêu, đối với Xuân Diệu, không chỉ là hồn còn là xác, tình yêu là sự hài hòa của hồn và xác, là sự hòa quyện của hai xác thân trong sự đồng điệu của hai tâm hồn. Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt! Nhưng nếu để ý, ta thấy đây vẫn là ước nguyện hơn là hành động. Bởi theo mỹ cảm lãng mạn, hai xác thân khăng khít gắn bó trong một hành động tình yêu thường bị coi là thấp hèn, không nên thơ. Đó là cái phàm tục, đời tục, cái văn xuôi của đời thường phá mất sự linh khiết của tâm hồn. Vũ Hoàng Chương viết : Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải, Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn, Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới, Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.
Trong thơ Vi Thủy Linh tình yêu là chúa thượng. Thì cũng chuyện thường. Thơ nhân loại, cổ kim đông tây, ba phần tư, hay hơn nữa, là thơ tình. Thơ trẻ tình lại càng nhiều. Tuổi trẻ chất chứa nhiều năng lượng trong mình, và nhu cầu giải tỏa năng lượng mạnh, rất mạnh. Nhất là năng lượng tình yêu. Đặc biệt ở nữ giới. Bởi nữ bị ràng buộc, ngăn cấm, ức chế nhiều hơn nam, trong các lĩnh vực xã hội và riêng trong chuyện tình yêu, trên thế giới đã vậy, ở xã hội phương đông càng vậy. Một đặc điểm không khó nhận thấy của văn học ta trong khoảng mười, mười lăm năm cuối thế kỷ XX vừa qua là các cây bút nữ đã tỏ ra táo bạo khi viết về tình yêu, không ngần ngại đụng chạm đến tình yêu nhục thể. Vi Thùy Linh ở trong dòng chảy đó. Có điều, bằng thơ, cô nói lên nồng nàn, quyết liệt những nhu cầu đòi hỏi giới tính của mình, và không riêng của mình, trong tình yêu. Nói cách khác, Linh đòi cho bản năng giới tính được đặt đúng chỗ của nó trong yêu, và trong thơ.
Linh muốn mình ngang tàng, tỏ ra ngang tàng, nhưng cũng như bao cô gái khác khi tình yêu đến cô chịu khuất phục: Bỗng một hôm, Tôi đứng yên để một người buộc vào tôi dây cương và đi theo người ấy, Đó là người tôi yêu (Tôi - Khát). Nhưng cũng như bao người con gái biết phẩm giá và tự trọng trong tình yêu, cô không chịu hạ mình để được thương hại: Em sẽ không đuổi theo anh như quả cầu gai trên cát trắng, Em không muốn cả đời đuổi theo chiếc bóng, Bóng của ảo ảnh làm người ta đánh mất mình, Em không bao giờ van xin anh (Còn lại - Khát). Giữa hai cực ấy của tình yêu, Linh đòi Anh phải cho Em sống đúng tình yêu là sự chung hiến riêng tư của hai con người toàn vẹn. Cô cũng nói đến các trạng thái tâm lý tình cảm của hai người yêu nhau, nhưng cô nhấn mạnh hơn đến cái thiêng đời thường, tức cái nhục thể, của một tình yêu lành mạnh
Hãy đọc đoạn thơ này để đi vào thế giới Linh:
            Tôi vẫn tin
            Không gì đẹp bằng con người
            Khi tình yêu giúp họ vượt mọi ngăn trở
            Tôi mãi run rẩy tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp của thân thể khi thoát
            khỏi sự áp đặt của mẫu mốt, xuất hiện nguyên khôi như tạo hóa
            sinh ra, trong không gian tình yêu
           
            Không gì kỳ diệu bằng việc tạo thành CON NGƯỜI
            Cuộc sống được bắt đầu tự sự phôi thai những đứa trẻ
                                               
( Thế giới hiện hữu - Linh)
Tôi vừa nói “tình yêu lành mạnh”. Nhưng sao cứ phải gán cái tính từ đạo đức này vào đây? Trong không gian tình yêu mọi điều đều có thể, không cái gì là không lành mạnh.
Từ cơn thèm muốn rất thật này:
            Khỏa thân trong chăn
            Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi
            Mình ôm lấy anh ôm lấy mình
            Biết sự bình yên của mặt đất
                                   
( Chân dung - Linh)
Từ ngọn lửa tình yêu mọc mầm theo đường cong thân thể, Linh phóng chiếu cái nhìn lên dải đất chữ S thấy đất nước mang hình người đàn bà hơi khuỵu chân, ngửa mặt. Một cảm xúc bất ngờ và có lý. Một hỉnh ảnh táo bạo, độc đáo. Thơ đã đi từ đất nước hình tia chớp (Trần Mạnh Hảo) đến đất nước mang hình người đàn bà hơi khuỵu chân, ngửa mặt (Vi Thùy Linh), đó là sự vận động của chiến tranh và hòa bình, tình yêu và sự sống. Phụ nữ nhạy cảm hơn ở thiên chức của mình. Nhà văn nữ Y Ban đã có một thư gủi mẹ Âu Cơ xin “mẹ hãy quân tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ” bởi vì “những người mẹ là những người sinh ra nhân loại, sinh ra những đứa con”. Và Vi Thùy Linh từ cơn khát sống khát yêu của mình đã tạo hình cho đất nước một thân thể trong niềm dâng hiến và được dâng hiến. Đây là một sáng tạo của người thơ. Trong thơ Linh không hiếm những hình ảnh dữ dội, khác lạ như vậy, thí dụ, Mặt trời mải miết bò như giọt nước mắt khổng lồ nóng rực (Ở lại - Khát), Trăng đêm tháng Mười như cái sừng bò đâm vào em êm dịu (Tín hiệu - Linh), Bóng em rỗng bầu đêm (Ý nghĩ - Linh). Những hình ảnh như vậy, cộng với cảm xúc nóng bỏng tuôn trào, từ ngữ mạnh bạo quyết liệt, lời lẽ ào ạt đến thừa thãi, khiến người mới vào thơ Linh dễ bị dị ứng, và có phản ứng nghịch. Hình như Linh có linh cảm điều ấy, “điều anh không biết”:
            Em đã gửi anh những bài thơ của em
            Ở đó, người đàn ông được tôn vinh trong hạnh phúc
            Ở đó, người đàn bà luôn hiến dâng và chờ đợi
            Người đàn bà của đêm

MỘT CÁI TÔI THÁCH THỨC
Mở đầu tập Khát tập thơ đầu tay của Vi Thùy Linh là bài Tôi. Cô khi làm bài thơ này vừa 18 tuổi đã tự mình xác quyết số phận mình: Độc mã, Quyết làm những gì mình muốn. Và tôi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác. Trụi trần, đơn độc thế vì cô đã dấn mình, dâng mình cho thơ. Cô đã chọn thơ (hay thơ đã chọn cô?) như tiền định, như tiên cảm. Thơ, đối với Linh, là nỗi buồn trường cửu, do đó, thơ em mặn. Tôi chắc, Linh biết cái câu trong Kinh Thánh: người là muối mà không mặn thì sao mặn được cho kẻ khác.
Linh đã đến trong đời không thanh thản. Cô đã soi gương muốn biết trí tuệ và dung nhan mình. So với tuổi, cô thông minh hơn nhiều, và cô già hơn nhiều, so với tuổi. Hơn thế nữa, nhiều người nói em sống trước tuổi. Phải, đọc thơ Linh thấy rõ sự thông minh, sự già, sự sống nhiều hơn, nặng hơn số năm tháng cuộc đời cô. Vì nghịch lý của nghệ thuật, của thơ, và chính của cuộc đời, người trẻ nhất là người già nhất, người gánh nặng quá khứ nhất, người nhẹ tênh tương lai nhất, đó là người hiện tại nhất. Mà hiện tại luôn là sự phá vỡ cân bằng, ổn định- quá khứ, để tạo lập cái bất cân, bất ổn - tương lai. Linh đã nói lên rất đúng tâm thế của mình và thơ ở đây lúc này: Đập nát đơn điệu, khuôn khổ của cũ kỹ, nhàm chán và cam chịu, Em tự  làm mất đối xứng - bằng em (Không thanh thản- Khát). Sự đối xứng đang là một căn bệnh của thơ Việt hiện nay, đều đều, bằng bằng, trơn tru, nhịp nhàng, cả ý tứ, giọng điệu, cảm xúc, hình ảnh. Đọc thơ mà đến phải thốt ra như Lưu Quang Vũ thưở mới đôi mươi như Vi Thùy Linh bây giờ : Tôi chán cả bạn bè, Mấy năm nay họ không nói được một câu gì mới. Đối xứng từng một thời là đẹp, là tiêu chuẩn mỹ học của cái đẹp. Nhưng còn có đối xứng của cái bất đối xứng, và bất đối xứng của cái đối xứng.
            Ở hai góc mặt tiền Chợ Lớn
            Hai tòa nhà cổ không người ở, đối xứng nhau
            Trên mái nhà bên trái, một con chim sẻ lẫm chẫm giữa những
            viên ngói vỡ
            Có- phải- tôi- đấy- không?
                                   
(Tự cảm - Linh)
Hãy đọc kỹ câu thứ ba trên đây. Bạn thấy gì không. Những viên ngói vỡ, con chim sẻ lẫm chẫm, mái nhà bên trái. Linh đang hỏi đấy. Hỏi chính cô. Hỏi chính tôi. Hỏi chính bạn. Có khoảng không nào cho con sẻ kia bay lên thoát khỏi sự đối xứng của hai tòa nhà cổ không người ở? Linh hỏi để tự vút bay. Dẫu có thể đuối sức. Dẫu có thể rơi rụng. Dẫu chuyến bay dang dở. Nhưng đường bay, hay bóng dáng đường bay, thì có, và còn.

MỘT LỐI THƠ TỰ DO.
Số người đọc hoảng với thơ Linh là do gặp luồng cảm xúc đột ngột, căng trào, và là do vấp những câu thơ dài ngắn trúc trắc. Lối thơ đó Linh gọi là thơ tự do. Trong một bài viết (chưa đăng) đấu tranh cho thơ tự do quyền tồn tại, Linh viết: “Với tính năng ưu việt, thơ tự do tạo ra sự thuận lợi nhất cho nhà thơ trong việc biểu đạt, cường độ cảm xúc không bị quy phạm bởi lượng âm tiết trong một câu thơ”, và “Thơ tự do cho phép phá tung tất cả những cánh cửa vờ vĩnh che đậy- cánh cửa của ngôn ngữ và hệ thống hình ảnh, đề tài- để đạt đến đích cuối cùng: cái rốn vũ trụ của cái Tôi thi sĩ - BẢN NĂNG”. Những lời lẽ hùng hồn sôi nổi có phần đại ngôn này không mới, Linh chỉ là người chạy tiếp sức trên một con đường đã mở từ hơn sáu mươi năm trước. Nhớ lại năm 1949, tại Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc, thơ tự do lần đầu tiên được đưa ra mổ xẻ, phê phán thông qua trường hợp Nguyễn Đình Thi. Đáp lại những ý kiến khen chê ( khen ít, chê nhiều) của các nhà văn nhà thơ dự họp, Nguyễn Đình Thi nói: “Khi đã bỏ luật lệ rồi, đủ cảm xúc tự nhiên thì cứ nói, thành vần cũng được, không thì thôi. Nói như lời nói thưòng vậy. Tôi mong đi tới những câu thơ như lời nói thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt. Nếu cần nói một hơi dài, dùng những câu dài. Nếu hơi ngắn, nói ngắn. Những hình ảnh thơ mới bây giờ, tôi tưởng tượng nó cần phải khỏe, gân guốc, xù xì, chất phác chung đúc, tự nhiên. Những bài thơ cũ, cùng một nhịp điệu đều đều, tôi không thể chịu được” (3). Nhưng rồi dưới áp lực của hoàn cảnh, Nguyễn Đình Thi đã phải chịu đứt gánh thơ tự do một thời gian dài. Nhớ lại hồi đầu những năm 60, một nhóm nhà thơ ở miền dấy lên phong trào thơ tự do, họ gọi là thơ bây giờ, cũng gây nhiều tranh luận, phản ứng. Thơ bây giờ, họ nói, không đồng tính với thơ tiền chiến. Thanh Tâm Tuyền giải thích: “Tại sao bây giờ còn những người cảm được những bài thơ tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận, một thứ ngôn ngữ, tôi xếp vào loại ngôn ngữ đã chết rồi. Lí do giản dị là ở người đọc chứ không phải ở nhà thơ. Nhà thơ đã không vượt được thời đại mà người đọc thì đã sống lùi  thời đại mình. Còn bảo rằng ngôn ngữ Xuân Diệu, Huy Cận, hay bất cứ một nhà thơ nào thưở trước giống ngôn ngữ thời nay chỉ là vì đã quan niệm nhầm lẫn về ngôn ngữ thi ca. Không nên quan niệm ngôn ngữ thi ca bằng những từ ngữ riêng rẽ. Nhà thơ nào cũng phải dùng những tiếng: anh, em, chúng ta v.v, một số ngữ vựng chung, không thể đặt những chữ mới. Nhưng cái chứa đựng của từ ngữ đã biến đổi theo toàn bộ cơ cấu bài thơ, và ngôn ngữ thi ca là toàn thể cơ cấu đó” (4). Nhóm Sáng Tạo hồi đó để dành chỗ đứng dưới mặt trời cho thơ tự do đã nhiều lúc phải đẩy tới quyết liệt, cực đoan quá trình đổi mới thơ. Cho đến mãi gần đây, khi thơ Nguyễn Quang Thiều xuất hiện, vẫn còn những sự dè bỉu, e ngại, kì cục nhất là lối chê “Thơ như thơ dịch”. Dễ hiểu trong không khí đó thơ Vi Thùy Linh khiến người ta cảnh giác.
Lỗi cũng một phần ở Linh, ở tuổi trẻ của cô. Hăng cảm xúc, hăng biểu đạt, cô còn để trong thơ mình quặng và đá lẫn lộn, lời có lúc thừa, ý có khi hụt, thơ đây đó pha văn xuôi. Thơ tự do vẫn là thơ có lề luật của nó, không phải cứ tự do muốn viết sao thì viết. Câu dài ngắn khác nhau, vần điệu không cần thiết, nhưng thơ tự do chủ ở nhịp, ở giọng, ở hình ảnh. Linh đã ý thức được điều này, ý thức sốt sắng nữa là khác, nhưng cô còn phải nỗ lực nhiều trong lao động thơ.
Nhưng thực ra, tuổi trẻ không có lỗi. Tôi nghĩ Linh chẳng việc gì phải hoảng hốt, lo sợ trước những lời chê thơ mình, dù những lời chê đó phát ra dưới cái nhìn đạo đức hay nghệ thuật. Hãy sợ chính mình. R. Jakobson định nghĩa thơ: “Thơ không phải cái gì khác hơn là một phát ngôn nhắm vào cách diễn đạt” (La poésie n’est rien d’autre qu’un énoncé visant à I’expression). Hai tập thơ của Linh đã có những câu, những bài truyền cảm được cho người đọc từ một lối viết vỡ vạc. Hoài Thanh có nhận xét thơ mới lúc bột phát là “ cuộc xâm lăng của văn xuôi”, nhưng rồi tính cách văn xuôi mất đi, và “những cái ngông cuồng trái với tinh thần tiếng Việt đều mất”. Tuy nhiên ông lại sợ “cùng với cái” ngông cuồng ta mất luôn cả tinh thần sáng tạo”. Tôi muốn Linh, và những người đọc Linh, nghe lại đoạn văn sau của Hoài Thanh viết từ những năm 40 thế kỷ XX: “Đoàn thể bao giờ cũng đàn áp cá nhân bằng tất cả sức nặng của ý sáo, chữ sáo. Làm thơ là phản động lại, là lật cái lớp ý sáo, chữ sáo để tìm ở dưới những gì linh động và sâu sắc hơn. Tả tình hay tả cảnh, không quan hệ. Bởi tình hay cảnh đều hòa theo nhịp sống của thi nhân. Nhưng cứ đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người” (5).
Thơ Vi Thùy Linh đang tìm cách chuyển động. Trạng thái của Linh lúc này là:
            Tiếng - gọi - Tôi đang trú âm trong bốn chiếc răng hàm chưa mọc
            ở bốn góc khoang miệng
            Thế nên đôi môi và hàm răng cứ há ra mà không bắt đầu được
            sự khởi động nào, giống như những chân vịt muốn quay mà con
            tàu chỉ lắc
            Con tàu chỉ lắc, dù nước đã dâng đầy và nó cũng muốn lao đi
                                   
( Cái chân vịt và tiếng còi tàu -  Linh)
Tôi tin ở sự chuyển động. Vì để biết chuyển động phải biết cái gì đứng yên, hay quy ước đứng yên, trong một hệ quy chiếu thơ.
   Hà Nội, 02. 2001.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
(nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001)

--------------------------------------------
(1) Xem tạp chí Sinh viên, Bộ Giáo dục - Đào tạo, số Tết Tân Tỵ 2001
(2) R.Roland. Jean Christophe, 1.II,tr.18 - 19.
(3) Xem: Nguyễn Đình Thi. Về tác gỉa và tác phẩm, nxb Giáo dục, H.2000, tr.227 - 228.
(4) Xem sách: Thảo luận, nxb Sáng Tạo, S.1965, tr.140 - 141.
(5) Hoài Thanh - Hoài Châu. Thi nhân Việt Nam, nxb Văn Học, H.1988, tr.35.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bay cao thì nắng (21/04/2008)