Tác giả-tác phẩm
Thái Kim Lan - đôi mắt người sông Hương
08:10 | 20/10/2016

NGUYÊN HƯƠNG

Ở Huế, cho đến hôm nay, vẫn có thể tìm thấy những con người rất lạ. Cái lạ ở đây không phải là sự dị biệt, trái khoáy oái oăm mà là sự lạ về tư duy, tâm hồn, tư tưởng. Thiên nhiên và lịch sử đã vô cùng khoản đãi để Huế trở thành một vùng đất sản sinh ra nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng lan tỏa. Và trong số những tên tuổi của Huế ấy, không thể không nhắc đến cái tên Thái Kim Lan.

Thái Kim Lan - đôi mắt người sông Hương
Ảnh: internet

1.

Thái Kim Lan được hoài thai từ Kim Long, trong một ngôi nhà gỗ nhiều năm tuổi. Kim Long xưa kia, là một vùng đất trù phú nằm bên bờ bắc sông Hương, một trong những khu vực có nhiều nhà vườn đẹp nhất xứ Huế và ngôi chùa Linh Mụ cổ kính thâm nghiêm như một di thần. Nơi mà thuở nhỏ, trong những câu ca dao bên cánh võng của người mạ Huế, Thái Kim Lan đã được lớn lên bằng điệu ru rơm rạ quê mùa “Ru em cho théc cho muồi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu”. Tiếng hát ấy chính là va chạm đầu tiên của bà với Huế - sự va chạm tự nhiên, thuần khiết như hơi thở nhưng cũng sâu nặng như huyết lệ khiến bà phải nhắc đến nhiều lần trong những bài viết sau này. Để mai mốt dẫu có hành hương xa xứ, Thái Kim Lan vẫn không thôi nhung nhớ mái ngói tường rêu và mảnh vườn xưa yêu dấu của mình.

Thuở thanh nữ, Thái Kim Lan là học sinh lớp Đệ nhất C2 Trường Quốc Học Huế. Sau đó, bà chuyển sang học tiếp trường nữ sinh Đồng Khánh - ngôi trường của biết bao nữ nhân nổi tiếng trong lịch sử như nhà giáo dục học Đào Thị Xuân Yến (Bà Tuần Chi), nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Kiệm, Đại tá - bác sĩ Nguyễn Phước Ngọc Toản, ca sĩ Tân Nhân... Thừa hưởng “vân tay” di truyền của truyền thống ngôi trường trong quá khứ, Thái Kim Lan đã từng xuống đường tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo ở Huế vào đầu những năm 1960. Trái tim trung trinh của tuổi hai mươi dư thừa nhiệt huyết đã thực sự ghim vào tâm trí bà những suy nghĩ quan trọng đầu tiên về tôn giáo, về lẽ sống chân thiện ở đời.

Năm 1965, Thái Kim Lan sang Đức học theo chương trình đào tạo Giáo sư Đức ngữ của Viện Geothe Sài Gòn đặt tại Huế. Sau đó, bà đã lựa chọn triết học Immanuel Kant làm đối tượng nghiên cứu cho Luận án tiến sĩ của mình. Đề tài được Hội đồng thẩm định đánh giá cao, và quan trọng, là yếu tố quyết định để bà được giữ lại làm giảng viên tại Đại học Tổng hợp Ludwig, Maximilian, Munich, CHLB Đức. Và như vậy, cuộc dời Huế năm 1965 và triết học lý tính của Kant đã khai mở câu chuyện về một người phụ nữ bé nhỏ trở thành Giáo sư Triết học tại Âu châu.

Ở Thái Kim Lan là sự mộ điệu và chiêm bái Phật giáo đến độ gần như tuyệt đối, để từ đó, Phật thoại không chỉ là hệ thống lý thuyết chủ chốt trong bài giảng của bà tại các giảng đường đại học mà còn là chủ đề trong nhiều bài viết xuất sắc. Cái hay ở chỗ, Thái Kim Lan không đề cập đến Phật giáo như một bộ xương đã đông chắc từ thời xa xưa mà nhìn nhận nó như một cơ thể sống. Bà gắn liền giáo lý nhà Phật với những con người cụ thể mà bà đã được tiếp xúc như Sư bà Thích Nữ Cát Tường, Sư bà Diệu Không, Ôn Mật Hiển, Sư bà Viên Minh... để người đọc không cảm thấy giáo điều, mệt mỏi. Phật giáo, trong quan niệm của bà là sự bình dị ở đời, là sự sống và cái chết luôn có giá trị ngang bằng nhau đối với một thân phận đang nảy mầm và đang sống.

Giọng nói và chữ nghĩa của Thái Kim Lan cho chúng ta biết rằng, bà là một người rất Huế, thật Huế ngay giữa phương Tây phồn hoa. Ngắm nhìn cái cách bà đi đứng nói năng, gương mặt nương tựa nhưng đầy tự hào khi nâng niu những vạt áo dài cổ, việc bà làm mỗi khi từ Đức trở về... mới thấy hai tiếng quê hương quả là có sức nặng níu giữ con người. Thái Kim Lan yêu Huế tự nhiên, nhiệt thành như từ ống tay áo của bà của mẹ chui ra. Và càng sống lâu ở phương Tây, bà lại càng ý thức rõ hơn về thân phận phương Đông của mình. Đó là một thân phận còn sống và khát sống, luôn luôn có nhu cầu được bảo bọc bởi tiếng mẹ đẻ và những món ăn tập tàng từ thuở hàn vi.

Trong cùng một trật tự ấy, sông Hương như một dải lụa, buộc chặt và xuyên nhập ý nghĩ ra đi - trở về của người phụ nữ mang tên gọi Thái Kim Lan. Ngôi chùa, cánh đồng, dòng sông luôn là những ảnh hiện điển hình về nỗi nhung nhớ quê hương của bất kỳ một người con xa xứ nào. Và ảnh hiện ấy tạo nên mắt nhìn về giá trị cốt lõi của nòi giống, bện sâu trong tâm trí, theo bà trong suốt những năm tháng học tập và sinh sống ở Muenchen tuyết đổ bời bời.

2.

Nhìn từ diễn trình tư duy văn hóa truyền thống, người Huế luôn có ý thức tổ chức các câu chuyện văn hóa của mình bên bờ sông Hương, từ hoạt động sinh kế như canh tác, chài lưới đến nghi thức lễ hội, ca nhạc, cúng bái thần linh... Tôi tin chắc rằng, cũng giống như tổ tiên của mình, Thái Kim Lan luôn cất giấu và tàng trữ những kỷ niệm của mình, của vùng đất mình quanh lưu vực một dòng sông.

Một trong những vùng sâu ký ức luôn được bà nhắc đến một cách đầy tự hào, kín đáo và riêng biệt, đó là chiếc áo dài. Thái Kim Lan muốn nhìn áo dài như một giá trị cốt lõi của người sông Hương, và bằng cách ấy, áo dài Huế điềm nhiên trở thành đỉnh cao của nghệ thuật trang phục truyền thống Việt Nam, bên cạnh áo tứ thân của Bắc Bộ và áo bà ba ở Nam Kỳ. Rằng, qua sự kiểm chứng nghiêm ngặt và khách quan của thời gian, áo dài xứ Huế xứng đáng trở thành những bảo vật mà một lúc nào đó hậu thế phải “xếp tàn y lại để dành hơi”.

Triển lãm Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh hồi tháng 1/2015 tại thủ đô Hà Nội do Thái Kim Lan và nghệ sĩ sắp đặt người Đức Veronika Witte tổ chức được xem là một hoạt động văn hóa đáng chú ý. Bộ sưu tập gồm 12 chiếc áo dài các loại của từ vua chúa bà hoàng đến người thường mặc, và qua hơn thế kỷ gìn giữ với những câu chuyện riêng chung, những chiếc áo này đã trở thành bảo vật.

Giá trị của bảo vật, hẳn nhiên, không chỉ nằm ở giá thành và thời gian, dẫu thành thật mà nói, để tạo được chúng, người ta đã chi nhiều công sức nghiên cứu và thiết kế bởi những nghệ nhân lành nghề. Giá trị của bảo vật, với một người như Thái Kim Lan, nằm ở niềm tự hào được vua chúa ban phát vì đức hạnh của chính những người góa phụ trong gia đình bà. Họ là những người phụ nữ có ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng, ý chí và nghị lực đối với Thái Kim Lan. Chiếc áo vua ban minh định một lối sống khắc kỷ, khổ hạnh của người phụ nữ phong kiến thời tôn giáo cửa Khổng sân Trình chi phối. Với bà, triển lãm này chính là sự lần giở những lớp xiêm áo vàng phai một thuở có tuổi đời còn xưa hơn... Diễm ấy.

Bởi thế cho nên, nói Thái Kim Lan là một người “nghiện” hương xưa chính hiệu cũng không sai. Lựa chọn áo dài để triển lãm chính là sự lựa chọn một thông điệp văn hóa. Qua hơn trăm năm gìn giữ, bộ sưu tập áo dài của gia đình bà đã khoác lên mình một giá trị vượt tầm những món vật xưa cũ, trở thành bảo vật, được tôn vinh bởi chủ nhân chân truyền của dòng họ, trong khoảng thời gian hiện đại và thông điệp văn hóa đi kèm. Rượu ngon ở vị hậu, áo đẹp ở người mang. May thay, những chiếc áo ấy hoàn toàn có khả năng gây thương nhớ ám ảnh cho những ai có niềm đam mê thực sự với văn hóa cổ truyền.

3.

Để tìm một vai chính cho thước phim quay chậm về Huế, có thể Thái Kim Lan sẽ thật sự tròn vai. Người phụ nữ ấy luôn nhìn Huế như một cánh cửa vừa rộng vừa hẹp, trong dòng chảy của thời gian chẳng dễ gì rửa trôi được nét lặng lẽ, ngầm ẩn tận sâu bên trong đất Thần Kinh này. Bà nhớ Huế của những mùa đông hương trầm gỗ thông, của sông Hương chảy âu sầu qua thành phố, tưởng buồn ấy vậy mà thật bình yên. Đôi mắt người đàn bà đã dành nhiều con giáp của đời mình để tận dâng tình yêu với xứ Huế như chưa từng mệt mỏi ấy khiến tôi cảm nhận một thứ ánh sáng diệu huyền, mỏng mảnh nhưng kiên ngạnh vô cùng.

Tôi cảm thấy niềm vui thơ trẻ của bà khi được về quê nhà ăn Tết. Phố Huế cuối năm tấp nập và nhiều màu sắc. Bà trở về, trong một ngày tháng Chạp se lạnh nắng hanh, dẫu thoáng mệt nhưng vẫn đủ nồng nàn để thì thầm vào vành tai thành phố những lời run rẩy. Bà về nhà. Là về nhà ấy, ở Kim Long nhìn ra sông, có cả khu vườn với hoa me tím ngát. Bà sẽ nghiêng người thu mình lặng ngắm khu vườn như đứa trẻ say giấc tròn vo được mệ già cho chăn ấm.

Xa xứ bao nhiêu năm nhưng mỗi khi về lại quê bà vẫn giữ thói quen ao ước được ăn cháo gạo đỏ với cá kho vào buổi sáng sớm. Trong tâm hồn của cô nữ sinh Đồng Khánh ngày ấy, Huế vẫn luôn là một mảnh vườn nhỏ, tĩnh lặng và thơm mùi hương phấn xa xưa. Bà sẽ ngồi đấy, nhặt nhạnh những tàn phai và tóc trắng còn sót lại để đưa vào cuốn sách Đốt lò hương ấy, bằng đôi mắt của một người con gái sông Hương.

TS Thái Kim Lan tại buổi ra mắt tác phẩm "Đốt lò hương ấy"


Đốt lò hương ấy thực sự là một vùng kỷ niệm trong ký ức của Thái Kim Lan. Như một tàng thư cũ kỹ, cuốn sách là lời thủ thỉ của bà với những tri kỷ đã hóa thành cát bụi. Bà dường như vừa miệt mài lại vừa hân hoan mời gọi người đọc bước vào khu vườn của mình, được tự do nhìn ngắm, tiếp xúc, chiêm nghiệm tất cả mất mát, hạnh phúc, đớn đau, chia ly, ảo ảnh - những mảnh vỡ mặn chát của ký ức, được rơi ra từ chính tâm hồn tha phương đơn độc của bà. Tôi thực sự thích hệ thống từ vựng của Thái Kim Lan trong sách này. Có những chữ tinh tế, đắt giá như muối trắng nhưng có những từ cũng thật giản dị, mộc mạc như gạo nương. Chúng nguyên hợp với nhau tạo thành giọng văn vừa cuốn hút vừa uyên bác, rắn rỏi nhưng nữ tính vô cùng.

Vả chăng như vậy mới có thể ôm mang được nỗi nhớ của một người con xa Huế trong những ngày lạnh giá nơi xứ người? Thật thà, tôi muốn nỗi nhớ ấy cứ dâng đầy thêm nữa.

4.

Sông Hương mùa chưa thu, nắng và gió vẫn bồng bềnh trên từng con sóng nhỏ. Tôi tìm đến và đứng ngoài cổng nhìn vào ngôi nhà từ đường của dòng họ Thái có tuổi đời rất cổ. Thời gian chất buồn vui trên từng lớp ngói, rêu phong và kiêu sa, như giọng hát liêu trai của Thanh Thúy thuở nào. Những cây cột đen bóng, u tối và trầm ngâm nhìn ra mảnh vườn xưa tím ngát. Thái Kim Lan không có ở đó, vậy mà tôi cứ tưởng như bà đang ngồi ở bậc thềm viết thư gửi về Đức cho cô con gái nhỏ thuở nào.

Bà đã về Đức, mang theo một phần hồn Cố đô. Nhà Huế giữa phương Tây xa hoa vẫn là nhà vườn, giường gỗ, tràng kỷ, thi thoảng vẫn thơm mùi bánh lá bởi niềm nhớ thương của chủ nhân. Trong nghìn trùng xa cách, đôi bàn tay gầy guộc gân xanh ấy vẫn cần mẫn bóc từng lớp quê mỏng mảnh để đắp lên bức tường có tên gọi quê nhà. Với Thái Kim Lan, đó không chỉ là nỗi nhớ đơn thuần mà đã trở thành một phần của tập quán tinh thần cá nhân.

Tôi đã có dịp ngồi rất gần bà, chính là trong triển lãm về áo dài ấy. Chiều tháng Chạp miền Bắc rét ngọt hanh hao, bà mặc một chiếc áo dài nhung đỏ, khăn quàng qua vai và búi tóc bao giờ cũng thế. Thái Kim Lan có giọng nói thật hiền lành, nhu thuần như nhất. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt ấy, ở đó có một vệt khói dài, thăm thẳm, hun hút đủ để người đối diện thấy an tâm. Ánh mắt ấy nói cho tôi biết, rằng dù đã gặt hái được nhiều thành công, đã vượt qua nhiều ngã rẽ, đã được cộng đồng biết mặt đặt tên nhưng có những lúc bà thực sự rất buồn. Một nỗi buồn có thật, trong vắt ngọc tuyền, dẫu có lúc khiến bà hoang mang mỗi khi trở về Huế nhưng tôi tin đó là điều vô cùng nghĩa lý.

Mắt buồn, là mắt của sông Hương những chiều đông rét mướt. Trong đời mình, bà đã lặng nhìn dòng sông ấy bao nhiêu lần, đã bao lần ghé uống nước giếng làng do sông bồi đắp, đã để tóc thề bay, đã bao lần nhìn sông một lần trước khi hồi Đức... Những điều này chỉ có thể biết được bằng cảm nhận. Và người nữ ấy đã thực sự lắng lại, như một cuộc thanh tẩy về tâm hồn.

N.H
(TCSH332/10-2016)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hẹn gặp lại! (01/08/2016)