Tác giả-tác phẩm
Tinh thần sinh thái trong 'Dưới tấm trần rỉ mưa' của Đỗ Thượng Thế
09:44 | 27/03/2018

HOÀNG THỤY ANH    

Đỗ Thượng Thế là giáo viên dạy mỹ thuật. Ấy thế mà, nhắc đến anh, người ta luôn nghĩ đến nhà thơ trẻ. Cũng đúng thôi, nhìn vào hoạt động thơ ca và các giải thưởng của anh mới thấy cuộc chơi chữ đã lấn át hoàn toàn sân họa.

Tinh thần sinh thái trong 'Dưới tấm trần rỉ mưa' của Đỗ Thượng Thế
Ảnh: internet

Anh từng tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lần thứ VII (2006) tại Hội An và lần thứ VIII (2011) tại Tuyên Quang; từng đạt nhiều giải thưởng cao của trung ương và địa phương. Sớm duyên nợ và thành công với thơ nhưng Đỗ Thượng Thế “kĩ” lắm! Từ khi đạt giải C cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2004, đến năm 2009, anh mới xuất bản tập thơ đầu tay - Trích tôi(1). Và mãi 8 năm sau, bạn đọc mới được tiếp cận Dưới tấm trần rỉ mưa(2). Giữa năm 2009 đến năm 2017, anh cũng có in chung một tập thơ với 4 tác giả khác (Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh(3)). Nếu xét gia tài cá nhân, chỉ tính hai vốn liếng: Trích tôi Dưới tấm trần rỉ mưa. Tất nhiên, khoảng thời gian từ Trích tôi đến Dưới tấm trần rỉ mưa, anh vẫn liên tục giành nhiều giải thưởng. Năm nào cũng có giải. Thậm chí, có năm ẵm 2, 3 giải. Vậy, sự “chậm rãi” này là ở cái sự chỉn chu, cầu toàn về mặt tư duy lẫn ngữ ngôn và trách nhiệm cao của người nghệ sĩ trước sản phẩm mình làm ra. Bây giờ, chỉ cần nói đến cái tên Đỗ Thượng Thế, người đọc nhớ ngay, à, là Thế Đất Quảng.

Thử đo lường thơ của Đỗ Thượng Thế, tôi thấy, từ Trích tôi, Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh cho đến Dưới tấm trần rỉ mưa, vẫn là một Đỗ Thượng Thế hướng nội, thấm đẫm cảm xúc nguồn cội, một Đỗ Thượng Thế đầy thú vị, bất ngờ trong những cuộc-chơi-con-chữ. Dạo trong Trích tôi, đó là khu vườn “giọng Đất”, khu vườn “giằng co với chữ” của một “thằng tôi quê bần” sẵn sàng “tạc vào thiên thu hào quang bùn đất” mà khẳng định bản lĩnh, giọng nói khác, giọng nói đầy triết luận, biệt lạ, “gọi gào bằng tiếng gỉ rơi”. Là tập thơ in chung, vẻn vẹn có 11 bài, nhưng Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh vẫn thể hiện rõ nét cái tôi luôn vật lộn với “con chữ thâm quầng” và không ngừng khát khao “bay về khu vườn đồng dao”. Đến Dưới tấm trần rỉ mưa, cảm thức trở về, “...về phía thượng nguồn/ Về phía đàn chim gọi bầy” (Phía đàn chim gọi bầy) đậm đặc hơn, hình ảnh thơ đẹp, bình dị, mộc mạc, trong trẻo, tinh khôi và gần gũi với cuộc sống, với thiên nhiên hơn so với hai tập trước. Dưới tấm trần rỉ mưa là một sự nhập cuộc, giao hòa rất tinh tế giữa con người và thiên nhiên. Soi chiếu Dưới tấm trần rỉ mưa từ góc nhìn sinh thái, người đọc cảm giác như được áp trái tim mình vào gốc quê, vào nguồn cội mà thi sĩ đã vẽ nên bằng chính giai điệu tâm hồn.

Với mùa “đất đang men”

Đỗ Thượng Thế viết về cây cỏ, hoa lá, chim chóc, vườn tược, nắng gió, mùa màng,… trong Dưới tấm trần rỉ mưa đâu chỉ để phản ánh thế giới thiên nhiên đầy hấp dẫn và kì bí mà thông qua đó đặt mối quan hệ tương tác giữa thế giới loài người với thế giới nhiên nhiên, để chúng cùng nhau tồn tại, hòa hợp trong một mái nhà sinh thái. Vị thế song hành, bình đẳng giữa con người và thiên nhiên trong thơ anh đã xóa bỏ mọi lớp chắn lệch lạc, xóa bỏ tư duy phân lập, thay vào đó là cái nhìn ôn hòa, thân thiện. Tinh thần sinh thái hòa hợp, cân bằng vạn vật trong thơ Đỗ Thượng Thế đã dịch chuyển từ nhân loại trung tâm luận (rất rõ trong Trích tôi) sang sinh thái trung tâm luận (đậm nét trong Dưới tấm trần rỉ mưa). Dưới điểm nhìn sinh thái, chúng ta mới thấy hết vẻ đẹp và tiếng nói rất người của thiên nhiên trong thơ anh. Động thái dung hòa, hòa hợp, yêu quý thiên nhiên cũng là cách con người hiểu mình, biết yêu quý mình và nuôi dưỡng tình người. Trong ngôi nhà chung - ngôi nhà sinh thái, không có sự tồn tại vị trí giữa chủ thể và khách thể, mà ở đó hoạt động theo cơ chế riêng, cơ chế đạo đức sinh thái, đối thoại với tinh thần biết lắng nghe, thấu cảm lẫn nhau. Chính vì vậy, thế giới tự nhiên trong thơ Đỗ Thượng Thế không câm lặng, đứng yên mà luôn chuyển vận, hướng về con người, đối thoại với con người. Con người mở lòng với thiên nhiên và thiên nhiên giang rộng vòng tay ôm lấy con người.

Dưới tấm trần rỉ mưa có ba phần. Phần 1: Ký ức bông bí luộc. Phần 2: Dưới tấm trần rỉ mưa. Phần 3: Con bướm xinh/ con bướm đa tình. Các phần này được nối kết với nhau bằng tâm thức quê, bằng mối tương giao, hòa quyện giữa con người với vạn vật. Dải đất miền Trung là nơi sinh thành và nuôi dưỡng trái tim của thi sĩ. Ở đó, hình ảnh Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) - quê ngoại của Đỗ Thượng Thế, xuất hiện ngay đầu tập thơ như là lời “tự khúc” (cũng là tên của bài thơ) của anh về tình chôn rau cắt rốn. Đại Hồng vừa là nguồn thơ anh vừa là cõi lòng anh, dĩ nhiên, nó gom chứa nhiều/đa thực tại. Thực tại của dòng chảy ký ức về những năm tháng “nước lũ xô làng” “còng lưng bánh khoai bánh sắn”; về một thời khổ đau, ngay cả con chữ cũng “ẩm mùi đất bệ, quánh nhựa cây/ rừng lấm lem tro rẫy và từng biết nhặt lên từ thảm máu sân trường”. Thực tại của giấc mơ hạnh phúc mà “ta thường mơ về khu vườn tụ gió bốn phương/ ở đó thầy ta gầy gầy mắt kiếng, đêm đêm treo ngọn đèn thơ”. Và thực tại hiện hữu, là mảnh-đất-lòng, là bản lề níu ta lại, vượt qua những cơn “sốc nổi dại cuồng hoang vu đến cuối”. Các chiều kích thực tại không tồn tại phân lập, không loại trừ nhau bởi các thực tại ấy luôn kết nối với thế giới tự nhiên, cùng chan hòa trong môi trường sinh thái, trong cảm thức cội nguồn. Hình ảnh con chào mào, chú bò con, con dế trống lửa, con trâu, đàn bướm trắng, đàn cò, đom đóm, cây rơm, hàng dậu biếc, nón tơi, phên liếp cứt trâu, đò ngang đò dọc, bánh khoai bánh sắn,… dân dã, quê kiểng trong thơ anh, cứ thế mà đi thẳng, neo đậu vào lòng người. Mối quyện giao giữa tiếng lòng thi nhân với hồn quê lan tỏa hầu hết các bài thơ: “Có những đêm kẻ mộng du thổi không ra hơi/ Một bị cuội rơi ú ớ/ Hai bàn tay chặp vào run rẩy/ Như bái về phía thượng nguồn/ Về phía đàn chim gọi bầy/ Tu tu r...út/ Tu tu r... út” (Phía đàn chim gọi bầy). Đôi chỗ, sự gắn bó, quyện giao được tác giả đẩy lên đến đỉnh điểm:

mỗi nhát cuốc
hương mùa neo đậu

            (Viết theo nhát cuốc của chị)

Chỉ mấy chữ, dường như đã đủ đầy các yếu tố để tạo nên cuộc hòa hợp: có con người (hành động cuốc), có thiên nhiên (mùa), có bước đi của thời gian (từng nhát cuốc gắn liền với cảm nhận dịch chuyển của mùa), có động (từng nhát), có tĩnh (neo đậu). Trên cái trục tuyến tính, chảy trôi của thời gian, con người và thiên nhiên không hề tách rời, cùng nhau vận động, cùng hướng về một phía. Kiểu tư duy và cách xác lập hình ảnh thơ nhẹ nhàng, thuần hậu, không vướng tục, hơi hướm mỹ cảm Thiền này cũng xuất hiện khá nhiều trong Dưới tấm trần rỉ mưa. Tất cả tạo nên trường giao cảm, giao hòa hết sức tinh khiết, tự nhiên của vạn vật. Hay hành động ngửa mặt khà khà, tác giả chẳng lên gân gì đâu, chỉ mong được gần hơn với thiên nhiên, được cảm nhận tiếng quê mà thôi:

Ngửa mặt chạm mây
Kha à à... tiếng chim lảnh lót trên ngọn ngô đồng bến cũ

            (Cuộc rượu vỉa hè)

Ở nhiều đoạn thơ khác, sự sống nguyên sơ, bản thể hồn nhiên vẫn gắn quyện như “Ấm trà vẫn hương mùa cũ/ Vẫn nóng khúc romance/ Châm hứng...” (Khóm cúc bướm trong quán sân vườn)… Cho nên, cuộc trở về của Đỗ Thượng Thế trong Dưới tấm trần rỉ mưa, cụ thể là ngay từ bài thơ đầu tiên, đã thể hiện rõ tâm thức trở về với cội nguồn, trở về để được tắm táp trong mùa nguyên sinh, mùa “đất đang men”.

Với “bầy chữ bừng cánh sóng”

Mùa “đất đang men” lại là cú hích để những con chữ Dưới tấm trần rỉ mưa “bừng cánh sóng”. Men tình bao trùm vạn vật. Tâm thơ của thi sĩ lúc nào cũng trong trạng thái bỏng khát được “trở về”, “hít”, “chạm”, “trôi”, “uống”, “tưới”, “tựa”, “tạc”, “thả”, “hòa tan”, “đóng đinh”, “cháy”, “ùa về”,... Đỗ Thượng Thế là một họa sĩ. Cách anh trình bày bố cục các tập thơ đã thể hiện rõ tài năng của mình. Nhưng theo tôi, nét vẽ mà anh vẽ bằng ngôn từ mới là bức tranh ấn tượng, nhiều lớp lang nhất. Nếu Trích tôi vẽ nên một chủ thể tự nhận diện mình thì đến Dưới tấm trần rỉ mưa, dường như vị trí của chủ thể bị xóa nhòa khi đặt bên cạnh nhựa sống trong lành của vạn vật cỏ cây. Hệ thống động từ (đã kể ở trên) được anh cấu trúc như là điểm nhấn tinh tế, tạo gạch nối, giao thoa giữa con người với thiên nhiên, thiên nhiên với con người chứ không hề tạo ranh giới, tạo vị thế cao thấp.

Và hơi thở mặt trời
Tan chảy vào em - hạt bụi trần trong veo ánh sương mơ sớm
Tan vào ánh lửa men nồng tan vào nốt thinh không

 
Ôi ấm áp da thịt mùa xuân
Ngan ngát bầu ngực thì
Tất cả ùa về nơi bước chân đầu tiên của gió…
Để kịp cùng em tái sinh hoa cỏ
Trong nắng mai mật ngọt yêu thương

 
Được cùng em
Vỗ cánh bay lên
Trong trái tim ánh sáng

            (Và hơi thở mặt trời)

Trạng thái được “tan chảy”, được “ùa về”, được “tái sinh”, được “bay lên”, không xuất phát từ cái nhìn độc tôn, chiếm lĩnh, mà hoàn toàn quy tụ trong bầu khí quyển đồng cảm, hòa hợp. Nhập hòa tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, Đỗ Thượng Thế xem thiên nhiên như là người bạn tâm giao, đồng hành, tương liên. Những gì thuộc về con người cũng thuộc về tự nhiên: “Người đàn bà miền ngọc lan/ Cởi chiếc áo choàng đầy gió/ Mở thắt voan cổ ngực đầy đêm/ (...)// Những bến bờ kiêu hãnh/ Ánh ngày mọc trên da thịt/ Thức dậy mầm chồi phấn hương/ Thức dậy giai điệu tro lửa” (Người đàn bà miền ngọc lan). Hành động “cởi”, “thắt”, “mọc”, “thức dậy”,… là chìa khóa duy trì quy luật hôn phối. Xét về mặt kết hợp từ trong mỗi đơn vị câu độc lập, đều có sự hiện diện của con người và thiên nhiên. Xét cả đoạn thơ, vạn vật đều thống nhất trong một chỉnh thể tư duy sinh thái. Con người thực sự trở về, dung nhập theo quá trình vận động và phát triển của tự nhiên. Vả lại, nơi thiên nhiên cũng biết nhường nhịn nhau: “Những giọt mưa biết nhịn nhường tiếng chim”; chất chứa nhiều nỗi niềm: “ấm ức giếng thơi/ nhiều năm dềnh một tiếng gàu đứt dây” (Dưới tấm trần rỉ mưa); thì việc con người nhập bản thể với thiên nhiên, cân bằng với thiên nhiên là điều thiết yếu. Nhập cuộc, đặt vị trí của mình vào vị trí của người khác, không gì hơn là để hiểu chính mình và học cách ứng xử với tự nhiên. Biết trân quý với tự nhiên cũng là biết trân quý bản thân mình vậy. Mối quan hệ giữa con người với sinh thái, do đó, căng trào cả tập thơ.

Cách kết hợp từ, dùng từ của anh cũng rất riêng, không trộn lẫn. Nhờ thế, thế giới thiên nhiên trở nên sinh động và ám dụ. Nắng của anh không đơn giản chỉ cảm nhận bằng màu sắc (nắng mai) mà còn hiển hiện với hình hài mới (đôi cánh) với thanh âm mới (liu tiu líu tíu). Tất cả cộng hưởng, toát lên vẻ xinh xắn, đáng yêu, thơ ngây: “Đôi cánh nắng mai liu tiu líu tíu”. Không ai níu giữ được bước đi của thời gian, vậy mà Đỗ Thượng Thế vẫn lưu giữ khoảnh khắc ngưng đọng ấy bằng nét vẽ đầy ấn tượng: “Trưa cắm chang chang đầu ngõ”. Trong câu này, động từ “cắm” là cột mốc định vị của riêng Thế Đất Quảng rồi. Đoạn thơ khác, thi sĩ lại không neo bằng động từ “cắm” (vì “cắm” mới chỉ giữ được cái thần thái bên ngoài), mà còn xâm nhập vào bên trong: “mùa thu hai chiếc bóng tươi trong/ tôi và em đã uống/ tôi và em/ đã trôi...” (Từng ngụm heo mây). Hành động “uống”, “trôi” là sự hòa phối trọn vẹn, vĩnh cửu giữa con người và tự nhiên. Có thể nói, kĩ càng, đam mê với đời chữ, tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của anh luôn dày lên những thi ảnh mang vác cảm quan riêng biệt, dựa theo nguyên tắc thẩm mỹ sinh thái. Con người và thiên nhiên đều là thành viên của ngôi nhà sinh thái: “...Từng cụm áo tơi qua sông bắt đầu um khói”; “Cần lắm một chấm xanh chạm đáy mắt sông Hàn”; “- Buộc vào hương tóc xa/ gió nhớ chiều đến rối/ - Cầm hạt mưa bổi hổi/ nghe câu kinh bật mầm” (Tự chát), “Kìa, em/ những suối những hoa/ những bọt mây/ những tiết điệu từng cơn sóng khát/ khỏa chân trời” (Phiêu 1), “Em ngây nõn ngàn xuân trừu tượng/ mùa cứ mùa cứ thế…/ tuôn trôi” (Xuân trừu tượng), “Mắt ửng giọt sương chớm/ Trên khắp da thịt ngày” (Bài ca lá cỏ),...

Từ Trích tôi đến Dưới tấm trần rỉ mưa, nhựa sống thơ anh “vẫn chưa ra khỏi đất làng”. Vịn vào hồn quê mà lớn lên. Dễ hiểu, nguyên do vì sao mà những con chữ của anh khoác chiếc áo đặc trưng của dải đất miền Trung. Không khó để lẩy ra những con chữ mang hồn cốt quê như “dòm”, “cụt”, “mót”, “nổng”, “nuốt trộng”, “chặp”, “trơi”, “giẽ”, “sút”,… Bên cạnh đó, cách anh đa dạng hồn quê vừa mở rộng vẻ đẹp vừa thể hiện tình yêu quê. Nếu ta bắt gặp kiểu gọi quê ở Trích tôi “cội nguồn tâm linh”, Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh “tuổi bãi đồng”, thì Dưới tấm trần rỉ mưa có nhiều cách hơn, là “tổ khúc nội đồng”, “bãi đồng tuổi dại”, “xới lửa đồng dao”,“điệu ru nguồn cội”, “luống cày ửng màu cổ tích”, “ngàn xưa thâm trầm”, “cổ tích thơm thơm”,... Liệt kê ra như thế để thấy hệ từ vựng sinh thái trong thơ Thế Đất Quảng rất phong phú. Hình ảnh vầng trăng chín mọng, dòng sông lộng lẫy, những nhánh rong non, mùa xuân mườn mượt, hơi thở mầm non, ngày lung liêng, vòm xanh nhuần nhụy, giấc mơ non nõn,... cùng nhau xây nên một không gian sinh thái trong xanh, nên thơ, rạo rực cho cả tập thơ. Do đó, tiếp cận hệ từ vựng sinh thái trong thơ anh, chúng ta thấy vừa quen vừa lạ, vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa thực vừa hư. Thông qua cách xử lý trục lựa chọn và kết hợp, những con chữ của anh không ngừng sinh sôi, nảy nở và tạo sinh nghĩa. Tự thân chúng đã kiến thiết bầu khí quyển khác, dung chứa sắc thái khác so với tập Trích tôi, Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh. Và đó cũng là cách Đỗ Thượng Thế tạo dựng nét riêng, cá tính của mình.

Con người lắng nghe, trò chuyện với thiên nhiên cũng chính là lắng nghe, tự đối thoại với chính mình. Con người và thiên nhiên trong Dưới tấm trần rỉ mưa song hành, tương giao, không có bất kì sự áp đặt, cưỡng chế nào. Rất nhẹ nhàng, thảnh thơi: “Dòng sông ấy/ Chúng ta…/ Thả trôi một bản thảo” (Bản thảo tháng Giêng). Tập thơ xứng đáng là mái nhà sinh thái để muôn loài hòa nhập, chia sẻ.

Nếu đặt câu hỏi, với Dưới tấm trần rỉ mưa, Thế Đất Quảng đã hoàn toàn “sướng với âm hồn chữ nghĩa” chưa? Tôi cá chắc, đủ cho một cuộc chơi. Nhưng một người dám khẳng định “Vẫn đây mùa không tuổi” thì chữ thơ, tâm thơ hẳn vẫn còn là một ẩn số.

5/12/2017
H.T.A   
(TCSH349/03-2018)

--------------
(1) Đỗ Thượng Thế, Trích tôi, Nxb. Hội Nhà văn, 2009.  
(2) Đỗ Thượng Thế, Dưới tấm trần rỉ mưa, Nxb. Hội Nhà văn, 2017.  
(3) Nguyễn Chiến, Phạm Tấn Dũng, Phùng Tấn Đông, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, Như  cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh, Nxb. Văn học, 2011.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng