Tác giả-tác phẩm
Hình ảnh gia đình trong thơ của Bác Hồ
08:38 | 31/01/2019

PHAN ĐÌNH DŨNG   

Từ hai cuốn sách: Những người thân trong gia đình của Bác Hồ, Bác Hồ gặp chị và anh ruột; soi vào những bài thơ của Bác, chúng ta có dịp nghiền ngẫm thêm về những tình cảm riêng/chung của Người.

Hình ảnh gia đình trong thơ của Bác Hồ
Bác Hồ thăm các gia đình công nhân Trường Cán bộ công đoàn, năm 1961

Đọc hai cuốn sách này, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến hai câu nói Bác Hồ trả lời bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột, và ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột. Có một chuyện riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chị ruột, anh ruột của Người cùng hết thảy bà con họ Nguyễn Sinh hằng quan tâm. Khi o Thanh hỏi, Bác đã trả lời: “Từ trước tới nay chưa nghĩ tới việc đó và cũng không thể nghĩ đến việc đó được”. Trả lời bác Khiêm, Bác nói: “Cảm ơn anh, em chưa bao giờ dám nghĩ đến việc này. Đến nay thì đã tu, tu trót, quá thì, thì thôi”. Rồi Bác lại tiếp: “Mình không phải là nhà tu hành nhưng vì việc nước phải quên việc nhà”.

Luôn luôn chí công vô tư, xem việc nước cao hơn việc nhà nên vào năm 1949 có người đề nghị tổ chức chúc thọ Hồ Chủ tịch, Người đã trả lời bằng một bài thơ Không đề có câu mở đầu: “Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà”. Có điều chữ nhà trong tâm thức của Bác Hồ nói riêng và của con người Việt Nam nói chung xưa nay chiếm một vị trí không nhỏ. Chữ ấy và gắn liền với nó là quan hệ, số phận của những người thân trong gia đình từ lâu đã trở thành một trong nhiều đề tài của khá nhiều bài thơ trong tập Nhật ký trong tù, chẳng hạn như các bài Người bạn tù thổi sáo, Trung thu, Chiều tối, Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Gia quyến người bị bắt lính, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Cháu bé trong nhà lao Tân Dương

Trong tập Ngục trung nhật ký, hình ảnh gia đình có khi chỉ được đề cập thoáng qua một so sánh: Nhà lao mà giống tiểu gia đình (Giam phòng dã thị tiểu gia đình - Quả Đức ngục). Song như vậy cũng đủ cho thấy trên bước đường cách mạng lâu dài, gian khổ có lúc vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã từng suy tưởng đến hình ảnh một gia đình nhỏ (tiểu gia đình). Chính suy tưởng này góp phần dẫn dắt nhà thơ Hồ Chí Minh quan tâm đến cuộc sống, quan hệ, số phận của những gia đình tác giả đã từng trải qua hoạn nạn hoặc nhìn thấy suốt chặng lưu đày. Bởi tập thơ vốn thuộc kiểu thơ nhật ký nên những ghi chép trữ tình của tác giả về những hình ảnh gia đình sẽ gắn liền với những gì mắt thấy, tai nghe trong hoàn cảnh một tù nhân. Người tù này bấy giờ lại đang thụ án nơi đất khách nên những hình ảnh trên phần lớn là hình ảnh những con người của đất nước Trung Hoa xa xôi. Với họ, Bác vốn không phải đồng hương nhưng lắm khi lại đồng nạn vậy nên chỗ cảm thông, thấu hiểu là sâu xa, tinh tế. Thử đọc bài đầu tiên trong chùm thơ này, Nạn hữu xuy địch (Người bạn tù thổi sáo):

Bản phiên âm:

Ngục trung hốt thính tư hương khúc,
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu.
Thiên lí quan hà vô hạn cảm,
Khuê nhân cánh thượng nhất tằng lâu.


Bản dịch thơ (của Nam Trân):

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau
.

Bác tự nhận với mình họ là “nạn hữu” (tên chữ bài thơ là Nạn hữu xuy địch). Không chỉ là nạn hữu mà còn là tri âm. Có tri âm thì mới thoáng nghe điệu sáo của bạn tù đã kịp nhận ra đó là khúc nhạc nhớ quê - Ngục trung hốt thính tư hương khúc; hơn nữa, lại phân biệt bằng cả thính giác và trái tim nghệ sĩ “đọc” ra trong ấy thanh chuyển thê lương, điệu chuyển sầu để rồi tưởng tượng, cảm thương vô hạn ở nơi xa xôi có người khuê phụ bước lên thêm một tầng lầu (Khuê nhân cánh thượng nhất tằng lâu)… Cái nhìn cảm thông, giàu tình yêu thương ấy cũng đã chi phối cách chọn hình ảnh, cách miêu tả giản dị mà xúc động, lắng sâu tình cảnh thương tâm của hai vợ chồng người bạn tù: Anh ở trong song sắt/ Em ở ngoài song sắt/ Gần nhau chỉ tấc gang/ Mà cách nhau trời vực/ Miệng nói chẳng nên lời/ Chỉ còn nhờ khóe mắt/ Chưa nói, lệ tuôn tràn/ Tình cảnh ái ngại thật! (Vợ người bạn tù đến thăm chồng - Nam Trân, Hoàng Trung Thông dịch). Bản dịch giữ được “tín” khi lặp lại hình ảnh “song sắt” (thiết song) đầy ấn tượng của nguyên tác lại khá sáng tạo khi gieo vần rơi vào thuần những thanh trắc (những chữ người viết gạch chân) khiến ý thơ thêm phần day dứt hòa hợp với hình ảnh hai vợ chồng chỉ nói với nhau nhờ khóe mắt bấy giờ đã giàn giụa suối lệ. Rõ ràng đây không phải là cái nhìn bên ngoài, bên trên mà là cái nhìn bên trong của một trái tim lớn của một nghệ sĩ lớn! Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời nhận định, đại ý, Hồ Chủ tịch là một người giàu tình cảm và vì giàu tình cảm mà Người mới đi làm cách mạng. Nhiều nhà nghệ sĩ của chúng ta, đặc biệt là các nhà thơ và các nhạc sĩ, thường lưu ý mọi người đến một “gia sản” lớn lao mà Bác để lại cho chúng ta là tình thương. Chính tình thương lớn mới khiến Người luôn luôn hướng về những hoàn cảnh gia đình thương tâm bắt gặp trên đường đi đày. Lắng nghe và thấu hiểu. Đó có khi là cảnh tình oái oăm của một người vợ có chồng trốn lính phải đi tù thay chồng (Gia quyến người bị bắt lính); có khi vì cha đào ngũ mà cả mẹ lẫn con phải chịu giam cầm khi con chỉ vừa nửa tuổi (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương); có khi là tâm trạng đau khổ của một người phụ nữ xa lạ vừa mới mất chồng đang khóc gào thảm thiết (Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng) …

Đọc kĩ những bài thơ vừa dẫn ở trên, một mặt, chúng ta thấm thía xúc động trước tình thương bao la, sâu sắc của nhà thơ Hồ Chí Minh, mặt khác, tỉnh táo hơn, chúng ta sẽ dần dần nhận thức được những mong muốn, khát khao của Bác về một gia đình nhỏ bình thường, trọn vẹn. Gia đình ấy dĩ nhiên là một gia đình đầy đủ vợ chồng, con cái sống an bình, khỏe mạnh. Ước mơ ấy nhỏ bé, giản dị như ước mơ của mọi gia đình bình thường trên hành tinh này. Có lẽ đây cũng chính là một trong những điều cho chúng ta thấy Người vừa lớn lao lại rất đỗi bình thường, giản dị.

Cũng bởi bình thường, giản dị nên người tù nhân Hồ Chí Minh đôi khi cũng cảm thấy cô độc khi chiều xuống, lòng hướng về một mái nhà bình yên lửa ấm, hình dung đến một người nội trợ đang chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, Chiều tối: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không/ Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng. (Bản dịch thơ của Nam Trân). Gia đình, trong suy tưởng của Người, là mái ấm, là chỗ dừng chân trên con đường muôn dặm như nhận xét của nhà nghiên cứu và giảng dạy Trần Đình Sử: “Nó chứng tỏ trái tim của nhà cách mạng vẫn đập theo những nhịp của con người bình thường, gần gũi với mọi người”(*). Là con người bình thường như mọi con người ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng nên có thời điểm tình cảm gia đình của người bị lay động mãnh liệt. Chúng tôi muốn nói đến bài thơ Trung thu trong Ngục trung nhật ký:

Trung thu thu nguyệt viên như kính,
Chiếu diệu nhân gian bạch tự ngân.
Gia lí đoàn viên ngật thu tiết,
Bất vong ngục lí ngật sầu nhân.

 
Ngục trung nhân dã thưởng trung thu,
Thu nguyệt thu phong đới điểm sầu.
Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,
Tâm tùy thu nguyệt cộng du du.


Trên là bản phiên âm từ nguyên tác chữ Hán. Bản dịch nghĩa của Thi viện như sau: “Trăng trung thu tròn như gương./ Chiếu rọi cõi đời, ánh trăng trắng như bạc./ Nhà ai sum họp ăn tết trung thu./ Chẳng quên người trong ngục nuốt sầu./ Người trong ngục cũng thưởng thức trung thu,/ Trăng thu, gió thu đều vương sầu./ Không được tự do ngắm trăng thu,/ Lòng theo cùng trăng thu vời vợi.”

Cũng như tết Nguyên đán, tết Trung thu là một cái tết sum họp đối với mọi gia đình Trung Quốc và Việt Nam. Đây cũng là dịp phá cỗ bánh trái của trẻ con. Người lớn thì có cơ hội gần gũi chuyện trò. Người nào đang ở xa, không có điều kiện về nhà sum họp tự nhiên thấy mình bất hạnh. Mới hiểu vì sao giọng điệu chủ đạo của bài thơ là giọng điệu buồn và nhân vật trữ tình lại tự gọi mình là ngật sầu nhân (kẻ ăn sầu). Người ta thì sum họp gia đình ăn tết trung thu vui vẻ còn mình lại ăn tủi nuốt sầu trong nhà ngục. Thật ra thì người trong nhà lao cũng ăn tết trung thu (Ngục trung nhân dã thưởng trung thu). Có điều trăng thu, gió thu nhà giam đều mang chút sầu (Thu nguyệt, thu phong đới điểm sầu). Chuyện ngắm trăng còn không được tự do, mong chi cảnh đoàn tụ, sum họp. Kết thúc bài thơ, do vậy, là hình ảnh người và trăng gợi nhiều suy cảm:

Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu
(Tâm tùy thu nguyệt cộng du du)

Thì ra trong Nhật ký trong tù không chỉ có thương người mà còn có thương mình, thương thân. Thương người và thương thân, trong tâm thức Việt, có khi gắn bó máu thịt: Thương người như thể thương thân. Như thế là hợp tình hợp lí, chung riêng hài hòa. Con người cách mạng chân chính nhân ái mà không khắc kỉ, thương người đi đôi với tự thương mình…

Đọc lại, ngẫm nghĩ thêm về những-bài-thơ-gia-đình của Bác để càng thấm thía hơn đức hy sinh của Người cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam!

P.Đ.D  
(TCSH359/01-2019)

------------
(*) Trần Đình Sử - Đọc văn, học văn - Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.339.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng