Tác giả-tác phẩm
Lan man cùng "Ngẫu hứng về chiều"
09:34 | 01/04/2019

NGÔ MINH

Có một ngày nhạt miệng, thèm đi. Đi mãi mới hay phố cũng thiếu người. Có một ngày nằm dài nghe hát. Rồi ngủ quên trong nỗi buồn nhớ mông lung.

Lan man cùng "Ngẫu hứng về chiều"

Và có một ngày ngẫu hứng đọc lại "Ngẫu hứng về chiều"(1) và thấy hợp với mình như một tri âm. Thằng bạn nhiếp ảnh chuyên làm thơ yêu của mình ở góc hồ phố Cộn nó cũng bảo thế. Ba năm nay sao không thấy ai bàn một lời nào tử tế về tập thơ? Các "nhà phê bình" bắt đầu sợ chuyện đưa thơ ra mổ xẻ rồi ư? Được thế thật là diễm phúc! Có ai đọc câu thơ xong lại hỏi: "Câu này ý nói gì" hay "Nói như thế có ý đồ gì" (!?) Có "nhà phê bình" cứ khăng khăng chiếc áo này chật quá và màu chói quá, mà không chịu biết nó chỉ may cho một người...

* * *

Ấy là sự bất thường của thơ và người thơ. Hoa nhụy có thì. Đôi lứa có thì. Còn thơ và người thơ? Từ đây, năm ba mươi tuổi mới "ngẫu hứng" thơ. Cái thích đầu tiên? Hãy tìm. Con người tha hương trở về nhặt lại điều gì đó của chính mình trong bóng lá rớt vô tình bên sông sương. Tìm lại gương mặt mình trong mắt đò đêm đăm đắm. Tìm lại tuổi mình trong đá Tịnh Tâm... Ba mươi năm Hồng Nhu hăm hở bươn bả đi theo một cái có để mà không,

Tôi không có gì để mà buồn
Khi chẳng biết niềm vui ra sao nữa
.

Rồi tới ngày bạc tóc trở về anh bỗng như không mà có, mà hiện hữu:

Bây giờ tôi hoàn toàn thanh thản
Té ra mình đích thực vẫn mình đây...


Thì ra cái mất cũng là cái "mình" mà lại cái tìm lại được cũng chỉ giản dị là “mình" thôi! Ba mươi năm cuộc hành trình thật đắt giá. Bao nhiêu người may mắn như anh tìm lại được chính mình?

* * *

Tại sao phải đợi tới năm 1986, về Huế, Hồng Nhu mới tìm ra cái “tôi thi sĩ"mình? Cái "sợi chỉ" của vòng cườm "Ngẫu hứng về chiều" là gì? Tình yêu? Hẳn là thế. Trước cố hương ai không thành con trẻ!

Tạ Đình ngày xưa nơi đâu
Để Cô đơn Bồng lai Đảo
Nói gì tít tắp doanh châu
Mỏi cánh chim trời đau đáu.


Tìm nữa xem? Thấp thoáng một bóng hồng, một "em" gì đó để mà "trút nỗi đau buồn"; Cách nói khác: Có một quyến rũ, đam mê, phấp phỏng... để có thể tạo nên những chấn động lạ, những bất thường không nếp hành chính nào bảo ban được. Sự bất thường sinh ra năng lượng thơ đủ cho dạt dào và mới mẻ. Chợt buồn thương cho những người làm thơ công chức, "nhà thơ nhà nước", luôn lo sợ cái bất thường phương hại đến phẩm hạnh, chức quyền. Xin nhẩm lại:

Áo em là lá bùa yêu
Cầm chân tôi lại mái chèo quay ngang.


* * *

Một quê nhà. Một người yêu. Nghĩa là thơ có địa chỉ để gửi, để tới, để hồi âm. Nhưng với Hồng Nhu hình như "Ngẫu hứng về chiều là tiếng nói mới chưa từng có trong sáng tác của anh trước đó. Đó là sự dũng cảm dấn thân trong cuộc hành trình đầy cam go đi tìm thân phận con người, được công cuộc đổi mới" phát động và sự cởi mở đáng quý của không khí văn nghệ ở quê nhà, cổ võ. Nhờ chữ "Thời" ấy mà hai chữ "Tự do" lại được viết hoa. Tất cả cái "Thiên thời địa lợi nhân hòa" ấy cộng với vốn sống dồn nén ba mươi năm đã tạo được một Hồng Nhu thơ chân thành, xót xa mà quyến rũ. Đã thấp thoáng một giọng điệu, một lối thơ tài hoa, tài tử?

Thật công bằng thì "Ngẫu hứng về chiều" chỉ mới là mùa thu quả đầu, là sự hướng tới một giọng điệu mà bạn đọc mong mỏi. Đáng tiếc là ba mươi năm nay, sau khi "Ngẫu hứng về chiều" ra đời, Hồng Nhu cũng có làm nhiều thơ - nhưng cái chất "ngẫu hứng" đã dăm ba phần mất mát. Không chỉ tôi mà nhiều bạn bè nhận xét như thế. Lý do? Lại vẫn những vấn đề muôn thuở của thơ.

Ôi, nếu như còn hình bóng để tương tư! Nếu như "thời" không lại "thế"! Ngẫm lại, cái "tình trường" ấy có thể gọi là bà đỡ của thơ: Có nó mới da diết hơn, đam mê hơn, tỏa sáng hơn. Điều đó đúng không chỉ với thơ tình mà cả thơ viết về các "chủ đề xã hội" nếu được sinh ra từ một trái tim đang yêu cũng chứa chan sự đồng cảm. Nếu không có cái thứ "trường sinh học" ấy, thơ chỉ còn là một cách nói, một cách luận bàn của lý trí thuần túy. Bởi thế mà ta càng quí biết bao cái bất thường, ngẫu hứng trong "Ngẫu hứng về chiều". Gọi là bất thường chứ thực ra nhà thơ sống đúng như mình, hành động đúng như mình, ngay cả cách hôn người yêu!

Nếu như được hôn em hai cái
Tôi không hôn như thói tục người thường
Một cái nhẹ vào dấu nằm em ngủ
Còn cái kia tôi đợi lúc em buồn
...

* * *

Trực cảm thơ có nhiều dạng bậc lắm: Linh cảm, chiêm cảm, hoài cảm... Linh cảm là thứ ma nhập. Đó là thơ của những thiên tài có thể thấy trước cuộc sống hàng thế kỷ. X. Exenhin viết trước về cái chết và đám ma của mình. Nhiều nhà thơ khác đã không thoát khỏi số kiếp được báo trước trong các bài thơ, câu thơ của mình, như là sự tiền định. Thấp hơn linh cảm một bậc là chiêm cảm - tức là sự chiêm nghiệm lẽ đời (thế thái nhân tình) qua những hình tượng thơ. Nhiều nhà thơ đã chiêm nghiệm rất tinh tế, sâu sắc và đã trở nên nổi tiếng. "Ngẫu hứng về chiều" của Hồng Nhu có nhiều yếu tố chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm thơ có thể ví như những tia lửa, vụn lửa bắn ra từ cái bàn mài đang quay khi thỏi sắt chạm vào. Đó là sự va chạm giữa thái độ sống, sự bức xúc mãnh liệt với vốn sống và cuộc sống thực tại. Từ đó bật ra sự tổng kết, sự lắng đọng, lật lại "Ngẫu hứng về chiều", ta hãy đọc:

Mực ơi mực làm bằng gì
mà nhỏ hoài như máu rịn
.

Hãy ngẫm: "Gió mồ côi là ngọn gió nguyên màu”,

hay "Đôi khi tôi gọi cái đến rồi là phấp phỏng” vv...

Tuổi thọ của thơ một phần tối quan trọng nhờ vào cái sâu xa, sắc sảo của chiêm nghiệm.

Có một lần tôi nằm nghêu ngao đôi đoạn "du ca" của Trịnh Công Sơn - "trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra" - Bỗng giật mình ớn lạnh bởi cái hoang vu giữa cõi đời, cõi người được chiêm nghiệm...

Lại muốn nói thêm về chiêm nghiệm. Hồng Nhu có in hai bài thơ có đầu đề "Chiêm nghiệm 3" và "Chiêm nghiệm 2" trong tập thơ của mình. Hẳn là có "Chiêm nghiệm 1" nữa. Cả hai bài chiêm nghiệm được in đều là những bài thơ xúc động. Mới hay chỉ có cái tôi mới có sự chiêm nghiệm nghiêm chỉnh. Cái tôi càng bản lĩnh, tài hoa, bản chất cuộc sống càng hiện lên sắc nét qua sự chiêm nghiệm, mặc dù hình ảnh thơ rất chấm phá:

Tôi lặng lẽ đem tháng ngày ra đốt
Nghe cô đơn cay đắng cả tim đèn
.

* * *

Thật ra, tấm lòng mới là cái còn lại. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" (Trịnh Công Sơn). Tấm lòng là thỏi nam châm cho cái riêng tư tâm trạng biến thành cái chung đồng cảm. Cũng có những người "thông minh như dao sắc" (chữ của Nguyễn Trọng Tạo) trong thơ, nhưng sự thông minh ấy không khỏa lấp được khoảng trống của sự ghẻ lạnh thờ ơ cuộc sống. Cũng có những người chuyên chú vào việc dùng chữ nghĩa thơ phú để cầu danh, để tiến thân, để vụ lợi. Những tấm lòng như thế làm sao biết chiêm nghiệm, biết sám hối, cũng không bao giờ biết tự giễu mình. "Ngẫu hứng về chiều" mang lại cho tôi một sự an tâm, tin tưởng và thông cảm. Khi Hồng Nhu tự cho mình là người "Không tên mà có tuổi", "dại khờ, thờ ơ,... ngốc nghếch", "Nhiều năm rồi tôi mải mê săn đuổi Chính thân tôi nhưng chẳng bắt được mồi" hay "Tôi đã yêu quá nhiều điều đáng ghét - Nên mặc nhiên nghi hoặc chính mình luôn" vv... thì ta tin rằng đó là sự sám hối của cõi lòng. Ngay cả cái việc khó nói với vợ, rằng mình đã hai thứ tóc trên đầu còn bị trúng mũi tên của thần ái tình - anh vẫn không giấu diếm bày tỏ:

Anh không là con sóc
Nàng không phải người săn
Nhưng anh vẫn trúng tim
Vì mũi tên nàng bật.


Đó là thái độ sống chân thành, đáng kính.

Có lẽ cũng do câu chuyện như thật về "người đi săn, và vợ chồng chú sóc" ấy mà cả tập thơ cứ toát lên một điều gì đó kín mà mở, như là sự day dứt của hoàn cảnh, một hạnh phúc đắng cay, một niềm vui ngậm ngùi rất thật, rất ảo:

Người không gặp ơi người không gặp
Tôi thắt lòng vì chẳng gặp người đây
Nhưng nếu gặp chắc gì tôi được gặp
Một cô đơn với một lẻ đơn này...
(2)

* * *

Có một ngày mình muốn sống. Có một ngày muốn đi nhặt nhạnh trong cõi trời đất một cái gì cho sự thiếu đói của mình. Xin đừng chê bai, căn vặn. Cái gì mình cần thì hãy nhặt lên. Và trước khi tiêu hóa nó hãy nói đôi điều cho tình nghĩa ở đời. Còn điều gì mình không nhặt được vẫn còn đó, giữa cõi đời. Cái không nhặt được ấy hẳn là không thiếu trên từng trang "Ngẫu hứng về chiều" - Nhưng nói mà làm gì, tất cả đều là "Ngẫu hứng" cả mà...

Huế, ngày thứ 20 năm Tân Mùi
N.M
(TCSH46/04-1991)

--------------
1. "Ngẫu hứng về chiều", Hồng Nhu. Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, 1988.
2. Tất cả các đoạn thơ in nghiêng đều rút từ tập "Ngẫu hứng về chiều".




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng