Tác giả-tác phẩm
Thơ Nguyễn Quang Hà hay là cuộc sống và tình yêu vi vu giữa vũ trụ sinh thành
08:53 | 04/07/2019

HỒ THẾ HÀ

Gần nửa thế kỷ liên tục sáng tạo, Nguyễn Quang Hà đã tự tạo cho mình chứng chỉ nghệ thuật vững chắc ở thể loại văn xuôi và đạt được những giải thưởng danh giá do các Tổ chức văn học uy tín trao tặng: 

Thơ Nguyễn Quang Hà hay là cuộc sống và tình yêu vi vu giữa vũ trụ sinh thành
Nhà văn Nguyễn Quang Hà

Giải A bút ký báo Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam (1984), Giải B bút ký báo Văn nghệ 1987, Giải nhì bút ký báo Văn nghệ (1986), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 và năm 2013. Dẫu tác phẩm xuất bản sớm nhất của anh lại thuộc về thơ: Tiếng gà trên điểm chốt (1976), sau đó, hơn 10 năm, anh mới ấn hành tiếp thi tập Miền gió hoang vu (2000).

Vậy là xuất phát từ thơ, anh đã nhanh chóng chuyển qua thế mạnh đa dạng của mình là văn xuôi (ký, truyện ngắn, tiểu thuyết) mà Lang thang với Huế (ký - 1987), Thời tôi mặc áo lính (tiểu thuyết, 1990), Tiếng thở dài của đất (tiểu thuyết, 2006), Vùng lõm (tiểu thuyết, 2014), Nhật ký Đông Sơn (tiểu thuyết, 2017)... là những tác phẩm tiêu biểu cho thế mạnh, làm nên phong cách văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Quang Hà.

Để giờ, mấy chục năm sau, khi tuổi trẻ đã đi qua một chặng thăng trầm khá dài, anh mới trở lại với thơ, như là cách cân bằng tâm thế và tình cảm của mình. Tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnh lại có thể xem là chứng chỉ tâm hồn lãng mạn và trữ tình đắm đuối của một hồn thơ tự vỡ, tự trẻ lại trước những khoảng lặng sâu thẳm của trái tim đa tình, dại ngộ, nhưng rất đỗi tin yêu và nồng thắm của người thơ trước tình yêu, trước những rung cảm lặng thầm. Tập thơ được cấu trúc song hành hai chủ đề: tình yêu mộng ảo nỗi niềm nhân thế.

1. Thông điệp về tình yêu mộng ảo

Tôi có thể mượn khổ thơ sau để dẫn vào chủ đề tình yêu trong tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnh của Nguyễn Quang Hà:

Nào hai đứa chúng mình cứ bát ngát trời mây
Em như bán cầu nam, anh như bán cầu bắc
Khi chồng khít lên nhau thành trái đất
Làm một hành tinh xanh
Vi vu giữa vũ trụ sinh thành.

                (Gửi em cô gái đỏng đảnh)

Đấy là khát vọng đời thường nhưng Nguyễn Quang Hà có cách nói đắm say, ảo diệu, phù hợp với tâm hồn mê đắm và cái tôi giàu khát khao giao hòa, giao cảm của anh nên gây ấn tượng trong người đọc: “Mây tan tan tác nắng hồng/ Núi tan chìm nghỉm dưới giòng sông sâu/ Gương tan tình vỡ còn đâu/ Chúng mình tan cả vào nhau thì còn” (Tan).

Toàn thi tập, Nguyễn Quang Hà muốn dành cho tình yêu những cung bậc cảm xúc có thật ấy, trước hết cho người vợ/ người yêu chăn gối mặn nồng của mình. Sau đó, có thể là những người tình có thật hoặc người tình hư ảo mà anh có dịp yêu mến, cảm thông hoặc có thể chỉ là người đẹp thoáng qua để anh nhập vai và thể hiện những trạng thái mê đắm ấy bằng hình tượng nghệ thuật thoắt ẩn, thoắt hiện: “Lánh xa những tưởng quên đi/ Dối lòng thôi/ có dễ gì mà quên/ Trở về/ Quanh quẩn/ Trốn em/ Đã rối bời/ Lại càng thêm/ Rối bời/ Bâng khuâng/ Tự nhủ/ Rằng/ Thôi/ Vừa nhủ xong/ Lại nhớ rồi/ Lạ không!” (Bối rối). Vậy mà cuối cùng lại là một díu dan không thể dối lòng:

Dắt nhau vào chốn bồng lai
Cõi nghìn tục lụy vất ngoài trần gian
Tình say say đến ngút ngàn
Vành trăng nghiêng ngửa cung đàn lả lơi
Thời gian chết quách cả rồi
Chỉ còn anh với mặt trời là em
Bồng bềnh trôi giữa cõi tiên
Bồng bềnh giọt nhớ giọt quên bồng bềnh.

                                (Bồng bềnh)

Có khi anh đồng nhất hóa các hình tượng trong nhân gian như những cổ mẫu thiêng (sacred archetypes) để qua đó nói lên thức nhận của mình về một trạng thái xúc cảm chếnh choáng có thật trước tâm cảnh và ngoại cảnh qua hình tượng Hòn Trống Mái ở Sầm Sơn: “Đến như đá cũng đa tình/ Nữa là hai đứa chúng mình với nhau/ Xòe đuôi đá trống nghiêng đầu/ Rỉ tai nói được một câu với nàng/ Bâng khuâng đá mái mơ màng/ Lần đầu tiên biết xốn xang là gì”. Nhìn hòn Trống Mái mà xác tín cho tâm trạng của mình, quả thật Nguyễn Quang Hà đa tình và đẩy lên thành sự tự thú:

Nghìn năm đá mãi xuân thì
Bởi cho nhau một chữ “vì” mà thôi

 
Đất sinh đá cũng thành đôi
Hèn chi chếch choáng cả trời Sầm Sơn

                                (Hòn Trống Mái)

Có lúc, anh vẫn lo sợ những hệ lụy vô cớ trước những ngã ba tình ái đỏng đảnh của “em”: “Ngã ba này em đi em về/ Khi sang phải khi thì rẽ trái/ Anh bất chợt rùng mình lo ngại/ Chỉ sợ lòng em lây ngã ba” (Ngã ba). Vì vậy mà trong tình yêu, Nguyễn Quang Hà luôn só ý thức sở hữu mong tìm được điểm tựa để nương náu, tin yêu:

Thôi xin chào nhé Lũy Thầy
Chỉ mang đi nét lông mày của em.

                                (Quảng Bình)

Nếu Xuân Diệu được xem là hoàng tử của thơ tình, thì Nguyễn Quang Hà cũng có thể xem là ấm tử của thơ tình. Nhưng khác nhau ở chỗ Xuân Diệu tự tưởng tượng ra bóng giai nhân để mộng mơ đắm đuối và thành thi ngôn, thi ảnh, còn Nguyễn Quang Hà diễm phúc hơn. Người anh yêu quý, cảm thông đều là những thiếu nữ mắt huyền có thật, đang cùng anh ngất ngây, lúng liếng khi thì trong tiếng đàn, khi thì câu ca, khi thì nâng ly rượu cung tần, mỹ nữ, rồi ngây ngất ngút trời mây. Này nhé, đây là lúc anh đang cụng ly với cô gái bản Mèo chót vót núi rừng Tây Bắc:

Một canh uống rượu San Lùng
Mường Phai chếch choáng ngang chừng mây xanh

 
Thào La mắt biếc long lanh
Nghiêng bầu em rót làm anh thẫn thờ

 
Dưới chân trôi áng mây mờ
                                (Uống rượu trên bản Mèo)

Bởi vì ở đâu anh cũng thấy con gái, đàn bà luôn hút hồn những chàng trai đa cảm: “Trời sinh ra cái đong đưa/ Đong đưa nụ cười, đong đưa con mắt/ Từ khi có loài người trên trái đất/ Có đàn bà thì có đong đưa” (Đong đưa). Còn đây là Đà Lạt mù sương, bên thung lũng tình yêu hay đồi Cù tình ái với môi hồng má đỏ đang rót vào nhau đầy hương và gió, anh vẫn thấy “Bởi trên đời còn đó cái đong đưa”, để rồi một lãng mạn khác lại dâng trào:

Anh đi giữa đại ngàn phong lan ngào ngạt
Chẳng có bông nào thơm bằng má em
Anh dang tay giữa đồi Cù gọi nắng
Chẳng có nắng nào ấm bằng má em

 
Trong bát ngát sương mù anh bỗng nhận ra Đà Lạt
Mặt trời mọc lên từ má em hồng.

                (Má hồng Đà Lạt)

Nghĩa là ở không gian và thời gian nào, Nguyễn Quang Hà cũng có diễm phúc để được chứng ngộ tấm lòng thành của mình trong tình yêu. Ngay cả trong ảo giác và ảo ảnh, anh vẫn thỏa mãn được những mê đắm thực sự của mình: “Anh gấp ánh trăng/ làm lụa mỏng/ đem về/ may áo cho em/ Gió thổi/ Giật tung/ Gió thổi/ Em ngây thơ/ dại dột/ ngủ bên thềm... (Ngây thơ).

Có khi anh đồng nhất hóa với một mối tình đầu tiên của thuở hồng hoang nào đó, rồi bâng khuâng thờ thẫn như là nợ duyên nghìn kiếp trước hiện về cùng anh trong màu hoa bìm thủy chung, ân nghĩa. Quả là đa tình và mộng mị, bởi vì dù chân trời, nguồn sông, góc bể: “Ở đâu nghe lòng cũng gọi/ “Người ơi! Có nhớ ta không?” như có lần anh thổ lộ: “Song nếu cho sống lại thời Adam và Eva/ Chắc chắn sẽ lại thêm một lần ăn trái cấm”. Khổ thơ sau như là đồng hiện của ước mơ:

Lang thang với biển với trời
Gặp hoa bìm nở bỗng tôi giật mình
Tôi như thấy giữa vô hình
Đâu đây thấp thoáng mối tình đầu tiên
Hẳn là nặng lắm tơ duyên
Nên màu tím vẫn còn nguyên đến giờ
Cái nơi nàng đứng đợi chờ
Cát nghìn năm hóa vàng mơ ân tình
Bâng khuâng tôi đứng một mình
Thuyền ai kia đến Sa Huỳnh thả neo.

                (Hoa bìm ở Sa Huỳnh)

Hay như, trước biển, anh như thấy một giăng mắc đến là đau trước sự gầm gừ của sóng:

Ta yêu biển nên tìm về với biển
Tình yêu ta vốn rất vô tư
Máu hai đứa chúng ta đều mặn
Cớ làm sao người cứ gầm gừ.

                                (Về biển)

Và rồi, trước hiện thực đời thường, anh cũng kịp nhận ra sự đa đoan, đa sự và ngu ngơ của mình:

Ra ngoài đường gặp cô nào cũng dễ thương
Về ở nhà cô nào cũng dễ sợ
Hiểu con gái quả là rất khó
Gần đàn bà lũ đàn ông thành ra ngu ngơ

                (Không đề 3)

Nguyễn Quang Hà không chỉ ngu ngơ mà chính là biến ngu ngơ thành kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu nên thơ trên cát:

Ơi con còng con còng gió biển xanh
Đang vô cớ bỗng trở thành kỷ niệm
Tim cảm nhận nỗi niềm xao xuyến
Nhìn vào đâu chẳng thấy lung linh

 
Anh yêu cuộc đời và yêu biển mênh mông
Anh yêu em đắp thành trên cát
Yêu ngọn sóng ta chơi trò đuổi bắt
Bắt chước con còng em cũng chạy chữ chi

                                (Con còng gió)

Nhưng Nguyễn Quang Hà là người khát yêu và độ lượng, anh không dễ dãi với chính mình. Trong tâm cảm, Nguyễn Quang Hà luôn thấy mình có lỗi, luôn thấy mình mắc nợ với giai nhân, dù không phải chính anh lỗi hẹn: “Đúng hẹn rồi sao chẳng thấy em/ Trống trải lắm những hẹn hò dang dở/ Quy Nhơn ba bề sóng vỗ/ Anh biết tìm em ở đâu” (Xin lỗi Quy Nhơn). Để cuối cùng anh nhận về mình những lỗi lầm và nông nổi, đành mắc nợ với Quy Nhơn:

Anh cảm nhận điều này rất rõ
Đời vắng em rồi vô nghĩa biết bao nhiêu
Ở Quy Nhơn không biết sớm biết chiều
Không biết biển có xanh, không biết trời có nắng
Tàu rú còi rời ga Bình Định
Chợt thấy mình có lỗi với Quy Nhơn

                                (Xin lỗi Quy Nhơn)

Và cuối cùng, anh chấp nhận sự hàm ơn để thủy chung trên dặm dài sự sống. Tình yêu và nỗi nhớ là chứng chỉ thời gian để tin yêu và hy vọng trước đường đời sóng gió:

Em ơi, mối tình dang dở
Cho anh biết thế nào là yêu em
Em ơi đường đời sóng gió

                                (Âm thầm)

Gió đập cửa ngỡ ai về bất chợt
Hồi hộp tan trống trải dâng đầy
Ngồi gỡ tóc thèm bàn tay ấm nóng
Chợt bàng hoàng nghe trời nổi heo may

                                (Đáy lòng)

2. Thông điệp về nỗi niềm nhân thế

Tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnh không chỉ có tình yêu và sự lãng mạn trữ tình của một hồn thơ đa cảm như tôi đã xác tín ban đầu, mà còn là sự trăn trở, suy tư của một nỗi niềm ưu tư trước nhân tình, thế thái. Mà đây lại là cái hồn cốt nhân sinh - thế sự bề sâu mà nhà thơ muốn thông điệp đến mọi người sau cái chủ đề tình yêu mộng ảo bề mặt kia.

Tâm sự về nghề văn, Nguyễn Quang Hà viết: “Tôi có 10 năm cầm súng, thời nghiệt ngã nhất. Hai tầng lớp trong xã hội ám ảnh tôi, đó là người lính và người dân. Người lính lầm lụi mà can trường “Vì nhân dân mà chiến đấu”. Họ đã sống thật xứng đáng.

Người dân, đúng như cụ Hồ nói: “Không có dân liệu chúng ta làm được gì”. Vậy mà họ khổ nhất... Tôi muốn viết về họ. Hết lòng để viết về họ. Góp một phần nhỏ để mọi người hiểu về họ. Vì vậy, tôi tâm đắc triết lý này: “Để quyền hành rơi vào tay những thằng cơ hội, chúng không ngần ngại gì giết chết cả trời xanh” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Hà Nội, 2010, tr.688).

Đây là xác tín của một nhà văn mang nặng trong trách công dân, trọng trách nghệ thuật. Người dân và người lính bao giờ cũng là lực lượng chủ yếu của cách mạng, là người làm ra lịch sử.

Ở đâu, anh cũng thấy mối quan hệ máu thịt giữ nhân dân và quê hương, đất nước:

Ở Tây Bắc nghĩa là ở chung với núi
Mây vẫn giang hồ từ thuở hồng hoang
Hoa Ban trắng như da con gái Thái
Nhìn suốt đời anh vẫn cứ hoang mang

                                (Nhớ Tây Bắc)

Vẻ đẹp của con người bao giờ cũng liên quan, đại diện cho hồn sông núi của vùng đất đó nên xa nhau nỗi nhớ bỗng tràn đầy. Đến bến phà Sông Gianh, anh nhớ đến một thời trận mạc: “Ngồi trên phà sông Gianh/ Nhìn nước sâu tận đáy/ Nước như nhắc tôi nhớ máu ngày xưa/ Tai bỗng nghe ầm ầm trống trận/ Tiếng gươm/ Tiếng máu/ Đỏ trời/ Gươm dáo Việt đâm vào da thịt Việt”. Và nhà thơ đã xác thực nỗi đau một thời phân ly, chia cắt:

Có gì nhục nhã bằng
Anh em đạp lên xác nhau để sống

 
Có gì bi thương bằng
Làng nước nhìn nhau hận thù

 
Sông Gianh trắng xóa sương mù
Nghe trong sương có tiếng tù và kêu.

                                (Qua Sông Gianh)

Đến Cà Mau, anh nghĩ về những gì cao hơn, rộng dài hơn vùng tận cùng/ địa đầu của Tổ quốc:

Nhớ hôm nào đứng bên cột mốc Mục Nam Quan
Anh bỗng nôn nao hiểu thế nào là Đất Nước
Giờ đứng nơi tận cùng Tổ quốc
Nghe rung rinh hòn đất dưới chân mình

                                                (Đất Mũi)

Trong biển lớn nhân dân ấy, mẹ là hình tượng có sức lay động và hội tụ nhất cho tâm hồn việt Nam, sức mạnh Việt Nam: “Giặc giã, nắng mưa, bão giông, trùm lên đầu mẹ/ Sao lời mẹ ru con vẫn rất đỗi dịu hiền!/ Mẹ ăn sắn, ăn khoai, củ hà củ sượng/ Sao sữa mẹ chảy ra thơm thảo, ngọt ngào!”. Vì vậy mà :

Nếu chỉ cần thiếu đi tình mẹ
Trái đất này không hiểu sẽ ra sao?

                                                (Mẹ)

Nhân dân bao giờ cũng được Nguyễn Quang Hà đặt trong quan hệ bền vững với từng vùng đất, từng không gian địa lý cụ thể:

Thành quách rêu phong màu tím dâng đầy
Tím những con đường, tím những hàng cây
Cầu Trường Tiền như xây bằng mực tím

                                                (Chiều Cố đô)

Nhân dân là chủ của đất nước, họ có sức mạnh vô địch để bảo vệ vẹn tròn dáng hình Tổ quốc:

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
Lời thề thành lẽ sống
Người kia ngã xuống
Người này đứng lên
Lớp lớp
Dạ, thưa Bác
Chỉ cần nhìn mái tóc bạc phơ của Bác thôi sẽ hiểu
Vì sao thế hệ chúng con
Thành thế hệ anh hùng.

                (Dạ, thưa Bác)

Thế hệ anh hùng ấy, “không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm nên Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm):

Tôi gặp giữa thị xã Điện Biên
Phố dọc, phố ngang, tường vôi ngói đỏ
Một vị tướng tóc hoa râm
Dắt tay người mẹ tóc trắng phau
Thắp từng nén hương trong nghĩa trang bên đồi A1
Bóng lưng còng đổ trên những ngôi mộ không tên
Tóc trắng bay như khói hương trong gió

 
Ôi! Đất nước này
Đất nước của những đứa con không bao giờ quên cha
Đất nước của lòng chung thủy
Đất nước của những người lính sẵn sàng hóa thân vào đất đai
Không để lại cho vợ con một mảnh xương có tên có tuổi
Nhưng dâng hiến cho đất đai này hai chữ Điện Biên

 
Nếu có phép luân hồi
Xin kiếp sau được đầu thai làm nhà điêu khắc
Tôi sẽ lấy đá núi Lai Châu
Đặt giữa quảng trường Mường Thanh
Tạc bức tượng người vợ dắt con tìm chồng
Quỳ ôm nấm mộ vô danh khóc
Tôi sẽ đặt tên cho bức tượng của mình
Là: Tổ Quốc.

                (Một kỷ niệm ở Điện Biên)

Phần tự sự quan trọng của tập thơ thể hiện qua khúc tráng ca: Chúng tôi những người lính mà Nguyễn Quang Hà và đồng đội là nhân vật chính. Tác giả tái hiện chân dung mình mà cũng là chân dung đồng đội ở khúc 1: Lời người lính:

Mười tám tuổi tôi đi vào lửa
Ngã xuống ngang đường, chuyện nhỏ thường thôi
Tôi chết hay anh chết có nghĩa gì đâu
Điều đáng nói là quê hương còn hay mất
Mọi xứ sở sẽ chìm trong nước mắt
Nếu thiếu những người dám nhận hy sinh.


Sống và chết cho Tổ quốc là mệnh lệnh của trái tim người lính:

Giữa quên lãng dưới cỏ xanh hoang dại
Tôi nằm đây chỉ là một giấc ngủ dài
Kè thù lấn biên cương súng ơi hãy nổ
Tiếng súng gầm là tín hiệu gọi tôi


Khúc 2 của tráng ca là Lá rụng. Tác giả triết lý về quy luật tồn tại của con người và vạn vật. Tất cả đều vẹn nguyên trong quan niệm mỹ học về cái bi của người lính, giờ đây được hồi sinh từ hành trình đi tìm hài cốt của đồng đội: “Có một mùa đông năm ấy/ Chúng tôi trở lại bưng biền/ Men triền dốc đá nghiêng nghiêng/ Đi tìm nấm mồ người bạn”. Đó cũng là hành trình bao gian lao và thử thách, phải vượt lên bao lớp cỏ lau và bom đạn mới tìm thấy chứng tích người thân:

Đây rồi mộ anh nắm đất
Riêng anh nằm lại giữa rừng
Chúng tôi bốn đứa rưng rưng
Lặng nhìn mộ anh không nói


Những xác xác lá thời gian phủ trùm lên ngôi mộ được tác giả xem như tấm lòng nhân hậu của thiên nhiên thành chiếc chăn vàng phủ ấm hình hài đồng đội:

Lá vàng rơi, lá vàng rơi
Cơ hồ lá rơi không mỏi
Mộ anh lá đầy thêm mãi
Đắp lên thành chiếc chăn vàng

 
Từ đây bỗng dưng tôi hiểu
Vì sao lá rụng mùa đông.


Khúc 3 của tráng ca là Chuyện ở Đồng Dùm. Nhà thơ đồng hiện những thử thách của người lính qua các cuộc càn quét ác liệt ở trận Gian-xơn Xi-ti Đồng Dùm, cuối cùng, anh và đồng đội đã chiến thắng nhưng phải đổi lấy sự hy sinh của bao sinh mạng: “Giải phóng để lại đây/ Năm nấm mồ liệt sĩ/ Bốn mùa trên mộ chí/ Hương thắp chồng lên nhau”. Giờ đây, các anh được yên nghỉ giữa lòng dân, giữa tình thương thơm thảo của mọi người: “Anh người đâu quê đâu/ Có cần chi tính toán/ Đã vì dân chết trận/ Bỗng nhiên thành bà con”. Nhân dân tự nguyện bốc mộ và hương khói cho các anh:

Hôm sau làng nổi chiêng
Cờ sao bay phần phật
Trẻ già ra xúc đất
Đắp lại năm nấm mồ


Và rồi các anh đã yên nghỉ ở nghĩa trang lòng dân. Mỗi ngôi mộ như những nốt dương cầm trắng: gió chạm vào là ngân, giọt nước mắt chạm là ngân, im lặng chạm là ngân!

Cứ mỗi năm giáp Tết
Đã thành lệ Đồng Dùm
Làng dong cờ nổi chiêng
Chạp mồ năm liệt sĩ


Lẽ sống và tình thương bao la, nhân hậu như thế hỏi nơi nào có được như trên đất nước luôn binh đao, trận mạc này:

Trên khắp thế gian này
Đã ở đâu như thế?


Khúc 4: Hát cùng đồng đội như khúc khải hoàn với tinh thần lạc quân cách mạng để tạ ơn đồng đội. Có thể xem đây như là văn tế mà Nguyễn Quang Hà đã chiêu hồn đồng đội trong tâm tưởng với nghi ngút khói hương và lòng tự hào vô tận về những người “Thề: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!. Vì vậy mà:

Chúng tôi yêu đất này
Đất nước của những con người không hề khuất phục
Người chết hóa thân thành chim cuốc
Kêu nhắc đời nhớ nước nhớ non
Người sa cơ tay trói chân xiềng
Vẫn một mực: “Thà làm quỷ nước Nam
Còn hơn làm vương đất Bắc”
Đồng đội tôi bốn mươi năm giữ nước
Kẻ đốt thân thiêu đồn giặc
Người lấy tim ngăn đạn thù
Chông tre đọ cùng đại bác
Tầm vông chọi với xe tăng


Chiến công của họ được Nguyễn Quang Hà đồng hiện qua hành trình quay ngược tháng năm để vực dậy quá khứ gần và quá khứ xa đầy bi hùng và bi tráng:

Chúng tôi hành quân qua núi qua sông
Tiếng mài gươm vang bên lèn đá dựng
Tiếng múa đao ào trên đầu ngọn sóng
Âm vang như hẹn như chờ
Hịch Bạch Đằng, Chi Lăng, Vạn Kiếp
Hồn Điện Biên, Cồn Cỏ, Ba Tơ,....
Nhập vào chúng tôi đầy khí phách
Căm lũ giặc dùng quân đông, đạn nhiều làm tối
hậu thư trước ngã ba đường chết
Ta chọn lẽ sống cho mình: “Không có gì quý hơn
Độc Lập, Tự Do!”
Chưa bao giờ chúng tôi nhận ra mình hơn thế
Chân đất đầu trần làm giông, làm tố
Núi sông xưa lại phơi xác quân thù
Nhìn cờ bay rực rỡ thành phố mang tên Bác Hồ
Bỗng òa khóc giữa ngày vui chiến thắng


Và cuối cùng, một chân lý hiển nhiên được nâng lên thành triết lý sống của những con người biết sống: “Ôi được sống cho đất nước này thật là đáng sống/ Được chết cho đất nước này cũng đáng chết biết bao nhiêu”.

Khúc 5: Khắc trên báng súng như phần vỹ thanh của tráng ca cũng được Nguyễn Quang Hà đúc kết thành phương châm và chân lý giản đơn mà minh triết:

Nước còn giặc ta còn đi đánh giặc
Thắp sáng quê hương là lửa anh hùng

 
Đã sáng uy nghi
Trong mỗi giọt máu hồng .
Dòng Hương xanh rực lên sắc tím


*

Khởi đầu cầm bút là thơ, đoạn kết từ văn xuôi về lại với thơ, Nguyễn Quang Hà càng giàu có tin yêu trong tâm hồn trữ tình, khát khao giao hòa giao cảm. Thơ, giờ đây, với anh, như là phương tiện để giãi bày cái tôi nội cảm của mình một cách chân thành, nồng nhiệt nhất. Hướng về người yêu, người thân và thế sự cũng là cách kiểm tra lại hành trình yêu và sống của mình trước khi hướng về nhân dân, đất nước trong ý nghĩa tồn sinh và ân nghĩa; từ đó, nhà thơ suy tư về những kinh nghiệm quan hệ sống để biết mình tồn tại có ích, để biết thơ luôn đi bên cạnh cuộc đời và tác giả đã vực sự sống ba chiều lên không gian mặt phẳng của trang giấy bằng niềm tin có thật ở cõi người nhân hậu để tình yêu và sự sống luôn “vi vu giữa vũ trụ sinh thành”.

Vỹ Dạ - Huế, 6/2018
H.T.H  
(SHSDB33/06-2019)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sự đọc lại (25/06/2019)
Xoài xanh (17/05/2019)