Tác giả-tác phẩm
Nữ sử Đạm Phương trong phong trào Nữ lưu và văn học nửa đầu thế kỷ XX
09:48 | 03/01/2020

LƯU KHÁNH THƠ   

Giai đoạn giao thời ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi vị trí xã hội của người phụ nữ. Từ “chốn phòng the”, một số người phụ nữ có tri thức và tư tưởng tiến bộ đã mạnh dạn vươn ra ngoài xã hội, bộc lộ suy nghĩ, chủ kiến riêng và thể hiện con người cá nhân của mình.

Nữ sử Đạm Phương trong phong trào Nữ lưu và văn học nửa đầu thế kỷ XX
Ảnh: internet

Bằng những sáng tác thơ văn cùng với các hoạt động xã hội khác như: đăng đàn diễn thuyết, hoạt động báo chí, viết xã luận, thành lập các tổ chức hiệp hội của nữ giới, nghiên cứu, biên dịch… những người phụ nữ đi tiên phong đó đã tạo ra một cuộc cách mạng về ý thức nữ quyền trong đời sống văn chương, xã hội nửa đầu thế kỷ XX. Tâm huyết và nhiệt tình của họ đã làm nên một phong trào Nữ lưu và văn học sôi nổi, có ý nghĩa xã hội về nhiều mặt. Sự xuất hiện của các cây bút nữ giới đã khiến cho diện mạo văn học trở nên đầy đủ, trọn vẹn hơn. Từ diễn đàn báo chí (đặc biệt trên các báo Nữ giới chung, Đàn bà, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm…), sau đó là xuất bản, sáng tác của các tác giả nữ đã tạo thành một mảng riêng, hài hòa trong bức tranh chung của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ. Tuy số lượng chưa phải là nhiều, nhưng các nữ sĩ đã bộc lộ một bản sắc riêng, tạo được sự chú ý trong dư luận xã hội và công chúng.

Vượt lên, tự khẳng định và gây được ấn tượng đối với người đọc, đó không phải là điều dễ dàng với người cầm bút. Nó lại càng trở nên khó khăn với các tác giả nữ, sống trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó với bao nhiêu ràng buộc, hạn chế của tư tưởng phong kiến phương Đông vốn trọng nam khinh nữ. Có thể thấy rằng việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đầy đủ về những tác giả của giai đoạn văn học này vẫn còn là một món nợ đối với các bậc tiền bối và cả các thế hệ sau. Trong đó tác giả Đạm Phương nữ sử cũng là một trường hợp điển hình, bởi đóng góp về nhiều mặt của bà trong đời sống văn hóa, xã hội nửa đầu thế kỷ XX.

Đạm Phương nữ sử hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Bà là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội hiếm có của dân tộc từ những năm đầu thế kỷ XX. Bài viết của chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu một khía cạnh trong sự nghiệp phong phú của bà. Đó là những đóng góp ở lĩnh vực thơ ca.

Bà Đạm Phương, tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh sinh ra và lớn lên trong gia đình Hoàng tộc ở thành phố Huế. Bà là cháu nội của vua Minh Mạng. Một ông vua thuộc triều đình nhà Nguyễn mà ở thời nào, cây phả hệ của dòng tộc ông cũng sinh ra những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng trên văn đàn nước Việt. Ngay từ hồi nhỏ, ngoài sự giáo dục chu đáo bằng việc được học cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, bà Đạm Phương đã được hít thở bầu không khí văn chương nghệ thuật thấm đẫm trong truyền thống của dòng tộc mình. Bà được người cùng thời đánh giá là có tài thơ văn, thường xuyên xướng họa với các nhà thơ và các nhà sư ở kinh đô Huế. Thơ Đạm Phương ra đời trong buổi giao thời của thơ Việt từ thơ Hán sang thơ Nôm, rồi từ thơ Nôm sang Quốc ngữ, do đó in đậm dấu vết của sự giao thời này, từ đề tài, thể thơ, thi liệu cho đến các hình thức phô diễn.

Số lượng các bài thơ của Đạm Phương để lại không nhiều lắm, nếu so với các trước tác trong sự nghiệp giáo dục và báo chí của bà. Cho đến nay tổng cộng có khoảng gần bốn chục bài được in trong Tuyển tập Đạm Phương nữ sử do Lê Thanh Hiền sưu tầm, biên soạn, giới thiệu; Nguyễn Khoa Điềm bổ sung, sửa chữa, Nhà xuất bản Văn học, năm 2010. Ngoài ra còn khoảng chục bài in trên báo Lục tỉnh Tân văn từ các năm 1922 đến 1924, mới được gia đình sưu tầm, bổ sung.

Thơ Đạm Phương cũng như thơ của một số cây bút nữ thời kỳ này như Sương Nguyệt Anh, Cao Thị Ngọc Anh, Sầm Phố… đi theo phong cách cổ điển, đặc biệt là rất đậm đà với nghĩa nước tình nhà, chung một nguyện vọng, một chí hướng với các nhà thơ chí sĩ yêu nước của thời kỳ Cần Vương, Duy Tân. Vượt ra khỏi những nỗi niềm riêng nhỏ bé, những tâm sự quẩn quanh trong chốn khuê phòng, thơ của các nữ sĩ thường kín đáo thể hiện tư tưởng yêu nước và ý thức về nữ quyền. Có thể nói lần đầu tiên tiếng thơ của nữ giới đã công khai bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của mình trước vận mệnh non sông, đất nước. Đồng thời họ cũng thấy được vai trò và bổn phận của mình trong cảnh dầu sôi lửa bỏng khi Tổ quốc đang lâm nguy. Đạm Phương cũng có những cách bày tỏ lòng mình thật phong phú. Khi thì gửi gắm qua những vần thơ ca ngợi tấm gương anh hùng tiết liệt của các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nàng Mỵ Châu, bà Mỵ Ê. Khi thì cảm khái với một người đồng hội đồng thuyền lúc cách xa nhau:

Dựng cờ nương tử rạng nghìn thu
Nợ nước thù nhà đáp báo phu
Bao quản sóng dầm da phấn nhạt
Miễn cho bia tạc tiếng thơm lâu
Xông pha trăm trận thành vương nghiệp
Đánh đổ ba quân cản sứ Tàu
Chị tiết em trinh đều vẹn cả
Làm cho rõ mặt gái năm châu.

                        (Hai Bà Trưng)

Ý thức nữ quyền không chỉ được thể hiện ở những vấn đề xã hội rộng lớn mà còn được phô bày trong việc thể hiện con người cá nhân với muôn mặt đời thường. Thật thú vị khi chính người phụ nữ cất lên tiếng nói ca ngợi vẻ đẹp của giới mình. Chùm thơ gồm bốn bài: Người đẹp chơi đàn, Người đẹp câu cá, Người đẹp tiễn bạn, Người đẹp điểm trang của nữ sĩ Đạm Phương miêu tả các trạng thái và hành động của người con gái đã mang đến cho người đọc một cách nhìn mới lạ về phái đẹp. Đằng sau những lời thơ cổ, trang trọng là vẻ khoan hòa êm ái của bậc nữ nhi gia giáo.

So với những bạn thơ cùng thời, Đạm Phương nữ sĩ có một khối lượng khá lớn những bài thơ dành cho tình bằng hữu. Những bài thơ tặng bạn được làm bằng nhiều thể thơ: tứ tuyệt (Nhân xem các chị em làm việc tại Hội Nữ công, tức cảnh vịnh bốn bài thơ tả cảnh thêu tranh, dạy các trò gái học Quốc văn, chăn tằm, dệt vải khung máy) thất ngôn (Nhớ bạn, Tiễn bạn), lục bát (Viếng người đạo hữu), thể từ khúc (Ngày xuân nhớ bạn). Các bài thơ này vừa thể hiện tình cảm ân cần, gắn bó vừa chuyên chở quan niệm “thi dĩ ngôn chí” của các bậc túc nho.

Vốn là một người phụ nữ năng nổ, hoạt động trên nhiều lĩnh vực xã hội, nên các mối quan hệ bằng hữu của bà Đạm Phương khá rộng. Ngoài tình cảm riêng, bà đặc biệt quan tâm đến các hoạt động công ích vì cộng đồng của giới nữ. Với sự theo dõi sát sao, bà đã kịp thời biểu dương những việc làm hữu ích của chị em và mong muốn những điều tốt đẹp đó được nhân rộng ra toàn xã hội. Tấm gương của bà Trần Thị Thọ ở Nam Kỳ có lòng tốt hai lần quyên góp tiền bạc giúp dân làng Phương Trung làm nhà Bảo Anh nuôi dạy trẻ mồ côi cùng hội Khai trí Tiến đức khiến Đạm Phương rất xúc động. Bà đã viết hai bài thơ nhân sự việc này, một bài trường thiên và một bài đường luật với đầu đề Lời tạ ơn bà Trần Thị Thọ ở Nam Kỳ. Bài đường luật như sau:

Nghìn năm nước cũ dấu chung linh,
Nòi giống thông minh vốn sẵn dành,
Nam, Bắc đều nhuần nền đức hóa,
Nghĩa, nhơn từng “mắng tiếng” khuê anh.
Phương Trung, Khai Trí đôi nghìn bạc,
Tây cống, đông kinh mấy vạn danh.
Nữ giới ai là người hữu chí,
Gương bà Trần Thị đã treo tranh.


Đạm Phương làm thơ không chỉ để bày tỏ tình cảm của mình mà còn tuyên truyền cho các hoạt động của Nữ công học hội Huế mà bà là người sáng lập năm 1926 và trực tiếp làm Hội trưởng. Tôn chỉ, mục đích và chương trình hoạt động của Hội như việc tổ chức học văn hóa, nâng cao hiểu biết về nhiều mặt, học nữ công gia chánh, học một số nghề phụ để kiếm sống, tạo điều kiện cho chị em rèn luyện, làm quen với các hoạt động tập thể để tiến tới tham gia công việc xã hội v.v cũng đã được thể hiện phần nào trong thơ của Đạm Phương. Có thể nói đây cũng là cơ sở đầu tiên tiến tới nữ quyền, bình đẳng với nam giới. Nếu như ở loạt bài nghị luận và các công trình giáo dục đề cập đến nhiều vấn đề trong đời sống phụ nữ Việt Nam, đã thể hiện tư duy phong phú và sắc sảo của Đạm Phương thì ở phần thơ ca lại cho thấy tâm hồn mẫn cảm với rất nhiều sự đồng cảm sẻ chia và những xúc cảm chân thành của một người phụ nữ có tầm nhìn xa rộng. Bằng hoạt động xã hội và văn chương, nữ sĩ Đạm Phương đã có ảnh hưởng lớn trong quần chúng, đặc biệt là giới nữ lưu đương thời.

Tiếp nối truyền thống vịnh thơ, xướng họa, “tức cảnh sinh tình” của người xưa, thơ Đạm Phương có khá nhiều bài miêu tả phong cảnh thiên nhiên, cùng với những danh lam thắnh cảnh của kinh đô Huế và đất nước. Hàng chục bài thơ như: Nhớ cảnh núi, Cảnh mùa thu, Trời thu cảm hoài, Vịnh cờ hoa lau, Trùng du Trúc Lâm tự, Qua đèo Ngang tức cảnh, Thược dược mới nở, Lên chùa tức cảnh, Trả lời cho người hỏi thăm Xuân Thành phong cảnh, Đề núi Bàn A ở Thanh Hóa, Thu gian cảm hoài, đã thể hiện sự tinh tế, nhẹ nhàng cũng như nỗi niềm của một bậc nữ lưu ưu thời mẫn thế. Thiên nhiên phong cảnh thường là cái cớ để nữ sĩ bộc bạch tâm trạng. Khi là nỗi nhớ về một khung cảnh mây núi trập trùng trong quá vãng xa xôi:

Phất phất mành tương gió quạt lầu
Thềm hoa xem đã bóng trăng thâu
Bâng khuâng chạnh nhớ miền lâm hác
Vắng mặt Lư Sơn những mấy lâu

                        (Nhớ cảnh núi)

Lúc êm đềm tĩnh lặng cùng núi non, hoa cỏ nơi cửa thiền nhưng trong lòng vẫn miên man hoài niệm:

Đẹp thay phong cảnh chốn lâm tuyền
Biết có duyên chi gặp mấy phen
Với núi non này như đã hẹn
Cùng hoa cỏ ấy vốn từng quen
Sóng tùng giấp giố mây ngàn liệng
Gió trúc vo ve nước suối chen
Khiến cảnh ưa tình ngâm mấy vận
Trông tre chạnh nhớ dấu tiên hiền

                        (Trùng du Trúc Lâm tự)

Sự nghiệp thơ ca của Đạm Phương nữ sĩ chỉ kéo dài trong vòng 15 năm, từ 1918 đến 1933. Bài thơ viếng chồng Khóc Thanh Nguyên Quân chất nặng nỗi đau chia biệt đã khép lại tiếng thơ của một bậc nữ lưu trên thi đàn nước Việt. Kể từ sau đó không còn thấy tên Đạm Phương xuất hiện dưới các bài thơ. Có thể lúc này những biến cố trong xã hội và gia đình đã tác động và làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm thế của Đạm Phương, khiến bà không còn cảm hứng để sáng tác. Trong mấy năm liền bà phải gánh chịu nỗi đau liên tiếp vì mất chồng, mất con. Tại Sài Gòn, ông Nguyễn Khoa Tú, con trai đầu của bà Đạm Phương hoạt động cách mạng, bị giặc Pháp bắt tra khảo đến chết. Ông Hải Triều Nguyễn Khoa Văn cũng bị bắt, khi được thả tự do vẫn phải chịu sự quản thúc tại gia. Sau khi ông Nguyễn Khoa Tùng mất, bà Đạm Phương lập một am thờ Phật ở gần mộ chồng lấy tên là “Quan tâm tịnh thất”, hằng ngày bà tới đó đọc kinh, thắp hương cho ông.

Như trên đã nói, thơ ca chỉ là một bộ phận nhỏ trong sự nghiệp phong phú của nữ sĩ Đạm Phương, nhưng qua đó chúng ta có thể hình dung rõ nét và đầy đủ hơn chân dung tinh thần của một nữ trí thức ưu tú trong buổi giao thời của xã hội Việt Nam. Thơ Đạm Phương và thế hệ đương thời của bà thực sự có một vai trò quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của thơ Việt ở các giai đoạn sau.

L.K.T  
(TCSH370/12-2019)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng