Tác giả-tác phẩm
Truyện Kiều, bản chép tay của hoàng gia Triều Nguyễn
15:42 | 05/10/2020

Kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020), 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (16/9/1820 - 16/9/2020)

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG

Truyện Kiều, bản chép tay của hoàng gia Triều Nguyễn
Chân dung Nguyễn Du (trang tiểu dẫn đầu tiên trong “Kim Vân Kiều tân truyện”, bản của hoàng gia triều Nguyễn, thời Tự Đức). Sách đã được NXB Lao Động ấn hành năm 2017

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học của Việt Nam. Đây là một truyện thơ bằng chữ Nôm do Nguyễn Du (1766 - 1820) sáng tác (khoảng từ 1814 đến 1820) sau chuyến đi sứ Trung Quốc. Dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện (một tiểu thuyết chương hồi), Nguyễn Du đã sáng tác thành truyện thơ bằng thể lục bát thuần Việt với trên 3.200 câu. Nhân kỷ niệm 200 năm (1820 - 2020) ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi xin giới thiệu một văn bản rất đặc sắc trong di sản Truyện Kiều.  

Các bản Kiều cổ trong lịch sử

Tương truyền, sau khi viết xong Truyện Kiều đặt nhan đề là Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du có đưa cho bạn thân là Phạm Quý Thích (1760 - 1825) xem. Phạm Quý Thích nhuận sắc, sửa chữa một vài chỗ, viết đề từ bằng chữ Hán, và đổi tên thành Kim Vân Kiều tân truyện, đưa khắc in ở Hàng Gai, Hà Nội. Đáng tiếc là hiện nay bản này đã không còn.

Trong lịch sử, Truyện Kiều đã có nhiều lần được khắc in. Giới nghiên cứu hiện nay đã từng biết đến 63 bản Truyện Kiều cổ đã được công bố giới thiệu. Nhiều người đã cơ bản thống nhất rằng, bản Truyện Kiều được sao chép, in ấn sớm nhất mà hiện nay còn lưu trữ đó là bản Liễu Văn Đường (1866), tiếp đó là các bản Kinh (1870), bản Liễu Văn Đường (1871), bản Duy Minh Thị (1872), v.v. Đó chính là những bản Truyện Kiều xuất hiện dưới thời Tự Đức (1847 - 1883). Trong lịch sử, Truyện Kiều vốn được sưu tầm và cố định văn bản qua căn cứ trí nhớ và thư tịch, do vậy, các bản chép tay của một số người, rồi các bản in của các “tàng bản” đều có nhiều sự khác biệt về từ ngữ, số lượng câu, v.v.

Trong đó có 03 bản chép tay từng được biết đến đó là, bản chép của Lâm Nọa Phu (chép năm 1870); bản chép của Nguyễn Hữu Lập (1823 - 1874, chép năm 1870); bản chép của Trần Bích San (1838 - 1877). Đặc biệt, mới đây nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo công bố bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.

Bản Kiều của Hoàng gia triều Nguyễn(*)

Đây là bản của Hoàng gia triều Nguyễn với đặc điểm nổi bật đầu tiên là bìa sách. Bìa bằng vải màu vàng, dệt hình rồng, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nền là họa tiết dệt hình bát bửu. Tính chất của họa tiết rồng năm móng đưa đến nhận xét đầu tiên, đây là bản của nhà vua “ngự lãm”. Theo thông tin, cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của Thư viện Anh quốc từ năm 1894. Có lẽ cuốn cổ thư này đã từng bị thất tán1 sau sự kiện thất thủ Kinh đô 1885, khi mà người Pháp cùng quân đội viễn chinh đã tràn vào xâm chiếm Kinh đô, vào Hoàng Thành và lấy đi không ít của cải cùng nhiều báu vật của triều đình Huế.

Về hình thức, bản Kiều chép tay này có tên gọi là Kim Vân Kiều tân truyện, gồm 150 mặt giấy dó. Ngoài 04 mặt giấy phụ bìa vẽ nhũ hình long vân màu vàng trên nền đỏ, sách có 146 mặt giấy dó, tương ứng với 146 trang nội dung. Nội dung từng trang được trình bày rất thống nhất: trích yếu nội dung, chữ châu phê, số trang, phần thơ chữ Nôm, phần phụ chú bằng chữ Hán. Đặc biệt là mỗi trang ngoài phần chữ, còn có phần tranh minh họa cho nội dung gồm 146 bức tranh vẽ bằng mực nho cực kỳ chi tiết. So với các bản chép tay của Lâm Nọa Phu, Nguyễn Hữu Lập, Trần Bích San như đã nêu, bản chép tay này rất chuẩn mực, chữ viết dạng chữ chân sắc nét, nghiêm ngắn. Tuy nhiên, đến nay chưa có định hướng xác định người chép bản Kiều này cũng như tác giả của 146 bức tranh minh họa ấy là ai.

Về nội dung, theo nhận định, bản Kiều này tương đối thống nhất với các bản khắc in dưới thời Tự Đức, nhưng điều đáng thú vị là có nhiều chữ trong bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn được sử dụng dưới dạng phương ngữ, dùng lối phát âm theo giọng / âm Huế. Ví dụ như “Lời xưa đã lỗi muôn vàng” (các bản khác là “muôn vàn”); “Câu thơ thắc thẻm khen thầm” (các bản khác là “Xem thơ nức nở…”), v.v.

Quả thực, bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn trước đây chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Do vậy, đây là một bản Kiều cực kỳ quý hiếm, nhưng chưa được chú ý nghiên cứu kỹ lưỡng về văn bản, thư tịch học.

Phải chăng vua Tự Đức đã thân bút chép bản Kiều này

Đáng chú ý nhất là phần chữ đỏ mang tính nhận định nội dung của từng trang trong bản Kiều này. Theo điển lệ chỉ có hoàng đế mới được viết chữ màu đỏ, do vậy mới có hiện tượng gọi là “châu phê” trên văn bản. Dấu ấn sâu đậm nhất của hiện tượng “châu phê” là hiện nay ở Việt Nam còn lưu giữ hàng trăm trang thư tịch Châu bản thể hiện ý chỉ của nhà vua trên văn bản.

Từng mỗi trang trong bản Kiều này đều có các dòng “châu phê” như thế. Do vậy, căn cứ vào niên đại và tính chất, có thể khẳng định chính vua Tự Đức là người đã “châu phê” trên các trang của bản Kiều này.

Có thể thấy rằng, vua Tự Đức là một người rất yêu quý Truyện Kiều. Sinh thời, nhà vua đã có chủ trương tìm kiếm, nhuận sắc để in lại Truyện Kiều. Vua Tự Đức từng đề cập về sự thất tán của Truyện Kiều và ước muốn lưu giữ tác phẩm này qua mấy vần thơ trong bài “Tổng từ” về Truyện Kiều:

Hương phố yên ba tam nguyệt thiên,
Phần lô nhàn độc Thanh Tâm biên.
Thị biên Bắc nhân Thánh Thán trước,
Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền.
Cận lai danh sơn phong vũ thực,
Hoa Đường bình bản vô lưu truyền.
Thích kim đài các thừa nhàn hạ,
Bất nhẫn giai thoại không hàn yên.
Ngẫu ư cổ lục đắc toàn giản,
Truyền thần tả chiếu tương trùng thuyên.
Trích hoa ly tảo phân đề vịnh,
Nhị thập hồi trung mặc thái nghiên.


Dịch thơ:

Trên sông Hương tháng ba một buổi
Truyện Thanh Tâm ngồi rỗi ngâm nga
Truyện này Thánh Thán soạn ra
Diễn thơ lục bát nước ta Tiên Điền
Trải lắm độ triền miên mưa gió
Tập hoa đường còn có nữa đâu
Gặp khi rỗi rãi trên lầu
Truyện hay chẳng lẽ về sau tro tàn
Xét tủ cũ may còn trọn tập
Họa đồ hình định rắp đem in
Gấm hoa đề vịnh từng thiên
Hai mươi hồi nét mực tiên sáng ngời
2
            (Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch)

Liên tưởng từ nội dung bài thơ “Tổng từ” của vua Tự Đức và bản Kiều đang nói quả là thú vị. Chính cái ý “Họa đồ hình định rắp đem in” (Truyền thần tả chiếu tương trùng thiên) và “Gấm hoa đề vịnh từng thiên” (Trích hoa ly tảo phân đề vịnh) mà vua Tự Đức nói tới cũng trùng hợp với thực tế xuất hiện các bức tranh minh họa ở từng trang, các dòng châu phê ở từng trang trong cuốn Truyện Kiều đặc sắc này.
 

Đặc biệt hơn, so sánh các chữ giống hình thức, giống nghĩa ở các dòng của chữ viết nội dung màu đen với các dòng châu phê màu đỏ thì có sự trùng khít, giống nhau về thư pháp đáng ngạc nhiên. Ví dụ, thử so sánh các chữ giống nhau tại các vị trí ở các dòng châu phê các câu Kiều từ 24 đến 26 trên tờ 3 cho thấy:

- Đoạn châu phê bằng chữ Nôm, nhà vua viết: “Đây nói Thúy Kiều hơn Thúy Vân, kể sắc thời hoa liễu còn thua, kể tài thời đủ cầm kỳ thi họa mà xuân xanh vừa thuở trăng tròn, thựcphong lưu nhàn tĩnh”.

- Các câu Kiều từ 24 - 26 chép:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại phần hơn
.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.


Ở đây, so sánh chữ sắc 色 đỏ (châu phê) với các chữ sắc 色 đen (các câu Kiều); tương tự so sánh chữ tàiđỏ và đen; so sánh chữ 罗; so sánh chữ xanh 撑; so sánh chữ hoa花; so sánh chữ liễu 柳; so sánh chữ xuân春 (xem ảnh). Rõ ràng, tất cả các chữ (sắc, tài, là, xanh, hoa, liễu, xuân của hai màu chữ đỏ và đen) đều cùng một lối công bút, vận bút để hình thành tự dạng. Ở đây, 07 nét cơ bản gồm nét chấm, nét ngang, nét sổ, nét hất, nét phẩy, nét mác, nét móc ở các chữ đỏ, đen đều được thể hiện rất thống nhất. Từ khởi bút, hành bút đến thu bút ở các trường hợp như chữ, chữ xuân, chữ hoa, v.v. trong các chữ đều cùng một lối. Đi vào chi tiết có thể so sánh độ sắc nhọn của đầu bút khi thu bút để kết thúc chữ (như ở chữ hoa); hoặc khoảng cách đều đặn trong phân bố bố cục của từng nét trong một chữ (như ở chữ sắc), hay độ cong của nét móc kết thúc (như ở chữ), v.v.

Từ những phân tích trên, rõ ràng, tất cả các chữ (sắc, tài, là, xanh, hoa, liễu, xuân của hai màu chữ đỏ và đen) đều cùng một lối vận bút, tự dạng. Điều này tạo nên một phán đoán mang tính suy luận là: chữ trong cuốn cổ thư này là cùng một người viết. Như đã phân tích, chính vua Tự Đức đã châu phê vào từng trang của bản Kiều này thì phần nội dung cũng là do của vua Tự Đức chép. Suy luận của chúng tôi là một hướng nghiên cứu cần được các nhà thư tịch học tiếp tục làm rõ thêm, ngõ hầu có thể khẳng định một cách xác tín cho giá trị độc đáo về hình thức của một kiệt tác văn chương Việt Nam.

Nếu quả đúng vậy, quyển Truyện Kiều này sẽ nhân nhiều giá trị về văn chương và thư tịch; về thư pháp và mỹ thuật. Đó đúng là một cổ vật có giá trị như một báu vật văn học gắn liền với tên tuổi của những trí thức tinh hoa dưới thời Nguyễn.

N.P.H.T
(TCSH379/09-2020)

----------------
(*)Bản này do Nguyễn Khắc Bảo công bố với tên gọi là “Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc”, Nxb. Lao động, 2017.
1. Sự thất tán thư tịch có một chuyện tương tự: năm 2008, cựu Thẩm phán André de Crozet (sống tại Marseille, Pháp) từng tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế 01 cuốn Ngự chế thi lục tập, quyển 10 (Thơ chữ Hán của vua Minh Mạng). Vị thẩm phán này đã thông tin rằng, cuốn sách này vốn lưu giữ tại Hoàng cung Huế, vào năm 1885 bị một người lính lê dương lấy, sau này tặng lại cho gia đình ông.
2. Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân, Truyện Kiều, bản Kinh thời Tự Đức 1870, in trong Kỷ yếu “Di sản Hán Nôm Huế”, Đại học KHXH&NV Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xb, Huế, 2003, tr.127.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng