Tác giả-tác phẩm
Nguyễn Du - Truyện Kiều và cõi người ta
14:58 | 15/10/2020


LƯỜNG TÚ TUẤN    

      “Thì đem vàng đá mà liều với thân” - Nguyễn Du

Nguyễn Du - Truyện Kiều và cõi người ta
Ảnh: internet

1.
Hai chữ “người ta1” mở đầu Đoạn trường tân thanh đã được bàn nhiều, nhưng trong tiếng Việt, hai chữ ấy nhiều khi không phải để chỉ một khách thể, ngược lại nó hay được dùng để nói về chính mình. Một cái-chính-mình đôi khi đầy tự hào, cũng lắm lúc thật nhiều bi ai. Nguyễn Du đã dành 3254 câu thơ lục bát như chắt ra từ tiếng nói của hồn Việt để tạc một cõi người, một cõi người đa tình, đa đoan, đa truân, đa mang,… một mang mang thiên cổ sầu. Cõi ấy dường như lần đầu hiện hữu trong suốt 800 năm văn học viết dân tộc.

Nhìn lại dòng chảy của tâm thức Việt, hiện hữu bằng những bước đi của văn học, có nhiều điều làm ta không khỏi giật mình. Tinh thần “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” dường như đã thống trị toàn bộ lịch sử văn học Trung đại, trước khi Nguyễn Du viết Kiều. Ở thời đại Lý - Trần, Phật giáo ngự trị cả trong đời sống, từ cung đình tới chốn thôn dã, ngự trị trong văn học. “Pháp vô vi” lần đầu khởi lên qua Quốc tộ của Pháp Thuận thiền sư như một ý niệm đạo pháp cao siêu sẽ bước vào chốn thâm nghiêm, cho đến khi đôi cò trắng của Trần Nhân Tông đáp xuống cánh đồng trong 1 chiều “bán vô bán hữu2”. Phật đã đến và ở lại bằng những “hình tướng” khác nhau cho đến khi Nguyễn Trãi làm thơ đánh giặc bằng ngòi bút của nhà Nho đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. Sau đạo Phật, văn học đã chuyên chở tinh thần “hành đạo” của Nho giáo, và từ đó suốt từ Lê dằng dặc một lưu thủy tới tận thế kỷ XVIII, văn học Việt Nam đã trung thành với những lý tưởng thánh hiền. Con người bao giờ cũng phải cao cả, nếu không trác việt, huy hoàng; đến cái chết cũng phải vút lên thành 1 khúc tráng ca bi hùng.

Con người hiện sừng sững trong văn học như những tượng đài, đó là con người vũ trụ với tầm vóc sánh ngang “non sông3”, hay cũng hòa vào vũ trụ để bất diệt cùng lá cỏ và trăng sao. Chân không bén đất để vươn tới những kiếp sống của tiên thánh thần, của bậc anh hoa độc thiện kì thân, đó là những cuộc đời “trong vắt” của “Bồ đề bổn vô thụ/ Minh kính diệc phi đài”4; những cuộc đời không dính bụi nhơ. Những cuộc đời ấy là những ngữ ngôn “đại tự sự”, là những grand récit5 đã trừu xuất cuộc đời ra khỏi hiện hữu để chỉ giữ lại những lý tưởng và bộ khung hoàn hảo cho một cái gì na ná như đời sống.

2.
Nguyễn Du sinh ra và làm thơ trong cơn lốc dữ dội của lịch sử. Ông thấy, và nếm đủ cay đắng mùi đời; ông hiện sinh bằng một kiếp-người với chuyến đi xuyên qua khu rừng nhiệt đới của thế thái nhân tình. Nguyễn Du đi qua cuộc đời hay cuộc đời đã đi qua Nguyễn Du bằng những vết cắt của gió bụi trên thân phận người. Con người đã trở lại! Bé nhỏ, lầm lũi, “tầm thường”. Nhưng là con người! Không phải thánh nhân.

Từ Nguyễn Du, CON NGƯỜI phải chăng lần đầu tiên xuất hiện trong văn học viết Việt Nam? Phải chăng lần đầu con người biết yêu, biết nhớ, biết thương, biết ăn cắp, biết ghen tuông, biết hận thù trong bể ái sông mê? Lần đầu tiên trong lịch sử của linh hồn Việt con người không phải gồng mình lên để sống, gồng mình lên để cao đàm khoát luận? Thúy Kiều đã ốm tương tư từ buổi chiều trong tiết thanh minh ấy, nhưng nàng đã không để cho tiếng nói của bản năng làm người bị giết chết trong những giáo huấn khổng lồ của thời đại. Bàn chân bé nhỏ của một trái tim đốt cháy đã làm cái việc rất người là “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”6. Chuyến đi trong đêm hôm ấy của Thúy Kiều là chuyến đi đã bị cầm tù cả ngàn năm, là cuộc vượt ngục vĩ đại để… làm người - một người bình thường. Lịch sử nhiều khi thật trớ trêu, người ta không phải là “vươn lên để làm người” mà có những lúc cần phải đủ mạnh mẽ để “cúi xuống thật gần”. Làm “quân tử” lâu ngày khiến người ta mệt, làm người dù đau khổ nhưng vẫn được làm người. Nguyễn Du vĩ đại như thế! Không phải bằng cách mơ về những cõi xa xăm mà là “gần lại với nhau”7.

Các nhân vật của Nguyễn không còn “trong suốt” nữa. Một thư sinh “nền phú hậu, bậc tài danh” Kim Trọng cũng vì tình mà dọn nhà tới mé hiên Thúy Kiều để “lân la”. Một “trai anh hùng”, một “đấng trượng phu” Từ Hải cũng “ghé chơi” chốn lầu xanh ô trược; rồi cũng chính “mặt phi thường” ấy đã không thoát nổi “nữ nhi thường tình” mà chết uất nghẹn giữa trận tiền. Một Hoạn Thư vốn dòng “danh gia” cũng “ngứa ghẻ hờn ghen”, nghiến răng ken két “vả miệng bẻ răng” lũ gia nhân để âm mưu một bài đánh ghen sẽ đi vào lịch sử. Rồi cũng chính con người ấy lại có lúc “hồn lạc phách xiêu” mà “liệu điều kêu ca”8 trước sự “trả thù” của Thúy Kiều.

Bức tranh xã hội Truyện Kiều không phải đậm nhất ở những bọn buôn thịt bán người, bọn vu oan giáo vạ, bọn quan lại tàn bạo hay “thế lực đồng tiền” như cách nói của Hoài Thanh. Bức tranh ấy thực hữu, sinh động, ngồn ngộn bởi chính một đời sống “rất người” lần đầu được trình hiện. Cuộc đời đau khổ, nhưng đó là đời người. Không phải những cái “cảm hoài” của một thời “luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”9 hay “Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma”10, cũng không phải cái “Vò võ trai phòng vắng”11 vì “nỗi nước nhà” của những đấng bậc lừng lững đứng trong trời đất mà nuôi và đau cùng những lý tưởng với non sông. “Lý tưởng” của Nguyễn Du là lý tưởng về “cõi người” - một cõi người yêu đương si mê, đau khổ tái tê vì tình. Thúy Kiều sau khi đã nếm mùi đoạn trường và mất đi cái “nghìn vàng” thì nàng đã vút lên một ý nghĩ chưa từng thấy trong suốt mấy trăm năm trước: “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”12. Sự hối tiếc của Kiều vì không trao thân cho chàng Kim trong đêm gặp gỡ ấy là một ý nghĩ lạ lùng giữa thế kỷ trung đại. Nàng ý thức giữ gìn trinh tiết, nhưng cũng sẵn sàng trao đi tiết trinh như một chủ nhân toàn quyền đối với thân xác mình. Khi Kiều nghĩ tới Kim Trọng trong hoàn cảnh này chúng ta mới thấy cái ý thức cá nhân và cảm thức ái dục ở nàng đã vượt thoát khỏi những giáo điều cũ kĩ để sống, dù lúc này, cái-sống ấy chỉ có thể hiện hữu bằng những ý nghĩ.

Cuộc tình Kim - Kiều là tình yêu đầu tiên mang tính đầy đủ, sâu sắc, mãnh liệt và trọn vẹn trong văn học Việt Nam. Người ta đã bàn nhiều về tư tưởng Nguyễn Du trong Truyện Kiều từ thuyết Tài mệnh tương đố, đến tinh thần Phật giáo và thậm chí có người còn cả quyết về một “Chủ nghĩa hiện thực” trong tác phẩm phức tạp này. Tất cả những điều ấy là không thể phủ định, và cũng không nên tìm cách phủ định, nhưng nếu Nguyễn Du viết Kiều để minh họa cho tư tưởng thiên mệnh hay những ý niệm tôn giáo thì thực ra nó không hơn gì một thứ “văn nghệ minh họa”. Và cái giá trị còn lại có lẽ chỉ nằm ở việc tu sức từ ngữ. Cuộc đời dâu bể, đa mang, ngang trái. Nhưng không chỉ có thế, cuộc đời ấy còn có “cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm”13, có những phút “mặt sắt cũng ngây vì tình”; và nhất là có những lúc “âu yếm, lả lơi”, có những ngày “dưới nguyệt chén đồng”; có ân có oán, có vay có trả; có “mai cốt cách tuyết tinh thần”, mà cũng có “thân lươn bao quản lấm đầu”14; có “tình chung” mà cũng có “tình riêng”.

Thúy Kiều yêu Kim Trọng, nhưng Thúy Kiều cũng yêu Thúc Sinh, và Thúy Kiều cũng yêu Từ Hải. Đặt câu hỏi về lòng chung thủy trong Truyện Kiều là việc vô duyên. Bởi Nguyễn đã đi đến với Con người chứ không phải một “đồ án” về con người. Kiều yêu và sống hết mình trong kiếp đoạn trường, đó chính là một cuộc hiện sinh vượt thế kỷ. Trong những năm tháng trầm luân của đời mình, Kiều đã nhiều lần nhớ Kim Trọng; nhưng cũng chính nàng đã một mình “chiếc bóng năm canh” mà nhớ Thúc Sinh bời bời. Con người đã sống lại trong tình yêu và nỗi đời Nguyễn Du: cao cả và tầm thường, trinh trắng và nhiễm ô, chung tình và đa cảm; đời và đạo, tình lang và cửa thiền… cuộc đời đã hiện ra như thế, ngổn ngang như thế và phồn sinh như thế.

3.
Nguyễn Du là ai? Một nhà Nho? Một đạo sĩ? Hay một cư sĩ? Không. Nguyễn là một con người - con người bé nhỏ, phù sinh, nổi nênh - đã sống bằng tất cả những gì mà đáng ra nó đã phải hiện sinh như một lẽ tự nhiên từ muôn kiếp trước. Thúy Kiều là ai? Một khuê nữ? Một khách đa tình? Một gái điếm? Một nữ tu? Vâng. Tất cả đều là Thúy Kiều - con người thật với hỉ nộ ái ố, với “bản thiện” “bản ác”, với hiếu hạnh và tình si, với cao thượng và thấp hèn. Nguyễn Du đã gặp Kiều trong buổi “hoàng hôn của những thần tượng”. Nguyễn Du không phải là cha đẻ của Kiều, mà Kiều là tri âm của Nguyễn - một người đã khóc suốt đời vì những nỗi bi ai của kiếp người.

Văn học Việt Nam, đến Kiều đã đi trọn một hành trình từ cái “cao cả” đến cái đời thường, từ tôn giáo đến thế tục, từ vô ngã đến hữu ngã, từ vô niệm đến tạp niệm, từ vô dục đến ngũ dục, từ thánh nhân đến CON NGƯỜI. Tôi không chắc về những được mất cho cuộc đời và cho cả văn học nữa, nhưng đó rõ ràng là hành trình mà nhân loại đã đi, một hành trình nhiều lần đã phải trả giá bằng những tai ương. Để Leonardo di ser Piero da Vinci vẽ 1 bức tranh khỏa thân tôn vinh con người, Âu châu đã phải trải qua đêm tối Trung Cổ mịt mùng suốt mấy trăm năm đau khổ bằng việc con người bị “hiến tế” cho thần thánh như những vật vô tri. Truyện Kiều là tác phẩm Phục Hưng của văn học Việt Nam theo tinh thần da Vinci ấy. Truyện Kiều cũng là tác phẩm “Hiện Sinh” đầu tiên trong dòng chảy văn học Việt giữa thế giới “không có con người”. Tính hiện sinh của tập sách ấy, thật kinh ngạc, khi nó đã đến sớm hơn chúng ta tưởng.

Dấu vết của thứ văn chương đài các, “rặt Hán” đã trở nên mờ nhạt trong Kiều. Chúng ta thấy một không gian Việt tồn sinh trong những cặp lục bát; chúng ta thấy một “vũ trụ thơ” của thế sự trong một câu chuyện đời thường. Văn chương cung đình, nếu có, chỉ còn thấp thoáng trong những chữ-rời bị khuất giữa rừng ca dao và truyện kể. Văn học, như thế, đã không còn “đòi câu thánh15” nữa.

Văn học đã về với cuộc đời như thế. Nguyễn Du đã đi vào cõi người như thế - về với con người, con người bé nhỏ, nhưng không tầm thường. Con người lần đầu cất lên tiếng nói và tiếng khóc Tự do. Nó đã tự bứt mình ra khỏi cơ thể của đấng siêu nhiên để hiện hữu như một bản hữu. Từ lúc nó bé nhỏ như thế cũng là lúc nó lớn hơn bao giờ hết. “Chúng ta phải hình dung rằng Sysiphus hạnh phúc”16 trong khổ hình của mình. Lựa chọn - dấn thân - trách nhiệm, dù biết “Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi”17, đã làm nên một bi tráng đánh dấu sự ra đời lần thứ 2 của con người trên cõi nước Việt - lần thứ nhất là truyền thuyết, lần này là Đoạn trường tân thanh.

L.T.T
(TCSH379/09-2020)

---------------------
1. Nguyễn Du (2007), Truyện Kiều, Nxb. Thanh Niên, câu số 1 - Trăm năm trong cõi người ta.  Tất cả các trích dẫn Truyện Kiều trong bài viết đều lấy từ văn bản trên.
2. Thiên Trường vãn vọng.
3. Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão).  
4. Kệ của Thiền sư Huệ Năng.
5. Lyotard (2007), Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch), Nxb. Tri Thức.
6. Truyện Kiều - câu 432.
7. Trịnh Công Sơn, Lại gần với nhau.
8. Truyện Kiều, câu 2363 - 2364.
9. Phạm Ngũ Lão, Thuật hoài. 10. Đặng Dung, Cảm hoài.
11. Nguyễn Trãi, Thính vũ. 12. Truyện Kiều, câu 792.
13. Truyện Kiều, câu 1230. 14. Truyện Kiều, câu 1147.
15. Nguyễn Trãi, Bảo kính cảnh giới - bài 5.
16. A. Camus (2018), Huyền thoại Sysiphus (Trương Thị Hoàng Yến - Phong Sa dịch), Nxb. Trẻ
17. Truyện Kiều, câu 180.   




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng