Tác giả-tác phẩm
Người gợi mở 'Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam'
16:08 | 11/06/2021


NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM

Người gợi mở 'Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam'

1. Tác giả Bùi Như Hải là người đã dành tâm huyết hơn mười lăm năm dài để nghiên cứu chuyên sâu về văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt là thể loại văn xuôi và các tác phẩm văn xuôi viết về đề tài nông thôn. Chất nông thôn của quê hương đã quyện vào ngòi bút phê bình sắc cạnh, cẩn trọng này như một dấu ấn đậm màu ruộng đồng và đã trở thành một “nhà nông thôn học” về mảng nghiên cứu, phê bình thuộc thể loại văn xuôi viết về đề tài nông thôn. Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy khi đọc tập tiểu luận - phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của tác giả Bùi Như Hải trình làng tháng 9 năm 2020, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Cuốn sách dày 388 trang, gồm 23 bài tiểu luận viết về nhiều vấn đề, nhiều phương diện khác nhau của văn xuôi Việt Nam đương đại, nhưng tựu trung có thể thấy rõ nội dung toàn tập đi sâu vào các vấn đề của tiểu thuyết và truyện ngắn đương đại Việt Nam. Trong đó có 11 tiểu luận chuyên sâu phân tích về các khía cạnh của đề tài nông thôn. Những vấn đề được tác giả nghiên cứu khá mới mẻ, có tính thời sự, đậm chất lý luận sắc cạnh; thể hiện sâu sắc những chính kiến, những trao đổi, những nhận xét,… một cách thấu đáo, thuyết phục. Đó là những vấn đề như: sự đổi mới tư duy nghệ thuật, sự chiếm lĩnh hiện thực, sự chuyển mình và phát triển đi đến thành tựu…, những vấn đề đạo đức xã hội, vấn đề thế sự - nhân sinh, vấn đề đô thị và gia đình,... trong văn xuôi viết về đề tài nông thôn nói riêng và văn xuôi Việt Nam đương đại nói chung. Tất cả những vấn đề ấy, đã được tác giả Bùi Như Hải đăng đàn thảo luận ở các Hội thảo, đã được các tạp chí, các báo của Trung ương và địa phương chọn đăng trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây. Qua đó, cũng đã chứng tỏ tác giả Bùi Như Hải là một cây bút phê bình có chiều sâu, có tâm, có tầm về văn xuôi nói chung và đề tài nông thôn nói riêng trong dòng văn học đương đại Việt Nam.

Vì sao tác giả Bùi Như Hải lại chọn hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam đương đại làm đối tượng để nghiên cứu? Bản thân người viết thiết nghĩ rằng, có lẽ chính là từ sự nhạy bén trước những khởi sắc, cách tân của văn xuôi Việt Nam đương đại nói chung và tiểu thuyết, truyện ngắn nói riêng trong dòng chảy của văn chương nước nhà, bên cạnh thể loại thơ ca rất phong phú, đa dạng,… Và chính nhờ sự say mê, yêu thích, nhạy cảm với văn xuôi đương đại, với đề tài nông thôn là thế mạnh nên Bùi Như Hải đã miệt mài nghiên cứu, phân tích, phê bình,… Từ đó, đã góp phần tạo nên một diện mạo mới trong phê bình văn xuôi Việt Nam đương đại và đã cống hiến cho văn chương một tập tiểu luận - phê bình có giá trị sâu sắc cả về mặt học thuật lẫn thực tiễn. Có thể nói, ở lĩnh vực văn chương, mảng lý luận - phê bình khá gai góc, không phải người viết nào cũng muốn “đặt chân” vào. Nhất là phê bình về tiểu thuyết, truyện ngắn, đặc biệt là mảng đề tài nông thôn. Thế nhưng, Bùi Như Hải đã chọn và đã có cái nhìn rất “ngọn nguồn” về các vấn đề được đặt ra. Vùng đất Quảng Trị nơi Bùi Như Hải sinh ra và lớn lên đã in đậm dấu ấn nông thôn vào tâm hồn nhà phê bình,... Và viết là một sự hồi tưởng, là một sự trả ơn cho vùng quê nghèo đã cưu mang một đời cầm cày và cầm bút. Có thể khẳng định, nhà văn và nhà phê bình là một sự cộng hưởng về văn chương. Nhà văn đã nhìn thấy gì sau lũy tre làng ở nông thôn trong văn xuôi đương đại? Và nhà phê bình đã nhìn thấy gì từ bên trong các trang sách của các nhà văn viết về đề tài này? Tất yếu phải có một sự thấu cảm đặc biệt. Chính những điều mà nhà phê bình thấy và cảm, sẽ góp phần vào sự phát triển cách nhìn, cách phản ánh, sự cách tân,… của nhà văn trên bình diện cảm thụ và sáng tác về phương diện nội dung lẫn phương diện nghệ thuật. Bùi Như Hải ít nhiều đã góp phần làm được điều ấy qua tập tiểu luận Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của mình. Chính sự tìm tòi, khám phá, chính cái nhìn toàn diện, đa chiều về diện mạo của tiểu thuyết và truyện ngắn đương đại Việt Nam, mà tác giả đã đóng góp trí tuệ không nhỏ vào việc hình thành tập tiểu luận phê bình cho dòng chảy phê bình đương đại.

2. Tập tiểu luận, phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của Bùi Như Hải có thể tạm chia thành ba mảng nghiên cứu chính. Đó là: Những vấn đề nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam đương đại nói chung và tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng; Những vấn đề đạo đức, thế sự được thể hiện trong văn xuôi; Những nghiên cứu về thể loại truyện ngắn của một vài tác giả đương đại. Điểm qua 23 bài tiểu luận thì có đến 9 bài tiểu luận phê bình nhận định, đánh giá, phân tích về tiểu thuyết chuyên sâu khai thác đề tài nông thôn, 2 tiểu luận dành riêng cho truyện ngắn cũng viết về nông thôn. Và có 12 tiểu luận viết về sự chuyển mình, phát triển và thành tựu của dòng chảy tiểu thuyết, vấn đề đạo đức xã hội, đồng thời giới thiệu một vài gương mặt nhà văn viết truyện ngắn tiêu biểu cho vùng miền,…

2.1. Những bài tiểu luận nghiên cứu về tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam đương đại nói riêng.

Tác giả Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam đã dành phần ưu ái đặc biệt cho tiểu thuyết đương đại với 9/23 bài tiểu luận, đó là Tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn giai đoạn 1932 - 1985; Diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại; Nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới; Sự chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới; Sự thể hiện làng xã, họ tộc trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới; Sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại; Hiện thực đời thường và con người thế sự, đời tư trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại; Thân phận người phụ nữ trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại; Một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử nghiên cứu của đề tài nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Từ bối cảnh chung của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn giai đoạn 1932 - 1985, Bùi Như Hải đã đưa ra cái nhìn đối sánh với văn xuôi nói chung và tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng của giai đoạn 1932 - 1985 với văn xuôi sau Đổi mới. Qua đó, tác giả đã phân tích, làm sáng rõ những đặc điểm riêng về sự chiếm lĩnh hiện thực của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới. Xét về phương diện nội dung, những đặc điểm khác biệt được đưa ra đối sánh giữa hai giai đoạn đó là: cảm hứng thế sự; sự thể hiện làng xã, họ tộc; thân phận người phụ nữ nông thôn và sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa,... vào đời sống nông thôn cũng như sự tác động đến giá trị đạo đức xã hội. Hai tiểu luận Tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn giai đoạn 1932 - 1985 Diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại chính là một sự so sánh diện mạo tiểu thuyết Việt Nam ở hai giai đoạn xã hội hoàn toàn khác biệt. Và giá trị nội dung của các cuốn tiểu thuyết của hai giai đoạn đã được nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Như Hải mổ xẻ, đào sâu vào “đáy quặng”. Điểm đáng chú ý, trong các bài phê bình về tiểu thuyết chứa đựng đề tài nông thôn thời kỳ Đổi mới, là những lý giải sắc bén của tác giả khi phân tích về nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật. Bởi tư duy nghệ thuật thay đổi sẽ kéo theo sự biến đổi của phương thức miêu tả và biểu hiện nghệ thuật. Các nhà văn đương đại muốn làm mới trang văn của mình, tất phải có tư duy nghệ thuật rất riêng để có một phong cách văn chương riêng biệt không lẫn vào ai. Vấn đề này đã được Bùi Như Hải tập trung vào hai tiểu luận Nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới Sự chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới. Thấu hiểu nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật chính là nhu cầu đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, quan niệm nghệ thuật về không - thời gian, cảm hứng sáng tác của nhà văn, phương thức biểu hiện, sự chiếm lĩnh hiện thực đa chiều với nhiều sự kiện - nhiều vấn đề đã tồn tại và mới nảy sinh trong đời sống nông thôn, trong tư tưởng của nông dân Việt Nam, nên những nội dung này đã được Bùi Như Hải nghiên cứu rất nghiêm túc, cẩn trọng. Và tác giả cuốn sách đã đưa ra những nhận định, những phán xét; những sự nhìn nhận lại chủ trương thực hiện phong trào hợp tác xã đến đô thị hóa nông thôn; vấn đề cải cách ruộng đất; sự xung đột phe cánh, dòng họ; những định kiến hủ tục, tập tục lạc hậu, đói nghèo, dốt nát,… qua những trang phê bình khá sắc sảo. Tác giả cũng đã chỉ ra, sự xung đột đất đai, phe cánh dòng họ và hủ tục lạc hậu, sự đói nghèo,… vẫn đang hoành hành, làm nhức nhối đời sống nông thôn hiện nay, thông qua các tác phẩm văn xuôi mà tác giả chọn làm dẫn chứng, để rồi đi đến nhận định rất xác đáng, sâu sắc rằng: “Việc phản ánh chân thực đời sống nông thôn đã mang lại sinh khí mới cho tiểu thuyết, thể hiện sâu sắc xu hướng dân chủ hóa trong văn học”. Nó không chỉ “khắc phục được những hạn chế của tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn trước” mà quan trọng hơn, còn “làm mới cách nhìn về hiện thực và con người, giúp người đọc hiểu được diện mạo, tâm hồn người nông dân Việt Nam trong những thời kỳ lịch sử đầy biến động”. Muốn có được những trang viết “đời” như thế, đòi hỏi người viết phải “dũng cảm phản ánh những góc khuất của hiện thực nông thôn trong quá khứ và hiện tại đang làm bỏng rát tâm hồn người nông dân”,… Những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, đời sống văn chương Việt Nam cũng đã từng rúng động bởi những sự thật về đời sống nông thôn và người nông dân; và ngay cả những góc khuất trong đời sống thị thành. Nhà văn đã thực hiện đúng nhiệm vụ phản ánh hiện thực. Như truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, hình ảnh người con dâu với những hành động và suy nghĩ về lối sống thực dụng, phi nhân khiến cho người đọc cứ nhớ mãi và e ngại,… Và tất nhiên, muốn đối sánh để đi đến khẳng định sự biến chuyển của tiểu thuyết Việt Nam qua các giai đoạn, tác giả cũng đã đặt mình vào một độ lùi thời gian nhất định để tìm hiểu tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn giai đoạn từ 1945 - 1975, 1975 - 1985 và giai đoạn từ 1986 trở về sau. Từ đó, làm rõ sự biến đổi tư duy nghệ thuật của các nhà văn qua hai giai đoạn chính trong một tiến trình văn học và “nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật ” của tiểu thuyết viết về nông thôn thời kỳ Đổi mới. Các bài tiểu luận như Sự thể hiện làng xã, họ tộc thời kỳ Đổi mới, Sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại, Hiện thực đời thường và con người thế sự, đời tư,... cũng đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về hiện thực xã hội nông thôn và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa vào cuộc sống nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Ngoài ra, tác giả còn dành hẳn một bài tiểu luận Thân phận người phụ nữ trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại để viết về thân phận người phụ nữ nông thôn thời nay qua các tiểu thuyết đương đại chọn làm dẫn chứng. Có thể nói, dưới góc độ của một nhà khoa học, TS. Bùi Như Hải đã cẩn trọng miệt mài, tìm tòi, khám phá, lý giải… những vấn đề mà nội dung tiểu thuyết phản ánh về đời sống nông thôn và người nông dân đương đại. Từ đó, tác giả đã đưa ra những nhận định mang tính toàn diện, đa chiều về nông thôn và người nông dân Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Tiểu luận Một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử nghiên cứu của đề tài nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới là sự góp phần khẳng định những nghiên cứu bài bản, chuyên sâu về lịch sử nghiên cứu vấn đề. Từ đó, tác giả đã đưa ra nhiều nhận định, lý giải thỏa đáng. Vì thế, có thể xem phần nghiên cứu về tiểu thuyết đương đại viết về nông thôn và nông dân trong Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam là một tư liệu cần thiết để phục vụ cho quá trình nghiên cứu văn xuôi đương đại nói chung, tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng. Xét về phương diện hình thức nghệ thuật, Bùi Như Hải đóng vai trò là người khơi dòng, người gợi mở “nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam”, đặc biệt là tiểu thuyết viết về nông thôn khi đã đưa ra những nhận định về sự chuyển mình, nỗ lực tìm tòi, cách tân và thể nghiệm những kết cấu mới của các nhà văn. Bất kỳ một sự phát triển ở lĩnh vực nào, thì cũng cần có nền móng vững chắc. Lĩnh vực phê bình văn học cũng thế. Trên cơ sở tính kế thừa những đặc trưng của kết cấu truyền thống, Bùi Như Hải đã chỉ ra sự tiếp cận và phát triển những thi pháp nghệ thuật hiện đại của các nhà văn đương đại. Các nhà văn đương đại dành sự quan tâm đặc biệt cho hệ thống chi tiết, tình tiết một cách đa dạng và phong phú. Nghệ thuật khắc họa hình ảnh con người đại diện cho người dân thị thành thời đô thị hóa, người nông dân thời nông thôn đổi mới cũng được chọn lọc. Về thi pháp kết cấu, Bùi Như Hải đã chỉ ra rằng, tiểu thuyết đương đại kế thừa và phát triển theo kết cấu đơn tuyến khá mạnh. Có thể nhìn thấy qua tác phẩm Ba người khác của Tô Hoài, Giời cao đất dày của Bùi Thanh Minh, Ao bèo gợn sóng của Nguyễn Trung Tiết, Bến không chồng Dưới chín tầng trời của Dương Hướng,… Kiểu kết cấu lắp ghép cốt truyện và cách tân theo hướng hiện đại thể hiện rõ trong truyện nổi tiếng Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Dòng sông Mía của Đào Thắng, Lão Khổ Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh,... Tác giả cũng nhận ra trong kiểu kết câu lắp ghép còn có kiểu kết cấu pha trộn thể loại như Bến không chồng của Dương Hướng, Dòng chảy đất đai của Nguyễn Uyển, Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh,… Không dừng lại ở những đổi mới về các kiểu kết cấu, các tác giả tiểu thuyết còn sử dụng thi pháp thời gian, không gian nghệ thuật một cách sáng tạo khi sử dụng kiểu kết cấu lồng ghép điện ảnh, như trong tiểu thuyết Lời nguyền trăm năm của Khôi Vũ, Chuyện làng Cuội của Lê Lựu,... Kiểu kết cấu thả lửng (nhất là ở đoạn kết tác phẩm) để tạo nên tư duy sáng tạo cho người tiếp nhận cũng là một kiểu kết cấu được các nhà tiểu thuyết chú ý sử dụng có hiệu quả, gây được sự hứng thú, tạo nên nhiều trường suy nghĩ cho độc giả, như kiểu kết cấu trong truyện Trăm năm thoáng chốc của Vũ Huy Anh, Dòng sông Mía của Đào Thắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,... Những biến chuyển rõ rệt trong cách xây dựng kết cấu đa dạng, cốt truyện có nhiều tình tiết, nhân vật ấn tượng,… là những nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm và đổi mới của các nhà tiểu thuyết nông thôn đương đại. Bùi Như Hải cũng đã nhận ra được điều ấy và đã có sự phân tích, so sánh, lí giải qua từng tác phẩm cụ thể để đưa ra những nhận định về hình thức nghệ thuật đổi mới của tiểu thuyết đương đại. Những đánh giá, nhận định của Bùi Như Hải về sự cách tân, đổi mới hình thức nghệ thuật của văn xuôi đương đại có thể giúp chúng ta khẳng định rằng: “Tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn trong quá trình tiệm cận với văn chương thế giới” đã ít nhiều mang tính hiện đại, mới mẻ. Và những nhận định ấy chưa thể bao quát hết được những nét đổi mới của văn xuôi đương đại nhưng có thể xem đó là những tiền đề gợi mở cho hướng nghiên cứu sau này về phương diện nghệ thuật của văn xuôi Việt Nam đương đại.

2.2. Hai là, vấn đề đạo đức xã hội và mảng đề tài đô thị.

Ngoài những bài tiểu luận đã điểm ở trên, trong cuốn sách này, Bùi Như Hải còn mở rộng biên độ tham chiếu tới các nội dung về đề tài chiến tranh, cảm hứng thế sự, sự vận động của đề tài gia đình, vấn đề đạo đức,... Như chúng ta đã biết, khi mà xã hội ngày càng văn minh hiện đại, tất sẽ kéo theo những sự đổi thay chóng mặt về nếp sống, nếp nghĩ,… Và do đó, vấn đề gia đình, vấn đề đạo đức được đặt ra một cách róng riết. Những nhà văn có tâm, có tầm, sẽ là thư ký thời đại trung thực, là người soi rọi mọi ngõ ngách cuộc đời. Bởi, lúc bấy giờ, khi xã hội thay đổi để bắt kịp vòng quay của văn minh thế giới, thì đạo đức của con người cũng sẽ biến đổi, kéo theo nhiều hệ lụy khôn cùng. Tiếng gọi khẩn thiết về đạo đức của con người sẽ được cất lên mạnh mẽ, tiếng vọng ngân dài vào trong sâu thẳm của làng xã, xóm thôn. “Văn học là nhân học” (Maxim Gorky), thì tất yếu đề tài gia đình luôn hiện diện trong dòng chảy của văn học qua các thời kỳ. Chỉ khác là, mỗi thời kỳ, các nhà văn sẽ có cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm, cách tiếp cận và phản ánh hiện thực theo cách của riêng mình. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 với nhu cầu đạo đức tối đa, Tư duy truyện ngắn Việt Nam thời kỳ Đổi mới về đề tài đạo đức xã hội,... là những bài tiểu luận mang tính khái quát nhưng tác giả Bùi Như Hải cũng đã phần nào khai thác được sự ẩn tàng về giá trị đạo đức xã hội ngày nay ở nông thôn. Qua đó, tác giả đã đặt ra lời cảnh báo về sự biến đổi đạo đức lẫn hiện thực của đời sống gia đình trong xã hội hiện đại. Từ đó, đặt ra những gợi mở cho khâu sáng tác lẫn khâu nghiên cứu và phê bình. Chẳng những thế, trong các tiểu thuyết mà Bùi Như Hải chọn để minh họa cho lý luận của mình, vấn đề đạo đức xã hội cũng luôn thường trực trong tác phẩm như trong bài Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 với nhu cầu đạo đức tối đa là một minh chứng cụ thể khi tác giả nhận định: “Cái xấu, cái ác được nhà phê bình chú trọng để dẫn ra với mong muốn khẳng định: Tiểu thuyết đương đại luôn phản ánh hiện thực về đạo đức con người trong những hoàn cảnh điển hình để từ đó gióng lên hồi chuông về sự băng hoại đạo đức ngay chính trong nếp nghĩ, trong hành động hằng thường của con người một cách đáng kinh sợ” (như dẫn chứng về người con dâu lạnh lùng, thủ ác trong “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp)… Tác giả bài viết cũng đã dẫn ra một số tác phẩm văn xuôi với các nhân vật như Hiếu táng tận lương tâm trong Chuyện làng Cuội của Lê Lựu, như tên thủ ác giết bạn mình một cách man rợ trong Bóng đêm của Ma Văn Kháng, như những kẻ mưu ma chước quỷ trong Đời im lặng của Chu Lai. Rồi các nhân vật trong Hơn cả tình yêu của Nguyễn Trường, Luật đời cha và con, Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn, Tiễn biệt những ngày buồn của Trung Trung Đỉnh, Đàn trời của Cao Duy Sơn, Thế giới xô lệch của Bích Ngân, Chạy án của Nguyễn Như Phong,… Và Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ,… để rồi đi đến nhận định rằng: “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại không còn là một chiều, đơn giản, dễ hiểu nữa,... Các nhà văn đã nhận ra trạng thái “chấn thương” của dòng đời trong cơn bủa vây”. Về đề tài văn học đô thị của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Bùi Như Hải đã nghiên cứu cẩn trọng và đưa ra nhận định: “Mảng văn học thành thị - văn học kẻ chợ vốn đã manh nha trong văn chương Việt Nam từ cuối thế kỷ XVI và đã xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, và khẳng định: “văn học viết về đô thị và con người thị dân đã và đang hiện diện trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam”. Viết về đô thị và con người thị dân, tác giả của công trình sách có bài Sự vận động của đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam. Ở tiểu luận này, tác giả đã khảo sát lịch sử ra đời và phát triển của đề tài đô thị trong văn xuôi Việt Nam qua từng giai đoạn và trong nghiên cứu về tiến trình vận động của văn xuôi Việt Nam. Từ đó có những phân tích, đánh giá, dẫn chứng bằng các tác phẩm cụ thể của các thế hệ nhà văn. Và theo tác giả đã nghiên cứu, rồi đi đến khẳng định bằng những lập luận khá thỏa đáng, thì rõ ràng, nền văn học Việt Nam đã và đang “tồn tại một dòng văn học viết về đề tài đô thị”. Những nhận định ban đầu của tác giả sẽ là những gợi mở cho hướng nghiên cứu về đô thị và con người thị dân trong văn xuôi hiện đại.

2.3. Những nghiên cứu về thể loại truyện ngắn của vài tác giả đương đại.

Đó là những cây bút truyện ngắn như Cao Duy Sơn, Văn Xương, Cao Hạnh,... trong các bài tiểu luận Truyện ngắn Cao Duy Sơn trong mạch nguồn truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại; Truyện ngắn Văn Xương về đề tài chiến tranh và người lính; Người lính thời hậu chiến trong truyện ngắn Cao Hạnh,... Mỗi một tiểu luận đều có sắc thái riêng của từng tác giả viết truyện ngắn. Với Cao Duy Sơn, yếu tố vùng miền, yếu tố dân tộc, đặc điểm ngôn ngữ,... được Bùi Như Hải nghiên cứu, phân tích rất sâu sắc. Truyện ngắn Cao Duy Sơn trong mạch nguồn truyện ngắn các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại là một tiểu luận phê bình thiên về giới thiệu nét đặc trưng độc đáo của cây bút miền núi. Đọc truyện ngắn Cao Duy Sơn, màu sắc núi rừng, bóng dáng nhân vật, không - thời gian rất riêng, không lẫn vào ai. Chính tác giả của tiểu luận đã nhận xét rằng: “Tính từ năm 1984, khi truyện ngắn Dưới chân Nục Vèn lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo, cây bút văn xuôi sung sức Cao Duy Sơn có thể tự hào về những thành công trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình,…”. Như vậy, ngót gần ba mươi năm Cao Duy Sơn đã có một gia tài văn xuôi khá ấn tượng, gồm có năm tiểu thuyết: Người lang thang (1992), Cực lạc (1995), Hoa mận đỏ (1999), Đàn trời (2006) và Chùm ba nhà (2009) cùng bốn tập truyện ngắn. Tất nhiên, đề tài miền núi là nội dung chủ đạo trong các tác phẩm để làm nên một Cao Duy Sơn có những đóng góp nhất định cho dòng văn xuôi các dân tộc miền núi đương đại. Trong tác phẩm của Sơn luôn thấp thoáng bóng dáng của quê hương lũng Cô Sầu: “Cả đời tôi, sẽ vẫn là những cuộc khám phá về Cô Sầu với những con người miền núi chân chất” (Chữ Thu Hằng - Báo Văn nghệ tháng 11/2008). Với bút pháp dung dị để vẽ vào trang viết những con người dung dị của núi rừng một cách mới mẻ, sắc cạnh, có chiều sâu, độc đáo. Những phong tục tập quán, những trò chơi dân gian,… của vùng núi cao đã được tái hiện một cách sắc nét, phong phú và đa dạng. Và Cao Duy Sơn đã có duyên với nhiều giải thưởng. Năm 1997 giải thưởng của Hội Nhà văn với tập truyện ngắn Những chuyện ở lũng Cô Sầu. Năm 2002 với giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2003) với tập Những đám mây hình người. Tập Ngôi nhà xưa bên suối (2006 - 2008) lại được hai giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2008) và Giải thưởng Văn học Asean của Hoàng gia Thái Lan. Với Văn Xương, truyện ngắn tập trung vào đề tài chiến tranh và người lính. Một đề tài đã có thời hoàng kim của nó khi đất nước còn chiến tranh. Sang thời hậu chiến, đề tài này vẫn được các nhà văn chú ý nhưng ngọn lửa đã bớt hừng hực hơn. Những nhận định của Bùi Như Hải về ngòi bút truyện ngắn Văn Xương khá sắc sảo và tinh tế, lẩy ra được những vấn đề mà nhà văn muốn đưa đến cho bạn đọc. Cùng mạch nguồn ấy, Bùi Như Hải cũng đã dành những trang phê bình cho truyện ngắn Cao Hạnh. Đề tài chiến tranh và người lính thời hậu chiến đã có một tượng đài Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, nhưng Cao Hạnh đã nối tiếp người đi trước để khai thác, tiếp nối đề tài này một cách trầm tĩnh, có chiều sâu. Qua các tiểu luận, chúng ta có thể nhận biết, Bùi Như Hải đã phần nào gợi mở hướng vận động của truyện ngắn Việt Nam đương đại qua phân tích, lý giải thế mạnh của từng nhà văn viết truyện ngắn, đề cập đến xu hướng “viết truyện cực ngắn” đang phổ biến hiện nay như là một nhu cầu tất yếu “vừa phù hợp với quy luật phát triển của cuộc sống vừa đáp ứng yêu cầu tự thân của chính văn học”, và đã góp phần vào công cuộc đổi mới của văn xuôi Việt Nam đương đại.

3. Có thể khẳng định, tập tiểu luận - phê bình Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam của Bùi Như Hải là một công trình có giá trị, nghiên cứu một cách tổng quát sự vận động, phát triển của văn xuôi Việt Nam đương đại với những phát hiện mới. Đặc biệt là thể loại tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn, đề tài đạo đức xã hội, đề tài gia đình,… đã và đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, của bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình văn học. Cuốn sách là một tài liệu hữu ích cho sự nghiên cứu về văn xuôi đương đại, khi mà bối cảnh nền văn học nghệ thuật nước nhà phải đối diện với nhiều cơ hội, nhiều thách thức trên các bình diện sáng tác, tiếp nhận lẫn nghiên cứu, lý luận - phê bình. Có thể nói rằng, Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam là kết quả của một quá trình nghiên cứu chuyên sâu về giá trị và tiến trình của văn xuôi bên cạnh các thể loại khác của văn chương hiện đại Việt Nam sau 1975, và đã mang đến cho giới phê bình văn học “một màu sắc mới”, góp phần vào đội ngũ những cây bút trẻ, viết phê bình bài bản, mang tính khoa học chuyên sâu. Tác phẩm xứng đáng được nhận giải B về Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

N.T.L.T
(TCSH387/05-2021)

-----------------------
“Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam”
, Bùi Như Hải, Nxb. Văn học, 2020.  



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngày hội thơ (19/03/2021)