Tác giả-tác phẩm
Phi Tân: Người nâng niu ký ức quê nhà
16:18 | 08/10/2021

PHẠM XUÂN DŨNG  

(Đọc tập sách “Bên sông Ô Lâu” của tác giả Phi Tân, Nxb. Lao Động, 2021)

Phi Tân: Người nâng niu ký ức quê nhà

Sau thành công của tập tản văn, tạp bút Ngoại ô thương nhớ, tác giả Phi Tân vừa trình làng đứa con tinh thần thứ hai Bên sông Ô Lâu cũng được độc giả gần xa hoan hỉ đón nhận và đồng cảm.

Chợt nhớ lại những tác phẩm tên tuổi viết về quá khứ như tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust hay bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ: “Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát...”. Và ký ức quê nhà qua giọng thơ cầu xin thật lòng đến thắt ruột của Nguyễn Bính: “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa!” Mông lung một chút để thấy rằng ký ức, nhất là ký ức chân quê có một nội lực bình dân mà thâm hậu, có lẽ chỉ có nó mới có thể đối chọi với sự quên lãng khắc nghiệt của thời gian. Ai vượt qua được thử thách này, người ấy hẳn sở hữu một tâm hồn giàu có, sống được nhiều cuộc đời trong một cuộc đời. Phi Tân may mắn thay, được số phận lựa chọn, là một người như thế.

Trong ký ức Phi Tân dường như an trú một nhà quay phim thiện nghệ và tận tụy. Người này luôn mắt thấy, tai nghe... đặc tả những gì cần thiết rồi qua “bộ lọc” của tác giả diễn đạt lại bằng ngôn từ bình dị và gợi cảm, thường không trùng lặp. Ví như trong tập sách trước, có bốn năm bài về tết, nay đến tập sách này sơ sơ cũng năm bài về tết: Cuối năm ngồi nhớ chợ quê, Chuyến xe đò cuối năm, Tết về nhớ bài tới, Mai nở ngày xuân và May trời còn cho tết. Chỉ đọc một đoạn văn sau đã thấy nao lòng: “Niềm hạnh phúc của tuổi thơ tôi là những lần đi chợ tết. Tôi nhớ những con bột xanh đỏ tím vàng bắt hình nải chuối, con vịt, con gà hay chiếc thuyền. Tôi nhớ ở hàng mụ Sói có treo mấy bức tranh vẽ mai lan cúc trúc và ở hàng mô cũng thắm màu những phong pháo mới... Và đến khi trong triêng gióng của mạ có đầy đủ màu cam của mấy củ cà rốt, màu xanh của trái su le và bắp cải, màu đỏ mọng của mấy trái cà chua và màu nâu của mấy tai nấm mèo... thì tôi thấy mạ đang gánh Tết từ chợ về nhà” (Bên sông Ô Lâu). Bất giác liên tưởng đến bài thơ giàu cổ điển “Chợ tết” của Đoàn Văn Cừ.

Hay trong “Những mùa Phật đản” lời văn nhẹ, khoan thai như tiếng chuông chùa xứ Huế, thủ thỉ những điều gần gụi mà tâm tình: “Tiếng chuông trống Bát nhã. Lời kinh cầu nguyện Đức Phật khoan nhặt gần gũi và những gương mặt thành tâm của những lương dân quê tôi. Mái chùa đã che chở hồn quê, cũng là bóng mát từ tâm cho bao người...

...Có những mùa Phật đản an hòa để Huế luôn là xứ sở bình yên trong tiếng chuông chùa hôm sớm. Để bảy đóa hoa hồng tỏa bóng trên dòng Hương mà ai ngắm nhìn đều như thấy được một chút bình yên...”.

Chuyện tết nhất, chuyện lễ Phật đản là chuyện lớn nên có thể có nhiều điều để nói nhưng ngay cả những đề tài, sự việc có vẻ quá “nhỏ nhặt”, thậm chí vu vơ, tưởng chỉ một vài câu là xong mà qua ngòi bút Phi Tân cứ xao động như thường. Tưởng chừng như kỷ niệm bời bời, cứ giắt sẵn trong túi quần túi áo, cần là lấy ra ngay, mọi thứ còn tươi nguyên và nóng hổi. Cứ nhìn những nhan đề bài viết thì sẽ rõ: Đụn rơm, Lũ vịt, Giếng quê, Con hói ở làng...

Thì như “đụn rơm” là chuyện thường ngày ở quê, nhất là ngày trước, ai cũng biết, quen thuộc đến không còn gì để nói, để bàn. Vậy mà tác giả cứ tỉ tê, từ chuyện cô gái nơi khác làm dâu xứ ruộng, nấu bếp bằng rơm không quen, lấm lem mặt mày, nay nấu bếp ga còn nhắc chuyện cũ, rồi chuyện có nhà lơ đãng để lửa rơm cháy lan suýt nữa cháy nhà khiến cả xóm một phen nháo nhác... rồi làng quê văn minh lên thì phải nên các đụn rơm ngày một thưa vắng, khiến người yêu quê không khỏi chạnh lòng và nhớ, nỗi nhớ xốn xang, trĩu nặng hơn rơm rạ rất nhiều...

“Rơm làm chất đốt cho người, làm thức ăn cho trâu bò, làm “chăn ấm” cho heo gà vịt trong những ngày mưa gió. Rồi rơm ủ lên những vồn ném, kiệu, hành, ngò, cải... che mưa và ủ ấm đất cho hạt củ ươm mầm. Những luống rau vườn nhà được khoác chiếc áo vàn rơm rạ cuối đông; để chừng sang xuân thì thay áo mới màu xuân mơn mởn.

Mà cái đụn rơm ở nhà quê ấy là cả một không gian cho lũ con nít chơi trò trốn tìm quanh quẩn hay có những cặp trai gái quê hẹn hò nơi rơm rạ mà nên vợ thành chồng... Cứ nhớ khi cái đụn rơm vơi dần, vơi dần biến thành hình như chiếc dù to là biết mùa màng sắp tới”.

Thì ra rơm rạ cũng ủ ấm hồn người, cất giấu bao kỷ niệm vui buồn của làng quê lam lũ mà yêu dấu. Rơm rạ không phải vô tri mà cũng như người, ẩn chứa linh hồn!

Hay “Ngư cụ nhà nông” của cư dân lúa nước, ruộng và sông liền nhau nên các đồ nghề đánh bắt cá tôm cũng nhiều hình nhiều vẻ, từ cần câu cho đến chơm cá, dẹp cho đến bộ tròn trào... gắn bó như chân với tay những thợ cày, nhất là những lão nông tri điền, nhìn ruộng, nhìn nước là biết nơi nao nhiều tôm cá. Nhưng rồi những biến cải cuộc đời khác xưa, nhiều chuyện chỉ còn là kỷ niệm.

“Mùa mưa lại về. Ông ngồi uống trà, ngắm những ngư cụ thân thương mà buồn. Cái cảnh hàng chục người vác chơm ra ruộng bắt cá ở làng ông chừ không còn nữa. Những phương tiện đánh bắt cá bằng điện, bằng máy móc hiệu quả hơn nhưng cũng tận diệt môi trường, làm cho cá đồng quê ông ngày một cạn kiệt dần. Cái chơm, cái oi, bộ tròn trào gần gũi với đời sống của nhà nông năm nào cứ thế hiếm dần và chắc không lâu nữa chúng chỉ còn là ký ức...”.

Chuyện cây tre Việt Nam bao người đã nói, có người đã viết rất hay, tưởng chẳng có gì mới hơn để tốn thêm bút mực. Nhưng không, Phi Tân vẫn có tre của riêng mình khi anh viết “Những bờ tre của tôi”. Sau khi nhắc lại nhiều chuyện sau lũy tre làng, theo kiểu dân gian hay ví von nói “chuyện cây mang sang cây khế” của tản văn, tạp bút, kể cả thành ngữ đánh giá giàu nghèo: “Đêm nghe chó, ngày ngó tre”, tác giả nhắc lại những kỷ niệm êm đềm và cả những biến cố sinh tử của đời người nương tựa lũy tre mà qua kiếp nạn thiên tai lũ lụt.

“...Tôi vẫn thích nhất những căn nhà ở làng quê được bao bọc bởi những bờ tre cạnh những thửa ruộng. Khi lúa chín vàng thì đó là một bức tranh thôn dã hiền hòa, trù mật. Ngày mùa, nông dân gặt lúa ngồi nghỉ mát dưới bóng tre. Người nông thôn từ bao đời nay đã biết ơn những bờ tre che chắn. Tôi còn nhớ cơn lụt lớn 1983, ba tôi đã bám vào những thân tre để bồng bế bà nội và lũ con đến nơi tránh lũ. Khi nước rút rồi, những vật dụng trong nhà trôi ra vườn đã được bờ tre giữ lại cho người...”.

Phi Tân là người có tài quan sát, lại có một bộ nhớ tốt nên bài viết của anh thường ngồn ngộn chi tiết, tươi rói kỷ niệm, tuôn trào từ ký ức. Phải là một người hiểu quê và yêu quê nhiều lắm mới nặng lòng đến vậy và nhất là tạo được một cảm quan và giọng điệu của riêng mình. Viết lách mà khiến cho người đọc mến yêu, hâm mộ và nhớ đến là chuyện không dễ gì làm được, kể cả với bao người lăn lộn nhiều năm theo văn bút.

Xứ Huế vốn là nơi thu nhận, vun bồi và dung dưỡng nhiều cây bút tài hoa. Nhưng tìm cho mình một lối đi không lẫn với ai khác như Phi Tân là chuyện tốt lành, thú vị thật tình ghi nhận. Nên luôn mong anh vẫn cứ chính mình.

P.X.D
(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng