Tác giả-tác phẩm
Giấc mơ bay từ phận chữ
09:29 | 13/10/2021

NGUYỄN THANH TRUYỀN

Ấn tượng của tôi về Nguyên Hào bắt đầu từ một đêm thơ gần 20 năm trước. Lần đầu tiên đọc thơ trước đám đông, dáng vẻ vừa bối rối vừa tự tin, anh diễn giải và đọc bài “Rượu thuốc”: “Ngâm ly rượu trong/ Thành ly rượu đục/ Đắng tan vào lòng/ Ngọt trong lời chúc”.

Giấc mơ bay từ phận chữ

Đó là ấn tượng về thơ của một người thâm trầm, khá sâu sắc. Từ sau lần ấy, cứ tưởng anh không mấy mặn mà với thơ. Nhưng, đúng như quy luật sáng tạo, người chẳng bỏ nổi thơ mà thơ cũng chẳng bỏ người, trong cõi chữ, Nguyên Hào vẫn nuôi “giấc mơ bay” từ “phận chữ”.

Tập Giấc mơ bay (Nxb. Hội Nhà văn, 2020) ghi dấu chặng đường sáng tạo đã qua của Nguyên Hào. Tập thơ là nơi gói nén/mở ra những cảm xúc, chiêm nghiệm về chữ, về thơ, về mẹ cha, về tình yêu, về quê hương bản quán, về nhân sinh.

Sự nghiêm túc với thơ của Nguyên Hào bắt đầu bằng những suy tư về phận chữ. Phàm là người có nợ với thi ca, ai cũng suy tư về chữ. Bằng cái nhìn của một thi sĩ, Nguyên Hào thấy cõi chữ như cõi nhân gian, chữ như là chúng sinh, phận chữ cũng như thân phận chúng sinh. Đây là liên tưởng phảng phất màu thiền nhưng đẫm vị đời. Chữ trong đời sống là chữ của ngày thường, là tài sản dùng chung của tất thảy mọi lớp người, ngồn ngộn “vô hướng”. Chữ trên trang viết cũng “lầm lũi trong chuyến di cư vô hướng/ trước thời khắc chịu ngòi bút/ xuyên treo”; chữ không tự quyết định được số phận, luôn lệ thuộc vào “ai đó”, lệ thuộc vào kẻ ghép/dùng chữ. Cho nên, phận chữ cũng “đa hình hài, tên gọi”. Phận chữ tội nghiệp, bởi ít khi được là chính mình, thường chữ chỉ là phương tiện trong tay kẻ viết! Kẻ viết háo danh thì dùng chữ “để tụng ca chính họ”. Kẻ viết nhỏ nhen, đê hèn thì dùng chữ để “hạ danh một vài người”. Tâm niệm chữ là sinh ngữ, là những sinh linh nên Nguyên Hào trăn trở: “Nhân loại nghìn vạn năm sau/ ai người khai sáng hồn chữ?” (Phận chữ). Vào cõi chữ, cõi viết như vào mê lộ, không chừng kẻ viết chỉ nhặt và phơi lên trang viết toàn xác chữ, nếu quên mất “Những con chữ chờ phóng sinh…” (Mê lộ chữ). Với Nguyên Hào, kẻ viết đích thực là kẻ ký thác tâm hồn mình, ký thác thân phận mình vào chữ, “khai sáng hồn chữ”, tạo sinh cái tinh túy tự nhiên của chữ.

Từ nhận thức và tâm niệm về chữ, Nguyên Hào ấp ủ giấc mơ dựng nên một thế giới riêng của chữ và vượt ra ngoài chữ. Tự phác họa đường thơ của mình, Nguyên Hào chia làm hai giai đoạn: “trước mơ bay” (thơ tuổi xanh) và “giấc mơ bay”. Giấc mơ ấy có từ thời “Tuổi xanh tôi chở câu thơ cõi còm”, và không ít lần thi sĩ giật mình nhận ra mình lạc vào “mê lộ chữ”, “Câu chưa chạm đích câu về chốn nao?”, nhưng tâm tư nặng nợ với thơ không thôi khắc khoải, dù cho “Cũ mình dưới bóng tiền nhân” vẫn “Buông câu lục bát tần ngần nẻo mơ” (Nỗi niềm lục bát). Khi đối diện nhiều với thơ, thi sĩ bừng ngộ, nhận ra cần mình thay đổi, cần vượt thoát “Giọng thơ thuở ấy còn vang/ Chưa buông bỏ/ chút đa mang…/ nặng mình!// Bút nghiêng vài độ vô minh/ Câu thơ còm chữ/ vô hình trước Tâm” (Trước mơ bay). Dùng hình ảnh con chim non tập bay, Nguyên Hào liên tưởng về giấc mơ của chính mình bay trong cõi chữ: “Chú chim non/ bay bay/ sau nhiều ngày vỗ cánh// Dưới kia/ Chiếc tổ ấm êm/ bao lần từng là miệng vực/ trước những cú tập nhảy bất thành// Ôi lằn ranh/ giữa thực và mơ…”. Phải mất “nhiều ngày vỗ cánh”, vượt lên chính mình, vượt lên trở ngại, vượt những thử thách và nguy cơ, dám thực hiện “những cú tập nhảy bất thành” để rời bỏ chiếc tổ ấm êm, chú chim non mới có thể “bay bay”… Kẻ viết nhìn chim bay, chiêm ngẫm về lằn ranh mong manh “giữa thực và mơ”, giữa an trú và bay cao, giữa cầu toàn và đột khởi, giữa yên phận và trở trăn, giữa mòn cũ và sáng tạo: “Trên kia/ trước tầm nhìn tôi hạn định/ chú chim non như một chấm nhỏ/ vút cao/ thỏa chí/ giấc mơ chạm chân trời/ không lưới giăng” (Giấc mơ bay). Cánh chim bay đã đánh thức giấc mơ bay của chữ. Những suy tư của Nguyên Hào về thơ đã bộc lộ khát vọng sáng tạo của một người thơ kiệm lời.

Bay cùng chữ, như nhiều người viết khác, thơ Nguyên Hào cũng bắt đầu bằng việc chuyển tải những vang hưởng từ những cảnh sống quen thuộc, đặc biệt là những vang hưởng từ ký ức. Có những nỗi quê rưng rưng, thiết tha xúc cảm: “Nhớ những con đường gót trần em qua/ Yêu những dòng sông trong vời con nước/ Muôn ngõ hồn đậm bóng mẹ cha” (Tĩnh mình). Có những niềm thổn thức, “mòn ký ức” vẫn không nguôi nhớ tiếc cái tình thơ lỡ làng mà trong trẻo tinh khôi: “Còn trong trang viết ngày thơ/ cành xoan ép vội/ chưa khô lời thề” (Khắc khoải tháng ba). Để rồi, “Tôi giờ ngồi vịn giọng đàn/ phổ câu lục bát/ âm lan điệu buồn” (Lục bát tình) hay “Cõi tình/ chưa hết ngu ngơ/ Chiều nay/ giăng mấy câu thơ lạc vần…” (Chiều, rượu và thơ). Tuy nhiên, những bài thơ đáng đọc nhất của Nguyên Hào không phải là những bài nghiêng về trực cảm như vừa nhắc.

Nguyên Hào vốn ưa trầm mặc, suy tưởng nên thơ anh thường gây được ấn tượng khi anh hiển lộ nguyên hình cái “tạng” của mình trong cõi chữ - nghĩa là khi rung động chuyển thành suy tư, cảm xúc hóa thành chiêm nghiệm, đa ngôn náu mình vào vô ngôn, chất đời lắng đọng. Khi Nguyên Hào dụng tâm nén chữ, nén ý, gửi ý tứ vào thi ảnh, nói bằng thi ảnh thì có thể anh có thơ hay. Cõi chữ riêng của Nguyên Hào được thiết lập theo hướng ấy. Ta gặp ở “Ký ức biển” những ký ức khúc xạ qua chiêm ngẫm, đẹp đến ngỡ ngàng, cho thấy quê hương đã hóa thành máu thịt, thành linh hồn người viết: “Cuống rốn tôi được sát trùng bằng nước biển/ Tấm lưới cha đan hứng tiếng khóc/ sự giao hòa đầu tiên của sinh linh/ với biển mặn mòi.// …Đôi khi/ cơn thủy triều chụp lấy tôi/ Trong giấc ngủ chập chờn tấm màn như tấm lưới/ chiếc giường như chiếc thuyền/ Ký ức tiền định, thiên di…”. Ta gặp ở “Rubik” nhịp lục bát trộn lẫn hài hòa tư duy và xúc cảm, tưởng tưng tửng bất ngờ mà sâu lắng, dư ba: “Đời xoay ta nhuốm khóc cười/ 1 xanh hy vọng lấp 10 khổ đau// Em xoay tình/ hướng độc màu/ lọc 2 tim đỏ/ trao nhau trắng ngà// Bao lần ngồi tự xoay ta/ Thân buông…/ dần hết xót xa phận người”. Ta gặp ở “Tháp Pisa” niềm vui sáng tạo của thi sĩ qua cái nhún vai rất Nguyên Hào khi nắm bắt được một tứ thơ đột khởi, như đồng cảm với ngọn tháp vô tri khi ngộ ra một ứng xử an nhiên của tháp với cõi người: “Kết một khối tròn/ ngại cắm sâu - đau mình cát/ năng lượng tâm cân bằng trọng lực/ chưa nhờ ai ghé sức/ bóng đổ mòn thời gian// Trước tầm nhìn du khách/ ngạo nghễ/ Pisa chỉ là nhún vai/ nghiêng mình”. Ta gặp ở Những cơn mê bao suy cảm trùng điệp, chồng lấn có giá trị lay thức thiên lương:“Những cơn mê/níu tầm nhìn/uốn cong hoài niệm//Những cơn mê/ve vuốt nơ-ron thần kinh/khúc xạ tư duy//Những cơn mê/nhào nặn hiện sinh/bôi trơn cảm giác//Những cơn mê/ từ cái đầu rất tỉnh/ và tim đang ngủ vùi”. Ở Lòng biển, thoạt trông ngôn từ như miêu tả ngoại cảnh mà kỳ thực đã mang chở trọn vẹn thế giới nội cảm của nhà thơ, nhờ sự ký thác tinh tế tình yêu thiên nhiên và khát vọng sống cao đẹp: “Vai trần cõng thuyền xuôi ngược/ Nhấp nhô xiêu tấm lưng còng// Ngàn năm chuốt từng sợi sóng/ Dệt thành cát trắng mênh mông// Hóa hơi tan thành thinh vắng/ Gửi mây một chút mặn mòi// Muốn kết thành băng lóng lánh/ Tặng trời một tấm gương soi”. Cùng hấp lực, cùng đem lại cảm giác thú vị cho người đọc như những bài thơ vừa điểm qua, còn có thể kể đến những bài thơ ngắn của Nguyên Hào - những bài thơ tối giản, vừa cô đặc vừa gợi mở: “Tôi là giọt lớn/ vơi cô đơn cùng ai?” (Tự sự biển), “Lắng thêm tiếng chuông chùa/ Tâm đổ bao hồi chuông” (Đồng vọng), “Trẻ ngọng nghịu tập nói/ Người lớn thoải mái phát ngôn/ Ai sai nhiều?” (Lập ngôn), “Muốn rực rỡ/ hay anh đang tự đốt mình?” (Gửi mặt trời),…

Khi “Đối diện thơ”, khát vọng của Nguyên Hào là khẳng định dấu ấn có ý nghĩa của mình, “góp thêm tiếng lòng vào nhân loại/ vẫn còn chút Ta”. Với thi tập Giấc mơ bay, Nguyên Hào có được niềm vui sáng tạo ấy bởi anh dần định hình một lối viết và chính thức trình làng những tứ thơ đem lại nhiều cảm nhận, suy tư mới mẻ cho người đọc, làm thay đổi cách nhìn và cách ứng xử của người đọc về thế giới chúng ta đang sống. Tôn thờ những giá trị cao đẹp, Nguyên Hào có lực cảm xúc dồi dào, nhãn quan nghệ thuật nhạy bén và luôn nung nấu “khai sáng hồn chữ”…

N.T.T
(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng