Tác giả-tác phẩm
Hóa vàng cả gió…
10:34 | 17/11/2021

PHẠM XUÂN DŨNG    

(Nhân đọc tập thơ “Hóa vàng đi Tường” của Phạm Nguyên Tường, Nxb. Thuận Hóa, 2021)

Hóa vàng cả gió…

Tình cờ đọc hai bài thơ của Phạm Nguyên Tường mới đây trên Tạp chí Sông Hương, mượn cách nói của truyện chưởng Kim Dung, tôi nhắn tin cho anh nửa đùa nửa thật: Thơ trường phái cổ mộ! Và như một cơ duyên, tôi được đọc tập thơ mới nhất của Phạm Nguyên Tường trước khi xuất bản thì thấy cảm nhận của mình không đến nỗi vô lý. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng, cũng không biết nữa.

Tường vẫn là Tường của gần ba mươi năm trước, khi gây tiếng vang trong sinh viên bằng một giọng thơ lạ: “Thơ đến lúc cũng giở trò bội bạc/ Huống hồ em xa quá triệu tầm tay/ Ta với tới một vì sao đẫm ướt/ Thề không sáng nữa đêm nay...” (Thuở xa em). Nhưng ngay từ buổi đầu hồn nhiên và tươi mới ấy cũng đã báo hiệu một điều gì khác: “Phải chiếc lá vừa rơi xoay theo chiều mộng mị/ trước mặt mình như một quẻ âm dương?” (Đêm một mình). Và hành trình thơ, nhất là đến lúc này đã thực chứng những gì từng là linh cảm. Ngay cả tên tập thơ cũng đa nghĩa và bí hiểm, dù rằng không có bài thơ nào trong tập có tên như vậy và vẫn có cách giải nghĩa nhan đề theo hướng khác. Đây là một câu thơ của anh trong tập. Một tập thơ âm tính!

“Dễ hiểu” nhất trong tập thơ này cũng chỉ vài bài như: Giếng rồng, Chỉ dẫn trên đảo Cồn Cỏ, Đám lá tối trời, cho thấy tác giả vẫn không hề đoạn tuyệt với lối viết trước đây của mình, những bài thơ đã từng được nhiều bạn đọc gần xa yêu mến. Có điều thơ vẫn hay nhưng tiết chế hơn và cũng điềm tĩnh hơn. Bài đầu hai khổ, tám câu và hai câu cuối mỗi khổ đều bất ngờ thi vị: “Nước từng tắm táp tổ tiên/ Vừa từ trăm trứng nở nên đồng bào/ Giếng sâu vọng một âm xao/ Bốn ngàn năm níu dây gàu dưới tay/ Tôi về lạy Tổ chiều nay/ Xin gàu nước tắm về ngày nguyên sơ/ Đồng bào rời rã Âu Cơ/ Tôi còn vỏ trứng bên bờ giếng xưa”. Hay từ chỗ câu trước tả thực như văn nói, câu sau đã mở rộng trường liên tưởng bất ngờ, ưu tư trĩu nặng đến rùng mình: “Bến Nghè xưa “nơi tập kết hàng, vũ khí”/ Nơi nào tập kết máu xương?” (Chỉ dẫn trên đảo Cồn Cỏ).

Nhưng hầu hết những bài thơ trong tập này đều không “dễ hiểu” và thường chứa đựng nhiều ẩn ức ám ảnh, những suy nghiệm của quán chiếu tâm linh thể hiện một sự nỗ lực tìm tòi, khai phá và sáng tạo, tự làm mới mình của Phạm Nguyên Tường. Còn-mất, sống-chết và cả những hóa thân trong cõi phù hư với những “khoảng lặng” đằng sau câu chữ đã xuyên suốt tập thơ. Ngay cả khi đứng trước nơi từng thảm sát ở miền Tây Nam Bộ cũng đã ngậm ngùi hoài cảm về phận số bàn-cờ-người-thế-sự chẳng thể đổi thay trong tiếng vọng của binh đao ngày trước: “Bàn cờ tướng khắc trên sân nhà cũ/ Sắp sửa chìm xuống vàm Khâu Băng/ Những người đánh cờ lo chạy nước/ Cửa biển mênh mông sông hạ thủ bất hoàn.../ Tôi đứng bóng một bàn cờ sạt lở/ Những cồn bãi mất đi những cồn bãi thành hình/ Những người chết đi những người mới sống/ Hạ thủ bất hoàn những con nước phù sinh” (Đứng bóng). Nếu ai biết đánh cờ tướng sẽ thuộc câu cửa miệng của các kỳ thủ: hạ thủ bất hoàn (nước cờ đã đi không thể hồi lại, không thể đổi thay) mới thấy hết trớ trêu, tàn nhẫn và oan khiên trong chinh chiến; nên có những điều thật kinh khủng, dù vô tình hay cố ý trong lịch sử và đời thường đã diễn ra là chẳng thể nào thay đổi, không bao giờ, dù thành tâm đến mấy, một khi đã đi thì như nước cờ kia là: hạ thủ bất hoàn! Để thơ hôm nay đến đây chính ngọ lập đàn tràng.

Ngay bài Một hơi gió cũng có vẻ dễ hiểu nhưng tác giả đưa vào yếu tố lạ như “màu chàm hờn”, “xanh hờn chàm” khiến bức tranh biên viễn Tây Bắc gợi nhớ chuyện đã qua nhiều năm trước về chiến chinh não nề, ai oán. Và câu cuối tưởng nhẹ nhàng nhưng lại dụng điển văn chương: “Tưởng nghìn năm đứng gió/ Nước sông xanh hờn chàm/ Tôi trộn cùng nước ấy/ Một thinh lặng khôn kham”. “Đời nhẹ khôn kham” là một tiểu thuyết của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera. Hai chữ cuối được hiểu là một mình chịu đựng không nổi, một ý niệm hiện sinh của tiểu thuyết này. Hiển nhiên đó cũng là kết cục tâm trạng thơ đã vượt quá xa ngưỡng an bình.

Phần còn lại là những bài thơ dồn nén, bí ẩn pha sắc màu kinh dị khiến người đọc ngạc nhiên và dẫn dụ họ vào mê lộ. “buốt buốt buốt quay tời/ giờ hành xác về rượt đuổi/ nghi lễ trắng cử hành/ những bông hồn u muội...” (Nghi lễ trắng). Không có cả những dấu câu, những chữ đầu viết hoa, tất cả đều bình đẳng và vừa tách rời vừa dính chặt vào nhau một cách cố ý. Cũng như trong bài Vạn thọ chữ nghĩa cố tình đánh đố khi các từ lên đồng giăng mắc nhau trong cơn hô ứng. Vạn thọ nhưng chắc gì đã không chạm mặt sinh tử có khi tan chảy như một que kem đường phố. Lối viết tự động nhập vào bút pháp tân hình thức:

Dòng người cuộn trôi
từng động cơ gầm rú
đùi cằng mắt kiếng cổ cồn bóng hình “hàng hiệu”
... sống một chiều đi
một chiều mắt
tình một chiều liếm
kem một chiều chết một chiều…


Còn với bài Rượu cúc võ thìn là một khúc thơ tân hình thức miên man dù chỉ gói gọn trong 50 chữ chừng như nhớ thất tuần của người đã khuất, dù rất ngắn, nhưng cũng tràn ngập nỗi niềm và dư âm dư vị.

rượu lúc cúc vàng hơi võ
thìn một thành cổ kiêu bạc
vần vũ tóc không dài hết
tiếng cười khan rũ một chiếu
thơ ngoài giang hồ rượi mấy
manh đời tụ bạ mai mốt
có người về thị xã khóc
giùm mắt rượu một giọt cúc
vàng hoe


Hay trong bài Ẩm mục thác gợi đến linh sơn Bạch Mã thì không chỉ dừng lại ở tân hình thức mà còn toan đưa thơ vào mật thất bất khả tri với những ký hiệu ngữ nghĩa tối giản và nhiều khi tối om, cố tình chặt bớt nhiều đoạn dây liên tưởng trong tư duy thông thường, đưa người đọc vào một cuộc phiêu lưu bí hiểm và mạo hiểm. Ám ảnh về sự chết cũng tối mờ trong bóng-đêm-thơ. Nhưng chết không phải là dấu chấm hết, mà có thể đó bắt đầu cho một sự tái sinh. Nhưng đó cũng chỉ là cảm nhận mơ hồ và phán đoán...

Tiếng hát ma mị của hoa đỗ quyên
dẫn dụ thác
trườn thân rắn trò tiêu khiển con tin
mạo hiểm trò cô độc

 
thác đổ thác về
con tin ẩn cư tự nguyện
chôn chặt mắt người
vùng đệm thực bì ẩm chuyện

 
thác ẩn cư tự nguyện
vầng trán thanh xuân người
cách nào nhận biết
mùi lớp lớp chết sinh sôi
...
 

Xin dừng lại một chút ở thơ lục bát Phạm Nguyên Tường. Anh vốn sở trường và thành danh với thể thơ tự do nhưng ở tập thơ này lại xuất hiện một người thơ sáu-tám có nhiều mới lạ. Chưa kể một vài câu lục bát xen lẫn trong các bài thơ tự do, thuần lục bát có đến sáu bài. Nếu thơ lục bát với ràng buộc khúc thức dễ làm, khó hay thì ở tập thơ này cảm giác thi nhân đã vượt qua được lực hút của gia tốc trọng trường thể thơ truyền thống. Nó không thể làm khó anh mà trái lại, anh đã làm chủ, tạo nên giọng điệu riêng cho mình, cả trong lục bát (giếng rồng, em khùng cười, Ngư Mỹ Thạnh, Mẹ Huệ Nam, Bến sông, Bài thất thủ mới). Không hiếm những câu thơ khá lạ, hay và bất ngờ: “Mặt người chìm lên gió mưa/ Người đầm hoang tiếng chuông chùa co ro”; hay: “Người tanh tiếng thở muôn trùng/ Dựa lưng cô miếu thờ chung một đầm” (Ngư Mỹ Thạnh); hoặc giọng thơ mềm mại ca dao nhưng ý tứ, câu chữ mới mẻ: “em khùng đổ bộ xuống sông/ lời cười ráo hoảnh lấy công làm lời” (em khùng cười); hay: “Tôi ngồi đây được bao giờ/ Bến sông ở đậu ăn nhờ can qua/ bao giờ khóc hết phù sa/ sông đem nước ấy qua nhà trả tôi” (bến sông).

Nhưng ấn tượng hơn cả là hai bài Mẹ Huệ Nam Bài thất thủ mới. Bài trước tái hiện bằng thơ một lễ nghi nổi tiếng ở Huế gắn liền với điện Hòn Chén. Bài thơ run rẩy nhập đồng, cảm giác cơ hồ bàn tay phù thủy khiến xui đầy biến hóa: “tức trời gió nắng phanh thây/ nồm nam dã dượi ngáp đầy buồng tim/ đàn con hầu Mẹ trốn tìm/ hình vang động bóng nổi chìm trên sông...”, và khổ kết cũng như một hiến tế đọc lên bằng thơ, nhất là câu thứ hai, dễ làm người nghe nổi gai, ớn lạnh trước khi trở về lại với thực tại chang chang nắng lửa, khô khốc đời thường, tưởng chừng không chút tâm linh: “kiệu kèn rước hết một thôi/ mặt sông lỗ chỗ những lời chầu văn/ đàn hồn ở lại khó khăn/ huệ nam trơ một khô cằn là khô”.

Bài thất thủ mới liên tưởng đến Vè thất thủ kinh đô chấn động một thời với bao oan hồn được thờ phụng xưa nay ở Huế, đến hẹn lại lên. Bài thơ rất mực cô đọng, cực ngắn chỉ sáu câu nhưng ngôn từ dồn nén, bí hiểm, thậm chí còn luẩn quẩn vòng quanh mà thi tứ, thi ảnh thì ma mị, liêu trai: “một ngày chạy loạn kinh thiên/ hình nhân thế mạng tô-tem cô hồn/ thần kinh khoai cháo no đòn/ tay không thất thủ không còn tay không/ một đoàn mặt bắt hình dong/ rủ nhau đứng ngọ nhìn vong qua đường”.

Hóa Vàng Đi Tường là một tập thơ mỏng mảnh, vỏn vẹn 23 bài, nhưng lại được vật vã sinh thành từ công phu dụng tâm và dụng ngôn, đầy chiêm nghiệm sau những bước đời phiêu bạt. Thơ mỏng, rất mỏng nhưng không hề nhẹ, trái lại chứa đựng nhiều trọng lượng thi ca và dung lượng tư tưởng, một bứt phá với nhiều sáng tạo, dựng một cột cây số mới trên hành trình thơ Phạm Nguyên Tường. Chất thơ trong tập này vừa cổ điển lại vừa hiện đại, cũng phát tiết nhiều năng lượng tâm hồn âm u, phiền muộn vừa chín tới của một trung niên thi sĩ, nếm trải những phù sinh của những phận người.

bẩm sinh cơn thơ đốt
ngang trời

 
hóa vàng cả gió…
            (Tim có vấn đề)

Chuyện cũng bình thường, bởi người lạc quan nhất phải là người có năng lực nhân tính biết bi quan đúng chỗ. Thơ Tường, vì vậy đã đánh thức những người còn vô tâm, vô tính và hẳn là vắc xin thơ chữa căn bệnh vô cảm nguy hiểm vốn hay lây nhiễm.

Rất có thể tập thơ sẽ có nhiều hồi âm, sẽ gợi thức không ít suy ngẫm đồng cảm và cả những luận bàn, tranh cãi. Nhưng thôi, đó là chuyện của tác phẩm khi bước chân lưu lạc giang hồ. Những bài thơ lúc ấy sẽ quên đi mọi thứ, kể cả tác giả để trở lại với chính mình, bản lai diện mục, rồi lại ngập chìm trong sống, chết, nhớ, quên, buồn, vui... cũng như thân phận con người. Còn thi nhân ở lại hay tiếp tục lên đường thì thơ dường như không báo trước.

Nhưng ở một hay nhiều nơi nào đó, biết đâu vẫn có một đôi người, hoặc nhiều hơn, vẫn lặng lẽ đợi chờ thơ như chờ đợi một người bạn lâu ngày chưa gặp... Được vậy cũng là hạnh phúc cho một đời cầm bút.

P.X.D  
(TCSH392/10-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mộng Sơn (20/10/2021)