Tác giả-tác phẩm
Người nghệ sỹ không biết mệt mỏi
15:10 | 21/03/2022


YÊN CHÂU

Người nghệ sỹ không biết mệt mỏi
Nhà thơ Hải Bằng - Ảnh: tư liệu

Cứ nhìn một ông già 62 tuổi, tóc hoa râm, dáng người gầy gò, xương xẩu, ngồi bó gối trên chiếc ghế tựa, đợi từng giọt cà phê rơi tí tách, thỉnh thoảng lại khúc khắc ho, tiếp sau đó là những nhịp thở mệt mỏi, thật không ai dám nghĩ rằng đó là nghệ sỹ Hải Bằng làm việc miệt mài quên tuổi tác, ý chí lướt tràn cả trên sức lực của mình.

Trước tiên anh là một nhà thơ. Tuổi trẻ đầy khát vọng của anh gặp ngọn lửa kháng chiến trường kỳ. Anh hòa nhập ngay vào đoàn Vệ quốc quân, thuộc trung đoàn 101 mang tên trung đoàn Trần Cao Vân, tên của một nhà chí sỹ yêu nước thời Cần Vương bị Tây chém đầu một lúc với Thái Phiên. Hải Bằng cùng đồng đội vào từng chiến dịch. Anh viết báo, làm thơ. Bài thơ "Người nữ cứu thương" của anh đã nổi tiếng một thời. Sang thời chống Mỹ, bài "Cồn cỏ" được tặng giải cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Càng có tuổi anh càng say thơ, luôn luôn tìm tòi phát hiện. Hầu như không ngày nào anh không có những câu thơ mới, lấp lánh. Chỉ xin lấy một ví dụ thôi, riêng về đề tài mưa ở Huế, Hải Bằng đã làm đúng một trăm bài thơ tứ tuyệt. Mỗi bài một cảnh sắc, một tâm trạng, một thi hứng riêng. Anh tập hợp lại, in riêng thành tập thơ "Mưa Huế". Không tìm tòi say đắm không thể sáng tạo như thế được.

Đặc biệt anh có tài ứng tác. Tôi nhớ lần ấy Hội nhà văn tổ chức cho anh em văn nghệ sỹ miền Trung đi thực tế. Bữa ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Chí Trung cầm con cá mú trên tay, lấy ngay cá mú làm đề tài, thách Hải Bằng làm thơ. Chỉ trong tích tắc, mắt Hải Bằng đang âm u bỗng sáng bừng lên, tôi biết anh đã ứng tác được bài thơ tức thì. Ngay trong câu đầu, cách chơi chữ của anh đã làm tất cả anh em trong đoàn cười sảng khoái:

"Cá mú hay là cú má em"...

Thơ Hải Bằng tôi thích mảng thơ tâm trạng của anh. Phùng Quán có làm tặng Hải Bằng một bài thơ, bài "Chim biển". Có thể nói một bài thơ rất Hải Bằng. Hai câu Hải Bằng rất tâm đắc, tả con chim biển trong cảnh bão tố, nó nấp tránh gió trong bụi xương rồng trên cát:

"Thò ra e gió cuốn
Thụt vào ngại gai đâm".

Đụng vào tâm trạng, thơ Hải Bằng bao giờ cũng bâng khuâng, bâng khuâng của một nỗi niềm day dứt, thấm đượm trong đó một cái gì xót xa, nhưng vẫn găm chặt, nén chịu.

Anh viết:

"Theo cô Tấm đi hội làng giục giã
Bắt được chiếc hài mà chẳng dám cầm tay"...

Câu thơ như xuất thần. Không ồn ào mà thấm đậm. Giọng không lẫn vào đâu được. Ở một bài khác, anh cũng viết:

"Con chim tha rác trên cành phượng
Xây tổ hay là bỏ tổ đi?”

Gần đây, hiểu anh, nên đọc thơ là thấy Hải Bằng ngay lập tức. Hải Bằng thích câu cá. Có một thời cả năm trời Hải Bằng kiếm sống bằng nghề câu cá ở Quảng Bình, bây giờ đi đâu, trong túi anh cũng có bộ đồ câu. Anh bảo: "Cái thú nhất của câu cá là kiếm được cá, song quan trọng lại ở chỗ có thời gian để suy nghĩ". Có những câu thơ đắng nghét của anh bắt rễ từ mặt nước ao hồ ấy:

"Con muỗi vo ve từ mặt nước ao nhà
Không dám nhận mình là bọ gậy".

Nét rất đáng yêu trong thơ Hải Bằng là sự hóm hỉnh, tinh tế. Bao giờ anh cũng tìm được cái để cười cho cuộc sống thường ngày không mất đi vẻ hồn nhiên.

Đây là anh làm thơ tự trào, khi răng đã gẫy hết, đến bệnh viện lắp bộ răng giả:

"Nụ cười tươi nói răng nhà nước
Con mắt âm thầm lệ cá nhân”.

Sau gương mắt lặng lẽ, âm thầm của anh là một Hải Bằng sôi sục, lúc nào cũng như có lửa cháy trong tim. Phải chăng vì vậy mà anh rất dễ xúc động, và tâm hồn thơ nhạy cảm. Do đó nguồn thơ của anh ngày càng chảy xiết. Trong vòng năm năm nay, Hải Bằng cho in liên tục bốn tập thơ: "Hát về ngọn lửa", "Trăng đợi trước thềm", "Mưa Huế", "Thơ tình Hải Bằng". Đó là thơ đã trình làng. Số thơ và trường ca còn nằm trong hòm lưu trữ của anh nếu được in hết, phải được cả chục tập nữa.

Phải được chứng kiến Hải Bằng trình diễn thơ trên diễn đàn và đọc thơ cho quần chúng nghe mới thấy hết chất lửa trong trái tim nhà thơ ngùn ngụt đến như thế nào.

Anh lấy ngay hồn thơ của mình làm tuyên ngôn:

"Rồi đây tất cả là thi sỹ
Nhìn lại tay mình chỉ có thơ”.

Hải Bằng không chỉ làm thơ. Bên cạnh con mắt nghệ sỹ tinh tường, anh có đôi bàn tay tài hoa. Một Hải Bằng tạo hình bằng rễ cây và tranh vân gỗ của anh cũng nổi tiếng không kém gì Hải Bằng nhà thơ.

Một đống rễ cây cong queo, sần sùi, với người khác chỉ được một việc ấn vào bếp nhóm lửa, còn với Hải Bằng, anh cầm từng rễ cây lên, đặt nhìn nghiêng, đặt nhìn dọc, ngắm ngắm, nghía nghía, cắt đầu rễ này, chắp mẩu rễ kia, chỉ một chốc lát, đống rễ cây vô dụng ấy biến thành "con chó sủa trăng", "gấu tương tư", “vũ điệu của bầy cò"... Phải nói đúng rằng Hải Bằng đã phù phép thổi tâm hồn nghệ sỹ của mình vào những vật vô tri làm cho nó sinh động hẳn lên, hòa nhập ngay vào cuộc đời. Nhìn lên tường nhà anh, thấy cả một vườn bách thú phong phú và đa dạng. Con nào cũng có sức sống riêng của mình. Hải Bằng đóng hộp, đóng chuồng gửi vườn thú của ông sang Pa-ri được bà con Việt Kiều bên ấy hoan nghênh và đón tiếp nồng nhiệt.

Hai bàn tay anh đặt vỏ cây lên nền gỗ, lập tức ta có ngay một tấm phù điêu. Phù điêu văn nhân của anh, không cần giới thiệu một lời, khách nhận ngay ra, đó là phù điêu nhà thơ Xuân Hoàng, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sỹ Văn Cao... Hải Bằng tặng phù điêu cho chính tác giả. Đến sành sỏi như Nguyễn Tuân cũng phải giật mình mến mộ một tài năng tạo hình. Nguyễn đặt nó nơi trang trọng trong nhà làm kỷ niệm. Sâu lắng nhất có lẽ là phù điêu thiếu nữ Huế, mái tóc đen dài tha thướt, áo dài trắng tinh khôi, một chiếc nón trắng e lệ, đó chính là mảnh gỗ anh tình cờ nhặt được và đặt đúng vị trí cho nó. Khi chúng tôi đến thăm, gặp "thiếu nữ Huế", ai nấy đều bàng hoàng, cùng thốt lên câu thơ của Hàn Mặc Tử:

“Áo em trắng quá nhìn không ra”.

Riêng tranh vân gỗ của anh, khách nước ngoài rất thích. Đó là những tấm gỗ có vân tự nhiên, nhưng chỉ có con mắt của anh mới thấy được. Đưa về, anh cho đánh bóng và quét dầu bóng lên, thế là một bức tranh "như tranh sơn mài" được mọi người công nhận. Tính trừu tượng của những bức tranh này, làm cho tấm gỗ trở nên có giá.

Về hội họa, chúng tôi tưởng Hải Bằng chỉ có tài vẽ truyền thần. Đặc biệt là bạn bè cũ, từ thời chín năm, không còn một tấm ảnh trong tay, Hải Bằng vẽ từ trong trí nhớ, được bạn bè công nhận là rất giống, như trường hợp Hồ Vi chẳng hạn. Vẽ xong, Hải Bằng đưa bức vẽ cho ông Nguyễn Khắc Thứ, người bạn cùng thời thuở chín năm, Nguyễn Khắc Thứ thảng thốt kêu lên "Hồ Vi!". Có được một hình ảnh của Hồ Vi lúc này thật đáng quý biết chừng nào. Rất cám ơn Hải Bằng.

Song, rất lạ, trong vòng hai năm nay, Hải Bằng xuất hiện sừng sững giữa Huế như một họa sỹ vẽ tranh phong cảnh có tài, dù anh mới chỉ vẽ thuốc nước, nhưng tranh thuốc nước của anh rất giống tranh sơn dầu.

Cách đây một tháng, đến nhà anh, tôi đếm được 16 bức tranh lồng kính, còn 15 bức trần không có kính để lồng. Nay đến thăm anh, Hải Bằng khoe thêm 6 bức mới vẽ. Phải khẳng định rằng các bức sau càng đẹp hơn các bức trước. "Bờ lau”, "Ánh sáng phía bên kia", "Bến vắng", "Đường ra sông" đang là những bức được bạn bè khen là đẹp nhất, rất xứng đáng với hội họa. Đúng với tính cách trầm lắng của anh, gam màu xanh xám của Hải Bằng là thành công nhất, màu sắc không có góc cạnh, không chói lòa kia, xanh xám thôi, nhưng thăm thẳm như hồn anh.

Thơ, tạo hình, và cả những bức tranh của Hải Bằng xuất hiện, đột ngột làm chúng tôi bất ngờ; Không hiểu anh làm việc vào lúc nào mà các tác phẩm cứ ra đời, trình làng đều đặn đến thế.

Nói đến Hải Bằng, anh em chúng tôi thường nhắc nhau: "Phải đắm say, sáng tạo, sáng tạo không mệt mỏi như Hải Bằng".

Sức làm việc của anh thật xứng đáng với tấm lòng trân trọng của bạn bè.

10-92
Y.C
(TCSH53/01&2-1993)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng