Tác giả-tác phẩm
Truyện thơ Lục Vân Tiên viết bằng chữ Thái cổ ở Sơn La
10:34 | 07/07/2022


NGUYỄN THẾ

Truyện thơ Lục Vân Tiên viết bằng chữ Thái cổ ở Sơn La
Các tác phẩm Lục Vân Tiên ở Bảo tàng tỉnh Sơn La

Năm 2010, khi tham gia nhóm làm phần mềm chữ Nôm - Thái - Chăm, một đề tài khoa học của Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi và Phan Anh Dũng, chuyên viên lập trình được cử đi khảo sát và thu thập tài liệu chữ Thái cổ ở các tỉnh Nghệ An, Sơn La… Là người được đào tạo chuyên ngành về bảo tồn bảo tàng, hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, tôi đã được Cục Di sản Văn hóa cấp giấy giới thiệu đến Bảo tàng tỉnh Sơn La để thực hiện công việc. Đến Sơn La lần đó, tôi đã được các anh chị ở Bảo tàng giúp đỡ, có sự phối hợp của anh Cà Chung và chị Lò Mai Cương là những chuyên gia đang làm phần mềm chữ Thái ở Sơn La.

Trong lần khảo sát đó, tôi đã chú ý đến thể loại văn học người Kinh được viết bằng chữ Thái cổ đang được lưu giữ ở kho bảo tàng với những đề tựa (được ghi ở bìa bọc ở bên ngoài) như: Tống Trân - Cúc Hoa (còn được ghi là Túng Tân, Trạng Nguyên); Lưu Bình - Dương Lễ; Trương Viên, Hoàng Trừu… Đây là những truyện Nôm khuyết danh lưu hành trong dân gian từ xa xưa. Đặc biệt, truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng được phóng tác bằng chữ Thái cổ và lưu hành trong cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc.

Lần này, khi tham gia trại sáng tác do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ở Đại Lải, Vĩnh Phúc, tôi đã xin giấy giới thiệu của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đến Sơn La khảo sát lại những tác phẩm văn học của người Kinh viết bằng chữ Thái đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Bảo tàng tỉnh Sơn La, lần này tôi đã tiếp cận được nhiều bản viết tay bằng chữ Thái cổ của các tác phẩm văn học của người Kinh nêu ở trên và một số tác phẩm văn học có nguồn gốc, cốt truyện của Trung Quốc (được lưu truyền ở Việt Nam) như: Tam quốc, Chiêu Quân cống Hồ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài… Lần này tôi quan tâm hơn hết đối với tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được viết bằng chữ Thái cổ. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là người vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Tác phẩm Lục Vân Tiên là một truyện thơ chữ Nôm (viết theo thể lục bát), được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỷ XIX. Tác phẩm này đã được Trương Vĩnh Ký xuất bản lần đầu vào năm 1889. Lục Vân Tiên là một trường thi tiểu thuyết dài hơn 2000 câu, viết về trung hiếu tiết nghĩa; luân thường đạo lý của con người thông qua các mối quan hệ giữa vua tôi, cha mẹ và con cái, anh em, bạn bè, chồng vợ..., đề cao tinh thần chính nghĩa, cứu khốn phò nguy; lên án những thói hư, tật xấu của con người trong xã hội phong kiến thời bấy giờ. Qua tác phẩm Lục Vân Tiên, tác giả muốn gửi gắm ước mơ vươn tới lẽ sống chân - thiện - mỹ, con người được sống hạnh phúc trong một môi trường xã hội đầy tình nhân ái và công bằng…

Ngôn ngữ của Lục Vân Tiên mộc mạc, bình dị, chân chất mà thẳng thắn, đây chính là nét văn hóa riêng của người dân Nam bộ. Lục Vân Tiên là một truyện thơ hay viết theo lối kể chuyện, văn chương gần gũi với cuộc sống đời thường. Tác giả đã lột tả được nội tâm của từng nhân vật trong truyện một cách khéo léo, phân biệt rạch ròi giữa cái thiện, cái ác; đồng tình với thuyết nhân quả, phù hợp với tâm lý của người dân. Vì vậy, tác phẩm Lục Vân Tiên đã được lưu truyền rộng khắp vùng đất Nam bộ và Nam Trung bộ. Không ai ở vùng đất này không biết đến truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Văn chương bình dân trong Lục Vân Tiên đã tạo cho truyện thơ này nhanh chóng hòa vào dòng văn học dân gian Việt Nam và lan tỏa khắp các vùng miền trong cả nước.

Địa bàn tỉnh Sơn La nằm ở vùng Tây Bắc, cách Gia Định - Bến Tre (nơi ra đời của tác phẩm Lục Vân Tiên) khoảng gần 2000 km, nhưng từ hơn 100 năm trước, Lục Vân Tiên, tác phẩm đỉnh cao của văn học Nam bộ, đã lan tỏa tận đến vùng biên viễn của Tổ quốc. Nơi đây, tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã được phóng tác thành truyện thơ của người Thái. Truyện thơ Lục Vân Tiên bằng tiếng Thái đã được lưu hành rộng khắp trong cộng đồng dân tộc Thái bằng hình thức diễn xướng thơ (khắp xư). Từ đó tác phẩm thơ “phóng tác” Lục Vân Tiên đã nhanh chóng hòa nhập vào dòng chảy văn hóa dân gian của cộng đồng người Thái ở Việt Nam.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Sơn La đang bảo quản hơn 10 tác phẩm Lục Vân Tiên viết bằng chữ Thái cổ với nhiều tên gọi như: Quám(1) Vân Tiên, Lục Vân Tiên, Vân Tiên… có tập được đóng gộp chung với truyện Trạng Công; Hoàng Trừu, Chiêu Quân… Các tập Lục Vân Tiên ở đây được viết trên giấy dướng và giấy dó với nhiều khổ giấy khác nhau: 14 x 24cm, 16 x 29cm, 21 x 21cm, 27 x 34cm, 20 x 26cm, 15 x 27cm, 21 x 34cm, 15 x 24cm…, dày nhất là tập Quám Vân Tiên mang số hiệu GI 128, viết bằng giấy dó mỏng, khổ 16 x 29, 170 trang. Như vậy, tác phẩm Lục Vân Tiên và một số tác phẩm văn học người Kinh khác viết bằng chữ Thái cổ đã từng được người dân sao chép thành nhiều bản và lưu hành rộng khắp vùng Tây Bắc.

Gần đây, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Sơn La đã xuất bản tác phẩm: Truyện thơ phóng tác dân gian Thái vùng Tây Bắc Việt Nam(2) của Lò Thanh Hoàn, gồm 2 tập là việc làm đáng trân trọng. Tập I của sách này có giới thiệu tác phẩm Quám Vân Tiên, phóng tác từ truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Truyện thơ Lục Vân Tiên viết bằng chữ Thái cổ, lưu ở Bảo tàng tỉnh Sơn La



Tác phẩm phóng tác để sử dụng trong diễn xướng thơ thường có câu dạo đầu khi trình diễn: “Làm quan lớn, hãy biết chăm lo cho đất nước và làm theo luật lệ vua ban”, sau đó mới đi vào phần nội dung chính. Mở đầu diễn xướng, người ta thường tạo sự hấp dẫn cho người nghe bằng một đoạn thơ có nội dung tình tự, ướt át:

“Giờ xin kể về một tạo(3) chàng tên là Lục Vân Tiên ấy,
Tạo theo thầy học đã ba thu đầy tháng,
Đã thông thạo luân lý văn chương,
Tạo nghe nói vua lớn mở khoa thi kén chọn,
Trong lòng nghĩ thời làm quan chức trọng đã đến rồi,
Tạo mới đi xin thầy được đi thi,
Nhưng trong lòng lưu luyến một cô nàng,
Tạo tìm đến nói lời ly biệt,
Anh thương em nhưng giờ phải chia tay mỗi người một phương,
Nếu như có thương thật thì nàng hãy viết vài dòng chữ.
Khi ấy tạo nói rồi nàng liền cầm bút viết thành thơ,
Nét chữ đẹp khác nào then đúc,
Như hoa đào nở ngoài vườn ngào ngạt thơm hương:
“Sau này nếu được làm quan có quyền cao chức trọng,
Đừng quên người tình nghĩa sẽ đến nương nhờ chàng nhé”
Đưa đến tận tay cho chàng đón nhận,
Nỗi vui dâng trào bật thành tiếng tơ lòng trao hẹn:
“Rằng xin thề với đấng thần ở trên trời cao,
Đến khi nào then bun làm trời đông rực sáng,
Anh sẽ xin được cưới em để được sóng đôi em hỡi”.
Khi ấy tạo cũng viết xong rồi cầm đến trao em,
Nói chuyện xong rồi hai người thề khấn,
Mãi mãi bên nhau nghĩa ta đừng bỏ,
Tạo kéo nàng về dang vòng tay ấm áp,

Yêu thương nhau mà nước mắt tuôn trào…”

Tiếp theo là phần nội dung chính của tác phẩm, người phóng tác vẫn cố gắng bám sát cốt truyện để cho người thưởng thức hiểu biết đầy đủ nội dung của nguyên tác:

… …
“Lục Vân Tiên nhận được thư cha là Lục công,
Giục chàng nhanh nhanh quay lại về nhà,
Số không may mẹ chàng đã mất,
Bỏ chồng con lên với tổ tiên,
Tin buồn quá Vân Tiên nằm vật vã khóc than,
Gọi người hầu đến gần cùng chia sẻ
Tôi mong được chức trọng để mẹ cha nương tựa không có,
Lại buồn đau đến nỗi tang thương
Tạo như người chết đi một nửa,
Tạo khóc nhiều đến nỗi mù cả hai mắt”…

Truyện thơ mang tính tự sự, ngôn ngữ truyện thơ giàu hình ảnh và nhịp điệu, dễ đi vào lòng người. Phần lớn cốt truyện của các truyện thơ Nôm người Kinh đều có 3 trường đoạn: gặp gỡ - biến cố - đoàn viên, với kết thúc có hậu theo thuyết nhân quả ở hiền gặp lành/ở ác gặp ác; “ác giả ác báo”… Đây là những cốt truyện phù hợp với tâm lý của đồng bào dân tộc Thái và cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Anh Cà Chung, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Sơn La đã trao đổi với tôi rằng: “Người Thái có chữ viết riêng từ lâu đời. Với lại từ xa xưa họ đã có thói quen kể chuyện bằng diễn xướng thơ. Phong trào sáng tác thơ, truyện thơ (của người Thái) đã phát triển khá sớm, song các nội dung (cốt chuyện) của dân tộc Thái không đủ thỏa mãn sức sáng tạo của họ. Vì thế, họ đã tìm đến cốt chuyện của các dân tộc khác”.

Những tác phẩm truyện Nôm tiêu biểu của người Kinh đã được người Thái phóng tác gồm: Nhị Độ Mai (Quám Mai công), Tống Trân - Cúc Hoa (Túng Tân, Chãng Nghiên, Trạng Nguyên), Hoàng Trừu (Trạng Tư), Lục Vân Tiên (Quám Vân Tiên), Truyện Thúy Kiều (Quám Thư Kiêu, Thư Cẫu), Phạm Công (Phạm Tải - Ngọc Hoa), Lưu Bình - Dương Lễ, Trương Viên…

Khi đọc tóm lược cốt truyện ở một số tác phẩm truyện thơ phóng tác bằng chữ Thái cổ đang được bảo quản ở Bảo tàng tỉnh Sơn La, tôi thấy một số truyện thơ có ghi niên đại như: Lưu Bình - Dương Lễ viết vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824); Trạng nguyên (Tống Trân - Cúc Hoa) viết vào năm Tự Đức thứ 19 (1866)… Như vậy, người Thái đã phóng tác truyện thơ Nôm của người Kinh cách đây gần 200 năm và có thể sớm hơn. Truyện thơ phóng tác bằng chữ Thái đã được cộng đồng người dân Thái ở vùng Tây Bắc đón nhận, yêu quý trân trọng như các tác phẩm thơ chính thống sáng tác theo cốt truyện của người Thái từ xa xưa như: Khun Lú - Nàng Ủa, Sống chụ son xao, Tàn chụ sống sương…

Ngoài tác phẩm Lục Vân Tiên được phóng tác bằng chữ Thái cổ đang được bảo quản ở Bảo tàng Sơn La, chắc chắn còn có nhiều tác phẩm thơ phóng tác từ những tác phẩm văn học người Kinh được lưu giữ trong hệ thống thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước; trong cộng đồng các dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc và cả người Thái ở Nghệ An, Thanh Hóa...

Dưới thời phong kiến, các quan lại, trí thức của đồng bào dân tộc thiểu số đều phải biết chữ Hán Nôm để giao tiếp, thi cử và sử dụng trong thủ tục hành chính với triều đình. Trong lời giới thiệu ở tập II cuốn Truyện thơ phóng tác dân gian Thái vùng Tây Bắc Việt Nam, tác giả Lò Thanh Hoàn đã viết: “Tiếng Kinh (Việt) là tiếng của vua, biết tiếng của vua là điều bắt buộc, đồng thời cũng là niềm tự hào, hãnh diện của các bậc quan lại, trí thức trong giao tiếp”(4). Vì vậy, việc xuất hiện các tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm của người Việt ở các vùng người Thái và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Bắc là điều dễ hiểu. Những tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu… và những truyện Nôm khuyết danh của người Kinh đã được các nho sĩ, quan lại người Thái chọn lọc và phóng tác thành những truyện thơ chữ Thái để phục vụ cho nhu cầu đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái ở khắp vùng Tây Bắc và các địa phương lân cận.

Ngoài chữ Hán, một số dân tộc thiểu số khác ở Tây Bắc còn sáng tạo chữ viết của dân tộc mình từ chữ Hán như người Tày, Dao… Vì vậy, trong kho tàng ngôn ngữ của Việt Nam, ngoài chữ Nôm Việt, còn có chữ Nôm Tày, Nôm Dao... Người Việt dựa trên cơ sở chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm cách đây hàng ngàn năm. Chính từ chữ Nôm ấy mới có tác phẩm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và nhiều tác phẩm văn chương viết bằng chữ Nôm khác làm phong phú thêm kho tàng văn học của nước nhà.

Truyện thơ chữ Thái phóng tác từ những tác phẩm chữ Nôm là di sản văn hóa quý giá của đất nước, cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện nay, kho tàng sách viết bằng chữ Thái cổ ở Tây Bắc và vùng lân cận vẫn còn đến hàng ngàn cuốn tập trung vào các thể loại chính như: lịch sử, văn học và nhiều thể loại phong phú khác như: nông nghiệp, lịch pháp, y học; các sách về tín ngưỡng như: xem bói, xem ngày giờ tốt xấu, bùa chú, pháp thuật, văn cúng... Những năm qua, ngành văn hóa đã triển khai đề án “Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ” ở Sơn La và một số địa phương lân cận. Từ kinh phí của đề án, các đơn vị đã tổ chức dịch thuật từ chữ Thái cổ sang chữ Thái thông dụng hiện nay và dịch sang chữ quốc ngữ; Biên tập, khảo cứu, hiệu đính, chỉnh lý các bản dịch; Khai thác, phổ biến và phát huy giá trị vốn sách Thái cổ; Trưng bày giới thiệu sách chữ Thái cổ (bản gốc) tại Bảo tàng tỉnh; Chọn lựa xuất bản nội dung một số cuốn sách chữ Thái cổ tiêu biểu, có giá trị để phổ biến rộng rãi trong nhân dân; Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và các tầng lớp nhân dân về giá trị của sách chữ Thái cổ, nhằm nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một, góp phần giữ gìn, phát huy vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Việc ứng dụng số hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa đối với sách chữ Thái cổ không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát huy giá trị di sản đối với các tổ chức, cơ quan văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong nước mà còn là phương tiện để kết nối, giao lưu văn hóa với thế giới.

N.T
(TCSH45SDB/06-2022)

-------------------------------
(1) Quám: Sách, truyện.
(2) Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Sơn La, 2016.
(3)Tạo: Danh xưng chỉ người quyền quý, chức sắc… Con trai nhà quyền quý hay có chức sắc được gọi là tạo; con gái của họ được gọi là nàng.
(4) Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Sơn La, 2018.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng