Tác giả-tác phẩm
Dân gian hiện đại trong thơ Tùng Bách
16:32 | 14/10/2022

LÊ THANH NGA

Tùng Bách, theo tôi, thuộc số nhà thơ có cá tính. Thơ anh không màu mè theo đuổi cuộc cách tân tưng bừng hiện nay, cũng không khư khư ôm lấy những cách thể sáng tác có phần cũ nhàm nhân danh truyền thống. Anh có một lối viết riêng, rất khó lẫn. Tôi gọi đó là phong cách dân gian hiện đại.

Dân gian hiện đại trong thơ Tùng Bách

Thực ra thì không phải ở Việt Nam, mà hầu khắp trên thế giới, nền văn chương nào cũng sản sinh ra những tác giả, mà nghiên cứu các sáng tác của họ, có thể thấy phảng phất hay đậm đặc tinh thần của những sáng tạo dân gian theo quy luật di truyền của chính bản thân văn học. Tuy nhiên, cần phải chú ý là không phải bất cứ tác giả nào cũng có thể biến mình thành một kẻ kế thừa được cái phần tinh túy của dân gian, hay lấy cái gì đó của dân gian biến thành cái tinh túy của mình, mặc lòng sau những ồn ào cự tuyệt với truyền thống của văn chương hiện đại, càng ngày càng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tác phẩm, mà ở đó tác giả của nó đã nỗ lực rất nhiều trong hành trình tìm về cội nguồn văn hóa, văn học dân gian. Ở Việt Nam, từ sau 1986, cội nguồn dân gian đã trở thành mạch ngầm trong sáng tác của nhiều tác giả. Trong lĩnh vực văn xuôi, có thể kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phạm Trung Khâu, Hòa Vang, Phạm Hải Vân, Lưu Sơn Minh, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Minh Tường, Đỗ Minh Tuấn…; Trong thơ, có thể kể đến Nguyễn Bảo Sinh, Đồng Đức Bốn, Bùi Giáng, Hoàng Cầm, Inrasara… Và ngay cả những người được coi là đổi mới mạnh mẽ nhất như Mai Văn Phấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh…, người ta vẫn thấy chất dân gian, như một hoài niệm về quá khứ, như một khoảnh khắc hiện về của ký ức cộng đồng.

Cội nguồn văn hóa, văn học dân gian dường như đã trở thành một dấu hiệu quan trọng để nhận diện đặc điểm thơ Tùng Bách với  biểu hiện khá phong phú. Điều này hẳn có nguyên nhân của nó. Ngay cái tên miền sinh mà anh giới thiệu ở bìa sách đã cho thấy bản thân tác giả vẫn còn nặng nợ lắm với dân gian: làng Đông, xóm Kim Sơn, xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hai chữ “làng Đông” được xướng lên ngay lập tức dấy lên hoài niệm về một địa chỉ rất xa xôi của làng mạc, quê kiểng, cũng là gợi nhắc người đọc về một vùng thẩm mỹ quen thuộc từ ca dao, dân ca, cho đến cả khi Nguyễn Bính mang nó đem vào tuyệt bút của mình:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…

Nói như thế để thấy dường như cội nguồn văn hóa dân gian của một vùng đất học1 thấm sâu vào gốc rễ tư tưởng, tình cảm của Tùng Bách, từ đó chi phối một cách mạnh mẽ đến tư duy và diễn ngôn của nhà thơ. Thêm nữa, Tùng Bách thuộc “thành phần” lưu lạc “tứ chiếng” (sinh ở Hương Sơn, làm văn, làm báo ở Vinh rồi “dạt vòm” vào tận Vũng Tàu, sau quay lại sống một góc chợ ga Vinh), đã vậy, lại làm thơ, làm báo, đọc nhiều, đi nhiều. Sự đọc và sự đi ấy dường như là một nỗ lực góp phần biến anh thành con người nhạy cảm, bên cạnh cái nhạy cảm và thông minh (có lẽ) bẩm sinh. Sự đọc và sự đi cùng việc làm thơ, làm báo ấy, có lẽ cũng đã biến Tùng Bách thành một kẻ lãng du, bụi phủi, thành một kẻ lữ hành (đôi khi là độc hành) trong cõi nhân gian không hề “bé tí”2 này. Thơ Tùng Bách vì thế, có chút dân gian làng xã, có chút dân gian kẻ chợ, có chút dân gian củ mỉ cù mì, lại có chút dân gian ranh mãnh, láu cá, lịch sự, tế nhị, có vẻ dễ đọc mà không dễ đọc tí nào, và cũng khiến con người thơ trở nên phức tạp, nông sâu khó lường…

Chất dân gian trong thơ Tùng Bách, trước hết có lẽ ở hệ đề tài, chủ đề. Đọc 51 bài trong Vừa hót vừa bay, rất khó để tìm ra một bài viết theo đề tài quan phương. Tùng Bách chỉ kể những câu chuyện thế sự, có khi “vặt vãnh”. Nhưng cái “vặt vãnh” ấy luôn gợi ép người đọc phải day dứt, phải suy tư về một điều gì đó dường như là nghiêm trọng của nhân sinh. Điều này thể hiện ngay trong mỗi tên bài: Đời, Ngẫm và nghĩ, Tự tại, Đêm qua, Say, Chụp cắt lớp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Niềm vui lớn lao, Nốt ruồi trên ngực, Bạn Hưu, Kí ức làng Lòi, Nghe lỏm ở ga Nam Định, Tếu táo ở trại viết Tam Đảo… Và ngay trong mỗi đề tài ấy, nhà thơ cũng có cách viết khác, cách nói khác, từ sự triển khai ý tứ đến việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, lập luận. Tỉ như “say”, vốn là câu chuyện bình thường, nhưng được khởi từ những cây đại bút, qua nhiều thế kỷ, cũng đã trở thành một đề tài có phần quan phương. Từ Lý Bạch, Cao Bá Quát đến Vũ Hoàng Chương, đến Thạch Quỳ, Nguyễn Trọng Tạo… và bao nhiêu văn thi sĩ khác của phương Đông và Việt Nam, mỗi người một kiểu say, một cách say, nhưng là say thật, say có rượu, say có men, say có chuếnh choáng, say có “cờ đèn kén trống” kiểu say. Tùng Bách cũng say, nhưng là:

Bạn ước
Sông Hương hóa rượu
Ta lo
Rượu hóa sông Hương
Tưởng chỉ chuyện tầm phào nhăng nhít Lại bận lòng đến khách văn chương.
                       
(Say - tr.12)3

Đấy là một kiểu vừa dân gian hóa, vừa cá nhân hóa đề tài vốn đã trở thành phổ biến và ít nhiều mang tính quy phạm trong văn học. Cũng cần chú ý rằng, trong các sáng tác của Tùng Bách, có những đề tài được “dân gian hóa”, nhưng cũng có những đề tài được gợi hứng từ dân gian hoặc đích thực là đề tài thuộc cội nguồn văn hóa - văn học dân gian, cổ truyền hoặc hiện đại: câu chuyện thầy bói xem voi (Vĩ thanh chuyện Thầy bói xem voi), tên một làng quê (Làng Treo), huyền thoại về một ngôi làng đặc biệt (Làng Lòi)… Nhưng với đề tài nào, Tùng Bách cũng thổi vào đấy một suy tư mới, và quan trọng là khác, theo cách của mình. “Vĩ thanh” của câu chuyện Thầy bói xem voi là một cú “bẻ lái” tư duy cực kì dí dỏm và không kém phần chua xót về phận người; “cổ tích” về làng Treo gợi nhiều ngẫm nghĩ về xử thế, chuyện làng Lòi được viết nhiều, trong thơ ca và trong phóng sự, kí sự, nhìn chung đều bày tỏ một ít chua xót, một ít ngưỡng mộ, một ít sẻ chia với thân phận những nữ thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến… quá lứa lỡ thì vì “hiến dâng cho Tổ quốc”, nhưng với Tùng Bách, không chỉ có thế. Nhà thơ đã đẩy những suy tư của mình đi xa hơn. Anh dường như muốn quan sát, phân tích đối tượng thẩm mỹ một cách “người hơn”:

Con không cha thì mắc mớ chi ai
Bày đặt lườm với nguýt
Chị em ta vốn dĩ anh hùng
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Lòng vả xem chừng có khác lòng sung.
                       
(Kí ức làng Lòi - tr. 34)

Chất dân gian trong thơ Tùng Bách toát ra không chỉ từ hệ chủ đề, đề tài, mà còn, thậm chí rất quan trọng, ở hình thức tư duy. Đó là tư duy phản biện, tư duy ngược. Không được coi là chính thống, văn học dân gian trước đây không cùng “chung mâm” với văn học viết, vì là “bình dân”, vì là vân vân. Thế là, nó lặng lẽ tạo cho mình một sự khác biệt, một sự đối lập với những gì gọi là chính thống. Văn học dân gian, nhất là trong ca dao, thành ngữ và truyện cười, truyện trạng, dường như luôn nỗ lực chọc thủng “phòng tuyến” quan phương của văn học viết, và cả xã hội quan phương nữa, bằng phản biện, bằng đả kích, bằng châm biếm… Thơ Tùng Bách dường như luôn có xu hướng nói ngược lại, suy tư ngược lại, “tranh cãi” với những giá trị mặc định hoặc bàn đến nó với chất giọng trào tiếu dân gian, vừa sâu cay, vừa hóm hỉnh lại vừa đau xót. Dĩ nhiên, cách thế ấy là sản phẩm của quá trình trải nghiệm, va đập và do vậy, là quá trình nhận thức:

Mọi con đường đều dẫn đến La Mã
Trước tôi tin Giờ thì không!
Đời người không ai tắm hai lần trên một dòng sông
Trước tôi không tin
Giờ không tin không được
            (Ngẫm và nghĩ - tr. 7)

Thương thay đàn chim hạc
Bốn nghìn năm chưa ra khỏi trống đồng

Cây ngay thì bóng tròn
Còn để xem mặt trời có đứng ngọ không đã.
                             
(Hai câu - tr. 51)

Xem ra, với lối suy tư ấy, tất cả những gì đã được xác định đều có thể được xem lại. Câu chuyện trống đồng chim hạc và câu thành ngữ “cây ngay không sợ chết đứng”, qua thơ Tùng Bách, đã bị đặt vào một tình thế khác. Nó “đá xéo” truyền thống, nó “cự cãi” với truyền thống. Điều này hẳn cũng có ý nghĩa thức tỉnh nhất định đối với những cá nhân lỡ bị buộc chặt vào những lề luật, những điển phạm, không có cơ hội để bộc lộ tinh thần tư duy riêng biệt. Thơ Tùng Bách không thiếu vắng những suy tư mang màu sắc trữ tình với chiều sâu của sự nghiêm nghị, nhưng nổi bật hơn cả, trong cảm nhận của tôi, là lối tự sự trào tiếu dân gian. Để được như thế, người làm thơ phải hội đủ sự thông minh (thậm chí là cả chút láu cá), có năng khiếu hài hước, sự trải nghiệm, khả năng phân tích đối tượng thật tinh tế. Đặc sắc của trào tiếu là khiến người ta có thể lâm vào trạng thái vừa đau xót, vừa vui vẻ, “vừa buồn cười vừa sợ”, trào tiếu dân gian vừa cay nghiệt vừa độ lượng, vừa đóng vai dì ghẻ vừa đóng vai tiên bụt. Trào tiếu của Tùng Bách có lẽ đã đạt đến tầm mức này. Đôi khi sự trào tiếu của Tùng Bách lại xuất hiện như một niềm giải tỏa, an ủi đúng lúc. Làng Lòi là địa chỉ của xót thương, nhưng địa chỉ ấy vào thơ Tùng Bách, bên cạnh sự day dứt niềm thương xót là cái nhẹ bồng trào tiếu, thậm chí là một chút “nhại”:

Trẻ con làng Lòi nỏ đứa mô có cha
Làng không cha có mà làng Gióng
Rứa đã chộ đứa mô thành Phù Đổng
Phù Đổng, thế nào rồi cũng Thiên Vương

Tôi từng đến làng Lòi, mục kích sở thị
Trẻ con làng Lòi tuấn tú khôi ngô
Biết giúp mẹ quét nhà, nhặt rau, rửa đọi
Ngoan như cháu ngoan Bác Hồ
                       
(Ký ức làng Lòi; tr. 34-35)

Cũng dễ thấy cùng với lối tự sự dân gian và vân vân, chất dân gian trong thơ Tùng Bách còn được tạo thành bởi chất liệu dân gian bỗ bã, ở sự xuất hiện của lời ăn tiếng nói dân gian, của phương ngữ, khẩu ngữ, tiếng lóng. Nếu lời ăn tiếng nói dân gian4 tạo nên chất truyền thống và tính chất liên văn bản thì phương ngữ, khẩu ngữ, biệt ngữ, tiếng lóng… lại tạo nên tính chất bông phèng hiện đại trong thơ Tùng Bách. Có thể thấy dấu vết của văn học dân gian qua lối nói như “cái ngủ” (“Cái ngủ không ngoan - cái ngủ ngọ ngoạy/ Cái ngủ chỉ ngà ngà” - Đêm qua; 11), cách ví phận người với cái kiến (“Thân cái kiến, vẫn là thân cái kiến/ Cái kiến biến thành vua/ Cái kiến biến thành tù” - Xin được sẻ chia, tr.19. Lưu ý là câu “Bính biến vi tù” khởi từ khoa tử vi phương Đông, nhưng lâu dần cũng đã bị dân gian hóa. Và cách nói của Tùng Bách khiến cảm giác dân gian hóa càng sâu sắc). Hoặc câu “Bốn thằng con đực rựa/ Vặc nhau như chó mèo” ở bài Niềm vui lớn lao (tr.27), chẳng hạn, thì “đực rựa” hay “chó mèo” đều là những danh xưng hoặc sự mô tả một hiện tượng “mất đoàn kết” vốn có nguồn gốc dân gian (thành ngữ: như chó với mèo), nhưng bản thân nó cũng đã được hiện đại hóa và thêm một lần nữa hiện đại hóa trong thơ Tùng Bách bởi bối cảnh dụng ngữ. Việc sử dụng tiếng địa phương, khẩu ngữ, biệt ngữ, tiếng lóng là rất phổ biến trong thơ Tùng Bách, kiểu: “Súng bắn vào đầu chẳng có gì mới lạ, thế nên hắn đếch bóp cò”, “Hắn ra ga Hàng Cỏ nhảy tàu Vinh” (Chụp cắt lớp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo); “Chồng vợ ái ân sợ tòi thêm em bé, khổ!” (Ám ảnh); “Bèn quát to: Như rứa/ Chúng bay ngủ treo à!” (Sự tích làng Treo), “Tây gì! Quái quỷ Tây Ninh” (Bạn Hưu); “Trẻ con làng Lòi nỏ đứa mô có cha” (Ký ức làng Lòi); “Chỗ nhà em xuôi Phủ Lý/ Bình bịch vi vu mấy hồi” (Nghe lỏm ở ga Nam Định)…

Trên bình diện thể loại, từ cấu trúc bài đến cấu trúc câu, thơ Tùng Bách đều có thể dẫn người đọc trở về với kí ức của văn chương làng xã. Đấy là âm hưởng của đồng dao, của lối tự sự bằng thơ dân gian trong các bài Thung thăng chiều5, Miền em, Sự tích làng Treo…, hoặc trong cấu trúc, lối nói ở các đơn vị câu. Đây là kiểu đồng dao hiện đại:

Thôi thì cứ mặc
Nước chảy bèo trôi

Hèn sang sướng khổ
Cũng một kiếp người

Hãy khoan phổng mũi
Vỗ ngực con trời

Cười người hôm trước
Hôm sau người cười
           
(Thung thăng chiều, tr.48)

Còn câu sau đây gợi nhớ bài Đội gạo lên chùa:

Tuổi ngót nghét chín mươi, nỏ mấy khi ra khỏi ngõ
Kim cổ đông tây gì cũng tỏ
Hỏi không ma xó
6 thì là ma gì?

Ông Đỉnh nghe ông Đỉnh cười khì7
(Dáng khắc khổ, ông cười trông như khóc)
                        (Một ngày nào đó, tr.75)

Tóm lại, trong khi mà, thơ in ra như nước, số người thành nhà thơ hoặc muốn thành nhà thơ cũng dần dần “như nước”, bất luận hay hoặc không, nhà thơ cứ tạo cho mình một lối viết thật riêng là quý lắm rồi. Nếu riêng và hay thì lại càng quý nữa. Phong cách, cá tính của thơ Tùng Bách, một phần rất quan trọng, được làm nên từ chất dân gian - một kiểu dân gian hiện đại, biểu hiện trên nhiều bình diện. Đây là kết quả tất yếu của sự ám ảnh dân gian từ trong máu thịt quê hương, từ sự từng trải, phiêu lãng và tất nhiên, trên hết vẫn là ý thức tạo ra sự khác biệt trong khát vọng thẩm mỹ của nhà thơ.

L.T.N
(TCSH46SDB/09-2022)

------------------------------
1 Huyện Hương Sơn trước đây thuộc phủ Đức Quang, vốn nổi tiếng là một vùng đất học. Thời trung đại, Hương Sơn có đến 20 vị đại khoa. Ở đây có nhiều dòng họ khoa bảng nổi tiếng như Đinh Nho, Tống Trần, Hà Huy, Lê Khánh, Nguyễn Khắc, Đào Duy, Lê Xuân, Văn Đình, Đặng Trần… nay có nhiều người thành đạt có mặt khắp nước và nhiều nơi trên thế giới, riêng về văn chương, Hương Sơn cũng có thể coi là mảnh đất của văn chương, với một làng có đến hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hương Sơn cũng là quê hương của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà quản lí, tướng lĩnh… tên tuổi.
2 Mượn một chút ý tứ của Nguyễn Khải từ Một cõi nhân gian bé tí.
3 Tất cả các trích dẫn thơ Tùng Bách trong bài viết này đều lấy từ tập Vừa hót vừa bay, Nxb. Thanh Niên, 2014.
4 Khái niệm “lời ăn tiếng nói dân gian” ở đây được chúng tôi sử dụng với tư cách là một thuật ngữ khoa học, nội hàm của nó chỉ một số thể loại không thuộc các thể loại có diện mạo rõ ràng, hoàn chỉnh như truyện, ca dao; lời ăn tiếng nói dân gian gồm tục ngữ, thành ngữ…
5 Tên bài thơ đã gợi nhớ câu ca dao, có lẽ là của dân gian xứ Nghệ: “Trời mần một trận thung thăng/ Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông”.
6 Đây là kiểu chơi chữ đậm chất dân gian, cũng gặp nhiều trong thơ Tùng Bách.
7 Gần với kiểu diễn đạt: “Ông Thích Ca ngoảnh mặt cười khì” trong bài ca dao Đội gạo lên chùa.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng