Tác giả-tác phẩm
Lê Văn Miến - phẩm cách và tài năng
15:31 | 19/04/2024


NGUYỄN KHẮC PHÊ

Lê Văn Miến - phẩm cách và tài năng
Chân dung cụ Lê Văn Miến khi đương chức Tế Tửu Quốc Tử Giám Huế

1. Đặt vấn đề

Nói đến cụ Lê Văn Miến, người ta thường gắn với danh hiệu “họa sĩ”; điều này là đúng nhưng chưa đủ. Trong cuộc đời 69 năm của mình (1874 - 1943), cụ đã dành trọn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục (1899 - 1929), lại là người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, lãnh đạo và dạy học ở những ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất, nhì thời đó ở Việt Nam. Tuy vậy, chỉ với một ít tác phẩm hội họa còn lưu giữ được, với điều kiện hoạt động rất hạn chế - đến mức có người cho rằng, cụ là một “họa sĩ sinh bất phùng thời”, cụ chỉ làm hội họa bằng “tay trái” - họa sĩ Lê Văn Miến đã được lưu danh vào hàng đầu trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm của cụ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ trang trọng.

Với mỹ thuật, tôi là người “ngoại đạo”, tôi cũng là người đến sau trong việc tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp họa sĩ Lê Văn Miến (trước tôi, một số tác giả đã có bài về cụ là các tác giả Lê Thanh Cảnh, Lê Thước, Nguyễn Đắc Xuân, Sơn Tùng, Thái Bá Vân…), nhưng tôi lại có may mắn được bác Lê Văn Yên, người con trai sống với cụ lâu nhất - gần ba chục năm trời - trao cho cuốn sổ ghi chép rất nhiều câu chuyện và chi tiết đời sống của cụ. Bác Yên và tôi lại có “duyên” là người “đồng hương” Nghệ Tĩnh (bác quê Nghi Lộc - Nghệ An; còn tôi ở Hương Sơn -Hà Tĩnh), thân phụ tôi lại có thời gian ngồi ghế Tư nghiệp Quốc Tử Giám Huế, khi cụ Miến làm Tế Tửu (tương tự như Viện trưởng và Viện phó Đại học quốc gia hành chính hiện nay). Nhờ đó, sau nhiều buổi trò chuyện với bác Yên, cộng với một số thông tin từ bài viết về cụ của những tác giả mà tôi đã dẫn ở trên, năm 1994, tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn “Lê Văn Miến - người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên”. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1995 và đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng Giải Nhì. Cuốn sách mỏng (chỉ hơn trăm trang), in 500 bản tại một nhà xuất bản địa phương, cũng không có “chiêu thức” PR gì đặc biệt, nhưng chính cuộc đời của một con người đặc biệt, đáng kính lại phải nằm lặng lẽ, hầu như không một cơ quan văn hoá nghệ thuật nào thăm viếng suốt mấy chục năm trên một triền đồi hoang vắng ở huyện Phong Điền sau khi qua đời đã “đánh động” được hai nhà xuất bản ở Trung ương. Đó là Nxb. Giáo dục và Nxb. Thanh niên. Sách sắp tái bản, tôi mới được biết. Cách đây khoảng chục năm, tên LÊ VĂN MIẾN đã được đặt cho một con đường ở phường Tây Lộc, thành phố Huế. Tuy vậy, nhiều người - kể cả cư dân sống trên con đường mang tên cụ, vẫn chưa biết Lê Văn Miến là ai! Giữa cả biển thông tin với các phương tiện nghe nhìn chen vai thích cánh hoạt động náo nhiệt 24/24 giờ một ngày thì vài bài báo, một cuốn sách mỏng in một - hai ngàn bản, quả là “muối bỏ biển”.

Trong dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của họa sĩ Lê Văn Miến, các hoạt động như Tọa đàm, Hội thảo hay quảng bá về danh nhân Lê Văn Miến trên các kênh truyền thông là rất thích hợp và cần thiết, cũng vì muốn mọi người chú trọng hơn đến những giá trị VĂN HÓA mà danh nhân Lê Văn Miến để lại; trong đó, những tác phẩm hội họa chỉ là một khía cạnh mà thôi. Như đã nói ở trên, với mỹ thuật, tôi là “người ngoại đạo”. Tuy vậy, không phải vì thế mà tôi đề cao các giá trị văn hóa của danh nhân Lê Văn Miến trước giá trị những bức tranh của cụ còn lưu giữ được. Chưa ai có “định nghĩa” chính xác và đầy đủ về “văn hóa”, nhưng đều hiểu văn hóa bao trùm toàn bộ giá trị tinh thần của con người. Với danh nhân Lê Văn Miến, như tôi được biết, những giá trị văn hóa cụ để lại dù là “phi vật thể” nhưng mãi mãi trường tồn, là tấm gương sáng, là những bài học cho mọi lớp người hậu thế - từ em học sinh, bác nông dân cho đến quan chức cao cấp nhất - noi theo; khác với các tác phẩm mỹ thuật cụ để lại, dù là “vô giá”, chủ yếu chỉ dành cho nghệ sĩ trong ngành nghiên cứu và “m cho hội họa hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời” như nhà nghiên cứu Thái Bá Vân đã viết; còn nghệ thuật thì bản chất là sáng tạo, người đi sau không mấy khi dẫm lại bước chân tiền nhân… Cũng vì thế, tôi xin bàn trước hết đến “phẩm cách” của danh nhân Lê Văn Miến - giá trị văn hóa nổi bật nhất của cụ.

Một sự “gặp gỡ” kểcũng cóýnghĩa là đúng lúc tôi vừa phác thảo một phần bài viết thì gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; khi nhắc đến Tọa đàm về họa sĩ Lê Văn Miến sắp tới, nhà thơ nói ngay, đại ý: cụ Miến là một “nhà văn hóa”, chứ không chỉ là một họa sĩ với mấy bức tranh…

Dù đã “vào đề” khá dài dòng, xin được nói thêm về từ “phẩm cách” tôi chọn dùng sau khi đọc lời bình về cuốn sách “Phẩm cách của văn chương” - tác giả là Ki Ju Lee - người chuyên viết diễn văn cho Tổng thống Hàn Quốc: “... Một câu văn có phẩm cách sẽ không phô trương về độ sâu, độ rộng của bản thân. Nó sẽ theo dòng chảy của tháng năm, trải ra trong cuộc đời người đọc, trôi mãi ...”. Cuộc đời của danh nhân Lê Văn Miến đã chứng tỏmột “phẩm cách” như thế. Một ngẫu nhiên lý thú là sau khi mượn chữ của một học giả Hàn Quốc làm nhan đề bài viết, tôi chợt nhớ cụ Miến có người “bạn tri âm” khá đặc biệt với một người bạn Triều Tiên! Vào khoảng năm 1926 - 1927, một nhà cách mạng người Triều Tiên là Nhâm Quân Tải, khước từ hợp tác với Nhật, bỏ đi bán sâm Cao Ly, sang đến Huế đã gặp cụ Lê Văn Miến. Qua mấy lần bút đàm, Nhâm Quân Tải tỏ ra ái mộ cụ Miến, xin làm nghĩa tử. Từ đó về sau, mỗi lần sang Việt Nam, ông ta lại tìm thăm cụ Miến, và hai bên đã từng trao đổi quà lưu niệm cho nhau. Cụ Miến đã tặng ông ta một chiếc đồng hồ quả quýt, một phiến quế Thanh ngự tiến của vua ban và một cây bút lông máy viết chữ Hán. Nhâm Quân Tải thì đã mừng cụ Miến một đôi câu đối, mỗi bên có 8 chữ, mỗi chữ viết nếu không tượng hình loài chim thì cũng giống như cá lượn, bút pháp thật độc đáo. Đề cập đến hoàn cảnh hai nước Việt - Hàn đều bị giặc ngoài đô hộ, cần phải đồng tâm hiệp lực, lập mặt trận chống đế quốc để khôi phục lại giang sơn đất nước, Nhâm Quân Tải tỏ ý rất đồng tình, nói cười vui vẻ. Về sau, Nhâm Quân Tải bị Nhật bắt, kết án tù chung thân, nhưng ông đã ủy thác cho một đồng chí tên là Kim Bỉnh Huê sang nước ta tìm cụ Miến. Lúc này cụ Miến đã nghỉ hưu ở làng Thế Chí Đông, một vùng cát thuộc huyện Phong Điền (Thừa Thiên). Từ đò dọc bước lên, với tờ giấy ghi địa chỉ bằng tiếng Việt trên tay như là cái la bàn của người đi biển, ông ta men theo bờ ruộng khoảng gần một cây số, tìm tới xóm Diêm, nơi cụ Miến cư ngụ. Cuộc gặp gỡ của đôi bạn Việt - Triều chưa bao giờ thấy mặt nhau đã diễn ra thật cảm động. Vào tới nhà, vừa trông thấy cụ Miến ngồi trên chiếc phản gỗ, ông ta đã chạy xô lại ôm chầm lấy, líu ríu nói cười, dù ngôn ngữ bất đồng…

Câu chuyện độc đáo có một không hai này cũng chứng tỏ cụ Miến là nhân vật có phẩm cách tầm cỡ như thế nào mới có sức cuốn hút cả những người bạn phương xa chưa hề quen biết như thế…

2. Phẩm ch của danh nhân Lê Văn Miến

Rất nhiều điều có thể dẫn ra khi nói đến phẩm cách của danh nhân Lê Văn Miến. Tôi chỉ xin nêu mấy điều cốt yếu sau đây:

2.1. Mt lòng yêu nước bền bỉ và tinh thần tự tôn dân tộc rất cao

Ngay từ nhỏ, cậu bé họ Lê không chỉ đã được nghe những câu chuyện về lòng yêu nước của các bậc tiền bối mà còn trực tiếp được hít thở trong bầu khí quyển giàu nghĩa khí của lớp người nhất định không chịu làm nô lệ cho ngoại bang. Đó là lúc thân phụ - cụ Lê Huy Nghiêm, sau khi đỗCửnhân, được cửvào Thừa Thiên giữ chức Huấn đạo huyện Quảng Điền, rồi tri phủ huyện Phú Lộc, đã mang Lê Văn Miến đi theo để học chữ Hán. Cụ Cử là bạn tâm giao với cụ Phan Đình Phùng (lúc này, cụ Phan bị cách chức quan Ngự sử, thường vào Phú Lộc chơi...); cậu Miến thường ngồi hóng chuyện mỗi lần ra hầu trà khi cụ Phan vào thăm thân phụ. Sau đó, khi cụ Cử đổi ra Sơn Tây, cụ lại đem cậu Miến đi theo. Việc cụ Cử bày tỏ thiện cảm và giúp đỡ cuộc khởi nghĩa Hoàng HoaThám và Nguyễn Thiện Thuật, không chịu kết án và tha bổng cụ Hà Văn Bao -một lãnh tụ của nghĩa quân - nên bị cách chức đã thêm một lần nhen nhóm vào tâm trí cậu Miến nỗi uất ức của người dân nô lệ.

Chỉ từng ấy đủ cho chúng ta hiểu vì sao ngay khi đang theo học Trường “Thuộc địa” (École Coloniale) ở Paris - nơi đào tạo quan chức cai trị cho Pháp, một thanh niên chưa đầy 20 tuổi từ xứ “An Nam” chưa có tên trên bản đồ thế giới, Lê Văn Miến đã dẫn đầu học sinh các xứ thuộc địa bãi khóa, kéo đến Bộ Thuộc địa đấu tranh phản đối viên Hiệu trưởng có óc thực dân, kỳ thị chủng tộc, thiên vị người Pháp. Cảnh sát Pháp phải dùng ngựa và xịt nước giải tán. Sau đó, do biết Lê Văn Miến viết lá đơn tố cáo, Bộ Thuộc địa đã gọi anh đến cảnh cáo…

Tốt nghiệp ngôi trường Tây này rất dễ làm quan to nếu về nước. Cùng được cử sang Pháp học với Lê Văn Miến còn cóhai công tửlà Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946) - con Tổng đốc Hoàng Cao Khải và Thân Trọng Huề (1869 - 1925) -con Tổng đốc Thân Văn Nhiếp, cả hai sau khi về nước đều được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng ở nhiều tỉnh từ Tổng đốc đến Thượng Thư. Vậy mà Lê Văn Miến không vội về nước, xin ở lại học Trường Mỹ thuật Paris - ngôi trường danh tiếng của cả châu Âu thời đó. Chàng thanh niên họ Lê là người Việt Nam đầu tiên học trường này, lại mang cái “án treo” do hồ sơ về vụ bãi khóa ở Trường Thuộc địa chuyển sang, mặc dù bị viên hiệu trưởng Jérome đối xử có phần khắt khe, cố ý làm cho anh nản lòng phải bỏ cuộc, nhưng Lê Văn Miến vẫn hoàn thành xuất sắc tất cả các môn học. Đạt được thành quả ấy, không chỉ nhờ cái “gen” thông minh của ông cha và ýchí quyết tâm của Lê Văn Miến mà còn do anh có ý thức tự tôn dân tộc rất cao. Sau này, có lần, chàng họasĩtốt nghiệp ngôi trường danh tiếng từParis về đã tâm sự với người thân: “Không học thì thôi, mà đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết: Dù trong lĩnh vực nào - nhất là về học vấn - nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không chịu thua kém một ai…”.

Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào về việc cụ Cử Lê Huy Nghiêm đã “gửi gắm” những gì khi cho Lê Văn Miến khai tăng tuổi du học Pháp thay anh trai Lê Huy Thản. Chúng ta không thể hư cấu như nhà tiểu thuyết mà chỉ có thể suy đoán từ các mối quan hệ và sự kiện đã diễn ra xung quanh thời đoạn đó. Từ truyền thống yêu nước của gia tộc họ Lê ở Nghi Lộc đến việc cụ Cử Nghiêm khi đang ngồi ghế quan to ở Hải Dương, viện cớ về chịu tang thân phụ rồi từ quan luôn, đến anh trai Lê Huy Thản, ghét thực dân nên không chịu mặc đồ “Tây”, luôn nghiêm khắc buộc con cháu sống giản dị, tập lao động như nông dân, khi làm quyền tri phủ Triệu Phong đã kết án chém mấy viên lý trưởng, chánh tổng ăn bớt tiền cứu trợ dân nghèo - án đưa lên Tỉnh và Bộ bị bác và cho ông trở lại làm Giáo thụ, vì sợ ông làm hành chính sẽ xử hết bọn quan tham, không còn ai sai khiến, chúng ta có thể tin rằng cụ Cử Lê Huy Nghiêm cho Lê Văn Miến du học không phải để về làm quan. Mặt khác, có người đã nghe truyền kể lại rằng, cụ muốn con khi học về sẽ làm thư ký giúp mình, sẽ là người bạn tâm phúc cùng chia sẻ chí hướng với mình, và có thể cụ đã nghĩ tới tấm gương khá gần gũi là Nguyễn Trường Tộ - người quê Hưng Nguyên, Nghệ An, thời Tự Đức (1863 - 1871) đã 14 lần dâng sớ đề nghị nhà vua cải cách quốc gia sau khi ông có dịp đi các nước châu Âu về - cụ mong muốn con mình học hành thành đạt trở về đem kiến thức góp phần canh tân đất nước. Điều suy đoán này cũng có cơ sở vì cụ Nguyễn Trường Cửu (con cụ Nguyễn Trường Tộ) là bạn với cụ Miến…

Dù những điều kể trên không có bằng cớ hiển nhiên, nhưng với mối quan hệ “nhân -quả”, chúng ta có thể tin rằng Lê Văn Miến đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những hoạt động văn hóa - trước mắt là trau dồi kiến thức tại một trường mỹ thuật danh tiếng ở châu Âu. Những công việc đầu tiên chàng họa sĩ trẻ tìm đến sau khi về nước cũng đã chứng tỏ điều này.

Ở đây, xin được “mở ngoặc” để chúng ta cùng nhìn lại một số biến động lịch sử trước và sau khi Lê Văn Miến về nước đã khiến chàng họa sĩ đã phải trải qua những năm tháng trăn trở tìm phương sách thể hiện lòng yêu nước một cách hữu hiệu, chứ không chỉ để kiếm sống. Trong thời đoạn này, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang đã thất bại. Đây cũng là những tháng ngày cuối cùng đầy bi thương đối với lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) là Phan Đình Phùng - người bạn tâm giao của cụ Lê Huy Nghiêm. Sau chiến thắng vang dội ở Vụ Quang ngày 26/10/1894, căn cứ Phan Đình Phùng bị giặc Pháp bao vây. Những cuộc tiến công và mua chuộc đều không bẻ gãy được ý chí chiến đấu của đội quân yêu nước. Oái oăm thay, người viết thư dụ dỗ hòng mua chuộc Phan Đình Phùng theo lệnh Pháp chính là Khâm sai Hoàng Cao Khải, và cũng là chỗ quen biết với gia đình họ Lê vì cùng có con là Hoàng Trọng Phu du học với Lê Văn Miến. Cho đến sau khi cụ Phan mất (28/12/1895), giặc Pháp và bọn tay sai mới tràn được vào căn cứ, đào mộ cụ Phan, đốt xác cụ ra tro rồi đổ xuống sông La!

Tất cả những sự kiện này lại xảy ra không xa làng Ông La bao nhiêu, hẳn đã gây chấn động lớn trong gia đình họ Lê vốn có tinh thần chống Pháp. Có lẽ đây cũng là một nguyên cớ thúc đẩy Lê Văn Miến tìm đường ra Bắc, sau 5 - 6 tháng trú tại quê nhà.

Đó là khoảng cuối năm 1895, đầu năm 1896. Lúc này, nhiều cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc cũng đã bị thất bại. Chúng ta có thể hiểu được vì sao Lê Văn Miến không theo con đường bạo động làm cách mạng đang nổi lên hoặc âm thầm hoạt động mà muốn hướng tới lối đi gần với Nguyễn Trường Tộ cũng như Phan Chu Trinh sau đó - góp sức khai dân trí, chấn hưng văn hóa để đủ sức thoát khỏi ách nô lệ. Chính vì thế, chàng trai xứ Nghệ, dù với hai tấm bằng cao giá từ Pháp mang về, trong những ngày đầu ở đất Hà Thành vẫn loay hoay không tìm được đường đi. Thân cô, thế cô, vận nước chưa tới, rút cuộc, Lê Văn Miến phải chọn con đường kiếm sống bằng nghề chuyên môn có trong tay. Chàng đã tới xin làm thuê tại nhà in Schneider. Đây là cơ sở in đầu tiên do Pháp xây dựng tại Hà Nội, trên bờ hồ Tây, trong khuôn viên Trường Chu Văn An hiện nay. Cũng có thể nói đây là hoạt động văn hóa đầu tiên của Lê Văn Miến sau khi về nước. Với chức trách người họa sĩ, hẳn là Lê Văn Miến đã lo phần trình bày, minh họa sách báo in ở đó…

Cuộc sống trầm lặng này kéo dài cho đến năm 1898. Lúc này, Đào Tấn (1845 - 1907) người quê Bình Định, đỗ cử nhân năm 1868, tác giả của nhiều vở tuồng nổi tiếng, được vua Thành Thái cử ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai. Giữa hai họ Lê - Đào đã có mối quan hệ từ trước, nên Đào Tấn liền mời Lê Văn Miến về làm việc với mình. Có thể nói, đến lúc này, Lê Văn Miến mới tìm được người tri kỷ để gửi gắm ước nguyện.

Sau một năm làm thư ký cho Đào Tấn, năm 1899, Trường Pháp Việt được thành lập ở Vinh và Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Sự nghiệp nhà giáo - một nghề hữu ích, trong sạch mà nhiều người trong gia đình họ Lê theo đuổi; với Lê Văn Miến, đây là sự nghiệp tốt nhất để thể hiện và truyền bá tinh thần yêu nước mà chàng nung nấu đã bao năm… Nhưng chỉ 3 năm sau, vì duyên nợ với vị Tổng đốc yêu nghệ thuật (và có thể cả vì sự nghiệp lớn mà vua Thành Thái cùng Đào Tấn đang âm thầm chuẩn bị), Lê Văn Miến phải tạm xa mái trường vừa thành lập ở Vinh. Đó là năm 1902, khi Đào Tấn được cử giữ chức Thượng thư Bộ Công (tương tự chức Bộ trưởng Xây dựng - Công nghiệp) đã đưa Lê Văn Miến vào làm Hành Tẩu - một chức quan nhỏ dưới quyền mình.

Vậy là Lê Văn Miến lại có dịp dùng đến kiến thức hội họa, kiến trúc mà ông đã học được ở Pháp. Không còn chứng tích nào để biết được trong thời gian này Lê Văn Miến đã góp tay mình vào những công trình kiến trúc và nghệ thuật nào trong hoàng cung. Chỉ còn một dòng trong bài viết của Giáo sư Lê Thước tưởng niệm người thầy cũ: “... Với chức vụ ấy, cụ Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc”.

Mối quan hệ mật thiết giữa Thành Thái -Đào Tấn - Lê Văn Miến cùng những việc làm “bí mật” của họ đã bị mật thám Pháp theo dõi, nghi ngờ và chúng lập tâm chia rẽ họ. Theo lệnh Pháp, Nguyễn Thân, kẻ từng đem quân đến vây đánh căn cứ của Phan Đình Phùng, lần này lại bức Đào Tấn phải về hưu với cái tội “đã cho bán đấu giá một số gỗ cũ khi chưa có lệnh của cấp trên!”. Còn Lê Văn Miến thì bị đẩy ra Nghệ An, trở lại với chức Đốc giáo Trường Pháp - Việt. Lúc đó là năm 1904.

Việc Lê Văn Miến trở ra Vinh làm Đốc giáo Trường Pháp - Việt lần thứ hai (1904 - 1907) là nằm trong ý đồ chia rẽ “bộ ba” Thành Thái - Đào Tấn - Lê Văn Miến của thực dân Pháp, nhưng trở về quê hương Nghệ Tĩnh - cái nôi của nhiều phong trào cách mạng - Lê Văn Miến lại được dịp giao lưu với nhiều chí sĩ yêu nước nổi tiếng trong phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục thời đó như Tiến sĩ Ngô Đức Kế, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, Giải nguyên Lê Văn Huân... Mối quan hệ mật thiết giữa người đứng đầu một trung tâm văn hóa - giáo dục của địa phương đối với các sĩ phu yêu nước đã làm thực dân Pháp rất khó chịu. Thầy giáo Lê Văn Miến thì coi đó như là điều tất nhiên - người học trò xứ thuộc địa không chỉ cần mở rộng kiến thức, mà phải luôn được giáo dục lòng yêu nước, và cách giáo dục tốt nhất chính là bằng tấm gương của người thầy.

Từ sau năm 1907, cùng với việc bắt vua Thành Thái đi đày, đàn áp khủng bố phong trào yêu nước khắp nơi - chỉ riêng ở Nghệ Tĩnh, các tên tuổi như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Nguyên Cẩn... đều bị bắt - thực dân Pháp cũng không để cho Lê Văn Miến được yên. Theo giáo sư Lê Thước, chúng không bắt Lê Văn Miến, một phần do viên Công sứ Pháp ở Nghệ An lúc đó là Xét-chi-ê (Sestier) vốn là bạn học cũ của cụ tại Trường Thuộc địa Pháp, y đã tìm được cách cư xử khôn ngoan, “nhất cử lưỡng tiện” -điều cụ Miến vào dạy Trường Quốc Học Huế…

Lê Văn Miến vào Huế dạy vẽ và Pháp văn tại Trường Quốc Học từ niên khóa 1907 - 1908 cho đến năm 1913. Trong số học trò của thầy Miến giai đoạn này có một nhân vật đặc biệt là Nguyễn Tất Thành - về sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiểu thuyết Búp sen xanh của Sơn Tùng đã dành nhiều trang để miêu tả mối quan hệ thầy trò giữa hai người. Bằng chứng xác thực là các chi tiết trong bài viết của Giáo sư Lê Thước và ông Lê Thanh Cảnh, hai học trò của cụ Miến từ năm 1910 cho chúng ta biết: trong khi giảng bài, cụ thường dùng tiếng Việt, không nói tiếng Pháp; cụ chẳng mặc Âu phục, thường chỉ bận cái áo sa dài, chít khăn xếp, như các cụ đồ Nho; cụ xem thường tay Hiệu trưởng là Logiou, vốn xuất thân là tên lính viễn chinh, đã bị nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám bắt sống. Cũng với lòng tự tôn dân tộc rất cao, khi học sinh nhờ cụ viết thư chúc từ để khi chúc Tết cho mấy thầy người Pháp “xanh mặt chơi”, cụ đã nhận lời và lá thư ấy với những câu văn tuyệt tác, mấy chục năm sau học sinh vẫn thuộc; có thầy còn sao gửi về Pháp “để khoe cùng gia đình, bạn bè học sinh Quốc Học giỏi như thế đấy!”

Sau khi Trường Hậu Bổ (còn gọi là “Trường Uyên Bác hay Cao học Luật khoa và Hành chánh Trung kỳ) được thành lập vào năm Duy Tân thứ 8 (1913), thầy Miến được cử làm trợ giáo ở đây từ năm 1914. Sinh viên của trường hầu hết là những người từng làm quan thuộc Nam triều hoặc các cơ quan của “Nhà nước bảo hộ”, không ít người là ông Nghè, ông Cử đã ngoài ba mươi tuổi. Có thể là các quan chức Pháp không yên tâm khi để thầy Miến tiếp tục gieo mầm yêu nước cho những tâm hồn trong trắng của học sinh Quốc Học và cho rằng lớp sinh viên già dặn từng “chịu ơn Nhà nước bảo hộ” sẽ không bị tư tưởng “bài Pháp” của thầy Miến tác động. Mặt khác, Trường Hậu Bổ cần những thầy giáo có hiểu biết rộng, có trình độ học vấn cao. Trường Hậu Bổ ngày ấy có khuôn viên rất rộng, đối diện với sông Hương, tọa lạc ở vị trí rạp Hưng Đạo ngày nay.

Gần 10 năm ở Trường Hậu Bổ (1914 - 1921), từ một “trợ giáo” khi trường mới thành lập, cuối năm thứ hai (1914), Lê Văn Miến đã được thăng chức Phó Đốc giáo và đến năm 1919 được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng), thăng Hồng Lô tự khanh và được tặng Hàn Lâm bội tinh. Cụ được thăng chức, được tặng thưởng nhờ tận tụy với nghề giáo và có uy tín trong nhà trường, chứ không hề quỵ lụy, luồn cúi ai.

Với sinh viên, dù người đỗ đạt cao, lớn tuổi hơn mà tư cách không đứng đắn thì thầy Miến cũng thẳng thắn khiển trách. Đó là trường hợp một vị tiến sĩ quê Nghệ An, người cao to, nên thường gọi “ông Voi”, tính cách yếu hèn, rất sợ mấy thầy Tây dạy trong trường, đã bị cụ Miến nghiêm khắc nhắc nhủ: “Sao anh lại nhu nhược như thế? Sợ gì chúng nó, làm ô nhục cho sĩ phu Nghệ Tĩnh!”.

Cụ Lê Văn Miến được cử giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám từ năm 1921. Đây là chức học quan cao nhất trong Chính phủNam triều, nhiều người ao ước, nhưng khi Khâm sứ Trung kỳ lúc bấy giờ là D'elloy đến thăm Trường Hậu Bổ và hỏi cụ Miến: “Ông cần gì, muốn gì cứ nói...”. Cụ Miến trả lời ngay: “Điều mà tôi muốn chưa thể nói ra được. Bây giờ tôi chỉ nói cái điều không muốn: Tôi không muốn vào làm Tế tửu Trường Quốc Tử Giám!” Chúng ta có thể hiểu được tâm trạng chán chường làm quan một nước thuộc địa của cụ- dùlà “học quan” - khi mà con đường cứu nước của những người gia đình cụ quen biết đã thất bại, đến vua cũng bị đi đày!

D'elloy là một tên cáo già thực dân, biết cụ Miến là người khó hợp tác, tưởng là có thể ve vãn, tâng ơn với cụ bằng cái chức Tế tửu, không ngờ cụ lạnh nhạt khước từ, nên y tức giận vùng vằng nói: “Không được! Không được! Chuyện ấy tôi đã bàn với ông Khải Định rồi. Bây giờ không thể thay đổi được nữa!”.

Dù phải nhậm chức một cách bất đắc dĩ, những năm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (1921 - 1928), chức quyền, danh vọng không hề làm cụ thay đổi chính kiến cũng như cách sống của mình. Đối với các quan chức Pháp, cụ luôn nêu cao lòng tự trọng dân tộc, điều đó đã là tấm gương cho sinh viên trong trường noi theo.

Hơn thế, cụ không e ngại bày tỏ cảm tình và sẵn sàng giúp đỡ những người cách mạng yêu nước, như đã tạo điều kiện tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh, khuyến khích sinh viên lui tới thăm nom và giúp đỡ cả vật chất cho cụ Phan Bội Châu đang bị an trí ở dốc Bến Ngự...

Cho đến những năm cuối đời, trong tình cảnh mắt bị mờ, cụ vẫn thích nghe tin tức về thời sự. Ông Lê Văn Yên thường đến hiệu sách Hương Giang và Quan Hải tùng thư mua báo chí cùng loại sách lịch sử như các cuốn viết về cụ Phan Đình Phùng, Hàm Nghi, Hoàng Hoa Thám, vua Bãi Sậy, vợ ba Đề Thám… về đọc cho cụ nghe…

2.2. Coi trọng danh dự mộtkẻ sĩ, không cúi đầu trước uy quyền và lợi lộc

Một phẩm cách đáng quý nữa của danh nhân Lê Văn Miến là lòng tự trọng, dù trong hoàn cảnh nào cũng không bán rẻ danh dự một kẻ sĩ. Ngay từ khi mới về nước, trong hoàn cảnh phải tự kiếm sống không ít khó khăn ở vùng đất kinh kỳ xa lạ, tại căn nhà trọ phố Hàng Bông, nhiều người biết tiếng tăm chàng trai Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, đã tìm đến nhờ Lê Văn Miến vẽ tranh truyền thần cho ông bà, cha mẹ hay bản thân mình. Nhưng Lê Văn Miến chỉ nhận vẽ cho một số ít bạn bè và người thân thuộc.

Nhiều tác phẩm của hoạ sĩ Lê Văn Miến đã bị mất, nhưng những câu chuyện thể hiện khí phách của cụ lưu lại mãi trong tâm trí nhiều thế hệ. Lúc dạy ở Trường Quốc Học Huế, viên Công sứ tỉnh ThừaThiên nhờ họa sĩ vẽ chân dung cho vợ vàcon ông ta. Vừakhó thoái thác, vừa là dịp tỏ cho quan đầu xứ người Pháp biết tài năng của dân Việt, họa sĩ đã không vẽ chân dung bình thường như viên công sứ yêu cầu mà trổ tài dựng một bức tranh nghệ thuật thật sự, có thể đặt tên là “Mẹ con người đàn bà Pháp vàcon mèo nhỏ”. Vẽ xong, viên công sứ hỏi tiền công, hoạ sĩ đòi 30 đồng (bạc Đông Dương, thời đó cũng có thể gọi là một gia tài nho nhỏ), nhưng ngay lúc đó, họa sĩ đã gọi người thợ mộc, đưa cho ông ta tất cả số tiền ấy để trả công đóng khung. Về sau, họa sĩ nói với con trai là bác Lê Văn Yên rằng: “Nó có học mà chẳng hiểu gì về mỹ thuật cả, lại thiếu phép lịch sự tối thiểu, tao lấy 30 đồng cho người thợ mộc ngay trước mắt nó cho nó mở mắt!” Bức tranh có tiếng là “rất thần tình” ấy khiến nhiều người Pháp đua nhau tìm đến, nhưng họa sĩ nhất mực từ chối. Cả với nhà vua, họa sĩ cũng không chiều lụy, khi đó là con người không đáng kính trọng. Họa sĩ đã từng vẽ chân dung cho vua Thành Thái, cho Đào Tấn, nhưng thời làm Tế tửu Quốc Tử Giám, vua Khải Định vời vào cung nhờ vẽ chân dung - với người khác thì đó là dịp may mắn để cầu cạnh thăng quan tiến chức, trái lại, Lê Văn Miến đã thoái thác, viện cớ mắt yếu không vẽ được!

Thời gian ở Trường Hậu Bổ (1913 - 1921) cũng như ở Trường Quốc Tử Giám (1921 -1828), dù làm Trợ giáo, Đốc giáo hay Tế Tửu, cụ Miến vẫn giữ tròn nghĩa khí của một kẻ sĩ. Trong một kỳ thi tốt nghiệp ở Trường Hậu Bổ, thầy Miến đã đánh hỏng người cháu của quan Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Học, đồng thời là nhạc gia của nhà vua, vì người này đem theo tài liệu để chép; một lần khác, cụ đánh hỏng một người con ông anh ruột, vì sức học chưa đạt, làm cho tất cảquan trường và Hội đồng coi thi kinh ngạc.

Nhắc lại vài câu chuyện nhỏ hơn một thế kỷ trước của người thầy luôn coi trọng phẩm giá của kẻ sĩ, không vị tình thân và uy quyền mà bao che lỗi lầm, hẳn là rất hữu ích khi liên hệ tới những vụ “chạy” chức quyền, dùng bằng giả, núp bóng uy quyền để tiến thân, làm giàu bất chính mà báo chí đã phanh phui những năm gần đây.

Ngay cảvới quan chức người Pháp, cụMiến cũng không cúi đầu, càng không biết nịnh bợ. Thời cụ còn dạy tại Trường Quốc Học, một lần, quan Khâm sứ đến trường, mời cụ lên gặp, cụ khước từ, lấy cớ “tôi đang bận dạy, không thể lên được.” Trớ trêu thay, quan Khâm sứ lúc đó lại chính là Sestier, vốn là bạn học cũ của cụ tại Trường Thuộc địa Pháp, đã từng gặp cụ khi y làm Công sứ ở Nghệ An và vừa được thăng chức. Lát sau, chính y phải đến lớp cụ đang dạy, ôm chầm lấy thầy Miến, cụng tai, cụng má rất thân mật và hỏi: “Sao không đến thăm tôi, khi nghe tôi làm Khâm sứ ở đây?” - “Khó thăm mà cũng vô ích!” Thầy Miến đáp vậy và sau đó không hề bước chân đến Tòa khâm sứ.

Cụ Nguyễn Đình Ngân (đỗ cử nhân lúc 19 tuổi, từng giữ chức Tham Tri Triều đình Huế, sau Cách mạng Tháng 8 là Chủ tịch Ủy ban Liên Việt Liên khu 4), đã nhắc lại câu chuyện hồi cụ Lê Văn Miến chớm bị hỏng mắt, sắp xin về hưu. Quan Khâm sứ lúc đó là Pasquier mở tiệc long trọng, cụ Miến không thể từ chối được, phải đến dự và câu nói của cụ ngay khi vừa gặp Khâm sứ đã khiến nhiều người bàn tán một cách thích thú: “Vous êtes bien vu, mais je ne vous vois pas!” (Nghĩa đen là: “Ngài được người ta thấy rất rõ, nhưng tôi thì không nhìn thấy ngài”, nhưng cũng có thể hiểu là cụ Miến mượn cớ mắt mình bị mờ để tỏ ý xem thường Pasquier). Sau này, khi Pasquier được thăng chức Toàn quyền Đông Dương, bị tử nạn vì máy bay cháy trên đường về Pháp, cụ Lê Văn Miến nghe tin đã bình luận: “Mưu thâm họa diệt thâm!”, vì lúc đó, Pasquier đi gấp về Pháp để trù tính kế hoạch đàn áp phong trào yêu nước đang nổi lên khắp nơi.

Ngay cả trước nhà vua, Lê Văn Miến vẫn ung dung giữ phong cách của mình. Thường năm, đến kỳ sóc vọng, đại lễ, cùng với các quan chức trong triều, cụ Miến cũng phải vào chầu vua, rồi dự yến tiệc. Khi dự yến, vì sợ thất lễ trước nhà vua, hầu hết triều thần không dám uống rượu, riêng cụ Miến không chỉ bình thản uống phần rượu của mình mà lãnh uống luôn phần rượu của các bạn ngồi cùng bàn. Vua Khải Định ngồi riêng một bàn trên sập cao nhìn xuống thấy vậy cứ mỉm cười và các tiệc lần sau, nếu có cụ Miến dự là vua lại hối thị vệ: “Lấy rượu cho ông Tế!”…

Tính cách cương trực, không chịu luồn cúi uy quyền của cụ Miến thể hiện cả trong trường hợp người con trai của cụ gặp “nạn”. Đó là ông Lê Văn Chương, sinh năm 1905, sau khi đỗ Thành chung được bổ làm Phán sự tòa sứ tỉnh Phan Thiết. Vì chống lại viên công sứ Pháp và ông tham gia tổ chức cách mạng của cụ Lê Huân (1876 - 1929, từng đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương, nhà cách mạng nổi tiếng, bị tù Côn Đảo…), nên ông bị cách chức. Ông về Huế, dạy trường tư thục Hồ Đắc Hàm vào lúc học sinh Quốc Học biểu tình, bị Pháp đàn áp dã man. Lòng sôi sục căm thù, không nề nguy hiểm đến tính mạng, ông giật đứt râu và đánh tên cò Pháp sặc máu mũi. Ông bị bắt ngay tại trận, bị kết án 12 năm tù (sau giảm xuống 7 năm) đưa ra giam tại nhà lao Phủ Lý. Khi biết ông Chương bị bắt, cụ Tôn Thất Đàn, Thượng thư Bộ Hình nghe tin liền đến nhà hỏi thăm và nói với cụ Miến: “Sao ông không qua nói với quan Khâm một tiếng để lãnh cậu ấy về cho rồi!”. Lúc đó là vào khoảng năm 1927, cụ Miến đương chức Tế Tửu Quốc Tử Giám, đang được quan chức Pháp nể trọng. Nhưng cụ đã trả lời: “Trước đây, tôi cho nó ở nội trú tại Quốc Học, học chữ Pháp, do thầy Pháp dạy. Nay nó có gan làm thì có sức chịu. Từ trước tới nay, tôi chưa từng luồn cúi, nhờ cậy, xin xỏ ai một điều gì; nên nay không thể làm khác được”. (Thời kháng chiến chống Pháp, ông tham gia viết báo “Giết giặc” và làm ủy viên kinh tài Bình Trị Thiên, bị Pháp bắt được, đưa ra Côn Đảo giam ở ngục cầm cố 7 năm. Sau Hiệp định Genève 1954, ông được trao trả về miền Bắc, làm ở Bộ Tài chính (thời ông Hoàng Anh làm Bộ trưởng). Ông mất năm 1979 với “tam không”: Không có nhà cửa, không có tiền của riêng tư và không có con trai nối dõi!).

Sau này, khi đã về hưu cụ cũng dặn dò con cái không được mượn uy danh cụ có nhiều học trò giữ quyền cao chức trọng để nhờ cậy xin xỏ vì chuyện riêng tư.

Với một phẩm cách như thế, mặc dù người Pháp không ưa vẫn phải trọng dụng Cụ.

2.3. Một lối sống thanh cao mà giản dị, khiêm nhường

Xuất thân từ một gia tộc khoa bảng, từng sống tại kinh đô tân tiến nhất châu Âu, cuối đời ngồi ghế đại quan chỉ kém Thượng Thư một bậc, nhưng danh nhân Lê Văn Miến, bên cạnh phong thái ung dung và thanh cao của một giáo sư đất kinh kỳ, vẫn giữ cốt cách một nho sĩ với lối sống giản dị, tiết kiệm của vùng quê Nghệ Tĩnh. Khi có việc đi ra ngoài, làm việc hay dạy học, cụ thường mặc chiếc áo sa đen mỏng, quần vải quyến, đầu vấn chiếc khăn lược dài, chân mang giày Tây, trời lạnh quàng thêm chiếc “ba-đờ-xuy” bằng dạ xám, khi mưa thì thêm chiếc ô đen. Cụ thích đi bộ một cách thong thả, lấy đó làm cách thư giãn tâm hồn. Khi có việc cần kíp lắm, hay những ngày đại lễ phải đi dự, bất đắc dĩ cụ mới đi xe kéo. Đi kỵ giỗ hay thăm viếng người thân, nếu ở xa, thì cụ thuê đò đi. Cả những lúc phải đi xe lửa ra Vinh thăm quê, cụ cũng thuê đò chèo lên bến ga, nằm nghỉ để sáng sớm tiện lên tàu. Thỉnh thoảng, ngày chủ nhật, cụ cho cậu con trai là Lê Văn Yên ngồi trên xe, để chú Tư - người giúp việc trong gia đình kéo đi chơi; còn bản thân cụ thì đi bộ vào các chợ An Cựu, Bến Ngự, tự mua các thứ rau quả mang ra xe.

Cụ cũng thích tự nấu ăn lấy, nhất là món cá thệ kho trong cái tìm sành bắc trên hỏa lò than, bỏ thêm rau răm và thịt heo ba chỉ xắt kiểu hột lựu. Buổi sáng, cụ thường dậy sớm, tự quạt lò than, ngồi uống nước trà Tam Hỷ hay Minh Thái, rồi ăn cháo trắng lót dạ; đợi nghe tiếng chuông báo hiệu vào lớp, cụ mới mặc áo, chít khăn đi qua trường.

Bữa ăn hàng ngày của cụ thanh đạm, nhưng có kiểu cách riêng. Cơm thường nấu riêng bằng chiếc om đất, chỉ hai lưng chén kiểu; đũa tre vót thật tròn, phân rõ đầu đuôi; một đĩa rau chấm nước tôm kho đánh; một đĩa cá, thịt hay là chả trứng. Các món dọn trên chiếc khay gỗ, mỗi món có vị trí nhất định trên khay và chỉ dọn ra vừa chừng, không để thừa. Món ăn ít nhưng phải thay đổi luôn và chỉ dùng một lần, không hâm đi kho lại. Có thể nói, kiểu ăn của cụ Miến đã thành một nếp văn hóa.

Chuyện “uống” của cụ Miến cũng khá đặc biệt. Cụ thích uống rượu trắng của ta, chứ không dùng rượu thuốc. Trên tủ trà luôn có một lít rượu đế. Ở trường về, chốc chốc cụ lại rót một ly ra uống. Cụ uống nhiều vẫn không say, sau mỗi chén rượu, cụ ngồi trầm ngâm suy nghĩ, chứ không phải như thói thường “tửu nhập ngôn xuất”. Chén rượu là phương tiện để cụ giải sầu. Tuy vậy, không muốn con cháu sinh hư vì tệ rượu chè, cụ thường bảo: “Bây không làm chủ được rượu thì đừng để rượu làm chủ và tốt nhất là đừng uống”. Thỉnh thoảng cụ cũng thưởng thức những thứ đồ uống “cao cấp” mà hồi du học ở Pháp cụ từng quen. Đó là bia Larue, rượu vang trắng hay đỏ (dùng khai vị trước bữa ăn), Cognac Martel hay Champagne (trong những dịp giỗ, Tết). Cũng lạ là bên cạnh những thứ đồ uống Tây ấy, cụ Miến lại ăn cau trầu và hút thuốc Cẩm Lệ!

Bản tính cụ ít nói, càng “hà tiện những lời vô ích”, cũng rất ít dùng tiếng Pháp và điển tích chữ Hán, mặc dù cụ thông hiểu sâu sắc ngôn ngữ và nền văn hóa của hai dân tộc này. Nói cách khác, một con người có văn hóa, có lòng tự trọng dân tộc thì càng hiểu biết rộng càng quý trọng ngôn ngữ của dân tộc mình. Cá tính kiệm lời, có thể nói là ít cởi mở đã phản ánh trung thực tâm trạng đầy ưu tư của cụ về nhiều lẽ trong cuộc đời. Cụ thường uống rượu để giải sầu là vì thế! Trước hết, có lẽ đó là sự đau đớn, dằn vặt trước tình cảnh dân tộc mình phải làm nô lệ cho giặc ngoại xâm, và bản thân mình chỉ giữ được nghĩa khí của kẻ sĩ chứ không đủ dũng khí để làm người anh hùng như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám. Sau nữa, đó là tâm trạng của một con người sinh bất phùng thời, suốt một đời bất như ý; học một đường làm một nẻo, có tài mà không có đất dụng võ, rồi đường vợ con cũng gặp bao nhiêu là lận đận, khổ đau.

Tuy vậy, để không ngừng mở rộng tầm hiểu biết và có lẽ cũng để chế ngự bớt tâm trạng ưu tư và thường là cô đơn, cụ Miến luôn tìm đến những bạn tri âm - đó là báo chí và các tác phẩm văn học, lịch sử. Cụ là độc giả thường xuyên của tờ Tiếng Dân, An Nam tạp chí, Hữu Thanh, Annam Nouveau revue. Trong các nhà văn Pháp, cụ yêu thích nhất là đại văn hào Victor Hugo. Các tập thơ và những bộ tiểu thuyết của V. Hugo thường có trên bàn đầu giường ngủ của cụ. Thỉnh thoảng cụ đọc thêm các tác phẩm của Voltaire, sách chữ Hán thì cụ thường xem cổ văn, lúc buồn hay cao hứng thì ngâm Kiều. Cụ Miến còn có thú giải trí nữa là thỉnh thoảng ngày nghỉ đến chơi tài bàn với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Giá hay Châu Văn Huề.

Do mắt bị mờ, cụ Miến phải xin nghỉ hưu sớm lúc mới 56 tuổi. 15 năm cuối đời, cụ phải sống trong cảnh mù lòa buồn nản, luôn thay đổi chỗ ở, những mong tìm được lối thoát, tìm bạn tâm giao. Thoạt đầu, cụ ở trong ngôi nhà vườn khá rộng tại đường Đinh Công Tráng, nhưng đến năm 1932, khi người con trai là ông Lê Văn Chương ra tù, cụ thuận theo đề nghị của ông là bán nhà lấy tiền mua đất khai hoang ở xứ Trường An, làng Phước Tích (Phong Điền) để con cháu đỡ lây nhiễm những thói hư tật xấu ở thị thành! Lúc đầu, cụ đã gửi một phần tiền bán nhà gửi về quê, nhờ mua căn nhà gỗ lợp lá dựng sau lưng nhà thờ họ Lê ở Kim Khê (Nghi Lộc) để sống với thân mẫu và họ hàng, nhưng ở một thời gian, cụ bị tê thấp, đành phải vào sống với ông Chương. Cách sống của cụ từ khi còn làm việc đến lúc theo con về ở ẩn trong căn nhà dựng trên chóp độn Ria, xung quanh cây cối um tùm và cả khi cụ chuyển về ở nhờ trong nhà học trò cũ tại Thế Chí rồi về sống trong căn nhà do các học trò giúp dựng bên sông Ô Lâu, cách ga Phò Trạch vài trăm mét từ cuối năm 1939 cho đến cuối đời, gợi chúng ta nghĩ đến câu ca quen thuộc của nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy - người bà con láng giềng của cụ: “Thuở ra sân khấu không làm rộn/ Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi”. ...

3. Tài danh của một họa sĩ “sinh bất phùng thời”

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, Lê Văn Miến về nước vào thời đoạn đất nước còn lạc hậu về nhiều mặt, người quan tâm đến mỹ thuật càng hiếm; đó là chưa nói đến tâm trạng chàng trai họ Lê vừa qua tuổi đôi mươi đang trăn trở tìm con đường thể hiện lòng yêu nước như một ngọn lửa chưa có dịp bùng cháy. Sau đó thì việc kiếm sống và thời cuộc cuốn hút, nên tác phẩm ông để lại không nhiều. Tuy vậy, những tác phẩm hội họa của Lê Văn Miến có thể gọi là: "những bức tranh vô giá”, trước hết vì sinh thời, họa sĩ vẽ tranh không phải để bán mà thường là để đền ơn đáp nghĩa, cũng là dịp thể nghiệm tay nghề và bày tỏ xúc cảm trước cái đẹp của cuộc sống; phần nữa, vì hầu hết những tác phẩm của Lê Văn Miến nay đã thất lạc không ai có thể định giá được, một số ít bức tranh còn lại thì đã trở nên thứ tài sản quý hiếm không ai đem ra mua bán.

Tác phẩm “Bình văn” - Tranh sơn dầu của Lê Văn Miến (1898-1905) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam- Ảnh: wikipedia


Giới nghiên cứu nghệ thuật biết đến cụ trước hết với tư cách tác giả hai bức tranh “Chân dung cụ Tú Mền” và bức “Bình văn” (còn có tên là “Buổi học chữ Nho xưa”) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong cuốn Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh đã viết về bức tranh “Cụ Tú Mền” như sau: “Bức chân dung nhà nho Nguyễn Vinh Mậu là tác phẩm đầu tiên của ông Miến sau khi về nước. Chân dung này cho thấy nghề nghiệp của ông Miến khá vững vàng. Họa sĩ đã biết kết hợp kỹ thuật Tây Âu với tinh thần dân tộc...”.

Bức “Bình văn” đã được chọn in ở bìa cuốn sách lớn “100 họa sĩ Việt Nam thế kỷ 20”. Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân, trong bài viết kể lại việc phát hiện bức tranh “Bình văn” năm 1971 tại một căn nhà ở phố Khâm Thiên (thật may mắn là chỉ mấy tháng sau khi bức tranh được đưa vào Bảo tàng thì căn nhà ấy bị bom B.52 Mỹ đánh tan!) đã nhận xét: “... Chưa thấy một họa sĩ nước ngoài nào dựng được hình và cử chỉ người Việt với thần thái chính xác, sâu và trân trọng như thế... Đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Văn Miến với bức tranh “Bình văn” là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội họa hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời...”.

Theo Thái Bá Vân chứng minh thì đến nay, bức “Bình văn” vừa có trăm tuổi thọ. Đáng tiếc là thời gian và điều kiện bảo tồn tác phẩm mỹ thuật hạn chế, nên màu sắc, đường nét bức tranh không còn giữ được thần thái như xưa. Về bức tranh này, Giáo sư Lê Thước đánh giá: “Ở bức tranh Buổi học chữ nho xưa họa sĩ miêu tả 6 cậu học trò khăn áo chỉnh tề, đang quây quần ngồi nghe một cụ đồ nho râu tóc bạc phơ, tay cầm sách giảng bài. Các nhân vật trong tranh được bố cục trong hình chóp cổ điển trên tranh. Với bút pháp tạ ẩn trong cách sử dụng nhưng mảng hình màu sắc phẳng và rộng khác nhau đã làm cho hình tượng “thầy và trò” nổi lên lồ lộ trong không khí học tập, đồng thời cũng gợi cho người xem thứ không gian tạo hình gần gũi với công chúng Việt Nam. Bức tranh này đã khiến một số họa sĩ chuyên nghiệp hiện nay liên tưởng đến bút pháp thể hiện của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sau này trong bức lụa nổi tiếng “Chơi ô ăn quan” vẽ năm 1932”.

Tranh chân dung cụ Nguyễn Khoa Luận của Lê Văn Miến. Ảnh do Nguyễn Khoa Quả chụp


Có một điều lạ là hai bức chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận với chất liệu phấn màu, cỡ 60 x 80cm, cũng có tuổi thọ tương tự, hiện treo ở chùa Ba La Mật (Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, (nay là số 366 đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế) lại còn như mới nguyên! Liệu có phải hương khói nhà chùa đã tạo nên môi trường bảo tồn tranh tốt nhất? Điều này xin được dành cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật trả lời. (Cụ Nguyễn Khoa Luận là nhạc gia của họa sĩ và là ông nội của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Sau khi thi đỗ cử nhân và học Trường Quốc Tử Giám, cụ được cử giữ chức Bố Chánh tỉnh Thanh Hóa. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương và giặc Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi, cụ treo ấn từ quan, bỏ đi tu!Cụ qua đời năm 1900, như vậy bức chân dung cụ còn “thọ” hơn bức “Bình văn”.)

Bình luận về tác phẩm mỹ thuật, có thể các nhà chuyên môn còn có những ý kiến khác. Đó là chưa nói đến một số tác phẩm của họa sĩ bị thất lạc mà một số tài liệu đã dẫn ở trên cho biết tên như: chân dung Đào Tấn, vua Thành Thái, cụ Tiểu cao Nguyễn Văn Mại, ông Hồ Liệu… Và cho dù nghệ thuật hội họa hiện nay đa dạng, khác trước rất nhiều, những tác phẩm nêu trên của họa sĩ Lê Văn Miến vẫn khẳng định tài danh một họa sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của hội họa Việt Nam.

4. Vài ý kiến nhỏ về việc tôn vinh danh nhân Lê Văn Miến

Ba mươi năm trước, sau khi xuất bản cuốn sách mỏng về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Lê Văn Miến, tôi vẫn chờ đợi có thêm thông tin để bổ sung khi tái bản. Cho đến năm 2014, nghe tin họa sĩ Lê Huy Tiếp là cháu của họa sĩ Lê Văn Miến sang Pháp, đã đến Trường Mỹ thuật Paris, tôi rất hy vọng. Thật tiếc là dù gặp được ông Emmanuel Schwartz tại thư viện Trường Mỹ thuật Paris, nhưng cuộc gặp đã không mang lại kết quả mong muốn. Các tác phẩm của sinh viên khi ra trường, họ đều mang theo.

Gần nhất, theo báo “Hà Nội mới”, ngày 28/10/2014, tại Tọa đàm khoa học về họa sĩ Lê Văn Miến do Viện Mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) tổ chức, nhà nghiên cứu Nguyễn Ánh Nguyệt cho biết vừa phát hiện 2 bức tranh của cụ Miến là chân dung cụ ông Phan Văn Du và cụ bà Phạm Thị Thơi.

Như vậy, hy vọng tìm thấy thêm các tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến không nhiều. Dù vậy, chỉ với mấy tác phẩm còn lại và những cống hiến của cụ đối với ngành giáo dục trong suốt 30 năm trời, với phẩm cách đáng trọng của một kẻ sĩ trong mọi tình huống, cụ Lê Văn Miến xứng đáng là danh nhân được hậu thế tôn vinh. Xin được nhắc thêm rằng trong gần 30 năm làm nghề giáo, “sản phẩm” cụ để lại cho đời sau là góp phần đào tạo rất nhiều học trò đã trở nên những tên tuổi lớn, những nhân vật lịch sử của đất nước. Ở trên đã nhắc tới người thanh niên lỗi lạc Nguyễn Tất Thành, giáo sư Lê Thước; còn có thể kể tiếp: Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn... Tất nhiên, những thành đạt của các tên tuổi nêu trên còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhưng “nhất tự vi sư” -cụ Miến thì không chỉ dạy chữ; bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ mà cụ Miến gieo trồng cho bao thế hệ học trò hẳn có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của họ.

Cho đến nay, được biết, sau thành phố Huế, các thành phố Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh đã có đường phố mang tên Lê Văn Miến.

Bản thân cụ, ngay khi còn tại thế, chẳng ham chi khoe khoang danh lợi, đúng như câu thơ của cụ Thảo Am đã dẫn ở trên. Tuy vậy, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của cụ, thiết nghĩ các cơ quan hữu quan như Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Nghệ thuật Huế cần đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp trên công nhận khu mộ danh nhân Lê Văn Miến cùng những di vật liên quan là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia, thay vì chỉ là cấp tỉnh như hiện nay. Bộ Giáo dục & Đào tạo và trước hết là các đơn vị thuộc ngành giáo dục ở Thừa Thiên Huế có lẽ nên bổ sung vào chương trình hàng năm tài liệu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Lê Văn Miến. Tôi vui lòng được tặng bản thảo đầy đủ cuốn sách nói trên sau khi hoàn chỉnh, bổ sung những thông tin cần thiết cho cơ quan nào cókhảnăng in để gửi đến tất cả trường học trong tỉnh. Cũng rất nên vận động để dựng một tượng chân dung cụ Lê Văn Miến gần khu mộ của cụ ở Phong Điền; sau đó đặt biển hướng dẫn đường vào khu mộ ngay trên Quốc lộ I. Như thế, huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế thêm một địa điểm văn hóa; du khách trên đường xuyên Việt Bắc - Nam có cơ hội biết thêm một danh nhân từng góp phần làm rạng danh đất Việt từ 150 năm trước.

Danh nhân Lê Văn Miến xứng đáng với sự tôn vinh như thế!

Tng An - Huế đầu Xuân Giáp Thìn - 2024
N.K.P
(TCSH52SDB/03-2024)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng