Tác giả-tác phẩm
Nồng ấm, tin yêu và lặng lẽ thơ Nguyễn Khoa Điềm
15:10 | 17/05/2024

HỒ THẾ HÀ

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ tài danh của nền thơ Việt Nam hiện đại.

Nồng ấm, tin yêu và lặng lẽ thơ Nguyễn Khoa Điềm
Những tập thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Thơ ông chan chứa tình đồng bào, đồng chí và tình yêu quê hương, đất nước thông qua hình tượng, diễn ngôn và cái tôi đang tư duy mang phẩm tính riêng: giàu chất triết lý, văn hóa và thấm đẫm tính trữ tình đời tư - thế sự. Dù bận nhiều công việc riêng và gánh vác nhiều công việc trọng đại chung, nhưng lúc nào Nguyễn Khoa Điềm cũng sống hết mình cho nghệ thuật thơ ca. Kết quả của hành trình sáng tạo nồng say đó, ông được nhận lại những thành quả lớn lao bằng những giải thưởng cao quý, cao nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 dành cho chùm 3 tác phẩm xuất sắc: Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng Ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Ông có hai bài thơ vinh dự được chọn giảng dạy trong chương trình Trung học phổ thông: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ Đất nước - trích chương V của trường ca Mặt đường khát vọng.

Thi pháp thơ Nguyễn Khoa Điềm đạt đến độ kết tinh, tạo nên một thế giới nghệ thuật hòa trộn giữa ảo và thật, trầm tích và hiển minh, hiện thực và lãng mạn, làm hiện lên những giá trị văn hóa - triết mỹ - tư tưởng sâu sắc và mới lạ. Ông là một trong số ít những nhà thơ có quá trình sáng tạo luôn vận động, phát triển và đổi mới từ thời chiến cho đến thời bình, hình thành phong cách và tư duy thơ riêng độc đáo.

Dù không chủ tâm tuyên ngôn về lý thuyết và quan niệm thơ, nhưng trong quá trình sáng tạo, Nguyễn Khoa Điềm đây đó có phát ngôn trong thơ và trong các trả lời phỏng vấn về chức năng của thi ca và sứ mệnh của người cầm bút: “Tôi luôn thường trực ý nghĩ mình viết cái gì, mỗi một từ ngữ, hình ảnh giản dị bình thường nhất thì cũng phải có lợi cho cuộc chiến đấu”. Ông cũng đề cao cảm xúc và rung cảm của người làm thơ, bởi vì “Nếu không có cảm xúc thì làm một người bình thường cũng khó, chưa nói đến sáng tác”. Ông đã khái quát một cách ngắn gọn những gì tinh túy nhất của thơ và người làm thơ: “Tôi nghĩ có ba yếu tố làm nên phẩm chất của văn chương, đó là: Lời (lời văn, cách viết) - Hành động (ý tưởng văn chương thúc giục người ta hành động) - Tấm lòng (là tâm hồn tác giả trên từng trang sách). Thơ ông đã phản ánh trực tiếp và gián tiếp những quan niệm kết tinh và nền tảng ấy.

Nguyễn Khoa Điềm cũng giống như rất nhiều nhà thơ cùng thời, luôn vươn lên giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ. Thời chiến, ông có kiểu tư duy thời chiến; thời bình, ông có kiểu tư duy thời bình. Ngay sau khi kết thúc cuộc chiến, ông nhận thức rõ bước ngoặt chuyển mình của lịch sử và nhanh chóng có cái nhìn nghệ thuật khác cho phù hợp với cuộc sống hậu chiến thông qua cái tôi công dân - nghệ sĩ tích cực, xoáy sâu vào những vấn đề bản chất của đời tư - thế sự. Từ cái ta, ông quay về với cái tôi; từ hướng ngoại, ông chuyển sang hướng nội; từ giọng cao, ông chuyển sang giọng trầm để nhìn đúng mọi trạng thái nhân thế. Hiện thực cuộc sống và hiện thực tâm trạng tương tác nhau để tạo ra những hình tượng thơ, ngôn từ thơ và tư duy thơ luôn luôn hướng đến cái Mới và cái Khác. Chất thơ Nguyễn Khoa Điềm từ thời chiến chuyển sang thời bình kết hợp được giữa cái riêng và cái chung, giữa tư duy ý và tư duy hình trên nền tảng cuộc sống và văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt phong phú, phức hợp mà thống nhất qua hai giai đoạn thơ: trước và sau năm 1975.

Giai đoạn trước 1975, khi mới vào chiến trường, ông liền có tác phẩm nổi tiếng Đất ngoại ô với hình tượng và giọng điệu khá bất ngờ. Ông chú trọng đến con người và các quan hệ nhân sinh mà ông chứng kiến và tắm gội trong không gian đất ngoại ô Huế và thời gian đất nước có chiến tranh bằng những câu thơ tự thuật chân thành, xúc động. Từ quá khứ, ông đối chiếu với hiện tại và mơ ước đến tương lai để thấu cảm con người và quê hương, xứ sở: “Khu phố ngoại ô/ Tầm tã rụng bên dòng sông/ Những người dân nghèo về đây/ Như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến./ Khu phố ngoại ô/ Chân đất, đội áo nối vai/ Le te chợ Hôm, chợ Mai/ Đầu tắt mặt tối”. Trong đấu tranh gian khổ và bền bỉ, đất ngoại ô được giải phóng với khí thế và sức mạnh hào hùng: “Có bao giờ như buổi sáng Xuân nay/ Chúng ta bay, nghìn độ lửa, ta bay/ Đất đuổi giặc, đất vươn dài bén gót/ Mang Cá tan hoang, Phú Bài vỡ mặt/ Ngoại ô mở rồi trăm lối ta băng băng/ Trái tim hồng lắp đầu súng chống tăng/ Ta đã lớn, ơi mẹ, em, đồng chí/ Dưới mái xưa nhìn theo ta ứa lệ/ Sức trăm năm nay chuyển xuống lòng đường/…/ Ngoại ô bừng bừng tiếng hát/ Ngực căng phồng trấn giữ Thuận An”. Quả là qua Đất ngoại ô, Nguyễn Khoa Điềm đã đem lại cho nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân miền Nam niềm tin vào sức mạnh chính nghĩa và sự tất thắng của cuộc kháng chiến.

Tác phẩm thành công tiếp theo của Nguyễn Khoa Điềm là trường ca Mặt đường khát vọng. Nguyễn Khoa Điềm vẫn tiếp tục mạch suy tư về Nhân dân, Đất nước bằng lối thể hiện tự nhiên, bình dị, phóng khoáng và hiện đại vốn có của mình. Xuất phát từ văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam đã hình thành trong lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm nói về đất nước sâu sắc mà dễ hiểu qua những so sánh gần gũi: “Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Ông giải thích đất nước đến tận cùng nguồn cội: “Đất là nơi chim về/ Nước là nơi Rồng ở/ Đất nước là nơi “Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng/ Những ai đã khuất/ Những ai bây giờ/ Yêu nhau và sinh con đẻ cái/ Gánh vác phần người đi trước để lại/ Dặn dò con cháu chuyện mai sau/ Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng phải biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ…”. Mọi người yêu thích và trân quý những câu thơ ngợi ca Nhân dân, Đất nước với những liên hệ rất chân cảm và mới lạ của Nguyễn Khoa Điềm:

Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cơ thể
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!...

Trường ca Mặt đường khát vọng xứng đáng là thông điệp mang chiều sâu cảm thức văn hóa, tinh thần yêu nước của tuổi trẻ và của toàn bộ nhân dân Việt Nam trong những năm chiến đấu hào hùng, anh dũng chống kẻ thù xâm lược.

Âm hưởng chung của thơ Nguyễn Khoa Điềm giai đoạn này là luôn trầm tư về Nhân dân và Đất nước với chiều sâu văn hóa và triết mỹ. Không chỉ nghĩ về hiện tại, ông còn nghĩ về quá khứ với những hình tượng cụ thể trong so sánh với từng cảnh vật, con người và sự kiện. Liên hệ thơ Cao Bá Quát khi khắc họa sông Hương, ông nghĩ về những điều cao đẹp và ân nghĩa: “Biết ơn dòng sông dựng dáng kiếm uy nghi/ Trong tâm trí một nhà thơ khởi nghĩa/ Cao Bá Quát ngã mình trên chiến địa/ Trăm năm rồi sông vẫn sáng màu gươm...”, từ đó, ông lại nghĩ về những điều cao hơn trong hiện tại để biết yêu thương và căm giận:

Trăm năm rồi ta đếm bước sông Hương
Vẫn soi thấy niềm đau và nỗi giận
Khuôn mặt trẻ bỗng già trên lớp sóng
Ngẩng đầu lên, ta thấy mặt quân thù!
                                   
(Lời chào)

Đt ngoại ô Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm là sự hòa hợp, tự tin nhằm khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam được nhà thơ viết giữa không gian đạn bom, khói lửa ở chiến trường. Cùng với thơ của Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Lê Anh Xuân… và hào khí xuống đường chiến đấu trong thơ Trần Quang Long, Ngô Kha… ở Huế và các đô thị miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện cái tôi công dân nồng say và tích cực. Cảm hứng văn hóa, cảm hứng lịch sử và cảm hứng nhân dân tạo thành chất thơ kết hợp giữa hùng ca và tình ca, giữa chất liệu văn học và chất liệu văn hóa dân gian, giữa hiện thực và lãng mạn... đã tạo nên thi pháp vững chắc cho thơ Nguyễn Khoa Điềm và thi pháp ấy có ảnh hưởng đến các nhà thơ thế hệ chống Mỹ và cả sau này. Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Khoa Điềm trong hai tác phẩm này là sự khẳng định vừa cụ thể và khái quát, vừa sâu sắc và lay động chân lý: đất nước là của nhân dân, nhân dân đã đang và sẽ “làm nên đất nước muôn đời”. Những chiêm nghiệm và suy tư đó được thể hiện bằng một giọng thơ trầm tĩnh, bình dị, sâu lắng và khá hiện đại.

Ngày thống nhất đất nước năm 1975, nhân dân được đoàn tụ trong niềm vui toàn thắng reo ca, ông vui cùng dân tộc: “Đất nước ba mươi năm/ Trên vai sắt thép/ Đi suốt cuộc trường chinh/ Đi qua tuổi trẻ/ Đi qua những cuộc tiễn đưa lặng lẽ, không hoa/ Và bây giờ đất nước nở hoa/ Gầm trong hai mươi mốt phát đại bác rung trời/ Chào Chiến Thắng”. Cái giá của độc lập, tự do phải đi qua lịch sử thương đau để khẳng định niềm vui tuyệt đích:

Đất nước của tôi
Tôi muốn quỳ trước chân Người
Đặt môi mình trên nguồn thẳm
In trán mình vào cát mặn
Tung tăng hoài mỗi gốc lúa làng quê
Hát khúc đồng dao về Độc Lập, Tự Do...
                                   
(Ngày vui)

Lịch sử gắn với từng bước đi của thời gian chia ly và chờ đợi, hy vọng và hiến dâng thì giờ đây lịch sử được gắn với chiến công vang dội mà niềm vui lớn nhất là tình mẫu tử được đoàn viên sau bao nhiêu năm chia cắt: “Mẹ ơi, con trở lại nhà/ Sau lưng con cánh cửa chiều khép nhẹ/ Mẹ lại ngồi trước bếp chiều lặng lẽ/ Nấu cơm cho chúng con ăn/ Ôi những hạt gạo nổi chìm ba mươi năm/ Đời mẹ tảo tần cay đắng/ Từng nuôi chúng con làm nên chiến thắng/ Bây giờ chưa đủ chúng con no/ Nhưng căn nhà mình lộng gió tự do/ Reo tiếng trẻ những mùa làm lụng mới/.../ Mẹ thân yêu, với tấm lòng trọn vẹn/ Mẹ vẫn khơi bếp lửa hồng như cổ tích, ca dao/ Về những gì mong đợi ở mai sau” (Ngày vui).

Nguyễn Khoa Điềm thấy được sự hồi sinh từng ngày từng giờ trên quê hương và mỗi cuộc đời để trân quý lịch sử và chiến công:

Bạn cùng đi với tôi trên vỉa hè rạn vỡ:
- Đây là những gì chúng ta đã sống và đã chết

Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó:
- Đây là những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca

Những hàng phượng mang nắng từ trên vai thành phố:
- Đây là những gì giúp ta cao hơn một tầm nhìn

Một bà mẹ gánh nặng trở về:
- Đây là những gì chúng ta mang mẻ và hy vọng.
                                    (Trên đường)

Khi nước nhà thống nhất, Nguyễn Khoa Điềm về lại Huế và sau đó lần lượt được giao nhiều chức vụ với những trọng trách khác nhau nên ông không có nhiều thời gian làm thơ. Mãi đến năm 1986, ông mới cho ra đời tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Ở tác phẩm mới này, ông nghĩ sâu hơn và bổ sung những nhận thức của mình về Đất nước, con người và thời đại. Nhìn vào gương mặt đứa con vừa mới chào đời, ông đã nghĩ về những gì lớn lao, hệ trọng trong tương lai mà con mình phải can dự từ phút giây cất tiếng khóc chào đời để khi lớn lên, con sẽ biết lựa chọn hành vi đạo đức tốt đẹp, trở thành một công dân tích cực, toàn vẹn cho đất nước:

Con chào đời
Không có mười hai bà mụ áo quần xanh đỏ ngồi bên
Mà hai mươi bốn khuôn dấu vuông tròn chứng nhận con trên đủ loại giấy tờ tem phiếu.
Chà, cái thằng bé khóc váng phòng bệnh viện
Bên nôi con hai thằng bé lạc mẹ, khát sữa, còn khóc to hơn
Không hề chi, ông Giê su bị đóng đinh, chết đi còn chết chung với những anh khốn khổ
Còn con sống đây, hãy khóc cười chung với cuộc đời này.
Một nhà thống kê học quê hương nói rằng sự có mặt của con đã chia vào phần 285 cân thóc đầu người
Một nhà bác học của hành tinh cắt nghĩa thêm, con đã được tính vào phần một tấn chất nổ dự chi vào đầu nhân loại.
Ấy thế mà con cứ bú và quẫy đạp đòi phần sống!
Nhưng cha biết rằng rồi con sẽ bước vào thế kỷ 21 với tuổi mười bảy cường tráng

Bằng tiên cảm và thực chứng, Nguyễn Khoa Điềm lại suy tư về những gì còn - mất, vinh quang và đau khổ, về những cái đang tồn tại và những điều sẽ tồn tại bằng giọng thơ trầm ngâm, giàu tính triết luận và hoài niệm: “Đã mùa thu/ Đêm cha quạt cho con chút lửa/ Đặt ấm chỗ con nằm/ Trở giấc, lại ngồi lại quạt/ Những hòn than lấp lánh lim dim/ Mặt con sáng vầng trăng nhỏ/ Cha ngồi dáng người thượng cổ/ Nhớ mười năm đốt lửa Trường Sơn/ Cơn sốt, cơn đói/ Người nằm xuống, kẻ còn lưa/ Tóc cha sợi đen, sợi bạc/ Chợt nhớ lời ru mùa thu gió hát/ Cha ngồi trầm ngâm thâu đêm...”.

Ngắm những quả bầu, quả bí, ông liên tưởng đến giọt mồ hôi của mẹ và những mùa gieo hạt, rồi ông hoảng sợ tuổi già của mẹ ập đến mà những đứa con thì chưa làm được điều mong mỏi cho mẹ an lòng: “Và chúng tôi một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái/ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh” (Mẹ và quả)…

Từ một con người cụ thể, ông nghĩ và liên hệ đến những gì có quan hệ lớn lao với thời gian và sự sống để củng cố lòng tin. Kiểu tư duy song song này thường lặp lại trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Để tìm lại trạng thái bình yên và tin yêu trong hy vọng, Nguyễn Khoa Điềm tìm đến thiên nhiên, cùng thiên nhiên giao hòa, giao cảm. Khi ấy, ông thấy mình nhận được ân huệ từ cảnh vật quê hương:

Nhưng chiều nay có còn bò gặm cỏ
Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
Tôi với nó lặng im bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang
Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương…
                                   
(Chiều Hương Giang)

Về sau, trở lại Huế lần thứ hai khi nghỉ hưu, ông đã hoàn thành tập thơ Cõi lặng - tập thơ được xem là sự bùng nổ thi ca lần thứ 3 của Nguyễn Khoa Điềm, nghiêng về triết lý và chiêm nghiệm đời sống xã hội, nhân tình thế thái với tư duy hướng nội. Cái nhìn nghệ thuật giờ đây đã đổi khác. Ông quan tâm đến con người và cuộc sống thời hậu chiến bằng tư duy đối lập và tương tác rất biện chứng, chân thật.

Quan sát cánh đồng buổi chiều bộn bề công việc, ông thấy sự vất vả của người nông dân một nắng hai sương và ông nghiệm ra rằng sự bất công vẫn còn trên mặt đất: “Khi mồ hôi trở nên quá rẻ/ Kẻ ranh ma trở nên quá giàu” (Cánh đồng buổi chiều). Khi nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy trên đường phố và bao nhiêu tệ nạn khác, ông nghĩ đến những bất an và độc ác bất ngờ có thể xảy ra, làm cho con người thành bi kịch của chính cái ác: “Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học/ Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố/ Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh” (Lạng lách thời thượng và sành điệu).

Tuổi càng cao, ông càng nghĩ đến nhiều sự việc bất ổn và tai vạ bất ngờ có thể xảy ra đối với bất cứ ai: “Bánh xe đạp không tròn nữa/ Chỉ một hòn đá vô tình cũng đủ ngã lăn chiêng và các cô gái đều lẫn vào mây trắng/ Như là thần tiên, như cánh diều vàng” (Bất ổn). Cũng vẫn tư duy đối lập, nhà thơ ngạc nhiên trước sự mỏng manh mà vững chãi của cây cỏ, thiên nhiên mà cây vú sữa trước sân nhà ông là một bằng chứng của sức chịu đựng và sự lạc quan của nó: “Đêm qua mưa bão đen vườn cũ/ Sáng dậy trên cao lá nói cười” (Cây vú sữa trước nhà). Ông cảm nhận được trong từng hồng cầu của mình về sự mạnh mẽ và thanh sạch, ung dung của cỏ: “chậm rãi/ không nghe tiếng người, tiếng xe cộ lại qua/ Bụi bặm một ngày kiếm sống/ Nó nghe vị ngọt của từng cọng cỏ” (Cỏ ngọt). Ông học được ở thiên nhiên sự thanh cao, dịu dàng và nhân hậu. Nhìn những bông hoa nở về đêm, ông hiểu được: “Một đời mơ mộng chẳng nguôi quên/ Những khi ta ngủ thì hoa thức/ Hoa nhắn giùm ta bí ẩn em” (Trong đêm). Làm bạn và học hỏi thiên nhiên, ông đúc rút thành những kinh nghiệm quan hệ bản chất: “Đôi khi đá dạy ta mềm mỏng/ Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ Nỗi buồn đánh thức hy vọng”. Và: “Giữa thế giới không nhiều may mắn/ Ta học cách vừa lòng với mình/ Chia sẻ sự bình tâm của cỏ” (Hy vọng). Những triết lý, chiêm nghiệm này không chỉ cần thiết cho bản thân tác giả mà còn là những bài học kinh nghiệm quan hệ sống hết sức quý giá cho tất cả mọi người trong ứng xử và tồn tại. Và ông tự hỏi:

Vì sao không thể yêu mến hơn?
Vì sao không thể xanh tươi hơn?
Vì sao không thể trong sạch hơn?
                       
(Trong những buổi chiều)

Hy vọng và có thể lắm chứ! Đó là thông điệp để ông kiên nhẫn đi tìm lòng tốt/ tính thiện vĩnh hằng ở cõi người: “Ai chờ đợi anh/ Tin tưởng anh, nuôi dưỡng hy vọng?/ Ai sau lá, sau cây, sau mưa, sau núi xanh/ Ai cho anh lòng tốt/ Cõi sáng?” (Có một nỗi buồn).

Tiềm năng đạo đức và tiềm năng văn hóa giúp mỗi một nhân vị lựa chọn hành vi đạo đức của mình theo phán đoán đúng và kịp thời, dứt khoát. Ông suốt đời chọn nhân dân làm nơi nương tựa và là bệ đỡ để ông không ngừng hy vọng cho mình, cho thơ. “Thơ ta, ta gửi đến bao người” dù đã “hăm hở đôi vai tuổi tác” nhưng vẫn “Bằng bước chân chậm rãi/ Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi” để “quẫy đạp một hành trình mới”. Ông nhận ra “Cả người nằm trong đất, cả người đang đi trên đường/ Chúng ta nhìn đời bằng ánh mắt ngay thẳng/ Bởi chúng ta là người chiến thắng”. Phải nói là quyết đoán, dũng cảm và nhân văn!

Lấy mình làm người đối chứng, ông tự nhìn vào nội tâm và bản thể để lựa chọn cách sống: “i lặng/ Tôi vượt qua ghềnh thác/ Đến những miền trong xanh”, nơi đó “không tiếng động nào khác” ngoài “tiếng đập trái tim anh”. Đó là lúc ông hạnh phúc tự tình: “người ơi, tôi yêu người tha thiết/ tôi sống với người, chết vì người” (Cõi lặng). Một tuyên ngôn thanh thản, dứt khoát, làm thành giọng điệu mới cho thơ ông giai đoạn hậu chiến:

Bây giờ là lúc có thể chia tay điện thoại để bàn, cạc-vi-dit, nắm đấm mi-crô
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường
Một mình một ba lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ
Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng, những ngả đường độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình…
                                   
(Bây giờ là lúc)

Cũng trong cõi lặng, Nguyễn Khoa Điềm trầm tĩnh nhận ra: “Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn/ Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn khoác lác”. Và ông quyết tâm làm mới mình bằng tất cả những gì có thể của trạng thái “tự do thi sĩ” một cách thanh thản: “Hãy lộn ngược da anh/ và ghi lên đó mật khẩu: - Không lùi bước!” (Không lùi bước).

Ông sẵn sàng đối diện với những nhức nhối của tệ nạn và cái ác, trực diện nói lên nhận thức và cảm hứng dân chủ của nhân dân: “Không! sự sợ hãi không cứu được chúng ta/ mà chính là sự can đảm/ đi tới dân chủ” (Nhân dân). Ông nêu những tấm gương sáng của tiền nhân trong lịch sử quá khứ và hiện tại để mọi người rút ra bài học làm người. Ông cảm thấy lịch sử hào hùng 700 năm dựng nước và giữ nước từ thời Trần đến nay thăm thẳm như một giọt nước mắt:

Không có tiếng quân reo
Không có lửa
Chỉ có tiếng gậy trúc bà cụ gõ vào đá núi
Người ngồi đó
Dắt ta vào bảy trăm năm
Thăm thẳm như một giọt nước mắt
                       
(Người về Yên Tử)

Bên cạnh cảm quan về nhân dân và đất nước, Nguyễn Khoa Điềm còn dành cho tình yêu những cung bậc trữ tình sâu lắng.

Thơ tình yêu của Nguyễn Khoa Điềm có cách thể hiện riêng, tùy vào từng trạng thái tình cảm và các quan hệ riêng tư cụ thể. Trong thời chiến, Nguyễn Khoa Điềm thường gắn liền tình yêu trong những quan hệ với nhiệm vụ chung của dân tộc: “Em em ơi! Đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất nước muôn đời” (Đất nước).

Thơ tình yêu của Nguyễn Khoa Điềm trong thời kì kháng chiến luôn hòa quyện một cách nhuần nhuyễn vào tình yêu đất nước, nhưng không phải vì thế mà thiếu sự mãnh liệt vốn có của nhân loại muôn thuở. Bài thơ Khoảng trời yêu dấu (1970) được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, vậy mà ta vẫn tìm thấy trong bài thơ những khoảnh khắc lãng mạn, dịu êm và nồng ấm nhưng không kém phần lý trí tỉnh táo của người con trai trước những đối lập giữa hiện thực và lãng mạn, giữa tình yêu và nghĩa vụ: “Phía em, phía của quê nhà/ Trắng là tóc mẹ, xanh là áo em/ Anh đi kháng chiến trăm miền/ Hướng dương thương nhớ vẫn nghiêng phía này” (Khoảng trời yêu dấu). Bởi vì, hơn ai hết, ông hiểu: “Đời đẹp thế, đời chiều ta đến thế/ Anh yêu đời, càng tha thiết yêu em/ Còn có gì tách được nỗi chung - riêng” (Cảm ơn tình yêu và cuộc sống).

Thơ tình Nguyễn Khoa Điềm trong thời bình có những thay đổi và bổ sung những cung bậc mới xuất phát từ sự thay đổi hiện thực và tình cảm. Ông không ngừng yêu thương và mơ mộng theo tiếng nói riêng của trái tim đa cảm, lãng mạn và trí tuệ, nhưng đã chen vào đó giai điệu buồn, có lúc day dứt vì những tổn thương, rạn vỡ và bất ổn nào đó:

Có một ngày em không yêu anh
Em đi thật xa
Và mặc chiếc áo
Anh chưa từng thấy bao giờ…
Có một ngày
Em tràn đầy hạnh phúc
Ngày em không yêu anh
Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy
Và chiếc áo sờn vai ấy
Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày
Em xóa mình đi
Bằng chiếc khăn màu thơm ngát…
                       
(Có một ngày)

Bài thơ đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên làm thổn thức bao trái tim yêu bởi giai điệu và diễn ngôn hợp với bao mối tình tan vỡ trong thổn thức và quyến luyến.

Càng về sau, ông càng thao thức và chiêm cảm về tình yêu nhằm rút ra những bài học và khía cạnh triết lý để làm giàu cho kinh nghiệm yêu và hiểu được lý lẽ của trái tim đa cảm. Muốn vậy, ông phải tựa vào thiên nhiên và tựa vào chính tâm hồn mình để tin yêu và mơ mộng: “Bởi vì em mặc áo vàng/ Tôi muốn em hãy đọc bài thơ Nga ấy/ Đã rung lên như lửa cháy,/ Một mùa thu chết tận xa xôi/ Cho tôi sống bồi hồi/ Trên chân trời rung cảm khác./ Và chuyến xe/ Chật chội, gian nan/ Vẫn là con gió thổi tôi qua bờ bãi/ Với nắng tinh khôi, óng ả, tươi vàng” (Đi bên mùa thu).

Khác với tình yêu thời chiến đấu ở những cánh rừng đầy lá bay, tình yêu trong Ngôi nhà có ngọn lửa ấm Cõi lặng được cụ thể hóa, nhưng gia tăng tính triết lý để nội hàm ý nghĩa được hiện lên, đánh thức trong chính ông những rung cảm lặng thầm. Có những lúc ông để lý trí mách bảo khi liên hệ với cảnh vật để thấy tình yêu là cao sang và kỳ diệu trong tương tác với thiên nhiên: “Anh trôi đi/ Không bắt đầu không kết thúc, không bờ bến/ Anh mang tự do của nước đến với cuộc đời/ Như sông từ hữu hạn đến vô hạn/ Để mãi mãi có mặt/ Để sống/ Bên người/ Phải chăng sông Hương?” (Sông Hương). Có lúc, ông trầm tư trước thiên nhiên để nghĩ về tình yêu: “Ta ngồi như cội trúc/ Gội mưa thu bốn bề/ Nghĩ mình không lỗi hẹn/ Với người đang xa quê”. Rồi ông nghiệm suy về cái có thể, cái không thể của tạo hóa:

Đã lâu rồi anh không về Huế
Hẹn vào thu rồi lỡ cả mùa đông
Anh mải miết trên đường hoạn lộ
Ngoảnh về quê hư ảo một vầng trăng…
                       
(Viết cuối năm)

Cho nên, mong ước được yêu, được hòa hợp là trạng thái thường trực trong tâm cảm Nguyễn Khoa Điềm để xoa dịu nỗi buồn và sự lãng quên trong xa cách: “Chỉ mong em trở lại/ Kịp hái chùm tóc tiên/ Cắm lên bình lam ngọc/ Mừng một ngày lãng quên” (Mưa thu). Nhờ vậy, ông kịp hiểu và kịp nhận ra: “Em thanh xuân/ Anh quá đỗi/ Ngại ngùng/ Sương với gió/ Đượm buồn/ Từng tấc cỏ/ Đà Lạt/ Anh có gì/ Để nhớ/ Sao âm thầm/ Tới muôn xưa”. Đẹp và buồn và âm thầm hy vọng đến xa xanh là vậy!

Cùng các đề tài khác, đề tài tình yêu và triết lý về tình yêu trong thơ Nguyễn Khoa Điềm tạo thành giá trị tổng thể của thế giới nghệ thuật thơ và thi pháp thơ ông, giúp người đọc nghĩ về con người văn hóa, con người công dân tích cực để càng yêu quý con người thi sĩ đích thực trong ông một cách trọn vẹn.

*

Hành trình thơ của Nguyễn Khoa Điềm chia thành hai giai đoạn của cùng một dòng chảy thống nhất. Dòng chảy ấy không ngừng vận động và phát triển, kế thừa, phát huy và đổi mới, làm nên chất thơ và hồn thơ rất riêng Nguyễn Khoa Điềm. Hình tượng cái tôi trữ tình tác giả trong thơ ông hiện lên chân thật và thao thức, qua đó, ông tự xác quyết con người tự do thi sĩ và tự do sáng tạo của mình mạnh mẽ và cụ thể nhất. Theo Bakhtin, bản chất của thơ ca là bày biện thế giới nội tâm của người nghệ sĩ một cách chân thành và trách nhiệm. Nguyễn Khoa Điềm đã làm được điều đó: Nồng ấm, tin yêu và lặng lẽ “Để mình còn là mình/ Mình là sự sống” (Sự sống). Ông tự định vị con người thi sĩ và phẩm chất thi ca của chính mình bằng phong cách nghệ thuật độc sáng và tài hoa. Nguyễn Khoa Điềm là một hiện tượng thơ, một “thi ca chi bảo” trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

H.T.H
(TCSH422/04-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng