Tác giả-tác phẩm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
15:03 | 01/10/2024

HỒ THẾ HÀ

Lê Quang Sinh sáng tác thơ và trở thành nhà thơ được độc giả cả nước yêu quý và đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ít ai biết Lê Quang Sinh là nhà phê bình thơ có uy tín với mỹ cảm tiếp nhận bất ngờ qua từng trang viết đồng sáng tạo tài hoa của anh.

Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Tác giả Lê Quang Sinh và tác phẩm ‘Trầm tích mùa thu’

Là người được tiếp cận thơ và tiếp cận những trang phê bình thơ của Lê Quang Sinh, tôi muốn đồng cảm và chia sẻ những cảm nhận của mình về nghệ thuật phê bình thơ của anh qua tập Tiểu luận, phê bình mới nhất: Trầm tích mùa thu*.

Nếu nói Phê bình văn học cùng với Lịch sử văn học, Lý luận văn học và Phương pháp luận nghiên cứu văn học là 4 bộ môn chính hợp thành Khoa nghiên cứu văn học, thì Phê bình văn học là bộ môn có quan hệ trực tiếp và đồng hành nhất với quá trình sáng tạo văn học và tiến trình văn học thời hiện tại đang tiếp diễn để phẩm bình, đánh giá tác phẩm văn học. Nó có tác dụng chỉ ra cái hay, cái đẹp của văn chương và tác động đến sự vận động và phát triển của văn học cũng như góp phần hình thành thị hiếu thẩm mỹ cho độc giả. Phê bình văn học luôn tìm kiếm và chỉ ra cái Mới, cái Khác làm nên giá trị của tác giả và tác phẩm theo thời gian. Vì vậy mà Belinski gọi phê bình văn học là “mỹ học vận động”, là “sự tự nhận thức của thời đại”.

Trm tích mùa thu là tập sách không dày lắm, nhưng chất lượng thì đủ để khẳng định đây là kết quả có chất lượng với những nội dung đáng đọc và suy ngẫm về văn chương Việt cùng thời. Mười tám bài viết với nhiều cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau, Lê Quang Sinh ưu tiên cho thơ và những kiếm tìm thi pháp thơ của các tác giả, đặc biệt là những tác giả thời hiện đại để qua đó, anh xác lập cái nhìn nghệ thuật và chỉ ra triển vọng của thơ Việt trên hành trình hiện đại và đương đại.

Mở đầu là nhận thức lại và nhận thức mới về trường ca Sức bền của đất Trường ca Biển của Hữu Thỉnh để thấy sự vận động, phát triển của thể loại và phong cách viết trường ca của một tác giả tài danh. Xuất phát từ nền tảng văn hóa trong tiếp cận và giải mã đời sống, Hữu Thỉnh đã thực sự là cây bút trường ca có nội lực và có sức bền vì ông biết dựa vào hiện thực đời sống và trầm tích văn hóa để tạo thành hình tượng nghệ thuật sâu sắc, hấp dẫn. Lý giải về sức mạnh của người lính trong chiến tranh, Hữu Thỉnh luôn đặt họ trong quan hệ với những cổ mẫu gốc như dòng sông, đất đai, đất nước để nói lên sự bất tử về hành động và chiến công của họ: “Có thể xem đây là chìa khóa để đi vào thế giới cảm xúc của trường ca. Tác giả huy động toàn bộ vốn sống và trải nghiệm để lý giải ngọn nguồn sức mạnh của chiến thắng!… Trong cả năm khúc của trường ca, khúc nào dòng sông cũng hiện ra thành một dòng chảy văn hóa để tác giả tha hồ bay bổng, ngược xuôi, đi về với những liên tưởng, những cảm xúc cùng tâm trạng đa thanh đa sắc… tạo nên một bản hợp tấu trữ tình của người lính” [2,tr.8]. Cũng từ cái nhìn văn hóa, Lê Quang Sinh nhận xét tiếp về cấu trúc trường ca của Hữu Thỉnh một cách mới mẻ: “Một cấu trúc với Ta - Đất - Sông hay nói đúng hơn là cấu trúc Thiên - Địa - Nhân đã hiện lên rõ rệt, khẳng định một bút pháp dân gian thuần thục của Hữu Thỉnh, ám ảnh chảy suốt cùng anh cả về sau này, đưa anh chính thức bước ra khỏi dàn đồng ca thành người lĩnh xướng cho phong cách dân gian hiện đại” [2,tr.10-11].

Từ đó, Lê Quang Sinh nêu cảm quan nghệ thuật của Hữu Thỉnh khi sáng tác trường ca Sức bền của đất một cách bản chất và triết mỹ: “Tác giả lấy văn hóa làm nền tảng để giải quyết những vấn đề trong chiến tranh hay chiến tranh chỉ là cái cớ để trở về một nền tảng? Vượt qua cơn bão chiến tranh cũng có nghĩa làm giàu thêm về một sức bền hay là đem cả sức bền đó để giải đáp tất cả những thách đố trước mặt? Nếu xem văn hóa là sức khỏe của một dân tộc thì sức khỏe đó như máu dồn trên đầu ngón tay. Ngày mai, cuộc chiến đấu có thể nổ ra bất cứ lúc nào, linh cảm như mách bảo người lính “Hình như là đã cuối cuộc chiến tranh/ Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá”! Tại sao chưa chấm dứt cuộc chiến mà người lính đã cảm nhận “Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá!”. Lá đạp là bão tố của cuộc chiến tranh, xao xác là cái giá phải trả sắp tới. Hữu Thỉnh đã chọn diễn tả cuộc chiến tranh theo một cách rất riêng, đó là những liên tưởng kết hợp với những dự cảm, những chiêm nghiệm, không máu me, không tiếng bom đạn ùng oàng, nên anh vẫn giữ được cảm hứng nhân văn khi diễn đạt nhiều tình huống, nhiều khúc thức hướng đến việc đảm bảo cho sức khỏe tinh thần của văn hóa, sức khỏe tinh thần của người lính về đúng đích cuối cùng của mục đích. Đó là cống hiến văn hóa của Hữu Thỉnh thông qua trường ca này đối với văn học” [2,tr.24]. Đây là nhận định rất đúng, mới và rất hay.

Còn bình về Trường ca Biển, Lê Quang Sinh lại nhìn từ sóng, xem sóng như là cổ mẫu của mọi cảm hứng, giúp Hữu Thỉnh cắt nghĩa hiện thực và người lính biển trong mọi tình huống ác liệt và bất ổn nhất để tồn tại với tư cách là người anh hùng, người chiến thắng: “Tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần: Lời sóng, cố hiểu thấu đáo xem Hữu Thỉnh muốn nói gì? Có lặp lại (Đất ru) của chính mình không? Càng đọc, tôi càng khám phá rằng: Lời sóng là nơi đậm đặc những sáng tạo, làm mới thơ của Hữu Thỉnh từ cấu trúc đến ngôn ngữ diễn đạt. Trường ca Biển có 5 Lời sóng, nếu tách riêng từng lời từ 1 đến 5, rồi tập hợp chúng lại với nhau ta có một trường ca hoàn chỉnh với tên: Lời sóng. Đây là một dạng trường ca trong trường ca, có cấu trúc đan quyện, đôn nhau bởi nhiều tầng “sóng cảm xúc” đã có và mới có. Ở đây, ta nghe rất rõ âm thanh trầm hùng của sóng, sự ngọt ngào lắng mặn của biển; những tâm tư của đảo, của đất liền. Thơ biến ảo một cách khôn lường trong sự đa dạng và giàu có về ngữ nghĩa, nó không còn đơn giản chỉ là những câu lục bát uyển chuyển - Cảm xúc bung nở, xếp lớp, hiện đại trong thế “quy cố nhân”. Gấp lại Trường ca Biển, tôi vẫn nghe đâu đó tiếng của những người lính gọi nhau trong mịt mù bão cát: “Song Tử đâu? Nam Yến đâu? Sinh Tồn đâu?...”, đó phải chăng là cuộc gọi tập hợp lực lượng của cả một dân tộc trước hiểm họa. Hữu Thỉnh không những mang đến cho thơ sự bứt phá, những tìm tòi, sáng tạo vô giá mà chính anh còn tạo dựng, bồi đắp một đức tin cho mỗi con dân Việt, giúp họ trụ vững trước mọi sóng gió, mưu toan thâm độc của kẻ thù.” [2,tr.40-47]. Phải nói là Lê Quang Sinh đã tiếp nhận Trường ca Biển trong tâm thức đồng sáng tạo một cách mới mẻ và tinh tế, sắc sảo.

Với Trần Ninh Hồ ở thơ tứ tuyệt, Lê Quang Sinh tiếp nhận một cách thấu triệt bằng tâm thế truy tìm nguồn cội của người phê bình. Đó là tâm thế nhập vào tác giả và nhập vai vào thi phẩm để bóc tách nội dung bên sau, bên sâu của con chữ nhằm chỉ ra giá trị chỉnh thể của từng bài thơ và phong cách tứ tuyệt của Trần Ninh Hồ: “Tứ tuyệt Trần Ninh Hồ mang sắc thái của thơ chính luận, một phần do bản chất vốn có của thể loại này, phần còn lại do ý thức của chính tác giả “cố tình” muốn vậy. Ba trăm bài tứ tuyệt của ông là gần như cả ba trăm bài ông cố gắng đưa vào mỗi bài mỗi triết lý nào đó, có thể là một sự giản đơn, vụn vặt” [2,tr.52]. Điều đó phụ thuộc vào cái tạng và trình độ làm chủ thể loại của mỗi nhà thơ.

Lê Quang Sinh đã chỉ ra cái tạng tạo nên ưu, khuyết điểm của thơ tứ tuyệt Trần Ninh Hồ chính là ở chỗ: “Viết bằng cảm xúc, thơ nặng chất trữ tình. Đó là cách “Việt hóa” những cứng nhắc, gò bó, tạo sự mềm ấm, bay bổng cho Chính luận dễ dàng hơn trong tiếp cận tâm hồn người đọc. Đây là việc không dễ với lối viết thuần về luận, về nghĩ. Phần Đất nước trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm là một ví dụ về cách “trữ tình hóa thơ Chính luận” - Nó như một vòi rồng hút tất cả xúc cảm con tim về một hướng, tạo sự hào sảng, lôi cuốn, nâng bổng hồn người vút lên. Thơ tứ tuyệt vừa ngắn lại “hà khắc” bởi những niêm luật, mang đến chất trữ tình cho thơ tứ tuyệt là cách mà các nhà thơ Việt xưa nay vẫn cố gắng tìm tòi. Về điểm này, tứ tuyệt của Trần Ninh Hồ còn nặng phần ‘sống’triết luận, ít xúc cảm có tính dẫn truyền để tạo sự khác lạ, mang dấu ấn phần ‘đời’ nhiều hơn” [2,tr.54-55].

Phê bình về thơ Nguyễn Quang Hà, Văn Đắc, Huy Trụ, Nguyễn Vũ Tiềm, và những tác giả cùng thời khác, Lê Quang Sinh cũng bám sâu vào văn bản để bình giá từng cấu trúc diễn ngôn và tìm ra chất thơ riêng của từng nhà thơ. Thuận lợi và ưu thế của Lê Quang Sinh ở chỗ anh cũng là nhà thơ nên những bí ẩn và hiển minh của quá trình sáng tạo thơ ở từng tác giả được anh nắm bắt một cách tinh nhạy và khái quát lên thành thi pháp cũng như cá tính sáng tạo riêng của từng tác giả một cách thuyết phục.

Với thơ Nguyễn Quang Hà, Lê Quang Sinh chỉ đúc kết nhanh mà trúng với một người chuyên viết văn xuôi: “Nguyễn Quang Hà đến với thơ, như là cách để cân bằng tâm thế của tình cảm, làm cho cái tôi thêm phần lãng mạn. Đó là những đắm đuối của một tâm hồn đa cảm, là sự tự vỡ, tự trẻ lại của xúc cảm với những rung động có tần số vượt trội. Thơ Nguyễn Quang Hà dung dị về ngôn từ nhưng nồng thắm về cách cảm… Lấy cách cảm để giải tỏa cách nghĩ, Nguyễn Quang Hà đã mang những triết lý không sa đà vào lý sự, dạy đời… Từ cảm xúc, câu thơ biến ảo khôn lường, tạo nên nhiều tầng vỉa, nhiều mạch ngầm mang đến cho thơ những tiếp cận thú vị. Đó là những gì Nguyễn Quang Hà có được với thơ và mang đến cho thơ” [2,tr.65-66]. Nhận định xác quyết như vậy là rất phù hợp với trường hợp Nguyễn Quang Hà.

Còn với Huy Trụ, nhà thơ có hành trình sáng tạo lâu bền, anh nhận định ở những khía cạnh thi pháp thơ gắn với đặc trưng thể loại như chi tiết, hình tượng, ngôn từ để chỉ ra chất thơ riêng của Huy Trụ: “Từ chi tiết đạt tới hình tượng nghệ thuật có tính chất khái quát là một vấn đề đòi hỏi hoàn toàn khác, trong đó nghệ thuật dùng con chữ đặc biệt quan trọng, tạo nên một trường cảm xúc riêng biệt; cho biết giới hạn liên tưởng của nhà thơ, khả năng tư duy dẫn dắt đa chiều của anh ta. Huy Trụ biết tạo cơ hội bình đẳng tối đa cho các chi tiết tham gia vào những mảng sống khác nhau tạo nên những hình ảnh phức hợp, đa màu gây bất ngờ ngay trong mỗi một câu thơ. Biên độ liên tưởng vì thế được nới rộng hơn, câu thơ lạ, trở nên phóng khoáng” [2,tr.77]. Vì vậy: “Huy Trụ hấp dẫn chúng ta bằng những câu thơ lên đồng, nhưng lại thiếu những bài thơ toàn bích. Nói như thế, cũng không có nghĩa là không có. Bài Bất chợt là một ví dụ, cấu tứ chặt chẽ, liên tưởng thành động năng cho quá trình biến đổi về chất, nghĩ và cảm tựa nhau cho câu thơ vút bay, chấp chới như cánh diều giữa tịch mịch chiều quê” [2,tr.82]. Văn phê bình của Lê Quang Sinh kết hợp được giữa luận lý và trữ tình một cách nhuần nhuyễn, hấp dẫn.

Với Nguyễn Vũ Tiềm - một người vừa làm thơ vừa nghiên cứu thơ, Lê Quang Sinh lại tiếp cận ở cạnh khía cộng hưởng của hai công việc sáng tạo để làm nên đặc trưng riêng cho thơ: “Trong lao động nghệ thuật, Nguyễn Vũ Tiềm đã có những tìm tòi, sáng tạo nhằm “thơ hóa” những từ ngữ vốn dĩ mang nặng “tính đặc thù của thời đại bùng nổ khoa học, kỹ thuật”, tạo cho thơ ngoài sự bay bổng, còn chứa một lượng thông tin cần thiết mang hơi thở của thời đại. Ta bắt gặp rất nhiều những (E-mail; Internet, Lập trình, Cholesterol; nhật thực toàn phần, hợp chất silíc, vệ tinh…) trong thơ anh. Cho dù không phải tất cả anh đã thành công, nhưng có gì đó giúp ta chớp sáng và hơn thế, bao lần làm ta ngây ngất” [2,tr.87].

Với Văn Đắc - nhà thơ đồng hương tâm đắc, Lê Quang Sinh càng thấu hiểu tình thơ, hồn thơ và người thơ qua từng con chữ và xúc cảm để sau đó truyền sang người đọc những rung cảm thơ bất ngờ: “Thơ anh dù buồn hay vui, đọc xong vẫn thấy như làn mây không bọng nước mát lành vắt qua những trưa nắng tròn trặn. Đặc biệt khi anh viết về tình yêu, dù bất cứ ở tình huống hiển nhiên nào, khi đắm đuối cuồng nhiệt hay khi hờn ghen cô độc... ta vẫn thấy lấp lánh phía sau con chữ, trên những tán lá non phủ kín mặt hồ lấp ló những đóa súng đóa sen tinh khiết, ngọt lạnh sương đêm, cố gắng điểm tô cho không gian đa dạng quanh mình đang sống, những ánh nhìn non dại, đắm say… Ở một góc khuất khác của tình yêu, Văn Đắc viết về nỗi buồn, về sự cô đơn, trống vắng - vì một lý do nào đó không thuộc về em! Ông viết như không, mà buồn thăm thẳm! Một chút xót xa, một chút tự trách mình, một chút hờn giận... đó là một trong số hàng loạt những sắc tố tình cảm, là những dư vị không thể thiếu; là “muối”, là “ớt”… không thể không có của tình yêu” [2,tr.87-100].

Bàn về cấu trúc hình thức một bài thơ của Văn Đắc, nhà phê bình đã tinh tế phát hiện ra những điều thú vị, giúp người đọc hiểu rõ về sự sáng tạo thơ đặc biệt của nhà thơ xứ Thanh này: “Có một điều đặc biệt làm tôi chú ý mỗi khi đọc thơ Văn Đắc là những câu cuối của mỗi khổ thơ, bài thơ, thường mở ra những điểm nhấn có tính khái quát. Biên độ của liên tưởng không nằm theo trục tĩnh nữa, mà có sự rung lắc, bung tỏa ra theo nhiều chiều kích, tựa hồ như có một sự va đập, một sự tán sắc của ánh sáng. Chỉ có rung cảm thật nhạy bén mới đủ năng lượng cảm nhận được hết sắc màu của nó. Bung mà chụm; bay bổng mà lắng sâu. Nó nói lên khả năng truyền tải của tư duy, khả năng tạo ra yếu tố bất ngờ của một người trải đời như Văn Đắc và vì thế có thể nói thơ Văn Đắc thường rất cô đặc về tứ” [2,tr.101]. Không đọc kỹ, không hiểu sâu về cấu trúc hình thức và cách thể hiện ngôn từ thơ thì không thể phát hiện và chỉ ra một cách bất ngờ như thế. Về mặt này, Xuân Diệu, Chế Lan Viên là những nhà thơ vừa sáng tác vừa viết phê bình cũng đầy tài năng trong việc phát hiện và giải mã thơ mới mẻ, độc đáo.

Trong tập Tiểu luận - phê bình Trầm tích mùa thu, Lê Quang Sinh ưu ái nghiên cứu sâu về một nhà thơ nữ Phan Ngọc Thường Đoan với tâm thế nhập vai vào nhà thơ để nhập đề rất lạ: “Tôi không hình dung nổi có một Phan Ngọc Thường Đoan “dám thiền” trước biển! Để lại, khép mình cô độc ngồi chi li “đếm cát”, đến nỗi cứ mỗi bận nhìn vào mắt chị tôi như lạc về một miền đâu đó xa xăm!... Có gì ẩn chứa trong từng hạt cát mang thân phận người, cứ nặng nặng trong tay chị, tay tôi. Chao ôi, sóng vẫn trắng, ào ạt thế kia! Biển nào có mất đi chút nồng nàn mà rạch ròi, mà “phận trời” đến thế! Chị cố nắm chặt lấy cái gì đó... Để rồi lại mặc kệ, cát cứ ròng ròng qua kẽ tay ngần trắng - Cái “hư thực một đời nhảy múa…” tuột dần, tuột dần… bỏ lại giữa bao la, khuôn mặt đêm hốt hoảng” [2,tr.106]. Từ đó, nhà phê bình minh chứng bằng việc đi sâu vào từng thi phẩm của nữ thi sĩ này để nhận diện hình tượng cái tôi trữ tình đặc biệt mang đặc điểm giới trước kiếp người và phận mình: “Thường Đoan là một người đa cảm, không phải chỉ riêng với thơ mà cả với đời. Chẳng thế, ở phần còn lại của tập thơ, chị dồn hết sức lực, tâm linh để khai quật, để cố giải mã những bức bách các vùng năng lượng đã tích tụ, dồn nén, giằng xé tâm can thân xác chị… Gần một trăm bảy mươi trang sách, tập hợp những bài thơ từ năm 1996 đến năm 2003, P.N Thường Đoan dẫn người đọc đi vào thế giới cảm xúc đã đến độ “đủ chín” làm rung động lòng người. Phan Ngọc Thường Đoan hiện về trong vật vã đời thường mà không mất đi vẻ nồng nàn đượm màu cổ tích! Ở cái tuổi hồi xuân hình như trời đất cho chị tất cả - Một sự đầy đặn, hoàn chỉnh cả về thể xác lẫn tâm hồn. Phía sau sự cô độc, buồn bã, nhớ thương những tàn thu là khát vọng bật chồi, khát vọng trôi chảy ngọt ngào về trái chín” [2,tr.110 - 111]. Cảm nhận và cảm luận như thế phải nói là nhà phê bình đã nhập vai vào tác giả để thực sự làm người tiếp nhận đồng sáng tạo để vẫy gọi người đọc cùng đọc và tiếp tục làm đầy nghĩa cho tác phẩm.

Với các tác giả thơ trẻ quen thuộc, nhưng chưa thật sự thành danh, Lê Quang Sinh chú ý đến thơ họ ở những đột phá về ngôn từ, thi pháp và nhất là ở cảm xúc thơ, hình ảnh thơ. Tính chân thật trong cảm xúc và suy nghĩ của họ là điểm khởi đầu để có bước tiến cho thơ về sau, chứ không phải ở sự ồn ào, tung hô về câu chữ một cách giả tạo mới là thơ đổi mới theo tâm thức hiện đại, hậu hiện đại. Lê Quang Sinh nhận ra rằng: Dù chưa phải là những thành công vững chắc về cái Mới cái Khác, nhưng qua đó cũng cho thấy ý thức nghệ thuật và tầm đón đợi của họ trong việc hội nhập với thơ trẻ cả nước hiện nay. Ở đây, “cái tôi” chân thành và sự cầu tiến của họ mới là lý do để hy vọng. Lệ Bình, Hà Đức Hạnh, Nguyên Linh, Nguyễn Quyết Thắng, Trương Ngọc Tuấn, Lê Ngọc Rệ và Đỗ Minh Dương… là những gương mặt thơ trẻ đáng để Lê Quang Sinh yêu quý và hy vọng như thế!

Đọc tập thơ Hương sả cùng những đóng góp về giọng điệu thơ của Lệ Bình trong những năm gần đây khiến Lê Quang Sinh trầm ngâm nghĩ về sự lặng lẽ mà bứt phá, ám ảnh của những người làm thơ trẻ, khiến anh tò mò khám phá. Đúng là đọc Hương sả, “ta bắt gặp một thi sĩ khi thì ngỡ ngàng trước một sắc hoa mua thắm nở giữa Đà Lạt mộng mơ, lúc thì bâng khuâng giữa mùi hương sả còn thơm một chiều Đắc Nông. Anh mơ màng, buông trôi; anh lặng lẽ, tỉ mẩn, nâng niu một cách không ngờ” [2,tr.112]. Và anh đi đến nhận định dứt khoát: “Khảo sát ‘một vùng’ hương sả của Lệ Bình, người đọc trân trọng nơi anh nỗi niềm về quá khứ, anh không thuộc dạng người ‘có mới, nới cũ’nhưng cũng không phải là tuýp người ‘bảo thủ’. Thơ anh nhẹ nhàng, ít cầu kỳ câu chữ. Tuy vậy, trong cuộc hành trình thơ, không cho phép thi sĩ một sự dễ dãi, càng không cho phép sự bất cẩn đến vụng về trong quá trình diễn đạt cảm xúc” [2,tr.115].

Tìm trong câu chữ thơ Hà Đức Hạnh, với con mắt phê bình khả tín, Lê Quang Sinh đã xác nhận được một giọng thơ đủ để tín chấp cho đời, khiến anh ngỡ ngàng tin yêu rằng thơ đã đi cùng Hà Đức Hạnh qua vui buồn năm tháng: “Để rồi giờ đây, tôi ngỡ ngàng mà vui khi thấy anh trở lại. Ba mươi bảy bài thơ gói gọn trong gần tám mươi trang sách. Xác nhận cho tôi như một sự giãi bày chính đáng sau những gì im ắng, những thăng trầm, biến động của thời gian. Không ồn ã nhưng mạch lạc, không lạc giọng, không đua chen “mốt sáng, mốt chiều”. Một niềm đam mê cuộn chảy, anh đã không làm thất vọng bạn bè, thất vọng thơ… Hạnh đã biết khám phá, khái quát hóa hình ảnh, đem đến một dung lượng cảm xúc cần thiết cho thơ mà vẫn kiệm lời” [2,tr.128]. Nhận xét về thơ của bạn mình như thế phải nói là chân thành, không tạo ra ảo tưởng cho bạn, trái lại, giúp Hà Đức Hạnh bình tĩnh, tự tin trên con đường thơ mà mình đang hành trình không mỏi.

Riêng trường hợp Nguyên Linh thì lại khác. Một thoáng nghĩ về cây bút thơ này, Lê Quang Sinh lại phải đi từ thực chứng này đến thực chứng khác để kết luận, chứ không thể vội vàng buông bút thành nhận định khen, chê thiếu suy nghĩ: “Với khí chất thi sĩ, lại có điều kiện đi nhiều, Nguyên Linh luôn tạo được cảm xúc trước những bất chợt anh gặp dọc đường: Một tiếng (m bịp kêu hoài ai nhớ ai) giữa Đồng Tháp Mười bát ngát hương tràm bay; một Pha Đin mờ sương (trái non làm chát gió ngàn); một đêm Hà Nội, một thoáng Hồ Tây (Nghe con cá quẫy biết chừng nước lên); một buổi chợ chiều (Người vội bán, kẻ vội mua) mà xót xa, thương cho thân phận kẻ lỡ làng... Anh viết như là một nhu cầu để sống, để tồn tại, để bộc bạch… Nguyên Linh viết nhiều trong những năm gần đây, hình như trong anh có điều gì đó đang bất ổn, đang biến đổi? Như hạt đậu vừa gieo gặp mưa thuận gió hòa cựa mình tách vỏ. Anh viết như là để trả nợ nần với đất đai, cỏ cây sông núi nơi anh sống, nơi anh đã đến; anh viết cho bạn bè, cho người thân, cho đời; anh viết cho cái sự bồng bềnh mà trống vắng, cho một cuộc chợ tàn mà nhân tình thế thái; anh viết như sợ cảm xúc bất chợt tuột khỏi chính mình” [2,tr.135-136].

Cùng cảm nhận và tin yêu như Lệ Bình, Hà Đức Hạnh, Nguyên Linh ở tình thơ và khát vọng thơ của họ trong tương lai, Lê Quang Sinh cũng đã phát hiện, cảm nhận và càng tin yêu ở những tâm hồn thơ tự vỡ như Nguyễn Quyết Thắng, Trương Vĩnh Tuấn, Lê Ngọc Rệ và Đỗ Minh Dương như thế trên con đường thơ còn rộng dài phía trước của họ.

Nhà phê bình Lê Quang Sinh thấy được ở Trương Quyết Thắng có “Trái tim nhân hậu, cộng với một hồn thơ trữ tình, mộng mơ với một nỗi đam mê đến cô độc mà làm nên sự tin cậy thơ; làm nên một người thơ có thể song hành với thơ một cách bền lâu giữa trời đất. Thơ Nguyễn Quyết Thắng không có nhiều những câu, những từ mang tầm vóc khái quát, nhưng đổi lại là sự bay bổng du dương của một thứ âm nhạc đồng quê… Ở Nguyễn Quyết Thắng có cái may mắn là được đi nhiều, đến nhiều nơi trên thế giới, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và trời phú cho anh một tâm hồn đa cảm. Hai may mắn đó là nguồn phù sa, nguồn sinh lực quý báu, rất cần tạo nên vóc dáng, hình hài của nàng thơ. Và thế là, anh gặp phải một “tai nạn”: Nàng thơ đã không ngần ngại bỏ qua một dịp may hiếm thấy để ve vãn, lú lẫn, mê hoặc anh bằng tất cả những bùa phép của nàng. Anh say mê mệt, trở nên nghiện ngập; anh “sập bẫy” nàng. Còn nàng vẫn đỏng đảnh, đầy ma lực, khi xa khi gần. Để rồi giờ đây giữa “cõi tạm” này, tôi bắt gặp trong thăm thẳm mắt anh đầy ắp bóng hình nàng” [2,tr.142-144]. Sự tin yêu ở đây là có cơ sở vững chắc.

Còn với Trương Vĩnh Tuấn, những ám ảnh thiên nhiên đã trở thành nguồn thi hứng của anh. Thiên nhiên và cuộc đời đã cho anh những cảm hứng thơ chân thật và quyến rũ được Lê Quang Sinh đúc rút rất bản chất: “Bằng bề dày cuộc sống, sự lăn lộn ở đời, thơ anh không đánh bóng bởi những ngôn từ; bằng sự lắt léo, đao to búa lớn hay bởi kinh nghiệm trong từng câu chữ mà bằng những rung động, bằng cái tâm để kiến tạo nên toàn bộ bài thơ… Thơ với đời cứ thế gắn kết vào nhau bằng những mảnh tâm linh nhiều màu lung linh mà làm nên hình hài, số phận con người anh. Tôi lần theo lời ru để rồi lạc mình vào “vùng thức” của thơ anh lúc nào không hay. Những nỗi niềm trắc ẩn thăm thẳm, những sướng khổ đọa đày, những chén rượu suông ám ảnh, những chiếc lá cuối mùa lãng đãng trong sương... Tôi nhắm mắt lại. Ôi, cái cõi tạm đầy nợ nần kia, sao lại cứ phải thế! Cứ phải sinh ra những kẻ thích “trời đày” kia. Thế giới này sẽ ra sao nếu vắng bóng họ? Sẽ cô đơn biết nhường nào hỡi các loài hoa? Tôi giật mình choàng tỉnh. Từ khi lạc vào miền thơ anh, cái ý nghĩ trốn chạy khỏi phận “trời đày” không còn nữa” [2,tr.148-150]. Những trang phê bình trữ tình đầy tính phát hiện như thế không thiếu trong cảm nhận văn chương của Lê Quang Sinh.

Cũng trong hệ quy chiếu này, Lê Quang Sinh đã nhận ra cõi lặng thẩm mỹ trong thơ Đỗ Minh Dương, khi nhà thơ hậu sinh hầu rượu cùng thi nhân Hàn Mặc Tử: “Cái cô đơn đến hoang lạnh chìm vào một không gian vô định xác xơ hồn trời, vía đất! Câu thơ rờn rợn một nỗi buồn nhân thế. Tâm hồn hai thi sĩ, một quá khứ, một của hiện tại như hòa chung vào chén rượu trăng lành lạnh, một chút đắng cay, một chút cô tịch hòa vào tiếng sóng Gành Hào mà làm nên hình hài, số phận. Tôi không tin rượu có thể biến thành trăng nhưng tôi tin tình yêu của các anh là có thật… Có thể nói Đỗ Minh Dương đã cố gắng tìm tòi, sáng tạo ở nhiều đề tài, nhiều cách thể hiện khác nhau bằng những quan sát tinh tế. Thơ anh lắng lại nơi người đọc bởi những rung cảm bình dị, những day dứt, suy tư, những cô đơn và bằng cả trách nhiệm công dân nữa. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời mà anh còn giữ được niềm đam mê thơ thế này, quả thật anh là một người đáng nể trọng” [2,tr.159-161].

Từ những trang viết có nghề như thế, có thể nói phê bình thơ của Lê Quang Sinh là phê bình đồng sáng tạo, giúp người đọc được mách bảo, được hiểu và rung động thi ca một cách mới mẻ và bất ngờ.

*

Vừa sáng tác vừa nghiên cứu và phê bình thơ, Lê Quang Sinh ngày càng tích lũy được vốn tri thức về lý luận văn học và vốn hiểu biết về đặc trưng thể loại thơ một cách sâu sắc. Vì vậy, những trang phê bình thơ của anh thỏa mãn người đọc được cả hai phương diện: mỹ học sáng tạo và mỹ học tiếp nhận dựa trên cái sườn móc xích ngôn từ - hình tượng - tư tưởng của thế giới nghệ thuật thơ mà mỗi tác giả thể hiện để từ đó giải mã chúng theo tầm đón đợi hiện đại từ các hệ hình lý thuyết văn học tương thích, đem lại cho người tiếp nhận thơ những hiểu biết và rung cảm thẩm mỹ cùng với nhà phê bình một cách cộng cảm và tương tác. Căn cứ vào những yêu cầu trên, tập Tiểu luận - phê bình Trầm tích mùa thu của Lê Quang Sinh đã thỏa mãn những yêu cầu căn bản đó của bạn đọc văn chương hiện nay.

H.T.H
(TCSH427/09-2024)

-------------------
Trầm tích mùa thu - Tiểu luận, phê bình, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023.

______________

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Quang Sinh, Trầm tích mùa thu, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2023.
2. Hồ Thế Hà, Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và chân dung, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.

 

 

Các bài đã đăng