Tác giả-tác phẩm
“Trong mắt tôi” - Sử thi của lửa
09:20 | 05/06/2008
Có nhiều khi trong đời, “trôi theo cõi lòng cùng lang thang” như Thiền sư Saigyo (Nhật Bản), bất chợt thèm một ánh lửa, một vầng trăng. Soi qua hương đêm, soi qua dòng văn, soi qua từng địa chỉ... những ánh lửa nhỏ nhoi sẽ tổng hợp và trình diện hết thảy những vô biên của thế cuộc, lòng người. “Trong mắt tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã là ánh lửa ấy, địa chỉ ấy.
“Trong mắt tôi” - Sử thi của lửa

“Trong mắt tôi” là tập tiểu luận mới nhất của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sau nhiều tác phẩm đã công bố giữa những ngày bạo bệnh, do NXB Hà Nội ấn hành. Tác phẩm bao gồm nhiều bài viết nội dung phong phú khác nhau, chung trong dòng chảy “tiềm thức văn hoá” (từ của K.Jung - Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường), bàng bạc suốt tác phẩm lối viết tài hoa của nhà nghiên cứu và sự phóng khoáng thể ký, lãng đãng chất thơ... lung linh trong ánh lửa tinh thần cổ sử dung dị chữ Tình. Vì vậy, theo cảm nhận chủ quan, người viết xin được tạm gọi tập tiểu luận này bằng một tên mới: tiểu luận - “sử thi”.
Tập tiểu luận bao gồm ba phần. Ơ phần thứ nhất, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành những bài viết đậm chất “sử thi” hơn cả để khắc họa chân dung của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Vượt ra ngoài biên độ của người chép sử, ở chân dung nhân vật nào, dù đó là nhân vật anh hùng hay văn hóa, nhà văn cũng xây dựng thành một thế giới hình ảnh như đang trên con đường hình thành và giải trình toàn thể của thế giới tâm linh. Trong cái toàn thể của thế giới tâm linh ấy, những quan niệm về con người sống đã qua của dân tộc đều hiện hữu thống nhất với nhau, liên kết cùng nhau bởi tiếng nói vừa đại diện cho lịch sử, vừa đại diện cho cá nhân nhà văn. Khắc họa chân dung Nguyễn Trãi, Hoàng Phủ Ngọc Tường không ngần ngại khi tổng kết: “Sáu mươi năm đời người, Nguyễn Trãi đã đi hết con đường sấm sét của lịch sử và đã phải tự mình chọn lấy con đường trước ngã ba rối rắm của thời đại ông”. Nhà văn với tất cả tấm lòng yêu thương và đồng cảm, trân trọng đã nhìn thấy sức mạnh trong đôi cánh phượng hoàng của Nguyễn Trãi khi bay trên bầu trời lý tưởng nhân dân, lý tưởng đã “khiến cho ông không bao giờ mất chân trời”, “làm cho ông trở thành con người mạnh hơn cái chết”. Ngợi ca những người anh hùng dân tộc, nhà văn cũng rất khách quan khi nhận về lý tưởng anh hùng thời Nguyễn Sơ qua thơ văn của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Đó là lý tưởng anh hùng được nuôi dưỡng và gắn liền với cách thế dấn thân của các nhà tri thức đầu thế kỷ XIX. Xuất phát từ sức sống của nhân vật trung tâm trong lý tưởng anh hùng dân tộc: Nguyễn Huệ. Viết về Nguyễn Huệ, nhãn quan tác giả đã không dừng lại ở khía cạnh con người quân sự mà ai cũng biết, ông đi sâu khám phá một nhà vương đạo xuất sắc trong “chiến lược con người”, khơi dậy nhân cách kẻ sĩ của một thời đại. Qua tiểu luận, có thể thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ có một vốn kiến thức bao quát và hệ thống về văn hóa, chính trị, lịch sử... mà còn có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn, uyên thâm những vốn kiến thức cổ thường được mọi người “kính nhi viễn chi” như kiến thức về Dịch học. Bằng những ánh lửa khởi đi từ minh tuệ, nhà văn đã đi vào lý giải lý tưởng “Nhân dịch” qua bài thơ “Vịnh Tam Tài” của Trần Cao Vân, tuy khiêm tốn “tự đặt mình vào vị trí của một học sinh trung học làm bài tập toán hình” nhưng lại khẳng định giá trị của Trung Thiên Dịch Đồ trong tâm hồn nhà yêu nước xứ Quảng. Lý giải mà không hề bị rơi vào khô khan, không vướng mắc cảm quan “chính trị hoá”. Tất thảy đều vượt thoát từ ánh lửa minh tuệ, trình diện cái “tiềm thức văn hoá” không chỉ của người cầm bút mà còn của một dân tộc.
Cũng như nhiều tác phẩm trước, “Trong mắt tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành riêng cho Huế những trang văn thân thuộc nhất. Dường như điều đó đã minh thành một cuộc đi tìm cội nguồn của tác giả thông qua những phát hiện mới về dòng văn hoá, về lịch sử các hình tượng trong đời sống... Từ màu tím, điệu hò, câu lý, viên gạch làng Thành Trung âm âm tiếng thời gian, một món ăn đơn sơ hay những ngôn từ xứ “Mệ”..., nhà văn như “người trai đất kinh thành bất chợt qua đây” tình cờ bắt gặp đám cưới huyền thoại Việt - Chăm mà ghi lại bao âm hưởng và dấu tích đã làm nên truyền thống. “Giữa những hình vẽ khắc trên Cửu Đỉnh ở Thế Miếu, vốn được xem như là biểu tượng của toàn bộ tài sản quý báu của đất nước, tôi đã ngạc nhiên và vui mừng biết bao khi tìm thấy hình ảnh của chú ve sầu thời ấu thơ mê mải. Thế đây, trên cánh đồng của di tích, con người lang thang đi tìm lại dấu vết tâm linh của mình, giống như người đàn bà quay quắt đi tìm chiếc trâm cỏ thi bị đánh rơi mà Khổng Tử đã từng gặp và lấy làm lạ (Huế - Di tích và con người). Giọng văn tinh tế, nhẩn nha ấy đã dẫn dắt người đọc đến với truyền thống văn hoá Phú Xuân một cách tự nhiên nhất như đến với ánh lửa ấm áp của tâm hồn đã “trầm mình trong khuôn mặt cuộc đời, cùng đất trời, sông nước của Huế”. (Tô Hoài). Ánh lửa ấy là sự hòa quyện giữa” ngôn ngữ của đêm tối, của yêu thương, của suối reo, của những bài hát tình yêu” và “ngôn ngữ của bình minh” như trong triết lý của Nietzsche để “thức tỉnh” những bước chân thăng hoa hồn nhiên trong trẻo vào thế giới “sử thi” rồi tự mình lãng du, “ham chơi” như một Thiền sư vô hạn cuộc.
Bên cạnh những trang viết nhẩn nha, huyền hoặc, phảng phất hơi thở Thiền tông càng gạn lọc càng lung linh cảm xúc tựa “thế giới hoa cẩm quỳ” của chàng hoàng tử Bé, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn dành cho tập tiểu luận những bài viết về “Chữ Cái” trong điêu khắc Điềm Phùng Thị, thế giới mộng du trong tranh Lâm Triết, thơ của “Người Đãng Trí” Ngô Kha, những suy ngẫm về thể ký... vừa mang cảm thức cá nhân, vừa vận động trong cấu trúc của tư duy bác học. Đó là những trang viết càng làm phong phú thêm “giọng nói ét-xai (essai)” đầy chất triết luận, suy nghiệm từ tâm linh sâu thẳm của nhà văn. Bao giờ cũng vậy. “lẫn trong từng dòng chữ là một nỗi niềm dân tộc lúc nào cũng cuộn lên, chan chứa, không phai lạt” (Thuý Nga).
Vừa huyền hoặc, vừa minh triết, “Trong mắt tôi” của hồn văn, Người - Văn ấy đã “không kinh dinh, cẩn trọng” một cốt cách sử thi “rất nhiều ánh lửa”.
Huế, tháng 11 năm 2001

LÊ THỊ MỸ Ý
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gửi sông thao (04/06/2008)