Tác giả-tác phẩm
Về một ca lạ trong thơ
09:40 | 09/05/2025

PHÙNG GIA THẾ

Hồ Minh Tâm sinh năm 1966 tại Quảng Bình. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 1990, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998; làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, tư vấn thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Về một ca lạ trong thơ
Ảnh: tư liệu

Hồ Minh Tâm từng đạt giải ba cuộc thi thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2015 - 2016; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2021 - 2022. Tác phẩm đã xuất bản: “Ngủ ở quán trà” (thơ), Nxb. Hội Nhà văn, 2015.

Khác với phần lớn các cây bút đương đại, ưa thử nghiệm mình ở nhiều thể loại, Hồ Minh Tâm dường như chỉ có thơ. Sau giải thưởng cao nhất cuộc thi thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2021 - 2022, Hồ Minh Tâm vẫn vậy, thưa thoảng xuất hiện trên mặt báo. Anh như kẻ đi men theo lề của đường thơ, một bước trong tâm, hai bước bên rìa.

Thơ, với Hồ Minh Tâm, trước hết là một trò chơi. Có lẽ bởi sự “xâm thực” của sự chơi nên khi đọc thơ anh, độc giả thường bối rối, không biết phải/nên “chơi” cùng nó thế nào, vì họ không/chưa hiểu hay chưa kịp “thỏa thuận” luật chơi cùng tác giả. Hồ Minh Tâm hiểu điều này, vì đây là sự lựa chọn chủ động của anh, về một trò chơi có rất ít người chơi và khán giả.

Để đến với thế giới của sự chơi, thơ Hồ Minh Tâm có xu hướng khước từ các sứ mệnh của thơ ca truyền thống. Thơ được/bị biến thành một không gian tự trị, một phản thơ, lệch chuẩn. Trong sân chơi ấy, tác giả là một người chơi. Không phải ngẫu nhiên, Hồ Minh Tâm thường viết thơ theo hứng, có hứng thì viết, không thì thôi, viết xong, đăng báo cũng tốt, mà đăng lên Facebook vài dòng cũng chẳng sao. Với ý nghĩa này, thơ Hồ Minh Tâm nằm ngoài các mục tiêu vụ lợi trực tiếp. Trên sân chơi có phần đặc dị, người chơi không muốn, và cũng chẳng thể nài ép mọi người nhập cuộc. Ai thích thì đến chơi cùng, tự do, tự nguyện, ai không thích, không hiểu thì thôi. Có người chỉ đến ngó qua, bình luận vài câu rồi bỏ đi, cũng chẳng sao. Để vận hành trò chơi, không chỉ cần hứng thú, mà phải có quy tắc, luật lệ. Khác với các trò chơi theo luật truyền thống, Hồ Minh Tâm (theo lối hẹp của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường…) nỗ lực thiết tạo những quy tắc mới nhằm giải phóng bản thân và bạn đọc khỏi những “thói quen thơ” (kiểu tỏ lòng, trữ tình, hình ảnh, vần, nhạc, nhịp…), quyết liệt chống lại sự nhàm tẻ của lối trữ tình và những diễn ngôn thơ phổ quát ngõ hầu mở ra những khả thể mới cho thơ. Nói khác đi, trong thế giới sự chơi, Hồ Minh Tâm cố tình chối bỏ những thói quen và giới hạn truyền thống của thơ (nghĩa, cảm xúc, từ ngữ, cú pháp...). Thơ Hồ Minh Tâm khó tiếp cận là ở chỗ, anh tìm đến một không gian mang đậm tính cá nhân, ngữ cảnh, hoàn toàn không truy cầu câu chuyện phổ biến của thơ. Hồ Minh Tâm tuy không đơn nhất, nhưng đơn độc trong không gian thơ đương đại, vì lẽ ấy.

Đầu tiên là chuyện nhan đề. Quan sát một chút, có thể thấy, Hồ Minh Tâm thường đặt tên nhan đề thơ của mình theo lối tự sự vụn vẽ, quái và nhảm, kiểu: Buổi chiều lấn quấn, Bài thơ về thời đại gì mà…, Tùy thích có mức độ, Mưa, xích lô và tôi nữa… rời rạc, Nhảm, Nuốt nhầm đầu mình, Rồi ngày nữa cũng sắp qua… trò chuyện với con thằn lằn không sướng mấy… Kiểu nhan đề này vừa gợi cái “tào lao” của thơ, vừa như một hình thức “nhại thơ”. Cách đặt nhan đề và hành ngôn của Hồ Minh Tâm không phải duy nhất trên sân chơi đương đại, song về cơ bản, đó là một quy trình đi ngược/kháng cự lại lối trữ tình phổ biến hiện nay, và đương nhiên, nó luôn thuộc về số ít.

Thứ hai là về đối tượng thẩm mỹ của thơ. Khác với tư duy truyền thống, Hồ Minh Tâm thường gắn thơ với những chuyện vụn vặt/vụn nát hàng ngày. “Người thơ” thường xuyên chối bỏ cảm xúc trữ tình. Không khó để nhận ra, Hồ Minh Tâm cả ngày “lẩn thẩn” với những chó, ruồi, kiến, thằn lằn, chim, nhộng, gà, giun đất, con lật đật, bàn tay cụt ngón, ý nghĩ vuông, tiếng hú, cơn ho, cái đồng hồ, ban công… Nhà thơ công nhiên xóa bỏ sự thi vị cùng mọi sự nghiêm túc của xúc cảm trong thơ. Thơ, khi ấy, được/bị đẩy sang rìa, như một trò diễn, có lúc tào lao, nhảm nhí, vô tăm tích, khi lại rất chi là “ấm ớ”:

“trong lúc họ đang bàn tán về cách “chơi” ngôi nhà…/ tôi thấy tôi đã ngồi bên bàn làm việc nhìn ra ô cửa sổ đẹp của ngôi nhà đó/ bật laptop gõ bậy mấy dòng này/ chơi vậy à/ hà hà” (Tùy thích có mức độ).

“Gọt đẽo đời rất thương của đời/ thành một đời rất thường khác/ gọn/ sắc/ gân/ và lõi/ em mần thơ…” (Em).

Thứ ba là những hình thức dị biệt, độc đáo trong cách hành ngôn. Ở đây, không phải vấn đề “hạ thấp” văn học, mà có lẽ nhà thơ muốn nhấn mạnh bản chất sự chơi. Đọc Hồ Minh Tâm, thấy xuất hiện thường xuyên những chuỗi ngôn từ “lảm nhảm”, có khi vô nghĩa, gây cảm giác hồ nghi: “thế mà là thơ ư?” Ngôn ngữ thơ Hồ Minh Tâm như một “sự xúc phạm” đối với công chúng đi tìm vẻ đẹp thuần khiết của thi ca. Trên một ý nghĩa nào đó, Hồ Minh Tâm là kẻ phá bĩnh của thơ. Anh đẩy thơ gần với tự sự, nói khác đi, đó là những dòng “thơ khách thể” vừa có chỗ giống những mật ngôn, vừa giống như một chuỗi lắp ghép ngôn từ đầy ngẫu hứng:

“theo kế hoạch thì bây giờ là buổi sáng/ thế nhưng cơn đau dạ dày đến sớm/ [tôi đành biến đau thương thành đau ghét]/ trong cái buồn tối hữu hạn/ không đường chân trời/ không đích đến/ cơn đau giờ là một vết sáng âm bản/ bay bay bay & nó kéo tôi bay/ mà không cần mở mắt” (Tùy thích có mức độ).

“trong giấc mơ lại khét mùi nước mắm/ những con cá biển nhảy lên bờ chen dọc chen ngang/ trương vảy phùng mang/ đòi mọc tay…/ thời đại gì mà/ mỗi lần mở laptop/ tứ tung lao ra một cơ số bò điên [mà, không hẳn thế… nhiều loại điên nguy hiểm hơn nhiều!?]” (Bàn về thời đại gì mà…).

Thứ tư, thơ Hồ Minh Tâm thường hướng đến lối viết mang tính trò diễn. Đọc Hồ Minh Tâm, thấy không gian thơ anh như một sân chơi Các-na-van với đủ thứ “hầm bà lằng” gắn với các thủ pháp giễu nhại, bỡn cợt, cố ý quấy đảo, đối chọi, làm sai trật ngôn ngữ thơ trung tâm, thiết tạo một vùng thực tại ngôn ngữ khác. Có lẽ, chỉ có cách vi phạm các diễn ngôn thơ trung tâm, Hồ Minh Tâm mới kiến tạo thế giới thơ rìa của mình trong đời sống văn chương đương đại. Qua đó, theo một cách riêng, anh làm hiện hình những diễn ngôn bị câm nín (kiểu nói vỉa hè: “từ đít tới đầu”, “đồ khỉ!”, “điên thế chó nào được”, “quan tâm đếch gì”, “đếch viết được”, “yêu cần chi nghe bố con thằng nào hướng dẫn”, “đìu cộ đừng hỏi khó!”…; từ địa phương: “mần”, “mần du”, “ngó”, “chả”, “ceng”, “chi”, “mô”…). Đọc Hồ Minh Tâm, thấy cảm xúc chủ đạo là hài hước, cười cợt, xem mọi sự chẳng có gì nghiêm chỉnh. Biến cái bi thành cái hài là một đặc sản của anh. Có thể gọi đây là thái độ hậu hiện đại được chăng, khi đứng trước những đổ vỡ thực của thực tại, nhà thơ không khóc than, mà trái lại, “chua chát reo cười”:

“ôi thương thời đất nước Đại Ngu!/ (đoạn này chả liên quan gì cả)/ ông ấy cũng đang nói thật/ thật đấy…/ chỉ có chúng ta chỉ có nhâng dzâng ta mới làm nên điều kỳ dzĩ ấy/ lông ngỗng xưa là điều tầm bậy (tầm bậy hơn cả Thánh Gióng về trời vui thú điền viên)” (9400000000000 hạt mưa).

“Có đôi câu vắng lắm/ con tắc kè tắc giọng giữa đêm không/ ngủ đi Tâm!/ ta ru đêm/ từ tiếng hoài thai quẫy động/ chưa chết được đâu khi còn thiết buồn lòng/ ngủ ơi hình hài/ mưa sẽ về thay mươi ngón dại/ nắng sẽ về đồng mộ âm u/ tiếng ru đã sờn/ nghe cái buồn đã cũ/ thương con chó nhà ai, hú vọng gọi trăng/ ngủ đi/ ơi con chó nhà ai!” (Ngủ đi con chó nhà ai).

Thứ năm, Hồ Minh Tâm thường lạ hóa văn bản thơ của mình theo một cách “quái đản”. Hơn lúc nào hết, anh coi việc thiết tạo thơ như một “dòng tự sự lảm nhảm” là một khoái thú vô tận trong cuộc chơi thơ:

“chiếc kim giây gõ tiếng cuối cùng/ chiếc kim giây gõ tiếng cuối/ chiếc kim giây gõ tiếng/ chiếc kim giây gõ/ chiếc kim giây/ chiếc kim/ chiếc ki/ chiếc k/ chiếc/ chiê/ chi/ ch/ c” (không còn gì).

“Alo/ alo/ tôi nói/ tôi đang nói/ tôi sẽ nói…/ nói gì?/ đang nói gì?/ sẽ nói gì?/ vọng âm từ khu rừng thâm u/ tôi hiểu - đó là một lời đáp/ 9. Dgfvdbdjkgkl/ 10. Dtgdjshfklsfjs/ 11.ndcbjdy24ỳhdsknvkdj7839489bnscbdsfnkfcvbccvcmvnmg ydkkhỉwecjbfhjfkf+-x/!?!” (Tùy thích có mức độ).

Hồ Minh Tâm viết cái anh cảm thấy/cho là như thế, muốn/thích nó như thế. Từ bản chất, thơ anh khước từ việc phân tích lô-gic lí tính. Và khi thơ ca bị dạt ra bên lề của sân chơi văn hóa đương đại, tính trò chơi của nó càng nổi bật. Khi đó, nó dường như phát huy được hết vai trò của một hiện tượng ngoại vi. Nếu đọc theo cách truyền thống, thi ca nói về, hay biểu đạt một cái gì đó xem ra khó thỏa mãn ở trường hợp này. Với ý nghĩa đó, Hồ Minh Tâm và một số không nhiều, đã biến thơ thành một trò chơi, một cách hành ngôn vượt ra khỏi những chuẩn mực và tư duy thơ truyền thống. Không phải ngẫu nhiên, đọc Hồ Minh Tâm, người ta không tránh khỏi cảm giác ngờ vực về tính khả tín của ngôn từ. Trên một ý nghĩa nào đó, cuộc chơi thơ của Hồ Minh Tâm là một nỗ lực vượt qua chướng ngại của thói quen và những luật lệ oái oăm để thiết tạo một không gian đặc thù, có xu hướng tách hoàn toàn khỏi thực tại. Trò chơi này, dĩ nhiên, đòi hỏi nhiều điều kiện từ người chơi: sự dấn thân, liều lĩnh, dũng cảm và nhiều thách thức khác. Trò chơi thơ ca không thu nhận những người yếu bóng vía. Ở một góc độ nào đó, Hồ Minh Tâm tiếp tục con đường làm “biến dạng” cấu trúc thơ truyền thống, làm thay đổi con chữ, con âm. Tất nhiên, việc kiến tạo một thế giới thơ đặc thù, riêng có hẳn không dễ dàng gì, vì nó động chạm đến một cộng đồng viết và đọc đang chơi theo quán tính, hoặc theo luật chơi phổ quát. Thơ Hồ Minh Tâm luôn ít người đồng hành, là bởi lí do như thế.

Tất nhiên, chẳng có trò chơi nào hoàn toàn tự do.

Như trên đã nói, thơ Hồ Minh Tâm như một dạng thức tự sự, cảm xúc dồn nén bên trong. Cảm xúc trong thơ Hồ Minh Tâm, trên thực tế không biến mất, mà được giấu ẩn, theo một cách riêng. Nói theo cách khác, anh “tự sự về cảm xúc” bằng thơ, qua những “càm ràm thơ” như một thú vui ngôn ngữ mà ở đó, sáng tạo đôi khi gần như là hành hạ. Thơ Hồ Minh Tâm chọi thơ sến, thơ tình, thơ truyền thống, cố ý phá vỡ luật lệ, đập vỡ những ảo tưởng về thơ. Ở đây, ngôn ngữ không đứng yên, nó giải kiến tạo thế giới, đồng thời kiến tạo nên thế giới riêng của nó. Và như thế, nó có một ý nghĩa riêng.

Như phần lớn các nhà cách tân trong bối cảnh đương đại, Hồ Minh Tâm đủ trầm tĩnh (và cả thỏa hiệp) để không đẩy cuộc chơi đến mức cực đoan. Thơ anh, do thế, vừa có xu hướng dạt sang lề vừa có xu hướng lấn vào tâm. Anh không giải thoát, buông xả tận cùng ngôn ngữ mà vẫn có sự tiết chế. Đằng sau con chữ, không khó để nhận ra, một phần trong số đó là nghĩa, là thế giới cô đơn, thế giới của một người thơ giàu xúc cảm. Không phải ngẫu nhiên, Hồ Minh Tâm vừa làm thơ đăng Facebook, đăng báo mạng, vừa đăng báo giấy và tham gia các cuộc thi thơ. Như thường lệ, thơ anh cũng có ba đối tượng trữ tình chủ chốt: mẹ, cha, và quê hương. Và dầu được cá nhân hóa ở mức rất cao, thì vẫn là trạng thái trữ tình có từ trong cổ mẫu. Thế nên, không lạ khi thấy Hồ Minh Tâm viết những câu thơ thế này:

“xong việc ở đồng sơn chúng tôi kéo nhau về đồng hới/ bàn nhau quán chanh quán bưởi/ làm đôi ba ly mừng công việc trôi/ no nê rượu mồi trên bàn mỗi món còn dôi ra chừng chục bạc/ tôi nhớ cha tôi…/ nhớ một chiều hè cả thềm quê ráng đỏ/ từ huyện, cha tôi mua một túm đồ ăn, khấp khởi mang về/ giữa những đôi mắt ngạc nhiên đen của chị em tôi/ nụ cười cha là một đốm trắng/ cha tôi nghèo/ bạn bè cha tôi nghèo/ nghèo!” (Bài tình cho Đồng Sơn).

“honda-honda-honda cuốn dòng hối hả/ chằng néo quê gần quê xa/ yên xe nặng tiếng thở dài của cha/ cồng kềnh quầng mắt đêm của mẹ/ mưa tóe tung lưng tròng bé dại/ nín đi con/ mình sắp đến nhà bà/ …/ và đêm/ khép mắt nghe thành phố trên cao/ đồng vọng tiếng rao/ lạc chiều rỗng ruột/ ơ kìa, con cún con ngơ ngác/ nhà đâu mà về?/ …/ thế giới ngổn ngang/ con chẳng thể mang hết về nhà/ mẹ ạ/ trời xa và rộng quá/ …/ ngủ đi con, sớm mai mẹ luộc rau non!” (Vài mảnh ghép lẹm mùa).

Cũng không ít lần, thấy Hồ Minh Tâm ngoại hiện hóa tâm tư qua con chữ. Sự ẩn giấu, dồn nén cảm xúc đâu đó lại chợt bùng lên, như dòng điện năng muôn thuở trong thơ. Đó là khi anh viết về những “vùng đau”:

“Tôi không chắc một người lạ vừa thập thò cửa lạ/ tôi không chắc trăng đáy sông khuya này sáng quá/ tôi không chắc bóng một đoàn quân lỉnh kỉnh/ súng ống vừa đi qua/ .../ Tôi nghe tiếng guốc đêm dồn dập/ gần lại xa/ mặt sông con cá quẫy/ … mẹ tôi bưng đèn/ ngó nghiêng triêng gióng/ bốn giờ sáng gánh khế về chợ Hạ/ đổi mớ cá long tong/ à ơi ngày dài tháng rộng/ tôi nghe trên mái nhà mưa vấp/ bà tôi hạ thấp mái rèm/ lem lem tiếng đoàn tàu trườn qua/ Tôi nghe tiếng tàu cau đầu hồi vừa rụng sau nhà/ lưng mo cau thì cong cong/ bụng mo cau thì rồng rộng/ trăng rưới đều hai phía/ lưng thì vàng/ bụng thì trắng/ chẳng biết màu thật của trăng màu chi/ con tắc kè con giật mình/ tiếng mỏng như sợi chỉ/ con mèo khoang sè sẹ lén trăng đi/ Giọng mẹ tôi ngái ngủ vọng ra:/ con ơi, hay là cha con về?” (Đêm vọng).

“Cây thị đầu làng mình thiêng lắm/ đêm đứng trăng là lại có một con chim lạ bay về/ đậu trên cành mỏng nhất/ hót: bắt cô trói cột/ rồi bay/ Chị Vẹm phát điên, họ đồn chị ấy lạc chợ lạc đường/ khi nhận tin chồng bị bom vùi đêm trăng náu

mấy năm sau/ anh Vẹm về/ cây thị đầu làng không còn cành mỏng/ lâu lâu lạc đêm trăng rộng/ đâu đó tiếng chim quen vọng về/ …/ Mẹ tôi kể/ anh Vẹm về làng/ không người thân, không vợ, không nhà/ rồi anh rời làng đi xa/ nghe đồn gặp người điên điên sống cùng chái chợ/ ngày trái mưa/ ngày nắng trở/ anh Vẹm vẫn cứ alô alô/ khó khăn khắc phục nghe rõ trả lời/ alô alô bắt cô trói cột/ nghe rõ trả lời/ bọt biển lại vỡ bờ/ cuốn trôi bao cơn co giật… Hai người ấy thành duyên/ sống tựa nhau qua ngày dày đêm mỏng/ cơn động kinh/ cuối cùng/ nghe đâu .../ anh alô alô alô/ rồi trại giọng: Vẹn ơi/ Mẹ tôi bây giờ quên quên nhớ nhớ/ cây thị đầu làng cũng không còn nữa/ tiếng chim đêm ấy giờ bay đâu?” (Mẹ kể).

Hồ Minh Tâm cho “viết là để được sống lẹm ra ngoài đôi chút”. Thơ với anh, “đôi khi là bóng mình, là gì đó từ trời thả xuống, là cái xanh của cỏ, là úa tàn của một cánh hoa”. Trong cuộc chơi ít nhiều rủi ro ấy, “nếu không nhặt được thơ, thì cũng tường tận vài rơi rụng”. Với thơ, Hồ Minh Tâm đứng như một kẻ bên lề, đôi khi dường như lại muốn nhập vào trung tâm để tận tường cảm xúc. Nhưng dù đứng ở đâu, bước đi như thế nào thì “những kí tự thơ” của anh đã “nhảy ra khỏi lòng trang giấy”, phá vỡ những “ý nghĩ vuông”, để sống một cuộc đời tự do.

Và thơ ca đương đại đã có một gương mặt Hồ Minh Tâm như thế.

P.G.T
(TCSH434/04-2025)

 

 

Các bài đã đăng