Đọc Quê quán tôi xưa ta ngỡ mình chợt dừng lại trước lao xao cõi người, để một phút thả hồn về nguồn cội. Nơi từ đó ta đi, và chốn đó ta lại về. Như người đã ngồi quay mặt vào vách đá trong động Thiếu Thất ngày xưa, Trần Hoàng Phố lặng lẽ dõi vào cõi tâm linh hoang sơ tịch mịch để từ đó gạn hồn mình thành thơ.Vì thế thơ anh là bóng dáng của một thế giới dệt bằng thiên thu - kinh nguyện - linh hồn. Nơi ấy có nỗi nhớ thương dằng dặc một đời, có gió xuân thì thổi rợn những đêm xanh, có những nàng tôn nữ hiện về trong giấc mơ màu tím... Trong thơ anh, ta gặp nỗi cô đơn của kiếp người, và những nỗi khát khao từ cõi đời loc qua cái sâu lắng của khát vọng vĩnh cửu. Như những giọt mưa chậm chậm mong manh nối liền cõi đất và cõi trời, thơ anh bằng một ngôn ngữ trong vắt và đầy tiếng ngân rung, đã cố gắng thể hiện một ý muốn giản dị mà ngông cuồng: nối liền khoảnh khắc với vô tận, hiện tại với quá khứ, để đi từ cảnh giới của hiện tượng vào tận cái chân lý uyên nguyên của bản thể nhiệm mầu. Và như thế, trong phút giây của Thơ, cái Tại Đây và Lúc Này đã hoà nhập vào cái Vĩnh Hằng và Vô Tận. Huế,tháng 4/2002 T.T.M (nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002) |