Tác giả-tác phẩm
Đăng Huy Trứ và trăng
10:38 | 19/03/2008
Nếu ai đã được say, đã được bay cùng vầng trăng trong thơ Lý Bạch, thì sẽ không khỏi chạnh lòng khi đọc những vần thơ trăng của Đặng Huy Trứ. Đặng Huy Trứ có yêu trăng không ?Rất yêu. Yêu rất nhiều...
Đăng Huy Trứ và trăng

Nếu ai đã được say, đã được bay cùng vầng trăng trong thơ Lý Bạch, thì sẽ không khỏi chạnh lòng khi đọc những vần thơ trăng của Đặng Huy Trứ.
Đặng Huy Trứ có yêu trăng không ?
Rất yêu. Yêu rất nhiều.
Một tình yêu nhân hậu có từ tuổi thơ khi cậu bé Trứ tuổi 15 mộng mơ đi giữa rừng thông trăng tỏa chiếu :
                Tùng xứng bóng trăng, nguyệt xứng thu
                Trăng đậu cành cong đan ánh mộng
                Nguyệt rung bóng nổi ngả màu mơ
                                                (Trăng sáng chiếu rặng tùng -
                                                "Minh nguyệt tùng gian chiếu")
Tuổi 18, đôi mươi, Trứ đã cảm nhận được mỗi vầng trăng là một chứng nhân thời gian. Thời gian lao động miệt mài (Trăng nhòm cảnh giã gạo), thời gian trong trẻo ấm áp sâu lắng của đêm (Gió đưa tiếng hò chèo đò; Tiếng chuông chùa).
Lúc đi dạy học, thâỳ giáo Trứ có tìm đến trăng như một tri kỷ tri âm. Vẫn là một vầng trăng đầy đặn đáng yêu gợi nhớ quê nhà (Thấy trăng nhớ quê), là vầng trăng 16 đẹp hòa hợp lòng người (Đêm 16, cùng khách lên lầu ngắm trăng), nhưng trăng ở đây đã có gì khang khác. Hình như là dấu hiệu của tình yêu :
                Cẩm Giang giang thượng tứ bồi hồi
                (Cẩm Giang sông bến dạ bồi hồi)
là câu thơ mở đầu cũng đồng thời là câu thơ kết thúc của bài thơ "Trung thu cẩm giang đãi nguyệt" (Trung thu chờ trăng lên sông Cẩm).
"Dạ bồi hồi" này chính là tứ của bài thơ. Tứ thơ này không lộ rõ khi cuộc rượu chưa tàn, khi người chưa tĩnh tại, khi chị Hằng chưa đáp xe đến. Phải đợi trăng. Phải chờ trăng. Như một ngẫu nhỉ tương cờ, như một giọt rơi của lương duyên tiền định :
                Vũ sư sái đạo tần yêu khách
                Phong bá khư vân vị tác môi
                Thiên thượng thanh quang lưu thử dạ
                Cẩm Giang giang thượng tứ bồi hồi
                (Thần mưa tưới lối như bao lần mời mọc
                Dì gió đã xua mây như vì ta mà mối manh với trăng
                Đêm nay trên trời còn lại một ánh sáng xanh
                Ngồi thuyền trên sông Cẩm giang mà dạ bồi hồi)
Ánh sáng xanh được lưu giữ trong đêm như cõi lòng cô đơn bỗng rạo rực yêu một cách đằm thắm dịu dàng. Không biết có phải vì thế mà tú tài Vũ Tá Thứ - người Thọ Tháp - Hà Nội - đã gọi Đặng Huy Trứ là "Trăng Hương Giang" không? Chỉ biết ánh sáng xanh của trăng tình yêu ấy còn được lưu giữ trong trẻo mãi cho đến cuối đời.
Chúng ta biết vào thời ấy - thời Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Huy Trứ - con người khoe tài một cách lộ liễu trong văn học đã phải biến ngay nhường chỗ cho con người bổn phận, con người nghĩa vụ, các nhân vật phải rắn đanh lại để lo chống ngoại xâm cứu nước. Nếu có nói đến tài thì chỉ một TÀI cứu nước :
                Những trang dẹp loạn này đâu vắng
                Nỡ để dân đen mắc nạn này ?
                                                (Nguyễn Đình Chiểu - Chạy Tây)
                Chức phận không tròn kém loài vật
                Vẹn tròn chức phận mới là người
                                                (Đặng Huy Trứ).
Với một tuyên ngôn hành động như thế tất nhiên vị quan thanh liêm Đặng Huy Trứ đã "Nguyệt dạ, khước ca nữ" (Đêm trăng, khước từ ca nữ), thường tìm đến trăng như một chỗ dựa thanh cao, tỏ rõ chí khí của mình (Đuổi kẻ đến nhà riêng, Tặng anh phò mã Thiếu Văn, Trên đường về vui mừng làm thơ...)
Bản thân quan Ngự Sử, quan Bố Chánh Quảng Nam, quan Bình Chuẩn Hà Nội - Đặng Huy Trứ - rất hiểu trăng. Trăng là bạn thân. Trăng là tất cả sự giàu có tâm hồn : "Túi rỗng chỉ có gió trăng" (Phong nguyệt nhất nang thanh), "Đã có trăng gió đầy sông, cần gì đến be rượu đầy vơi" (Mãn giang phong nguyệt bất luân tiền). Trăng là một đòi hỏi sáng tạo :
                Đạm nguyệt sơ tinh lại phẩm đề
                (Trăng mờ, sao thưa thớt, đã ngán những đề vịnh như thế)
Không chỉ làm quan trong nước, Đặng Huy Trứ còn được cử đi sứ hai lần sang Trung Quốc vào những năm 1865, 1867-1868. Nhà thơ, họa sĩ Đặng Huy Trứ vẫn có mặt trong những vần thơ đầy tráng khí : Đêm, trở dậy (Dạ khởi), Ra biển (Khai dương). Điều này cũng dễ hiểu thôi, tác giả đã tự bạch khi Được lệnh đi Quảng Đông (Hữu đông hành chi mệnh).
                Phì mã khinh cầu phi ngã chí
                Thừa phong phá lãng xứng ngô cuồng
                Miễn tương "trung kính" hành man mạch
                Hoạn hải ba đào phó lão thương
                (Xuống ngựa, lên xe lòng chẳng thiết
                Đạp bằng sóng gió tính thường ham
                Gắng mang "trung, kính" vào man địa
                Bể hoạn ba đào gởi gió sương).
đã mừng "Cập thử tang bồng chí vị suy" (Đến nay mừng là chí tang bồng chưa suy giảm). Lần đi sứ này Đặng Huy Trứ cải trang làm người nhà Thanh ra nước ngoài làm nhiệm vụ thăm dó, nghiên cứu tình hình (thực chất là sang Quảng Đông - nơi đã bị phương Tây chiếm đóng - xem xét tình hình nhà Thanh thông thương với các nước Pháp - Anh. Tráng sĩ, sứ giả Đặng Huy Trứ tuy bên ngoài phải đổi thay :
                Áo cộc, đuôi sam lạ biết bao
                Ta nay chẳng chút giống ta nào
                                                (Bảo Lý Xuân Mậu)
nhưng tâm hồn trung trinh với Tổ quốc, thủy chung với vầng trăng vẫn nguyên vẹn :
                "Phong tòng Trà Kiệu đầu non dậy
                Nguyệt hướng Thiên Tân hải thượng sinh
                Như thử lương tiêu nan tái đắc
                Phi phàm vạn lý nhất mao khinh
                (Gió từ Trà Kiệu đầu non dậy
                Trăng hướng sao Tân đã mọc lên

                Cảnh đẹp đêm nay khôn thấy lại
                Buồm bay muôn dặm nhẹ như tên)
Gió, trăng, biển, thuyền, chừng như thi đua nhau xuất hiện, giục giã nhau đi lên, bay xa. Cảnh đẹp thật. Đẹp đến mức nhà thơ nao lòng tiếc nuối "Như thử lương tiêu nan tái đắc". Với từ "nan tái đắc" trăng đẹp như mỹ nhân. Đến như Cao Bá Quát xênh xang, dềnh dàng với thơ nôm, mà vẫn giữ lại câu thơ bằng chữ Hán :
                Giai nhân nan tái đắc
                Trót yêu hoa nên dan díu với tình
                Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh
                Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ.
"Khó gặp lại" này vừa là lời ngợi ca một đêm trăng trên biển đẹp, vừa là nỗi day dứt khôn nguôi của một người Việt yêu nước luôn hận về tài năng không có bài thơ đuổi giặc (Tài tàm thoái lỗ hận vô thi; Độc thị vô tài năng thoái lỗ), luôn nhắc mình nhớ : - Văn chương có bao giờ chống nổi gió bão! (Từ chương tằng hữu phản phong vô).
                Rất yêu trăng.Rất hiểu trăng. Rất nhớ vầng trăng đẹp. Rất nhớ ánh sáng xanh. Nhưng trăng như tình yêu, như hạnh phúc vốn mỏng manh, cực kỳ mỏng manh trong thời chiến chinh loạn lạc.
Nhất là vào thời điểm thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình Nguyễn từng bước đầu hàng, hệ tư tưởng cũ đang sụp đổ, trung quân ái quốc hiểu thế nào đây, làm thế nào đây cho trọn vẹn. Lời tiên đoán "khó gặp lại" được khẳng định bằng không, không gặp lại. Lần đi sứ thứ hai này vẫn là tráng sĩ Đặng Huy Trứ:
"Biên cương bị chiếm chưa khôi phục được, đó là điều tôi cho là khổ nhất", "Trong thiên hạ không có cái nhục nào như cái nhục không được bằng người".
Nhưng nhà thơ Đặng Huy Trứ không còn những vầng trăng đẹp tự thân. Kể cả lúc trung thu ngắm trăng (trung thu đối nguyệt). Tập cổ cũng là thơ nhưng thơ vay mượn của người :
                Mỗi y Nam đẩu vong kinh hoa
                Thả tận Lư Đồng thất uyển trà
                Tưởng đắc cố viên kim dạ nguyệt
                Bất tri thu tứ tại thùy gia?
                (Theo sao, kinh khuyết ngóng xa vời
                Bảy chốn trà đêm uống đã vơi
                Tưởng nhớ vườn xưa trong bóng nguyệt

                Tứ thu chẳng biết ở nhà ai)
Trong trung thu ngắm trăng, chúng ta biết có Thu hứng của Đỗ Phủ (câu 1), có Ẩm trà của Tô Thức (câu 2), có Đề Tân nhạn của Đỗ Tuân Hạc (câu 3) và có Thập ngũ dạ vọng nguyệt của Vương Kiện (câu 4). Đến lời Từ tạ vầng trăng (Tạ nguyệt) cũng là lời thơ của Tô Thức (câu 1, 2 - hai bài thơ khác nhau), thơ Lý Thụy, thơ Từ An Trinh :
                Cô đăng chiếu ảnh dạ man man
                Ngân hán vô thanh chuyển ngọc bàn
                Biệt hận chuyển thâm hà xứ tả?

                Bất như miên khứ mộng trung khan
                (Đèn côi, bóng lẻ, đêm dằng dặc

                Im lặng sông Ngân đã chuyển vòng

                Nỗi hận biệt ly khôn giải tỏ

                Gặp nhau đành ở giấc mơ mòng)
Gộp bao nhiêu tâm trạng thơ lớn về đây cũng không giải tỏa được nỗi lòng lo nhiều mối sao cho "tròn trách nhiệm người trung thần và người con hiếu" ("Viễn điếu" - Nhìn ra xa), nhà thơ đành phải từ biệt, vĩnh viễn chia lìa không gặp lại vầng trăng.
Mà nào trăng có chiếm vị trí nhiều nhặn gì đâu. Trong "Đặng Huy Trứ - con người và tác phẩm [Tuyển tập thơ văn do nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 1990] có cả thảy trên 340 tác phẩm, gần 30 bài có từ NGUYỆT, chỉ 12 bài tha thiết với vầng trăng.
Thế mới biết Đặng Huy Trứ yêu nước kiên định đến dường nào. Ông đã khẳng định :
                Trâm bút phương tri hữu bút quyền
                (Cầm bút phải biết cái quyền lực của ngòi bút)
Bút quyền của Đặng Huy Trứ đã dành cho đất nước :

                Khởi thị sơn hà tiều tụy thậm

                Cánh đa quai dị độc phong thần

                (Ngước mắt non sông tiều tụy quá
                Buồn sao xã tắc bấy trầm luân)

                                                (Bão lớn)

Cho dân lành :

                Dân không chăm sóc chớ làm quan

                Muốn dân được lợi cần quyền biến

                Tội vạ riêng mang há sợ gì

Cho hoài bão lớn muôn đời :

                Cầu đắc giang sơn xuân bất lão

                Nhật kỳ cường kiện ước thanh mi

                (Giữ được giang sơn xuân sắc mãi
                Ngày xanh, cường kiện hẹn nhau về)
Vì vậy nếu phải tạ từ để giữ mãi trong lòng một vầng trăng đẹp, một tình yêu đẹp, hẳn sự chọn lựa có hy sinh này - Đặng Huy Trứ đã từng trăn trở, đớn đau.
27.7.1994
VÕ THỊ QUỲNH
(nguồn: TCSH, 3.1999) 

Các bài mới
Các bài đã đăng