Tác giả-tác phẩm
HÁT VU VƠ MỘT NỖI KHÚC KHUỶU
15:06 | 16/04/2008
(Đọc “Thơ Trần Quốc Thực” – Nxb HNV 2007)Giữa rất nhiều giọng thơ khoa trương, khoe mẽ hôm nay, Trần Quốc Thực là một giọng thơ lặng lẽ đầy bản sắc. Sự ngại giao tiếp, sự âm thầm dâng hiến cho thơ của Trần Quốc Thực đã khiến cho nhiều người không biết đến thơ anh.

Đó là cái thiệt cho bạn đọc mà nhiều nhà thơ đích thực trong đó có Trần Quốc Thực đã không để ý. Họ chỉ nghĩ làm sao viết được bài thơ hay mà không chú trọng đến việc bài thơ hay ấy đến với công chúng như thế nào. Nhưng dù bị chìm khuất, bị ganh ghét, bị đố kỵ, những nhà thơ đích thực vẫn có riêng một vị trí của mình, chẳng ai xóa đi nổi qua thời gian.
Giống chúng tôi, Trần Quốc Thực là một nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ - thế hệ chín muộn. Anh có hai người anh là Quốc Anh và Quốc Thành đều làm thơ. Riêng thầy giáo Quốc Anh khi dạy học ở Hà Tĩnh thời chiến tranh phá hoại, thầy đã nhường hầm trú ẩn cho học sinh và đã chịu sự hy sinh ngay bên miệng hầm để lại những câu thơ như “Anh con trai làng Thạch Linh thương mẹ” ở tuổi 28. Chính sự hy sinh của người anh đã đem lại nhiều thôi thúc cho chàng thanh niên Trần Quốc Thực dấn thân vào chiến trường và tuy không hy sinh như anh trai, Trần Quốc Thực cũng là một thương binh với nhiều nỗi niềm khúc khuỷu ở đời. Chính những nỗi niềm ấy đã được anh hát vu vơ thành những tập thơ, thành một “cõi thơ Trần Quốc Thực”.
Trần Quốc Thực đúng là một “nhà thơ – chín - muộn”. Mãi tới năm 1990, anh mới trình làng tập thơ “Miền chờ”. Đấy là tên bài thơ “Miền chờ” Trần Quốc Thực viết tặng Trúc Thông khá hay, chắc là để mừng “chủ soái” đã tính lập gia đình ở năm tuổi 49. Nhưng khi trở thành tên tập thơ thì “Miền chờ” lại mang âm hưởng nhớ thương về miền quê mẹ Hà - Phủ Lý. Cũng nhớ thương về miền quê này, thơ Nguyễn Hoa thường chân phác và đằm thắm còn thơ Trần Quốc Thực thì thảng thốt những nứt rạn mơ hồ. Cả hai đều hay dùng điệp âm có lẽ là cách nói dân dã của vùng chiêm trũng này nhưng điệp âm ở Nguyễn Hoa thì reo vang còn điệp âm ở Trần Quốc Thực lại u trầm khó tả: “Tim tím hoa bèo nở dạt trước hiên” hay “Xóm vạn lênh đênh bạc màu tóc mẹ” trong bài thơ “Phố trên sông”. Bài thơ vẫn dừng ở những câu thơ tả nhưng cũng đã có ý thức nâng thành tư tưởng sống kiểu Trần Quốc Thực:
Nặng trong anh doi đất trên sông
Một doi đất ba phần ngâm trong nước
Nhận xói lở nhận giá buốt
Đỡ trên vai tình yêu đôi ta.
Đến bài “Không đề” thì miền quê ấy, thực sự thảng thốt. Những danh từ “nắng” và tính từ “trắng” da diết trong giai điệu Hàn Mặc Tử “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” một vần lưng liền mạch thì lại vỡ trong tóc như số phận người mẹ chợ Bầu, sông Đáy:
Phấn trắng mẹ phơi sườn sông vắng
Tóc trắng mẹ phơi dưới trời
Mẹ ơi áo mẹ mười năm nắng
Tóc mẹ phơ phơ dáng lặng thầm
Mẹ ơi tay mẹ mười năm trắng
Chân mẹ mười năm mưa nắng ngâm
Trần Quốc Thực yêu mẹ có lúc đến lạc cả giọng chủ âm của thơ mình sang một giọng khác với thi ảnh khác: “Như bình ắc quy sắp hết điện – Con sắp hết Mẹ trong người”. Mẹ là cảm hứng chứa chan trong giọng thơ Trần Quốc Thực cho đến khi anh cất bước sang cõi khác. Sau mẹ, là cảm hứng bi tráng về một người anh đã khuất. Bài “Nói với anh” tuy có phảng phất hơi hướng “Tống biệt hành” của Thâm Tâm nhưng vẫn là bài thơ hay tuy chưa đạt tới độ tinh xảo như những bài thơ nhớ anh của các tác giả khác:
Mẹ giờ đã thật tuổi già
Người hay quên như trẻ nhỏ
Em giờ đã nhiều phôi pha
Nhiều vết thương không cách chữa
Bài “Em tin” cháy bỏng một tình xa xót bằng niềm tin ở trên sự thật:
Trước câu thơ anh xanh rờn
Em tin anh không thể mất
Năm tháng mưa phủ quyết
Những điều gì không tươi non
...
Anh còn mãi, anh không mất
Bởi – anh có nhiều hơn em
“Bài ca vu vơ” là một hơi thơ như không, tưng tửng khi đã vượt thoát ra khỏi những rối bời, những sầu muộn:
Trời xanh vu vơ
Chim sơn ca hót
Đồi xanh vu vơ
Một tôi đứng hát
...
Thì ra Sơn ca
Bao đời đã hót
Còn tôi trên đời
Chiều nay mới hát

Vu vơ vu vơ
Cả hai cùng hát…
Nhưng cũng chính trong “Miền chờ”, Trần Quốc Thực đã thầm thông báo những trắc ẩn đầy linh cảm về cuộc đời sớm héo hắt của mình. Bài “Linh cảm” được viết với tâm thức như vậy, nhưng đến bài “Tiễn” thì thông báo ấy đầy hoang mang:
- Ngày mai tôi đã khung trời khác
Muốn nhắn gì sang không dễ đâu
- Xa ngoắt ngõ xanh bạn biến khuất
Tôi đã gói khăn ở kiếp nào
“Miền chờ” vừa cho Trần Quốc Thực có giải thưởng Nguyễn Khuyến (1985 – 1990) lại vừa cho bạn đọc nhận biết về một giọng thơ chín muộn không ồn ào nhưng bắt đầu tạo cảm giác mới ở thi tứ, lạ ở cách lập ngôn. Giai điệu thơ Trần Quốc Thực thường giao động trong ba vùng tâm lý: Tự ty, tự tin và tự kiêu và có những xuất thần thi sĩ không kiểm soát được bằng ý thức.
Sang đến “Nét khắc” sau “Miền chờ” tròn 5 năm Trần Quốc Thực đã mang vào thơ mình một ám ảnh thiền định, mang vào một cách có ý thức ngay từ hai câu thơ mở tập: “Hun hút một sông ngày khuất mẹ - Áo xống phần phật đêm không nhà”. Loang như sương mờ trong toàn tập, ám ảnh thiền định lại khiến cho Trần Quốc Thực khắc sâu thêm bóng dáng những người thân đã hiện ra trong “Miền chờ”. Vẫn là mẹ nhưng ở “Nét khắc”, hình ảnh người mẹ hiện ra trong hương khói của tâm linh, vẫn là cách dùng điệp âm ở đây như tiếng chuông chợt nhỏ vào tiếng cầu kinh đều đều trong tiếng mõ trì tục:

Sao thiếu vắng bát nhang bên ngoại
Con nghe hun hút một dòng sông
Hun hút gió thổi về bến vắng
Ngàn ngạt trăng dâng sáng cánh đồng

Người đã khuất trở về quanh quất
Chia với mẹ tháng ngày se sắt
Báo với mẹ một đêm bình yên
Đêm của mẹ trời xanh trăng vàng

Người đã khuất trở về thơm ngát
Trên bát nhang tháng ngày mẹ thắp
Vùng hương từ tay mẹ gầy gùa
Dâng dâng như rút tự nắng mưa
Sương gió một triền sông hun hút
Người mẹ trong thơ Trần Quốc Thực ở “Nét khắc” ảo huyền hư thực giữa một miền hương khói:
Tay mẹ gày gùa thắp thơm nén nhang
Thắp thơm chín phương khấn người cõi trước
Một phía trần gian trăm Cay ngàn Nhẫn
Mẹ làm hạt thóc kẹt giữa lòng sàng
Thấm nhuần những tư tưởng Phật giáo, Trần Quốc Thực đã khai ngộ cách nhìn tầm vóc hơn về mẹ qua “Giấc ngủ trưa”, “Mẹ ơi”, “Thần cảm 2”:
Mẹ ơi âm dương cũng nhà ta
ai làm đau mẹ, con từ mặt
mẹ ơi âm dương không chia xa
thi thoảng, mẹ về, con đỡ khuyết!
Đối với người anh đã khuất, Trần Quốc Thực lại khắc tạc thêm lần nữa đầy ấn tượng qua “Nói với anh về mưa”, thơ ở đây không nén kìm nữa mà tuôn chảy ào ạt như nước mưa đầm đìa thương nhớ:
Bao nhiêu mùa mưa qua rồi
sao mới mãi lời mưa Đức Thọ
mưa cứ hát dạt dào trên mái lá
trong lòng em mưa cứ sáng ngời
trong lòng em, anh mãi hai tám tuổi
nắng gió phơi phong sáng sủa vóc người
Người yêu ở “Nét khắc” cũng được Trần Quốc Thực đam mê hơn ở “Miền chờ”: “Nơi có một tiếng em vừa chìm xuống”. Trong “Nét khắc”, giữa người yêu và tác giả luôn có một ánh sáng bàng bạc của cửa thiền:
Có thể ngồi trước em, có thể ngồi trước thế thái
dẫu sao, phải được ngồi trước mình
ngồi trước nguồn sáng trắng lúc chớp mắt
vào sâu tâm can ta vắng tanh
                                (“Nhập định”)
Bài “Thu 8” cũng là một ấn tượng như thế:
Cứ thế em đầy dần lên tràn ra ngoài những dòng chữ
tràn qua mặt bàn, tràn ra ngoài thềm
tràn lên lối đi, tràn đến một bóng cây đang run rẩy
và… tràn xuống mặt Hồ Tây đang trăng lên…

Mới hơn ở “Nét khắc” là ngoài những bạn bè, những con người còn có thêm hình ảnh đứa con. Những bài thơ viết về con của Trần Quốc Thực thật riêng, dịu dàng như tình phụ tử:

Con sinh phải cái thời mà các bậc bố mẹ rất hay chia tay nhau
những cuộc chia tay thật bẽ bàng, thật khó xử
bố với mẹ của con cũng không ra ngoài thông lệ đó
kể cũng đáng buồn, song biết chữa cách nào…
                                                               
(“Con”)
Bố đội cho cái chai một chiếc mũ - ấy là cái chén của bố,
và hình dung con
con gái của bố, cái khóe duyên thầm của bố, cái niềm
khúc khuỷu của bố
con đang giang tay giang chân chiêm bao trong giường
                                (“Viết cho con trong đêm chợt thức”)

“Nét khắc” đã đem đến cho Trần Quốc Thực giải A do Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam trao năm 1995.
Sau “Nét khắc”, “Trái tim hoa bìm” ấn hành năm 1998 là một tập thơ tình viết chủ yếu dành cho một người. Ấn tượng nhất là các biến tấu mang tên “Thu” từ 1 đến 7 (“Thu 8” đã in trước ở “Nét khắc”.) Thơ tình không phải là thế mạnh của Trần Quốc Thực. Nhưng chính tình yêu chân thực đã giúp cho anh có những đoạn thơ tình độc đáo:
Anh đến được em rồi
mệt quá!
và anh nằm như một đứa trẻ con
trên cánh tay em để trần
chân tay anh khuyềnh khoàng
trong veo gương mặt…
Thật đáng kiêu hãnh khi có một người yêu đã đồng hành một thời máu lửa:
Tôi biết em đang nhìn về
Dòng thời gian chưa khuất
Dòng thời gian của những người con gái con trai
máu lặng lẽ chảy ròng xuống đất
Dòng thời gian có em có tôi
trong vắt…
                                (“Khi em quay đi”)
Đến tập “Tháp Cúc” ấn hành năm 2003 và được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Trần Quốc Thực đã rất yếu. Bệnh tật ngấm sâu từ thời chiến tranh gặp tuổi tác đã ùa ra cắn xé người thơ. Bút lực đến lúc cần tả xung hữu đột, cần tuôn mưa lùa gió thì lại “lực bất tòng tâm”. Chỉ còn lại sự tinh tế, sự bình thản đón nhận mọi lành dữ tử sinh. Bài “Tháp cúc” với nhịp thơ bốn chữ gợi cảm giác nhịp điệu ở “Kệ khuyến chúng” của Trần Thái Tông trong “Khoá hư lục” (Quyển hạ) như khơi vơi cùng hư không:
Tháp cúc quệt quạc
ánh vàng lên mây
miền sông lối cát
miền trời heo may

miền nào nữa cúc
đầy heo bóng người…
Hình như đó mới chính là tiếng thở dài buông thõng của số mệnh chứ không còn là “Tiếng thở dài” của tình yêu khi xa vắng.
Nhớ đầu xuân Đinh Hợi 2007, Trần Quốc Thực được phân công chọn thơ cho số Nguyên Tiêu đặc biệt của ngày hội thơ thường niên. Tôi muốn in bài “Thế giới phẳng” tặng Nguyễn Trọng Tạo nhưng anh lại thích in bài “Hà Nội ngũ hành”. Anh nói rất nhẹ với tôi: “Tao muốn ghi dấu ấn đích thực của từng nhà thơ mà tao quý mến”. Tôi vừa muốn chiều anh, vừa thấy anh rất thận trọng với thơ. Đó là phẩm chất nhà phê bình khá sắc sảo trong Trần Quốc Thực. Anh viết về thơ người khác không nhiều nhưng đều rất trúng và hay. Mới thế mà đã âm dương cách biệt. Thật tiếc một tài thơ lặng lẽ như Trần Quốc Thực. Bởi thế, đầu xuân khai bút là bài viết về anh, là “Hát vu vơ một niềm khúc khuỷu” trong thơ Trần Quốc Thực.

NGUYỄN THỤY KHA
(nguồn: TCSH số 230 - 04-2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng