Truyện ngắn dự thi 2024
Xướng ca vô loài
15:31 | 14/05/2024


THÙY DƯƠNG HOÀNG THỊ

Xướng ca vô loài
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

“Huế, một ngày cuối.
“Đã là thiêu thân hãy để nó chết trong ánh sáng.” Em tưởng ánh sáng đó dành riêng cho em. Em lao vào như con thiêu thân để rồi một ngày anh lấy vợ. Em chết lịm như những nấm mồ vô danh. Xướng ca vô loài có phải là cái cớ? Nếu không chắc đừng hứa, nếu không yêu xin anh đừng hôn em…”.
….
Hẹn anh kiếp sau!
Như Nguyệt - Đóa hoa vô thường”.

Hai mấy năm nay, tôi vẫn giữ bức thư này. Tôi hứa sẽ tìm ra người đàn ông phản bội đó để đưa bức thư cho anh ta, nói với anh ta rằng o tôi yêu anh bao nhiêu càng hận bấy nhiêu nhưng thời gian làm ký ức quên lãng, hôm nay dọn dẹp chồng sách, bức thư rơi ra, tôi lại nhớ đến o. Kéo chiếc cổng sắt cọt kẹt, then lề sét gỉ, tôi bước vào sân, ngang qua bức bình phong, lũ chim sẻ đang uống nước trong hòn non bộ thấy bóng người vụt bay mất. Dưới nền gạch đám lá khô nhăn nhúm, giòn tan trên mỗi bước chân. Tia nắng cuối ngày vắt qua ngọn cây bồ kết, mấy quả gội đầu đó quăn queo treo lủng lẳng trên không, vài chiếc gai nhọn đâm ra như muốn bảo vệ thứ quả mượt tóc không ai buồn hái. Chiếc võng vẫn ở đó, bạc phếch màu tháng năm. Tôi bước vào nhà mở toang hết những lá cửa. Chút ánh sáng yếu ớt của ngày tàn quét qua mọi ngóc ngách trong ngôi nhà rường ba gian hai chái, vốn cổ xưa lại càng âm u này. Lũ thằn lằn nghe tiếng động chạy tán loạn bò tìm nơi ẩn nấp. Mới mấy tháng chưa về mà bụi bám lên sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, mờ cả mặt bàn, phủ lên bàn thờ. Tôi thắp nén hương, lầm rầm khấn vái: “O Nguyệt ơi! Cháu đã về đây. Cháu chưa hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của o. Thôi thì quá khứ hãy để cho nó ngủ yên o nhé!” Nhìn lên tấm điều màu đỏ phủ lên di ảnh, o như đang mỉm cười mãn nguyện.

Tôi thắp nến từ trong nhà ra ngoài ngõ, căn nhà huyền ảo, lung linh trong ánh hoàng hôn chiều muộn. Lôi cái radio cũ kĩ trong bàn thờ, mà một thời o tôi quý nó hơn mấy món đồ gia bảo của mệ nội. Phủi hết lớp bụi, tôi bật nút “play”. Tiếng hát thanh thoát của Khánh Ly vang lên, lòng man mác nỗi buồn khó tả. Tôi nhẩm theo câu hát “Người ra đi bến sông nằm lạnh, này nhân gian có nghe đời nghiêng…”. Nén tiếng thở dài, tôi bước ra hiên nhà, nằm trên chiếc võng. Mắt lim dim nhìn lên bức ảnh treo trên tường. O tôi mặc áo dài đỏ nghiêng đầu bên khóm hoa sen. Dưới có dòng chữ nhỏ: Tặng em - Như Nguyệt - Đóa hoa Vô thường. Bức ảnh và cái radio là quà tặng của người đàn ông đó. Bao nhiêu năm rồi mà o vẫn nâng niu, trân trọng.

Cơn gió nhẹ thổi qua, đâu đây thoang thoảng mùi bồ kết. Tôi ngồi bật dậy lẩm bẩm: “O Nguyệt về rồi ư? Cháu về chơi một chút rồi đi. 8 giờ có chương trình Nhớ Trịnh.” Ngọn nến trên bàn bỗng vụt sáng, từng giọt rơi xuống như giọt nước mắt màu máu, rồi cháy nhanh hơn như reo mừng, đùa vui, phút chốc một cơn gió mạnh thổi qua cây nến phụt tắt. Trời bỗng đổ mưa, mùi hơi đất hăng hắc xông lên mũi, những giọt mưa nặng nề rơi tong tóc trên ngói rồi to dần. Cơn giông mùa hạ kéo đến ầm ĩ hòa theo tiếng mưa như tiếng ai gào thét trong đêm. Tôi nhìn ra cửa sổ, nến ngoài sân tắt ngúm, thoáng rùng mình. Rồi cơn mưa cũng tạnh dần, êm ả, tí tách ngoài hiên.

*

Lúc còn sống, o tôi mang trong mình giấc mơ trở thành nghệ sĩ ca Huế nổi tiếng. Nhưng Huế cách đây mấy chục năm về trước chưa phải là dòng sông êm đềm để cho o tha hồ ngụp lặn. “Xướng ca vô loài” là câu cửa miệng mà hàng xóm luôn dè bỉu mỗi khi gặp o tôi quần là áo lượt, thoa son, đánh phấn đi hát trên bến thuyền Tòa Khâm về. Trong đầu óc non nớt của trẻ con, đó là từ chỉ kẻ xấu. Tôi nhớ một lần có một người đàn bà đã nói vậy. Tôi bặm miệng, đá lung tung trong không khí, chiếc váy xòe theo từng bước chân. O Nguyệt xoa đầu tôi bảo: “Cháu không được hỗn với mụ. Do mụ chưa hiểu mới nói rứa. Mỗi người sinh ra đã có một nghề. Nghề nào cũng cao quý. Phường chèo, con hát cũng đáng quý như nhau. Cuộc sống đâu chỉ có cơm áo gạo tiền, mà âm nhạc mới chính là cội nguồn cuộc sống.” Bà ta nhếch môi cao giọng: “Đúng là nòi nào giống nấy. Cái thứ cầm ca mà còn bày đặt cao sang.” O không nói gì, thấy đôi mắt buồn buồn. Tôi là bản sao nguyên vẹn từ đôi mắt sóng sánh hồ thu, mái tóc mềm mại như dòng suối, má lúm đồng tiền rất duyên ấy. Và cả cái máu ca Huế đang chảy trong huyết quản này. Chỉ cần một âm thanh tựa hồ như tiếng sênh tiền, tiếng li tách chạm nhau lóc cóc, cuống họng tự nhiên mở ra, hát khúc “Tứ đại cảnh”.

Tôi không có mẹ, tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của o tôi. Trong những làn điệu mộc mạc Lý mười thương, Lý con sáo và cả những tình khúc nhạc Trịnh. O hay ru tôi bên chiếc võng. Những trưa hè nắng nóng, tôi say giấc trong giọng hát ngọt ngào: “Ru em đầu con gió, em hong tóc bên hồ, khi sen vàng mới nở, nụ đời ôi thơm quá…”. Có lẽ chính điều này đã ươm mầm khiếu âm nhạc trong tôi. Có một lần tôi cất tiếng hát, o đã khóc vì sung sướng.

Nhưng liệu ước mơ làm ca sĩ có thành hiện thực không? Khi mà ông mệ nội tôi không thích o Nguyệt theo nghiệp đàn hát, đó là sự sỉ nhục cho dòng họ Tôn Thất. Nhưng o tôi vẫn lén đi học hát vì quá đam mê ca Huế. Dần dần mọi người giả vờ đồng ý nhưng ngấm ngầm tìm cho o một tấm chồng. Rất nhiều người đàn ông đến ra mắt, thông qua mai mối có, người đến chơi vì nghe tiếng nàng Tôn nữ đẹp như tranh cũng có. Ông mệ cũng muốn tìm trong đám ấy, có chàng nào tử tế sẽ gả chồng cho o. Nhưng cái lắc đầu vẫn luôn thường trực. Tôi biết lý do nhờ tình cờ vào phòng o, phát hiện một lá thư.

“Huế, ngày mưa buồn… Như Nguyệt yêu!***” Tôi hỏi “Dấu * này là chi rứa o Nguyệt?” O tôi bảo: “Biểu tượng của nụ hôn.” “Nụ hôn là răng hè?” Tôi đưa đôi mắt ngây thơ nhìn o. “Ngọt ngào và cũng rất đắng cay. Bí mật hai o cháu mình biết thôi nghe.” O mỉm cười trìu mến. Tôi cười hì hì, đưa ngón trỏ lên môi, ra vẻ bí mật.

Một hôm thấy o khóc, nằm lì trong phòng không ra ăn cơm. Tôi đã hỏi. O chỉ đáp: “Mẹ anh nớ nói o là phận con hát, bán phấn mua hương. Không thể chấp nhận. Anh phải lấy người con gái khác.” Tôi nhăn mặt “Lại là xướng ca vô loài.” O Nguyệt ngày càng trở nên xanh xao, gầy mòn. O Thùy Dương, bạn thân của o tôi nói rằng: “Bệnh này chỉ có trái tim người đàn ông ấy mới chữa khỏi.” Đột nhiên mệ nội ngã bệnh, mệ bắt o phải lấy chồng trước lúc mệ nhắm mắt. O tôi đã khóc sưng mắt và suy sụp khi phải buộc lấy người o không yêu. Nhưng chữ hiếu nặng hơn chữ tình. O nuốt nước mắt nghe lời ba mạ.

Thư chưa kịp đến tay người đàn ông bí ẩn ấy, thì xác pháo đã đỏ đầy đường. O Nguyệt mới về làm dâu được ba ngày mà sui gia đã qua nói chuyện với ông nội. Tôi nấp trong góc buồng lắng tai nghe: “Anh phải bảo ban và khuyên nhủ con gái anh. Nó không chịu động phòng, không ngủ với con trai tui. Đêm mô tui đi ngang phòng hai vợ chồng nó, cứ thấy con bé ngồi bên cửa sổ ngắm trăng. Nó có chồng rồi mà còn tơ tưởng đến thằng khác. Anh chị không khuyên được thì tui xin trả lại dâu.” Ông bà mặc dù rất giận nhưng cố khuyên răn o. Trong những người đàn ông đến nhà, o chọn chú Hoàng theo o là người đàn ông hiền lành. Nhưng đó là sự sai lầm, anh ta quá nhu nhược, mọi điều phải nghe lời mẹ. Mẹ chồng không cho o đi hát, nên o cả ngày ru rú ở nhà. Một hôm tôi qua nhà o chơi. Mẹ chồng của o mắng nhiếc: “Ngày mà có ‘ấy’đừng có vào bàn thờ, ô uế gia phong cái nhà này.” Tôi nghe o “dạ” rất nhẹ. “Có ấy thì răng? Không có kinh nguyệt thì làm răng mà sinh con đẻ cái.” Tôi bực mình lầm bầm. O tôi ngạc nhiên không tin con bé mới 10 tuổi phát ra những lời đó.

Hôm o Nguyệt về thăm tôi, tôi giật mình thảng thốt khi đứng trước mắt tôi không còn là người con gái đẹp mà bao kẻ khác phải ngoái nhìn. Một nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt mệt mỏi. O đưa cho tôi bức thư dặn tôi cất đi, khi nào gặp người đàn ông đó rồi đưa. Anh ta tên Nhật. Đó là lần cuối tôi gặp o. O tự vẫn, trên xác có một dòng chữ viết nắn nót: “Đó là sự ngột ngạt, bức bối của hai tâm hồn không đồng điệu. Bi kịch là đây!”

Cái chết đột ngột của o để lại trong tôi cú sốc nặng nề. Ai cũng tiếc thương cho người con gái đẹp mà yểu mệnh. Tôi bỗng ghét tất cả mọi người, tôi ghét người đàn ông phản bội đó, tôi ghét bà mẹ chồng ác độc, tôi ghét anh chồng nhu nhược, tôi ghét ông bà nội bắt o lấy người o không thương, tôi ghét chính tôi đã không trò chuyện với o nhiều hơn. Tôi hận tất cả mọi người đã cướp o của tôi đi.

*

Giọt nước mắt nóng hổi trào ra rơi trên phím đàn. Mắt tôi nhòe đi, mưa đã tạnh từ lúc nào. Tôi phải tiếp tục sứ mệnh sống nốt phần đời còn lại của o. Tôi đóng cửa ngôi nhà rường lạnh lẽo và bước đến cung An Định. Trời bắt đầu đổ mưa rây. Tôi cầm dù lặng lẽ đứng dưới mưa lắng nghe bản nhạc buồn sâu lắng: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, buồn ơi nước mắt hoen mi rồi, đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…”. Tôi bắt gặp ánh mắt một người đàn ông nhìn tôi rồi mỉm cười. Trong ánh đèn vàng xuyên qua rèm mưa, tôi đoán anh ta khoảng 40 tuổi, khuôn mặt khá điển trai nhưng hơi nghiêm nghị. Nhìn anh ta rất lịch lãmtrong cái áo sơ mi kẻ sọc xanh, quần tây đen, đeo thắt lưng Hermés. Một tay cầm điện thoại, tay kia bỏ trong túi quần. Đứng nép bên hiên sân khấu. Tôi mỉm cười và cúi đầu chào người đàn ông đó. Bỗng anh ta tiến lại gần tôi rồi hỏi: “Em có muốn vào bên trong xem không? Đứng ngoài mưa ướt hết.” Tôi ngạc nhiên trước lời mời của anh ta. “Dạ, cám ơn anh, nhưng em không có vé mời.” “Nếu em muốn, anh sẽ đưa em vào.” Anh ta đeo tấm thẻ Ban Tổ chức vào cổ tôi rồi dẫn tôi vào và nói: “Anh bận việc phải đi rồi, em ngồi xem nhé!” Tôi gật đầu, mỉm cười thầm cám ơn người đàn ông xa lạ.

Ngày 1 tháng 4 tôi có show diễn ở phòng trà Hoàn Kiếm. Tôi bước lên sân khấu hát ca khúc “Diễm xưa”: “a vẫn mưa bay trên từng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao, nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ.” Tôi bước về bỗng anh phục vụ đưa cho tôi mảnh giấy: “Em không định trả cho anh tấm thẻ Ban Tổ chức?” Tôi ngạc nhiên, ngước mắt nhìn xung quanh, thoáng vui mừng khi gặp lại cố nhân.

“Đúng là có duyên thật”. Anh ta cười, để lộ những đường răng trắng.

“Cám ơn anh… chuyện hôm nớ.” Tôi mỉm cười nhìn anh ta.

“Không có gì. Em hay hát ở đây à?”

“Dạ, cũng thỉnh thoảng.”

“Em hát rất hay.”

“Cám ơn anh.” Má tôi ửng hồng.

“Em tên gì?”

“Dạ, Tôn Nữ Như Huê”.

“Cái tên rất Huế”.

“Em muốn hỏi, răng hôm nớ anh lại nhìn em cười? Anh nhận nhầm người quen à?”

“Anh chẳng có ý gì. Tại thấy em mang giày cao gót, đứng ngoài trời mưa lạnh nên anh muốn đưa vào.” Anh nhìn tôi cái cổ nghiêng nghiêng, khuôn mặt trở nên lạnh lùng. Đốt điếu thuốc Esse, hít một hơi dài rồi anh nói: “Đợt này ra Huế chơi, anh cũng có mục đích ghé nhà một người con gái nhưng cửa đóng im lìm. Thật sự anh không thích ra Huế, mỗi khi thấy bóng áo dài với cây đàn tranh lại thấy chạnh lòng.”

“Anh đã yêu người con gái nớ?”

“Ừm…”.

“Nhưng sau đó thì răng anh?”

“Số phận... Mà nhìn em cũng trạc tuổi cô ấy mấy chục năm về trước và có nét gì đó rất giống.”

“Chắc cô nớ cũng gần bằng tuổi anh?”

“Không, cô ấy trẻ mãi, vẫn là đóa hoa vô thường.”

“Đóa hoa vô thường?” Tôi nhíu mày ngạc nhiên.

“Nói ra em đừng sợ. Trong một lần đi nghe nhạc Trịnh hồi anh còn là sinh viên, anh gặp người con gái ấy mang dù, mặc váy trắng đứng trong mưa. Hôm thấy em, chợt anh nhìn thấy cô ấy những năm về trước. Nhưng cô ấy mất rồi…”.

*

Phố đã lên đèn, sương giăng trên tóc. Cầu Trường Tiền rực rỡ màu sắc cầu vồng. Sông Hương huyền bí với hàng ngàn ánh nến hoa đăng huyền ảo. Tôi sóng đôi bên anh trên phố đêm Nguyễn Đình Chiểu. Thế là anh ở Huế cũng được hai tháng. Tôi mua tặng anh chiếc bật lửa làm quà chia tay. Tôi biết anh có một đứa con gái và đã ly dị vợ. Anh chưa bao giờ nói tiếng yêu tôi, nhưng tôi biết anh thích tôi, luôn tỏ ra lịch sự và ngọt ngào, trái tim tôi cũng bắt đầu xao động. Bỗng có tiếng gọi, giọng của người phụ nữ vang lên: “Anh Nhật”. Xoay người lại tôi nhận ra o Thùy Dương. “Không phải anh tên Nhân ư?”. “À, Nhật là tên đi học, còn Thành Nhân là tên công ty của anh.” “Sao anh quen o Thùy Dương?”. “Em biết Dương à, đó là bạn thân của người bạn gái cũ.” Giọng tôi hơi run run. “Anh có biết một cô gái tên Tôn Nữ Như Nguyệt?” Anh ta nhìn tôi ngạc nhiên. “Sao em biết Nguyệt?” “Đóa hoa vô thường”. Thoáng giật mình anh làm rơi chiếc bật lửa. “Rứa anh chính là người đã phụ tình o tôi, rồi anh nói những lời thương xót giả dối nớ à?”. “Xướng ca vô loài. Anh chính là kẻ vô lại khi ngồi lắng nghe o tôi hát.” “Em là ai?”. “Em đã tìm anh hơn 20 năm rồi, bức thư em vẫn giữ, nhưng… răng anh lại vô tình với o của em rứa?” Nước mắt tôi rơi xuống, bàng hoàng và đau xót, tôi chao đảo ngồi xuống đất. Anh ngồi xuống vỗ về tôi. O Thùy Dương đến, ngạc nhiên thấy tôi đi bên cạnh anh -người yêu của o tôi 20 năm về trước và cũng là người 20 năm sau tôi yêu.

*

Số phận thật trớ trêu khi đem anh đến bên tôi. Tôi đưa bức thư và dẫn anh về lại ngôi nhà rường. Anh khóc trước những kỷ vật mà anh tặng o. Tôi nói trước di ảnh: “O Nguyệt ơi! Cháu đã đưa anh Nhật đến đây. Mong o thông cảm cho anh. Cũng giống như o, làm con, ai cũng đặt chữ hiếu lên đầu. Anh đã sống với nỗi day dứt suốt mấy chục năm qua.” Tôi chia tay anh, một ngày Huế mưa buồn, không ai nói câu gì, bao ngổn ngang rối bời tâm trí. Sự ra đi của anh cũng chính là sự giải thoát cho tình yêu đầy phẫn nộ, khát khao. Tôi không gặp anh từ dạo ấy.

Mồng 1 tháng 4 năm sau, tôi đến phòng trà Hoàn Kiếm. Tôi bước lên sân khấu giới thiệu: “Trịnh Công Sơn nói rằng, khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát lên, đừng e ngại, dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi. Mời quý vị thưởng thức ca khúc “Tình nhớ”. Khán giả vỗ tay và tôi bắt đầu cất tiếng hát: “Tình ngỡ đã quên đi nhưng lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang,... một người về đỉnh cao, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau, như bóng chim cuối đèo”. Nhìn cuối phòng, nơi chiếc bàn cũ, có nụ cười của người đàn ông nghiêm nghị nhìn tôi. Giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má.

T.D.H.T
(TCSH422/04-2024)

 

 

Các bài mới
Kiến (02/12/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Tái sinh (04/11/2024)
Út Mây (22/10/2024)
Các bài đã đăng
Mặt nạ giấy (12/04/2024)
Phù vinh (04/04/2024)