Phóng sự
Họ xứng đáng là anh hùng
14:54 | 24/03/2009
L.T.S: Họ đồng hành và đồng nghĩa với cách mạng - có thể nói vắn tắt về lực lượng Công an nhân dân như thế.Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành (19.8.1945- 19.8.2005), Sở Công An T.T Huế và Công an Thành phố Huế đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng đầy ý nghĩa. Trong đó có cuộc vận động viết về đề tài Công an nhân dân.Sông Hương trân trọng giới thiệu một số tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động đó.


MAI VĂN TRÍ
             Bút ký

T
rong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với đại thắng mùa xuân 1975, quân và dân ta đã vượt qua biết bao gian khổ hy sinh, lập nên biết bao kỳ tích. Trong đó có chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân 1968 ở Huế. Đây là một thắng lợi mang tầm chiến lược, là một cuộc tổng diễn tập cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến dịch ấy đã có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng biệt động thành và của các chiến sỹ Trinh sát vũ trang thành Huế.

Tìm hiểu về những chiến công của họ, tôi vinh dự được tiếp chuyện cùng đ/c Hoàng Thức Bảo, (Anh hùng LLVTND, thương binh 2/4, Trung tá CA đã nghỉ hưu) khi đó ông là một mũi trưởng TSVT trực tiếp tham gia cuộc chiến ác liệt tròn 26 ngày đêm chiếm giữ kinh thành Huế. Nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một số hoạt động chiến đấu của các chiến sỹ TSVT Đội 66 E và đội Biệt động thành cánh tả chiến đấu ở mặt trận bắc thành phố Huế.

* BÍ MẬT, BẤT NGỜ TIẾN VÀO THÀNH HUẾ

Những ngày cuối tháng 01/1968, họ được đ/c Nguyễn Văn Hải, chỉ huy TSVT và đ/c Văn (chỉ còn nhớ tên, không còn nhớ họ), chỉ huy đội biệt động thành Huế quán triệt chỉ thị chuyển họ sang thực hiện nhiệm vụ mới “huấn luyện cấp tốc và chuẩn bị mọi mặt để vào chiến đấu dài ngày trong nội thành TP Huế”.

Sau khi được quán triệt nhiệm vụ đó, thoạt đầu họ được quy tụ về một địa điểm mới thuộc cửa rừng Hương Trà cách Hòn Vượn khoảng 1 km, cách Huế khoảng 8 km về phía tây. Sau đó họ được tập luyện lại kỹ thuật đột nhập vào đồn địch, vượt chướng ngại vật, chiến thuật hành quân, kỹ chiến thuật chiến đấu trong thành phố. Được học tập nghiệp vụ công tác dân vận, địch vận TTĐB. Huấn luyện xong thì án binh bất động, nội bất xuất ngoại bất nhập. Họ được lệnh mỗi người phải chuẩn bị 2 vòng ngụy trang, một số thuốc nổ, bộc phá, 3 cơ số đạn, lương khô 3 đến 5 ngày, bông băng cứu thương cá nhân, dây thừng leo nhà cao tầng, vượt tường rào, áo quần chiến đấu và áo quần thường dân chờ lệnh vào thành chiến đấu. Đúng trưa 30/1/1968 (tức trưa mồng một Tết), họ được lệnh tập kết về khu vực ngã ba đường mòn giao liên tại vùng rừng núi Hương Trà để nghe phát lệnh chiến đấu của Quân khu uỷ. Khi hành quân đến khu vực tập kết chờ đợi, thì họ được chứng kiến có cả ngàn người của nhiều đơn vị, nhiều lực lượng cùng tham gia chiến dịch. Sau khi được quán triệt nhiệm vụ chung, lực lượng TSVT (thuộc lực lượng ANVT TT Huế) và lực lượng biệt động được chuyển đến một địa điểm khác, do đ/c Hải (chỉ huy TSVT) và đ/c Văn (chỉ huy biệt động) trực tiếp giao nhiệm vụ cụ thể hơn “tại Trị-Thiên Huế từ đêm nay trở đi sẽ đồng loạt tấn công địch. Cùng tiến vào thành phố trong đêm nay với các đồng chí là lực lượng chủ lực của Quân Khu uỷ và các đội công tác của các lực lượng khác từ Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thuỷ lên, từ đông Hương Trà vào. Lực lượng của các đ/c tối nay gồm đội TSVT cơ động 66E do đ/c Hùng Sơn đội trưởng. Đội TSVT 66D do đ/c Anh Tuấn đội trưởng. Đội biệt động thành cánh tả do đ/c Vi đội trưởng cùng bộ phận chỉ huy trực tiếp của các đồng chí tối nay sẽ theo đoàn 6 anh hùng thuộc lực lượng bộ binh chủ lực tiến vào nội thành Huế. Sau khi vào cửa Chánh Tây phân đội 66D sẽ vào đánh chiếm khu vực Đại Nội và bốt Tây Lộc, cùng các đơn vị bạn làm chủ vùng này. Phân đội 66E TSVT cơ động và đội biệt động cánh tả sẽ tiến vào chiếm cổng Thượng Tứ và vùng từ Thương Bạc về cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, phố Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu (tức Phan Đăng Lưu ngày nay), với nhiệm vụ chiếm bốt cảnh sát Đông Ba và phần ngoài cửa Đông Ba, bắt liên lạc với sở chỉ huy và lực lượng bạn ở phía trong cửa Đông Ba. Sau khi chiếm lĩnh, có lực lượng khác đến tiếp nhận địa bàn thì các đồng chí sẽ chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo do ban chỉ huy giao... Dù tình huống thế nào các đ/c cũng phải tiến lên, chiến thắng, cấp trên và nhân dân sẽ tiếp sức cho các đồng chí...”

Lúc 16 giờ 30 chiều 30/1/1968 (tức chiều mồng một Tết) họ được lệnh hành quân tiến ra động Hòn Vượn, đến cửa rừng thì trời xẩm tối. Đoàn quân lúc này không còn đi một hàng dọc nữa mà là đội hình chữ A, bí mật vượt qua đồng ruộng An Lưu, Trúc Lâm, An Ninh, nhằm cửa Chánh Tây tiến vào. Khi đến sông Đào (sông kẽ vạn) các đơn vị lặng lẽ thực hiện lệnh vượt sông. Ông Hoàng Thức Bảo còn nhớ rõ, chính nơi đây một số chiến sỹ ta khi qua sông bị thủng phao bơi chết đuối, nhưng vì yêu cầu của cuộc hành quân là phải đảm bảo bí mật tuyệt đối nên nhiều đồng chí đã chấp nhận hy sinh không lên tiếng kêu cứu để giữ bí mật cho đoàn quân. Tuy vậy, do số lượng quân khá lớn cùng vượt sông nên đã không tránh khỏi sự khuấy động nhất định, vì vậy một đơn vị địch ở bên kia sông đã phát hiện và nổ súng ngăn chặn.

* NHỮNG TRẬN ĐÁNH KHỐC LIỆT

Bị đụng độ với địch, cấp trên ra lệnh tiến nhanh qua sông, vừa tiến vừa đánh. Các chiến sĩ TSVT được lệnh vượt lên trước tiêu diệt địch, không để chúng chặn đường tiến của ta. Bằng chiến thuật của lực lượng Trinh sát vũ trang luồn sâu, và sự phối hợp của lực lượng đặc công, các chiến sĩ TSVT đã tiếp cận và tiêu diệt gọn toán địch đó, mở đường cho lực lượng ta ào ạt tiến vào. Song, tại đây đồng chí Vũ Trung Sơn, đội trưởng TSVT và đ/c Nguyễn Viết Sữa, xạ thủ B40 của đội bị thương nặng không tiến lên được. Anh em đành băng bó, gửi 2 đ/c vào nhà dân chăm sóc đợi quân y tuyến sau, còn họ vượt tiếp vào nội thành. Qua cửa Chánh Tây địch chống trả quyết liệt, ta phải dùng bộc phá, B40, B41 đánh úp mới mở được cửa thành và đại quân ta đã tràn vào như thác lũ. Ông Bảo vẫn còn nhớ lúc này đã 3 giờ sáng ngày 31/1/1968. Dưới trời sáng lờ mờ của ánh hoả châu, trong tiếng nổ uỳnh oàng của pháo Tết là tiếng súng đánh vào Huế của các mũi, các hướng. Theo ký, tín, ám hiệu đã quy định đội 66E tiến về các mục tiêu đã được giao. Đội 66D tiến vào khu hành chính quận Thành nội. Tại đó cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đội phó TSVT Hồ Văn Trà và đội viên Nguyễn Dũng đã anh dũng hy sinh mới giải quyết được. Hướng cửa Chánh Tây Đội 66E TSVT và đội Biệt động cánh tả tiến xuống cửa Thượng Tứ. Tại đây địch vẫn chốt giữ cửa thành, chỉ huy đội cho gọi hàng, song địch vẫn ngoan cố chống trả quyết liệt, buộc ta phải dùng B40 và lực lượng cảm tử xông lên đánh lên úp bọn địch mới rút chạy. Đ/c Xuân Điệp và đồng chí Hoàng Thức Bảo xông thẳng vào phá khoá mở cửa thành Thượng Tứ, lúc này khoảng 3 giờ 30 sáng 31/1/1968. Sau khi mở được cửa thành đ/c Hải TSVT và đ/c Văn biệt động chuyển về phía trong cửa Đông Ba đóng sở chỉ huy, còn hai đội TSVT và đội biệt động cánh tả (thực ra lúc này chỉ còn 10 đ/c với 2B40, 8AK) tiến ra đánh chiếm cả khu vực từ Thượng Tứ về cửa Đông Ba. Tại đây họ đã tiêu diệt. Họ tiếp tục và bắt sống được một số tên cảnh sát đi tuần ở đường Phan Đăng Lưu, nhờ vậy đã khai thác thêm được nhiều thông tin mới về địch và bí mật tiếp cận được các mục tiêu để tiêu diệt, tiến đánh và chiếm được bốt cảnh sát Đông Ba, chặn đánh một xe quân sự và đánh lùi các đợt phản kích của lực lượng địch có hai xe bọc thép M48 yểm trợ trên đường Trần Hưng Đạo. Đến 9 giờ sáng thì tất cả các mục tiêu đã chiếm được. Địch huy động xe tăng, tàu chiến phản kích hòng chiếm lại các mục tiêu đã mất. Các chiến sĩ TSVT và biệt động kiên quyết chiến đấu chống trả, diệt một xe tăng M118 trên đường Trần Hưng Đạo và rượt đuổi một chiếc khác chạy sang bên kia cầu Trườâng Tiền. Thừa thắng tiến lên đánh từ hai mũi (nhà thông tin ra, quán cơm xã hội lên) đánh tan đơn vị địch bảo vệ đầu bắc cầu Trườâng Tiền và chiếm giữ đầu cầu. Địch huy động nhiều xuồng máy từ bờ Nam tràn sang bờ Bắc sông Hương nhưng đều bị họ đánh trả không lên bờ được, sau đó có hoả lực của bộ phận E6 chủ lực tăng cường bọn địch phải bỏ chạy về bờ bên kia.

Như vậy đến trưa 31/1/1968 (tức trưa mùng 2 Tết Mậu Thân), với sự tham gia của nhiều lực lượng toàn bộ khu vực phường Phú Hoà ngày nay đã được giải phóng. Tuy nhiên do chưa có đơn vị nào đến tiếp quản nên các chiến sĩ TSVT và biệt động phải chốt lại để giữ vững trận địa.

Về phía nam Huế, do không thuận lợi trong tiến quân như phía bắc Huế, nên từ Đập Đá đến cầu Trườâng Tiền địch vẫn khống chế, chúng đổ quân xuống gần khách sạn Hương Giang và đưa tàu chiến từ Thuận An lên phối hợp đánh phản kích sang bờ bắc liên tục cho đến ngày thứ 23 của chiến dịch. Chính vì vậy, nhân dân bị kẹt trong phố chết nhiều là do địch dùng đại liên bắn từ bờ nam sang, dùng pháo hạm bắn
từ Thuận An lên và dùng máy bay ném bom, thả hơi ngạt... Chúng đánh bừa bãi vào nhà dân rồi cho bộ binh, xe tăng bắn phá dữ dội. Các chỉ TSVT và Biệt động thấy vừa chiến đấu, vừa vận động nhân dân chuyển đi vào gần cửa Đông Ba (nơi ít bom đạn hơn). Những ngày chiến đấu liên miên xảy ra họ giành giật với địch từng góc phố, ngôi nhà. Riêng bốt Đông Ba hai bên thay quyền kiểm soát nhiều lần. Trên đường Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng khi ta làm chủ, khi địch khống chế. Nhưng rồi, do cửa thành bị vùi lấp, sự liên lạc của các chiến sỹ TSVT và Biệt động thành nơi đây với chỉ huy ở phía trong cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ bị đứt, họ cứ dựa vào nhà dân để ăn, ở và tiếp tục chiến đấu. Trong những trận chiến ác liệt một mất, một còn đó, bỗng một sự kiện quan trọng mà suốt đời ông Hoàng Thức Bảo không bao giờ quên, đó là ngày 12/2/1968, tại trận địa ông cùng đồng chí Trần Xuân Điệp và 2 chiến sỹ TSVT đội 66E vinh dự được kết nạp vào Đảng, lễ kết nạp được tổ chức ngay tại chốt là nhà buôn Hoà Lợi số 11 Phan Bội Châu (tức Phan Đăng Lưu ngày nay).

Kể ra, trong suốt 26 ngày đêm của chiến dịch, cũng có những ngày địch bị thiệt hại nặng không phản kích, họ được nghỉ ngơi và chuẩn bị mọi mặt cho những cuộc chiến đấu tiếp theo và thay nhau làm công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và đập lại những luận điệu của địch tuyên truyền xuyên tạc về Cộng sản. Nhờ làm tốt công tác dân vận và thực hiện nghiêm quy định “một cái kim, sợi chỉ của nhân dân cũng không được lấy” chính vì vậy dần dần dân hiểu, dân tin và tiếp tế, hỗ trợ rất nhiều cho họ và lực lượng quân giải phóng vào tiếp quản Huế. Có thể nói đây là một chiến thắng thứ 2 trong chiến dịch, đó là chiến thắng địch trên mặt trận tư tưởng, làm nền tảng cho sự phát động nhân dân nổi dậy trong chiến dịch Mậu Thân 68 này và là tiền đề cực kỳ thuận lợi cho các trận đánh giải phóng Huế 26.3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh sau này.

Nhưng cuối cùng, trước sự tập trung tổng lực của Mỹ ngụy nhằm tái chiếm Huế, trước những khó khăn nhiều mặt của ta thì Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy cục diện chiến trường chưa
thuận lợi, ta chưa đủ sức để giữ trọn vẹn Huế nên cần phải bảo toàn lực lượng. Vì vậy các hướng, các mũi khác đã được lệnh rút dần khỏi thành phố. Theo chỉ thị của Ban chỉ huy An ninh Vũ trang TT Huế, lực lượng TSVT cũng đã kịp xây dựng, cài cắm cơ sở để cùng biệt động thành ở lại tiếp tục hoạt động bí mật, rồi rút khỏi thành phố. Địch tập trung lính Mỹ và lính nam Triều Tiên với phương tiện vũ khí hiện đại phản kích chiếm lại đường Chi Lăng, ý định bịt đường rút lui của lực lượng ta ở Phú Hoà, Phú Cát. Trong điều kiện cực kỳ ác liệt đó, ngày 24/2/1968, mũi chiến đấu của ông Hoàng Thức Bảo được ban chỉ huy Gia Hội yêu cầu chuyển về tăng cường cho khu vực này. Tại đó họ tham gia đánh địch phản kích ác liệt, liên tục thêm hai ngày đêm nữa. Tối 25/2/1968 họ mở được đường máu rút qua Vĩ Dạ và chuyển về Phú Vang.

Đến đây tròn 26 ngày đêm của chiến dịch tổng tấn công -nổi dậy chiếm giữ thành phố Huế kết thúc, những chiến sỹ TSVT thuộc lực lượng ANVT TT-Huế là những người rút ra cuối cùng từ trong chảo lửa của cuộc chiến. Chính vì vậy họ đã góp phần to lớn cùng quân dân Thừa Thiên Huế đón nhận tám chữ vàng “Tấn công, Nổi dậy, Anh dũng, Kiên cường” mà Đảng và Bác Hồ phong tặng. Góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng CAND.                          

M.V.T
(198/08-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng