Phóng sự
Hà Nội với Sông Hương
14:59 | 20/08/2008
NGUYỄN TRỌNG TẠOLTS: Để chuẩn bị cho số báo tháng 5 này, số có những sự kiện trọng đại đối với Sông Hương (Festival Huế 2002, Bầu cử Quốc hội khoá XI). Toà soạn đã mở một chuyến đi “tuyên truyền” và kèm nhiều việc khác như họp cộng tác viên ở Hà Nội, dự Hội thảo các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung tại Hà Tĩnh, giao lưu với Chi hội văn nghệ Yên Thành, Nghệ An...

Mặc dầu ra đi vào ngày 1 tháng 4, ngày “nói dối” nhưng Sông Hương lại xin “nói thật” với bạn đọc về “những điều trông thấy...” qua chuyến đi trên trong chuyên mục này.

Hướng tới kỷ niệm 20 năm tạp chí Sông Hương (2003), sáng ngày 3.4.2002, Tạp chí Sông Hương (SH) đã tổ chức cuộc gặp mặt thân mật với gần 40 cộng tác viên tại Hà Nội. Khác với các lần trước, lần này SH không in giấy mời mà mời trực tiếp hoặc mời qua điện thoại, vậy mà hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, nhà dịch thuật đều đến dự đông đủ. Văn phòng Hội Nhà văn VN "tặng" riêng một phòng họp khang trang có 3 người phục vụ tận tình chu đáo. Riêng điều này cũng chứng tỏ sự nhiệt tình ưu ái của Hà Nội đối với tờ tạp chí của xứ Huế ta. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng, Tổng biên tập đầu tiên của SH tuy bận chủ trì một cuộc hợp cũng gửi lời chào mừng và biểu dương những thành tựu mà SH đã đạt được trong năm qua, xứng đáng là một tờ tạp chí có tầm cỡ trong các tạp chí văn nghệ hiện nay.
Đoàn SH từ Huế ra, ngoài nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch (Tổng biên tập) còn có 2 Tổng biên tập cũ là nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Nguyễn Quang Hà và tiến sĩ ngữ văn Hồ Thế Hà, ủy viên HĐBT, cùng với các chị Bích Đào, Cẩm Tế, Thanh Lương trong ban trị sự. Sau lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo – đại diện TCSH tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch trân trọng cảm ơn sự cộng tác tích cực và hiệu quả của các anh chị tại Hà Nội đối với tạp chí. Ông nói: "Sông Hương chỉ là một tờ tạp chí văn nghệ địa phương, nhưng rất vinh dự được sự cộng tác của nhiều tên tuổi nổi tiếng trong cả nước. Nhờ thế mà chất lượng được nâng lên rất nhiều. Năm qua, SH đã cố gắng cải tiến cả hình thức lẫn nội dung, mở thêm nhiều chuyên mục mới. Nhiều sáng tác tốt được đăng tải, nhiều bài nghiên cứu lý luận, phê bình, trao đổi và tranh luận có chất trí tuệ đã xuất hiện ở đây. Nhiều bài từ Hà Nội gửi vào chất lượng rất cao. Có bài chưa dùng kịp rất mong được thông cảm. Vì văn nghệ và đời sống xã hội, SH sẵn sàng chấp nhận những vấn đề "gai góc", những tìm tòi thể nghiệm mới. SH vẫn chảy, không êm đềm nhưng vẫn xanh và trong...".
Dưới sự chủ trì của nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhiều cộng tác viên đã đóng góp những ý kiến chân tình, cởi mở và sâu sắc đối với tờ tạp chí của chúng ta. Dưới đây, chúng tôi xin lược ghi lại những ý kiến chân tình ấy.
- Nhà thơ Hữu Thỉnh (Tổng thư ký Hội Nhà văn VN, TBT báo Văn nghệ): Trước hết tôi xin chúc mừng SH sắp tròn 20 tuổi. 20 tuổi, SH trẻ trung, vạm vỡ và trí tuệ lắm. Theo tôi, SH là một tờ báo hay. Làm một tờ báo hay, nhất là tờ báo về văn học nghệ thuật là rất khó. SH năng nổ đi tìm cái mới cho văn học chúng ta. SH kết hợp được tiềm năng văn hóa Huế với cả nước. Tuy đọc SH không được kỹ, nhưng tôi thấy ở đây một nỗ lực rất lớn. Hiện nay, Hội Nhà văn chủ trương đẩy mạnh lý luận phê bình bởi vì hội viên phàn nàn LLPB yếu, không theo kịp đời sống văn học. Rất mong SH hưởng ứng đẩy mạnh LLPB bên cạnh trung tâm là sáng tác, làm cho đời sống văn học sôi động hơn, có những tác phẩm hay ghi lại những năm tháng không phai mờ của đất nước, thời đại. Báo Văn nghệ đã và sẽ mở nhiều cuộc tọa đàm về các tác phẩm văn học, in lại bài hay trên báo bạn. Vừa rồi chúng tôi có in lại truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" của nhà văn Trần Thùy Mai ở Huế, nhưng rất tiếc là chữ xếp nhầm cột, nhờ SH chuyển lời xin lỗi của tôi đến tác giả (cười).
- Nhà LLPB Phạm Xuân Nguyên (tuổi mới quá 40 nhưng tóc đã hoa râm. Có người nói: trẻ không đều): Về tạp chí văn nghệ địa phương tôi thích nhất là SH và Cửa Việt (trước đây). Là 2 tạp chí có tính văn học, văn hóa cao, và tính vấn đề mạnh. Tôi thường gửi tới đây những bài mà mình tâm đắc. Cũng có bài tâm đắc tôi gửi báo khác, nhưng bị từ chối, tôi lại gửi SH. Bài "Nhớ ông Quán" tôi viết về nhà văn Phùng Quán người con của Huế là một trường hợp như thế, và SH đã đăng. Tôi rất cảm ơn con mắt xanh của SH. Theo tôi, SH vẫn giữ được truyền thống nghệ thuật và học thuật. Nên mở diễn đàn tranh luận về học thuật và phải theo đến cùng, đừng bỏ cuộc. Không có văn học địa phương khu biệt, mà chỉ có sắc thái địa phương trong văn học Việt mà thôi. Dù là một tờ báo địa phương, nhưng nên đặt chất lượng cao. Tôi đã cộng tác với SH 15 năm liên tục, tôi hứa sẽ cố gắng hơn nữa...
- Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến: Gặp SH tôi lại nhớ khi tôi viết bài giới thiệu tiểu thuyết "Cơ hội của Chúa" của tác giả mới Nguyễn Việt Hà. Đây là một bài mà khi viết tôi vô cùng hào hứng, thích thú, về cái nhìn và giọng điệu của một nhà văn trẻ. Tôi gửi vài tờ báo ở Hà Nội, không báo nào chịu in. Cuối cùng SH đã in. Tôi xúc động lắm, và thấy hào hứng làm việc hơn. Có những bài báo nuôi người ta làm việc được dăm năm. Đấy là một sự "nâng đỡ" tinh thần vô giá. Tôi nghĩ SH đã làm được điều đó, không chỉ với riêng tôi. Tôi xin cám ơn các bạn.
- Nhà nghiên cứu lý luận Đỗ Lai Thúy: Cái mạnh nhất của SH là phát huy được tiềm năng trí thức Huế, thu hút được nhiều bài "khó đăng", những bài có tính học thuật, tính vấn đề. Đối với những vấn đề "gai góc" người viết cũng như người làm tờ báo phải có sự can đảm, bản lĩnh, phải có tầm nhìn xa và rộng. Tôi nghĩ, chúng ta có thể dẫm một chân hoặc sắp dẫm chân lên "vạch an toàn" thì báo mới hay lên được. Thỉnh thoảng SH cũng đã như thế!
- Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi cộng tác với SH từ lâu, và các TBT của SH tôi đều thân cả nên hầu như không có truyện nào tôi gửi mà không đăng. Tôi không nghĩ SH đăng bài tôi là do cảm tình riêng, bởi vì khi chọn bài gửi cho SH tôi đều cân nhắc vì đây là một tạp chí tôi rất yêu quý. Có thể nói, SH là tạp chí đứng đầu bảng trong các tạp chí văn nghệ. Trước đây người ta hay quan niệm thứ bậc, trung ương, địa phương... nhưng từ ngày "đổi mới" vấn đề chất lượng của tờ báo được đặt lên hàng đầu. Thú thực, tôi rất muốn gửi bài cho SH, nhưng đôi lúc lại ngại lấn sân vào đấy quá đáng, mất đất của anh em trong đó. Vừa gửi vừa ngại...
- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đỡ lời: Tờ báo tạo được uy tín rất cần những tên tuổi lớn cộng tác. Anh Kháng là một tên tuổi rất được bạn đọc SH hâm mộ, kính nể. Nếu ai ở ngoài Huế cũng ái ngại một cách ưu ái như anh Kháng thì SH chỉ còn là một tờ báo "cây nhà lá vườn" thì chắc cũng chẳng vui gì. SH đang mong bài của anh đấy. (Nhà văn Ma Văn Kháng cười và hứa sẽ gửi sớm một truyện ngắn mới).
- Nhà thơ Vi Thùy Linh: Năm nay tôi 22 tuổi nhưng tôi cũng đã cộng tác với SH năm năm nay, và rất tự hào được SH tặng giải thưởng thơ. Đây là lần đầu tiên được dự họp với SH, tôi rất vui và cảm động. Bởi bản chất SH luôn cổ vũ cái mới mà vẫn mang bản sắc Huế đậm nét. Từ khi anh Nguyễn Khắc Thạch làm TBT thì càng đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Cái mới lạ và tác giả mới được giới thiệu rất trân trọng. Trong lúc có sự trì trệ, sự đánh tráo giá trị văn nghệ, SH luôn tỏ rõ bản lĩnh chân chính và bản sắc Huế. Đấy là điều khiến tôi và nhiều bạn đọc, bạn viết yêu quý SH hơn nhiều tờ báo khác (vỗ tay).
- Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh: Gần đây tôi lục tìm được một tài liệu rất quý của ông cụ tôi (nhà bác học Đặng Văn Ngữ), đấy là những trang tự thuật kiểm kiểm trong thời công tác tại chiến khu Việt Bắc. Tôi nghĩ ngay tới TCSH và đã gửi những trang này cho SH. Tôi thấy trong 60 tờ văn nghệ địa phương, SH hay hơn cả. Các tỉnh khác có giận tôi thì tôi vẫn nói thế. SH đi song hành với văn học nước nhà, có sức tập hợp lớn. Mong luôn giữ được điều đó. Vài năm nay, SH tăng cường các trang diễn đàn nghệ thuật, tôi rất hoan nghênh. Bởi tờ tạp chí này không chỉ dành riêng cho văn học. Riêng điện ảnh, tôi xin hứa sẽ đóng góp với SH tích cực hơn nữa. Tôi là một người con của Huế, tôi muốn chia xẻ và ủng hộ SH thật nhiều.
- Dịch giả Lê Bá Thự: Tôi làm công tác ngoại giao mới về nước vài năm, đọc SH có những cảm tình đặc biệt, bởi tìm được ở SH cái mới, cái khám phá. Ban biên tập có trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm. Tôi giới thiệu và dịch văn học tiếng Ba Lan, và đã gửi bài cho SH. Bài tôi gửi cũng loại khó đăng, nhưng đã được đăng, khiến tôi càng được khích lệ. Nhưng tôi nghĩ, SH nên mở thêm mục "chuyện vui" tất nhiên là phải hóm, sâu, có trí tuệ, không bông phèng mà thư giãn nhẹ nhàng. Về phần mình, tôi có thể cộng tác dài dài được.
- Dịch giả Đoàn Tử Huyến: tôi cộng tác với SH đã lâu. Gần đây do công việc bận nên bị sao nhãng. Tôi nghĩ, giới thiệu những cái hay của văn học nước ngoài phải chọn được những vấn đề mới lạ, gợi mở đối với văn học và xã hội VN. Trước đây tôi dịch một số tác giả lớn của Liên Xô được phục hồi như Bungacốp, rất được chú ý. Có người nói vui là: "Ông Huyến đảng viên nhưng lại dịch Bungacốp". Đây là một vấn đề cần suy nghĩ. Nghe nói nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có in bài thơ "Nhớ Bungacốp" trên SH cũng gây ra tranh luận...
- Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Vâng, đấy là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Bài thơ ấy in ở SH số 35 (1989), có ông bạn bộ đội về buôn gỗ, thích và mua 200 cuốn SH để. .. tặng chiến hữu. Còn thủ trưởng của tôi thì gọi tôi lên để dạy dỗ lập trường quan điểm sáng tác, và năm 1990 tôi ra khỏi quân đội theo kiểu "hưu non'. Nhà thơ Vân Long phê phán bài thơ tôi trên Văn nghệ. Tất nhiên là tôi có thư trao đổi lại. Cuối cùng Vân Long dàn hòa với tôi và trở thành thân quý nhau. (Nhiều người đề nghị đọc lại bài thơ. Nguyễn Thụy Kha đọc thơ. Vỗ tay dài. Có nhận xét: Bây giờ vẫn còn nóng hổi tính thời sự).
- Nhà nghiên cứu văn học Trương Đăng Dung: Chúc mừng SH điềm đạm, trong xanh và luôn đi tới đích. Làm một tờ báo như SH luôn có 3 tầm đón đợi: cấp trên – số đông công chúng – chính mình. Làm sao dung hợp được 3 tầm đón đợi đó? SH đã làm và phải cố gắng giữ được. Tôi có giảng dạy ở một số trường Đại học, thấy sinh viên rất khao khát cái mới trong nước và thế giới, nhưng lại không được đọc. Ở ta sách báo nhiều, nhưng cái đích thực đến với nhân dân là cái gì? Vì thế mà tôi đã dịch và giới thiệu những luồng "văn học khó" được thế giới đang chú ý. Muốn hiểu thế giới và đi cùng thế giới, chúng ta không thể bỏ qua những cái khó. Tôi sẽ cộng tác với SH về vấn đề này. Và tôi cũng thích thơ tôi được in trên SH (cười).
- Nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang: Năm nào tôi cũng nhận được nhuận bút của SH gửi ra. 60 nghìn đồng 1 bài thơ. Cô bưu điện hỏi: Thơ bây giờ rẻ thế hở anh? Tôi nói: Nhưng đây là thơ được in trên TCSH. Thơ được in trên SH tôi thấy như nó hay hơn khi được in trên báo khác, dù nhuận bút ở báo khác có cao hơn. Tuy nhiên, SH muốn an toàn thì không nên hay quá (cười). Có tiếng ai đế theo: Hay mà an toàn mới giỏi).
- Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tôi được gọi là người viết trẻ, nhưng cũng đã "băm" rồi, sắp 2 con rồi. Nhưng tôi vẫn thích được gọi là "người viết trẻ”. SH đã dang rộng vòng tay đón những người viết trẻ. Tôi rất thích. Mỗi dịp báo ra, tôi thương ghé quầy báo tìm SH để xem trong đó có những ai. Không phải báo nào cũng quyến rũ tôi như SH.
- Nhà thơ Bằng Việt (Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội): Tôi được sinh ra ở Huế. Tôi thích SH ngay từ số đầu tiên, và luôn lưu trữ nó đóng thành bộ, thỉnh thoảng mở ra xem. Đây là một tạp chí luôn cựa quậy, không lặng trôi và luôn có chủ kiến, có tầm văn hóa cao. Tôi rất muốn có những cuộc giao lưu văn nghệ giữa các thành phố lớn như Hà Nội – Huế – TP. Hồ Chí Minh để học tập lẫn nhau. Về phần mình còn cộng tác với SH quá ít. Xin sẽ cố gắng cộng tác tâm đắc hơn.
- Nhà văn Trần Nguyên Vấn (Trần Phương Trà): Thời SH mới ra, tôi làm đại diện tại Hà Nội được 6 năm. Hồi đó in ảnh khó khăn, tôi phải chạy từng bản kẽm ở Hà Nội để gửi vào Huế in. Bây giờ báo in đẹp lắm, trang nhã mà sang trọng lắm. Rất mừng. Lại nhớ ngày xưa với chiếc xe đạp lọc cọc, chúng tôi chở SH đến từng nhà. Có lần đến nhà giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đúng lúc giao thừa. Vợ chồng giáo sư mừng quá khi nhận số Tết SH và thết rượu chúng tôi. Bây giờ SH mở rộng hơn nhiều. Ban biên tập tiếp nối rất tốt. Cám ơn SH với những bước đi vững chắc...
Các nhà văn Cao Tiến Lê, Đào Thắng, Vương Tùng Cương, Ngô Tự Lập, các nhà nghiên cứu phê bình Đào Thái Tôn, Đào Duy Hiệp, Lý Hoài Thu... còn muốn tâm sự dài dài, nhưng nhìn đồng hồ sắp đến giờ ngọ mà SH "quên" đặt tiệc, nên nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đành phải thông cảm để Tổng biên tập SH nói lời cảm ơn. Ông nói: "Dù thời gian không nhiều, chỉ một buổi mà các anh chị đã cho SH rất nhiều ý kiến quí báu. Tôi rất xúc động khi các CTV Hà Nội rất ưu ái với SH. Làm báo bây giờ, báo nào cũng cần cạnh tranh. Rất cần bài hay và cũng rất cần những tên tuổi lớn. Sông Hương cũng không ở ngoài mong muốn đó. Nhưng chúng tôi đang nghèo, nhuận bút chẳng là bao. Mỗi lần gửi nhuận bút ít ỏi đi, chúng tôi rất áy náy. Hy vọng rồi SH sẽ "giàu" lên cả vật chất lẫn nội dung. Và SH luôn luôn chờ đợi và cảm ơn những tấm lòng ưu ái của bạn đọc, bạn viết cả nước.
Cuộc gặp mặt kết thúc rồi, nhiều người còn nán lại với SH bên cốc bia và mời BBT SH đi bia hơi Hà Nội.
N.T.T
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng