Bút ký - Tản văn
Lần đầu về căn cứ
15:36 | 07/02/2013

NGUYỄN KIM CƯƠNG  

Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

Lần đầu về căn cứ
Ảnh: internet

Nhưng sau vài tuần, nhiều nơi tiếng súng đã tạm lắng, địch có điều kiện tập trung phản kích những nơi còn lại. Sư đoàn Kỵ binh Không vận (thường gọi là Sư đoàn Kỵ binh bay) và nhiều đơn vị tinh nhuệ cơ động của Mỹ và quân đội Sài Gòn được điều động ra chiến trường Thừa Thiên - Huế để đối phó với tình hình chiến sự tại đây.

Sau một thời gian trụ lại thành phố Huế và vùng ven, chúng tôi được lệnh rút dần lực lượng về vùng giải phóng.

Rời thành phố

Vậy là chúng tôi phải giã từ thành phố, giã từ giảng đường, thầy cô và bạn bè, giã từ những gia đình thân thiết đã đùm bọc, che chở giúp đỡ chúng tôi qua bao nhiêu năm tháng.

Đơn vị chúng tôi gồm đội công tác trực thuộc Thành ủy, đội biệt động thành và hơn 30 thanh niên, sinh viên học sinh thành phố Huế, rút dần ra hướng Bắc. Tôi được phân công phụ trách anh em thanh niên này. Lần đầu tiên đi đường vất vả và phải thường xuyên đối phó với những đợt phản kích của địch, nhưng anh em vẫn tin tưởng, lạc quan và yêu đời. Sau một thời gian hành quân từ Hương Trà đến Quảng Điền rồi lần ra Phong Điền, chúng tôi đã đến giáp giới huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị, ở đây sẽ có giao liên dẫn đường về cơ quan.

Cơm nước xong, khoảng 6 giờ chiều chúng tôi lên đường. Ai cũng phấn khởi vì sau bao ngày căng thẳng, được về căn cứ an toàn, nghỉ ngơi và học tập thì sung sướng quá. Chúng tôi vượt qua một nỗng cát khá dài. Những cây phi lao ở đây đã bị chặt trụi, chỉ còn trơ những gốc. Nếu không may đạp phải thì đau nhói thấu xương. Gần 11 giờ đêm, chúng tôi được lệnh dừng chân nghỉ tại chỗ. Đây là “điểm đợi”. Giao liên ở dưới lên và từ trên xuống đều đợi gặp nhau ở đây để giao “khách”. Chờ mãi không thấy, cả đoàn phải quay trở lại.

Về đến địa điểm tập kết thì đã gần sáng - chúng tôi mỗi người nhận một vắt cơm, cho đầy nước vào bi- đông rồi phân tán, chui vào giấu mình trong các đám cây mọc lúp xúp, có dây leo bò chằng chịt ở một vùng cát. Ngồi suốt ngày mệt mỏi, cũng có lúc ngủ thiếp đi, song trời nắng nóng quá, mồ hôi ra nhễ nhại. Hơn nữa đã mấy ngày qua không có điều kiện tắm giặt nên người cứ ngứa xót và bốc ra mùi hôi nồng khó chịu. Vất vả, nhưng kiên trì chịu đựng rồi khó khăn cũng qua đi. Đến chiều tối, chúng tôi lại cơm nước và lên đường.

Một đêm, hai đêm, ba đêm... cứ đi rồi lại trở lui, lại chui vào giữa đám dây leo. Đến ngày thứ tư thì Mỹ đổ quân xuống vùng nầy, đốt nhà, cướp của, bắn chết và làm bị thương một số dân thường. Tình hình căng thẳng quá, ở lại không được, mà cũng chẳng có đường lui, phải mở đường mà đi, không có cách nào khác.

Địch chốt trên đồi, chúng tôi đi dưới chân đồi, cả đoàn lặng lẽ dò bước trong đêm. Đám thanh niên, học sinh - sinh viên chúng tôi được ưu tiên đi trước, song rồi anh em cứ tụt dần về sau. Tôi và một số anh em hỏng giày dép phải đi chân đất, rát cả chân, mỗi lần đạp phải một viên sỏi đau buốt cả người. Tôi cũng lùi dần về sau so với đoàn và rồi trở thành người đi cuối cùng, cùng với các đồng chí lãnh đạo đoàn động viên anh em học sinh sinh viên vừa mệt vừa đau chân.

Một trận tập kích

Chúng tôi vượt qua sông Ô Lâu thì trời đã sáng. Rừng cây ở đây chỉ cao quá đầu người. Đi khoảng 15 phút nữa thì sẽ đến rừng già, an toàn. Bỗng có tiếng máy bay. Cả đoàn dừng lại, núp mình bên các lùm cây nhỏ, yên lặng. Chiếc L19 lượn quanh mấy vòng, rồi một làn khói trắng phụt ra, tiếp theo là một loạt tiếng nổ dữ dội.

Chúng tôi đã bị tập kích pháo.

Nhiều trận địa pháo với hàng chục khẩu đại bác tập trung bắn vào đội hình chúng tôi. Tôi lăn người nằm xuống một cái khe nhỏ, hai bạn học sinh nằm cạnh tôi. Pháo nổ dữ quá, không ngóc đầu lên được. Tôi nghe tiếng kêu la của một thanh niên bị thương cách tôi không xa và lời động viên của bác Thiện (tức đ/c Phan Cảnh Kế) trưởng đoàn. Rồi một tiếng nổ chát chúa, tưởng như ngay trên đầu tôi, không ai còn nghe tiếng kêu la của bạn thanh niên và cũng không nghe tiếng bác Thiện nữa...

Đến gần 10 giờ tiếng pháo mới dứt. Nhưng mấy chiếc trực thăng H.U.1A đã ở ngay trên đầu, rà xuống gần mặt đất, lính Mỹ mặt đỏ au, tay lăm lăm khẩu đại liên. Có lẽ tưởng chúng tôi đã chết cả nên chúng lượn mấy vòng rồi bỏ đi. Tôi đứng dậy, chung quanh là một khu đất vừa bị đạn pháo cày xới, không còn một bụi cây nào, chỉ còn xác người chết và những người bị thương, mọi thứ ngổn ngang.

Sau một thoáng sững sờ, tôi chỉ đường cho hai học sinh chạy vào rừng già. Tôi chạy lại bác Thiện, đồng chí Bí thư chi bộ kiêm trưởng đoàn đã hy sinh; đến Thuận - một đoàn viên hoạt động trong tổ chức sinh viên Phật tử - cũng hy sinh, ba lô còn mang trên vai. Còn kia là Duy, một học sinh còn trẻ lắm. Không biết trúng mảnh đạn như thế nào mà ruột gan nó đều bung ra ngoài bụng phơi giữa nắng, nhưng vẫn còn tỉnh. Tôi cúi xuống nắm tay Duy, nó thì thào:

- Cứu em với, chắc em chết anh ơi!

Thương nó quá, nhưng tôi bất lực, thấy nó đang chết mà bó tay đành chịu.

- Em cố chịu một chút, y tá sẽ lại băng bó cho em.

Nói vậy mà tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó. Mấy phút sau tôi quay lại, Duy đã tắt thở rồi. Tôi vuốt mắt và vuốt nhẹ mái tóc nó.

Tôi đến chỗ anh Đức - Phó Bí thư chi bộ kiêm phó đoàn, anh Đức bị thương ở chân, máu ra nhiều nhưng anh vẫn còn tỉnh táo. Tôi xé áo băng bó vết thương cho anh, rồi tiếp tục hỏi thăm, băng bó cho một số anh em khác. Tốp các anh chị đi trước đã chạy thoát khá xa. Anh Đức bảo tôi lên gọi anh chị em xuống khiêng thương. Tôi chạy lên khoảng hơn một tiếng đồng hồ mới gặp được các anh chị.

Cùng lúc ấy một tổ trinh sát gồm 3 đồng chí bộ đội thuộc K6 cũng vừa đến. Họ tưởng có địch đi càn. Chúng tôi thông báo tình hình và đề nghị đơn vị cử quân y giúp chăm sóc thương binh và một số chiến sĩ khiêng thương. Tôi mượn một tấm dù hoa quàng lên người rồi chạy trở lại trận địa, anh em đang mong.

Đêm đầu tiên ngủ ở rừng

Trực thăng đi rồi, bây giờ máy bay trinh sát OV.10 lại đến lượn mãi trên bầu trời. Khi máy bay vòng lại, tôi ngồi im; khi nó quay đi tôi lại đến chăm sóc, hỏi thăm anh em thương binh, cứ quần nhau như thế cả buổi trưa. Nhưng rồi tôi cũng bất lực, một mình tôi không làm được gì cả, mặt anh Đức đã tái đi nhiều. Tôi đến báo cáo anh rồi chạy lên tìm anh chị em một lần nữa. Cố chạy thật nhanh nhưng tôi không còn làm chủ được đôi chân của mình. Càng cố chạy nhanh càng thấy chậm.

Lên gần đến nơi thì gặp anh chị em đi xuống, cả các đồng chí quân y và bộ đội giúp khiêng thương. Chúng tôi xuống đến nơi thì anh Đức đã hy sinh. Mới lúc nãy đây anh còn hướng dẫn tôi băng bó vết thương cho anh, thế mà bây giờ... Cái cơ thể nóng hổi trên tay tôi vừa mới đây, giờ đã lạnh ngắt. Tôi đứng lặng, không cầm được nước mắt.

Kiểm tra quân số thấy còn thiếu Dũng - con trai bác Thiện. Chúng tôi bàn với nhau là trừ các đồng chí khiêng thương, còn lại tất cả đến trú nhờ ở một đơn vị bộ đội thuộc K6, tôi ở lại tìm Dũng. Các đồng chí đã khiêng thương đi hết, trận địa trở nên vắng lạnh; tôi đi mấy vòng mới tìm thấy xác Dũng. Thế là chỉ trong chốc lát, cả hai bố con bác Thiện không còn nữa. Tôi thu gom vũ khí rồi tìm một chỗ để nghỉ, trời đã nhá nhem tối.

Một loạt pháo ập đến, mảnh bay tới tấp. Ở đây không ổn, tôi chạy lên đồi khoảng vài chục phút, có một cái hố nhỏ bên đường, ngồi ở đây an toàn hơn. Mệt quá, tôi ngả lưng vào vách đất, ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Một loạt pháo nổ làm tôi tỉnh dậy, đã hơn 12 giờ khuya, trăng sáng mờ mờ trên mây, rừng khuya trong cảnh chết chóc thật rùng rợn. Tôi đứng dậy, cầm khẩu các-bin M2 đi xuống trận địa. Các đồng chí vẫn nằm đó, mọi thứ vẫn nguyên như chiều qua. Tôi đứng nhìn các đồng chí một lát rồi trở lại cái hố nhỏ bên đường. Trời mưa lâm râm ướt cả người mà tôi lại khát cháy cổ, không biết tìm đâu ra nước uống. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách rung các cành cây cho ướt chiếc mũ tai bèo, rồi ngồi há mồm chờ từng giọt nước trên mũ nhỏ xuống.

Tiếp tục cuộc hành trình

Đêm đó pháo địch cứ bắn cầm canh. Lúc tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng. Tôi xuống hiện trường nhìn đồng đội rồi lững thững đi lên; vừa đói, vừa khát, vừa mệt. Đi hơn một giờ đến một con suối nhỏ, tôi đặt gùi và súng bên một tảng đá, xuống uống liền mấy ngụm nước mới rửa mặt rửa tay. Ngồi nghỉ một tí, tôi lại xuống uống tiếp. Thấy người đã hơi khoẻ, tôi mang gùi mang súng lên vai, tiếp tục lên đường. Đi nhưng chưa biết đơn vị ở đâu. Tôi thấy mệt rã rời, đầu óc trống rỗng. May thay, đi thêm một quãng đường, tôi gặp lại hai em học sinh trong đoàn xách nước, xách cơm đi tìm tôi. Gặp nhau, các em vui mừng ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt các em, mừng quá mà nước mắt cứ trào ra.

Về đến đơn vị mọi người đều mừng. Đêm qua pháo bắn nhiều, ai cũng nghĩ là tôi đã hy sinh. Tổn thất lần nầy lớn quá, thương vong gần một nửa quân số, trong đó có cả trưởng phó đoàn và những đảng viên chính thức. Ăn cơm trưa xong, những đảng viên dự bị chúng tôi họp nhau lại, bàn biện pháp động viên anh em trong đoàn và tìm cách liên lạc với tổ chức để đưa anh chị em về đơn vị.

Với sự giúp đỡ của đơn vị bộ đội thuộc K6, chiều hôm đó chúng tôi tổ chức mai táng những đồng chí đã hy sinh. Mới ra đi đã phải chia tay nhau như thế nầy... Lòng chúng tôi đau thắt. Vĩnh biệt mười đồng chí thân yêu, chúng tôi lặng lẽ tiếp tục lên đường.

N.K.C  
(SH288/02-13)









 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Xuân sớm (06/02/2013)
Không có cha... (24/01/2013)
Mùa đi mót (21/06/2012)