Bút ký - Tản văn
Nghe đêm
09:39 | 14/07/2017

NGUYÊN HƯƠNG
            Tạp bút

Bóng đêm như một ẩn dụ về tri kỷ. Chỉ cần im lặng thấu hiểu mà không đòi hỏi được nghe lời thề thốt thanh minh.

Nghe đêm
Minh họa: Nhím

Chấp nhận được nhớ đến trong khoảnh khắc muộn nhất của ngày khi ta đã trần mình chán chê cùng ánh sáng. Đêm là thời khắc duy nhất mà ta có thể uống say, khóc lịm, buông xuống mọi xấu hổ và bí mật. Giữa ta và đêm, là sự nhuần nhị và trinh bạch về nhau.

Trong sương, thành phố như một người đàn bà nạ dòng sau cơn đau nặng. Xanh xao, yếu ớt nhưng đôi mắt ẩn chứa bao điều trắc ẩn. Huế không phải là một thành phố sống về đêm nhưng hồn cốt xứ Huế lại thuộc về đêm, vì có những câu chuyện ta không thể nhìn thấy khi Huế giữa ban ngày mà chỉ thực sự thấy khi Huế đã tàn ngày. Đứng ở một góc đường nhìn lên cái chuồng chim bằng gỗ, cảm giác mọi mệt mỏi âu lo đã thực sự được gác lại để sắm một giấc ngủ vùi. Tay nhỏ loay hoay điếu thuốc hút dở, ta dạt về những nơi chốn là dấu xưa của Huế rồi bị khóa lại bằng ý nghĩ về một mảng màu tối sẫm và sâu hun hút. Sương buông đẫm trên quả phượng rụng ven đường. Bóng tối xuống chậm nhưng không trễ. Đêm sẽ đến đúng giờ.

Kể từ giây phút ấy, hiểu hơn lời thỉnh cầu thật thà bé mọn của Nguyên Sa “Và đêm ơi, xin cứ dài vô tận”.

Sự vô tận ấy, ta biết chỉ là một nỗi hoang đường không có thực bởi tiếng chim rúc mưa chờ sáng dội vào tai những thanh âm dồn nén chờ đợi hằng hà. Nhưng một khi thuộc về đêm, bỗng dưng ta không biết mình đang đi đâu, trên con đường nào, năm nay là năm mấy mà chỉ có duy nhất bóng tối khi ấy là thật nhất. Ta sẽ đứng co cụm ở cột đèn đường để chờ một hơi thở hiện ra. Mãi rồi cũng xuất hiện. Bóng người như một chấm nhỏ giữa lòng đường, mái tóc đen nhánh sây dài phát ra vệt ánh sáng màu lam sẫm, như dấu chỉ về một cánh vạc đã vẫy tay xa. Cùng lúc, những con đom đóm đốt đèn nhảy múa, ca tụng và nảy nở sinh sôi. Chúng dường như đã vùi mình trong những bình minh tối ẩm chỉ để đợi thời khắc này để được sống thực là mình. Trong đêm, con người và tạo vật như được sống trong một bầu khí quyển trinh tĩnh và bản năng nhất, không giấu diếm càng không có nhu cầu thanh minh. Đêm phơi phóng những phũ phàng và tàn khốc của mất mát, cạn kiệt, chia ly... và biến những điều ấy thành thời gian và hồi ức cần được chạm tới. Đó là dấu vết của điểm tận cùng.

Vào giờ khắc của đêm, khi những diễn văn tung hô đã hết phiên lưu trú, ta bám trụ vào hơi thở yếu ớt để nghe sự động đậy cựa mình của những phận mỏng không tên. Lao công ấy là một người nữ, nhân dáng mảnh nhỏ, tóc dài vấn sau mảnh khăn bông trắng. Người không bịt khẩu trang bảo vệ, khuôn mặt không khắc khổ mà đầy đặn, lặng lẽ một vẻ trầm tư bí mật. Vì bí mật nên gợi cảm. Cánh tay đưa chổi khoan thai, không vội vàng, không chậm rãi, thể như không gian này chỉ có người và những chiếc lá còn sót lại của ngày. Miệng nhỏ nhẹ hát những âm thanh đứt quãng, yếu ớt mà sao cảm giác đủ sức phát ra năng lượng cho cả con phố u buồn. Đứng chôn chân ở góc đường để nhìn người quét xong đám lá, ta không dám lại gần bắt chuyện vì sợ làm mất đi sự tự nhiên và cô đơn quý giá ấy của người lao công đẹp. Thọc tay túi quần bước đi, lòng nghĩ hoài về người phụ nữ làm công việc đêm khuya vất vả, khi cả thành phố đã ngủ yên mà người vẫn không hề gợn lên một sự mệt mỏi hay bi quan nào, mà trái lại cứ điềm tĩnh dịu dàng như nhất?

Bởi chính đêm cũng không hiểu hết sự nữ tính của mình.

Đêm là thời khắc thuộc về mặt trăng, mang màu âm tính, là cái đẹp trễ nải, là đàn bà. Lần theo đường đi của sông An Cựu, ý nghĩ và ánh mắt gọi tên những làn khói Cẩm Lệ được nhả mê sảng vào không trung. Mái đầu ấy không còn xanh, ngón tay kẹp cuộn thuốc phì phèo nhỏ giọt. Phì phèo cho người cảm giác được phóng thoát mình, phóng thoát những ứ đọng của cảm xúc và lý trí. Khi người phì phèo, người thấy xung quanh thuộc về sự chiếm lĩnh của làn khói, với những đường vân run bần bật lẫn vào không trung. Khi ấy, người cảm nhận được hình hài của nỗi buồn và thậm chí, cả những tuyệt vọng sỗ sàng mà người vừa được nhận lấy. Khói thuốc giống như một thứ xung năng mê man và dào dạt, khỏa lấp muộn phiền và gọi tên vẻ đẹp của sự quên lãng bâng quơ. Bởi lẽ, quên khó hơn nhớ rất nhiều.

Ta lân la ngồi cạnh người, nhận ra vẻ đẹp cô độc như hương khói ở ngôi chùa nhỏ nằm sâu trong núi rừng miên viễn. Chỉ có thể nhìn thấy như một vệt màu đã chịu nhiều va đập của thời gian và hoàn toàn không có nhu cầu phát sáng. Người than phiền về sự buồn tẻ của đời mình, về những được mất nổi nênh sau nhiều chục năm sống làm một kiếp nữ nhân thường thấy. Bởi chẳng ai có thể dám chắc mình hiểu được gánh nặng của kẻ tự mang nên người mãi mãi ngồi một bóng ở bậc thềm thở dài để uống cạn đời mình và đời nhìn người rỗng không. Châm điếu thuốc, người nói về những thứ đã thực sự rời khỏi tay mình: tuổi xuân, hạnh phúc, sự dịu dàng. Đột nhiên người bảo, tôi thấy mình lạ lắm, lòng tôi tràn ngập nỗi cô độc nhưng sao tôi lại thấy trống rỗng thế này hả cô? Ta không biết nói với người ra sao, chỉ biết im lặng nhìn mái tóc lơ phơ vài ba sợi bạc ấy.

Những khi ấy, hồn kẻ lữ khách cứ tự dưng hoài niệm những điều không thuộc về mình. Muốn chạm tay vào từng mảng tường rêu cũ để cảm nhận đường đi của thời gian, hình dung tiếng trẻ nhỏ vui đùa, tiếng rao hàng ăn buổi sớm, tiếng xe máy kỳ cạch lách nhau để về nhà lúc cuối ngày... Ẩn sau những tiết tấu đời thường ấy, còn có cả tiếng hoa nở thơm tho và tiếng gió lay chuyển khi sang mùa nữa.

Chớm hạ, đêm tan vào những tàng lá xanh non. Rảo bước chầm chậm trên cầu Trường Tiền, thấy mọi phố xá nhà cao trở nên vô hình mà chỉ thấy ngăn ngắt một mặt sông phẳng lặng, mềm mại khi trời chìm sâu trong đêm tịch mịch. Ta đã nhiều lần đứng trên cầu và nhìn xuống dòng sông nhưng chưa khi nào thấy mặt sông hiền hòa thẳm sâu đến thế. Trong im lặng của mùa, Trường Tiền và Hương Giang như một chỉnh thể vĩnh hằng của tạo hóa, được bảo bọc bởi tấm áo mỏng tang như giấy dó của khí hạ đang dâng, say sưa dựa dẫm vào nhau và như là nguyên ủy của mọi cảm hứng văn học nghệ thuật đất này. Chỉnh thể ấy hoàn nguyên một đôi tri âm tri kỷ, chỉ duy, mãi mãi thuộc về xứ Huế mà thôi.

Có tiếng gõ mái thuyền đuổi cá khoan nhặt trên sông, như mách bảo một cuộc đời ngư phủ suốt đời lênh đênh sông nước. Mặt người khi mờ khi tỏ bên ánh đèn leo lét chỉ đường, đôi cánh tay vạm vỡ đen sạm đẩy bánh lái về phía trước, rẽ sóng xô dạt hai bên. Trăng cận rằm đổ bóng xuống mui thuyền làm sáng một màu gỗ cũ, dập dềnh cùng gợn sóng nhỏ trên mặt sông. Gần gụi. Nương tựa. Người sẽ mang xâu cá tươi về nhà ít giờ nữa, để lại được ngủ một giấc bình thường.

Đêm không chỉ là một khoảng thời gian của ngày mà là một khoảnh khắc đặc biệt, thậm chí, riêng biệt. Đêm mở ra sự khô hạn của lý trí, sự trồi sụt của cảm xúc, sự nghỉ ngơi của đồng áng, sự sưng tấy của những nỗi buồn tưởng như trôi tuột dưới thung sâu... Đã có lúc ta ngấm ngầm đi về hoài mãi một con đường vắng dấu chân người chỉ để hy vọng được nghe những câu hát đã từng vô tình được nghe. Ngõ tối và sâu hun hút nhưng giọng hát ấy trong vắt ngọc tuyền mà lặng nghe thấy như tiếng khóc về một thời thanh xuân tươi đẹp đã đi qua. Tiếng hát ấy làm thức dậy sự uể oải lâm ly của hàng rêu già trước cổng, phả ra và nâng niu một dung dáng được gọi là Cố Nhân.

“Trả lại em yêu
khung trời mùa hạ
ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
tóc em thơm nồng
dáng em hiền hòa”


Đó là khi ta nhận ra, khóc được, ấy là một ân huệ. Thực sự đã có những lúc ta không suy nghĩ tử tế một điều gì. Khi mà trong cuộc sống này, mọi niềm vui và nỗi buồn cũng chỉ là những khoảnh khắc ăn đong, ta cứ kệ nó trôi đến đâu thì đến. Ta đã ước chi mình là người vô cảm. Không đắn đo chữ nghĩa, không nâng niu chiều chuộng những góc xám ngắt của cõi lòng, không bị câu thúc bởi nỗi run rẩy và sự lên đường. Nhiều khi, ta chỉ muốn ngồi bệt ở đống rơm để nhìn lũ rận mạt bò lồm cồm tìm lối đi. Nhưng mỗi khi chìm trong đêm Huế xanh xao hao mòn, bấy nhiêu điều mình muốn khước từ kia lại lần lượt trỗi dậy. Cảm giác như bị bắt trúng tim đen, vì hàng cây góc phố hơi cafe thơm, vì ánh đèn dầu hiu hắt trên những mẹt hàng bên Vỹ Dạ, vì tiếng rao đêm ngang Ga Huế... lẫn trong tiếng xe cộ phân khối lớn kêu gầm trời đêm đêm. Với bản thể trầm mặc vốn có, hai thái cực tĩnh động ấy thể hiện gương mặt chuyển mình của phố mà tinh thần bản thể vẫn là tiếng va chạm lanh canh chén đũa và tiếng khánh đồng ngân nga rù quến đậm chất Á Đông cận thềm chùa.

Và dẫu cho thời gian có trôi đi, vài giờ, hoặc vài năm thì điều đọng lại trong những đêm sâu ấy chính là âm thanh rì rầm, nhỏ nhặt của một đô thị rêu phong. Với một lữ khách ngụ cư, còn gì cảm động hơn là được lắng tai nghe tiếng thành quách động đậy bạc mình những đêm khó ngủ. Những điều ấy không khiến ta thêm buồn, mà thương.

N.H
(SHSDB25/06-2017)




 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Mưa An Cựu (19/12/2016)
Ký ức Minh Hải (17/11/2016)