Bút ký - Tản văn
Ký ức về một đỉnh đèo biên giới
16:43 | 30/05/2008
Đấy là vào khoảng cuối chiến dịch Điện Biên Phủ – 1954. Đơn vị chúng tôi (đại đội 410 – đội 40 – TNXP Trung ương) được điều đi nhận nhiệm vụ mới.
Ký ức về một đỉnh đèo biên giới

Thế là để lại sau lưng những Chiềng Đông, Chiềng Mai..., Cò Nòi, Hát Lót... những rừng cây cháy trụi, những cung đường nhão nhoét hố bom, xác những đoàn xe Molotova chở hàng lên mặt trận không vượt nổi tọa độ lửa Cò Nòi, cùng tiếng chim "bắt cô trói cột" khắc khoải thâu đêm. "Trận địa mới" mà đơn vị được giao là khai thông con đường Châu Mộc (Sơn La) vượt đèo Pa-Háng nối với tỉnh Sầm Nưa của nước bạn Lào.
Rời đường 6, để thị trấn Mộc Châu lại sau lưng, chúng tôi tiến về phía Tây. Vạch lau rẽ lá mà đi. Nghe nói con đường nối liền hai nước Đông Dương này đã không còn sử dụng từ ngày Nhật thất trận, đầu hàng Đồng Minh năm 1945. Gần mười năm hoang phế. Rừng Tây Bắc, với sức sống mãnh liệt của đại ngàn nhiệt đới, như những đợt sóng xanh hung dữ đã tràn lên, trùm kín, khuất lấp gần như toàn bộ con đường. Mờ mờ trước mắt là vệt xanh ngoằn ngoèo, um tùm lau lách, hằn vào lưng núi, len lỏi dưới chân những vách đá dựng đứng, thâm u trong màu xanh đẫm ướt của rừng già. Khắp nơi âm vang tiếng hú của những đàn vượn chuyền cành khi động bóng người, hoặc cheo leo bên bờ vực hun hút đang phả lên mặt đường một làn sương mù lay động, ẩm ướt, lờ mờ như khói. Con đường cứ thế trườn mãi lên cao, lên cao nữa, rồi mất hút trong mây mù. Chỉ còn lại những lối mòn ẩn hiện của dân sơn tràng. Nương theo những dấu hiệu lờ mờ ấy, đơn vị chúng tôi phát lau mở lối, tiến về phía đỉnh đèo.
Đấy là một rặng núi cao khoảng trên 2000m, hai sườn dốc đổ về hai phía Đông-Tây, biên địa của hai nước. Ngay yên ngựa đỉnh đèo, một cột mốc mờ mờ hàng chữ: "Biên giới Việt – Lào. Sầm Nưa... km –

Sơn La.
.. km" không biết được dựng từ những năm nào? Biên giới là đây. Ở độ cao này, cảnh vật dường như bớt âm u hơn. Thấp thoáng sau những cánh rừng thưa là những trảng cỏ tranh, mượt như nhung, mút tầm con mắt, thấp dần xuống đến khi chìm vào một biển mây. Nổi trên biển mây trắng xốp như bông ấy, những ngọn núi xanh thẫm như những hòn đảo đang bồng bềnh trôi giữa một đại dương trắng lóa, mãi đến chân trời. Ấy là những ngày nắng đẹp. Còn lại, chúng tôi sống trong mây mù.
Đỉnh đèo không có suối, không có cầu như một bài hát ngày còn đi học. Muốn có nước nấu ăn, tắm rửa, sinh hoạt... tất cả đều phải tụt xuống một khe sâu dễ gần trăm thước. Nương cây vịn đá mà leo. Đáy vực, một mội nước phun ra từ lòng đất tạo thành một vũng nhỏ trong veo, đầy lá mục, để rồi từ đó, một dòng suối len lỏi róc rách giữa cây rừng, chẳng biết rồi sẽ rót vào con sông của nước nào? Bếp ăn đại đội đặt ở đây. Doanh trại tựa lưng vào cánh rừng thưa trong một hẻm núi. Ở đấy vừa kín gió vừa gần bếp ăn. Khẩn trương chặt cây, đánh tranh lợp mái, ken lá rừng làm phên lấy chỗ trú quân. Việc quen thuộc từ khi tham gia chiến dịch.
Không còn nhớ chúng tôi đã ở đấy trong bao lâu. Chỉ biết rằng thực phẩm ngày một cạn. Rất có thể chúng tôi đã rời xa hành lang tiếp vận của chiến trường chính. Bữa ăn thường chỉ có cá khô và muối. Những hôm được anh nuôi "sáng kiến" thêm thắt chút rau tàu bay hay mấy củ măng rừng kiếm được đã là những bữa "ăn tươi" làm nức lòng toàn đơn vị. Những ngày nghỉ, công việc quan trọng mà cũng hấp dẫn nhất là mò cua bắt ốc ven bờ con suối nhỏ, gần chỗ đóng quân. Ốc khá hiếm, còn cua núi bằng ngón chân cái, đỏ tươi, chạy nhanh như chớp trên những gộp đá ẩm ướt ven rừng, phải đuổi cho đến khi chúng chui vào một khe hẹp giữa hai tảng đá. Đơn sơ vậy, nhưng những bát canh măng rừng ốc suối, hay đĩa cua rang muối với ớt chỉ thiên cay chảy nước mắt, toát mồ hôi không chỉ là những bữa "cải thiện" hấp dẫn, mà với chúng tôi, còn là những món thuốc trị bách bệnh, từ suy dinh dưỡng đến ghẻ lở, sốt rét rừng.
Quân số ra mặt đường giảm sút thấy rõ. Cũng dễ hiểu. Chúng tôi vừa trải những ngày phục vụ chiến trường tại một trọng điểm giao thông được coi là ác liệt nhất trong hành lang vận chuyển quân lương, vũ khí lên mặt trận: "Ngã ba Cò Nòi". Đây là hợp lưu của hai dòng sinh lực, hai mạch máu chính từ hậu phương Việt Bắc và khu ba, khu Tư dồn vũ khí, quân lương lên chiến trường Điện Biên.
Rốc két, bom phá, bom xuyên, bom nổ chậm... từ những đàn máy bay phóng pháo dội xuống cầy nát hàng cây số đường. Công binh, dân công hỏa tuyến, TNXP lấy đêm làm ngày thay nhau tải thương, phá bom, lấp hố dưới ánh sáng chập chờn của pháo sáng, đảm bảo giữ đường cho hàng đoàn xe rùng rùng nối đuôi nhau chở hàng lên phía trước. Đêm đêm, công trường như một tổ kiến rì rầm, hối hả, giọng "hò lơ..." khu Bốn, điểm nhịp vào quãng ngắt những làn điệu dân ca véo von của các nàng thôn nữ, dân công đồng bằng. Chúng tôi thì: "TNXP lắng nghe lời Bác Hồ...". Gian khổ mà vui.
Còn bây giờ, ở đây, chỉ có chúng tôi và... chúng tôi, những chàng trai mười tám, đôi mươi trên một ngọn đèo vắng lạnh, giữa muôn trùng mây núi. Cảnh đẹp nhưng buồn.
Không biểu vì ăn uống kham khổ, thuốc men thiếu thốn hay chính vì nỗi buồn đôi mươi ấy mà số quân ốm ngày càng tăng. Tất cả chúng tôi đều ghẻ lở, không trừ một ai. Sáng ra mặt đường, chạm tay vào chiếc xà beng tám ký, nhức buốt đến tận xương. Hai bàn tay kềnh càng mụn nhọt, quai vài nhát búa đã bật máu tươi. Trò giải trí thú vị trong những ngày nghỉ là phơi nắng và... bắt rận. Bồi dưỡng chỉ có cua rừng, ốc suối, còn đau ốm đã có ký ninh vàng và Dagénan của y tá đại đội được dùng để trị bách bệnh!
Có một chuyện vui.
Không nhớ nhân dịp lễ tết nào, Tổng đội TNXP thưởng cho đơn vị một con trâu. Con trâu ấy gây một làn sóng hưng phấn, xôn xao toàn đại đội dễ đến cả tuần lễ. Tin tức đầu tiên lộ ra từ tiểu đội "anh nuôi" khi các đồng chí tiếp phẩm chuẩn bị xuống núi nhận trâu về. Mấy ngày hôm ấy, từ trên mặt đường công tác đến giờ nghỉ giải lao, kể cả khi vào lán ngủ, chúng tôi chỉ nói chuyện trâu. Nào là có bao nhiêu thứ trâu. Cách thức hạ một con trâu. Có bao nhiêu món có thể chế biến từ thịt trâu. Các thứ phụ tùng gia vị cần có. Những kỷ niệm riêng về từng con trâu cụ thể ở một làng quê cụ thể nào đó. Thôi thì đủ chuyện. Những anh tỏ ra thạo nghề nấu nướng đều tình nguyện xung phong vào kíp ngả trâu, xào nấu. Cái con trâu chưa từng thấy mặt ấy đi cả vào trong những giấc mơ.
Mấy ngày sau con trâu ấy về đến đơn vị. Nó là một con trâu già. Và gầy. Chắc đã hết tuổi cày bừa. Các đồng chí tiếp phẩm cho biết phải vừa đi vừa chờ, vì nó là trâu đồng bằng không quen trèo dốc. Vả chăng, mệt quá nó có thể sút đến vài cân thịt, hay lăn đùng ra chết thì phí cả của giời!
Ngày hạ trâu thực sự là một ngày hội. Chiều hôm ấy, các tiểu đội cho quân về sớm. Soong nồi, bát đũa sẵn sàng. Cuối cùng thì rồi phút giây long trọng cũng đến. Chúng tôi xếp hàng nhận phần thức ăn mang về từng tiểu đội với một nghi thức thiêng liêng gần như dân làng rước kiệu. Mấy chàng trai trong ban nấu nướng bình thường hiền lành là thế, hôm nay trịnh trọng hẳn lên. Thậm chí có anh còn lên mặt quan trọng, lườm nguýt, quát tháo.
Bàn ăn lát bằng cây rừng trước lán mới hôm trước lỏng chỏng soong canh tàu bay đắng chát, một vốc ớt rừng tranh thủ hái khi đi làm, hôm nay bỗng biến thành một bàn tiệc quan trọng. Ai đó, vô tình hay cố ý, đã kịp ngắt mấy nhánh hoa rừng cài vào một ống nứa. Mùi thịt trâu ngào ngạt, soong trâu hầm măng sóng sánh mỡ vàng, món lòng trâu trắng muốt nổi bật trên nền xanh tấm lá chuối rừng như mời gọi. Bát muối rang nghiền ớt hồng tươi. Mấy trái "chỉ thiên" quen thuộc hôm nay nhờn ánh mỡ cũng dường như đỏ hơn, cay hơn. Trong đời tôi có lẽ chưa có một bữa ăn nào được đón nhận với một tâm trạng hồi hộp háo hức đến vậy. Kể cả những năm tháng sau này. Đúng là một bữa ăn nhớ đời. Mà có lẽ không chỉ mình tôi. Tất cả đã sẵn sàng chỉ chờ vào cuộc thì... Lộp bộp... lộp bộp... ào ào... ào ào... ào ào...! !!...? ??
Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì tất cả đều đã ướt sũng. Một trận mưa rừng như trút rào rào đổ xuống không báo trước!!! Mà ở đây, trên độ cao này thường vẫn vậy. Không hề có gió, không bất cứ một triệu chứng nào. Bất thần đổ mưa, bất thần tạnh ráo. Có lẽ một đám mây sũng nước nào đó vào phút giây thiêng liêng quan trọng ấy đã ào ào lướt qua. Còn tất cả chúng tôi, tâm trí để hết vào nồi thịt trâu, đâu còn trông thấy gì?!
Trong nháy mắt, tất cả những gì được chờ đợi đã bao ngày bỗng thành... nước lã. "Soong măng hầm" ngon lành là thế nay ngập nước mưa, tràn hết ra ngoài. Mấy món nấu, xào không còn gì để nói, món lòng trâu bạc phếch, tái nhợt trôi truột xuống đất, bát muối ớt rang, nghiền giã bao công phu, tan biến như chưa từng có! Không có cách gì cứu vãn được nữa. Một cảm giác cay đắng, tức tưởi trào lên nghèn nghẹn. Rồi không ai bảo ai, tất cả chúng tôi òa khóc. Khóc thật tình. Không giấu giếm. Nước mắt nước mũi hòa lẫn nước mua. Thế là xong! Niềm hy vọng, nỗi hồi hộp nuôi dưỡng cả tuần nay, sự chờ đợi mong mỏi cả tháng nay đã theo trận mưa rừng quái ác trôi ra suối. Đêm nay nhịn đói! Còn ngày mai? Trở lại với cá khô, ớt hiểm và măng rừng!?
Tình hình khẩn trương và đơn vị "khai hội". Chúng tôi thống nhất phải bằng mọi cách cải thiện chất lượng bữa ăn, cải thiện tình hình sức khỏe đơn vị. Gần nhất và có lẽ là nhanh nhất là cử một tiểu đội đi sâu vào đất Lào tìm đến thượng nguồn sông Mã thăm dò, nếu có thể thì... đánh cá. Tôi hồi đó được xem là người khỏe nhất được cử đi làm nhiệm vụ này.
Thế là chặt tre, đan sọt, chuẩn bị cho mười gánh cá đầy. Hành trang mang theo: hai mươi cân bộc phá, kíp mìn, dây cháy chậm và... muối, chuẩn bị hạ sơn, mang theo niềm hy vọng của toàn đơn vị.
Từ đây xuống chân đèo cỡ gần hai mươi cây số. Từ đấy đến bờ sông Mã ước cũng gần như vậy.
Nhớ ngày nào khởi hành lên chiến dịch, chúng tôi đã ra đi từ hạ lưu con sông này, qua đập Bái Thượng, vượt Hồi Xuân, La Hán lên Suối Rút Hòa Bình, vượt Pha Đin, Thuận Châu, Tuần Giáo v.v... ngày nghỉ, đêm đi, háo hức hành quân lên mặt trận. Đường ra trận ngày ấy vui như làng vào hội. Dân công các tỉnh, các miền nườm nượp đi, nườm nượp gánh. Chen chúc xe đạp thồ. Tiếng Nghệ – Tĩnh trọ trẹ, tiếng miền Bắc véo von. Đâu đâu cũng "Hò lơ... hó lơ..." đối đáp. Trong tĩnh lặng của đêm rừng, thỉnh thoảng, một giọng hò cao vút, nỉ non của đám con gái dân công đồng bằng cũng trên đường ra trận. Hò hay thế chắc là xinh lắm. Cái không khí háo hức, rộn ràng mới đây mà hình như đã lùi vào đâu đó... rất xa.
Chúng tôi khởi hành từ rất sớm, người nọ nối gót người kia, lầm lũi đi trong mây mù. Những trảng tranh còn ướt đẫm sương đêm. Chim rừng chưa kịp thức. Càng đi càng xuống thấp. Mây mỏng dần cho đến khi trời sáng hẳn. Nắng lên rực rỡ. Lâu lắm chúng tôi mới được hưởng cái nắng này, nắng đồng bằng, mà nắng Lào hẳn hoi. Ấm, nóng, khác với cái nắng trên kia, vàng tươi, trong veo mà vẫn lạnh, như không phải nắng mà là một thứ ánh sáng màu vàng hoàn toàn thiếu nhiệt, không sưởi ấm được một cái gì. Nhìn lên cao, chỗ mình vừa ra đi vẫn chìm khuất trong mây, một tầng mây âm u, đầy đặc. Sau này, mỗi lần nhìn lên một ngọn núi cao, mây giăng, tội lại nhớ về những ngày ấy, những ngày trai trẻ, gian nan, sống trên một đỉnh đèo biên giới.
Xuống hết chân đèo, băng qua mấy cánh rừng Lào, khoảng gần trưa, chúng
tôi nghỉ lại trong một liếp vườn hoang. Không biết gia đình Lào này đã bỏ đi đâu, theo Pathét hay theo Vàng Pao? Đây là đất "phe ta" hay "phe địch"? Kệ, chúng tôi có súng mà. Mấy khẩu trung quốc và một khẩu "tuyn" sẵn sàng ứng phó với tình hình. Những trái khế mới tượng trên đầu cành dẫu còn non nhưng chấm muối ớt cũng làm tăng thêm hương vị nắm cơm mang theo. Một hương vị quá đỗi bình thường mà dường như lâu lắm chúng tôi mới có dịp nhớ lại. Hơn ba giờ chiều, đến bờ sông Mã. Con sông ấy đây rồi. Con sông ngày nào chúng tôi đã chia tay, nay gặp lại trên một miền đất khác, trong một cảnh quan khác. Mà kể cũng lạ. Chúng tôi hoàn toàn không có cảm giác ngỡ ngàng gì về vùng đất không thuộc nước mình. Lào với ta ấy mà. Chúng tôi hạ trại, tranh thủ trời còn sáng đi khảo sát bờ sông, tìm chỗ đánh cá.
Sông Mã nước Lào không giống sông Mã nước mình. Không biết người Lào gọi nó là gì? Ở nước ta, sông Mã là một con sông lớn, cuộn xiết, khi qua khỏi Hàm Rồng, chảy thênh thang giữa hai bờ cát, giữa những cánh đồng xanh lúa non, những xóm làng trù mật. Còn ở đây, nó réo sôi giữa những ghềnh đá, giữa hai bờ đại thụ, mang diện mạo của rừng, giống một dòng suối lớn hơn là một con sông. Càng khác xa dòng sông Hương hiền hòa quê tôi, dòng sông ấu thơ mà tôi từng lặn ngụp, vẫy vùng thỏa thích mỗi chiều, sau giờ tan học. Điều chúng tôi chú ý là rất nhiều vực, dưới những gốc cây to. Chỗ ấy nước quẩn, lặng mà sâu, nhiều cá, mà cá lớn.
Nghỉ một đêm lấy sức. Sáng ngày hôm sau chuẩn bị vào cuộc. Cứ nửa ký thuốc nổ nhồi vào một ống tre, một kíp mìn, nửa thước dây cháy chậm. Nắng lên. Nắng rừng Lào trong veo nhưng chúng tôi không còn bụng dạ nào dành cho cảnh sắc. Bố trí người chặn sẵn ở những ghềnh đá chủ yếu, nơi những chú cá Lào vỡ bong bóng nhất thiết bị dòng nước chảy xiết đẩy qua. Chọn một vực nước để đánh quả bộc phá khai cuộc. Đấy là một vực nước rộng dưới chân một gốc sung già, cành tán xanh um, phủ rợp một vùng. Chỗ này sâu, nhiều hang ổ, ắt phải trúng. Tôi đã từng đánh biết bao nhiêu quả bộc phá như thế, nhưng quả này làm tôi hồi hộp. Phải trả thù trận mưa vừa rồi, phải làm sống lại không khí hội hè hiếm hoi mà chúng tôi vừa bị cướp giật. Hai trăm con người đang chờ đợi kết quả trái bộc phá đầu tiên này đây. Có thật có cá không? ??
Tôi đưa mắt quan sát một vòng. Tất cả đã đâu vào đấy. Tôi châm ngòi, chờ khoảng năm giây, đảm bảo không tắt. Xong rồi. Tôi ném ùm vào giữa vực. Năm giây nữa trôi qua, một làn khói xanh rất mảnh từ đầu mẩu dây cháy chậm còn lửng lơ trên mặt nước... Năm giây nữa... Ùm!!! một cột nước cao, vọt lên từ mặt sông, rồi rào rào đổ xuống như một trận mưa. Cá! Cá! Thắng rồi! Nỗi mừng vui có lẽ chỉ có thể sánh với những người đi tìm mỏ khi phát hiện một vỉa vàng! Chúng tôi la lên. Những con cá bị sức ép ném tung lên trời rồi rơi xuống, bụng phơi trắng xoá. Một số con chắc là to, còn vùng vẫy như muốn lặn sâu để thoát hiểm nhưng đã bị choáng lại trồi đầu lên. Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi cùng lao xuống, cứ thế, tay không, ném cá lên bờ. Những con lớn xem ra còn khỏe lắm. Chúng bơi lờ đờ trên mặt nước nhưng chỉ chạm vào lưng một cái là chúng biến liền, để một vài phút sau, đã thấy lập lờ nổi lên phía xa. Một cuộc rượt đuổi bắt đầu cho đến khi các chú bị chúng tôi thọc tay vào mang, hết đường cựa quậy. Những chú ở xa tầm kiểm soát, trôi theo dòng nước, đã bị các chốt chặn đón đầu. Bội thu! Chúng tôi lên bờ nghỉ mệt, ngắm thành quả vừa gặt hái được trước khi vào cuộc đánh tiếp đến chiều. Thời gian còn lại là thì giờ của việc gia công, ướp muối, sao cho khi về đến đơn vị, cá vẫn còn tươi.
Hình như người Lào gọi cá là "pá". Còn tôi, chưa bao giờ thấy nhiều "pá" như thế. Cảm giác ấy tôi giữ mãi đến tận bây giờ. Mặc dù sau này tôi đã thấy những mẻ cá lớn hơn, nhiều hơn, nhưng vào lúc ấy, mẻ cá đối với chúng tôi là cả một kho tàng, một thành quả, một đền bù, hứa hẹn một tương lai. Rút kinh nghiệm, những cú đánh sau này, chúng tôi không mất công bắt cá nhỏ nữa. Các "cụ cá" to đùng, râu dài, núc ních, bụng phưỡn ra, toàn mỡ. "Các cụ" này sống ở đây chắc đã từ lâu lắm, đã sinh con đàn cháu đống và chắc cũng đã chờ chúng tôi từ lâu. Hôm nay chúng tôi đến đây, rước "các cụ" về, chung vui với đơn vị. Bụng "các cụ" toàn mỡ, đầy trứng! Những buồng trứng to bằng bắp tay, núc ních, phủ những lá mỡ vàng ươm, trông mà rỏ rãi.
Chúng tôi nhanh chóng mổ cá, ướp muối, chặt lá sung, lá chuối xếp vào sọt, cứ một lớp cá, một lớp muối, thật sạch sẽ, an toàn. Mười gánh cá đầy ắp, nặng chịch, mỗi gánh dễ đến bốn, năm mươi cân. Lòng cá và số còn lại thuộc phần chúng tôi. Cũng xứng đáng thôi, chúng tôi đã lặn ngụp suốt ngày dưới nước, đã đánh vật với những chú cá to đùng, đã bị dòng nước xiết đẩy trôi, lóp ngóp leo lên bờ rồi lại lao xuống lặn ngụp, rét run, hai hàm răng lập cập. Giờ thì chúng tôi được thưởng. Món đầu tiên: "Lấy mỡ nó rán nó". Còn lại cho tất và nồi. Gia vị đã có muối với ớt rừng nhiều vô kể. Nồi cháo vàng tươi những buồng trứng, bập bềnh đỏ màu ớt chỉ thiên, óng ánh mỡ, nghi ngút khói trong những máng bương xanh vừa chặt giữa rừng Lào. Với tôi, đấy là một bữa cháo cá nhớ đời. Những năm về sau của cuộc đời mình, tôi được ăn những bữa cháo cá sang trọng hơn nhiều, nấu nướng cầu kỳ với bao nhiêu là cao lương mỹ vị, nhưng không một bữa cháo cá nào có thể sánh được với nồi cháo bên bờ sông Mã nước Lào, năm ấy.
Tôi không được chứng kiến bữa "đại tiệc cá Lào" trên đỉnh đèo sau đó, không được trông thấy những ánh mắt sáng ngời của đồng đội khi đón nhận "chiến lợi phẩm" mà chúng tôi mang về. Tôi bị một cơn sốt rét rừng quật ngã ngay trong đêm. Hết rét lại nóng hết nóng lại rét, đến sáng thì tôi lả đi. Có thể có nhiều nguyên nhân. Những năm tháng phục vụ chiến trường gian khổ đã vắt kiệt sức lực nơi một chàng trai khỏe mạnh như tôi. Nhưng cái ngày ngụp lặn trong dòng nước lạnh buốt của dòng sông Mã nơi rừng Lào đã là giới hạn cuối cùng mà cơ thể tôi có thể chịu đựng được.
Một tình huống khó xử được đặt ra! Ít nhất phải vứt đi hai gánh cá để cáng tôi về. Hai gánh cá ấy không chỉ là công sức của đồng đội, của chính tôi mà còn là niềm hy vọng của hai trăm con người trên đỉnh đèo âm u lộng gió kia, những tấm thân còm cõi đang ngày đêm trông chờ thành quả của công việc chúng tôi đang làm để lấy sức tiếp tục cuộc chiến đấu. Mà trước mắt chúng tôi còn bao nhiêu cuộc chiến đấu nữa?! Và tôi quyết định: Tất cả anh em cấp tốc hành quân kịp mang cá về đơn vị, còn tôi, sẽ tự mình về sau. Cuộc chia tay bịn rịn và đầy lo âu. Nhưng việc không khác được, cá không thể chờ. Tiễn anh em lên đường, còn lại một mình giữa rừng Lào hoang vắng, tôi kiếm một khúc cây làm gậy, quàng chiếc chăn trấn thủ lên lưng, lê bước trở về.
Thật lạ! Mới qua một đêm và chỉ một trận sốt, tôi trở thành một người khác hẳn. Hai chân nhũn ra, người như không còn sức, vừa đi vừa thở dốc, vài trăm bước đã phải dừng. Rồi cơn sốt lại ập đến. Tôi thiếp đi bên vệ đường, tỉnh dậy lại loạng choạng theo hướng về, lê đi nữa. Không còn biết thời gian! Sáng, trưa, chiều, tối? Cứ thế, tôi lần mò, đứng lên ngã xuống giữa một cánh rừng Lào hoang vắng bên thượng nguồn con sông Mã cho đến khi bắt gặp một lối rẽ. Có thể có một bản Lào? Tôi lê theo hướng ấy và lịm ngất bên chân thang một ngôi nhà sàn.

Tôi đã mê man trong bao lâu??? Chỉ biết khi tỉnh dậy tôi đang nằm giữa vòng tay đồng đội. Các anh đã trở lại con đường cũ, đã tìm thấy tôi trong một bản Lào heo hút và đã chờ tôi, đến hôm ấy là ngày thứ ba. Chúng tôi nhìn nhau chảy nước mắt và tôi yên tâm biết mình còn sống.
Tôi đã ngủ một giấc sâu, dài, ngon lành trên chiếc cáng mà các anh, đồng đội của tôi, cáng ngược tôi trở lại đỉnh đèo. Cái đỉnh đèo Pa Háng chập chùng mây ấy.
Hôm nay, tôi kể lại câu chuyện này, hy vọng những đồng đội cũ – Đại đội 410 – Đội 40 – TNXP Trung ương năm ấy – anh Trịnh Luân, người Thanh Hóa, đại đội trưởng của tôi, anh Nguyễn Kim Thản, anh Nguyễn Văn Ba, người Nghệ An, những người đã cáng tôi trở về... và các anh khác nữa – nếu tình cờ đọc những dòng chữ này biết rằng, những kỷ niệm năm ấy, thời nào, vẫn sống trong tôi, trong chúng ta, trong trái tim mỗi người, những trái tim nồng cháy một thời trai trẻ đã từng đập vì những điều cao đẹp, và đây là lần đầu tiên chuyện chúng mình được kể lại trên báo chí. Vậy mà cũng gần năm mươi năm. Năm mươi năm, chúng ta chưa một lần gặp lại nhau.
TP.HCM những ngày cuối tháng 3 năm 2001

NGUYỄN TRỌNG HUẤN
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng