Bút ký - Tản văn
Đến Khuổi My gặp Tây Côn Lĩnh
14:33 | 31/05/2021

LỮ MAI   
    Bút ký  

Nơi những mái nhà sàn được phủ lớp rêu dày dễ đến nửa gang tay cứ thôi miên, hút hồn khách lạ. Nơi chim rừng hót vang từ sáng tới chiều.

Đến Khuổi My gặp Tây Côn Lĩnh
Thôn bản vùng cao Khuổi My Thuộc thành phố Hà Giang - Ảnh: internet

Dọc hai bên đường, những loài hoa lặng lẽ nở và tàn trong sương, mùi hương dìu dặt. Vừa gặp khách, bà con người Dao Áo Dài môi mắt đã hấp háy, long lanh nhưng vẫn buông lời tiếc nuối: “Vui thì vui đấy, lúc nào cũng vui, nhưng sao không lên vào mùa lúa chín?” Bây giờ, rừng núi đầy sương, sương đong đầy, dâng ngập trong những ánh nhìn khắc khoải. Từ người già đến trẻ con xứ này, sao đôi mắt cứ ướt buồn, thăm thẳm…

Chúng tôi ghé nhà Nguyễn Toan, anh bạn văn người dân tộc Tày, “thổ địa” vùng này, người sẽ đưa chúng tôi lên Khuổi My. Chẳng thể ngờ, một vùng đất thuộc xã Phương Độ của thành phố Hà Giang, lại im chìm, riêng biệt trong sắc màu huyền bí. Giữa nhà, bếp lửa đang bập bùng. Mẹ anh bạn mặc áo chàm, chít khăn chàm, ngồi sưởi lửa, tiện thể đun ấm nước reo sôi. Những mái nhà ở đây khá đặc biệt, không giống với nếp nhà sàn nằm chon von trên sườn non cao ta hay gặp khi ngược miền Tây Bắc. Nhà sàn ở Phương Độ được đồng bào dựng ở vị trí thấp hơn, gần nguồn nước. Con suối chảy từ trong lòng núi mềm mại uốn quanh bản. Đến nhà nào, đi khúc đoạn nào cũng nghe tiếng róc rách vui tai. Thỉnh thoảng, sẽ gặp cây cầu nho nhỏ bắc vào một ngôi nhà. Cây cầu ấy, có cũng được, mà không cũng được, chỉ một bước chân người lớn là qua thôi. Dòng suối hào phóng kia sẽ chia cắt thành nhiều, rất nhiều dòng chảy nhỏ, trong vắt, đổ vào từng chiếc ao con con của từng nhà dân. Thành ra, nhà nào cũng có ao. Có nhà ao vây quanh, soi bóng từng góc độ của nếp nhà sàn năm gian hai chái. Đẹp nhất là những đêm trăng sóng sánh dát đầy mặt nước, căn nhà cứ chập chờn, huyền ảo giữa miền sơn cước. Cả bản làng bừng lên bởi ánh trăng hắt từ trên cao xuống, từ dưới nước lên. Và suối, suối như tiếng đàn, tiếng phách, lắm lúc cũng lại như tiếng cười khúc khích của trẻ bản vang vang bất kể ngày đêm.


Người Tày làm bếp lửa cùng thời điểm dựng nhà. Bếp đặt ở gian nhà nằm chếch một vì cột với gian thờ tổ tiên, cũng thuộc một trong những gian nhà quan trọng nhất. Đất đỏ lấy về từ trên núi được dùng để nện nền bếp thật chặt, thật đanh. Mọi công đoạn làm bếp phải vừa khẩn trương vừa tỉ mỉ. Chung quanh bếp lửa của người Tày chất chứa không gian, đời sống gia đình, cộng đồng phong phú. Rượu cứ rót mãi, cơm vừa chín thơm, những xôi những bánh nhuộm lá rừng lên màu ngũ sắc ngời ngời trong ánh lửa. Mẹ của bạn tôi ngồi trên chiếc ghế ngang bằng gỗ, mắt nheo nheo, miệng cười móm mém, hiền hậu đón khách xa. Dầu vậy, bà không rời chỗ, đứng lên đi về phía cửa như cách người xuôi đón khách. Cứ ngồi đấy, ở bếp là ấm nhất, vui nhất rồi. Lửa chưa bao giờ tắt. Lòng người cứ mở ra bao nhiêu khấp khởi, vui mừng. Khói cứ thảnh thơi hắt lên thành từng vệt nhẹ nhõm như mây, vương vấn mãi quanh những treo thịt gác bếp, cột kèo, mái cọ, bậc sàn. Trời lạnh lắm, khói như không thể tan. Đến con mèo xám khoanh tròn như cuộn len cũng đùa với khói. Ba chiếc ghế ngang ở ba hướng khác của bếp ngày thường người nhà vẫn ngồi, giờ khách cứ tự nhiên ngồi đó, nhẩn nha nướng sắn, nướng khoai. Anh bạn tôi cũng lại nhẩn nha, dặn khách cứ ngồi đó với mẹ nhé, mình đi “ship” chè quanh bản. Bạn vừa có nghề làm trà, vừa vào rừng thu hái mướp đắng rừng, cây dược liệu về sao vàng, phơi khô, chế biến thành các “thang” thuốc tốt cho sức khỏe, quảng bá rộng rãi đến bà con. Dân bản thực ra chẳng thiếu chè, nhà nào cũng có thể tự hái, tự sao, nhưng mua vẫn cứ mua, nhất là khi bản mình lại có người cần bán. Ấy kể ra cũng là điều rất đáng để vui và cảm thấy ấm lòng.

Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Toan về làm báo ở tỉnh nhà, thỉnh thoảng làm thơ, viết truyện, nhưng trồng chè, hái chè, sao chè cũng niềm vui và cảm hứng bất tận trong anh. Gần ba mươi nhăm tuổi, đôi tay ngoài những khi cọc cạch gõ bàn phím đều cáu bện nhựa chè. Ở tuổi ấy, trai bản coi như đã ế vợ rồi. Đằng này lại cứ thong dong. Anh bảo, có muốn vội vàng hấp tấp cũng chẳng được. Cái nghề chữ nghĩa cũng như nghề làm chè, cần vững tâm, từ tốn và thầm lặng. Một khi đã ngồi trước trang viết hay trước những búp chè xanh ngắt tươi non, mọi vướng bận phải tiễn theo mây gió, về đỉnh Tây Côn Lĩnh xa kia. Người dân Hà Giang thường nhắn nhủ, du khách chọn chinh phục đỉnh Phan-xi-păng khá nhiều, nhưng đỉnh Tây Côn Lĩnh trải dài qua hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên lại ít người biết tới. Nằm ở độ cao gần 2.500m so với mực nước biển, Tây Côn Lĩnh được mệnh danh là nóc nhà vùng Đông Bắc, rất khó chinh phục bởi nơi đây có những cung đường cheo leo, vực sâu hiểm trở, lớp đệm chung quanh là rừng rậm. Ngọn núi thiêng này gắn với truyền thuyết về các đồng bào dân tộc ít người từ xa xưa đã bám đất, bám rừng, lưu giữ những phong tục tín ngưỡng huyền bí.

Cung đường từ bản người Tày lên Khuổi My, bản của người Dao Áo Dài không xa lắm, cũng chẳng vướng đèo cao, dốc thẳm. Những khúc quanh duyên dáng thắt eo, chậm rãi buông chùng như vạt áo chàm. Có lúc, tai cũng ù đi, gáy lạnh, nhưng mây đã kịp vỗ về. Mây ở đây ấm như khói bếp trong nhà anh bạn, quấn lấy người, ôm lấy núi. Nhờ độ cao, độ ẩm khác biệt so với những địa phương trong vùng mà những mái nhà sàn ở Khuổi My hầu như đều xanh um rêu. Lớp rêu từ năm này qua năm nọ tốt bời bời, sục tay vào cũng lại thấy ấm như tấm chăn trời đất, núi rừng đã ủ sẵn, đắp cho những mái nhà bốn mùa ẩn mình trong sương khói, gió mây. Khuổi My nhỏ nhắn, mơ màng như chính cái tên, như hiện thân của nàng sơn nữ. Cả bản chừng dăm chục hộ gia đình, dạo bộ một vòng ngắn thôi là hết lượt, ai giọng khỏe, nói đầu bản thì cuối bản đã tỏ tường. Nhiều người vẫn bảo, màu xanh trên những mái nhà ở đây thường gợi cảm giác buồn bã và tiếc nuối. Ai đến, đi và quay lại nơi này, sẽ thấy mỗi mùa màu rêu một khác. Sắc rêu xanh thẫm hơn, sâu hơn, cảm giác tấm chăn trên những mái nhà nặng hơn bởi nỗi niềm day dứt, quyến luyến. Riêng tôi lại không hề có cảm giác ấy. Tôi thấy niềm thương mến, bao dung và che chở đang rất gần kề, ấm êm, thanh thản. Trong màu xanh nõn nà của rêu non, màu úa vàng của lớp rêu già đang héo dần và bong tróc, có hơi ấm của núi rừng, của trời mây và chính không khí tỏa ra từ mỗi mái nhà. Mái nhà mà cả bản làng đã chung tay đỡ đần nhau từ thuở nghèo nàn, khốn khó. Không ai thuê mướn, mua bán gì cả, hễ nhà nào dựng nhà, khắp cả bản kéo sang làm mái. Mái nhà càng chặt, tình nghĩa càng bền. Người đi cắt lá cọ về phơi, người chuốt cái nọ, người gõ cái kia, mấy chốc mà nên mái ấm.

Khách đến, ông Lý Văn Ly, người dân tộc Dao Áo Dài vẫn đều tay sao chè trên chảo gang to. Ông ngoái lại hồ hởi chỉ chỗ ngồi cho khách, chào xởi lởi: “Cố chờ xong mẻ này mình mời trà đấy nhé!” Nhà ông Ly nhiều đời làm chè, thu hái từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ, thân to bằng hai vòng tay ôm của người lớn. Dân muốn hái được chè phải đeo gùi trên lưng, leo núi mất nửa ngày hướng về phía Tây Côn Lĩnh, đến vùng chè thì tiếp tục trèo lên từng cành chè xù xì mốc thếch để hái búp. Có cụ già sống ở Hà Nội từng trở thành nguyên mẫu trong truyện ngắn của tôi. Ông thương nhớ mãi về trà Shan Tuyết ở bản này. Ngay khi tuổi đã cao, mắt mờ, chân chậm, trí nhớ cạn dần, ông vẫn nhắc: “Mạn trên ấy, ngày xưa toàn sơn nữ hái chè. Chỉ bàn tay sơn nữ trinh nguyên mới không làm đau búp chè, chè sao lên mới có sương có tuyết, ngọn bị bấm lìa mới lại tái sinh thêm nhiều kiếp tinh khôi…”.

Chiếc bàn uống nước nhà ông Ly làm từ một khúc gỗ rừng có đến chục cái ấm khác nhau về kích thước, kiểu dáng, chất liệu. Xem ra, thú thưởng trà miền sơn cước cũng công phu lắm, chẳng kém cạnh các vùng miền khác. Đây bạch trà trắng như phủ tuyết, còn nguyên dáng lá cong cong, chồi búp mập mạp. Đây thanh trà mảnh mai hơn, đang nền nã bung tỏa trong lòng ấm đất nung. “Còn chè lam nữa mà!” Ai đó nhắc khéo chủ nhà. Khách xa đều tưởng đó là bánh chè lam được làm từ đường mía, gừng, bột nếp như dưới xuôi. Hóa ra không phải, đó là một loại chè đặc biệt, được ông Ly sao tẩm công phu, xong xuôi mọi công đoạn thì cho vào ống lam (ống tre, nứa còn tươi), bít kín bằng lá rừng, loại có hương vị hợp với trà, và lại tiếp tục hong, ủ nhiều ngày cho tới khi ống lam ngả màu vàng pha nâu như hoa dẻ héo là được. Nút ống lam nhồi lá đã khô khốc được mở ra, “trà sư” của bản đặt chéo ống, gõ long bong nhịp nhàng cẩn trọng, từng đốt chè nhúc nhắc đẩy ra, chui thẳng vào miệng ấm. Chắc chắn phải có bí quyết trong lúc nén chè vào ống lam thì mỗi nhịp gõ lượng trà đẩy ra mới vừa vặn một ấm như vậy. Ở miền núi phía Bắc, cộng đồng người Dao với Dao Áo Dài, Dao Đỏ, Dao Thanh Y, Dao Tiền… đều nổi tiếng trong câu chuyện phát hiện, gìn giữ những vùng chè nguyên sơ, truyền dạy được công thức sao tẩm bí truyền từ thuở ông cha sang con cháu, và khâu thưởng thức trà bao giờ cũng mộc mạc nhưng vô cùng điệu nghệ. Trên mặt bàn, ngoài bộ “trà cụ” bằng gỗ, tre, nứa và các loại ấm đất nung, sứ, sành… còn bày dăm chậu địa lan, sâm núi đang trĩu trịt nụ bông tím biếc, xanh ngọc. Chẳng biết có phải nhờ được “thưởng” hương trà thanh tao, thuần khiết mỗi ngày không mà đến địa lan, sâm núi, những loài cây vốn chỉ ưa bám rễ sâu vào mạch nguồn lại vẫn khỏe khoắn, xanh tươi mà kết hoa kết nụ. Chỉ riêng chiếc bàn uống trà, đã thấy nguyên khí âm dương hòa hợp, người thưởng trà nhờ đó mà thanh thản, nhẹ nhõm hơn. Ông Ly chia sẻ, trà Khuổi My luôn là đặc sản, rất quý hiếm và giá trị cao. Có những loại trà đặc biệt có giá lên tới dăm, ba triệu một cân, khách khắp nơi vẫn đổ về phía Tây Côn Lĩnh, tìm mua bằng được, dân không có để bán là chuyện bình thường. Giờ thì tại bản cũng đã có công nghệ sao chè bằng máy, búp chè khô đều hơn, độ cong móc câu nghìn búp, triệu búp tăm tắp như nhau. Nhà ông Ly và nhiều hộ khác thì vẫn sao chè theo phương thức thủ công, cảm giác dựa vào đôi tay, cặp mắt và… tình ý trong lòng. Ông cắt nghĩa, câu chuyện ấy khó diễn đạt lắm, nói năng kiểu gì cũng không thoát ý, nhưng người tự tay làm thì luôn định lượng được. Chè sao thủ công đậm đà hơn chè sao bằng mọi loại máy móc, công nghệ trên đời. Nói nghe có vẻ bảo thủ, nhưng gì thì gì, hái chè, sao chè phải có dấu ấn thời vụ, thời tiết, thiên nhiên và cảm xúc con người. Tới tấp nhồi hết mẻ này tới mẻ khác vào máy, mưa nắng bão bùng gì thành phẩm cũng như nhau thì trong cái ổn lại vẫn là không ổn. Chẳng thế mà bao nhiêu người uống trà sành sỏi, lặn lội dưới xuôi lên cứ nhất nhất mua bằng được cân chè sao thủ công, gia chủ hết rồi, chỉ còn dự trữ một ít dành tiếp khách vẫn bị “vật nài” để ai cất công lên đây cũng mang về được vài lạng gọi là. Trà đã ngấm, ông chủ từ tốn nâng chiếc chén nhỏ bằng hai tay mời khách, khách gọi vọng xuống bếp mời vợ ông lên thưởng trà. Người phụ nữ lúi húi dụi đôi mắt ướt vì khói bếp bước lên. Phụ nữ vùng này có nước da rất đẹp, lúc nào cũng căng nhức, ửng hồng, đôi gò má hơi lấm chấm tàn nhang, vết dấu nhọc nhằn nhưng cũng điểm tô cho vẻ đẹp của họ trở nên mặn mà, sâu thẳm. Trên đầu người phụ nữ Dao Áo Dài, tóc được búi gọn đằng gáy, phía trên vầng trán là vạt khăn quấn khéo léo như một vành mũ màu đỏ rực, những tua rua len màu xanh chấp chới phía trên. Vẻ đẹp ấy tựa bức họa chân dung nho nhỏ, có cánh hoa chuối rừng ôm những nhụy xanh non đang chờ ngày đậu quả trùm khẽ lên mái tóc đen mượt. Hương trà thơm, thanh, dịu lắng. Vị trà ngọt hậu, thuần khiết nhiều cung bậc, dư âm. Nhấp từng ngụm trà, cảm nhận được từng đốt vị, đốt hương đang dâng cao dần và lan man như khói tỏa. Trà đắt thì đắt thật, lắm khi cũng chẳng thể nể nang khách được, không có để bán là không có thôi. Ấy vậy nhưng trà quý chờ khách thì chẳng bao giờ đồng bào để thiếu trong nhà. Hết loại này còn loại kia. Hết trà trong lam nứa thì còn trà trong hộp gỗ. Khách cứ thỏa sức thỏa lòng mà thưởng hết tuần trà này sang tuần trà khác, tấm chân tình của bà con chan hòa như suối chảy đầu nguồn. Gói ghém quà cáp cho khách xa, bà Ly dỡ từ thùng gỗ ra từng cây nấm đã chắc cứng như gỗ, bên ngoài đen bóng giống như được quét một lớp sơn cầu kỳ, tinh xảo. Các bô lão trong bản kể rằng, loại nấm này được tìm kiếm ở đỉnh Tây Côn Lĩnh và ngay cả dân bản địa cũng không phải ai đều biết cách tạo màu đen bóng như sơn thế kia. Cây nấm sống rất lâu năm trên đỉnh núi dễ gì phát hiện được, tìm ra thì phải lọ mọ, cần mẫn mà bứng tận gốc, giữ nguyên vẹn hình dạng cho đến lúc về nhà. Tiếp đến là khâu làm ẩm tự nhiên, nâng niu và lựa cách kỳ cọ từng li từng tí theo bí quyết, sau đó mới sấy khô tạo thành lớp áo ngoài đen bóng. Mỗi người dân bản gọi cây nấm bằng một cái tên riêng, công dụng là dược liệu quý, càng giữ lâu, càng lên màu và lên hương. Thanh niên bản tinh nghịch còn gọi đó là nấm “gương chiếu hậu” vì hình dạng hơi giống chiếc gương xe máy. Nấm quý hiếm chẳng kém gì chè, nhưng nhà nào cũng muốn tặng khách ít nhất là một cặp “gương chiếu hậu”.

Thực tế, đất và người Khuổi My đã cần mẫn, kiên trì vượt qua rất nhiều gian khó. Cách đây hơn mười năm, đường lên bản chỉ là một lối mòn nhỏ hẹp, toàn dốc cao, vực thẳm, lại chưa có điện lưới quốc gia. Để xây dựng các công trình, người dân phải lặn lội xuống suối, đóng từng bao cát, sỏi rồi ngược dốc cao mang về tự đóng gạch bi. Mỗi bao xi măng cất công mua từ thành phố chất lên chiếc xe máy, rù rì mỗi chuyến chỉ được một bao. Đèo dốc khó đi, tiền xăng quá tiền vật liệu, lắm lúc mưa gió, cả người và xe ngã chỏng chơ giữa đường. Ngay đến những bếp lửa có nền được nện từ đất đỏ, những mái nhà rêu phủ xanh um, trông thì lãng mạn đấy, thương mến đấy, nhưng ấy cũng là niềm gian khó tự xa xôi. Cả lời hẹn hò, nhắc nhớ lên vào mùa lúa chín cũng đong đầy ước vọng ấm no, chu toàn mọi nhẽ. Tiễn khách ra tận ngõ rồi, đồng bào lại vẫn cứ rót trà, lảnh lót bên tai người bài ca chim rừng. Ở đây, chim rừng lích chích cả ngày lẫn đêm, hót như quên ăn, quên ngủ. Có khách lạ, càng hót vang. Rồi thì bài ca ấy cũng như tan chảy loanh quanh đâu đó rất gần, trong chát ngọt môi người, trên bờ vai, trong lòng tay vừa mở. Khi được bao bọc bởi một mái nhà xưa cũ với những tấm lòng ấm áp, tôi chợt nhận ra, mảng xanh rêu tưởng chừng bất tận trên mỗi mái nhà đang chầm chậm thả xuống lòng người mọi nỗi êm đềm, thấm thía. Anh bạn “thổ địa” trút bầu tâm tư, có thể, trong tương lai gần gụi hoặc xa xôi chập chờn nào đó, những bếp lửa, những mái rêu sẽ chẳng còn ở mãi đó mà chờ người, nhưng Khuổi My vẫn mãi là nàng sơn nữ, mãi trong trẻo thiết tha như bài ca chim rừng đang lảnh lót sau nhà, ríu ran tiễn khách. Đâu cần về đây vào mùa lúa chín, Khuổi My lúc nào chả chín lựng, ngọt ngào trong hoang hoải vui buồn xa vắng.

Đến Hà Giang, số đông du khách thường chọn trải nghiệm cho được những địa danh nổi tiếng từ xưa: Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú, Mã Pì Lèng... Nhưng chung quanh thành phố nhỏ cũng có nhiều khúc đoạn lưu lại nhớ thương. Sự đổi thay của đời sống chia thành phố Hà Giang thành hai khu: mới và cũ. Mới, nghĩa là vùng đô thị được mở rộng, nhà cửa, công trình san sát, kiến trúc hiện đại, độ cập nhật cao, không thua kém những vùng miền khác. Khu phố cũ thuộc vùng lõi của thành phố từ xưa, vẫn còn những ngõ quanh co dẫn lên sườn núi. Nhà cửa rêu phong cả rồi, phố mà như bản, rủ rà rủ rỉ, nhịp sống chẳng cần gấp gáp theo thời thế làm gì. Loanh quanh phố nhỏ, món gì cũng có. Từ những thức quà có thể ăn bất kể sáng tối: phở Tráng Kìm, cháo ấu tẩu, bánh cuốn… cho tới vật dụng, khăn áo, rau quả, lương thực… Phở Tráng Kìm tráng bằng bột gạo nguyên chất, không tẩy màu, từng bánh trắng nõn vắt vẻo trên sào trúc đang bốc hơi nóng hổi được bà chủ dỡ xuống thái đều tay. Chan nước dùng, xếp thịt gà bóng vàng và hành mùi xanh nõn lên thành món thứ thiệt. Ai ngật ngưỡng say rồi, nửa đêm ra hàng cháo ấu tẩu, cái vị nhần nhận đắng, ngòn ngọt đẩy lên từ xa sâu như thang thuốc hữu hiệu làm dịu cơn say rượu, từ tốn dẫn dụ ta bằng một men say khác, êm như ru, khiến ta yêu cả góc hàng quán nhỏ, khu phố buồn lặng, vàng võ ánh đèn. Nét chợ Hà Giang cứ nồng nã, tươi ròng được thành phố nhỏ bé ôm vào lòng nồng hậu. Cũng bởi nhẽ đó, nếu không lên Mèo Vạc, Đồng Văn, không “check-in” được đỉnh Mã Pì Lèng, dốc Thẩm Mã thì từ thành phố, cứ tỏa vào những bản gần, cũng sẽ chẳng bao giờ và chẳng một ai thất vọng. Suốt thời gian lưu trú ở đây, tôi thường ghé chợ “xép” Phương Độ. Trước cổng chợ là những cây bàng lá đỏ au đang trút lá. Măng khô, nấm hương tươi, rau rừng, gia cầm, gia súc cứ chộn rộn cả lên. Một nhóm phụ nữ Dao huơ huơ chùm củ lúc lỉu như sắn mời chào: “Mua đi, mua đi, tốt lắm, tốt lắm!” Hỏi ra, ấy là củ “ba mươi”, tên thông dụng hơn là cây “bách bộ” có nhiều công dụng tốt trong chữa bệnh nhiễm khuẩn, hô hấp, phù nề, dị ứng… Sợ khách còn hồ nghi, những đôi tay lam lũ vặt ngay vài củ dúi vào tay khách lạ: “Mang về dùng đi, tốt thì quay lại”. Nhưng cả người bán và khách vãng lai đều không biết ngày nào gặp lại nhau. Cảnh tượng ấy ở Hà Giang khiến tôi nhớ cách đây vài năm, cũng vào những ngày cuối năm, tôi đã đến xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Một xã cực Bắc của Tổ quốc, phía Tây và Bắc tiếp giáp với biên giới Trung Quốc. Biên ải rét căm căm, mười giờ sáng sương vẫn quánh đặc chưa tan, mặc đủ áo ấm rồi toàn thân vẫn buốt thun thút. Hàng đào trong khuôn viên đồn biên phòng Thu Lũm cây nào cây nấy mốc thếch địa y đang bật nụ, đơm hoa. Nhìn kỹ từng mắt lá, nụ bông mới cảm nhận hết vẻ đẹp bền bỉ, huyền bí và kiêu hãnh của núi rừng. Cánh đào miền sơn cước không hồng rực, mỡ màng như đào dưới xuôi mà hoang sơ, se sắt như trổ ra từ vồng ngực đá. Đại úy Sùng A Chớ, chiến sĩ biên phòng người Mông mở lời với tôi: “Đây là đào dân bản mang lên, bộ đội mỗi người nhận chăm một gốc. Chị thích, Chớ tặng chị gốc đào của Chớ, chị mang về xuôi”. Thấy tôi bối rối, ngần ngại, chiến sĩ trẻ tiếp tục mời chào: “Chớ nói thật mà! Cây thì trồng lại được chứ người về xuôi rồi khó lên đây lắm! Cứ nhìn vào mắt nhau thì biết thôi...”. Câu nói ấy khiến tôi giật mình, cay mắt. Cuộc trò chuyện giữa tôi và người lính biên phòng buồn vui lẫn lộn. Tôi tâm sự, cứ sau mỗi chuyến đi biên giới, lên những vùng cực Bắc xa xôi, khi trở về tôi thường viết được một chút gì đó, bắt đầu từ những cơ duyên gặp gỡ trong đời, những tình cảm của đất và người luôn khiến tôi cay mắt. “Thế thì hay quá! Đồng bào chờ đợi lắm”. Ánh mắt người lính ngời lên, miệng nhoẻn cười, điệu bộ trong veo như trẻ nhỏ.

Thực tế, trong chuyến đi Hà Giang lần này, chúng tôi chưa chinh phục được đỉnh Tây Côn Lĩnh. Nhưng những tình cảm nồng hậu, quyến luyến mà dung dị ở Khuổi My đã đậm đà tinh thần của non cao và rừng thẳm. Chè Shan Tuyết cũng từ đỉnh núi. Qua bàn tay cần mẫn, tài hoa quyện với tình cảm con người thành ra bao thức trà quý giá. Loài nấm đen bóng như sơn nằm gọn trong ba lô rồi vẫn thơm âm thầm sau lưng đoàn người vừa tạm biệt làng bản về xuôi. Tây Côn Lĩnh hiện hữu trong trang văn của anh bạn người Tày với sự huyền bí, kiêu hãnh mà cũng quen thuộc, gần kề, như trong chính mỗi con người chúng ta luôn có bóng núi cao, rừng thẳm. Như trong chính mỗi giấc mơ, ngọn núi ấy có thể mang nhiều cái tên khác nhau, ở vùng miền khác nhau, mà luôn vững chãi và bất biến. Ngay ở chính dáng ngồi lam lũ, thản nhiên của người mẹ già bên bếp lửa, tôi cũng gặp một ngọn núi màu chàm, thẫm dần trong chiều muộn và sáng bừng mỗi giấc ban mai. Ngọn núi ấy lúc nào cũng chở che, đón đợi ta trở về, dẫu ta không phải là con của núi. Có lần, tôi từng ngỏ lời với mẹ của bạn mình, rằng tôi nghĩ bà là ngọn núi, một ngọn núi màu chàm rất hiền, rất ấm, rất vui. Bà kéo tôi vào lòng, lại nheo nheo mắt, móm mém cười hồi lâu. Bà nói, bà chỉ là bóng núi. Vào những khi đất trời không bình lặng, lòng người chộn rộn hoặc khổ đau, bóng núi có thể tan. Đôi khi, tan chỉ bởi một hòn đá cuội ném xuống chiếc ao con con đang in bóng. Tan, nhưng bất biến. Bóng núi sẽ trở lại, dẫu chập chờn, dẫu vui buồn, chỉ cần niềm tin là đủ.

L.M  
(TCSH386/04-2021)



 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Cỏ xót xa tôi (21/05/2021)
Miền Trung (11/09/2020)