Bút ký - Tản văn
Đi tìm một ngôi mộ
09:39 | 24/09/2021

VIỆT HÙNG
        Ghi Chép

Vào một đêm mùa thu của Hà Nội ông Nguyễn Ngọc Dũng, vụ trưởng thanh tra Bộ tài chính, trong một giấc mộng, ông thấy người anh ruột của mình hiện về.

Đi tìm một ngôi mộ
Minh Họa: Hà Văn Chước

Trên mình mặc bộ cảm tử quân, đầu đội mũ ca-lô, chân mang giày săng đa - anh ông oai vệ khác thường.

- Anh vẫn còn sống ư, anh Vu? - Ông ôm anh mình và sờ sẫm khắp người - sao người anh lạnh? Áo lại ướt đẫm? Ôi, trán... máu ở đầu nhiều thế?...

- Em còn phải hỏi sao? hơn 40 năm qua anh chỉ có một mình. Buồn vì cô đơn, anh nhớ quê hương quá! Mưa rừng lạnh lẽo, thác đổ ầm ầm suốt ngày đêm. Anh chẳng có gì ngoài bộ quân phục này, rét lắm em! Hãy mau đón anh về.

Thế rồi ông Dũng thấy từ mắt, mũi, đến tai, đến miệng anh mình máu cứ tứa ra. Máu tuôn từ khắp nơi, nhuộm đỏ thắm bộ quân phục. Ông cố gắng hỏi, nhưng hỏi gì anh ông cũng chẳng nói...

Ông bật dậy. Trời không nóng nhưng người ông mồ hôi ướt đẫm, ông lại nằm xuống thao thức cho đến sáng. Dậy thắp ba nén hương nguyện cầu cho linh hồn anh mình.

Đêm sau, giấc mộng lặp lại y như đêm trước.Trong đêm tối, ông Dũng trở dậy, lòng đầy lo lắng. Lại thắp hương khẩn cầu:

- Anh có linh thiêng hãy dẫn đường cho em, em sẽ đưa anh về.

Chẳng hiểu trong những điều huyền bí, có sự cố tình hay không? Nhưng giấc mộng của ông Dũng cứ liên tục lặp lại và cũng chỉ dừng ở những sự việc giống như đêm đầu.

Người ta chưa thể giải thích hết những điều linh thiêng trong tình cảm, hoặc giả con người có tồn tại những giác quan nằm ngoài các giác quan lâu nay đã biết. Chỉ có điều chắc chắn, người chết không thể trực tiếp dẫn đường cho người sống. Người chiến sĩ ấy, có thể hy sinh trong lúc đang chuyển quân, anh chưa kịp nhớ cả đến tên địa danh nơi mình nằm xuống.

Ông Dũng lại lầm rầm khấn:

- Anh hãy ráng chờ, thế nào em cũng đưa anh về.

Và ngay đêm ấy, với ông Dũng, giấc mộng tạm không lặp lại. Ông tức tốc viết thư cho hai người em ruột của mình là ông Chung ở Huế và ông Tùng ở thành phố Hồ Chí Minh bàn kế hoạch tìm kiếm. Không biết có phải do nỗi ám ảnh? Nhưng từ khi nhận được thư anh mình, ông Tùng cũng gặp những giấc mộng tương tự ông Dũng.

Bắt đầu từ tháng 10/1991, ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Nha Trang, ông Dũng, ông Tùng, và những người anh em khác quyết lần tìm tung tích anh mình qua những đồng đội cũ.

Năm 1989, khi biên tập bộ gia phả cho giòng họ, người sống có địa chỉ, người chết có địa danh mộ chí. Riêng đến phần anh mình: Nguyễn Ngọc Vu - ông Tùng đành để trống.

Năm 1949, gia đình nhận được giấy báo tử ghi vỏn vẹn: "Vô cùng thương tiếc báo tin, đồng chí Nguyễn Ngọc Vu, chính trị viên tiểu đoàn, thuộc trung đoàn 83, đã anh dũng hy sinh năm 1948 tại mặt trận Nha Trang".

Có người khuyên ông Tùng, hãy ghi vào: Nghĩa trang liệt sỹ Nha Trang (nấm mộ vô danh). Ông Tùng băn khoăn, Nha Trang hay Khánh Hòa? Cả vùng chiến trường đó, biết anh mình nằm tại đâu? Ông tự nhủ: Không! Làm như thế là có tội với người đã mất. Có lẽ do ám ảnh mà 2 đêm liên tiếp ông mơ thấy anh mình hiện về, im lặng không nói gì. Ông đã nghĩ đến việc kiếm tìm nhưng cũng không biết phải bắt đầu từ đâu...

Cuộc kiếm tìm manh nha từ một người đồng hương. Ông Tùng cùng người em ruột là Nguyễn Ngọc Cham, trưởng phòng kiểm sát chung, viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đến gặp ông Châu, trước từng là bộ đội Phú Yên - Khánh Hòa. Qua ông Châu, hai người biết được địa chỉ của đại tá Hải Râu, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 80 (E80).

E80 và E83 là hai đơn vị ở cạnh nhau - hy vọng chợt le lói. Một buổi chiều tháng 10/1991 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Tùng hăm hở bước vào một tòa nhà hai tầng nằm trong khu nhà các sĩ quan cao cấp. Tiếp ông là một người tóc đã bạc nhưng vẫn còn khỏe mạnh.

- Xin lỗi, anh có phải là đại tá Hải?... - Ông Tùng nôn nóng vào đề ngay. - Tôi đi tìm hài cốt thân nhân là Nguyễn Ngọc Vu, nguyên chính trị viên tiểu đoàn E83, hy sinh năm 1948, tại mặt trận Nha Trang. - miệng nói, tay rút tấm ảnh anh mình trao cho ông Hải.

Người chính trị viên ấy, trước lúc ra đi, chẳng kịp lưu lại cho gia đình một tấm ảnh.

Năm 1967, thời kỳ ác liệt của chiến tranh phá hoại miền Bắc, một người cháu tên là Tập, tình cờ lên thăm bạn mình ở Lao Cai. Anh mở tập an-bom của gia đình ra, chợt phát hiện tấm ảnh cỡ 6x4 đã ố vàng. Trong ảnh, người chiến sĩ đội mũ ca lô, có khuôn mặt y đúc một người cậu của mình hiện còn sống. Anh xin được bóc tấm ảnh khỏi tập an-bom, và lật mặt sau thấy hàng chữ lờ mờ:

"Anh Định! Để lại lời chào Bonchevik trước khi được anh trao trách nhiệm lãnh đạo bộ đội danh dự cm tử quân.

"Dũng cảm ra đi, nhưng vn hẹn ngày v với nhiu chiến công.

                    Ngày 7-2-1947

                    Nguyn Ngọc Vu”

Chủ nhân tấm ảnh cũng chẳng hề biết xuất xứ của nó, và chỉ nhớ đó là kỷ niệm để lại của người chồng đã hy sinh. Bà trân trọng trao lại cho Tập. Tập vội vã đem về Hà Nội để sao chụp...

Ông Hải ngắm nghía tấm ảnh rất lâu:

 

- Nhìn thì quen. Quen lắm! Nhưng tên thì tôi không nhớ.

- Anh hãy cố nhớ, tình cảm đồng đội mà hơn nữa tôi cũng chẳng biết cậy nhờ ai lúc này.

- Thôi, ba ngày nữa anh trở lại, để tôi cố lục tìm quá khứ. - Ông Hải hẹn sau một hồi ngẫm nghĩ.

Đúng hẹn, ông Tùng trở lại. Không gặp. Ông đến liên tiếp 2 lần nữa. Lần thứ tư mới gặp, nhưng chẳng có gì sáng sủa hơn.

- Nghĩa tử là nghĩa tận mà anh.

- Biết thế rồi nhưng tôi, không tài nào nhớ nổi. À... mà E83 phải không? Vậy tôi giới thiệu anh gặp trung tướng Lữ Giang, trước là E phó của tôi, sau chuyển qua làm E trưởng E83.

Hy vọng tưởng chừng tắt ngấm, nay lại lóe sáng chút ít. Chia tay đại tá Hải, ông Tùng về nhà lòng càng phấn chấn.

Ở Hà Nội ông Dũng quyết tâm tìm kiếm, chắp nối các đầu mối, nhưng xem ra chẳng hy vọng gì, vì những người có dính dáng đến trung đoàn 83 hồi đó mỗi người nói một phách.

Sau một ngày nghỉ ngơi, ông Tùng tiếp tục cuộc hành trình. Gặp được trung tướng Lữ Giang tại nhà riêng. Cũng như lần trước gặp đại tá Hải, ông nôn nóng rút ảnh, vào đề ngay.

- Nguyễn Ngọc Vu... Nếu là Vu trí thức người Huế thì tôi rất nhớ. - Trung tướng vừa nói vừa ngẫm nghĩ. - Hy sinh năm 1948... vậy là thuộc E80. Ngày ấy trung đoàn có ba Vu, mà E83 khi đó chưa thành lập. - Ông khẳng định - Được chôn cất tại chân núi Hòn Lớn, thuộc khu mộ chiến sĩ 46 - 54, địa phận Ninh Hòa - Khánh Hòa.

Mười lăm ngày liên tục lui tới trung tướng Lữ Giang. Tuyệt nhiên chẳng có gì sáng sủa hơn ngoài "khu mộ 46 - 54" - Ông Tùng ra về, lòng tràn đầy thất vọng: Vậy là số phận anh mình, cũng chẳng thể tránh khỏi những nấm mộ vô danh. Đã vô danh thì còn biết đâu mà lần. Cuộc kiếm tìm đi dần vào ngõ cụt.

Năm 1976, khi gia đình ông Tùng đoàn tụ tại Huế, hai cụ thân sinh cũng chỉ đưa ra một nguyện vọng: Hãy đi tìm và đưa về quê hương hài cốt của người con lâu năm lưu lạc.

Năm 1984, trước khi nhắm mắt, ông cụ còn nhắc lại với con cháu: "Gắng tìm mộ Vu".

Ông chợt nhớ đến một địa chỉ cũng do đại tá Hải râu cung cấp - Ông Thái, nguyên chính ủy E83. Ông Tùng cùng ông Cham hối hả lao về Gò vấp.

Tại hội Cựu chiến binh Gò vấp, chẳng có ai tên là Thái. Tiếp hai ông hôm đó là đại tá Mai Diên. Vì quá chán chường nên hai ông cũng tính hỏi han qua loa rồi ra về. Chợt cả hai cùng sáng mắt:

- Trước đây tôi là lính của E80 - E83.- Đại tá nói - Các anh phải đến gặp thiếu tướng Đoàn Huyên, nguyên E phó E80 - 83, và những người này...

Cả hai người lòng thêm hoang mang: Giấy báo tử một đường, người nói một nẻo, giờ lại "sinh" thêm cái trung đoàn sáp nhập 80 - 83. Vậy anh mình thuộc tiểu đoàn nào, trung đoàn nào trong những trung đoàn đó? Còn hoang mang hơn nữa, khi họ gặp một số người trước khi gặp thiếu tướng Đoàn Huyên. Có người nói đến năm 1949 người chính trị viên ấy vẫn còn, người thì nói hy sinh ở E80, người khẳng định ở E83, lại có người nói chắc chắn:

- Khi 2 trung đoàn sát nhập anh Vu vẫn còn sống, mà vẫn ở cương vị một chính trị viên.

Tiếp tục hành trình. Tại khu nhà cấp tướng ở Tân Sơn Nhất, ông gặp thiếu tướng Đoàn Huyên.

- Một chính trị viên à? Quen, rất quen.

- Thiếu tướng xem ảnh rồi gật gù. - Nhưng tôi không tài nào nhớ nổi. - Ông suy nghĩ hồi lâu để khẳng định - Nếu hy sinh ở Hòn Lớn trong thời gian tôi ở trung đoàn thì tôi không thể quên (tức là E80-83). Đó là điều chắc chắn. Tốt nhất anh phải tìm những người làm công tác chính trị. - Ông lục tìm trí nhớ. - À, để tôi giới thiệu đến trung tướng Nguyễn Đường, nguyên chính ủy khu 6, một thời là chính ủy E80.

Ông Tùng tìm đến trung tướng Nguyễn Đường trong tâm trạng đã nhen nhúm một sự tuyệt vọng.

Tại số nhà 18 Trường Sơn - Tân Sơn Nhất, bà vợ trung tướng rất vồn vã tiếp ông Tùng.

Ông Tùng chuẩn bị ra về thì trung tướng bước vào nhà, cầm tờ giấy đọc qua: "Tìm thân nhân là Nguyễn Ngọc Vu, nguyên chính trị viên tiểu đoàn thuộc E83". Ông ngắm nhìn ông Tùng:

- Anh sao giống anh Vu thế!

Ông Tùng bật khóc, lao đến ôm chặt trung tướng:

- Trời ơi! Biết bao đồng đội cũ, bây giờ mới có một người còn nhớ anh tôi.

- Vu..., Vu D5 người Huế, làm sao tôi quên được.

Bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện lên trong đầu trung tướng. Nhưng, trong chiến đấu, sống, chết, và chôn cất là chuyện quá ư bình thường, dễ gì nhớ được tường tận trong chừng ấy năm.

- Ngày ấy tôi ở trên trung đoàn, chỉ biết anh Vu được chôn cất tại núi Đồng Bò. Tôi giới thiệu anh đến người này của D5 hiện còn sống... cần chú ý thiếu tướng Nam Hồ, phó tư lệnh quân khu I, hồi đó là D trưởng D5, địa chỉ 37 Lý Nam Đế - Hà Nội.

Như vậy anh mình thuộc D5, E80 chứ không phải E83 như trong giấy báo tử. Bức thư "gửi người D trưởng" được ông Tùng thảo ngay trong đêm, gửi đến thiếu tướng Nam Hồ. Trong thời gian chờ thiếu tướng trả lời, ông tranh thủ tìm đến một số người thuộc D5, địa chỉ do trung tướng Nguyễn Đường cung cấp.

Một buổi sáng, ông Tùng hăm hở bước vào tòa biệt thự sang trọng trên đại lộ 3/2. Bà Nhung - người đàn bà bệ vệ, vợ của một vị tướng, trước đây bà từng là y tá D bộ D5.

- Vâng, chính trị viên hồi đó hình như người Huế... Nhưng tôi chẳng nhớ tên. - Bà cầm tấm ảnh lật qua lật lại - ừ, mà tôi cũng mang máng nhớ, nhưng không biết anh ấy hy sinh lúc nào.

Trong người ông Tùng, nỗi ấm ức trào lên: Đến cả y tá D bộ mà cũng không nhớ chính trị viên của mình chết lúc nào. Sự đời sao phũ phàng?

Thiếu tướng Nam Hồ đang nằm viện. Ông Dũng đến quân y viện 108 tìm gặp. Sau khi nhận lời đề nghị, thiếu tướng vội rút lá thư của ông Tùng mới gửi cho mình. Dù rất mệt, thiếu tướng vẫn cố ngồi bóp trán vẽ sơ đồ đường về Đồng Bò.

- Thực ra tôi đã lên trung đoàn được ba tháng trước khi anh Vu hy sinh. Tôi chỉ biết anh được chôn cất dưới núi Đồng Bò, chứ không biết cụ thể. Vậy anh cần sơ đồ này tôi sẽ giới thiệu một số người...

Trong số người mà thiếu tướng giới thiệu, đáng chú ý là ông Phan Nhĩ, nguyên D phó D5 và ông Nhu, nguyên cán bộ D5. Nhưng hiện hai người ở đâu? Thiếu tướng không biết! Lại bắt đầu đi lùng Phan Nhĩ. Suốt 10 ngày ròng rã khắp Hà Nội, ông Dũng gặp được bốn vị đại tá nữa, đều nguyên là cán bộ trung đội và đại đội thuộc D5 nhưng tất cả đều lắc đầu:

- Ơ... ông Phan Nhĩ đã về hưu và vào Quy Nhơn cách đây 1 năm. Tôi không biết địa chỉ, nhưng cho anh địa chỉ bác sĩ Đôn người quen thân Phan Nhĩ.

Ông Dũng viết thư cho bác sĩ Đôn. Trong khi ông Tùng đang nôn nóng chờ thư trả lời của thiếu tướng Nam Hồ thì nhận được điện của anh mình: "Đã lần ra đầu mối đáng tin cậy... Đang chờ đợi".

Sau hai mươi ngày kể từ khi viết thư, ông Dũng nhận được bức thư trả lời đầy cảm động của Phan Nhĩ: Anh Vu hy sinh trong trận chiến chớp nhoáng với biệt kích Pháp. Chết trong tư thế ôm khẩu tiểu liên tôm-xơn đã nhả hết đạn. Được mai táng ở lưng chừng núi Đồng Bò, do tôi là chủ tang lễ. Ở đấy có thác Dốc Gáo ngày đêm nước đổ ầm ầm. Có một tảng đá to, mà đứng đó nhìn rõ thành phố Nha Trang...". Ngoài ra có một sơ đồ ngôi mộ, cùng các vật chuẩn xung quanh, nhưng đáng tiếc đường lên đến đó ông Phan Nhĩ cũng không mô tả nổi. Ông Dũng được biết, sức khỏe Phan Nhĩ hiện rất kém, ông bị đau tim nặng, đi đâu cũng có bác sĩ đi kèm, chưa biết sống chết khi nào. Ông Dũng ông Tùng đến Quy Nhơn, gặp ông Phan Nhĩ.

- Ngày ấy mỗi chiến sĩ chất một viên đá lên ngôi mộ. - Ông Phan Nhĩ giọng thều thào - ngoài ra có một tảng đá tự nhiên rất lớn ở hậu đầu. Đường từ chân núi lên khá lắt léo, tôi không nhớ nổi. Tiếc là tôi không còn đủ sức để đi. Vậy các anh nên tìm những người này để họ dẫn lên... hy vọng họ còn nhớ.

Qua Phan Nhĩ, hai người nắm thêm được một số địa chỉ. Ông Tùng điện thoại vào Nha Trang. Ngay sau khi nhận điện, buổi tối, Tập tìm được tại nhà đại tá Phạm Văn Nhu (tức Chân) phó giám đốc công an Khánh Hòa, nguyên tiểu đội trưởng cảm tử thuộc D5.

- Tôi là người rất thân cận với chính trị viên Vu và đã tham gia trực tiếp chôn cất. Nhưng, để chắc chắn, ta cần tìm thêm anh Mệnh, lính cảm tử D5, người trực tiếp khâm liệm anh Vu. Hiện anh Mệnh đã về hưu và ở ngay Nha Trang này... - Ông Nhu phác thảo kế hoạch.

Như vậy tính đến 10/2/1992, sau hơn 4 tháng ròng rã quần đảo khắp ba thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nha Trang, gặp gỡ cả thảy trên 30 đồng đội xa gần, hy vọng về dấu vết ngôi mộ người chính trị viên mới thực sự bừng sáng. Công việc cuối cùng - ngoài sơ đồ và các vật chuẩn xung quanh ngôi mộ do ông Phan Nhĩ cung cấp, giữa vùng núi Đồng Bò mênh mông, ngôi mộ sẽ nằm hướng nào?

Qua ông Nhu, Tập gặp được đại tá Tâm, nguyên một trung đội trưởng của D5. Vào một sớm tinh mơ, Tập cùng đại tá Tâm dùng xe gắn máy đi về núi Đồng Bò. Xe dừng dưới chân núi.

- Cậu đứng đây giữ xe để tớ lên - vừa nói ông Tâm vừa thoăn thoắt vượt lên triền dốc.

Đã ngoài 60, nhưng xem ra ông Tâm vẫn còn dẻo dai. Sau hơn 2 giờ đồng hồ lang thang trên lưng chừng núi, ông đã nhìn thấy một tảng đá lớn. Mừng rỡ, ông vội tụt xuống:

- Rồi! Rồi!!! Thấy rồi, hay quá! - Vừa nói ông vừa khoát tay cho Tập quay xe.

Ngay tối ấy, Tập cùng ông Nhu đến nhà ông Cuộc (chiến sĩ của D5) nhờ tìm hộ ông Mệnh. Tại nhà mình, chỉ sau mấy phút nghe mọi người trình bày, ông Mệnh hai mắt đỏ hoe:

- Người chính trị viên ấy như mẹ hiền... Tôi về đây từ năm 1988 vẫn thường nghĩ đến sự ra đi của anh ấy... nhưng cũng không biết thân nhân của anh ấy là ai, ở đâu, để rước anh về...

***

Chỉ sau 5 ngày kể từ khi Tập lên núi lần thứ nhất, chúng tôi có mặt tại Nha Trang. Một buổi sớm sương mù dày đặc, đoàn gồm 8 người (có 3 cựu binh D5) về Đồng Bò bằng xe U-oát. Dừng dưới chân núi làm lễ cúng cáo. Mặt trời đã lên khá cao mà sương vẫn chưa tan. Ông Nhu đau chân ở lại còn 7 người nối đuôi nhau theo đường mòn lên núi. Ngang lưng chừng, dừng nghỉ. Hai ông Mệnh, Tâm, cắt rừng về bên phải xác định lại địa danh. Chừng 30 phút cả hai thất vọng trở ra: Tảng đá ông Tâm nhìn thấy hôm trước là không phải. Nghỉ 15 phút, ông Mệnh lại cắt rừng về hướng cũ. Sau một giờ đồng hồ ông thất vọng trở ra:

- Nhiều đường mòn quá! Không thể xác định nổi con đường quen thuộc ngày xưa. Tôi đã cố tìm một số vật chuẩn in hằn trong trí nhớ... không biết chúng nằm ở đâu.

Ông Mệnh không nản. Sau một hồi nghỉ ngơi, ông lại rủ ông Tâm theo hướng cũ cắt rừng lần thứ ba. Trời nắng gay gắt. Đã giữa trưa, chúng tôi đều nóng ruột mà hai cựu binh vẫn biền biệt. Tất cả đều tìm hóng mát, hết ngồi lại nằm. Chợt một người gánh than đi xuống, đặt gánh ngay trước mặt Tập:

- Anh đã gặp ông Bảy Nghĩa chưa?... Hôm trước nghe anh nói, tôi về có hỏi ông Bảy. Ông nói có một ngôi mộ được đắp bằng những cụa đá to bằng cái đầu mà họ làm rẫy sắp đến nơi rồi!

Cả đoàn phấn chấn bật dậy: Quyết định xuống núi.

Ông Tùng hối hả lao xuống trước hỏi dồn dập mọi người.

- Hai thanh niên này biết ngôi mộ ấy - ông Nhu vừa nói vừa chỉ tay vào hai người đi rừng.

- Ở trên kia cạnh một gốc cây, có một ngôi mộ chất đá từng cục nhưng sau này họ bốc đá đi để đốt than. Đúng mộ ở dưới không thì cháu chưa rõ. - Hai thanh niên trả lời.

Ông Tùng mặt cắt không còn một giọt máu, cả đoàn chúng tôi sững sờ - Hy vọng cuối cùng tưởng đã cầm chắc, nay có nguy cơ vượt khỏi tầm tay.

- Phải về ông Bảy Nghĩa ngay. - Ông Tùng giục giã, rồi nói với hai thanh niên đi rừng - Được, các cậu ở đây chờ chúng tôi một tí để xác minh lại.

Trong đám người đó có một chú bé là cháu nội ông Bảy Nghĩa, dẫn chúng tôi đi. Ông Bảy đã già nhưng vẫn còn rắn chắc lắm! Đúng là dân vùng ven núi. Nghe ông mô tả ngôi mộ thì thấy hoàn toàn khớp với tín hiệu đã thu được.

- Lần đầu tiên tôi thấy ngôi mộ là năm 1954. Gần nhất, cách đây khoảng 7 - 8 tháng vẫn còn.

Cả đoàn cùng ông Bảy trở ra gốc cây mít. Hai vị cựu binh cũng đã xuống và đang ngồi nghỉ. Qua nguồn tin của hai thanh niên đi rừng, ông Bảy khẳng định ngôi mộ mà ông biết ở chỗ khác. Cả ba vị cựu binh tập trung hỏi dồn dập, ông Bảy trả lời không kịp.

- Phải đường lên mộ đây không? - Ông Nhu vừa hỏi vừa chỉ tay lên con đường khi sáng.

- Không phải núi này. Ở phía bắc cơ!

- Cám ơn các em. - Ông Tùng quay lại nói với hai người đi rừng - Cho tôi xin địa chỉ, đề phòng hướng ông Bảy chưa chắc.

Ông Tâm ghé tai ông Tùng: "Địa chỉ ông Nhu ghi rồi".

Khi ấy đã quá giờ ngọ. Xe chúng tôi quay đầu về hướng bắc. Tới một xóm dân cư thưa thớt, tất cả xuống xe đi bộ khoảng 3 km về hướng tây. Lại vượt đèo với độ dốc chừng 50 độ. Nắng vẫn như thiêu đốt. Cả đoàn mệt nhoài. Ông Mệnh từ sáng đến giờ do vận động quá nhiều, nên vừa đi vừa than.

- Anh Vu ơi! Anh ở đâu! Chúng tôi mệt quá.

Chợt ông Mệnh hăng hái mắt sáng quắc:

- Có lẽ núi Dốc Gáo đây rồi. Đúng núi Dốc Gáo. - Ông chạy vượt nhanh lên trước. - Chính chỗ này, mỗi lần hành quân về chúng tôi thường ngồi nghỉ.

Ông Mệnh phăng phăng cắt rừng về bên phải. Ông Bảy cũng cắt rừng theo hướng đó, rồi đi thẳng và chỉ tay:

- Đây này!

Cả đám chúng tôi cùng lặng đi.

- Đúng mộ anh Vu rồi! Anh thắp hương van vái đi. - Ông Mệnh mừng rỡ nói với ông Tùng.

Sau hai giờ đồng hồ ông Mệnh cùng ông Tâm đi kiểm tra lại các vật chuẩn, toàn đoàn họp lại ở dốc đèo để kết luận.

- Đúng một trăm phần trăm. - Ông Mệnh nói chắc mẩm.

Lễ cúng cáo và tưởng niệm. Ông Mệnh đóng một cột mốc ở phía nam và một cột bên kia đường cách ngôi mộ 8 mét.

***

Sau mười ngày kể từ khi tìm ra ngôi mộ, chờ anh em tề tựu đông đủ, đoàn chúng tôi lại từ thành phố Hồ Chí Minh trở ra Nha Trang vào Đồng Bò, cất bốc mộ ông Vu.

Ở độ sâu 60 cm xuất hiện một chiếc răng, đất thủng xuống một lỗ. Sâu chút nữa, nhìn thấy hộp sọ. Những lời buột miệng đầy xúc động. Ông Tùng khóc thành tiếng. Tiếp tục thấy xương tay, xương chân..., mộ hài cốt còn nguyên vẹn đến cả hàm răng - vượt ngoài dự kiến.

- Đúng trán và răng anh Vu. Đúng! Đúng! - Cả ba người cựu binh cùng lên tiếng.

... Tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với sự có mặt của UBND huyện, ủy ban Mặt trận, Ban chỉ huy quân sự huyện, buổi lễ truy điệu trang nghiêm được cử hành. Những người lính bồng súng chào vĩnh biệt...

Bó hương cháy đã gần tàn. Ông Dũng vẫn đứng cúi đầu trước mộ anh mình: "Thế là anh đã trở về với mảnh đất quê hương. Hãy yên nghỉ ngàn thu, anh nhé..."

Huế, tháng 4 - 1992

V.H.
(TCSH50/07&8-1992)

 

 

 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Các bài đã đăng
Cơn mưa Tân Mỹ (06/07/2021)
Cỏ xót xa tôi (21/05/2021)