Bút ký - Tản văn
Lập công
14:06 | 24/07/2023

VÕ MẠNH LẬP
          Ghi chép

Sau trận Ca-mác, đồn Lai Hà được dựng lên. Làng mạc san sát bây giờ dân bị gom lại, nhà cửa, bờ tre, cây cối bị san bằng không còn một cành cây, ngọn cỏ.

Lập công
Ảnh: internet

Đồn nổi lên là cụm nhà tôn trắng xóa. Giữa là đồn bốt tề ngụy, xung quanh là nhà dân dồn vào làm “bức tường” che chắn. Phía Đông là phá Tam Giang, phía Tây xa xa là làng Tây Hóa, xã Quảng Thái. Lá cờ ba sọc cao vụt lên, lượn lờ suốt ngày đêm giữa bầu trời xám xịt chen lẫn mùi khói thuốc súng. Từ đồn vào làng là cánh đồng mênh mông trống trơn dù cho một cánh chim lạc bầy cố tình lượn qua lượn về tìm bầy đàn cũng không tránh khỏi những con mắt cú vọ của lính trên các chòi canh. Tề ngụy quanh vùng được dựng nổi lên như rươi. Lý Huề, tên ác ôn cầm đầu khét tiếng trú ngụ trong đồn bên cạnh bọn ngụy tề.

Trên đường hành quân nhiều đêm, những người lính 231 ao ước nhanh chóng đến địa bàn tập kết và mong sao Ban Chỉ huy ra lệnh toàn tiểu đoàn xông vào trận mạc. Huỳnh Hồng cũng có ý nghĩ như thế nhưng anh lại muốn được vượt ranh giới Thừa Thiên ra hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong để tận mắt quan sát trận Ca-mác lớn lao, nguy hiểm đến chừng nào? Anh cũng muốn tìm hiểu thêm những nguyên nhân về sự tổn thất nặng nề của Trung đoàn 101 và đặc biệt hình ảnh Tham mưu trưởng Trung đoàn - Phan Xuân nổi cộm lên nhiều câu hỏi chờn vờn muốn lý giải.

Tiểu đoàn 231 không được lệnh ra đất Quảng Trị mà phải luồn sâu vào đất Phong, Quảng vừa mới bị lấn chiếm sau trận Ca-mác tháng 8 năm 1953. Trung đội 3 thuộc Đại đội 107 đi sâu vào vùng Phong Nhiêu, Trung đội 1 của Hồng về vùng Phong Chương, Quảng Thái và ém quân vào nhà dân quanh vùng chợ Nịu. Chợ Nịu tuy là vùng tranh chấp nhưng hai trung đội phòng vệ áo đen từ đồn Lai Hà đêm đêm cũng thường đột nhập quấy phá. Đèn nhà nào nhỡ chưa kịp tắt theo giờ quy định, liền bị tụi nó xông vào bắn giết.

Vùng tự do Phong, Quảng sa vào tay giặc chưa bao lâu, tình hình dân chúng đã nao núng lo lắng, ngày ra đường không dám cất mặt nhìn ai, tối tối chưa đến 8 giờ phải tắt đèn thao thức chờ đợi và ước một vận may trong ngày hôm sau.

Bây giờ Huỳnh Hồng đã trở thành một thanh niên vững chãi, người không tròn như hạt mít năm xưa nữa. Nước da vẫn hiêng hiểng, ngăm ngăm lộ khuôn mặt bầu bĩnh đẹp trai và chín chắn, quyết liệt hơn. Chưa có lệnh, từ sáng sớm anh đã thoăn thoắt trèo lên cây nhãn cao nhất của nhà ông Thạo để quan sát đồn Lai Hà. Huỳnh Hồng cố rướn đôi mắt để nhìn kỹ góc cạnh đồn bốt, con đường vô ra, bót canh, ụ súng... và cố đếm có bao nhiêu thằng vươn vai, khoa tay múa chân tập thể dục buổi sáng.

Đang tập trung tinh lực quan sát, bỗng nhiên có tiếng gọi quen quen dưới gốc cây vọng lên:

- Hồng, xuống đây tau nói chuyện ni.

Vừa nhìn xuống Hồng bật tiếng “dạ” tròn vo và nhanh chóng linh cảm có điều gì mới mẻ từ Chính trị viên Đại đội Nguyễn Sỹ Thọ và Đại đội phó Lâm, đang ngước nhìn lên.

- Hồng quan sát đồn Lai Hà? - Nguyễn Sỹ Thọ cười thân mật.

- Dạ! - Hồng cười vui với hai con mắt sáng quắc để chờ đón những điều mới từ hai vị chỉ huy quan trọng.

- Vùng này Lý Huề... - Nguyễn Sỹ Thọ vừa cất tiếng giữa chừng như để đắn đo rồi nói tiếp:

- Thằng ác ôn này hoạt động mạnh lắm, hắn khét tiếng tới mức dân chúng một vùng rộng lớn Phong, Quảng ai cũng biết và dè chừng. Các tổ chức kháng chiến, lực lượng vũ trang địa phương bị đánh bật ra ngoài. Khí thế dân chúng của vùng tự do xưa nay hầu như biến mất. Huyện ủy Quảng Điền chờ mong mãi, bây giờ đề nghị lực lượng 107 tìm cách xóa đồn Lai Hà và diệt cho được Lý Huề... Hồng thấy thế nào? Có làm được không?

Huỳnh Hồng lắng nghe không sót một lời. Ý tứ Nguyễn Sỹ Thọ vừa truyền đạt làm cho cái bụng anh sướng ran lên. Huỳnh Hồng chưa kịp đề xuất gì, Đại đội phó Lâm bổ sung:

- Bên cạnh Lý Huề còn có hai trung đội áo đen hăng hái rình rập, bắt bớ, giết chóc không gớm tay. Trong đồn còn có bọn Tây, bọn ngụy, hai trung đội này vừa bảo vệ Lý Huề trong ban ngày, vừa thực thi những gì mà Lý Huề muốn vào ban đêm.

- Em xin hứa với hai anh - Hồng sung sướng nói nhanh.

- Bọn mình biết thế nào cậu cũng hăng hái nhận - nhưng Chính trị viên, kiêm Bí thư Chi bộ Đại đội 107 ngưng lời nói và nhìn thẳng vào Huỳnh Hồng cười thân mật - Nhưng cậu đã biết mặt mũi Lý Huề ra răng mà nhận mau rứa? Đại đội trưởng tin cậu, nhưng cậu phải cẩn trọng suy nghĩ, nghiên cứu cho kỹ và báo cáo với Ban Chỉ huy trước khi hành động.

Chia tay hai vị chỉ huy, Huỳnh Hồng tự hào được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ và lần đầu tiên anh cảm thấy mình đã trưởng thành, khôn ngoan, chín chắn thêm một chút. Làm lính của Tiểu đoàn phó Thân Trọng Một phải biết dũng cảm, quyết liệt. Đồng thời là lính của Nguyễn Sỹ Thọ cũng cần chín chắn, điềm tĩnh và mưu lược. Cả hai kiểu cách kết hợp lại thành một sức mạnh mới có thể bách chiến, bách thắng!

Đánh đoàn tàu Đá Dầm tuy lớn, nhưng so với đồn Lai Hà thì không đơn giản chút nào. Đồn nằm giữa một cánh đồng mênh mông không cây cối, có những ác ôn khét tiếng như Lý Huề cùng nhiều lính tinh nhuệ, vũ khí hiện đại, cộng với tinh thần đang kiêu hãnh sau chiến thắng Ca-mác. Người dân bị tập trung, tuy có nhiều năm tháng một lòng một dạ theo Việt Minh, bây giờ biết đâu vẫn còn người lòng dạ thay đổi, nó giống như thân cây lúa, gió chiều nào ngã theo chiều ấy. Qua suy nghĩ, Huỳnh Hồng một mặt tìm cách quan sát, mặt khác tìm hiểu lựa chọn những người dân tin cậy để nắm bắt quy luật hoạt động của bọn lính ác ôn Lý Huề và cả các quy luật vô ra ruộng đồng, chợ búa của người dân...

Huỳnh Hồng đóng giả một người dân đi phạt bờ ruộng, trên vai là một cái phảng dài, đầu đội nón rách. Anh theo bờ hóp vừa tiến thẳng từng bước vào Lai Hà vừa quan sát trong khi giáng những nhát phảng mạnh xuống các bờ ruộng với động tác thành thục.

Người dân đi từ các làng ra trên vai có đòn xóc hay tre nứa, đóng giả theo kiểu cách ấy khi đụng độ xoay xở sẽ bất lợi. Chỉ còn cách đóng giả phụ nữ đi chợ Nịu trở về Lai Hà là thượng sách.

Anh vào nhà một nông dân quen biết và lên tiếng:

- Hai o ơi, cho tôi mượn quần áo của các o với!

- Mượn mần chi? - Một o bẽn lẽn và ngạc nhiên lên tiếng.

- Đóng kịch.

- Rứa thì được, nhưng cái hình anh như rứa, áo quần em sẽ rách toác ra hết. Ui chao ôi!

Thấy răng nói rứa, cô gái nói thật nhưng Huỳnh Hồng đỏ tai tía mặt bẽn lẽn nhút nhát như lần Tiểu đoàn phó Thân Trọng Một khích lệ đánh được Đá Dầm sẽ cưới cho một cô gái đẹp.

- Không có chuyện nớ mô! - Huỳnh Hồng ú ớ bật ra từng tiếng nho nhỏ, nhân thể hai o cho tôi mượn một cái rổ và xin độ chục bẹ môn nước dài dài một chút.

- Ôi dào! Lại chuyện chi nữa rồi. - Một o nhanh miệng.

- Đóng phụ nữ bán môn.

- Khi mô diễn?

- Gần rồi, khi nớ tui không quên mấy o mô.

Huỳnh Hồng tự tin chuẩn bị cho mình. Súng, Huỳnh Hồng bó xếp vào giữa bẹ môn, tin chắc rằng hành động sẽ rất có hiệu quả. Chính trị viên Nguyễn Sỹ Thọ, Đại đội phó Lâm thấy Huỳnh Hồng thật sự “đẹp gái” khi mặc quần áo phụ nữ. Hai anh hài lòng nhưng không quên nhắc nhở Huỳnh Hồng phải chú ý phần cuối, kết thúc “kịch bản” và toàn bộ kế hoạch sẽ được thực hiện vào ngày hôm sau.

Đánh đồn Lai Hà, tiêu diệt tên ác ôn Lý Huề là sự kết hợp nhiều mũi, nhiều bộ phận và nhiều người tham gia. Nhưng nguyên tắc tác chiến là việc ai nấy biết, cái mũi đánh chính diện quan trọng bậc nhất là do Huỳnh Hồng đảm trách. Phần cuối “kịch bản” mà Chính trị viên Nguyễn Sỹ Thọ nhắc nhở về ác ôn Lý Huề, Huỳnh Hồng ghi nhớ kỹ. Huỳnh Hồng giấu kín tất cả những gì vừa chuẩn bị và ra một gốc cây để khắc họa lại Lý Huề. Hắn có khuôn mặt vuông chữ điền, cằm hơi bạnh ra như hổ mang, không râu, một nốt ruồi đen to ở cằm và nhiều sợi lông đen kết thành một chùm từ nốt ruồi tuôn ra dài thượt gần hết cuống cổ. Nhà tập trung dân có bốn dãy. Lý Huề ở buồng thứ hai của dãy hai, giữa phòng hắn ở có kê một bức phản lớn, phía dưới phản nằm là hầm trú ẩn, trước nhà có lính gác, phía trên có chòi canh.

Huỳnh Hồng đang sắp xếp và kiểm tra lại mọi thứ thì trời vừa tối. Bỗng dưng nhiều loạt súng tiểu liên nổ ran và tiếp theo là nhiều tràng súng các cờ chíu chíu vạch thành những đường xanh đỏ đan chéo nhau xuyên vượt cánh đồng.

Sự cố xảy ra khá bất ngờ, Huỳnh Hồng không biết trao đổi, hỏi han với ai. Nhiều người lính ở các nhà bên cũng ngơ ngác. Chính trị viên Nguyễn Sỹ Thọ, Đại đội phó Lâm ở quá xa. Anh lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra? Sự cố này liệu có ảnh hưởng gì đến kế hoạch của anh trong ngày mai? Lại một đêm quan trọng mà phải chập chờn trăn trở không biết chia sẻ với ai. Kim Thảo đang ở đâu? Kế hoạch phối hợp tác chiến có gì trợ lực cho nhau không?

Sáng sớm hôm sau mặt trời vừa ló dạng, dân chợ Nịu tất bật truyền tin nhau: “... tám thằng biệt kích áo đen của Lý Huề chết vắt trên hàng rào kẽm gai”. “Tụi hắn bị mù à”. “Không! Việt Minh xử khi tụi hắn đi lùng sục”. “Nó bắn vu vơ không dám chĩa súng ra phía bọn áo đen bị phục kích nên ta không hề chi”. Bỗng dưng trong lòng nghĩ đến Kim Thảo nhưng Huỳnh Hồng vẫn đến một vị trí theo kế hoạch sẵn sàng trong mọi điều kiện để nhận ám hiệu tác chiến.

Mặt trời lên dần. Trưa. Mặt trời xuống dần. Tối. Ám hiệu từ một phụ nữ làm rơi một gánh lúa trước đồn Lai Hà vẫn không thấy. Huỳnh Hồng mất ngủ nhưng vẫn mở to mắt quan sát. Không thấy thuyền ra vào gặt lúa, lính tráng ít đi lại, dân chúng thi thoảng mới có người ra vào trại tập trung.

Sau đó Huỳnh Hồng mới có tin tiểu đội của Hoàng Kim Thảo, người bạn cùng họ, cùng làng đã tiêu diệt gần gọn bọn lính áo đen. Tiêu diệt sự hung hăng của hai trung đội ấy cũng giảm bớt khó khăn, trở ngại, dọn đường cho Huỳnh Hồng thực hiện tốt kế hoạch. Hèn chi suốt ngày hôm ấy đồn Lai Hà cảm giác như đã chết lặng, không còn sinh khí.

Và cũng trong đêm ấy, Huỳnh Hồng nảy ra ý định viết nắn nót toàn bộ tội ác của Lý Huề để khi hạ gục, dán thẳng vào mặt nó bản tuyên án tội danh. Trong bản cáo trạng Huỳnh Hồng ghi rất rõ số gia đình bị bọn áo đen bắn giết, tra tấn, bắt bớ dã man. Và nhiều chi tiết thu lệ phí trắng trợn như: chở một đò lúa khoảng một trăm bó phải đóng tám đồng, mua một lá cờ ba sọc cắm đuôi thuyền 5 đồng, một xe đạp Steslin đóng 15 đồng...

Vừa gấp bản cáo trạng bỏ vào túi, tự nhiên Huỳnh Hồng liên tưởng đến Tham mưu trưởng Phan Xuân: liệu hắn - con chó xấu xí kia có láng váng gì ở đồn Lai Hà không? Nếu có thì luôn thể...

Ngày thứ hai, chờ đợi, không thấy ám hiệu. Đồn Lai Hà vẫn thưa thớt người vô, ra. Nông dân từ các làng xã, nông dân tập trung trong đồn cảm giác như không muốn ngó ngàng đến ruộng đồng, lúa má đang chín rộ.

Trời tối không thấy mặt người, Huỳnh Hồng vào một nhà dân đang bỏ trống. Gói gọn trang phục, anh lần ra vườn mò mẫm từng bụi khoai lang, nhặt từng củ, lau sạch cho vào mồm nghiến ngấu. Đang trong một vị thế giữ gìn bí mật chờ đợi thời cơ tác chiến nên anh ngưng mọi liên lạc với xung quanh, kể cả Ban Chỉ huy và bạn bè đồng đội 107. Khát, anh uống tạm nước các hố sâu ruộng đồng. Đói, ăn cầm hơi khoai, lá. Nếu không có một sức khỏe phi thường và một ý chí kiên cường thì khó lòng vượt qua. Nắng, mưa, đói, khát, muỗi đeo bám, Huỳnh Hồng vẫn sẵn sàng chờ đợi. Tình hình “bình lặng” kéo đến 3 ngày ròng rã. Liệu Ban Chỉ huy có thay đổi kế hoạch gì không? Huỳnh Hồng suy nghĩ, mà nếu có sự thay đổi sự việc đụng chạm đến Huỳnh Hồng thì anh vẫn cương quyết không thay đổi mục tiêu như kịch bản Ban Chỉ huy đã thông qua. Sáng sớm hôm sau Huỳnh Hồng lại tiếp tục mở to đôi mắt quan sát chờ ám hiệu chiến đấu. Người ra đồng nhiều hơn mấy hôm trước. Mặt trời lên cao. Trưa, xế chiều. Thời gian căng thẳng kéo dài. Hai cánh tay và tấm áo phía đằng lưng Huỳnh Hồng mồ hôi vã ra như tắm.

Một gánh lúa xuất hiện trước đồn Lai Hà. Đôi mắt Hồng mở to và bám lấy từng cử chỉ những người gánh lúa. Bỗng nhiên một đầu lúa bật tung ra khỏi đòn xóc. Hồng đưa tay áo lên dụi mạnh vào đôi mắt “vờ hay sự thật?”. Cô gái lại cúi xuống loay hoay như muốn dí một đầu đòn xóc vào bó lúa rơi. Đúng ám hiệu rồi! Huỳnh Hồng khẳng định. Anh nhanh chóng nách rổ môn ra đi. Được một đoạn anh chợt nhớ Chính trị viên Nguyễn Sỹ Thọ dặn đi đứng phải mềm mại. Anh vừa lắc người qua lại, tay trái khoát lia lịa như bơi thuyền, đôi chân thoăn thoắt đi tới. Huỳnh Hồng đã lọt vào cổng đồn Lai Hà. Dãy nhà số 2, phòng số 2 đây rồi! Anh đặt rổ môn xuống góc cửa. Chính diện là con người có khuôn mặt vuông lộ rõ chòm lông dài ở nốt ruồi đen dưới cằm. Bên cạnh hắn là một người mặc áo vàng đang say sưa chuyện trò, có vẻ quan trọng. Huỳnh Hồng dí súng vào tên có chòm lông ở nốt ruồi. Một loạt tiểu liên nổ giòn tan. Huỳnh Hồng kẹp súng vào trong chiếc áo dài và thoăn thoắt đi ra cổng đồn. Phía sau lưng là tiếng khóc la hét. Một bà già đang gặt lúa phía trước đồn, gay gắt:

- Mụ tê, răng lại đi rứa!Không sợ nó bắn à?

- Răng mụ can tui. Việc mụ, mụ mần, việc tui đi, cứ đi.

Huỳnh Hồng cứ đi thoăn thoắt và băn khoăn liệu có phải mình vừa bắn Lý Huề không? Đồn Lai Hà quy định có sự cố, ai chạy, bị bắn bỏ. Anh vẫn giữ đều giữa đi và chạy. Hai thanh niên đồng phục áo đen tay cầm đòn xóc từ làng Tây Hòa nhìn chằm chằm vào Huỳnh Hồng và lên giọng:

- Răng mụ lại đi?

Hai thằng lên tiếng bỗng dưng sắc mặt tái mét và quay lưng biến vào làng. Huỳnh Hồng liếc qua vai phải của mình thấy đầu súng tuyn thò ra đen ngòm, anh cười tủm tỉm trước kiểu thoát thân hú hồn của hai thằng áo đen. Đến bìa làng Tây Hòa chợt nhớ trung liên và cối yểm trợ của Đại đội phó Lâm. “Tại sao các anh không bắn yểm trợ chi cả”, Huỳnh Hồng tự hỏi. Đang suy nghĩ như vậy bỗng nghe tiếng xẹt ở trên đầu và hai tiếng nổ chát chúa và đanh ở bìa làng, Huỳnh Hồng nằm rạp xuống, chưa kịp đứng lên để chạy thì tiếng viu viu, xẹt xẹt nối tiếp. Ca nông đồn Mỹ Chánh đã bắn chặn rồi. Huỳnh Hồng phỏng đoán. Một lát sau hai quả ca nông khác nổ sau lưng. Anh nghĩ, chúng nó đã xác định bóng dáng người “phụ nữ” đi như chạy kia đã gây ra chấn động ở đồn Lai Hà. Khi mục tiêu đã xa tầm bắn của các cỡ súng nhỏ, chúng mới cầu viện đến pháo cỡ lớn ở đồn Mỹ Chánh. Pháo tiếp tục bắn, Huỳnh Hồng đã nghĩ cách chạy ngang lên động cát. Anh dạt vào xóm nhà sát động cát. Mấy trẻ em nhà phía trước đang ngồi lom khom như kiểu che chở súng đạn cho nhau.

- Các cháu ơi, đường về chợ Nịu chỗ mô? Chỉ cho anh với.

- Tui không biết! Tui không biết. Đi đi!

Huỳnh Hồng rất ngạc nhiên trước thái độ mấy đứa trẻ. Ngoảnh mặt thất vọng đi được một lúc, anh mới phát hiện những đứa trẻ kia hoàn toàn không có lỗi. Đang trong hoàn cảnh súng đạn ầm ầm, anh xưng hô với chúng nó là anh mà trên người đang đồng bộ áo quần phụ nữ. Anh phì cười và muốn cởi bộ quần áo phụ nữ ra, trở vào xin lỗi.

Trời bắt đầu nhá nhem. Phía hướng anh đang bươn tới, nhiều ánh đèn dầu đã thắp sáng. Vừa đi, anh vừa băn khoăn tại sao Đại đội phó Lâm không bắn yểm trợ cho anh rút lui, mà cũng buồn cười thật, nếu anh Lâm có yểm trợ, sự việc đột nhập giết Lý Huề không thành công thì Đại đội 107 sẽ cười cho anh thối mũi. Đến giờ phút ấy vừa theo hướng đèn tìm đến chợ Nịu, anh vừa băn khoăn không biết những viên đạn vừa nhả ra có nhằm đúng Lý Huề không?

Bước chân định hướng của anh như có sức hút của nam châm vừa lọt vào một xóm quanh chợ Nịu, Huỳnh Hồng vừa văng vẳng nghe: “Đồng chí Đổng đã về rồi! Có tìm ra Huỳnh Hồng không?” Tiểu đoàn trưởng Chi và nhiều đồng đội hỏi Đổng dồn dập. Huỳnh Hồng biết chắc là đại đội đang quây quần quanh ngọn đèn dầu sáng ở mái hiên chờ tin tức từ trinh sát Đổng mới trở về báo cáo. Đứng trước Ban Chỉ huy Đại đội và đông đủ các trung đội, Đổng lên tiếng:

- Báo cáo Ban Chỉ huy, ta tiêu diệt được Lý Huề rồi! Tôi tìm nhiều chỗ không thấy Huỳnh Hồng mô cả.

- Hồng có chuyện chi rồi! - Một số người lính băn khoăn.

Huỳnh Hồng bước thẳng đến chỗ Đổng đang đứng lên tiếng và báo cáo dõng dạc:

- Tui đây! Tui còn sống đây! Thưa Ban Chỉ huy!

Chính trị viên Nguyễn Sỹ Thọ đứng dậy đi thẳng đến và ôm chầm Huỳnh Hồng:

- Đồng chí có công lớn.

Cả Đại đội 107 đều vỗ tay và ào đến vây quanh con người đen tròn, vai đeo súng, mặc áo cánh và trên vai còn vắt chiếc quần đen phụ nữ, để nhìn ngắm vị anh hùng cảm tử quân mới chiến thắng trở về.

V.M.L
(TCSH49SDB/06-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)