Tiểu thuyết
Tiếng thở dài của đất
14:37 | 13/07/2009
NGUYỄN QUANG HÀ                Trích tiểu thuyếtMặc dù chồng nói đất Thành cổ Quảng Trị bị cày xới, bom chồng lên bom, khó có một ngôi mộ nào được nằm yên đâu. Hoạ may lật từng xác lên mới có thể tìm thấy miếng nhôm ghi tên tuổi, số lính, quê quán người tử trận. Bởi tấm danh thiếp này thường đeo nơi cổ mỗi người lính cộng hoà đề phòng sự tìm kiếm sau này.
Tiếng thở dài của đất
Nhà văn Nguyễn Quang Hà

Mẹ Quyên vẫn nằng nặc đòi được ra cái mảnh đất Tín chết. Chiều vợ, ông Nhân đưa mẹ con Như lên Huế, nhảy xe đò ra Thành cổ Quảng Trị.

Xe đò dừng lại gần bờ sông Thạch Hãn, mẹ Quyên xuống xe. Trước mặt mẹ là cảnh đổ nát hoang tàn. Ông Nhân chỉ ngón tay trước mặt, vẽ những đường ngoằn ngoèo trong khoảng không, nói rằng đó là thị xã Quảng Trị xinh xắn, đó là khu Thành cổ xây từ thời vua Minh Mạng. Nhưng mẹ con Quyên chỉ thấy những hố bom sâu hoắm, những gạch vỡ, những đất màu đỏ quạch bị hất tung lên. Thành dài mấy cây số, chỉ còn một mảng vài chục mét nham nhở ở cổng phía đông. Thị xã Quảng Trị cũng vậy, chỉ còn duy nhất một mảnh tường của trường Bồ Đề. Không hề thấy dấu tích một con đường nào trong thị xã. Bom đạn đã xoá đi hết, đã vùi lấp hết rồi.

Ông Nhân dẫn mẹ con Như trèo lên đống đổ nát, xem có thấy một ngôi mộ nào không. Hoàn toàn không có một ngôi nào.

Có tiếng người đàn ông nào hét toáng sau lưng:

- Này mấy người kia ơi, quay lại đi. Mìn còn đầy ra đó. Khéo nhẵm mìn chết cả lũ bây giờ. Quay lại đi.

Không thể thi gan với sự chết chóc đang rình rập, ông Nhân đành dắt mẹ con Như quay lại.

Mẹ Quyên than vãn:

- Ham hố gì mà con đến cái nơi rùng rợn nhường này, Tín ơi.

Ông Nhân giải thích cho vợ:

- Chúng nghe người ta xúi giục, muốn làm người anh hùng mình ạ. Chưa ngửi được mùi anh hùng thì đã tan xác rồi. Đó cũng là một bi kịch của cõi đời này đấy.

Trưa nắng, ba người dừng chân nơi quán nước trơ trọi, không một tán cây che nắng bên bờ sông.

Bà chủ quán hỏi:

- Ông bà đi tìm mộ con phải không?

Ông Nhân đáp:

- Vâng. Cháu có tên trong danh sách chết trận cổ Thành đăng trên báo Điện Tín.

Bà chủ quán chép miệng:

- Tất cả đều nằm ở dưới cái đống đổ nát kia. Tám mươi mốt ngày đêm. Mỗi ngày ngã gục mấy trăm nhân mạng. Tội quá, không ngày nào không có hàng chục ông bố, bà mẹ đến đây tìm con, rồi nước mắt ngắn nước mắt dài trở về tay không. Chẳng biết thảm cảnh này còn biết kéo dài đến bao giờ.

Bà vào trong quán lấy một thẻ hương đưa cho ông Nhân. Bà nói:

- Ông bà thắp một thẻ hương, thắp vọng cũng được, cho con mình, cho cả những người cùng ngã xuống.

Khói hương bay mềm được một đoạn rồi mờ dần, mờ dần, tan vào không trung. Ông Nhân lấy tiền trả bà chủ quán. Bà xua tay lắc đầu:

- Tôi không có con chết trận ở đây. Nhưng cứ nhìn những người đi tìm con, tìm chồng mà nát cả lòng. Tôi mở quán này, có bát nước độ đường và có thẻ hương làm phúc. Không lấy một đồng nào của ai cả.

- Bà thật tốt. Ông Nhân điềm đạm nói.

- Người Quảng Trị chúng tôi có câu “ơn người phúc ta” ông bà ạ. Biết đến bao giờ mới tìm hết được xương cốt chúng nó ở cái Thành cổ này.

Chiều tối ông bà Nhân mới về đến bến đò Phú Đa. Dẫu không thấy mộ, mẹ Quyên cũng đã đến được nơi Tín chết. Bom đạn ngần ấy sống làm sao được. Nhặt nhạnh, thu vén nuôi con mười chín hai mươi tuổi đầu, biết bao nhiêu trông mong, nhờ cậy, bỗng trắng tay. Phải là người mẹ đứt ruột đẻ con ra mới thấm thía hết nỗi đau đớn ấy. Có lẽ vì vậy không ai hiểu cái nghiệt ngã chiến tranh bằng những người mẹ.

Ở Thành cổ về, mẹ chấp nhận cái chết của Tín, nhưng lại quay sang suốt ngày nhớ Lễ và Trí. Mẹ không nói chuyện với ai, mà cứ lẩm bẩm một mình:

- Lễ ơi, Trí ơi, các con ở đâu bây giờ. Các con có biết thằng Tín nó chết rồi không. Xác nó bị vùi sâu dưới đống gạch đổ nát các con ạ. Sao các con không gửi thư về cho mẹ. Đừng bỏ mẹ mà đi như thằng Tín, Lễ và Trí nhé.

Lẩm bẩm một mình xong mẹ đi một vòng bến đò rồi quay về bàn thờ Tín thắp hương cho nó. Không bữa nào mẹ không đơm một bát cơm, xắp một đôi đũa đặt lên bàn thờ:

- Tín ơi, về ăn cơm với mẹ đi con.

Như nhìn mẹ mà ái ngại. Mẹ tinh anh, nhanh nhẹn, thanh thản thế, bây giờ nhiều lúc mẹ tỏ ra rối trí. Dốc hết tâm lực cho ngần ấy đứa con, các con đã rút mòn hết sức lực mẹ. Bỗng một hôm mẹ một mình đi Huế và mang về nhà tượng Phật bà Quan Âm, chuông mõ, kinh kệ. Mẹ lập bàn thờ Phật.

Ba Nhân bảo:

- Mẹ con cũng đã đến tuổi già rồi. Người già rất muốn được con cái quần tụ, muốn được con cái chăm sóc mình, nhưng con cái bị hút vào chiến tranh hết, đầu óc mẹ đâu còn được bình yên. Khi tinh thần khủng hoảng, thì người ta tìm đến tôn giáo, để bộc bạch, tâm sự. Giáo lý của đạo Phật là phật tại tâm, là từ bi hỉ xả. Cứ để mẹ con tìm sự bình tâm trong Phật giáo.

Như đáp:

- Vâng. Con biết mẹ đang rất lo cho hai em Lễ và Trí. Em Lễ còn có thư về, nhưng Trí thì bặt tăm.

- Lễ lớn rồi. Nó ý thức được mình hơn, ý thức được gia đình. Còn Trí và Tín đang còn ngựa non háu đá. Lý tưởng của Trí đang bị cuồng vọng lôi nó đi, con ạ.

Sáng nào mẹ cũng dậy sớm đánh chuông tụng kinh suốt hai giờ đồng hồ. Mẹ ít nói hơn, trầm mặc hơn, nhưng thanh thản hơn. Một hôm Nghĩa về rất sớm, lúc mẹ đang tụng kinh. Như “suỵt” ra hiệu cho em đừng kinh động:

- Có việc gì mà về sớm vậy em?

Nghĩa kéo chị vào phòng, thủ thỉ:

- Em có việc này muốn hỏi chị.

- Chị nghe đây.

- Em có người yêu rồi chị.

- Tốt.

- Một chàng sinh viên.

- Tốt.

- Tốt bụng, hăng hái và nhiệt tình.

- Điều quan trọng nhất là nó có yêu em không hay tình yêu đơn phương?

- Anh ấy rất yêu em.

- Tốt. Vậy em định hỏi gì chị đây. Hai đứa sắp cưới à?

- Chưa. Chưa cưới. Anh ấy hoạt động trong phong trào sinh viên. Bây giờ trên chiến khu lệnh anh ấy lên. Anh ấy có xin cho em đi cùng. Em hỏi chị, có nên không?

Không cần suy nghĩ, Như nói ngay:

- Em không nên nhẵm chân vào bài học thất bại của chị. Chị đã tin Tùng, để Tùng đi, thế là mất cả chèo lẫn lái. Tình yêu tốt nhất là luôn ở bên nhau. Sự có mặt của mình người khác sẽ phải tránh. Nếu em đã thật sự thấy đời mình không thể thiếu được chàng sinh viên ấy, anh ta đã ngỏ lời đem em đi theo thì em đi. Ở trên chiến khu, an toàn hơn nơi đối mặt trực tiếp với súng đạn.

Nghĩa hỏi:

- Theo chị, như vậy là em đi.

- Tất nhiên. Đi lúc nào đây em.

- Tối nay. Quyết định hơi gấp, nên em về sớm để hỏi chị và hỏi mẹ.

- Thôi. Đừng kinh động mẹ khi mẹ đang tụng kinh. Đây là tin vui cho gia đình ta. Em cứ đi, chị sẽ nói lại hết với ba và mẹ. Em có cần chuẩn bị gì thêm cho chuyến đi đặc biệt này không?

- Anh ấy bảo trên chiến khu đủ cả.

- Chàng sinh viên có nói lên chiến khu em sẽ làm gì không?

- Anh ấy bảo chỉ cần mình có tinh thần. Còn công việc cụ thể, căn cứ vào năng lực của mình cấp trên sẽ phân công.

- Tốt.

- Em gửi lời chào mẹ, chào ba.

- Chúc em đi chân cứng đá mềm.

Hai chị em ôm chầm lấy nhau.

Thế là lại thêm một cuộc chia tay. Thế là những con gà con của gà mẹ đã đi hết. Mỗi đứa đều đi theo một cái vẫy tay riêng. Chúng đều có lý tưởng của chúng. Khi Như thông báo tin này cho ba mẹ.

Ba nói:

- Đúng là đứa nào có số phận của đứa nấy.

Mẹ thì cụ thể hơn, xót xa:

- Ai ngờ những đứa con của mẹ lại dàn chiến tuyến để bắn nhau.

Ý nghĩ này càng thôi thúc mẹ đến với chuông mõ kinh kệ. Đêm nghe tiếng súng đâu đó vẳng lại, mẹ lại giật mình:

- Như ơi, có phải thằng Tín với con Nghĩa, hai chị em nó đang bắn nhau đấy không con.

Sau những đêm như thế, mẹ lại dậy sớm hơn để gõ mõ tụng kinh. Nỗi mong mỏi nhất của mẹ bây giờ là không còn tiếng súng nữa, cho các con mẹ được trở về đoàn tụ trong vòng tay của mẹ. “Im tiếng súng thì ăn muối cũng cam”.

Khi tiếng mõ cần mẫn của mẹ vẫn đều đều cất lên mỗi sáng, thì bất thình lình tiếng súng giải phóng Buôn Mê Thuột bùng lên. Như dây truyền nổ không thể gì dập tắt được, lính cộng hoà ùa nhau chạy khỏi Tây Nguyên. Huế không một tiếng súng, lính cộng hoà cũng tháo chạy. Bị chặn ở chân đèo Hải Vân thì quay lại, cuốn gói về phía cửa biển Thuận An. Trên cánh đồng Tân Mỹ, lính chạy bỏ của giữ người, ngổn ngang xe cộ, súng đạn, quần áo, giầy dép... chỉ có thể dùng hình ảnh lá vàng rụng tơi bời cuối thu, mới diễn tả hết sự ngổn ngang bề bộn của lính thất trận tháo chạy.

Con đường duy nhất đi khỏi Huế lúc này là lên tàu, ra cửa Thuận An, vào Nam. Tàu thì ít, lính thì nhiều. Kẻ ở trên tàu sợ tàu đông quá tải bị chìm chúng đạp những kẻ đang tiếp tục bám thành tàu leo lên. Đạp không hết thì bắn. Thế là súng trên bờ bắn lên tàu. Súng trên tàu bắn xuống. Tiếng súng nổ rền rã cho đến khi những chiếc tàu đã ra tít ngoài khơi xa. Trên bờ cửa biển Thuận An thì ngổn ngang xe cộ, súng đạn, áo quần. Còn dưới nước thì ngổn ngang xác chết. Chỉ một ngày hôm sau xác chết nổi lên lềnh bềnh. Ngư dân Thuận An đem cá biển lên Huế bán, không ai mua. Vì họ nói rằng: Những con cá ấy thế nào cũng rỉa thịt người ăn. Ăn cá chẳng khác gì ăn thịt người chết. Người bán cá chỉ còn cách đổ cá xuống sông, chở ghe, cắp thúng trở về.

Mẹ Quyên nói với chồng:

- Coi tính tình ương ngạnh của chúng nó, chắc thằng Tín không đầu hàng cộng sản đâu. Thế nào nó cũng tìm cách vào Nam. Tôi đoán chắc là nó đã bị đồng đội của nó bắn chết ở cửa biển Thuận An ông ạ. Tôi với ông phải đi tìm nó về chôn. Để thân xác nó bơ vơ, hồn vía nó lưu lạc, tôi không chịu được.

Thấy bà thay đổi cách xưng hô, không bao giờ bà xưng “tôi” với ông, bao giờ cũng “mình, mình”, “em, em” ngọt ngào, bây giờ bà xưng “tôi” tự nhiên. Rõ ràng bà đã là một người khác, người ấy đã già.

Không thể từ chối lời yêu cầu chính đáng của vợ, hai ông bà chống gậy xuống cửa Thuận An. Trước mắt hai người một khung cảnh hãi hùng. Ông bà đã thấy tận mắt Thành cổ Quảng Trị đổ nát tan hoang. Còn ở cửa Thuận An này là cảnh chết chóc ngổn ngang. Những xác chết bập bềnh trên sóng. Sóng xô dồn từng xác chết vào bờ. Người chết dày như nong tằm. Hàng trăm người về Thuận An như ông bà. Họ lấy gậy chọc lật từng cái xác lên để nhìn cho rõ mặt. Nhưng các xác chết đã trương phình, mặt mày phù húp. Rất khó nhận diện. Nhiều người cẩn thận móc dây, kéo bảng tên bằng nhôm đen ở cổ để xác định con em nhà mình. Ông Nhân và vợ cũng bắt chước cách khám tử thi ấy, nhưng nỗi xót xa trong lòng cùng với uế khí bên ngoài đã bứt những con người mê mải với cả vạn xác chết trải dài theo bờ biển kia. Lưng chiều, chỉ còn vài ba cặp ông bà già cũng đã chồn chân nhưng vì lòng thương con giữ họ lại. Ông Nhân và vợ là những người thất vọng sau cùng. Không thấy Trí đâu, cũng mừng là có thể nó còn sống. Nhưng cũng lo không biết mình có bỏ qua xác chết nào không xem kỹ không. Ngày hôm sau quạ phát hiện ra đống mồi quen ăn, bay rợp cửa biển Thuận An, suốt ngày kêu: quạ! quạ!

Phải một tháng sau Huế giải phóng, ông bà Nhân mới được tin về Trí.
Một người bạn thân của Trí về tận bến đò Phú Đa kể lại câu chuyện đầu đuôi rằng:

Đơn vị biệt động của họ đóng tại vùng núi Ngũ Hành Sơn trong Đà Nẵng. Trong đám bạn của họ, một người yêu một cô gái có quầy hàng cha mẹ để lại trong chợ Cồn. Nhưng rồi anh ta lại mê một cô ca sĩ về hát tại Ngũ Hành Sơn. Niềm đam mê ấy được đáp lại, anh ta liền bỏ cô gái chợ Cồn. Mấy lần cô gái chợ Cồn lên tìm anh kia, anh kia không những không tiếp mà còn hắt hủi. Thương một cô gái trẻ xinh đẹp bị phụ bạc, Trí đã cưu mang cô. Đang đau khổ bỗng có người đỡ giúp, cô đã bám lấy Trí. Rồi hai người yêu nhau, và lấy nhau không cần giá thú. Cô gái ấy sinh con với Trí trước khi Đà Nẵng giải phóng bốn tháng.

Trí tìm cách chạy vào Nam. Nhưng cả tiểu đoàn biệt động quân đã bị bắt trên đường rút chạy ở Chu Lai. Trí chỉ là lính thường nên không bị đi tù, mà chỉ bị tập trung cải tạo trong một tháng rồi được tha về. Không bị giam giữ, được về với gia đình, nhưng hàng tuần phải lên trình diện ở chính quyền phường.

Trí nghe chị Nghĩa mình hiện thời là vợ bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, anh này học Đại học Huế, lên chiến khu, đưa vợ chưa cưới theo. Hai người đã thành hôn trên chiến khu. Khi Đà Nẵng giải phóng, được đưa về Đà Nẵng công tác. Chức danh ấy là người đang có vai vế trong xã hội. Trí mừng lắm, chạy tới chị đề cậy nhờ. Chị nói:

- Em phải chờ đợi thôi. Gia đình mình thành phần rất phức tạp, đã là một gánh nặng trong lý lịch chị. Bây giờ bảo lãnh cho em, chắc chắn là ảnh hưởng không ít tới đường tiến thân của anh. Em hãy về với ba mẹ, tìm một hướng đi cho mình, chứ anh chị không thể giúp được gì cho em đâu. Em đừng tới đây nữa, đừng làm phiền anh chị nữa.

Trí cảm thấy mình bị chị ruột hắt hủi, dù anh chưa nói ra điều gì cụ thể. Trí buồn, không chào chị, quay ra thẳng, không ngoái đầu nhìn lại. Anh bỏ về chợ tìm vợ. Ngày Đà Nẵng nhốn nháo, nhiều kẻ ham giàu, vào chợ hôi của. Hàng hoá cô gái bị mất hoàn toàn, trắng tay. Anh tìm tới nhà, cha mẹ cô gái đưa cho anh một lá thư:

“Anh Trí yêu.

Hàng hoá mất hết, em đã sạch vốn rồi. Những ngày anh tập trung học tập cải tạo, em đã phải bán thân lấy tiền để nuôi anh. Nếu anh bị tù chắc em cũng sẽ phải tiếp tục làm cái nghề ấy để thăm nuôi anh. Em nguyện không bỏ anh trong lúc anh vận hạn, để trả tình anh đã cưu mang em khi em bị phụ bạc. Nhưng nay nghe tin anh về, em vừa thấy xấu hổ với anh, vừa thấy nhục nhã. Em không thể đem tấm thân nhục nhã này mà đón anh được nữa. Em đem con đi. Không biết sẽ đi đâu, không biết sẽ trôi dạt đến phương nào. Nhưng em sẽ không trở về nữa.
Dù vẫn yêu anh, xin anh đừng tìm em làm gì.

Em. Cô gái chợ Cồn của anh”.

Đọc thư xong, Trí hoàn toàn thất vọng. Vừa bị chị ruột hắt hủi, lại bị người vợ dứt tình. Vừa tan tác về tình đời, lại rất cực đoan về lý tưởng, ngay đêm ấy Trí đã ra cầu Trịnh Minh Thế, uống hết một lít rượu rồi nhảy xuống cầu tự vẫn.

Kể xong người bạn của Trí nói tiếp:

- Chúng cháu đã thuê thợ lặn trên sông Hàn. Nhưng chẳng thấy Trí đâu. Đợi ba ngày chờ xác Trí nổi lên cũng không thấy. Bạn bè bảo cháu phải về đây tìm chị Như và hai bác, báo cho gia đình biết.

Đây là lần đầu tiên mất mát, bà Quyên không oà khóc. Có lẽ nó đã chết trăm lần trong ý tưởng của bà rồi, cho nên khi được báo tin, tin ấy đã nhàm. Cũng có thể do cầu kinh cần mẫn hàng ngày, bà đã tìm được nơi tĩnh trí cho mình. Bà chỉ buồn là tại sao hoà bình đã được hơn một tháng mà không thấy Nghĩa về thăm. Hay cái gia đình lý lịch đầy phúc tạp này, nó cũng sợ đến sự tiến thân của chồng không dám về.

Ông Nhân hỏi:

- Cháu có biết cô gái chợ Cồn vợ Trí không?

- Dạ, cháu có biết ạ.

- Tính tình nó thế nào.

- Một cô gái hiền Thư ạ.

- Sau khi Trí mất, nó có về không?

- Không ạ.

- Bây giờ cháu có biết nó ở đâu không?

- Dạ không ạ.

- Khi nào cháu biết tin cho bác biết nhé.

- Vâng ạ.

- Thay mặt gia đình, bác cám ơn cháu.

Người bạn của Trí đi rồi, bà Quyên nói:

- Thế là gia đình mình lại thêm một đứa chết mất xác. Thế có khổ không.

Bà quay sang Như:

- Con làm giúp cho mẹ việc này: Sớm muộn gì con cũng phải tìm ra cô bé chợ Cồn. Mẹ muốn thấy được đứa cháu nội của mình, muốn được nuôi nó thành người.

Bà Quyên thở dài:

- Dẫu sao đất nước mình cũng im tiếng súng rồi. Đất nước đã phải trả giá bao đau thương để có được một việc rất giản đơn thế này.

N.Q.H
(181/03-04)

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)