Tiểu thuyết
Ngày mẹ mong chờ
15:34 | 04/11/2022

NGUYỄN KHẮC PHÊ
       Trích tiểu thuyết

Đêm 9 tháng 3, tiếng súng chợt rộ lên rung chuyển thành phố. Đạn súng lớn, súng nhỏ chớp loang loáng, nhất là phía Mang Cá, Tòa Khâm.

Ngày mẹ mong chờ
Ảnh: tư liệu

Thanh chồm dậy, tung màn lần sang giường Nguyệt thầm thì:

- Chị Nguyệt! Không chừng Việt Minh nổi dậy rồi!

Nguyệt cũng đã ngồi dậy, đưa tay đặt lên miệng Thanh, như có ý bảo "coi chừng cái mồm bép xép”. Không ai bảo ai mà rồi cả mấy chị em trong phòng đều lần ra cửa sổ ngóng xem, thầm thì bàn luận, phỏng đoán...

Mãi đến sáng, chị em cũng chưa biết việc gì đã xảy ra. Trường nghỉ học vì không có giáo viên. Đường phố vắng người qua lại, chỉ những cánh cửa e dè hé mở quan sát, nghe ngóng tình hình. Thanh đi lui đi tới bên trong hai cánh cổng trường như một con chim bị nhốt. Cô chỉ muốn lén ra phố hỏi cho rõ chuyện. Lại còn người anh trai nữa, không biết nhà anh ở trọ có được bình yên không?...

Thành phố theo lệnh thiết quân luật suốt một ngày đêm, nên hôm sau, Thanh mới tới được nhà thầy Liêm, nơi Tâm ở trọ. Gia đình thầy là bà con bên ngoại với ông Huy. Lúc này, Thanh đã biết vụ nổ súng đêm trước là do Nhật đảo chính Pháp. Hồi sáng, một thầy giáo vừa được bổ nhiệm tới trường đã đăng đàn giải thích cho học sinh là "quân đội Thiên hoàng đảo chính Pháp chỉ nhằm giúp Việt Nam lấy lại chủ quyền. Cùng là người da vàng, Đại Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam xây dựng khối Đại Đông Á hùng mạnh...".

Thanh còn phân vân chưa hiểu thực hư lòng tốt người Nhật đến đâu thì ngay lối rẽ vào nhà thầy Liêm, cô gặp chúng. Hai tên lính Nhật, một người thấp, béo tròn, kiếm lê sát mặt đường, một dong dỏng cao, đeo kính trắng rất chi là trí thức. Cả hai đều hếch môi cười, ngoắt tay gọi cô, tỏ ý muốn làm thân, nhưng cô vẫn cảm thấy hoảng sợ, ríu chân chạy xô về phía trước, không dám ngoái đầu lại.

Hai cánh cổng nhà thầy Liêm còn đóng chặt, dây xích quấn hai vòng và ổ khóa chưa mở. Thanh có cảm giác như đang bị hai tên lính Nhật đuổi theo, vội lay giật cánh cổng, gọi dồn:

- Anh! Anh Tâm! Cho em vào mau!

Giữa vườn cây trái xanh um, ngôi nhà yên tĩnh tưởng như không liên can, không ai quan tâm gì đến sự biến động của thế giới bên ngoài. Tiếng gọi dồn mang tín hiệu cấp cứu đã buộc cánh cửa ra vào hé mở. Một con chó vàng lực lưỡng chạy xồ ra. Đằng sau Tâm lết dép hối hả, miệng gọi chó, tay vấn lại chiếc khăn len lòng thòng quanh cổ. Tâm mở cổng, khẽ chậc lưỡi và xuýt xoa:

- Chết thôi! Bom đạn như thế, phố xá đã yên đâu mà em dám ra đường một mình.

- Anh thì chỉ muốn yên ổn! Rồi đến lúc anh ngồi trong nhà cũng không được yên đâu.

Thanh đối đáp cứng cỏi và láu lỉnh. Tâm nhường em và như cũng chịu phần lép, giọng nhỏ vuốt đi:

- Thì cũng phải chờ xem binh tình thế nào đã...

- Ai cũng ngồi chờ xem như anh thì...

Thanh vẫn không chịu nhún. Cô bỏ lửng câu nói vì thầy Liêm đã đứng bên cửa, khẽ khàng cất tiếng:

- Con cứ liều lĩnh như thế, lỡ có chuyện chi, thầy biết ăn nói làm sao với hai cụ. Thôi, con vào đây. Bên trường vẫn yên chứ?

- Dạ, nhưng chúng con chẳng ai tha thiết gì chuyện học nữa.

- Thế không học thì chị em bàn tính định làm chi?

- Chúng con cũng chẳng biết nữa. Chỉ muốn mở tung cửa trường mà đi.

Thanh tưởng là có thể ào ạt bộc lộ bao điều phân vân, bức bối trong lòng, nhưng mới đối đáp với thầy Liêm mấy câu đã thấy bí. Những gì cô không diễn đạt ra lời được như dồn cục lại trong người làm khuôn mặt đầy đặn của cô đỏ lựng lên. Thầy Liêm bước lại khép chặt cánh cửa ra vào rồi bảo Thanh:

- Thế nên không vội được con ạ. Con ngồi xuống đây đã... Tình hình này mấy ai ngồi yên được con. Nhưng vào lúc tranh tối tranh sáng, vàng thau lẫn lộn, cẩn thận kẻo nhầm. Thầy cũng vừa về đây. Trường chưa mở lại, thầy không phải dạy, nên có thì giờ ghé qua nhà thầy Tôn Quang Phiệt...

Đôi mắt tròn to đen láy của Thanh chợt ngước nhìn thầy Liêm, đôi mắt chứa đựng bao nhiêu là câu hỏi, xen lẫn niềm thích thú của người vừa phát hiện ra điều mới lạ - đôi mắt của Crit-tốp Cô-lông khi nhìn thấy châu lục mới hiện ra giữa trùng khơi. Tên thầy Tôn Quang Phiệt là tín hiệu đầu tiên tin cậy. Thì ra ngôi nhà yên tĩnh giữa vườn cây trái này không hẳn là biệt lập với thế giới sôi động bên ngoài. Thanh bỗng đưa mắt liếc nhìn anh trai. Cũng như cô, Tâm đang chăm chú chờ nghe thầy Liêm nói tiếp:

Thầy Phiệt bảo là thời cuộc chắc sẽ biến chuyển mau lẹ. Nga Sô và Đồng Minh sắp dứt điểm rồi. Khắp nơi dân chúng chộn rộn, chỉ chờ có người tập hợp lại...

Thầy Liêm vẫn bình thản và chậm rãi. Thanh sốt ruột xen vào, hỏi nhỏ:

- Thưa thầy, thế thầy Tôn Quang Phiệt có phải là... Việt Minh không ạ?

- Làm sao mà thầy biết được. Chỉ biết thầy Phiệt là người hiểu biết rộng, có đức độ, được nhiều người kính nể. Với hai anh em con, thầy coi như người trong nhà, chứ với người ngoài, các con phải cẩn thận...

Phía ngoài cổng bỗng có người rung dây xích rồi tiếng gọi Tâm. Tâm vừa mở cửa, Thanh liếc mắt nhìn ra và nói ngay:

- Cậu ấy có hỏi, anh đừng bảo em ở đây.

Ông Liêm cũng vội đưa mắt nhìn ra cổng và hỏi nhỏ:

- Ai đó?

- Anh Đào ạ...

- À... Ông Liêm thở ra nhẹ nhõm và thoáng mỉm cười, ông đang lo bị người theo dõi, chứ anh chàng Đào thì ông còn lạ gì. Ông cũng biết cả chuyện anh chàng đang theo đuổi Thanh. Cái mỉm cười hàm ý trêu đùa của ông càng làm Thanh thấy khó chịu với Đào. Ông Liêm thì vừa nhắc cô phải "cẩn thận". Thế là câu nói bất chợt hôm nào cô "dọa" Nguyệt được nhắc lại, lần này thì quả là cô đã có ý nghi ngờ:

- Thầy cẩn thận, chứ chưa chừng anh ta là người của mật thám đó!

Ông Liêm tránh mặt vào nhà trong, còn Thanh chẳng có cách gì lẩn trốn được, cứ loay hoay bên chồng sách của Tâm. Đào bước vào nhà với vẻ hấp tấp như sợ mất "mục tiêu", mái tóc xức bri-ăng-tin láng mượt, bộ cánh mới cứng.

- Ơ! Không ngờ lại được gặp Thanh ở đây!

Đào thể hiện nỗi mừng rỡ và ngạc nhiên rất điệu, như một diễn viên kịch. Thanh thì vẫn cắm cúi vào trang sách, cố lấy giọng bình thản:

- Em cũng bất ngờ, không biết có chuyện gì...

Thanh không nói hết câu, Đào thì đang nôn nóng thốt lộ "câu chuyện làm quà" vội nói:

- À, có một tin rất độc đáo! Đêm hôm kia, đúng vào lúc Nhật nổ súng, các bạn có biết Hoàng đế đang làm gì không?... Hoàng đế không có mặt trong Đại Nội. Ngài đang đi săn ở Quảng Trị!

- Kể cũng là sự lạ. Thời cuộc đang rối ren như thế.

Tâm nhỏ giọng góp lời bình. Không hẳn là anh đã có ý chê trách Hoàng đế. Người ta chỉ chê trách ai khi nghĩ rằng họ đáng ra phải tốt hơn và mong muốn họ trở nên tốt đẹp. Với Bảo Đại thì đã từ lâu, chẳng mấy ai còn hy vọng. Thanh thì khẽ cắn môi, thoáng chút đắn đo, nhưng rồi cô quả quyết ngước lên, cao giọng mỉa mai:

- Mặc thiên hạ bắn giết, nhà vua vẫn mải cuộc vui thú, còn anh định đi dự tiệc ở đâu mà ăn mặc sang vậy?

Thanh tưởng là với "đòn" phủ đầu này, Đào sẽ ngán. Không ngờ anh chàng lựa lúc Tâm đi lấy nước pha trà, vội nghiêng mái đầu xức bri-ăng-tin láng bóng về phía Thanh, lé mắt tán một câu:

- Tất cả chỉ vì em, mà sao em nỡ...

- Anh cứ dở cái giọng ấy, tôi về!

Thanh ngắt lời Đào, vừa nói vừa quay người ra cửa. Tâm vội can:

- Phố xá còn vắng lắm, em ra đường một mình không tiện đâu.

- Tôi sẽ đi với cô ấy đến cổng trường, cậu cứ an tâm.

Đào nói nhanh vậy, chẳng cần biết Thanh có thuận không. Anh hối hả hỏi mượn Tâm cuốn sách cho có cớ rồi theo gót Thanh bước vội.

Đằng sau, Tâm đứng buông xuôi tay, khẽ lắc đầu, nói một mình:

- Một cuộc đuổi bắt vô vọng!

Ông Liêm vừa từ nhà sau bước ra, ngơ ngác hỏi: "Cô cậu kéo nhau đi đâu đó?" thì đằng trước, hai bên cánh cổng, đã diễn ra một tình thế thật bất ngờ. Đào theo kịp Thanh khi cô vừa tháo xong hai vòng dây xích, mở hé cánh cổng. Xung quanh không có gì ngăn trở, anh chàng lượn sát bên Thanh, hớn hở và tha thiết:

- Em đừng lo, có anh làm vệ sĩ, không một kẻ nào dám đụng đến một sợi tóc của em đâu!

- Anh... - Cô nhíu lông mày, ý chừng sẽ buông ra những lời lẽ khó chịu, nhưng đôi mắt cô bỗng chớp sáng và giọng nghe nhẹ nhõm hẳn đi - Anh cũng về luôn à?

- Thì gặp em đây rồi, anh còn ở lại làm gì nữa!

Đào mừng rơn, xênh xang bước nhanh ra cổng. Ngay lập tức, Thanh khép cánh cổng lại, vừa cúi quấn lại vòng dây xích, bấm ổ khóa, vừa nói:

- À... quên, em còn chút việc, anh về trước đi!

Cô vụt ngước nhìn Đào, đôi mắt đen nhánh lộ rõ vẻ tinh nghịch và kiêu hãnh của người thắng cuộc. Chưa vào tới nhà, cô đã rúc rích cười trước ánh mắt ngơ ngác của Tâm và ông Liêm.

Bên ngoài hai cánh cổng, Đào điếng người nhưng chẳng biết đổ cái tức giận vào đâu, chỉ còn cách bứt ngọn chè tàu vò nát rồi quay bước.

Khi chỉ còn hai anh em trong phòng, Tâm nói nhỏ:

- Sao em đối xử với anh ấy như thế?

- Em không ưa - Thanh làu bàu đáp vậy, dừng giây lát, rồi nhìn thẳng vào anh trai, từng tiếng bật ra nặng chịch - Anh coi chừng, chứ anh ta là mật thám cũng nên!

Tâm giật thột, ngơ ngác dướn mắt nhìn cô em gái, chưa kịp nói gì thì Thanh đã tiếp lời:

- Anh chỉ được cái hay tin người. Anh không biết, chứ các quan Tây rất hay vào mua hàng ở nhà anh ta.

Câu nói bất chợt "dọa" người bạn gái hôm nào, nay đã có bằng cớ hẳn hoi!

Câu chuyện giữa hai anh em thế là đứt đoạn. Hai cách nghĩ thật khó hòa nhập với nhau. Anh thì hình dung Đào là một chàng trai khá tài hoa với cây vợt ten-nít và cây đàn ghi-ta, còn với Thanh thì đó lại là tên mật thám, trá hình! Không biết cô đã học cách nghi ngờ, nhận xét con người bằng đôi mắt của nhà chính trị từ lúc nào? Tâm không cố ý tìm hiểu kỹ, nhưng biết là Thanh đã đi gần với "tổ chức" hơn mình trên con đường hoạt động. Lạ thế, anh không mừng mà lo. Và như buồn nữa. Nỗi lo của anh cũng là điều ông Huy từng tỏ ra ái ngại. Còn nỗi buồn thì chỉ riêng anh ngẫm mà biết. Thực ra, tâm trạng của anh cũng không dễ phân giải rạch ròi. Anh ghê sợ và khinh ghét những kẻ làm mật thám cho Tây, nhưng phải nghi ngờ đến cả bạn mình thì thật là đau buồn. Anh có cảm giác một cái gì đó đang nguyên lành, trong trẻo bỗng tan vỡ gây nhiễm độc cả môi trường xung quanh. Biết đâu rồi có ngày anh cũng bị nghi ngờ là mật thám. Bố anh từng làm quan, làm tay sai cho Tây kia mà! Bản thân anh thì đang đi lại với một gia đình có mối quan hệ mờ ám với chính tên công sứ!

Minh họa: PHAN CHI


Một đêm, anh tỉnh giấc vào lúc tiếng chuông chùa thong thả binh bong chuyền ngân trên kinh thành yên tĩnh. Những tiếng chuông buông rơi trong đêm gợi nghĩ đến những giọt nước đang êm lặng ngấm xuống tầng đất sâu hoặc là lan tỏa vào không trung bao la. Những tiếng chuông gợi nhắc anh nghĩ tới một con đường giải thoát. Con đường ấy đến với anh chủ yếu bằng cảm tính và trực giác. Anh chưa bao giờ có ý định tìm hiểu giáo lý nhà Phật, tìm chân lý giải thoát trong đó, nhưng các ngày nghỉ học, anh thường vãn cảnh chùa Linh Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Diệu Đế... mỗi chùa một cảnh sắc riêng, những đường nét kiến trúc và khung cảnh thiên nhiên xung quanh hòa nhập vào nhau mà không lấn át nhau, cái này tôn vẻ đẹp cái kia nên có sức hấp dẫn lạ thường. Sau những giờ học căng thẳng, một mình dạo bước trong bầu không khí thanh tịnh, dưới những vòm cây xanh mát bao quanh chùa, tâm hồn trở nên thư thái như được giải thoát. Không khí trang nghiêm pha chút huyền ảo với tiếng gõ mõ cầu kinh, với bàn thờ Phật đầy ánh sáng và hương hoa thì lại là hình ảnh một thế giới khác - một miền cực lạc.

Cuộc đời anh chưa nếm trải khổ đau, nhưng từ nhỏ, đã bao lâu anh xót xa trước những kẻ ăn xin, những người lê tấm thân tàn phế nơi đầu đường xó chợ. Anh cũng đã từng khóc vùi trước cái chết của Nhạc Phi, của Tố Tâm, trước thân phận nàng Kiều... Trong gia đình thì nhãn tiền là cảnh vò võ năm canh cô đơn của o Hợi, là Kỳ con chú Huệ suốt đời ư ơ, cho dù bị vu oan giá họa cũng chỉ biết lặng câm! Và bây giờ đến lượt anh! Quả "đời là bể khổ, tình là dây oan"...

Tiếng chuông chùa vẫn đều đặn buông vào thinh không như muốn mời gọi những ai đang ngủ say hãy thức tỉnh. Riêng anh thì sau một hồi trăn trở đã giác ngộ con đường giải thoát là phải rũ sạch bụi trần. Thôi! Hãy dứt bỏ tất cả... Nhưng sự nhẹ nhõm anh chưa kịp hưởng thì cảm thức tội lỗi và nhục nhã đã đè nặng lòng anh. Lẽ nào mang danh là trang nam nhi, là người quân tử mà anh lại đang tâm bỏ mặc những người thân yêu của mình dưới "bể khổ" và chỉ lo tìm đến "cõi phúc" cho riêng mình và cõi phúc ấy nào ai biết hư thực ra sao.

Giữa lúc anh dùng dằng không dứt thì Nhật đảo chính Pháp. Thời cuộc biến chuyển mau lẹ. Học sinh trường Khải Định, Đồng Khánh cũng như các trường khác ở Huế cứ xao xác, muốn được "xếp bút nghiên". Phải đến một năm sau đó, nhiều học sinh mới biết đến hài hát "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu...", lúc ấy thì chỉ muốn "xếp"bút nghiên", trước hết là để thoát khỏi những buổi học và nỗi lo thi cử đã nhàm chán và như lạc lõng trước thời cuộc, sau nữa, cũng muốn tìm một hướng đi. Ấy là lúc thuyết "Đại Đông Á" đang thịnh hành. Tâm chưa vội nhận làm môn đệ của thuyết này hay thuyết nọ, nhưng ngẫm cái cảnh quân đội Pháp, cường quốc từng xâm chiếm thuộc địa khắp hoàn cầu, từng đàn áp bao cuộc khởi nghĩa yêu nước, chỉ một đêm là tan rã trước uy lực của binh lính Thiên hoàng Nhật, cũng thấy khoan khoái trong lòng. Chưa biết tình thế rồi sẽ đi đến đâu, nhưng từng đó, hận thù của bao nhà cách mạng, bao vị chí sĩ đã quên mình vì nước như đã được trả. Cả nỗi điếm nhục của gia đình Dung như cũng được xóa mờ... Nhưng rồi chẳng mấy chốc, Nhật Bản lại bị Nga Sô và Đồng Minh đánh cho tan tác. Trong cuộc xoay vần này, liệu rồi vận nước sẽ đi về đâu? Liệu giang sơn có được độc lập, hay là lại phụ thuộc vào một cường quốc mới? Nga Sô hay Tàu? Lớp vua quan ham hưởng lạc, thích hát cô đầu, đánh tổ tôm hơn lo việc dân, việc nước thì chẳng còn trông mong gì nữa. Nhưng cụ Trần Trọng Kim - một học giả có tiếng, với những phụ tá là các thầy giáo, các nhà trí thức tên tuổi như Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh... liệu có gánh vác nổi trọng trách mà quốc dân đồng bào giao phó? Hay là phải đợi đến Việt Minh Cộng sản ra tay?...

Những câu hỏi thật không dễ trả lời. Không biết đã bao lần anh tự hỏi mình, rồi hỏi bạn, hỏi thầy Liêm, nhưng không ai dám nói chắc với anh. Thực ra thì có hai người đã dễ dàng tìm được nơi trao gửi lòng tin của mình. Cả hai đều muốn lôi cuốn anh tin theo, nhưng chính sự dễ dàng, bồng bột của họ đã làm anh nghi ngại. Một người là Đào. Anh chàng nhiệt thành cổ động cho chính phủ Trần Trọng Kim. Còn người nữa, chính là cô em gái anh. Với Thanh thì ngọn cờ cách mạng duy nhất trong tay Việt Minh.

Buổi tối, trước ngày anh rời Huế, Thanh tìm đến anh với dáng vẻ gấp gáp khác thường. Anh cũng đang trông gặp em. Đoán chừng cuộc thế rồi sẽ rối loạn, ông Huy vừa viết thư vào bảo hai anh em phải về quê ngay. Thanh đã tỏ ý sẽ ở lại học cho hết chương trình để dự kỳ thi thành chung. Liệu đến phút chót này, cô sẽ đổi ý chăng?

Tâm vội đưa em gái vào gian phòng nhỏ anh nghỉ trọ. Vừa bước chân vào phòng. Thanh đã ngoái tay khép kín cánh cửa sau lưng. Cô ngồi sát bên anh trên chiếc giường đơn, hơi thở hồi hộp, đôi mắt dáo nhìn quanh có ý dè chừng rồi nói nhỏ:

- Nhờ anh đưa thư cho Thầy... Có gì anh đỡ lời cho em. Em không nói hết được mọi điều trong thư. Em ở lại không chỉ vì thi cử. Tình hình này mà về quê thì...

Thanh dừng nửa câu, quờ tay sau lưng áo lấy ra một tập giấy và ghé tai anh thầm thì:

- Anh Tâm! Em được giao phân phát tập giấy này...

Đó là tập truyền đơn in lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh: "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" mà anh vừa đọc hôm trước. Tâm đưa mắt nhìn cô em gái với vẻ vừa ngạc nhiên vừa ái ngại. Anh không ngờ Thanh đã thành người của Việt Minh. Anh đưa lại tờ truyền đơn cho Thanh và hạ giọng nói

- Cô phải cẩn thận. Anh muốn nhắc cô nhớ lời Thầy dặn. Hại mình không nói làm chi mà khéo hỏng việc lớn.

- Anh thì lúc nào cũng lo xa! Em muốn nhờ anh một việc... Không biết anh có chịu giúp em không?

- Việc gì mà cô phải úp mở thế? Cứ nói đi, anh sẽ cố. Có chuyện gì với cậu nào phải không?

Tâm đang thoáng cười mỉm, bỗng người nghiêng đi vì cái vung tay của cô em:

- Anh đừng có nhắc tên ấy trước mặt em! Em đã nói với anh hắn là mật thám.

- Cô không nên vội nghi ngờ người ta. Theo anh thì...

- Anh thì ai anh cũng tin được, cũng thương được! Đường lối Việt Minh quang minh chính đại như thế mà không theo thì không phải mật thám cho Pháp cũng là tay sai của bọn Nhật.

- Có thể là người ta chưa hiểu: Mới hôm kia, anh ấy tâm sự với anh...

Một lần nữa, Thanh nôn nóng ngắt lời anh:

- Thôi, em không nói chuyện đó nữa. Rồi anh sẽ xem... Cô dừng giây lát rồi nói, giọng nhỏ hẳn - Bây giờ em nhờ anh việc này. Ngày mai anh lên tàu. Nếu như anh cầm số truyền đơn này và tìm cách rải dọc đường tàu thì hay quá. Rất nhiều người nhặt được.

Cô ngước khuôn mặt ửng đỏ nhìn anh chờ đợi, tập truyền đơn khẽ chạm vào cổ tay anh. Một sự rung chuyển anh chưa từng cảm nhận chuyền lan khắp cơ thể anh. Nhịp rung chuyển hợp thành từ nhiều cảm giác. Một chút xúc động vì được tin cậy, xen một chút lo lắng hồi hộp trước công việc nguy hiểm. Anh ngồi lặng giây lát rồi dè dặt hỏi:

- Việc này cô đã hỏi ý kiến thượng cấp chưa?

- Chưa! Thì em vừa nghĩ ra khi đi rải truyền đơn.

Hai anh em lại ngồi lặng. Tiếng còi xe ngoài đường bỗng dội lên lảnh lót khác thường và cành ổi bên ngoài cửa sổ xạc xào như trời vừa nổi gió. Tâm khẽ đứng lên, ghé mắt nhìn qua cửa sổ, rồi nói, đôi lông mày rậm khẽ nhíu lại:

- Cô nêu ra một việc làm anh khó nghĩ quá...

Thanh bỗng đứng phắt dậy, cao giọng:

- Thì anh cứ nói thẳng là anh sợ, anh muốn yên thân cho rồi! Vậy mà lâu nay...

Tâm giơ bàn tay mảnh nhỏ ra hiệu và vội ngắt lời cô:

- Xin cô nhỏ giọng một chút. Anh đã nói hết nhẽ đâu mà cô vội nổi nóng thế. Nếu chỉ liên can đến mình anh thì anh có sợ gì. Nhưng cô thử hình dung coi: tính anh thì vốn đểnh đoảng, luộm thuộm, nếu chẳng may anh bị bắt thì nhất định chúng sẽ lần tìm đầu mối, em và thầy Liêm khó lòng yên ổn.

Quả là Thanh chưa nghĩ đến tình thế ấy. Cô ngồi xuống xịu mặt, nhưng chỉ chốc lát lại vùng vằng đứng lên:

- Anh thì chỉ lo yên với ổn! Thôi, chẳng cần anh nữa! Em không ngờ anh lại hèn nhát đến thế!

Thanh quay ngoắt đi, không ngoái lại.

Đây là lần đầu hai anh em chia tay với nhau lạnh nhạt. Còn hơn thế, ngay khi vừa khuất mình sau cánh cửa, Thanh như đã coi người anh trai của mình là kẻ thuộc phe đối nghịch. Đầu nóng bừng bừng, mỗi bước cô rời xa người anh là mỗi lời cô rủa thầm anh tệ hại: “Đồ hèn nhát! Không chừng bị tụi nó dắt mũi rồi!...". Chẳng cần giữ gìn và như để chứng tỏ lòng can đảm của mình, chứng tỏ mình sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp, cô rút tập truyền đơn, đường hoàng và lần lượt thả vào cổng các ngôi nhà hai bên ngõ, khi ngoài phố chính có xe nhà binh chạy qua, cô cũng chẳng cần dừng bước náu mình.

Đằng sau, trên lối ra cổng, giữa hai hàng chè tàu được xén tỉa công phu, Tâm vội vã bước, đôi chân như ríu lại. Khi Thanh sập cửa bỏ đi, anh đứng sững người một hồi lâu bên chiếc bàn nhỏ như để có thời gian tìm hiểu lại chính tâm can mình, riêng cánh cửa mở ra rồi đóng sầm vào đã thức tỉnh anh, thúc anh bước mau ra níu cô em lại. Nhưng chậm mất rồi! Anh đứng rất lâu bên cổng dõi theo từng bước đi, từng hành động của Thanh, lòng bồn chồn, day dứt khôn tả. Anh tự vấn và tự mắng mỏ mình không dứt. "Mình hy vọng ở Việt Minh mà sao lại ngại ngần nhập cuộc? Có thật mình sợ liên lụy đến người khác hay đó chỉ là chiếc áo ngụy trang cho sự hèn nhát?...". Và bất chợt, tình anh em ruột thịt bỗng dấy lên trong anh một nỗi lo đến thắt ruột: nếu như không may, một tên pô-lít khám xét Thanh bây giờ thì chính anh đã hại cô. Vì anh không chịu nhận tập truyền đơn, nên cô mới bị bắt quả tang! Trời! Có cách gì... Mà sao cô ấy cứ phải vung vẩy tập truyền đơn nơi tay? Và kìa, có tiếng còi xe nhà binh! Anh bước dấn ra ngõ, tiếng kêu không thoát ra ngoài, dội vang trong lòng làm người anh căng lên và tưởng muốn nghẹt thở. "Thanh ơi! Quay lại đi em!...". Chiếc xe "Jép" rú máy phóng vút qua và hình bóng cô em cũng chẳng thấy đâu nữa. Tất cả đều tuột khỏi tầm tay anh, bỏ anh trơ trọi đứng chôn chân trong ngõ vắng...

Gần như là suốt đêm anh không ngủ. Tiếng sập cửa, tiếng sợi xích loảng xoảng nơi cánh cổng, tiếng còi xe... như vẫn lẩn quất quanh phòng, lúc lúc lại dội vang làm anh nhức nhối. Đã có lúc anh ngồi bật dậy bởi nỗi băn khoăn như vòng xoáy ốc cứ thít dần lại trở nên nhọn hoắt chọc tận gan ruột trở làm anh đau buốt. "Trời! Nếu như hôm nay Thanh không về được tới trường thì rồi mình ân hận suốt đời!". Rất khẽ, anh mở hé cánh cửa nhìn ra. Ngõ nhỏ về khuya vắng ngắt, tối sẫm đã níu giữ bước chân anh. "Bây giờ mình có đến trường cũng chẳng vào được để hỏi tin...". Tự nhủ vậy, anh lại lặng lẽ nằm xuống. Và bây giờ, chính sự vắng lặng lại làm anh thao thức. Sự vắng lặng trong ngõ nhỏ giữa một thành phố nhỏ vốn thường yên tĩnh càng làm bật nổi tiếng chuông chùa binh bong buông giữa thinh không. Tiếng chuông rời rã như vô tình mà lay động tận những miền sâu kín trong lòng anh. Tiếng chuông chùa như những giọt nước êm lặng ngấm xuống tầng đất sâu, lại gợi nhớ đôi mắt tròn óng ánh trên sân chùa Từ Đàm buổi sáng ngày rằm ấy. Đôi mắt của Dung. Cô theo mẹ lên chùa. Mẹ Dung đi lễ chuyên cần, nên chẳng cần hẹn, mà sân chùa bỗng trở thành nơi gặp gỡ của anh và Dung. Hồi ông Huy còn giữ chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, bố Dung là học trò của ông, nên mỗi lần gặp, mẹ Dung đều chào đón anh niềm nở và có phần kính nể. Anh đâu ngờ... Khó hiểu thay là con người! Ai có thể ngờ được người đàn bà chăm chỉ cầu kinh niệm Phật ấy lại sẵn sàng bán mình cho quan Tây để chồng mau thăng quan tiến chức. Giữa đêm vắng lặng này, nghĩ tới điều nhục nhã ấy, anh không khỏi rùng mình. Cũng vì thế mà đã mấy ngày nay, anh không sao bước qua nổi hai cánh cổng có giàn hoa giấy phủ kín để gặp Dung nói đôi lời từ biệt trước khi về quê. Lúc chập tối, lần thứ ba anh đã dừng bước, đặt tay lên núm chuông điện bên cột cổng. Đúng lúc đó, từ trong nhà bỗng vọng ra tiếng mắng đầy tớ sa sả của bà chủ. Anh chỉ nghe được loáng thoáng, nhưng một câu nói khác mà người ta thuật lại cho anh từ trước bỗng dội lên đến lộng óc: "Này đừng có lên mặt. Nói cho mà biết, mi lên được cũng nhờ cái l... của tao!". Thế là bàn tay anh rụt vội, tưởng như cái núm chuông ấy là một vết nhơ. Anh kinh tởm không muốn giáp mặt người đàn bà ấy. Phần nữa, gặp Dung, anh cũng chưa quyết sẽ ăn nói thế nào. Liệu anh có thể nói lời cuối cùng, nói dứt một lần cho lòng khỏi vương vấn, cho khỏi mang tiếng là kẻ hèn nhát và dối trá, cho cô khỏi chờ đợi lỡ làng chăng? Không hẳn, lúc rời cánh cổng núp dưới giàn hoa ấy, anh còn tự nhủ: "Thế nào rồi mình cũng trở lại Huế. Thời thế rồi sẽ đổi thay, giúp mình giải thoát em..." Bây giờ, lắng nghe tiếng chuông ngân, anh lại cảm thấy lời tự nhủ ấy chỉ là cách bào chữa cho hành động trốn chạy hèn nhát của mình.

Mờ sáng hôm sau, anh chào từ biệt thầy Liêm ra ga trước giờ tàu chạy đến cả tiếng đồng hồ. Thế nào cũng phải ghé khu nội trú trường Đồng Khánh hỏi tin Thanh. Đến cổng trường, biết là đêm qua cô đã về tới nơi, anh lưỡng lự giây lát, rồi khẽ chép miệng, đi thẳng lên ga. "Vậy là yên tâm. Vào gặp nó cũng chẳng có ích gì...". Anh như e ngại nếu phải phô bày tình thương của mình đối với cô.

Lúc dạo bước trên sân ga chờ tàu thì anh lại có ý trông Thanh ra tiễn anh. Chẳng phải anh muốn nhận lại tập truyền đơn. Anh mong cô đến để chứng tỏ tình anh em vẫn còn và cô vẫn lo nghĩ tới anh, tới Thầy và Mẹ đang nóng lòng trông cô trở về. Người đi, người tiễn cứ nối nhau dồn tới sân ga, nhưng hình bóng cô thì bặt tăm. Anh thoáng có ý trách cô, rồi lại tự bào chữa cho cô: "Chắc là nó bận việc gì đó".

Một điều anh không ngờ là vào lúc tàu sắp chạy thì Dung tới. Kẻ chạy trốn, kẻ muốn thoát khỏi vòng dây oan của tình ái đã bị phát giác. Ai đã tin cho Dung biết việc anh về quê? Chắc là Đào... Anh vừa thoáng nghĩ vậy thì Dung đã lặng lẽ bước lại bên anh. Cô không nói một lời nào, nhưng cặp mắt đỏ hoe nhòe ướt ẩn dưới vành nón đã bộc lộ với anh tất cả. Anh dẫn cô ra xa chỗ đông người, giọng ấp úng của người có lỗi và không thành thực:

-... Thầy gọi anh về gấp. Cũng chưa biết ý cụ thế nào... Nói với em chỉ làm em buồn. Chắc chỉ mươi hôm là anh lại vào.

Dung cúi gầm mặt, lí nhí:

- Em không ngờ anh cũng biết nói dối. Em đã hiểu vì sao anh muốn xa lánh em. Em cũng nhục nhã lắm anh ơi!... Vâng, em biết em không xứng đáng với gia đình anh...

Giọng nói đẫm nước mắt của cô làm anh mủi lòng và bối rối nữa. Chao! Ước gì trời bỗng tối sập lại và mọi người hãy biến đi để anh cất bỏ chiếc nón úp sụp trên đầu em, cho em gục mặt vào lồng ngực u uất và như đang rỉ máu của anh. Để em đừng nói thêm lời nào nữa làm anh đau xót. Không làm sao được, anh chỉ biết kêu lên:

- Đừng... đừng nói thế Dung ơi! Anh sẽ vào, nhất định anh sẽ vào!

Dung chợt ngước lên:

- Anh nói thiệt chứ anh! Em chờ anh! Dù sao em cũng chờ anh!

Tàu đã huýt còi. Dung dúi vào chiếc túi nơi tay anh gói mè xửng và mấy quả chanh cô hái vội ở góc vườn nhà. Anh quay gót, nhưng ngay lập tức phải ngoái lại để rồi suốt đời không quên cặp mắt rực sáng, quyết liệt của người con gái dịu hiền mà anh tưởng chỉ biết tuân phục với tiếng "dạ" êm ngọt như bát chè đậu ván.

Con tàu đưa anh dần xa Huế. Anh vẫy tay chào đáp lại những em bé bên đường, miệng thoáng mỉm cười mà lòng cay đắng. "Đêm qua, mình đã chối bỏ cách mạng và bây giờ mình chạy trốn tình yêu!".

Oái ăm thay, điều ấy lại trái với lòng anh mong muốn!

* * *

Làng trên xóm dưới rùng rùng chuyển động, trống, mõ, phèng la thi nhau gõ rộn lên. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng bước chân rậm rịch lan tận các ngõ hẻm, nhưng một ngày qua, gia đình ông Huy vẫn được yên ổn. Rồi một đêm yên tĩnh sắp trôi qua. Chỉ một lần, sau tiếng "xạch" trước sân, con Mực chồm ra sủa rộ lên làm bé Hải thức giấc khóc oe oe. Bà Huy vừa chợp mắt, giật thột vội áp con vào ngực như muốn ghìm bớt tiếng khóc lại. Trong chốc lát, hình ảnh cái đêm kinh hoàng năm 1930 chợt hiện lại làm bà run người. Lần này thì chẳng còn chỗ để bà ôm con chạy trốn nữa, nên bé Hải không đến nỗi bị mẹ bịt miệng như Tâm hồi nào. Rón rén, bà ôm con đứng lên dạo quanh buồng. Tiếng ru khe khẽ chập chờn và buồn bã:

À... Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc b dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...

Bà Huy tuy không được học hành gì nhiều, nhưng 3.254 câu truyện Kiều bà thuộc không sót một chữ.

Trên chiếc sập gụ kê giữa nhà, ông Huy dừng tay quạt, nghiêng tai nghe ngóng. Khu vườn đã trở lại yên ắng. Nghe rõ tiếng chân con Mực chạy trở lui vào thềm. Chú chàng đã báo động lầm. Chỉ là một chiếc tàu cau rơi. Nằm "nín thở" nghe ngóng suy đoán căng thẳng hồi lâu, ông cảm thấy khô cổ, khát nước. Ông ngồi dậy, nhẹ bước lại bàn rót nước uống rồi bước tới bên cửa buồng. Nhìn hai mẹ con như co rúm bên nhau, ông chợt buông một tiếng thở dài. "Xà! Nếu họ làm như hồi Ba mươi thì đời con rồi sẽ khốn khổ!". Thầm nghĩ vậy, nhưng ông trấn an vợ:

- Không có chuyện gì đâu. Mẹ con cứ an tâm mà ngủ. Mất ngủ rồi mất sữa, tội con.

Năm 1930... Đã 15 năm qua! Hồi đó ông Huy còn giữ chức Thị lang một Bộ ở Huế. Cũng vẫn là cảnh làng trên xóm dưới rùng rùng náo động như hôm nay. Dân mấy làng ào ạt kéo lên huyện cướp chính quyền. Người đông như hội, đò ngang chèo không xuể, bà con ven sông liền ghép thuyền lại nối thành cầu phao qua sông. Tên tri huyện khiếp sợ bỏ trốn (trước đó, tri huyện Thanh Chương Tôn Thất Hoàn đã bị chặt làm ba khúc). Đoàn quân như nước tràn bờ, tức tốc kéo về các làng hỏi tội hào lý. Ông Huy không là quan sở tại, nhưng đã leo tận tới triều đình, đương nhiên cũng bị xếp vào hàng tội nhân loại trọng tội. Vì trong bốn tội danh "Trí - Phú - Địa - Hào", mình ông vướng đến ba! Không có tội nhân để trừng trị thì đồ vật phải thế mạng.

Nhà cửa bị đập phá, hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng bị dẫm gãy nát trước khi làm mồi cho lửa. Những chồng sách chữ Hán, chữ Tây - cái thứ chữ nghĩa của bọn thực dân phong kiến cũng chung số phận, trong đó có những bộ sách thuốc quý của nhà danh y Lê Hữu Trác, những thi tập của nhà thơ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương...

Mười lăm năm qua, với sự tháo vát và cần kiệm nổi tiếng một vùng và đương nhiên cả với số lương bổng của chồng (trung bình 200 đồng một tháng, khoảng bốn tấn lúa) bà Huy đã gầy dựng nên cơ ngơi gấp đôi hồi Ba mươi. So với nhiều nơi, cái tài sản vài chục mẫu ta ruộng đất với 3 căn nhà ngói chưa phải là to tát gì, nhưng trong vùng đất lòng chảo bán sơn địa này, chừng ấy đã là bề thế lắm.

Trong chút ánh sáng leo lét từ cây đèn dầu hạt đỗ trong căn buồng tỏa ra, ông Huy bỗng đưa mắt nhìn khắp tòa nhà cao rộng với những thứ đồ gỗ quý giá, những trường kỷ, tủ chè, xa lông chạm trổ tinh vi và lại khẽ buông tiếng thở dài. Chẳng phải ông buồn lo bị tước đoạt những thứ ấy, mà có cảm giác khối tài sản ấy đè nặng lên tâm hồn mình. Từ khi biết đọc sách thánh hiền, ông đã hiểu đời người phải lấy điều nhân nghĩa làm trọng. Ông không ham việc xây nhà tậu ruộng mà chỉ lo để ơn đức cho con. Tất cả cơ nghiệp của gia đình đều từ tay bà Huy tạo dựng. Phần ông, chỉ lo sưu tập lại những bộ sách quý đã bị thiêu hủy hồi năm Ba Mươi. Bây giờ, trước cuộc biến động mà ông từng linh cảm thế nào nó cũng xảy ra, những tài sản vốn chẳng có mấy ý nghĩa đối với ông thực đã trở thành gánh nặng. Bà Huy và bé Hải thì đang giữa thời phải lo tĩnh dưỡng...

Trong buồng, bà Huy đã đặt con xuống giường.

- Thầy cũng đi nằm nghỉ đi, khuya rồi!

Bà nói khẽ, không quay lại, nhưng nhìn cái giường bỏ trống đến quá nửa, ông Huy chợt hiểu. Từ sau ngày bé Hải chào đời, ông chưa đến với vợ lần nào. Ông cũng biết, bà đã ở cái tuổi chẳng còn mấy ham muốn việc ăn nằm với chồng nữa, nhưng giữa lúc này, có người đàn ông bên cạnh sẽ vơi bớt được những lo âu.

Rụt rè, e ngại như một chàng rể mới, ông nhẹ bước vào buồng và nằm ghé một bên giường. Căn nhà bỗng trở nên yên ắng khác thường, đến nỗi ông e ngại mọi cử động. Ông chưa biết ứng xử ra sao thì bất thần, bà Huy vụt quay người, úp mặt vào một bên vai ông...

Lát sau, khi bà đã gối đầu lên cánh tay ông, ông mới biết gò má của bà đã ướt đầm nước mắt. Vốn là người cương nghị, không mấy ai thấy được đôi mắt bà ứa lệ. Và cũng rất lâu rồi, bà mới lại khóc thầm trong vòng tay ông. Bà vẫn không nói thêm một lời nào, nhưng bằng cảm quan đặc biệt, ông hiểu tất cả những gì đã làm bà rúng động. Biết đâu, đêm nay là đêm cuối cùng ông được ở trong căn nhà của mình. Ngày mai... Chiếc đồng hồ chuông ở phòng ngoài thì vừa điểm giờ đầu tiên của một ngày mới. Bất giác, ông co cánh tay để vợ chồng gần thêm chút nữa. Bằng cử chỉ âu yếm ấy, ông như muốn đền bù... ông vừa hồi tưởng lại, lòng cảm thấy day dứt, ân hận. Nếu như ngày nào đó, hồi ông làm tri phủ huyện S., ông không lôi cuốn cô gái xinh đẹp bên vườn trầu thì cuộc đời bà có thể hạnh phúc hơn? Về với ông, bà đã chịu bao nỗi nhọc nhằn dưới những cặp mắt coi thường, xét nét của các ông chú, bà o. Và có lẽ một phần vì những cặp mắt ấy, bà đã dồn hết tâm trí, đã phải gồng lên lấy sức chèo chống dựng nên cơ nghiệp này để không còn bị xem thường nữa. Những bức tường dày, hàng cột gỗ lim chắc nịch với bao thứ tài sản khác đã thu hút biết bao tinh lực và những niềm vui thú bình dị của bà. Rồi cái trận hồi Ba mươi và lần này nữa. Tất cả đều là tự ông, từ cái nghiệp làm quan chẳng mấy suôn sẻ của ông...

Ông chợt muốn được hỏi, liệu bà có khi nào cảm thấy hối về việc đã nhận lời về làm dâu họ Nguyễn? Ý nghĩ ấy chưa thốt nên lời thì bà đã ngủ yên trên cánh tay ông. Ông lắng nghe nhịp thở êm nhẹ, nhìn dáng ngủ tin cậy của bà, lòng có phần dịu lại. Nếu như đó là cách bà đáp lời ông thì dù ngày mai...

Chuông đồng hồ lại gõ, điểm thời khắc trôi. Một lần nữa, tiếng thời gian lại gợi ông hồi tưởng và nỗi day dứt ân hận vừa dịu xuống đã nổi cộm lên... Phải, tất cả đều tự ông. Nếu như ngày đó, ông không e sợ những cặp mắt của tụi mật thám và bọn hào lý dốt nát muốn tâng công với Tây thì đời ông đã khác lắm. Đời ông không chỉ lỡ bước một lần ấy, nhưng con người ta thật khó cưỡng lại bước đi đầu tiên. Hồi đó, vào lúc ông đỗ đầu kỳ thi Hội thì bố mất. Ông xin cáo tang, nghỉ ở nhà ba năm. Lúc đó, ông đã nghe tiếng vài bậc đàn anh, như tiến sĩ Ngô Đức Kế, sau khi thi đậu, không thèm ra làm quan. Ông thầm cảm phục và muốn noi gương, nhưng rút cục thì ông sợ. Có những cặp mắt dò xét và có tiếng đồn là ông giao du nhập hội với nhóm người phò vua Thành Thái chống Tây. Thế là bước hoạn lộ của ông bắt đầu với chức Kiểm giáo trường Quốc Tử Giám. Ông thích được làm giáo chức vì trong quan trường, đó là nơi sạch sẽ, lương thiện và hữu ích. Nhưng rồi trường chữ Hán đóng cửa. Lần thứ hai, tấm gương các nhà khoa bảng giàu nghĩa khí lại vẫy gọi ông. Đã có bạn đồng khoa đến khuyến dụ ông tham gia hoạt động, ông tự biết mình bản tính nhút nhát, vào hội vào đoàn sợ rồi có lúc làm hỏng đại sự, nên chỉ xin đứng ngoài làm người phò trợ. Trong thâm tâm thì quả thật ông chẳng còn mấy tin tưởng những hoạt động của các nho sĩ có thể cứu dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ. Với việc Pháp bãi bỏ Hán học, ông hiểu là đã đến kỳ Nho mạt, các vị khoa cử còn mong chi làm nên vai trò. Thế là ông tiếp bước thứ hai trên đường hoạn lộ với chức tri phủ huyện S. Thôi thì đã thành danh nơi cửa Khổng sân Trình, phải lấy sự hành đạo làm trọng, phải đem tài trí ra ứng dụng ở đời. Chẳng phải là cái bả danh lợi không có sức cám dỗ ông, mặc dù ông tâm niệm sẽ giữ mình trong sạch, công minh, những mong đỡ cho dân lành những điều oan trái. Đã có lúc, ông tự hào với hai tiếng "thanh liêm" của mình, nhưng bây giờ ngẫm lại, ông biết mình chẳng đỡ được tai ách cho dân lành là bao. "Quan xa, sai nha thì gần", lũ chúng nó dựa vào uy thế ông, lường gạt ông để làm điều xằng bậy, gây bao nỗi oan trái cho dân lành thì nào ông có biết. Vả lại, quan trường một nước thuộc địa thời Nho mạt có khác chi một vũng bùn nhơ, ông lặn hụp trong đó, làm sao khỏi bị vấy bẩn...

Chuông đồng hồ lại gõ, nhắc đêm đã gần tàn. Cánh tay tê dại đi, nhưng ông không nỡ quấy động giấc ngủ ngon lành của vợ. Biết đâu đây là những giờ phút cuối cùng vợ chồng được đầu gối tay ấp bên nhau. Ông tự coi mình là người có tội, sẵn sàng chờ cách mạng tới xét xử, thậm chí ông mong trời mau sáng để "xong việc cho rồi", nhưng mặt khác, ông lại thấy mình chưa làm chi nên tội, suốt mấy chục năm làm quan, cả những thời ông giữ những chức như Tham tri, Tuần phủ hay Tổng đốc, ông không mời một thằng Tây nào đến nhà ăn cơm, không ra lệnh bắt bớ tù đày một nhà cách mạng nào. Ông thầm mong cách mạng minh xét và ông hy vọng. Ông đã được Tâm nói qua cho biết chính sách đoàn kết của Việt Minh...

Những ý nghĩ trái ngược như thế làm ông mệt nhoài. Với cách mạng thì ông vừa mừng vừa lo. Không mừng sao được khi ước vọng độc lập bao đời không thực hiện được đã hiện ra như một giấc mơ. Chỉ một ngày đêm, lính Tây, lính Nhật trốn biệt tăm, lý trưởng, chánh tổng và tri huyện nối nhau dâng sổ sách, án triện. Khắp huyện không có một tiếng súng nổ. Cái ngày "thiên hạ thái bình" đã tới rồi chăng? Mặt khác thì ông lại sợ khí thế đoàn quân áo nâu đông nghịt với gậy gộc, giáo mác giương cao, với tiếng hô đằng đằng sát khí "Đả đảo thực dân phong kiến", "Việt Minh muôn năm!" dậy trời đất, suốt từ sáng tới đêm khuya. Có điều là một ngày đêm qua, chưa ai động chạm đến ba ngôi nhà và khu vườn đầy cây trái của ông, không một ai trong gia đình ông bị bắt bớ, chửi bới hoặc đánh đập. Vậy nên ông lại thoáng chút hy vọng, lòng dịu đi...

Ông Huy không rõ mình đã chợp mắt được từ lúc nào nữa. Ông chỉ nhớ láng máng là một lúc nào đó, cánh tay ông bỗng nhẹ hẫng và hình như có tiếng thì thào rất khẽ. Chà! Không chừng Hảo - người ở gái vào hỏi bà Huy chuyện cơm nước buổi sáng đã thấy cảnh vợ chồng ông đầu gối tay ấp bên nhau. Ý nghĩ ấy làm ông bừng tỉnh. Quả là từ phía bếp đã thoáng ánh lửa hồng dọi lên. Bà Huy đã lại quay mình ôm lấy bé Hải. Ông trở ra sập gụ nằm gắng được một lúc nữa thì trời sáng bạch.

Lát sau, vào lúc ông Huy đang bưng bát ngô bung với đậu, vừa nhẩn nha thưởng thức món ăn đạm bạc, dân giã, đã béo lại bùi, vừa ngó chừng ra phía cổng chờ động tĩnh, tưởng tượng cảnh ông Huân dẫn đội quân vác gậy gộc giáo mác đến hỏi tội mình (nếu xảy chuyện thì hẳn là do ông Huân cầm đầu, nghe đâu ông là người đứng đầu tổ chức Việt Minh trong vùng) - thì chính vào lúc đó, phía ngoài cổng, đã diễn ra cuộc gặp gỡ bất ngờ và kể cũng khá thú vị giữa cô con gái bướng bỉnh của ông và cậu con trai cả ông Huân.

Kiên vừa từ trên huyện về nhà hồi đêm. Đã mấy ngày nay, anh nóng lòng muốn biết tình hình làng xã. Anh chỉ lo các đồng chí ở xã - trong đó bố anh là người chủ chốt - thả tay, để mặc dân chúng làm những điều quá tả, phương hại đến chính sách đại đoàn kết của Việt Minh mà cụ Hồ Chí Minh vừa nhắc lại trong "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa". Việc chung tạm yên thì anh lại nóng lòng với bạn. Nhất định anh không chịu để Tâm đứng ngoài trong thời cơ lịch sử này. Bên nồi khoai lang luộc bốc hơi nghi ngút mà bà mẹ vừa đổ ra rá, thấy Quỳ - cậu em út, nhón một củ phải buông vội vì quá nóng, anh bảo nhỏ:

- Anh nhờ em chút việc. Em sang nhà cụ Huy, nhắn anh Tâm là anh có việc muốn gặp... À, cứ bảo là mời anh sang ăn khoai luộc.

Quỳ xoay người, hăm hở bước ra thềm. Bên nhà cụ Huy, không những có cậu Hưng là bạn học mà còn nhiều thứ có sức hấp dẫn cậu. Vậy mà cậu bỗng quay lại xịu mặt:

- Em không đi đâu! Nhà cụ có con chó Mực dữ lắm... Mà mấy ngày nay, cổng đóng im ỉm, không vào được đâu.

Kiên nhìn đứa em gầy gò chỉ mới đứng ngang thắt lưng anh, chân tay đen đủi, không giày dép, bộ quần áo cộc bạc thếch, lòng bỗng thấy thương cảm và ân hận nữa. Mải mê hoạt động, chẳng mấy khi anh chăm chút được em út trong nhà. Như để đền bù, anh kéo Quỳ đứng vào lòng mình, chọn một củ khoai thật to, chúm môi thổi cho bớt nóng rồi đặt vào tay em:

- Thôi, củ này nguội rồi, em ăn đi.

Ông Huân ra vườn từ sớm, vừa vác cuốc vào thềm, nghe câu chuyện giữa hai anh em, liền bảo:

- Thì nhân thể anh sang nói với cụ Huy mấy lời cho cụ an tâm. Nghe chừng cụ lo lắng lắm.

Thật là "được lời như cởi tấm lòng", Kiên "vâng" khẽ, ăn vội củ khoai, chiêu vài ngụm nước chè xanh rồi cắm cúi đi ra ngõ. Anh mong gặp bạn và cũng sốt ruột muốn biết tin Thanh. Cô ấy làm gì mãi trong Huế mà không về? Giữa thời buổi này, đường sá thì xa xôi, cách trở...

Kiên đang loay hoay chưa biết ứng xử ra sao trước hai cánh cổng lim nặng nề đóng chặt thì Thanh bất thần xuất hiện như là từ trên trời rơi xuống. Cả hai lúng túng trong giây lát, lời chào ấp úng chẳng trọn câu:

-... Anh! Thế mà em cứ tưởng...

- Cô vừa về... Tôi định sang gọi Tâm...

- Để em gọi cổng cho.

Thanh nhanh nhẩu bước sát lại bên cánh cổng, định đưa tay đập mạnh lên phiến gỗ lim, nhưng Kiên vội ngăn lại:

- Đừng cô! Làm náo động, trong nhà hai cụ thêm lo.

Thanh vụt quay lại, không ngờ Kiên đã tiến sát bên cạnh. Thoáng chút e thẹn, cô hơi cúi mặt như để giấu bớt đôi gò má ửng đỏ và ánh mắt ngời sáng của mình, nói nhỏ:

- Thế thì làm sao... Dù sao thì em cũng phải vào.

Cái điều tất nhiên ấy và cả sự gần gũi giữa hai người cũng làm Kiên ngượng ngập bối rối. Anh thì lại mượn khoảng trời bao la xung quanh làm chốn "ẩn nấp". Khung cổng cao đồ sộ, hai dãy tường đầy mảnh chai trên đỉnh như thách thức anh và gợi anh chợt nhớ... Hồi còn đi học lớp nhất trường làng cùng với Tâm, một lần hai anh em mải đá bóng rồi ra tắm sông về muộn, không biết ai đã vội đóng cổng, Kiên đã giúp bạn vượt tường vào trong mở chốt. Bây giờ... Một ý nghĩ đã làm anh thoáng mỉm cười. Mang danh là cán bộ Việt Minh huyện, lại vượt tường vào nhà quan giữa những ngày này thì thật là đẹp mắt! Anh bỗng đảo mắt nhìn quanh. Đường làng còn vắng. Và một sự thúc đẩy, một nguồn kích thích có sức lấn át nỗi e ngại kia. Dù sao thì anh vẫn mới là một thanh niên vừa qua tuổi hai mươi.

- Tôi đã có cách... Nếu như Thanh không ngăn cản...

Kiên nói nhỏ, mắt hướng vào chỗ bức tường giáp nối với cổng. Dõi theo ánh mắt ấy, Thanh chợt hiểu, vội đặt giỏ, buông nón và nói nhanh:

- Phải rồi! Để em trèo vào.

Vừa dứt lời, Thanh đã bước tới, vươn tay nắm vào bên thành cổng. Là trang nam nhi thân dài vai rộng, ai nỡ đứng xuôi tay nhìn thân gái trèo tường. Gần như là hốt hoảng, Kiên bước nhanh lại, hất tay Thanh và chỉ giây lát sau, bằng mấy ngón chân, anh đã đứng trên đỉnh tường đầy mảnh chai. Thận trọng, anh chuyển chỗ đứng vào mép trong, đu người xuống rồi buông tay đánh "thịch". Thế là xong! Vậy mà không hiểu sao khi rút chốt chổng, bàn tay anh lại run lên, hơi thở dồn dập. Không chỉ vì anh đã gắng sức và có phần mạo hiểm. Anh hồi tưởng đến cái giây phút khi hai cánh cổng hé mở... Quả nhiên là cái vòm cổng có phần kín đáo với làn ánh sáng mờ mờ êm dịu đã níu bước chân hai người. Cả hai, có bao nhiêu chuyện để nói với nhau, để hỏi han nhau, vậy mà như khó cất nên lời. Một lát, Thanh mới nói trong hơi thở nhẹ:

- Cảm ơn anh.

- Thanh không biết, hồi nhỏ tôi đã trèo qua một lần...

Kiên kể qua chuyện cũ. Thanh bỗng khẽ nhíu lông mày. Cô hồi tưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ một cách khó nhọc. Đã lâu rồi, đầu óc cô đầy ắp những từ ngữ và khái niệm mới mẻ, những ý tưởng to lớn. Cô đã nhớ ra. Như có một ngôi sao vừa loé giữa màn đêm, cô nhoẻn cười, đôi mắt tròn bừng sáng.

- À, em nhớ ra rồi! Hôm đó chính là em đóng cổng. Ai bảo các anh hay về muộn, để em phải về trước một mình.

- Ghê thật! - Kiên thoáng mỉm cười và vui vẻ nói tiếp - Bây giờ cô về muộn, bị hai cụ đóng cổng không cho vào là phải!

Kỷ niệm tuổi thơ trong sáng như là một dòng suối thần dược có sức biển đổi con người ta trong giây lát. Kiên và Thanh đã mau chóng lấy lại vẻ tự nhiên và Kiên đã tạm quên mọi nỗi e ngại, sóng đôi cùng Thanh đi vào nhà. Chỉ khi vào tới sân, Thanh đi như chạy vượt lên trước. Như muốn trì hoãn giây phút giáp mặt bố, cô không bước lên ngôi nhà chính giữa mà rẽ vào nhà ngang, sà vào bên mẹ cùng những người thân đang quây quần xung quanh nồi ngô bung bên chiếc bàn dài. Tiếng chào hỏi vồ vập, râm ran ở nhà ngang cùng với tấm bình phong dựng trước cái bể cạn giữa sân đã hợp thành bức màn che cho Kiên êm nhẹ bước vào nhà khách tránh được những cặp mắt xét nét và nghi ngại.

Một lúc sau, đợi cho Thanh lên ra mắt bố, từ nhà khách, Tâm cùng kéo Kiên sang. Ông Huy bỏ bát ngô bung đang ăn dở, đáp lời chào của Kiên rồi bảo Thanh:

- Thôi, giờ con kể chuyện trong Huế cho thầy nghe. Chắc các anh cũng nóng lòng biết tin.

Bà Huy với bát ngô bung trên tay cùng Hưng cũng đã bước lên.

- Thì ông để cho nó ăn vài miếng đã...

Thanh đón bát ngô từ tay mẹ, nhưng rồi đặt xuống bàn, e dè cất tiếng:

- Thầy mẹ và các anh đã ở Huế, nhưng chắc là chưa lúc nào Huế vui như thế. Con thật không biết kể như thế nào...

Thanh đã mở đầu câu chuyện như thế. Cô cũng nôn nóng muốn truyền cho nhiều người được biết khung cảnh Huế trong những ngày Cách mạng tháng Tám. Một khung cảnh có thể gọi là kỳ diệu, quả là khó dùng lời lẽ diễn tả hết được. Đêm 22 tháng 8, hầu như cả thành phố không ngủ, người lo may cờ, kẻ viết khẩu hiệu, những đoàn người tập dượt "một hai" rộn ràng khắp các ngả đường. Ai chưa sắm được vũ khí thì chạy quanh tìm giáo mác, dao rựa. Nhiều tốp thanh niên xúm nhau lại dạy cho nhau những bài hát vừa được truyền từ Hà Nội vào: "Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than..." rồi "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc..."

Hôm sau, trời chưa sáng, từ các ngả đường Kim Long, Vỹ Dạ, An Cựu, Bao Vinh, An Hòa hàng ngàn người đốt đuốc, giương những lá cờ đỏ sao vàng với đủ các cỡ, kéo về trung tâm thành phố. Trên sông Hương và những nhánh sông đào quanh thành phố, từng đoàn thuyền cũng cắm cờ đỏ sao vàng, nối nhau hướng về Đại nội, nơi sẽ diễn ra cuộc mít tinh lớn...

Thanh thuật lại, mỗi lúc một hào hứng, thỉnh thoảng dừng lời nghe ông Huy, Tâm hoặc Kiên hỏi thêm rồi lại kể tiếp. Bà Huy thì đứng tựa sau lưng con gái, lúc lúc lại đưa tay vuốt sửa mái tóc dày chưa kịp chải chuốt hoặc sờ nắn đôi bờ vai cô, vừa tỏ cử chỉ âu yếm, vừa như muốn kiểm nhận xem đứa con đã thực về với bà chưa. Cu Hưng chưa hiểu mô tê gì Việt Minh với cách mạng cũng tròn mắt lắng nghe. Điều cảm nhận rõ rệt nhất của chú là người chị sau một thời gian xa nhà lâu ngày trông đẹp hẳn lên và đặc biệt, vai trò của chị đã khác hẳn. Trước đây, trong bữa ăn chị phải ngồi ở nhà dưới, nhà có khách làm gì chị được lên hóng chuyện. Bây giờ thì cả bố, cả anh Tâm với anh Kiên đều chăm chú nghe như nuốt từng lời của chị.

- À, có điều này rất thú vị, ở nhà chắc các anh chưa biết. Người thay mặt Việt Minh trung ương nói chuyện với đồng bào là nhà thơ Tố Hữu...

Tâm và Kiên hầu như cùng thốt "à" lên ngạc nhiên và thích thú. Những câu thơ Tố Hữu họ từng chuyền tay nhau vụt hiện trong chớp mắt:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dn thân vô là phải chịu tù đày...

Hai người con trai còn gửi trí tưởng theo những vần thơ thì Thanh hướng về ông Huy nói:

- Con cũng xin thưa để thầy biết, thầy Tôn Quang Phiệt đã được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên - Huế.

Từ nãy ông Huy ngồi dựa lưng vào trường kỷ, hai tay chắp trước bụng, chưa tỏ thái độ gì, nhưng tên ông Tôn Quang Phiệt - người có thời là học trò chữ Hán của ông đã kéo ông ngồi thẳng dậy, nét mặt lộ vẻ vui mừng. Cho đến lúc Thanh nói rằng các gia đình hoàng tộc cho đến vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đều được sống yên ổn thì ông Huy thực sự cất hẳn được gánh nặng đè trĩu lòng mình mấy ngày qua.

Chưa định sẽ làm gì, nhưng ông đứng dậy, bước lại gần bên Thanh hỏi nhỏ:

- Con nghe nói vậy hay là tận mắt thấy?

- Dạ, con thấy chứ ạ. Mà lúc đầu con cũng không thật tin. Chúng con được biết cách mạng 1789 ở Pháp, các gia đình quý tộc đều bị sát hại, bị giết sạch cả nhà. Rồi cách mạng vô sản Nga thì nhà vua cũng bị giết một cách thê thảm...

Đến lúc này thì anh chàng Kiên mới nhớ đến vai trò người cán bộ Việt Minh của mình cùng lời dặn của bố, từ tốn góp lời:

- Thưa cụ, xin cụ cứ an tâm. Trong Huế cũng như ở đây đều thực hiện chính sách đoàn kết, nhân đạo của Việt Minh. Cụ Hồ Chí Minh tức là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã ra lời kêu gọi đồng bào đoàn kết không phân biệt sĩ, nông, công, thương, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương hay giáo...

Trong khoảnh khắc, ông Huy như đã biến thành một con người khác. Những tin tức Thanh mang về cùng lời khẳng định của Kiên đã khơi dậy những mong ước, những dự định tốt lành tiềm tàng nơi ông, khuyến khích ông hoạt động. Vậy là ông sẽ lại được tự do đi lại, thăm nom bốc thuốc cho bà con, đốc thúc việc học chữ quốc ngữ, tổ chức khai khẩn cùng đồi Vọt lấy chỗ trú thân cho trâu bò trong mùa lụt bão... Phải, bây giờ làng xã đã có người đứng đắn coi sóc, ông sẽ sang bàn với ông Huân...

N.K.P
(TCSH80/10-1995)

 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng