Tiểu thuyết
Cội nguồn thiêng
15:14 | 19/01/2012

LGT: Kịch bản "Cội nguồn thiêng" (ba tập) của tác giả Đoàn Lê - Hoàng Chỉnh khai thác về cuộc đời hai người phụ nữ: Bà nội Hà Thị Hy và thân mẫu Hoàng Thị Loan của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó chuyện phim cũng đề cập đến tuổi thơ ấu biết bao gian khổ của Người. Từ cội nguồn thiêng liêng này đã hình thành nên nhân cách trác việt của một bậc vĩ nhân.

Cội nguồn thiêng
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Đoạn trích đăng dưới đây kể về thời kỳ gia đình Bác vào kinh đô Huế lần đầu tiên. Cái chết xót xa đau đớn của thân mẫu Người, trở thành động lực thúc đẩy cậu bé hơn mười tuổi sau này dâng trọn đời mình cho sự bình đẳng, ấm no của con người.



ĐOÀN LÊ

Cội nguồn thiêng

                        Kịch bản phim

Tại tư dinh quan Quản tu Nguyễn Thượng Hiền, ông quan trẻ của triều đình đang ngồi cùng ngài Tổng tài bàn định công việc. Sách bút ghi chép đặt trước mặt hai người. Đang viết, chợt quan Quản tu dừng tay.

- Ngài Tổng tài ạ, chút nữa tôi quên một việc.

- Thưa quan Quản, xin ngài cứ nói.

- Mời ngài dùng chén nước trà nóng đã.

Tên lính đứng khoanh tay hầu phía sau nhanh nhảu bưng khay trà tới, rót dâng hai quan.

- Trên đường trảy kinh, tôi có gặp một gia đình ông Giám sinh xứ Nghệ cũng vào đây. Tôi vừa hỏi bên Quốc Tử Giám, nơi ông ta đã được nhận học, mới biết người này văn tài không phải thường. Chẳng qua kỳ thi vừa rồi bài văn sách quá lộ chí hướng mà bị đánh trượt. Nay ông ta quyết vào đây theo học tiếp. Thật ái ngại, vợ trẻ, hai con trai nhỏ gồng gánh mang theo… Ngài tính ta giúp gì cho họ được không?

- Họ đang ở đâu thưa quan Quản?

- Chừng này chắc vào tới Huế rồi. Tôi đã dặn tới Huế thì tìm đến đây. Làm gì đã có nơi nào cư ngụ. Bởi vậy sáng nay đi thăm thú Quốc sử quán ta, tôi thấy hãy tạm xếp cho gia đình ông cử Nghệ ấy nghỉ ngơi trong căn phòng nhỏ cạnh kho mộc bản còn trống đó. Được chứ ngài?

- Thưa, tôi nhớ phòng này rồi. Xin lĩnh ý ngài.

*

Anh lính dẫn gia đình ông cử Sắc vào căn phòng mái ngói, tường xây trống trơn, cạnh nhà kho mộc bản, căn dặn:

- Chắc ông bà quen quan Quản tu, ngài mới cho đón rước về đây trú tạm. Nhưng nhớ lửa đóm cẩn thận. Bên cạnh sát vách là kho mộc bản, để bén lửa cháy là tội tru di cả nhà đấy.

- Thưa vâng. Chúng tôi chỉ lấy chỗ nghỉ ngơi, rồi sẽ đi tìm nơi ở an toàn lâu dài đấy ạ.

- Thôi thế, chào ông bà.

- Cảm ơn ông. Cho chúng tôi gửi lời tạ ơn quan Quản, ngài Tổng tài.

Anh lính đi rồi, hai vợ chồng nhìn nhau ngơ ngẩn. Bà Cử:

- Ăn hiền gặp lành. Hãy cứ biết chân ướt chân ráo ta đã có chỗ trú nơi đất khách thế là quá may. Tôi đặt bếp ra góc sân ngoài kia, khỏi lo nhà ạ.

Ông Cử ôm hai vai vợ, giọng cảm động:

- Từ lúc bước chân đi, lòng tôi cứ thắt lại vì lo lắng, nhưng không dám nói ra. Tận bây giờ tôi mới tin vợ chồng mình đã làm được một chuyện tày đình thế này. Tôi thật cảm tạ tấm lòng của mình với các con, đã vì tôi chịu hy sinh khổ ải vừa qua.

Bà Cử mỉm cười:

- Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn kia mà. Qua được đận gian nan đầu tiên, giờ chả có khó khăn gì khiến ta chùn bước nữa nhà ạ.

Người vợ trẻ khẽ tựa đầu lên ngực chồng âu yếm.

*

Hai cậu bé tha thẩn dắt nhau đi dạo quanh khu vực kho mộc bản. Cu Khiêm bảo em:

- Anh đố em biết nơi vua ở đâu?

- Vua ở cung cấm trong thành nội này, cha bảo thế. Là cái nơi có Ngọ môn hôm qua cha đưa ta đi xem đó. Em chỉ ao ước được thấy mặt vua một lần, xem mặt vua thế nào.

- Mi muốn xem mặt vua làm chi?

- Vua trước mười ba tuổi đã biết đánh Tây, sao vua này không?

- Mẹ đã dặn ra ngoài không được nói chuyện Tây kia mà.

Vừa lúc đó có tiếng mẹ gọi. Hai cậu vội chạy về nhà. Và trong đôi mắt trẻ thoáng hiện vẻ sợ hãi. Kìa, cha mẹ chúng đang gói ghém đồ đạc vào quang gánh như buổi nào lên đường trảy kinh.

- Các con đi dép vào. Ta lại dọn nhà các con ạ.

- Lại quay về với bà ngoại hả mẹ?

- Không, cha mẹ tìm được nhà mới.

Anh lính mấy hôm trước đưa gia đình ông bà Cử tới đây bỗng xuất hiện. Ông Cử vồn vã tiếp đón:

- Chúng tôi chỉ còn chờ ông tới để giao lại nhà cửa. Thưa, chúng tôi rất cảm ơn quan Quản mấy tuần qua cho nương náu ở đây. Nhưng gần kho sách quý, những sợ thất thố điều gì…

- Thế giờ ông bà đi đâu?

- Chúng tôi thuê được căn nhà kho cũ bỏ không của đội lính Tuyên Phong, nằm cạnh Viện Đô Sát ạ. Nơi ấy cách trường Giám cũng không xa lắm.

- Vậy mừng cho ông bà. Giờ thuê được nơi ở là khó khăn lắm.

Cu Khiêm nói khẽ với cu Cung:

- Không phải về bà ngoại mô.

*

Căn nhà mới trong khu Thành nội tuy có thời bỏ hoang, nhưng còn khá tươm tất. Mái lợp ngói, tường xây chưa rêu phong.

Bà con láng giềng chung quanh khu vực, người cái kỷ, người cái giường tre, người cái hòm gian khiêng sang cho vợ chồng ông Cử xứ Nghệ mượn dùng.

- Ông bà cử xứ Nghệ dùng tạm cái giường ni, nhiều lộc con cái lắm đây.

- Chỉ chữa cái then cài là hòm gian này đựng gạo, mắm, còn tốt chán bà Cử ạ. Cực khổ đến bằng đi bộ vô Huế cũng xong, vậy có gì ông bà chả vượt qua chứ.

- Thiếu chi nữa cứ sang bên chúng tôi nhé. Bà con nghèo cùng cảnh, đỡ đần được nhau tí nào hay tí nấy.

Vợ chồng họ cảm động vô bờ trước tình nghĩa của những người láng giềng nghèo.

…Nơi đây, sớm sớm ông Cử đi học, bà Cử lại lách cách thoi dệt cái khung cửi mới sắm. Khiêm, Cung, ngồi ê a học bài gần khung dệt của mẹ với mấy đứa trẻ hàng xóm cùng cỡ tuổi.

Cuộc sống tưởng đi vào đường cũ êm đềm…

…Ngoài sân những tấm vải mới phơi, trắng phấp phới gió…

…Một góc chợ Đông Ba xưa, nơi mua bán tấp nập. Bà Cử đem những tấm vải mộc bày bán. Đang giữa buổi chợ, người qua lại chen chúc khá đông... Tuy vậy không ai nhìn đến mặt hàng của bà Cử bày bán.

Hai người đàn bà một lớn tuổi, một còn trẻ, áo dài nền nã, tò mò nhìn những tấm vải mộc trắng, rồi ái ngại bảo nhau, như cốt cho bà Cử nghe tiếng:

- Mệ ơi, những tấm vải mộc thế ni, ai mua làm chi.

Bà Cử Sắc ngước mắt rụt rè mời:

- Bà với cô mua giùm, tôi bán giá rẻ mà.

Cả hai mẹ con bà khách ngồi xuống bên mẹt vải của bà Cử, cười bảo:

- Chúng tôi thấy hai buổi chợ nay, chị không bán được tấm vải nào, phải vậy không?

- Thưa bà, thứ hàng này xem ra ở đây không chuộng thì phải.

- Chị dệt à.

- Thưa bà vâng. Thú thật chúng tôi mới tới Huế sinh sống, nên chưa biết cách dệt những thứ hàng gấm vóc ở đây ạ.

- Gấm vóc giờ cũng còn phải khéo tay dệt mới bán nổi hàng nữa là… Thấy chị thật thà quá, cứ ngồi bán mấy thứ này khéo đói to.

Bà quay bảo cô gái:

- Này con, con tìm cách bày cho người ta kẻo tội.

Cô gái mỉm cười:

- Chị ưng không? Thấy chị ế hàng, mẹ em ái ngại, muốn giúp chị thôi. Có phải chị là bà cử xứ Nghệ mới tới, ở gần viện Đô Sát? Đôi khi em đi qua nghe tiếng chị dệt vải, hỏi, người ta nói thế.

- Chắc đúng đó cô. Quý hóa quá. Để mời bà với cô tới chơi.

Bà Cử vồn vã mời. Cô gái nói:

- Chị đã biết dệt vải, qua dệt gấm cũng không khó lắm.

- Khó mấy tôi cũng cố gắng, không phụ công bà và cô đâu ạ.   

*

Ông Cử Sắc rảo bước về sân nhà. Ông ngạc nhiên không thấy tiếng lách cách khung cửi, chỉ thấy hai con đang cùng nhau khiêng bó cành khô về.

- Mẹ các con đâu, không dệt vải ư?

- Cha ơi, mẹ con dệt thứ gì đẹp lắm cha ạ. Cha về mà xem.

Ông Cử Sắc đi nhanh vào trong nhà. Ông thật ngạc nhiên thấy vợ đang hí húi bên một cái khung cửi lạ. Một đoạn gấm rất đẹp đã được dệt trên khung.

- Mới có dăm ngày tôi đi xem xét tình hình bên trường Giám không về được, ở nhà mình đã có ngay những thay đổi khó tin thế này ư?

Bà Cử ngẩng lên cười rất tươi:

- Em may gặp người tốt giúp đỡ, dạy nghề, lại cho mượn khung cửi cũ. Đó là gia đình hai mẹ con bà tôn nữ bên kia sông Hương, mãi vùng Đập Đá. Cô tôn nữ tên Thảo Hiền, gặp nhau ngoài chợ một lần nên quen thôi. Em mừng quá mình ạ. Giờ em sẽ dành tấm gấm đầu tiên này để may áo cho chồng em vinh quy, được chưa?

- Nhà lăn lộn suốt ngày đêm lo cho chồng con, dù đỗ đạt tôi cũng chẳng xứng mặc áo gấm.

- Nhưng em còn chuyện mừng hơn khoe với nhà. Đây, nhà xem sách học của các con này.

Bà Cử lấy hai cuốn vở tập viết đưa cho chồng xem. Ông tấm tắc:

- Tôi vẫn biết nét bút của Cung đã rắn rỏi lại chững chạc. Nét chữ của Khiêm mềm mại hơn. Sau này hẳn Cung sẽ là người trí lực không vừa nhà ạ.

Bà Cử chợt nhớ điều gì, đôi mắt trở nên xa xăm:

- Nhà biết không, ngày sinh cu Cung… thật lạ lắm. Rành là có tiếng nói rất lạ… Mà thôi, em sợ không muốn nhớ lại nữa.

- Lúc mới sinh, người đang hốt hoảng, nhà để bụng nghĩ ngợi làm gì.

- Vâng. Em vẫn tự nhủ như vậy. Chỉ cần thấy con lớn lên bình yên bên cạnh mình, em vững tâm hơn.

*

Giờ ngoài sân ngôi nhà đã thấy phơi một tấm gấm óng ánh trong nắng. Tiếng thoi vẫn lách cách rộn rã.

...Cung cùng các bạn trong xóm chơi đùa ngoài cổng Đông Ba. Chúng chơi đá cầu, tranh cãi om sòm.

Bỗng cả đám trẻ im bặt, khi thấy ba tên lính Pháp đi nghênh ngang qua. Cùng lúc ấy xuất hiện cái kiệu của một vị quan triều đình, với gần hai chục lính hầu, đi ngược lại. Ba tên lính Pháp dàn hàng ngang đứng chắn lối, không chịu nhường đường cho kiệu đi. Tên chỉ huy xì xồ vung tay quát gì đó. Lập tức vị quan hạ kiệu, bước xuống cung kính vái tên quan Pháp. Tên này vênh váo ngoắc tay ra hiệu cho cả bọn vượt qua đám quan quân đứng dẹp bên đường. Chúng đi rồi, vị quan mới leo lên kiệu đi tiếp.

Cảnh tượng nghịch mắt chỉ diễn ra trong vài phút như một hoạt cảnh câm.

Cung đứng đó, ngẩn ra suy nghĩ, trong lúc các bạn đã tiếp tục cuộc chơi.

Vừa lúc ấy một cụ già đi xin ăn, hạ cái nón mê xuống bãi cỏ ngồi nghỉ, ngay gần chỗ Cung đứng. Bà cụ mở cái bị lấy miếng bánh khô gặm từng tí một.

Nhìn cụ già ái ngại, Cung lẳng lặng chạy về nhà.

Bà Cử đang quay xa, thấy Cung về, ngẩng lên.

- Cung ơi, đến giờ học rồi đó con.

- Mẹ ơi, mẹ cho con bát gạo được không ạ?

- Chao, lấy gạo đi chơi nghịch sao? Bà Cử ngạc nhiên.

- Mẹ ơi, có bà lão ăn xin ngoài kia, bà cụ không còn răng mà phải gặm bánh khô. Mẹ cho bà bát gạo nấu cơm mẹ à.

Bà Cử nghe con nói, ánh mắt ấm áp, nhẹ giọng:

- Thế thì được. Con lấy cho bà cụ kẻo tội.

- Vâng. Rồi con về học ngay.

Cung chạy tới góc nhà, xúc bát gạo trong cái hòm gian, dúm vào vạt áo, chạy đi.

Đưa biếu bà cụ ăn xin xong, Cung đang phủi áo thì ông Cử đi tới. Đám trẻ nhao nhao chào:

- Chúng con chào bác ạ.

- Chào các cháu.

Cung nắm tay cha cùng đi.

- Cha ơi, sao cha đi lâu thế?

- Ờ, cha mắc việc. Nhưng con nghịch chi không về giúp mẹ?

- Thưa cha, mẹ cho con chơi một lát rồi về học. Cha ơi, cha đi lối đó có gặp mấy người Pháp không cha? Họ bắt các quan mình phải xuống kiệu vái chào, nhường đường họ đi. Lúc nãy con thấy tận mắt khi họ qua đây cha ạ.

Ông Sắc khẽ lắc đầu, giọng nhỏ lại:

- Thế đó con. Lớn lên con sẽ thấy còn nhiều điều khó chịu ghê gớm nữa con ạ. Nhưng giờ con còn bé quá, hãy chú ý vào chuyện học đã.

Hai cha con về tới nhà. Bà Cử với Khiêm cũng vừa bưng mâm cơm từ dưới bếp lên.

- May quá, nhà về đúng bữa rồi.

Ông Cử đặt người xuống cái kỷ gỗ, nhìn vợ do dự.

- Nhà ơi, kỳ thi vừa qua tuy không đỗ, nhưng ba bài thi của tôi đủ điểm nên tôi được xét không phải đến trường Giám thường nhật nữa. Nay nhờ quan Thượng thư bộ Hình là Đào Tấn, vốn chỗ quen biết với tôi, quan Thượng nói với ông Đinh Viết Chuyên cho tôi ngồi nơi dạy học ở Dương Nỗ, cách đây những sáu cây số. Đi thì cũng có khoản tiền đưa cho nhà nuôi con, nhưng xa thế biết tính thế nào?

Bà Cử hớn hở:

- Được vậy tốt quá chứ sao?

- Mấy hôm nay tôi đi Dương Nỗ xem thử tình hình. Lớp học sẽ được mở tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ. Ông Độ lại có gian nhà riêng dành cho tôi ở, luôn tiện kèm cặp người con ông ấy sắp thi Hương. Cơm nước đã có người lo. Tôi sẽ cho Khiêm đi theo. Nhưng tôi lo cho nhà xoay xỏa một mình, Cung còn nhỏ quá…

- Nhà đừng lo cho mẹ con tôi. Khiêm vừa đi hầu cha, vừa được theo cha kèm học là hay lắm rồi.

Khiêm sán đến bên cha, háo hức:

- Thưa cha, con sẽ giúp cha việc vặt hàng ngày nữa mà.

Cung mím môi rồi nói:

- Vậy con ở nhà sẽ đỡ việc cho mẹ, rồi cha coi.

Bà Cử tủm tỉm:

- Như thế lo gì cha các con không tiếp tục được con đường đèn sách đến cùng? Phải không các con?

Ông Cử kéo hai đứa con lại, ôm lấy chúng, xúc động không nói thành lời…

*

Dạo này bụng bà Cử đã lùm lùm cao, vẻ mệt mỏi lộ rõ. Ngồi dệt cửi, cái bụng của bà sát vào khung vải gấm.

Cung nhặt rau, vo gạo thoăn thoắt. Cậu bé đã gần mười tuổi, trông cao lớn hẳn. Mấy trẻ bạn xăm xắn giúp đỡ Cung một tay. Đứa lấy củi, đứa nhặt rau…

Bà Cử tủm tỉm hỏi đám trẻ:

- Thế Cung có hay sang giúp đỡ các bạn không?

- Dạ, có ạ. Cung còn nói phải giúp nhau mới là bạn bè ạ.

- Đúng rồi. Các cháu phải cho bạn Cung cùng làm với nhé.

- Dạ, bạn Cung toàn giành việc khó, việc nặng thôi ạ.

- Thế là đúng… Thôi được rồi. Để đấy bác nấu. Giờ các cháu chơi đi, lát nữa về học cùng với Cung. Có điều không được la to. Ở đây trong Thành nội, không được phép làm kinh động. Nhớ nhé.

- Dạ, chúng con nhớ ạ.

Đám trẻ chạy ùa ra cửa. Bà Cử lúc này mới vươn người ôm bụng khẽ nhăn nhó.

Chợt cô tôn nữ Thảo Hiền ở bên Đập Đá, người giúp đỡ bà học dệt gấm, bước vào nhà.

- Chị Cử, em sang xem chị đã xong tấm gấm mới chưa? Khách chuộng hàng chị dữ lắm. Ai cũng khen, cũng đòi.

- Thảo Hiền ơi, mấy hôm nay chị cứ nhâm nhẩm đau bụng, không dám ngồi rốn. Nói với bà cho chị chậm vài hôm nữa nhé.

- Dạ. Đây là tiền công hai tấm gấm lần trước.

- Chao, được nhiều thế ư? Những hai quan?

- Dạ, mệ em bán được giá, trả thêm công chị. Mệ em cứ nói thương chị hoài.

- Cảm ơn bà hộ chị nhé.

- Em có người quen ở Dương Nỗ, họ cũng ca ngợi anh Cử nhà ta lắm. Ai cũng nô nức đến xin học cho con. Mà người ta quý cái nết ông đồ Nghệ lắm chị ạ. Thật rõ vợ chồng được cả đôi.

Bà Cử chỉ cười, cái cười hiền lành.

*

Chiều muộn, bóng kinh thành in trên nền trời hoàng hôn. Chín hồi trống nổi lên là là vang trên mặt nước sông Hương.

Bà Cử bước xuống khung dệt. Một cơn đau trỗi dậy khiến bà ôm lấy bụng. Bà bảo Cung đang chờ bên mâm cơm:

- Trống cấm thành rồi đó. Con ăn cơm đi, mẹ không thấy đói chút nào. Đây, mẹ ngồi cùng con cho vui.

Cung lo lắng sát lại bên mẹ.

- Mẹ ơi, mẹ ốm mệt sao hở mẹ? Con nấu canh lá ngót cho mẹ đây. Mẹ cố ăn một chút cho khoẻ.

- Ờ, mẹ đang khó chịu trong người, con trai ạ. Hình như… hình như…

- Sao mẹ ơi?

- Mẹ lo đêm nay có thể mẹ sinh em bé.

- Trời ơi, thật hả mẹ?

- Chưa biết được. Nhưng mình cứ phải lường trước. À, con có thể một mình đi đến Dương Nỗ tìm cha về không?

- Con đi được. Nhưng giờ cấm thành rồi, con làm sao đi?

- Không phải bây giờ. Mai con chờ trống khai môn rồi đi ngay con ạ.

- Vâng. Đêm nay mẹ cố chờ cha về mẹ nhé.

Bà Cử đang đau nhăn nhó vẫn không khỏi buồn cười.

- Mẹ sợ không chờ được. Nhưng nếu có chuyện gì xảy ra, con có thể giúp mẹ. Con không sợ chứ? Con đã lớn kia mà…

- Vâng. Phải làm gì mẹ cứ bảo con.

- Vậy con ăn cơm đi.

- Con… con không ăn được mẹ ạ. Hay để lát nữa mẹ đỡ rồi hai mẹ con mình cùng ăn.

Nói xong Cung bê mâm cơm để lên kỷ gỗ, đậy lồng bàn lại.

Bà Cử cố đứng dậy, đi vào giường nằm. Cung tới ngồi bên mẹ, nắm bàn tay bà, lo lắng.

- Mẹ ơi, hay con gọi bà Cửu, mẹ bạn Huệ tới đây nhé.

- Con à, quanh đây tuy toàn bà con nghèo tốt bụng, nhưng mình phiền người ta không tiện. Rồi mình biết lấy gì trả ơn? Mẹ con ta cố gắng tự lo liệu. Con đi đun cho mẹ ấm nước sôi.

Cung chạy thoắt xuống bếp. Nổi lửa bếp, đặt nước, vừa làm cậu vừa lắng tai nghe tiếng rên rỉ của mẹ mỗi lúc một to.

Đêm buông xuống. Đám mây vần vụ che kín mặt trăng.

Cung rót nước ủ vào ấm sành rồi chạy lên nhà trên. Cậu đứng lặng nhìn mẹ quằn quại trong cơn đau…

- Mẹ ơi!

Nước mắt Cung lưng tròng. Cậu bối rối chạy ra cửa.

Một tiếng kêu kéo dài đau đớn vang lên.

Không chịu nổi, Cung chạy bay ra ngoài. Bóng tối, cây lá như chụp lấy cậu. Bàn chân bé nhỏ phăm phăm cùng với tiếng tim đập thì thụp.

Cung chạy tới ngôi nhà láng giềng cách đó một quãng đường. Cửa nhà họ đã đóng. Cung không ngần ngừ lấy tay đập cửa, miệng nghẹn ngào kêu:

- Bác Cửu ơi, cứu mẹ cháu với, bác Cửu ơi!

Cánh cửa bật mở. Một người đàn bà cầm cây đèn hớt hải ngó ra. Nhìn thấy Cung nước mắt nhòe nhoẹt, bà ta vội nắm lấy nó hỏi dồn:

- Sao đó? Việc chi vậy?

- Bác ơi, bác sang ngay. Mẹ cháu… mẹ cháu sinh em bé hay sao đó.

Nghe chưa trọn câu, người đàn bà dúi vào tay Cung cây đèn, vừa chạy vừa bới tóc, miệng gắt gỏng:

- Trời đất ơi, bà Cử này gan chi lạ. Quanh đây mọi người chết hết sao mà dám sinh nở một mình thế này?

Bà Cửu chạy gằn theo Cung.

Cơn giông đêm đầy đe dọa với tiếng cây lá ràn rạt gió. Thỉnh thoảng một ánh chớp khan lóe lên.

Hai người vừa tới cửa nhà đã nghe tiếng oa oa yếu ớt vọng ra cùng với tiếng sấm ì ầm hòa theo. Bà Cửu nói như reo:

- Sinh rồi! Thế là sinh rồi.

Bà Cửu chạy nhanh vào nhà. Cung đứng lại bên cửa, lúc này cậu bé mới nức nở khóc thành tiếng.

*

Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU


Mặt trời vừa ửng hồng trên mái vọng lâu. Chín hồi trống lại đổ hồi. Cung chờ bên cổng thành Đông Ba cùng một số người đi sớm. Khi cánh cổng thành vừa được mở, cậu chạy nhanh qua cửa.

Tiếng dặn dò của mẹ cứ theo riết bước chân Cung như người chỉ đường vô hình.

Con ra khỏi cổng Đông Ba rẽ qua tay phải. Rồi cứ men theo tường thành mà đi. Tới lúc nhìn thấy cây cầu Thành Thái* con đi qua sông Hương, sang bờ bên kia, rẽ trái. Rồi con cứ đi dọc bờ sông Hương xuống tít Đập Đá, qua đó thẳng tuốt, hỏi thăm chợ Mai… Đó là đến làng Dương Nỗ, nơi cha dạy học… Đường ở miệng con à.

…Những lời nhỏ nhẹ mệt nhọc của mẹ đã đưa chân Cung tìm đến tận Dương Nỗ, nơi cha cậu dạy học.

Trông thấy Cung, ông Cử Sắc không khỏi sửng sốt.

- Con, ai đưa con tới đây?

- Thưa cha, mẹ chỉ đường con đi tới đây. Đêm qua mẹ sinh em bé rồi. Em trai cha ạ.

- Ôi trời ơi, là mẹ con sinh sớm mất rồi.

…Giờ cả ba cha con ông Cử vội vã trở về ngôi nhà ở trong Thành nội.

Bà Cử nằm trên giường, đưa trẻ mới sinh nằm cạnh. Bà có vẻ không khỏe lắm. Nhìn thấy ba cha con ông Cử trở về, bà mỉm cười yếu ớt, khen Cung:

- Con giỏi quá, con trai mẹ ạ. Con đã đi được đến nơi về đến chốn đó.

Ngồi bên giường, ông Cử bắt mạch cho vợ, vẻ lo lắng hiện trên nét mặt:

- Tôi e lần này sinh non tháng, nhà không được khỏe lắm. Tôi sẽ xem sách thuốc cắt cho nhà ít thang. Nhà chịu khó uống mới được.

Ông bế đứa con mới sinh nhìn ngắm âu yếm. Đứa bé ọ ẹ một chút rồi ngủ ngoan trong tay cha.

- Nhà đặt tên cho con đi. Bà Cử dịu dàng giục.

- Ta cứ theo như khi sinh thời ông ngoại đặt cho các cháu đó. Con sẽ mang tên nguyễn Sinh Nhuận, nhuận là thêm, là dư nhà ạ. Tên tự con là Tất Danh, nhà nhớ nhé.

- Vâng.  

- Có điều này tôi phải bàn với nhà. Tôi vừa nhận được tin Bộ Học cử tôi đi chấm sơ khảo trong Hội đồng thi Hương ở Thanh Hóa kỳ này, nhà ạ.

- Nhưng nhà mới chỉ đỗ cử nhân mà?

- Thế. Tôi cũng không ngờ được cắt cử vào một trọng trách như vậy. Chưa có cử nhân nào được đặc ân ấy. Mừng thì mừng thật, có điều bây giờ mình vừa sinh còn bấy bớt, tôi đi xa không yên tâm.

- Ôi, nhất định mình phải đi đấy. Như những lần sinh nở trước, em chỉ nằm ổ vài ba hôm lại bình thường thôi mà.

- Tôi vẫn lo lắm.

- Nếu đi, nhà cho Khiêm đi theo, giúp cha điếu tráp. Ở nhà ba mẹ con em khắc xoay xỏa được. Mình thấy Cung đã biết lo toan đủ việc đó thôi. Khiêm đi với cha là em yên lòng lắm rồi.

Bà Cử gượng ngồi dậy, níu lấy tay chồng, ân cần:

- Nhà không được để lỡ dịp may mắn này đâu. Đó, cu Nhuận sinh ra đã mang điềm lành cho cha đó, cha đừng bỏ phí.

Ông Cử lần túi áo đưa một gói tiền cho vợ:

- Đây là tiền tôi dạy học, để lại cho nhà chi dùng trong những tháng tôi đi xa.

- Ô hay, rồi hai cha con mình ăn tiêu bằng gì?

- Tôi đi đã có cấp phí, mình đừng lo.

- Hai cha con đến tận trường thi Thanh Hóa thì về quê chỉ một đoạn đường… Giá mà… Tôi nhớ con Thanh nhớ bà ngoại quá chừng. Nhiều đêm nằm mơ về quê, cứ chảy nước mắt, không dám nói với mình.

- Được rồi mình ạ. Xong công việc có thể hai cha con sẽ về thăm bà, thăm con. Biết mình sinh cu Nhuận chắc bà mừng lắm.

*

Cô tôn nữ Thảo Hiền tới chơi, mang theo túi quà cho bà Cử. Thấy bà đã dệt cửi, cu Cung ngồi đưa võng cho bé Nhuận, cô ái ngại kêu lên:

- Sao chị làm sớm thế? Còn mệt thì hãy nghỉ ít hôm đã chứ.

- Chị dấn cho xong tấm gấm này rồi mắc sợi làm vải mộc như bà đã dặn mới kịp em ạ.

- Người ta cứ oái oăm đòi ba tấm mộc trắng, chẳng hiểu để làm gì nữa… Đây, mẹ em gửi biếu chị chục trứng, cân đường phèn. Cố tẩm bổ cho hồi sức chị ạ. Thế thuốc uống hết chưa? Em cắt thêm nhé.

- Chị vẫn còn một thang. Cảm ơn bà với em nhiều lắm.

- Chị khách khí quá.

Vừa lúc đó bé Nhuận ngọ nguậy khóc. Cung nhìn mẹ lo lắng:

- Em đói mẹ ơi.

Bà Cử rời khung cửi, lảo đảo đứng lên đón đứa bé. Rồi dù mẹ nậng nịu ru rín, bé Nhuận cứ khóc ngằn ngặt.

Cô tôn nữ bảo:

- Chị cho cháu bú xem.

Bà Cử lúng túng:

- Chị ốm quá, có còn tí sữa nào đâu… Cung ơi, con bế em sang xin cô Hảo một miếng sữa cho em vậy.

- Thưa mẹ vâng.

- Con chờ để con cô Hảo bú xong hãy xin cho em, con nhé.

- Vâng, con hiểu rồi.

Cung đón đứa em trên tay mẹ. Bà Cử vắt tấm khăn vuông đội đầu lên vai Cung, che cho bé Nhuận. Hai anh em lếch thếch bế nhau đi.

Bà Cử mệt nhọc lả xuống võng. Cô tôn nữ sợ hãi vội đỡ lấy bà.

- Kìa chị...

*

Lá thu vàng rơi đầy mái ngói rêu phong. Cơn gió lạnh thổi bay phấp phới tấm vải mộc trắng phơi trong sân. Nhưng trong nhà không nghe tiếng thoi dệt quen thuộc nữa.

Bà Cử nằm thiêm thiếp trên giường. Cung bế em đu đưa trên võng ru rín:

 À ơi bống bống bang bang…
Cò con lạc mẹ biết sang bến nào.
Mịt mù trời đổ mưa rào,
Cò con rũ cánh mấy tao khóc thầm…


Em Nhuận thiu thiu ngủ trong vòng tay anh. Cung đưa mắt buồn rầu nhìn cái khung dệt mới được khoảng ba gang vải trắng, nằm im góc nhà. Có tiếng mẹ húng hắng ho.

- Mẹ ơi, mẹ có khát nước không? Con lấy nước cho mẹ uống nhé?

Tiếng bà Cử thều thào:

- Em ngủ rồi ư con?

- Vâng, em ngủ giấc này rồi con sẽ bế em sang xin sữa cô Thư mẹ ạ. Cô ấy mới sinh em bé, dư sữa lắm.

- Vậy con đặt em đây cho mẹ. Lấy cái vịm ra mua ba hào cơm với thức ăn kẻo đói.

- Vâng ạ.

Cung bế bé Nhuận khẽ khàng tới đặt bên cạnh mẹ.

Xuống bếp lấy cái vịm sành, đặt vào gióng mây ba tao, Cung không quên rót bát nước còn ấm mang lên cho mẹ.

- Mẹ ơi, nước ấm vừa uống rồi.

- Để đó cho mẹ. Tiền đây con.

Cầm tiền, Cung nấn ná chưa đi vội.

- Mẹ ơi, mẹ không cắt thuốc uống sao?

- Nhà mình nghèo, lấy đâu tiền uống thuốc mãi được. Sau này mẹ khỏe, dậy dệt cửi được tiền mẹ sẽ uống thêm thuốc con à.

- Sao nhà mình nghèo mãi thế này hở mẹ?

- Không chỉ nhà mình nghèo đâu. Con nhìn chung quanh mà xem. Nhiều người khổ lắm. Cha mẹ cũng đã hết sức lo cho các con, nhưng nếu… nếu có điều gì không hay xảy tới, chính các con hãy tự lo cho mình, có khi còn phải chịu đựng hơn thế này nữa.

- Mai lễ ông công ông táo, các bạn rủ con sáng ra sông Hương xem những nhà giàu mua cá chép thả mẹ ạ. Tiếc quá.

- Ờ, mẹ biết rồi. Mẹ ốm thế là nhà ta không có Tết đâu con. Đừng buồn con nhé.

- Vâng. Mà sao cha đi mấy tháng không về vậy mẹ?

- Nghe nói cha tiện đường qua nhà để lo xây mộ cho các cụ. Đừng mong mà cha nóng ruột. Ở đời không gì lớn hơn chữ hiếu con ạ.

- Vâng.

*

Ngoài kia người đi chợ Tết đầy đường, dù trời âm u rét. Cái chợ nhỏ bán hoa xuân bày bên cổng Đông Ba rực lên những cành mai vàng.

Cung xách cái vịm cơm, đưa đôi mắt náo nức ngó thiên hạ.

Một đứa trẻ cỡ tuổi Cung mang mấy bánh pháo dài, hí hởn chạy theo cha nó.

Một em bé cầm mấy cành hoa giấy trang kim lóng lánh, với những tua xanh đỏ chỉ ngũ sắc.

Bước chân Cung thờ thẫn đi qua cổng Đông Ba.

Về tới gần cửa nhà, Cung chợt nghe tiếng em Nhuận khóc ngằn ngặt. Cung vội đẩy cửa chạy vào. Trươc mắt Cung một cảnh tượng khiến cậu chết sững. Bé Nhuận vừa khóc vừa lồm cồm bò trên ngực mẹ. Nhưng mẹ nằm im lìm, một tay thõng xuống mép giường.

Cung đánh rơi vịm cơm, nhào tới bên mẹ.

- Mẹ, mẹ ơi!...

Người bà Cử đã cứng lạnh, bát nước đổ nghiêng trên đầu giường, gương mặt võ vàng bất động.

Cung gào lên đau đớn:

- Mẹ ơi… ơi!

Tiếng gào như vang vọng, thấu đến tầng trời mây xám.

Một cơn gió quẩn ào ào nổi lên. Lá vàng trút như mưa xuống mái nhà xanh rêu ấy.

*

Cỗ áo quan phủ chiếc chiếu hoa có chữ Song Thọ. Mấy ngọn nến, bát cơm lồng đặt trên áo quan. Vài ba người đàn ông thì thào bàn tán:

- Dân thường không được đưa áo quan qua cổng Thành nội. Thế này ta phải đưa bà Cử đi theo đường cửa hậu Đông thành Thủy quan, xuống thuyền qua cống Thanh Long, theo sông Đông Ba ra sông Hương rồi ngược lên An Cựu.

- Phải rồi. Bà con đi đám thì cứ qua cửa Đông Ba đợi thuyền ra, đi cùng.

- Đến ngã ba Giàng Xay ta gánh cỗ quan lên bộ, táng bà Cử trên núi Tam Tầng là hơn cả.

Trong lúc đó những người đàn bà cắt mảnh vải trắng trên khung dệt, xé làm khăn áo tang cho Cung với bé Nhuận.

- Tội chưa, bà Cử đã dệt sẵn khăn cho các con để tang mình đây.

Cô tôn nữ Thảo Hiền bế bé Nhuận trên tay, hai hàng nước mắt lặng lẽ chảy dài.

Mỗi lần Cung nhào tới cỗ quan tài mẹ, bà Cửu lại bịt lấy miệng cậu dỗ dành:

- Con ơi, bác xin con, phải im lặng, không được cất tiếng khóc nào đâu, kẻo mọi người mất đầu đó con ơi.

Lúc ấy mấy người đàn ông khiêng cỗ áo quan bắt đầu đi ra. Cung đội khấu rơm, mặc áo đại tang, chống gậy, chân đất, đi giật lùi đón trước cỗ áo. Đám tang lặng lẽ lên đường.

Hai con thuyền nhỏ bồng bềnh trên dòng sông Hương, ngược về phía An Cựu.

Cung phủ phục trên cỗ áo, đôi vai nhỏ cứ run lên từng đợt.

Bé Nhuận mút ngón tay, đôi mắt ngây thơ ngó trời đất.

…Tới ngã ba Giàng Xay người ta gánh áo quan bà Cử lên bờ. Cung lại chân đất, chống gậy, đi giật lùi trước quan tài mẹ. Một người đỡ Cung. Cậu bé như cái xác thất thểu.

Bà Cử được chôn cất trên triền đất núi Tam Tầng. Lúc người ta lấp đất lên quan tài là lúc tiếng gào khóc xé ruột của Cung không ai ngăn được. 

- Mẹ ơi, mẹ đừng đi mẹ ơi. Mẹ đừng đi…

*

Đêm. Ngôi nhà quạnh vắng. Ngọn đèn trên bàn thờ leo lét.

Trên võng, Cung ngồi bế em. Nghe tiếng gió u u thổi rít ngoài trời. Bên tai Cung như văng vẳng đâu đây tiếng mẹ ru hôm nào, những lời ru mà Cung đã thuộc lòng.

À ơi, bồng bồng bống bống bang bang.
Cò con lạc mẹ biết sang bến nào.
Mịt mùng trời đổ mưa rào,
Cò con rũ cánh mấy tao khóc thầm…


Cung lả đầu xuống cánh võng thiếp đi trong tiếng nấc. Cậu như thấy bóng hình mẹ đang soi đèn, bắt tay cho cậu viết từng nét chữ. Rồi mẹ cúi xuống mỉm cười an ủi:

- Nhà mình nghèo, lấy đâu tiền mẹ uống thuốc mãi được… Mẹ ốm thế, nhà ta không có Tết đâu, con đừng buồn nhé… Con chăm em, đừng để em khát sữa, tội nghiệp.

Rồi mẹ rời anh em Cung đi giật lùi ra cửa, vẻ quyến luyến không muốn rời. Bóng mẹ nhòa với bóng đêm ngoài trời.

Cung giật mình mở bừng mắt. Cậu cất tiếng gọi nức nở.

- Mẹ ơi… Mẹ đi đâu mẹ ơi…

Bên ngoài trời đã nhập nhoạng sáng. Một bà mẹ trẻ đẩy cửa bước vào với vẻ tất tả.

- Cung ơi, đưa cu Nhuận đây, cô cho nó bú miếng. Đêm qua cô không ngủ được vì thương nó, chỉ sợ nó nhớ mẹ, lại đói bụng.

Cung đưa em cho người đàn bà. Cô ta cho Nhuận bú.

- Cháu cảm ơn cô.

- Mấy ngày rồi vẫn cứ khóc mãi ư cháu? Nín đi. Cố cho qua cháu ạ. Cháu cứ khóc, dưới đó mẹ cháu đau lòng, cháu biết không?

*

Tết đã hết. Người ta quét xác pháo từng đống.   

Cây mai mọc trong sân lả tả rụng cánh, rơi vàng góc sân.

Bữa ấy trong nhà Cung bà con tấp nập tới chơi.

Ông Cử Sắc đầu chít khăn tang ngang, đứng tiếp nước trước bàn thờ sơ sài của vợ bày ở gian giữa nhà. Trên gương mặt hai cha con vẫn nhòe nhoẹt nước mắt. Giọng ông nghẹn ngào:

- Kính thưa bà con xóm giềng gần xa. Hiền thê tôi chẳng may bạo bệnh khuất núi đột ngột trong lúc tôi ở quê nhà không biết. Nay tôi ra được đến Huế mới hay bà con thương tình đã lo lắng cho hiền thê tôi được mồ yên mả đẹp, lại đùm bọc nuôi dưỡng hai đứa con côi nhỏ dại. Ơn nghĩa này kể sao cho xiết. Xin cho cha con tôi gửi ba lạy tạ ơn bà con.

Cha con ông Cử vái ba vái. Mọi người đáp lễ chân tình. Nhiều người đưa tay áo chấm nước mắt.

…Giờ đây ba cha con bồng bế nhau đứng trước ngôi mộ chưa kịp lên cỏ của bà Cử trên núi Tam Tầng. Cung bế bé Nhuận cho cha thắp hương, đốt tiền vàng. Rồi ông Cử phủ phục trước mộ vợ, hai hàng nước mắt chảy dài.

- Nhà ơi, nhà khôn thiêng xin chứng cho tấm lòng xót xa đứt đoạn của cha con tôi. Nhờ ân tình sâu nặng không biết chừng nào của mình, tôi đã vượt bao ghềnh thác gần hai chục năm nay. Giờ bố con tôi không có mình, tựa hồ vơ vất giữa đồng không mông quạnh, dở sống dở chết, cay đắng biết bao giờ nguôi. Đến ngày nhắm mắt, tôi cũng không bao giờ quên được hình bóng của mình, người vợ thủy chung cao cả, tận tụy trọn đời vì cha con tôi. Mình khôn thiêng xin theo chân cha con tôi rước về quê hương bản quán để tôi hương khói cho mình, mình nhé.

Ông lau nước mắt, đỡ bé Nhuận trong tay Cung và bảo con:

- Con lạy mẹ, xin phép mẹ để bố con mình lên đường trở về quê với bà ngoại, con ạ.

Cung phủ phục y như cha mình, cậu nói trong tiếng nức nở:

- Mẹ ơi, con lạy mẹ, con với em về quê đây.

Sườn núi lộng gió chiều. Cung bước theo cha. Thỉnh thoảng cậu ngoái đầu nhìn lại. Và như từ con mắt người nằm dưới mộ nhìn theo con mình, bóng Cung lồng lộng in trên bầu trời.

Lời tự sự của cậu vang lên trong cõi thiêng liêng:

Mẹ ơi, con xin ghi lòng tạc dạ những lời dặn dò của mẹ. Lớn lên con hứa sẽ tìm cách để không ai phải chết vì nghèo khổ, đau đớn không thuốc, không cơm áo, không đứa trẻ nào phải chịu bất hạnh cô đơn. Xin mẹ hãy phù hộ con làm được điều đó. Là vì mẹ của con… Là vì mẹ của con…


Cảnh kết phim

Hình ảnh cậu bé với những ý nghĩ già dặn ấy bỗng mờ chồng trong hình ảnh kỳ đài ngày 2-9-1945. Hồ Chủ Tịch đứng đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam độc lập.

Lời người dẫn chuyện:

Cậu bé ấy đã dành cả cuộc đời cứu đất nước đói khổ, đọa đầy. Sau hơn bốn chục năm bôn ba, giờ người đứng đó khai sinh cho một đất nước độc lập. Cả cuộc đời Người dâng hiến cho Tổ quốc sinh tồn. Mỗi người Việt Nam sẽ mang trong trái tim mình mãi mãi hình ảnh người con ưu tú nhất của dân tộc.

Và chìm đi tiếng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Người, bỗng vang lên tiếng thì thầm của cậu bé ngày xưa, với dáng đứng lồng lộng trên sườn núi Tam Tầng:

…Là vì Mẹ… là vì Mẹ của con…

Đ.L
(SH276/2-12)









 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Đêm thánh nhân (22/04/2010)
Kho báu (13/10/2009)